Thư Viện Hoa Sen

Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết

08/06/201012:00 SA(Xem: 30312)
Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết
KINH DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT
VIMALAKĪRTINIRDEŚA-SŪTRA

Bản Hán ngữ: DUY-MA-CẬT-SỞ THUYẾT KINH
Của Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Tham chiếu: THUYẾT VÔ CẤU XƯNG KINH
Đường Huyền Trang dịch - bản dịch Việt: TUỆ SỸ
Nhà xuất bản Phương Đông 2008

blank

Duy-ma-cật sở thuyết kinh (zh. 維摩詰所說經, sa. vimalakīrtinirdeśa) là một tác phẩm quan trọng của Phật giáo Đại thừa, có ảnh hưởng rất lớn đến nền Phật giáo tại Trung Quốc, Việt NamNhật Bản. Kinh xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên, mang tên của Duy-ma-cật (sa. vimalakīrti), một cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục nhưng vẫn đi trên con đường Bồ Tát. Nhờ kinh này mà người ta có thể xem cư sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau trên đường tiến đến giác ngộ.

Điều may mắn hiếm có là Phạn bản của kinh này - được cho là thất truyền từ bao nhiêu thế kỉ - đã được Giáo sư Takahashi Hisao (Cao Kiều Thượng Phu) phát hiện ngày 30 tháng 6 năm 1999, trong khi ông cùng nhóm nghiên cứu đang sưu tầm thư tịch trong thư viện của cung điện Potala, kinh đô Lhasa, Tây Tạng. Sau hơn bốn năm nghiên cứu và kí âm la-tinh, bản này được nhóm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Sanskrit, Viện Đại học Taisho, Tokyo (大正大學總合佛教研究所—梵語佛典研究會) phát hành tháng 3 năm 2004. Chất lượng văn bản khá tốt mặc dù còn nhiều lỗi ghi chép, cần được chỉnh lại trước khi dịch. Tuy nhiên, việc cho ra một bản khảo cứu vẫn còn là một điều đáp ứng được, đòi hỏi một công trình nghiên cứu, đối chiếu phục hồi văn bản hẳn hoi.

Có ba bản chữ Hán còn được lưu lại trong Đại Chính Tân Tu Đại tạng kinh:

  1. Phật thuyết Duy-ma-cật kinh (zh. 佛說維摩詰經), Taishō No. 474, 2 quyển, Chi Khiêm (zh. 支謙) dịch đầu thế kỉ thứ 3 sau CN.
  2. Duy-ma-cật sở thuyết kinh (zh. 維摩詰所說經), Taishō No. 475, 3 quyển, Cưu-ma-la-thập (zh. 鳩摩羅什, sa. kumārajīva) dịch đầu thế kỉ thứ 5 sau CN.
  3. Thuyết Vô Cấu Xưng kinh (zh. 說無垢稱經), Taishō No. 476, 6 quyển, Huyền Trang (zh. 玄奘) dịch giữa thế kỉ thứ 7 sau CN.

Bản Tạng văn mang tựa ´phags pa dri ma med par grags pas bstan pa zhes bya ba theg pa chen po`i mdo. Chos nyid tshul khrims (sa. dharmatāśīla) dịch cuối thế kỷ 8. Bảng Tạng văn này được xem là giống bản gốc Phạn nhiều nhất. Bản gốc Phạn và bản dịch Tạng có 12 chương, trong khi ba bản Hán có 14 chương. Tên các chương của bản Phạn và Tạng gần như giống nhau hoàn toàn.

Ngoài các bản dịch Hán, Tạng nói trên còn nhiều bản dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức quan trọng khác; được dịch từ các bản dịch Hán, Tạng nêu trên. Đáng kể nhất phải nói là bản dịch tiếng Pháp của Étienne Lamotte: L'Enseignement de Vimalakīrti (Vimalakīrtinirdeśa), Louvain, 1962.

Trong các bản dịch tiếng Việt thì bản của Thượng toạ Thích Tuệ Sỹ chỉnh hơn hết. Thượng toạ dịch từ bản Cưu-ma-la-thập, nhưng đối chiếu với hai bản Hán còn lại, thêm vào đó so với bản Phạn cũng như những bản chú giải căn bản của Khuy Cơ, Tăng Triệu, Cát Tạng, v.v...

Tư tưởng chủ đạo

Khung cảnh của kinh này thuật lại hoàn cảnh Duy-ma-cật đang lâm bệnh tại nhà. Bệnh của ông được hiểu như một sự khéo léo trong lúc áp dụng phương tiện (sa. upāyakauśalya) dạy người. Phật cử nhiều đại đệ tử đi đến nhà ông hỏi thăm nhưng tất cả đều khước từ. Cách hiểu sai lầm của họ về giáo lí đã được Duy-ma-cật chỉnh lại và vì thế họ hổ thẹn, không dám đại diện Phật đến hỏi thăm. Giáo lí của kinh này được trình bày rõ nhất trong chương thứ ba. Bài dạy cho Xá-lợi-phất ngay đầu chương đã đưa ngay lập trường của thiền Đại thừa, đặc biệt là Thiền như Thiền tông chủ trương. Trong kinh, Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Phật (III.3, Chân Nguyên dịch Phạn-Việt)...

Quan niệm trọng yếu của kinh này là tính không (sa. śūnyatā) của tất cả các pháp. Trong tính không này thì cả Hữu lẫn Vô đều được hợp nhất. Bất nhị (sa. advaya) là nền tảng của giáo lí trong kinh này thế nhưng, bất nhị rất khó diễn bày. Ba mươi hai vị Bồ Tát (chương 8) đều không trình bày nổi. Ngay cả Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi (sa. mañjuśrī) - hiện thân của trí huệ siêu việt - cũng không giải thích nổi bởi vì ngôn ngữ không thể diễn bày Pháp môn bất nhị này. Chỉ có Duy-ma-cật giải bày bằng sự im lặng, một sự im lặng sấm sét (mặc như lôi 默如雷). Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái Bất khả tư nghị (sa. acintya).

Ngoài ra, kinh này còn minh họa rất sinh động cách sống của người Phật tử để nhắm đến giải thoát và cách áp dụng tri kiến về tính không trong cuộc sống hàng ngày, được Phật tử tại Đông Á, Đông Nam Á rất ưa chuộng và tụng đọc. Rất nhiều bài luận chú được viết và nổi tiếng nhất là: Chú Duy-ma (zh. 注維摩) của Tăng Triệu, 10 quyển; Duy-ma kinh huyền sớ (zh. 維摩經玄疏) của Trí Khải, 6 quyển; Duy-ma kinh nghĩa sớ zh. 維摩經義疏 của Cát Tạng. Tại Nhật, Thánh Đức Thái tử (zh. 聖德太子, 574-662) đã viết một bài luận quan trọng về kinh này dưới tên Duy-ma kinh nghĩa sớ (zh. 維摩經義疏). Ông dùng bản dịch của Cưu-ma-la-thập và có lẽ vì vậy, bản dịch này được sử dụng nhiều hơn hết tại Đông Á.

(Bách Khoa Toàn Thư http://vi.wikipedia.org/)

Mục lục
Chương 1 Quốc độ Phật
Chương 2 Phương tiện quyền xảo
Chương 3. Chúng đệ tử
Chương 4. Bồ-tát
Chương 5 Văn-thù-sư-lợi thăm bệnh
Chương 6 Bất tư nghị
Chương 7 Quán chúng sanh
Chương 8. Phật đạo
Chương 9. Pháp môn bất nhị
Chương 10. Phật Hương Tích
Chương 11 Bồ-tát hạnh
Chương 12 Thấy Phật A-súc
Chương 13 Cúng dường pháp
Chương 14 Chúc luỵ
Sách dẫn & ngữ vựng

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: