Thư Viện Hoa Sen

Chương 06 - 08: Tu Hạnh Nhẫn Nhục

12/06/201012:00 SA(Xem: 21833)
Chương 06 - 08: Tu Hạnh Nhẫn Nhục

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG 
Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG VI - CHƯƠNG VII - CHƯƠNG VIII
TU HẠNH NHẪN NHỤC

Thưa đại chúng,

Ba chương sáu, bảy và tám có chung một nội dung nên chúng ta sẽ học bài nầy dưới chủ đề Tu Tập Hạnh Nhẫn Nhục.

A. CHÁNH VĂN.

CHƯƠNG VI.

Phật ngôn: “Ác nhân văn thiện, cố lai nhiễu loạn giả. Nhữ tự cấm tức, đương vô sân trách. Bỉ lai ác giả nhi tự ác chi.”

Đức Phật dạy: “Người ác nghe ai làm việc thiện thì họ đến phá phách quấy rối.”
“Các ông hãy biết ngăn ngừa và dừng lại, đừng có nóng giận, đừng có oán trách.”
“Người đem việc ác đến tự họ sẽ nhận lại quả báo ác.”

CHƯƠNG VII.

Chương nầy cũng có nội dung giống như trên và được dẫn ra từ văn học A Hàm.
Phật ngôn: “Hữu nhân văn ngô thủ Đạo, hành đại nhân từ, cố trí mạ Phật. Phật mặc bất đối. Mạ chỉ. Vấn viết: Tử dĩ lễ tùng nhân, kỳ nhân bất nạp, lễ qui tử hồ? Đối viết: Quy hỹ.”

Phật ngôn: “Kim tử mạ ngã, ngã kim bất nạp. Tử tự trì họa, quy tử thân hỉ. Do hưởng ứng thanh, ảnh chi tùy hình, chung vô miễn ly. Thận vật vi ác.

Đức Phật dạy: “Có người nghe ta giữ đạo và tu tập hạnh đại từ. Cho nên quyết lòng đến mắng Phật. Đức Phật im lặng không trả lời. Người kia dừng mắng thì Đức Thế Tôn hỏi: “Ông đem lễ đến tặng cho người, nếu người ta không nhận, lễ đó có về ông không?” Người kia đáp: “Về chứ.

Đức Phật dạy: “Ông hôm nay mắng ta, ta không đón nhận thì ông tự chuốc lấy họa về thân của ông. Giống như vang theo tiếng, như bóng theo hình, không có sai chạy một mảy may, cẩn thận chớ có làm ác.”

CHƯƠNG VIII.

Phật ngôn: “Ác nhân hại hiền giả, do ngưỡng thiên nhi thóa, thóa bất chí thiên, hoàn tùng kỷ đọa. Nghịch phong dương trần, trần bất chí bỉ, hoàn bộn kỷ thân. Hiền bất khả hủy, họa tất diệt kỷ.”

Đức Phật dạy: “Người ác hại người hiền. Giống như mình ngửa mặt lên trời mà phun nước miếng, nước miếng không tới trời mà lại rơi xuống thân ta. Giống như mình tung bụi ngược gió, bụi không đến người kia, trở lại dính vào mình. Cũng như thế, người hiền chúng ta không thể đụng chạm họ được. Bôi lọ hay làm gì gây tai họa cho họ, quả ác sẽ đến hủy diệt thân ta.”

B. ĐẠI Ý.

Hãy thực tập hạnh nhẫn nhụccẩn thận phòng hộ ba nghiệp, vì nghiệp quả không hề sai chạy mảy mayđại ý chung của ba chương sáu, bảy, tám.

C. NỘI DUNG.

1. Hãy cẩn trọng đối với nghiệp quả.

Thông thường khuynh hướng chung của con người ít chịu tùy thuận thiện hạnh của người khác, và cũng rất hà tiện lời khen đối với người. Chúng ta hay nghĩ khen ai hay tùy thuận việc thiện của ai, sẽ làm cho bản thân mình bị giảm giá trị. Ví dụ như khi nghe ai khen một lời về người bạn của mình, mình cũng cố gắng nói một câu: “ông đó tốt nhưng mà...” tâm thức chúng ta thường có thói quen như vậy. Nhìn thấy ai có thiện hạnh lớn, chúng ta có niềm ganh tị bên trong. Đây là tâm thức rất phổ thông.

Đối với người ác nghiệp lớn, nếu chúng ta hủy nhục, xâm phạm hoặc gây tai họa đến cho họ tương đối quả báo chậm đến với mình. Nhưng đối với các bậc thầy, các bậc đại sư hay các vị thiện nghiệp lớn, nếu chúng ta xúc phạm đến họ, nghiệp báo ác đến với chúng ta rất nhanh. Điều nầy không có gì lạ, bởi vì các bậc hiền thiện, tâm họ như mảnh gương trong, rất sáng nên sự phản chiếu trở lại rất nhanh.

Người đời nghiệp ác dù ngập đầu, đôi lúc nghiệp đến rất chậm. Nhưng người tu làm ác, nghiệp đến rất là nhanh. Chúng ta nên lưu ý, cẩn thận. Càng tu chúng ta càng nên cẩn thận. Người xưa bảo, càng tu giống như người đi trên băng mỏng, phải cẩn thận từng bước, một bước lơi lỏng băng vỡ là chìm. Chưa bao giờ nghiệp quả trong cuộc đời nầy sai chạy. Gây cái nhân ác nhỏ xíu như hạt lúa có khi quả chúng ta gặt không phải là hạt lúa mà là bông lúa.

Chúng ta chưa có thể đạt đến chỗ vô sinh, tức là tâm thức còn ở trong cõi giới sinh diệt vô thường nầy, tâm thức chưa an trú trong Niết Bàn, thì một lời nói, một ý nghĩ, một việc làm đều có nghiệp quả đi theo.

Khi chúng ta đã đặt chân vào vùng trời vô niệm, tâm thức rỗng lặng, không còn dấu vết của ý thức, bản ngã thì dù trong một ngày có tiêu ngàn lượng vàng ròng, cũng không có gì phải gọi là đền trả công ơn của ai. Đây là lời tổ Lâm Tế nói. Nhưng nếu tâm thức của ta còn ở trong cảnh giới nhị nguyên, tức là còn phân biệt trắng đen, phải quấy, nam nữ, nhìn là vọng thức phát sinh thì một hạt cơm, giọt nước đều có sự đền trả không thể nào thoát khỏi.

“Trích thủy nan tiêu.”: một giọt nước khó tiêu. Ngày xưa, có một vị sư được một gia đình thí chủ nọ thương quí, và được cúng dường rất cung kính. Vị thầy tuy không có phạm trai, phá giới gì nhưng đường tu vì chưa nắm vững, hơn nữa ông cũng không muốn đi khất thực nhiều nơi, nên ngày qua tháng lại ông cứ thọ nhận sự cúng dường của thí chủ kia mà không ngần ngại gì cả.

Đến ngày qua đời, gia đình thí chủ lo tang lễ cho vị thầy rất chu đáo với tất cả lòng kính trọng. Không bao lâu, mảnh vườn sau nhà của thí chủ một cây cổ thụ mọc ra nấm, và mỗi buổi sáng họ đều ra hái nấm vào nấu, hương vị cực ngon, nhưng người khác đến hái thì không có. Ngày nọ, một người hàng xóm biết được việc nầy lén vào gở trộm nấm bỗng giật mình khi nghe tiếng nói: “Ta đâu có nợ ngươi.” Ông vô cùng ngạc nhiên, hoảng sợ khi biết tiếng nói phát ra từ cây nấm, và được cây nấm cho biết mình là vị sư đã từng thọ nhận sự cúng dường của gia đình nầy. Vì của tín thí khó tiêu, tu hành không có lực cho nên phải trở lại đền ơn họ; còn người hàng xóm không có cúng dường và cũng không dính gì đến vị sư nên không thể cắt nấm tức cắt thân vị sư được.

Khi gia đình thí chủ biết được sự thật, họ thương khóc, lễ lạy trước cây nấm, xin xóa bỏ những gì đã cúng dường từ trước. Tất cả đều do lòng thành và không bao giờ có tâm nghĩ rằng thầy phải đền trả gì hết, cầu xin vị thầy hoan hỉ vãng sanh. Chúng ta có thể đọc thấy câu chuyện nầy từ “Sa di Luật Giải.”

Thưa đại chúng, khi tâm thức của chúng ta còn ở trong cảnh giới nhị nguyên, phàm thường, tức chưa có chánh niệm từng phút rỡ ràng thì một giọt nước, một miếng ăn đều có giá của nó cho nên phải cẩn trọng trong sự tu tập.

Không ai nhàn nhã bằng người tu, không làm có cơm ăn, không dệt có áo mặc, không xây dựng có nhà cửa ở. Mình đừng tưởng mình là con vua cháu chúa, và những Phật tử, thí chủ có bổn phận, trách nhiệm nuôi mình. Mỗi một lần họ cúng dườngchúng ta thọ nhận là họ mài lên viên đá mình một ít phước đức. Mỗi một ngày sống mà không nhiếp tâm tu tậpphước đức tu của mình bị mòn dần.

Khi đã ở trên đất Mỹ rồi, tôi thấy thương cho những Phật tử ở đây. Có ngàn vạn điều xô đẩy người Phật tử ở phố thị phải lao về phía trước không thể dừng lại được, đồng thời những lo lắng, bất an, sợ hãi... lại đè nặng trên cuộc sống họ. Bao nhiêu là nhọc nhằn, vất vả khi phải bon chen trong đời sống thế gian để tạo dựng tài sản, vật chất.

Chúng ta tu tập không được bao nhiêu, phước đức chúng ta chưa đủ lớn mà tiêu dùng của thí chủ không biết quí tiếc công khó là cả một tai họa. Rồi đây không biết chúng ta sẽ sinh ra làm bao nhiêu đời kiếp cây nấm để trả công khó cho người.

Hãy nhắc nhau điều cạn là nhân quả rất rõ ràng. Nên nhớ rằng trên con đường chúng ta đã chọn, tâm tu đầu tiên là tâm chất trực, lòng thành tín ở sự tu tập, và nếu giữ tâm ban sơ như thế suốt đoạn đường tu, chúng ta sẽ không bị đi lạc. Nếu không cho dù làm được ông thầy lớn, có được chùa riêng chúng ta phung phí của đàn na tín thí, mặc nhiên lấy của người làm của riêng, rồi một đời tu phất phơ qua ngày sẽ gây họa cho ngàn vạn kiếp

2. Đi qua những thử thách.

Chưa bao giờ một sự nghiệp lớn nào được trao cho người còn non trẻ ý chítâm thức. Chúng ta để ý những bậc thầy lớn, làm nên những sự nghiệp vĩ đại, thường thường là những người đã trải nghiệm nhiều đắng cay trong cuộc đời mới đủ kinh nghiệm, kiên nhẫn, can trường gánh vác công việc lớn.

Đọc vào sử liệu của thế gian, chúng ta thấy điều nầy rất rõ ở một vài danh nhân như Thành Cát Tư Hãn, Abraham Lincoln... Trước ngày Thành Cát Tư Hãn thống nhất vùng thảo nguyên bao la phía Bắc Trung Hoa, nơi đây chỉ là những bộ tộc rời rạc như những mảnh vụn và chưa có một vị lãnh chúa nào tập trung được giống người Mông Cổ can trường, dũng mãnh nầy. Chỉ có Thành Cát Tư Hãn. Mặc dù trải qua bao tủi nhục, đau khổ của thời thơ ấu, những thất bại nhục nhã, đắng cay, tan tác trên chiến trường (cha mất sớm, bản thân suýt chết mấy lần, vợ bị bắt làm áp trại phu nhân cho giặc...), nhưng với hùng khí ngất trời, và trong lòng kiên cường quyết xây dựng sự nghiệp lớn, nên chỉ trong thời gian ngắn không những ông đã chiếm lại được những gì đã mất mà trải dài từ phía Đông biển Hồng Hải đến phía Tây giáp vùng đất La Mã gần nửa vòng trái đất, tất cả đều rạp mình dưới vó ngựa của đoàn quân ông. Ngay đến cả loài cỏ cũng không sống được. Ông đã gầy dựng lại toàn bộ sự nghiệp và hùng dũng tuyên bố: “Ở Vương quốc của ta mặt trời chưa bao giờ lặn.”

Ngày xưa, Thái tử Đan chọn được Kinh Kha là người sẽ rời nước Yên đi qua Tần để hành thích Tần Thủy Hoàng. Thái Tử Đan nóng lòng muốn giết ngay cho được bạo Chúa, nhưng Kinh Kha do dự vì muốn chờ một người bạn có đủ can trường cùng mình đi đến nơi hang hùm, ổ cọp đó mới mong thành công. Nhưng vì không thể chờ bạn được ông đành ra đi.

Hai nước Yên, Tần cách nhau dòng sông Dịch, và khi chia tay Thái Tử Đan, Kinh Kha đã làm bài thơ có hai câu nói lên tâm trạng của mình: “Phong tiêu tiêu hề dịch thủy hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục phản.”: Gió vi vút chừ sông Dịch lạnh tê. Tráng sĩ một đi chừ không trở về. (Nguyễn Hiến Lê dịch)

Khi vào đến chỗ vua Tần, người bưng phẩm vật, bản đồ đi theo Kinh Kha trông thấy ba quân đằng đằng sát khí sợ quá, không giữ được bình tĩnh run lẩy bẩy. Vua Tần thấy được, tâm thức đề phòng liền có mặt. Câu hỏi kẻ kia đến đây với dụng ý gì tức thì khởi lên trong ông. Cho nên việc mưu sát Tần Thủy Hoàng của Kinh Kha không thành công.

Qua những câu chuyện nầy, chúng ta thấy trong thế gian muốn thành công trong cuộc đời, muốn làm nên sự nghiệp lớn đều phải có đức nhẫn nhục phi thường.

Đôi khi sự nghiệp lớn không chỉ dựng lên trong một hai lần, mà phải cần rất nhiều lần. Có một nhà tỷ phú nào, nhà giàu nào dựng lên được sự nghiệp giàu có của mình nhanh chóng và thuận buồm xuôi gió? Thưa không. Đó là chúng ta nói chuyện trong đời.

Trong đạo cũng vậy, những bậc thầy lớn là những người chịu đựng nhiều nhất sóng gió, ghen ghét, đố kỵ, hủy nhục... của bao nhiêu người. Chúng ta chỉ thử nhìn ở bình diện thường như trong một rừng cây, cây nào cũng bằng nhau đều chịu chung sức gió rất nhẹ, nhưng nếu có một cây vượt cao lên thì cây đó sẽ bị gió lay mạnh nhất.

Tâm ganh tị, tâm đố kỵ là điều rất bình thường của con người. Nhìn thấy ai dễ thương hơn mình, giỏi hơn mình là không ưa rồi, thấy người ta nói một câu văn chương ra vẻ được người khác kính trọng là thấy khó chịu rồi.

Từ những điều nhỏ, chúng ta suy ra những con người làm nên sự nghiệp lớn cũng đi chung trên con đường như thế. Khi con người leo lên được đỉnh công danh thì đất trời luôn ghen ghét. Ngay trong đời cũng thế, mà trong đạo cũng thế. Nhiều khi ở trong đạo sự phá rối, làm khó khăn cho con đường hoằng pháp không phải do người đời mà do những bạn đồng tu. Sự khó khăn không phải do cuộc đời đổ xuống, mà là do tự thân trong tăng đoàn gây nên. Người ngoài đời biết gì đâu mà ganh tị, đâu có thể dành được địa vị tu của chúng ta, có chăng là những người bạn đồng tu, là những người thân cận cùng có gốc thầy tu chứ nào phải ai xa lạ. Đó là những điều rất dễ nhận ra. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nầy chúng ta thấy đáng ghét nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, những điều nầy là thử thách rất cần cho sự tu tập của chúng ta. Những hạ nhục, những nói xấu, những phỉ báng... là để cho chúng ta trui rèn, thực hành đức bao dung, hạnh nhẫn nhục, là để cho ta nỗ lực vươn lên nếu muốn đưa vai gánh vácthành tựu sự nghiệp lớn.

Vì vậy từ những điểm tôi chia xẻ, xin quí vị nhớ tất cả chướng duyên đến với người tu đều là cơ hội tốt. Nếu những chướng duyên nhỏ đến với mình, đó là cơ hội để chúng ta thực tập, nuôi lớn tâm hạnh người tu. Nếu chướng duyên lớn đến thì chúng ta hân hoan, vui mừng vì đây có thể là trời đất sẽ trao cho ta nhiệm vụ lớn. Sở dĩ chúng ta phải đối phó với những chướng duyên lớn vì đời sống tâm linh đã được nâng lên tầm cao. Trong cánh rừng kia không có gió lớn, thì làm sao chúng ta biết rằng sự có mặt và vươn cao của những cây đại thọ.

Những ngày đầu tiên khi Ngài Tinh Vân rời Trung Hoa đến Đài Loan, ông bị các thầy bản xứ vu khống là gián điệp do Trung Hoa gài vào. Trong hoàn cảnh khó khăn bị cô lập, nghi kỵ, khinh rẻ như thế, Ngài đã nhẫn nhục sống và làm biết bao nhiêu việc từ ngày đặt chân lên Đài Loan cho đến mãi bây giờ. Một trong những cuốn sách đầu tiên như “Thoát vòng tục lụy.”... đều được viết và cho ra đời từ một máy may kê ở một góc nhỏ tồi tàn trong nhà.

Ngày ấy tuy còn rất trẻ, nhưng với tâm nguyện dũng mãnh Ngài đã tự mình vươn lên, gánh vác mọi trách nhiệm để hôm nay trở thành Tông chủ của một Tông phái rất lớn. Và hầu như trên thế giới, nơi nào cũng có chùa của Phật Quang Sơn. Thế nhưng ông vẫn chưa bao giờ biết mỏi mệt. Giao trách nhiệm trụ trì một trung tâmĐài Loan cho thầy khác, ông một mình đích thân đi đến những nơi dù xa xôi như Phi Châu để giảng dạy không ngần ngại. Ngay cả những lúc bệnh vì bị tiểu đường rất nặng, ông vẫn cứ đi không nghĩ đến hao tốn, vất vả.

Cho nên trong đạo, để làm được Phật sự lớn, Phật sự nhỏ không phải tâm chí thấp kém, không có đức nhẫn nhục mà có thể làm được. Từ việc tu tập cho đến hoằng pháp độ sinh, hay xây dựng một tự viện dù nhỏ đều đòi hỏi nơi chúng ta đức nhẫn nhục rất lớn mới có thể thành tựu được. Hạnh nhẫn nhụccăn bản cần phải thực hành không ngưng nghĩ, nếu không trên con đường tu chúng ta sẽ trôi nổi lênh đênh không biết về đâu.

3. Nội dung của nhẫn nhục.

Trong lục độ Ba la mật có hạnh nhẫn nhục và bên trong nhẫn nhục nầy có bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền địnhtrí tuệ. Tức là trong mỗi độ của Ba la mật đều bao hàm năm độ kia. Nếu khôngtrí tuệ, từ bi, định lực thì chúng ta không thể nhẫn nhục được và cũng không thể hoàn thiện nhân cách của người tu.

Ở mức độ cạn như khi chúng ta bị hủy nhục, phản ứng của mình bừng dậy; nhưng lúc bấy giờ chúng ta vận dụng được năng lượng trí tuệ đi vào để quán chiếu thì khả năng nhẫn nhục liền có mặt. Nếu không, sự ăn thua đủ, không nhường nhịn là chuyện dễ dàng xẩy ra, nên tự thân của nhẫn nhụcyếu tố trí tuệ trong đó. Và điều rất gần là có từ bi trong nhẫn nhục, vì lòng thương không đủ lớn thì ta không thể nhẫn nhục.

Làm ông thầy muốn giáo hóa đồ chúng rất cần đến nhẫn nhục lẫn từ bi chúng ta mới có thể độ học trò, mới làm đạo được. Lòng từ bi, tình thương càng lớn thì đức nhẫn càng dày. Nếu chúng ta phản ứng liền khi bị một lời xúc phạm tức là đức bao dung của mình không đủ lớn, đủ rộng. Nhưng khi lòng thương, đức bao dung của chúng ta mênh mông, bao la dù cho ai làm gì chúng ta cũng mỉm cười được. Nhẫn nhục được ví như đức của người mẹ, lòng thương của mẹ rất lớn nên khi con có lấn lướt mình, có những hành động xem thường mình mẹ vẫn cười, cho qua được. Chúng ta phải quán chiếu, tư duy để thấy thực tập một hạnh nhẫn nhục có cả lục độphạm vi của nó rất rộng.

4. Các tầng nhẫn nhục.

Là những người tu chúng ta phải mặc áo giáp nhẫn nhục mới có thể tồn tại được. Khoác pháp phục cũng có nghĩa là khoác áo nhẫn nhục để đi trong cuộc đời.

Nhẫn nhục đầu tiên của chúng tanhẫn nhục với hoàn cảnh.

Khi sống với gia đình, chúng ta quen muốn làm gì thì làm, từng nhộn nhịp ở nhân gian nên khi đầu tiên bước vào chùa thấy vắng vẻ, tịch liêu nhớ nhà muốn về thăm bố mẹ thì tăng thân không cho phép, hội đồng giáo thọ không duyệt cho. Ngày xưa dù ở xa, lâu lâu về thăm bố mẹ là chuyện thường, và với các cô, các chị nhu cầu gần gũi bố mẹ rất cần thiết, thế mà đầu tiên vào tu bị ép, gò bó trong điều luật; nhiều việc có khi mười người đồng ý nhưng một người không, xem như chuyện của mình không thành. Cho nên nếu chúng ta không mặc áo nhẫn nhục có lúc không thể vượt qua được. Ở ngoài đời, có thể chúng ta từng làm ông nầy, bà nọ nhưng khi vào chùa gặp bao nhiêu cảnh, bao nhiêu điều trái nghịch với lòng mình, hoàn cảnh tu khó khăn, làm chúng ta rất là bực bội, chán nản. Nếu chúng ta không có đủ nhẫn lực thì chắc chắn không thể vượt qua được.

Tự thân của đức nhẫn nầy có trang bị sẵn bên trong cho chúng ta tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Lòng từ của chúng ta không có, bản nguyện không được dày, không được sâu, niệm tu hành không nhiệt tình thì khi gặp phải một hoàn cảnh không vừa ý dù nhỏ chúng ta sẽ thối tâm Bồ Đề ngay.

Tôi ngày xưa tu, tâm Bồ Đề cũng có lần bị chao đảo. Một lần về thăm nhà, thấy mẹ, gia đình khổ cực quá lòng rất hối hận nghĩ nếu mình không đi tu thì đã giúp được mẹ và mấy em rồi. Tôi trở về chùa, thưa với thầy Bổn sư xin về nhà một năm. Cụ Bổn sư không bằng lòng và giúp tôi bằng cách là chỉ cho tôi về nhà vào những mùa cấy, mùa gặt để giúp gia đình. Thời gian còn lại tôi vẫn ở chùa tu học. Nếu làm được điều nầy xem như vẹn toàn đôi đường, vừa giúp gia đình, vừa giữ được niệm tu hành, Bồ Đề tâm không bị lui sụt. Ông cụ sợ tôi không còn là tôi nữa khi về với gia đình trong một thời gian dài, có thể tôi giữ được chiếc áo tu nhưng rồi tâm Bồ Đề sẽ bị bào mòn.

Thầy Bổn sư của tôi là một vị thầy nhà quê, nhưng đã cho tôi những lời dạy thắm đẫm tình đạo, tình đời đầy trí tuệ. Sau khi đời sống Bà Cụ ổn định, tôi bắt đầu cuộc đời tăng sinh rời chùa quê lên Phật học viện... Tôi nhớ mãi mỗi lần đi học từ chùa quê lên thành phố, ban đêm thầy Bổn sư đưa tôi ra đường đón xe. Ở trong nhà ông cụ không nói gì, sợ cho tôi tiền thì huynh đệ khó chịu, nên chờ đến lúc ra ngoài đường mới móc tiền đưa cho tôi bảo cất đi để lo thuốc thang lúc đau ốm, và chi phí nầy nọ khi cần. Lòng thương vô bờ ủ kín đằng sau ân cần, tế nhị là những tình tự của nhà chùa luôn nuôi dưỡng làm cho tôi sống còn đến hôm nay.

Nói như thế để quí vị thấy rằng đời sống luôn luôn có hai mặt. Mặt thuận thúc đẩy chúng ta nuôi dưỡng Bồ đề tâm, mặt nghịch là có những cái nó bào mòn. Nhưng nghịch hay thuận phát sinh từ đâu? Nếu chúng ta nghĩ là cực nhọc, là ràng buộc, là cô quạnh... thì tự nhiên tâm Bồ Đề bị bào mòn, thui chột. Nhưng nếu nghĩ hoàn cảnh khó khăn chỉ là bên ngoài, là cơ hội thử thách nuôi chúng ta lớn, trưởng thành thì chúng ta có thể vượt qua được, và đi xa trên đường tu tập.

“Ví thử cuộc đời bằng phẳng mãi, anh hùng hào kiệt có hơn ai.” Nếu cuộc đời mà không có chông gai, không đầy cam go, thì trượng phu hào kiệt đâu phải là người tài ba. Từ những khó khăn, lao đao chúng ta vươn mình lên được mới là kẻ kiêu hùng. Nếu chúng ta đi tu mà ở trong một tự viện của các bậc Thánh, cái gì cũng hay, cũng đẹp cả thì ta tu với ai. Năng lượng xấu, ác mà mình trực diện trong cuộc đời tu là những gai góc cho chúng ta cọ, chúng ta mài để trở thành tròn nhẵn, bóng mịn.

– Nhẫn với tự thân.

Cơ thể vật lý nầy bình thường không có gì đáng gọi là nhẫn cả. Những lúc còn trẻ trung, khỏe mạnh, tươi vui, không bệnh tật chuyện tu rất là đơn giản. Nhưng khi thân nhuốm bệnh, mệt mỏi mới thấy sự khó khăn của việc tu tập như thế nào. Đây là điều chúng ta đáng lưu ý.

Thân mà yếu thì tinh thần cũng suy sụp theo, và nhiều bất an cùng có mặt khi chúng ta bệnh. Khi cơ thể bị bệnh, mệt mỏi, chúng ta thấy rất buồn, lẻ loi vì không thể cùng chúng sinh hoạt. Trong khi cơn bệnh đang hoành hành, đang xé thịt da hình hài nầy ai biết cho. Đại chúng lại nhìn bằng đôi mắt ngờ vực, không thông cảm. Có lúc nếu không bị nhìn bằng ánh mắt khó chịu, thì ngay tự bản thân mình với tri giác rất sai lầm, mặc cảm, mình cũng cho rằng người ta nghĩ mình làm eo, giả bệnh. Cho nên khi thân bệnh, tâm thức suy yếu theo dễ sinh ra những suy nghĩ vơ vẩn, lệch lạc và khi có những suy nghĩ như thế, cuộc đời của chúng ta màu hồng không có ở trước mặt. Nhìn đâu chúng ta cũng chỉ thấy màu u ám của sự chán nản: chán đời, chán đạo, chán tu.

Năm đầu tiên tôi về với ông cụ Thanh Từ vào cuối năm bảy mươi ba, ông cụ chỉ nhận khoảng hai mươi thiền sinh. Khi bắt đầu vào khóa tu tôi thấy Tu viện Chân Không là nơi thật lý tưởng cho sự tu tập. Mọi điều kiện tốt lành, thuận lợi từ khí hậu, chương trình học, đến tình huynh đệ... nhưng điều trở ngại lớn là tôi trở bệnh. Mỗi sáng ai ai cũng đi chấp tác riêng mình tôi thì ngồi nhà, ăn không được, mặt mày nỗi từng mụn đen lớn thành quầng. Da vàng như nghệ vì bệnh gan tới hồi phát tác. Các thầy cho đến những vị cư sĩ tới thăm đều nghĩ rằng tôi sắp chết đến nơi. Ngày nào tôi cũng nằm trong mùng, từ những sinh hoạt với chúng cho đến làm những gì ngay cho bản thân cũng không được. Có vị cư sĩ còn nói sao đôi mắt tôi không có một chút gì của sự sống? Gặp trường hợp tàn tạ vì bệnh, cảm thấy mình bị bỏ rơi thì quí vị nghĩ sao? Riêng bản thân tôi nghĩ rằng mình đã lở leo lên núi, bỏ hết sự nghiệp học hành Phật pháp dưới phố, thân mạng nầy nếu mất cũng đành chứ không xuống núi. Thế nhưng ngày qua ngày tôi không hiểu phép lạ gì đã cứu mình, và phải mất hơn nửa năm tôi mới từ từ hồi phục lại. Tôi nghĩ, cuộc đời tu mà ta đi ra khỏi được sự phá rối của tự thân tật bệnh một cách nhẹ nhàng là có phước vô cùng.

Những sự quấy rối thuận chiều của tự thân khỏa mạnh phát sinh cũng cản trở đủ điều trên con đường tu tập, nếu chúng ta không may mắn gặp được vị thầy giỏi hướng dẫn pháp môn để thực tập, để hành trì thì chúng ta khó chống chỏi lại những xu hướng bức bách của thân nầy. Nhất là với tuổi thanh niên, sức khỏe đang sung mãn, lại tiếp xúc với xã hội đầy những thông tin mời gọi lòng thèm khát ngũ dục bên ngoài, cọng với sự tác động của bạn xấu thì khả năng loại trừ những bức xúc trong thân đang lớn mạnh quả thật khó khăn.

Thế nên chúng ta may mắnhoàn cảnh tốt lành, có tăng thân hỗ trợ, có pháp môn để thực tập, là chúng ta đã vượt qua những chặng đường khó khăn, vượt qua bao điều thử thách của tự thân.

trường hợp tuy ham muốn tu, nhưng lao xao tu được ba, bốn năm tự nhiên chúng ta ngoặc vào con đường tẻ. Vì chúng ta không có pháp hành trì, không phòng hộ sáu căn để sáu căn bị lôi kéo, bị quyến rũ bởi ngũ dục, lục trần ở bên ngoài và tự tâm chất ham muốn thế dục còn dạt dào nên đẩy chúng ta đi về hướng làm tan tác đời tu.

Tóm lại, tuổi trẻ hay tuổi già cũng đều có những khó khăn, quậy phá riêng của chính hình hài mình nên chúng ta phải nhẫn nhục với tự thân. Khi còn hình hài nầy là còn nhiều vấn đề thách thức chúng ta suốt cả chiều dài đời người. Tuổi trẻ có những khó khăn về tâm sinh lý, người già thì bị phiền nhiễu, đau đớn bởi bệnh tật. Hai điều nầy bủa vây chúng ta khó tránh khỏi. Ở độ tuổi trung niên năm mươi chúng ta thấy bình yên nhất, vì năng lượng dục của thân đã hơi dịu xuống và bệnh hoạn của tuổi già cũng chưa hiện rõ mặt. Nhưng bước vào tuổi năm mươi, sáu mươi là đã có dấu hiệu trục trặc, nhiều vấn đề nẩy sinh từ bên trong cho đến bảy mươi thì già, bệnh đến từng ngày một.

Cho nên vượt qua khó khăn không phải chỉ làm trong một ngày, một giai đoạn mà đó là vấn đề của một đời tu. Vượt qua được những khó khăn tự thân đòi hỏi chí nguyện tu phải vững và phước đức rất lớn.

– Nhẫn khi điều phục tâm.

Ở bình diện điều phục tâm lại càng khó đề phòng hơn thân. Chúng ta khó tu an lành khi bị những quyến rũ, bị duyên bên ngoài mời gọi làm tâm ta thay đổi và với tâm thức “cỏ bên kia đồi xanh hơn cỏ dưới chân ta.”; vậy là chúng ta đơn thương, độc mã rời bỏ tăng đoàn, rời bỏ chúng lăng xăng chạy vạy thay đổi pháp hành. Thay đổi cách thực tập hoặc theo tiếng gọi của vài Phật tử, xé lẻ tăng đoàn ra lập chùa, lập tự viện.

Nếu chúng ta có dịp tiếp xúc với các tự viện của cộng đồng người Việt hiện tại nơi đây sẽ thấy đời sống quí Thầy, quí Cô trụ trì rất vất vả. Một mình phải giải quyết, đối phó với biết bao nhiêu là việc, còn thì giờ đâu để tu. Phật tử càng ngày càng ít vì những sinh hoạt của những chùa, tự viện của các vị ấy phần lớn không đáp ứng được nhu cầu tu tập của họ, hầu hết chỉ đáp ứng được đòi hỏi là cầu an và cầu siêu. Một ngày hai thời công phu tu rất là hiếm, chỉ chờ đến hai ngày thứ bảy, chủ nhật lao xao tụng kinh cho công việc đình đám, tuần thất, ma chay.

Đời sống tâm linh của người Việt lớn tuổi đã không phát triển, thế hệ trẻ của người Việt sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ cũng không tiếp xúcgắn bó được với sinh hoạt tu học để nối tiếp dòng chảy văn hóa, đạo đứctuệ giác của Phật giáo Việt Nam; trong khi tự viện càng ngày mọc càng nhiều nên nguồn tài chánh càng bị phân tán rất mỏng. Do vậy, giữ gìn được đồ tôn, đệ tử vây quanh, có nguồn tài chánh ổn định để trả chi phí hàng tháng không phải là chuyện đơn giản. Các Thầy, Cô cực nhọc vô vàn và sinh lực tu tập bị bào mòn rất tội.

Chúng ta nhìn những điều này rồi quay lại mình, để thấy rằng chúng ta đang được sống trong một tăng đoàn, một tập thể lớn rất là nhẹ gánh tang bồng. Nếu chúng ta có làm việc cực nhọc, nhưng cũng chỉ làm mỗi một bổn phận mà thôi, đâu phải một mình lo lắng, giải quyết trăm công nghìn việc như các Thầy, Cô một mình trụ trì các Già lam, tự viện.

Cố nhiên, vì đường tu quá dài, lại có nhiều khó khăn nên tâm thức rất dễ phát sinh bất cứ ý niệm nào để dẫn dắt chúng ta đi vào những ngõ tẻ. Đó là điều chúng ta cần có trí tuệ, từ bi và vận dụng đức nhẫn nhục để vượt qua.

5. Phương pháp thực tập.

– Để thực tập chúng ta hãy bắt đầu bằng những bước nhỏ.

Ví dụ như có hôm chúng ta phát tâm thực tập: muốn bước những bước lên trên năm mươi bảy bậc thang từ nhà ăn lên Tăng xá mà tâm luôn gắn chặt trong từng bước chân. Thế nhưng mới bước được nửa chừng, tâm mình bay bổng. Chúng ta bắt đầu làm lại, cố gắng để an trú trong chánh niệm từng bước chân lần nữa, nhưng càng cố thì tâm càng bay xa. Cũng như khi ta có ý ra lệnh là phải ngồi yên trong mười lăm phút tọa thiền nhưng chỉ mới mười phút đã bắt đầu thấy không yên, cơ thể thúc bách, đau ngứa... muốn cử động, rõ ràng ta không đủ kiên nhẫn với thân, và khi thân không đủ kiên nhẫntâm không đủ kiên nhẫn. Vì vậy, trước hết chúng ta nên thực tập những điều rất là nhỏ, những cái rất là gần của đời thường. Chúng ta chỉ có khả năng làm được điều lớn nếu chúng ta đã hoàn tất những việc rất nhỏ. Như có hôm ta quyết định mỗi chiều phải ăn ít lại, nhưng chiều đến thấy thức ăn ngon quá, ăn thêm một chút cũng chẳng sao tức là chúng ta đã không có đủ nhẫn lực. Chỉ cần một điều nhỏ như thế đã chứng minh sự thất bại của mình trong việc tu, chưa nói đến những thất bại của điều lớn hơn.

Thưa đại chúng, điều đầu tiên tôi muốn chia xẻ trong vấn đề thực tậpchúng ta chỉ cần làm những điều rất nhỏ để nuôi ý chí. Ở đời cần có ý chí thật vững mạnh con người mới có thể vượt ngàn vạn khó khăn. Những người tu lại cần ý chí bay lên đến trời cao, phải “xung thiên chí” như Thiền sư Quảng Nghiêm, Việt Nam thời Trần: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí.” Làm trai có chí xông trời thẳm chứ không phải chí tầm thường, chí nguyện cao thì chúng ta là chim phượng hoàng. Nếu ý chí không được nuôi dưỡng, tôi luyện, chúng ta sẽ được ví như loài quạ, dù có bay cao cũng chỉ thấy dưới trần thế nầy những điều thấp kém, những cái phàm thường như xác chuột chết mà thôi. Ý chí của người tu là chí nguyện đại thừa, là phượng hoàng chỉ tìm đậu trên những cành ngô đồng. Thế nên, thực tập nuôi dưỡng nhẫn lực rất là quan trọng.

– Nếu trong đời sống tu, sống giữa lòng đại chúng, ta chỉ thắc mắc, dòm ngó nhau những chuyện lặt vặt, nhỏ mọn để làm thương tổn nhau, để làm buồn lòng nhau thì chúng ta cũng chỉ là những con quạ thôi.

Điều quy kết cuối cùngchúng ta phải lập chí rất cao, phải thực hành hạnh nhẫn nhục. Nuôi dưỡngtrải lòng từ bi lớn rộng để có thể nhìn được mọi người bằng cái nhìn thương yêukính trọng. Vẫn biết hằng ngày chúng ta phải đối diện với biết bao người, với biết bao điều khó chịu, đáng ghét nhưng họ hay ta cũng đang là chúng sanh tội nghiệp như nhau, cũng lao xao trên con đường tử sinh dài mịt mờ, rồi cũng ra đi không biết lúc nào. Nên điều quan trọng là chúng ta làm thế nào trong một đời tu sáng bừng con mắt đạo chấm dứt được dòng chảy của khổ tử sinh.

Và khi chúng ta nuôi lớn được tâm đại bi, tự thân thấy mình vô ngã thì chắc chắn với nhẫn lực rất lớn chúng ta có thể làm được nhiều điều, có thể thành đạt được đạo quả, thành đạt được an lạchạnh phúc tự thân. Nếu không thực tập được những việc nhỏ, tôi luyện nhẫn lực cho thân, không nuôi dưỡng ý chí, không phát triển tâm đại bi, không quán chiếu tự thân nầy vô ngã thì khó đi vào con đường tu tập hạnh nhẫn nhục.

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: