Chương 10: Phước Đức Tuỳ Hỷ Hạnh Bố Thí

18/01/201112:00 SA(Xem: 14601)
Chương 10: Phước Đức Tuỳ Hỷ Hạnh Bố Thí

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Chương 10: Phước đức tuỳ hỷ hạnh bố thí

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Thấy người khác thực hành bố thí mà giúp đỡ hoặc tán thành, hoan hỷ thì được phước rất lớn. Nghe vậy, một thầy Tỳ kheo thưa rằng: Phước ấy có hết chăng?

Đức Phật giải thích: Ví như từ một cây đuốc, hàng trăm ngàn người đến mồi để nấu ăn hoặc thắp sáng, không vì thế mà cây đuốc bị mất sáng. Phước của người giúp đỡ hoặc tán thành hay hoan hỷ người khác thực hành bố thí cũng như vậy.

II. LƯỢC GIẢI

Nội dung của pháp thoại này, Đức Phật đặc biệt triển khai về quả phước báo của những người biết tán trợ, khích lệ, hoan hỷ với những người làm công tác bố thí hoặc từ thiện xã hội. Người tạo điều kiện hoặc làm phấn khởi người khác thực hành bố thí sẽ được phước báo tương tự như người bố thí, vì đã biết ủng hộ về mặt tinh thần.

Theo Phật giáo, bố thí là một trong những phương thức thể hiện nhân tính nhiều nhất. Nó còn là nền tảng thể hiện tinh thần tương thân tương trợ hữu hiệu, và đóng vai trò chủ chốt trong việc hoằng hóa. Trên đời này, không có gì quý hơn mạng sống con người. Cứu mạng sống con người là một việc làm tất yếu của người làm thiện. Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Dù xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phước cứu cho một người”.

Nội dung của câu tục ngữ trên phản ánh khá sâu sắc những việc làm từ thiện phát xuất từ tâm lý hám danh, không chăm lo đến đời sống đồng loại. Việc làm ấy là phi thực tế hay nói đúng hơn là vô nghĩa, không có ích lợi. Câu tục ngữ trên còn khẳng định, tất cả mọi việc làm, nếu tách rời nhân bản đều không có giá trị. Trọng tâm cuộc sống là nhân bảnphục vụ nhân bản.

Đạo Phật ưu việt ở điểm đề cao con người và chú trọng nhân bản. Kho tàng giáo lý của Đức Phật sở dĩ phong phú, đa dạng là vì nó nhằm cải thiện đời sống con ngườihướng thượng con người. Đạo Phật không dạy chúng ta làm những gì không thật sự vì lợi ích cho con người, mà nhắm vào những vấn đề cấp bách, thiết yếu của con người như cơm ăn áo mặc, tinh thần thanh thoát. Con người đau khổ, đói khát mà không quan tâm giúp đỡ lại đi làm cái gọi là phước thiện như xây chùa, cất tháp… thì còn gì nghịch lý nhân bản cho bằng. Cần phải ý thức rằng, phục vụ con người chính là phục vụ và trau dồi tâm tính cao đẹp nơi mình. Không nên quan niệm rằng, bố thí là cơ hội trổ tài, khoe tiếng để mọi người phải mang ơn hay kính nể mình. Bố thí còn được hiểu là một việc làm tương thân, tương trợ vô vị lợi, phát xuất từ lòng chân thành “chia sẻ chén cơm manh áo” cho người khác, với tinh thần tự nguyện, hoan hỷ, như ca dao, tục ngữ Việt Nam ta đã nói:

“Bầu ơi, thương lấy bí cùng

Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”.

Theo Phật giáo, người bố thí đúng nghĩa không phân biệt kẻ thân người sơ, không để cho người thọ ân có mặc cảm rằng “họ là người chịu ân còn ta là người ban ân”. Người bố thí phải ân cần tha thiết, ngôn ngữ phải ôn hòa, lễ độ. Chính vì thế người ta mới nói rằng: “Tặng phẩm không quan trọng. Quan trọng là tấm lòng nhân đạo của người tặng và giá trị của tặng phẩm là ở đó”. Hay câu “cách cho hơn của đem cho.”

1.- Bố thí là nhiếp bỏn sẻn

Bước thêm một bước nữa, bố thí không chỉ dừng lại ở giá trị giúp người. Mà còn đi sâu vào lãnh vực tự độ. Ngay một hành vi bố thí, người hành thí phải suy tư hai điều: Một là việc làm bố thí của ta phải thật sự phát xuất từ lòng từ bi, bác ái; hai là việc làm bố thí như là một cơ hội để ta gột rửa tất cả những bợn nhơ Bỏn xẻn, Xan tham, Keo kiệttâm hồn mình. Trong kinh Đức Phật dạy rằng: “Thực hành hạnh bố thí để nhiếp trừ tâm bỏn sẻn.”[1]

Thật vậy, tâm bỏn sẻn, keo kiệt là một cái gì xấu xa, đê tiện. Nó làm con người trở nên nhỏ nhoi, ích kỷ. Từ thái độ tâm lý bỏn sẻn, con người trở nên xa lạ với mọi người chung quanh, và mọi người sẽ xa lánh, khinh bỉ họ.

Người Phật tử hành thí là nhằm nhiếp trừ tâm bỏn sẻn để thăng hoa chính mình trên con đường Bồ Tát đạo. Vì thế, người bố thí mang tâm hạnh Bồ Tát không lẫn tiếc một thứ sở hữu nào, dù là thân thể mình:

“Bố thí tâm hạnh Bồ Tát phải suy nghĩ rằng: cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần giường nệm cho giường nệm. Cần y phục, nón mũ, giầy dép v.v… đều cho tất cả, nhẫn đến cắt thịt thân mình mà bố thí. Bố thí như vậy để xả bỏ tâm bỏn sẻn, nguyện lấy Vô thượng Bồ đề.”[2]

 Chính vì tầm quan trọng của việc hành thí như thế, nên bố thí được đề cập đầu tiên trong sáu pháp môn chính của Bồ Tát (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) và cũng lại đi đầu trong tứ nhiếp pháp của Bồ Tát (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự). Về quan điểm bố thí, bố thí là độ tâm bỏn sẻn, chứ không phải là một hành vi ban ơn, thi thố ân huệ gì cả.

2.- Các hình thức bố thí

Bản văn của kinh này không giới thiệu cụ thể từng dạng thức bố thí, nhưng ta vẫn hiểu được rằng, bố thí bao gồm bố thí tài sản, bố thí phápbố thí sự vô sở úy. Cả ba dạng thức bố thí này đều mang lại cho hành giả bố thí (và những người trực tiếp hoặc gián tiếp khích lệ bố thí) nhiều lợi ích như nhau, mặc dù cho không mong cầu phước báo.

- Về bố thí tài vật: Bao gồm hai phạm trù, bố thí nội tài và bố thí ngoại tài. Bố thí nội tài là bố thí thân thể, xác thịt của mình cho chúng sinh trong những trường hợp thật sự cần thiết. Kết quả của sự bố thí này phải đem lại lợi ích cho cả hai. Trong kinh điển Bắc tông, các vị Bồ Tát thường thiêu đốt thân thể mình để cúng dường Đức Phật. Kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến đốt tay cúng dường Phật để cầu Vô thượng Bồ đề. Tiền thân Đức Phật trải thân dài trên đất sình lầy để lót đường cho Phật đi ngang qua. Tổ Huệ Khả chặt cánh tay để cầu thiền chỉ… Những việc làm này đều phát xuất từ tinh thần vô ngã đến tột độ và thái độ tha thiết với đạo giải thoát. Bố thí ngoại tài là bố thí vật sở hữu của mình. Nó là một hình thức tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác. Bố thí ngoại tài là bố thí vật chất, rất cần thiết trong cuộc sống thiếu thốn vật chất. Đời sống vật chất được ổn định thì đời sống tinh thần cũng nhờ đó được thoải mái đôi phần. Thật vậy, giúp đỡ người trong cơn túng quẫn tức là đã giải phóng họ khỏi khốn cảnh biến loạn tinh thần. Do đó, người Phật tử hơn ai hết phải hoan hỷ nhường cơm xẻ áo cho nhau, để đem chánh pháp Đức Phật đến với họ. Bởi lẽ, không ai theo ta, nghe ta với cái dạ dày lép xẹp (George Eliot) dù lý tưởng ta đi, dù những điều ta nói là chân lý.

- Về bố thí pháp: Cao hơn một bậc nữa, người Phật tử phải biết song hành tài thí với pháp thí. Tài thíyếu tố dẫn đường thực hiện pháp thí. Tài thí cung cấp về mặt vật chất, pháp thí cung ứng về mặt tinh thần. Song hành nhị thí như vậy, sự bố thí mới trọn vẹn (tài pháp nhị thí thủy thành công). Thông thường, pháp thí chỉ chung cho những điều hay lẽ phải, truyền bá nguồn sống chánh pháp, hay truyền dạy nhân sinh quan, thế giới quan của Phật giáo. Ngoài ra, các công việc từ thiện, in kinh ấn tống, thông tin chân lý, giảng đạo, thuyết pháp… đều thuộc về pháp thí. Pháp thí là món ăn tinh thần, là kim chỉ nam định hướng cuộc sống. Người ta có thể sống thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng không vì thế mà cuộc sống trở nên vô nghĩa. Chỉ khi nào người ta bế tắc tư tưởng, lúc ấy người ta mới thật sự bi quan, khổ thọ. Vì thế, pháp thí là quan trọng. Trong kinh Đức Phật dạy: “Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối”. (Trong tất cả các hình thức cúng dường, cúng dường pháp là hơn hết.)[3] Đức Phật luôn khuyên dạy chúng ta bố thí pháp: “Phải biết pháp cúng dường là thù diệu hơn hết, tối cao tối thượng, không gì sánh bằng. Vì thế, nên dùng pháp cúng dường để cúng dường chúng sinh.”[4]

- Về bố thí sự vô sở úy: Vô sở úy là thái độ an nhiên, không sợ hãi trước mọi biến cố của cuộc đời. Người vô sở úy là người an nhàn thoát tục. Nó là một trong các yếu tố quan trọng hình thành hợp thể “đại hùng, đại lực, đại từ bi” ở con người cao vĩ. Đứng về mặt nhân duyên, vô sở úy là hệ quả tất yếu của tài thípháp thí. Thực hiện tài thí, pháp thí theo đúng lời Phật dạy, người hành thí sẽ đem lại cho người khác thái độ vô sở úy. Người nghèo về vật chất sẽ không lo ngại về vật chất. Người nghèo về tinh thần sẽ không còn lo ngại về tinh thần. Đứng về mặt giáo dục, vô úy thí còn là thân giáo. Chúng ta thấy, trong cơn biến loạn hoảng hốt thì một người an nhiên không sợ sệt, không lo âu sẽ là niềm tin vững chắc, là nguồn sưởi ấm, trấn an tinh thần những người chung quanh đang hoảng hốt. Cũng vậy, một người có một đời sống mẫu mực, phạm hạnh hẳn sẽ là tấm gương chói sáng để mọi người noi theo. Suy rộng ra thì: Người không sát sinh sẽ ban bố cho người khác sự an lạcbảo tồn sở hữu vật. Người không tà hạnh sẽ đem lại hạnh phúc cho gia cang người khác và cho chính gia đình mình. Người không nói láo, không nói lời ly gián, không nói lời thô tục… sẽ đem đến cho người khác sự an tĩnh trong mối thân tíngiao hữu, giao tế. Người không rượu chè sẽ không đem lại cho người khác sự thương tổn hay phiền phức nào.

Nói chung, bất kỳ một hành vi nào, dù là pháp thí hay tài thí, hễ đem lại sự an vui hạnh phúc cho người khác theo chiều hướng nhân bản đích thực đều được xem là thực hành vô úy thí.

3.- Phước đức tùy hỷ bố thí

Người tùy hỷ việc làm tốt của người khác ở một chừng mức nào đó có thể được xem là ngang hàng với người bố thí. Thông thường người tùy hỷ đem lại nguồn vui, nguồn cảm hứng tinh thần cho người hành thí. Người hành thí cảm thấy mình có một niềm khích lệ lớn, đồng tình lớn mà vững chí, lạc quan trong việc bố thí. Nhờ đó mà việc bố thí phù hợp với tinh thần ba la mật. Chính như vậy, kinh này, Đức Phật dạy:

“Thấy người khác thực hành bố thí mà giúp đỡ, hoặc tán thành, hoan hỷ thì được phước rất lớn”.

Chúng ta vẫn còn nhớ trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật cho biết công đức của người tùy hỷ với hạnh bố thí, nhất là bố thí pháp nói chung, bố thí Kinh Pháp Hoa nói riêng, sẽ được phước đức không thể lường được:

“Này A Dật Đa, ai đem những đồ ưa thích bố thí cho sáu đường chúng sinh, phước đức đó cũng chẳng bằng công đức của người thứ 50 nghe pháptùy hỷ, trăm phần, nghìn phần, muôn ức phần chẳng bằng một phần, nhẫn đến tính đếm không thể tỷ dụ được.”[5]

Lời dạy trong Kinh Pháp Hoa vừa được dẫn hoàn toàn phù hợp với nội dung của kinh này. Nghĩa là, công đức của người tùy hỷ hoặc tán thành hoặc trợ giúp hoặc cộng tác… xem bằng với công đức của chính người bố thí. Có một vấn đề cần nhớ là công đức bố thí hay tùy hỷ sẽ tỷ lệ thuận với nội dung bố thí. Bố thí pháp thì công đức cao hơn bố thí tài sản. Số lượng bố thí nhiều thì công đức bố thícông đức tùy hỷ cũng nhiều.

Đặc biệt trong kinh này, Đức Phật khẳng định công đức của người bố thí hay tùy hỷ bố thí là bất tận.

Để diễn tảgiải thích ý nghĩa trên, Đức Phật đưa ra hình ảnh: “Từ một cây đuốc, hàng trăm người đến mồi đuốc để nấu ăn hoặc thắp sáng, không vì thế mà cây đuốc bị mất sáng”. Từ đó, Ngài đúc kết về phước đức tùy hỷ bố thí như sau: “Phước của người giúp đỡ hoặc tán thành, hoan hỷ người khác thực hành bố thí cũng như vậy”. Nghĩa là từ một người bố thí mà những người tùy hỷ, trợ giúp, tán thành sẽ mồi phước đức bố thí để tạo thành đuốc công đức cho mình.

Hình ảnh nối đuốc, mồi đuốc công đức này, một lần nữa, lại xuất hiện qua pháp môn Vô Tận Đăng (ngọn đèn sáng bất tận) trong Kinh Duy Ma Cật: “Vô tận đăng. Ví như ngọn đèn mồi đốt trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều sáng, sáng đó vô cùng tận. Cũng vậy, Bồ Tát dẫn dắt trăm ngàn chúng sinh khiến phát tâm Vô thượng Bồ đề, nơi ý đạo của họ cũng sáng mãi vô cùng tận. Tùy theo pháp sở thuyết mà tăng thêm pháp lành. Đó là pháp môn Vô tận đăng.”[6]

Nhận địnhđánh giá giá trị tư tưởng của chương này, hay nói cụ thểquan niệm về phước báo của hạnh tùy hỷ trong kinh văn có thể xem ngang hàng với phẩm “Tùy Hỷ Công Đức” của Kinh Pháp Hoa hay phẩm “Bồ Tát” trong Kinh Duy Ma Cật, tuy ba đoạn kinh được diễn tả bằng ba cách khác nhau. Do đó, giá trị giáo dục của kinh này hoàn toàn lập cước trên tinh thần Đại thừa và mang sắc thái Đại thừa nhiều hơn là Phật giáo Nam truyền.

Hơn thế nữa, kinh này lại diễn tả giản dị, ngắn gọn mà vẫn đủ hàm súc áo nghĩa như hai phẩm kinh trên, làm cho người đọc dễ học, dễ ghi nhớ. Sự trùng hợp khá lý thú này đủ cho chúng ta tăng cường lập trường bố thícủng cố, phát huy hạnh tùy hỷ, trợ tán người khác làm việc thiện. Được như vậy, công tác hoằng hóa, hoàn thiện chính mình và tha nhân sẽ trở thành hiện thực:

“Một câu nhiễm tâm thần

Đều giúp đến bờ kia

Tùy hỷ thấy cùng nghe

Thường làm chủ với bạn.”[7]

 

 


[1] Kinh Duy Ma Cật, Mai Hạnh Phúc dịch, tr. 53.

[2] Kinh Đại Bửu Tích, tập 3, tr. 19.

[3] Kinh Duy Ma Cật, phẩm Cúng Dường Pháp, Mai Hạnh Phúc dịch, tr. 147.

[4] Kinh đã dẫn, tr. 151.

[5] Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùy Hỷ Công Đức, tr. 457.

[6] Kinh Duy Ma Cật, phẩm Bồ Tát, tr. 52.

[7] Kinh Pháp Hoa.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.