Thư Viện Hoa Sen

22. Kiêu Mạn Bất Thỉnh Pháp Giới (Giới Kiêu Mạn Không Thỉnh Pháp)

22/06/201012:00 SA(Xem: 54288)
22. Kiêu Mạn Bất Thỉnh Pháp Giới (Giới Kiêu Mạn Không Thỉnh Pháp)

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh

Chương III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG 
(chánh thức thuyết giảng giới tướng) 

B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)

B.2.2. BIỆT THUYẾT KHINH GIỚI 
(riêng giảng các giới khinh)

B.2.2.22. KIÊU MẠN BẤT THỈNH PHÁP GIỚI 
(Giới kiêu mạn không thỉnh pháp)

Kinh văn 

1. Phiên âm:

Từ câu “nhược Phật tử sơ thỉ xuất gia...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”. 

2. Dịch nghĩa: 

Nếu Phật tử mới xuất gia chưa thông hiểu kinh luật, mà tự ỷ mình là trí thức, thông minh, hoặc ỷ mình là cao quý, lớn tuổi; hoặc ỷ mình là sang giàu, con nhà quyền quý, hoặc ỷ mình học rộng, phước to, nhà lớn v.v... rồi sanh lòng kiêu mạn mà không chịu học hỏi kinh luật với các vị Pháp Sư học đạo trước mình. Vị Pháp Sư ấy dù thuộc giòng dõi thấp kém, con nhà hạ tiện, tuổi trẻ, nghèo nàn, cùng khổ, hay có tật nguyền, nhưng lại thật có đức hạnh, thông hiểu nhiều kinh luật. Hàng tân học Bồ Tát không được căn cứ vào gia thế, giòng dõi của vị Pháp Sư mà không chịu đến học đạoĐại Thừa với vị ấy. Phật tử nếu như vậy thì phạm khinh cấu tội

3. Lời giảng: 

Giới trước giảng về việc đối với oán cừu nếu khởi niệm trả thù, lẽ dĩ nhiên, không phải là một biện pháp tốt để giải quyết vấn đề
Hiện tại, giới này nói về vấn đề đối với bậc có đức mà không kính trọng, thì cũng không phải là sự hữu ích cho chính mình. 
Nhân vì đối cảnh sanh tâm oán hận, chẳng những không có được biện pháp giải quyết cho vấn đề, chỉ làm tăng gia hoặc nghiệp cho chính mình. Như vậy thử hỏi việc làm ấy có ý nghĩa gì? 
Đối với bậc có đức, nếu không kính trọng thì chẳng những bản thân không có chỗ tốt đẹp mà lại còn tạo thêm lỗi khinh mạn chánh pháp. Nên biết một hành giả mới xuất gia, nhất là một vị Bồ Tát mới xuất gia, không phân biệt trường hợp tự hành hay hóa tha, đối với chánh pháp của Như Lai đều phải tận tâm tận lực cầu học, không nên lựa chọn người hoặc thời gian hay địa điểm. Cốt yếu là chỗ cầu học phải thuộc về Phật pháp. Vì chỉ có sự hiểu rõ tất cả chánh pháp của Như Lai một cách không điên đảo, mới là điều tối trọng yếu của người học Phật. 
Nếu thể hiểu rõ chánh pháp của Như Lai thì thử hỏi bạn lấy cái gì để tự hành? Vì thế làm một vị Bồ Tát xuất gia, đối với chánh pháp đương thời của Đức Phật cần phải thấu suốt thông đạt
Phải biết rằng ngôn giáo của Đức Phật giảng nói là cốt dạy rõ cho người tu hành phải tu như thế nào để chứng đắc quả vị tối cao và không bị điên đảo. Vì thế, một Bồ Tát khi đã theo gót Phật Đà, thì bất cứ khía cạnh nào cũng đều phải tinh tấn tìm cầu chánh pháp của Như Lai, không được lười biếng, mỏi nhác. 
Đầu tiên, Bồ Tát cần phải biết rằng, muốn hóa độ chúng sanh không phải dùng một phép thuật đặc biệt nào, mà chỉ hoàn toàn nương theo chánh pháp của Như Lai. Vì thế, nếu tự mình không có sự hiểu biết thông suốt chánh pháp một cách chắc chắn, thì lấy gì để tuyên thuyết, giáo hóa, dẫn dắt chúng sanh? 
Cho nên sự hiểu rõ toàn bộ Phật phápthành tựu tất cả phương tiện cho việc lợi sanh của Bồ Tát. Đức Di Lặc Bồ Tát từng dạy rằng: 
“Những Bồ Tát có tâm muốn cầu việc lợi ích cho chúng sanh, do nơi Đạo Chủng Trí mà được thành tựu tất cả sự lợi ích cho thế gian”. 
(Đạo Chủng Trí là một trong ba trí. Đại Trí Độ Luận nói: “Đạo Chủng Trí là trí của Bồ Tát, học tập tất cả đạo pháp để tế độ chúng sanh”. Trí này trong Tam Đế thuộc về Trí Quán Giả Đế hay Tục Đế). 
Do đó, nếu không hiểu tường tận về Phật pháp thì không thể hóa độ các loại chúng sanh. Nên kinh Hoa Nghiêm dạy về tinh thần hy sinhđại pháp rằng: “Bồ Tát Ma Ha Tát vì muốn cầu chánh pháp của Như Lai, nguyên dochánh pháp hết sức khó được. Khi Bồ Tát cầu pháp sẽ có người nói như vầy
- Nếu ông có thể gieo mình vào trong hầm lửa bảy nhẫn, ta sẽ nói pháp cho ông nghe (nhà Châu ở Trung Hoa ngày xưa ấn định một Nhẫn bằng ba mét Tàu). 
Bồ Tát vừa nghe lời nói ấy, hoan hỷ vô cùng, suy nghĩ như vầy: “Ta hôm nay vì cầu chánh pháp của Như Lai. Nếu cần phải sanh trong A Tỳ đại địa ngục, cùng các ác thú thọ vô lượng thống khổ, cũng phải vào để cầu pháp, huống chi chỉ vào trong hầm lửa nhỏ, sức nóng ở nhân gian chỉ chút ít mà được nghe pháp (vì lửa ở A Tỳ địa ngục rất nóng. Rắn như sắt đá, khi bỏ vào cũng phải tiêu ra tro bụi. Nên lửa ở nhân gian so với lửa ở địa ngục chẳng bằng một phần nhỏ). Lạ lùng thay! Quý hóa thay! Chánh pháp của Như Lai rất là dễ được! So với sự thọ vô lượng thống khổđịa ngục thì không bằng một phần. Chỉ vào trong hầm lửa ở nhân gian chịu nóng chút ít mà được nghe chánh pháp, là việc làm hoàn toàn không khó vậy. Cúi xin ngài nói pháp cho tôi nghe, tôi sẽ vâng lời, gieo mình vào hầm lửa”. 
Cũng trong kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu có người nào vì tôi giảng một câu chánh pháp, khiến cho Bồ Tát hạnh của tôi nhờ đó mà được thanh tịnh thì dù phải gieo mình vào biển lửa lớn đầy cõi tam thiên đại thiên thế giới, tôi cũng nguyện từ cõi Phạm thiên gieo mình vào biển lửa ấy, cũng không cho là khó”. 
Thế nên, người mới phát tâm xuất gia, nhất định phải nương theo một vị thiện tri thức tài đức kiêm toàn, để tu học chánh pháp của Như Lai, hầu có được sự nhận thức chín chắn về tất cả đạo lý làm thế nào để được thành Phật, cũng như về tất cả các phương pháp độ sanh. Vì tất cả những phương tiện có thể thành tựu được trên con đường giải thoát và tất cả những lợi lạc hiện tại cũng như nhiều kiếp lâu xa trong tương lai, chỉ có thể tìm được trong giáo lý Phật Đà, ngoài ra không tìm đâu có được. 
thế gian hiện tại này, duy chỉ có Đại Thánh Phật Đà mới có thể khai thị tất cả những yếu nghĩa của thủ xả hoàn toàn không sai lầm. Ngoài ra, không có bất cứ một vị giáo chủ nào khác có thể làm được. 
Đức Phật đối với đại chúng dạy rằng: “Nếu có Phật tử đã thọ Bồ Tát giớiPhật tử ấy lại là Bồ Tát xuất gia. Vì mới xuất gia nên chưa được sự huân đào sâu rộng trong Phật pháp. Lẽ đương nhiên, đối với kinh luật chưa thông hiểu một cách chính xác”. 
Nói một cách khác, người Phật tử mới xuất gia, chưa được thân cận nhiều với thiện tri thức, nên đối với giáo lý Đại Thừa cũng như Tiểu Thừa, cố nhiên chưa học tập được hoàn bị, ngay đến giáo pháp Bồ Tát của mình cần phải học cũng không rành rẽ. Như thế, Phật tử này tiến tu trong đại đạo Bồ Đề không tránh khỏi những tình trạng nguy hiểm. Vì giáo lý không thông sẽ dễ đi vào con đường sai lầm, khi xúc sự mà giới hạnh không biết thì rất dễ lạc vào đường tà. 
Cho nên nếu tự nhận mình là vị Đại Thừa Bồ Tát thì cần phải học tập những phương pháp giáo hóa, khai thị chúng sanh của Đại Thừa, không nên tự cao, tự đại, cho mình là người hiểu biết cao thâm mà không có tâm cầu học Phật pháp. Trong kinh văn dầu nêu rõ rằng Bồ Tát xuất gia, nhưng Bồ Tát tại gia cũng bao gồm trong ấy. Vì Bồ Tát tại gia phải hướng về đại đạo Bồ Đề mà tiến lên. Nếu giáo lý không thông, giới hạnh không hiểu, cũng sẽ sanh nhiều nguy hiểm.
Do đó, dù là Bồ Tát xuất gia hay tại gia, đều phải lấy việc học chánh pháp Như Lai làm trọng. đối với việc cầu học chánh pháp phải tinh tấn, không nên xem thường.
Cho nên cổ đức dạy rằng: “Đem thân của vị quốc vương làm giường cho quỷ la sát, dùng thiên y làm pháp tòa cho thú dã can, khinh thường địa vị tôn quý của thiên vương, kính trọng quỷ thần là bậc cao quý v.v... những việc như trên đều vì tôn trọng chánh pháp trước tiên”. 
Là một vị Bồ Tát nếu vì khinh người mà phải mất lợi ích nghe pháp thì sự tổn hại rất nặng nề. Như đỉnh đầu là nơi tôn quý của con người, nhưng khi vì muốn cầu pháp Đại Thừa của Như Lai, chỉ một bài kệ bốn câu mà phải đem đầu đội chân của súc sanh là vật tối ty tiện, cũng hoàn toàn không có niệm yêu tiếc. Đó là do lòng tôn trọng chánh pháp mà ra vậy. 
Vì vậy, hành giả Bồ Tát chân chánh, có tâm ân cần khẩn thiết, ham mộ chánh pháp của Như Lai, tuyệt đối không được phân biệt, lựa chọn hình mạo tốt xấu, cùng chủng tánh tôn quý hay hạ tiện. 
Ở trên nói dùng thiên y làm pháp tòa cho dã can, việc ấy trong kinh Vị Tằng Hữu mô tả như sau: Trên non Đồ Đà tại nước Tỳ Ma, một ngày nọ có chú dã can bị sư tử rượt bắt ăn thịt... Dã can sợ hãi chạy trốn, bất hạnh thay, bị sa xuống giếng sâu suốt ba ngày đêm, không cách nào lên được. 
Tự biết mình không bao lâu sẽ chết, tâm dã can buồn khổ, bùi ngùi than rằng: - Trên thế gian này đều là vô thường, chính sanh mạng này cũng không lâu dài. Tại sao ta không cung cấp cho sư tử một bữa ăn no, lại đem thân mạng mong manh, bại hoại này vào trong giếng nước của người. Về phần sư tử đã nhọc công rượt mà không kịp. Phần mình cũng chỉ tổn hại mà thôi. Lúc sống đã nghèo cùng khốn khổ, không công cán gì với nhân gian. Khi chết rã mục như cỏ cây, không ích lợi gì cho nhân quần, lại còn làm ô nhiễm nước uống ăn của dân chúng, thật là tội lỗi biết bao! Hiện giờ đã biết sự lỗi lầm của mình, nhưng không phương cách chi để cứu vãn, chỉ còn hướng về chư Phật mười phương chí thành, khẩn thiết, cầu ai sám hối! 
Dã can tự ca thán mấy lời trên, rồi lại phát nguyện rằng: “Nguyện chư Phật mười phương từ bi thương xót, phóng quang đến chiếu soi tâm con, khiến bao nhiêu ác nghiệp con đã gây tạo trong đời quá khứ, trong đời này, con nguyện trả cho sạch hết cả, không còn sót một mảy may. Con nguyện từ nay trở đi thường gặp bậc minh sư chỉ bảo, dẫn dắt cho con tu học Phật pháp, để cuối cùng được chứng đắc quả vô thượng Bồ Đề”... 
Lúc ấy, Thiên Đế Thích nghe những pháp ngữ trên, liền cùng với tám vạn thiên chúng, đồng bay đến bên giếng nói với dã can rằng: 
- Thiên chúng chúng tôi từ lâu ở chốn tối tăm, lâu lắm rồi không được nghe thánh giáo của Như Lai. Vừa rồi được nghe những pháp ngữ của ngài tuyên thuyết, khác nào như được uống nước Cam Lồ, cầu xin ngài nói lại lần nữa cho chúng tôi được nghe thì công đức ấy vô lượng vô biên
Dã can đáp lại rằng: 
- Quý vị muốn tôi giảng nói Phật pháp, điều ấy không thành vấn đề. Nhưng Pháp Sư thuyết pháp ở dưới, còn người nghe pháp ở trên cao thì với việc nghe pháp, quý vị trong tâm không có một điểm cung kính, thì làm sao có thể nghe được chánh pháp của Như Lai? 
Trời Đế Thích vừa nghe xong liền đưa dã can lên khỏi giếng. Đoạn dùng thiên y của mình cùng tám vạn thiên chúng làm pháp tòa, thỉnh dã can ngồi, rồi mới đối trước dã can chí thành cầu xin sám hối nghe pháp. Chỉ có hết lòng ân cần cung kính như vậy mới có thể chân chánh được nghe Phật pháp
Nếu như không thực hành như vậy, mà tự ỷ mình là trí thức thông minh, không chịu nhất tâm thỉnh cầu chánh pháp, là điều tuyệt đối sai lầm. Là Phật tử đáng lý phải chuyên cần học tập chánh pháp Đại Thừa. Nếu hoàn toàn chưa được thấy nghe giáo lý Đại Thừa thì phải sanh tâm hổ thẹn, đã không ý thức được như vậy, sao trở lại sanh tâm kiêu mạn? 
Nhưng người đời thì ngược lại, vì chưa thâm nhập Phật pháp sâu xa, vì chưa được chánh giải do được nghe pháp Đại Thừa, nên dễ sanh tâm kiêu mạn. Tự cho trên xã hội này mình là một người hiểu cao không thể tưởng tượng, cho rằng mình đã học qua tất cả các học thuyết trên đời. Với những kiến thức học vấn thông thường, ta đây đều có thể thông đạt, Phật pháp có gì khó mà phải học tập? Lại cần phải thỉnh giáo nơi người để làm gì? 
Trong tâm đã sanh những động niệm cao ngạo như thế nên mới cho mình là người trí thức, thông minh, mà khinh thường pháp Đại Thừa thâm diệu của Như Lai, không chịu tiếp thọ. Do tâm kiêu căng, ngạo mạn nên không hết lòng kính trọng người. Do ỷ mình là người trí thức thông minh, nên không có ý nguyện cầu học chánh pháp của Như Lai cho được lợi ích
Hoặc có người ỷ địa vị mình cao quý, nếu không phải là viên chức cao cấp quan trọng của quốc gia thì cũng là một bậc hào thế trong xã hội, hay thuộc về giai cấp lãnh đạo tối cao trong nước. Khi đã có tâm tự ỷ như vậy, thì thấy mình cao hơn người mấy bậc, mặc dầu mọi cái mình cũng đều không hiểu biết cho lắm. Nhưng vì ở hoàn cảnh thù thắng, được ở địa vị cao, muốn giữ thể diện cá nhân và nhất là bị con ma “tôn vinh” sai sử, núi ngã mạn cao chọc trời nên không thèm cầu học với người thông hiểu Phật pháp. Cho rằng thỉnh cầu Phật pháp với một vị Hòa Thượng thông thường hay với một vị cư sĩ tầm thường thì thật là một sự mất sĩ diện vô cùng
Trường hợp này ở thế gian có thể nói là rất nhiều. Nhiều nơi thường có những người có địa vị, rất muốn biết chút ít về Phật pháp, nhưng lại không muốn thỉnh cầu các vị xuất gia khai thị. Vì họ cho rằng nếu làm như vậy sẽ tổn thương đến địa vị hiện tại của cá nhân mình, nên thà chịu dốt Phật pháp còn hơn. Như thế là tạo chướng ngại đối với Phật pháp cho chính mình. 
Phật pháp là pháp thậm thâm vi diệu, trăm kiếp ngàn đời thật khó gặp. Nay đã gặp được mà lại bỏ qua, thật là ngu xuẩn biết chừng nào! Đáng thương biết bao! Nên biết rằng Phật phápPhật pháp, địa vịđịa vị, không nên vì địa vịa mà xa lìa Phật pháp
Hơn nữa, nếu bạn chân thành cầu học Phật pháp, chẳng những địa vị cao quý của bạn không hề bị tổn thương; trái lại, còn giúp cho sự tăng gia tính chất cao thượng ở địa vị của bạn. 
Hoặc có người tự ỷ mình cao kỳ túc (bản Việt văn dịch là “lớn tuổi”), đối với Phật tử tại gia tự cho mình là bậc kỳ niên tôn túc, còn đối với Phật tử xuất gia thì tự cho mình là Tăng lạp hơn người. 
Nên Trung Hoa xưa có câu: “Hữu trí bất tại niên cao, vô trí không tưởng bách tuế” (có trí không cần lớn tuổi. Không trí, dù có trăm tuổi, chỉ là người già suông mà thôi). 
Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Khôn thì khôn thuở lên ba, dại thì già đầu cũng dại”. 
Trong Phật pháp, có một vị thượng tọa gọi là trí huệ thượng tọa, tức là vị có trí thức, có học vấn, hay có một kiến giải tương đương, một sự nhận thức chu đáo đối với Phật pháp. Điều ấy không luận lớn tuổi hay nhỏ tuổi. 
Dù niên kỷ của bạn già đến bực nào, nếu bạn không có sự nhận thức chính xác đối với Phật pháp, thì phải ân cần cầu thỉnh sự chỉ giáo của người thông hiểu Phật pháp. Nếu bạn ỷ mình già hoặc đứng tuổi, nhưng vô dụng, thì xin nói một cách thẳng thắn không nhân nhượng là: Nếu bạn là người mà vấn đề gì cũng hoàn toàn không biết thì chỉ là già suông mà thôi. Tuy nhiên, trong Phật pháp điều này không có nghĩa là không kính trọng bậc cao niên, trưởng thượng
Nên trong giới luật, Đức Phật đặc biệt dạy: “Tôn thượng tọa”, là đối với bực thượng tọa phải hết lòng cung kính. Ở đây, chỉ nói trường hợp những người lớn tuổi, tự mình đã không hiểu Phật pháp, mà không chịu thỉnh cầu Phật pháp. Tức là vì tuổi già mà sinh tâm kiêu mạn, đối với những vị sơ tâm, nhưng thông đạt Phật pháp, thì coi không ra gì. Đây là điều sai lầm và không nên làm. 
Hoặc ỷ mình thuộc dòng dõi sang trọng, con nhà quyền quý, nghĩa là ỷ mình chủng tánh cao thượng, gia tộc cao sang. Đây chỉ dòng dõi Sát Đế LợiBà La MônẤn Độ thời xưa. Còn ở Trung Hoa và các quốc gia khác ở Á Đông, thì chỉ những nhà nhiều đời làm quan, gia đình cao sang, tài bảo vô lượng, đương thời được suy tôn là vọng tộc. Muốn cho những người ấy cầu học Phật pháp với những người trong chủng tộc Tỳ Xá (buôn bán), hoặc Thủ Đà La (làm ruộng) thì thật là khó khăn muôn vàn
chủng tộc Bà La MônSát Đế Lợi xem chủng tộc Thủ Đà La là một chủng tộc vô cùng hạ tiện, không thể đụng đến. Nên khi họ đi đường, nếu chân họ đạp phải bóng của người thuộc chủng tộc Thủ Đà La thì họ cho là việc không lành. 
Vì thế, muốn chủng tộc Bà La MônSát Đế Lợi mọp đầu lễ bái với người thuộc chủng tộc Thủ Đà La để cầu học Phật pháp là một việc không thể được. Đó là nói về bốn giai cấpẤn Độ ngày xưa. Còn ở Trung Hoa thì hàng cao môn vọng tộc, không bao giờ có ý muốn qua lại với những người trong cảnh nhà tranh, vách lá. Nên không bao giờ họ cầu học Phật pháp với những người nghèo khổ ấy. 
Hoặc có người tự ỷ mình học rộng. Nghĩa là tự nhận mình học vấn uyên thâm, bất cứ môn học nào trên thế gian đều đã tham khảo một cách sâu sắc. Mọi lãnh vực khoa học, triết học, y học, sinh lý học, tâm lý học, luận lý học, động vật học, thực vật học, cơ giới học, pháp luật học, chính trị học, tôn giáo học v.v... không một thứ nào mà họ chẳng tinh thông
Nếu người ấy là một hành giả trong Phật pháp, nhất là Phật pháp Tiểu Thừa thì cũng sẽ tự ỷ mình đã có sự hiểu biết đầy đủ trong Phật pháp. Người tự ỷ học vấn thế gian có thừa, thậm chí đối với những chỗ sai lầm của ngoại điển có thể biện biệt rõ ràng, đối với Phật pháp Tiểu Thừangoại điển đều thông đạt như vậy, muốn cho người ấy học tập Phật pháp Đại Thừa, thật là một chuyện không dễ dàng. 
Vì thế người có trình độ học thức cao, hiểu biết rộng, đại đa số đều tự xem mình rất cao. Dù có những chỗ chính mình không hiểu rõ, cũng không bao giờ chịu thỉnh giáo với người khác. 
Hoặc có người tự ỷ mình có đủ phước to, nghĩa là tự nhận phước đức của mình rộng lớn phi thường, hoặc ỷ mình ở trên thế gian này đã từng làm phước hạnh rất lớn, giúp đỡ rất nhiều người, biết bao người đã được sự lợi ích do mình, nên khi đi đến nơi nào đều có vô số người hoan nghinh tiếp rước. 
Hoặc có người tự nghĩ: Phước đức của ta đã lớn dường ấy thì cần phải cầu học Phật pháp để làm chi? Ta ở trên thế gian hiện thực này một đời hưởng thọ không hết, cần chi phải cực khổ đi cầu học Phật pháp? 
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Phú quý học đạo nan” chính là ý ấy. Vì thế, ở các nơi việc tu học Phật pháp, nhất là việc nghe kinh pháp dùng không phải là không có những vị Phật tử phước to, tiền của nhiều, nhưng có thể nói là rất ít! Vì có thể nói tâm lý của đại đa số những người bình thường đều giống nhau. 
Trên thế gian này có những người ỷ mình phước to mà sanh tâm kiêu mạnđa số. Họ không biết rằng phước đức là điều không thể tựa nương. Vì khi đã hưởng hết phước báo rồi, họ mới biết thế gian này toàn là đau khổ! 
Nên học được Phật pháp thì thành một hột giống đạo pháp, vĩnh viễn nương nhờ nơi đó, tương lai sẽ được giải thoát cho đến lúc thành Phật. Thế mà không chịu đi học Phật pháp, thật là một việc đáng tiếc biết chừng nào!!! 
Hoặc có người tự ỷ mình giàu lớn, đồ thất bảo rất nhiều. Con người sống trên thế gian, nếu nhìn theo góc độ thế gian, thì sang giàu có nhiều thất bảo và các tài vật, đương nhiên là một điều thật lý tưởng. Vì muốn gì được nấy. Nhưng đứng về quan điểm của Phật pháp, thì giàu có lớn không phải là lý tưởng, vì không thể nương vào tài bảo là của năm nhà. Hôm nay nó là tài vật của bạn, ngày mai có thể trở thành của người.
Nhìn vào thế gian này, người giàu lớn thì tiền bạc, của cải rất nhiều, nhưng chỉ trong một đêm có thể trở thành kẻ rất nghèo cùng. Đây là sự thật rất thường thấy, không phải bịa đặt, cũng không phải là ít có. 
Do đó, thử hỏi rằng tài bảo có gì vững chắc để tựa nương? Nếu bạn biết mình là người giàu có, của cải nhiều, nhờ đó không bị khó khăn về cuộc sống, vậy hãy nương theo duyên tốt ấy mà chuyên tâm tu học Phật pháp. Đấy mới là con đường chánh đáng cần phải đi của kiếp người. Nhưng rất đáng tiếc cho thế nhân, không hiểu được điều ấy, họ thường thấy mình giàu lớn, của tiền vô lượng rồi sanh tâm kiêu mạn, để đến nỗi mất hẳn cơ hội tích tụ Thất Thánh Tài trong Phật pháp. Thật là một sự việc rất đáng tiếc! 
Như trên đã nói, về việc tự ỷ có bảy loại là: 
1. Trí thức thông minh
2. Cao quý. 
3. Lớn tuổi. 
4. Giàu sang, con nhà quyền quý
5. Học rộng
6. Phước to. 
7. Giàu lớn. 
Bảy loại này là điều quý trọng thông thường của người thế gian. Trái lại, đối với Phật pháp, các thứ ấy hoàn toàn không quan trọng, vì đi ngược đường với việc tu trì trong Phật pháp. Do đó, muốn đi trên con đường Phật pháp thì đối với những thứ ấy, không nên có tâm tự ỷ. Nếu có chỗ tự ỷ thì không thể nào đúng theo pháp tiến bước trên con đường rộng lớn và quang minh của Phật pháp
Thông thường, các hành giả sơ phát tâm tu học Phật pháp không nhận rõ bảy loại trên là nhân duyên chướng đạo, mà trái lại, đối với các điều thù thắng ấy lại sanh tâm kiêu mạn hết sức
Do tâm kiêu mạn này xúi giục bên trong, nên không chịu học hỏi kinh luật với các Pháp Sư học đạo trước mình. Như thế, đối với Phật pháp mà mình phải phụng hành là một sự tổn thất rất lớn. Nên biết các Pháp Sư học đạo trước mình thông đạt được các kinh luật không phải là một việc dễ dàng mà phải trải qua thời gian trường kỳ mới tu tập được. Nếu chúng ta theo các ngài học tập, sẽ được kết quả gấp bội, điều đó giúp chúng ta tiến rất nhanh trong Phật pháp
Nếu tự ỷ những chỗ đắc thắng của mình để núi ngã mạn cao chọc trời thành ra không chịu thỉnh cầu những điều lợi ích trong Phật pháp nơi những bậc thông kinh luật. Đó là tự mình làm trở ngại bước tiến của mình. Vì một tấc bước không dời thì vĩnh viễn không thể thâu hoạch được lợi ích vĩ đại trong Phật pháp. Như thế không phải là tự mình chuốc lấy tổn thất là gì? 
Hai chữ “kiêu mạn” thông thường đi chung với nhau, nhưng thật ra nghĩa của chúng khác biệt nhau. Trong Duy Thức Học giải thích
- Chữ Mạn là một thứ Căn Bổn Phiền Não
- Chữ Kiêu là một thứ trong Tiểu Tùy Phiền Não.
Người kiêu căng vì đối với học vấn, đức hạnh, địa vị, tài sản v.v... của mình sanh tâm nhiễm trước quá sâu. Do đó, khi ở trước mặt người khác thường tỏ thái độ huênh hoang, ngạo nghễ. Đây là tự thể của Kiêu phiền não. Chính niệm say sưa trong kiêu căng này không làm phát sanh tâm ý hướng thượng, tiến thủ, mà làm nhiễm ô các thiện pháp. Đây là nghiệp dụng của kiêu phiền não. Một khi đã có tâm lý như vậy thì gây bất lợi cho mình về mọi phương diện
Người ta sở dĩ sanh tâm kiêu mạn là do cảm thấy mình so với người khác, điều gì cũng cao hơn một bậc. Vì thế sanh khởi tâm khinh khi, ngạo mạn đối với mọi người, xem dưới mắt không còn ai. Đây là thể tánh của mạn phiền não
Do tâm lý ngạo mạn, những người này tự làm tổn hại đức khiêm cung, hòa nhã của mình, do đó mà bị trầm luân trong bể khổ sanh tử, không có kỳ hạn được thoát khỏi. Họ luôn bị sự tập tích của các khổ não. Đây là nghiệp dụng của mạn phiền não
Khi núi ngã mạn cao ngất trong nội tâm thì làm sao có thể thâu hoạch, được lợi ích trong Phật pháp? 


Vì thế Phật tử theo học đạo, vấn đề cầu pháp là điều tối trọng yếu. Vì vậy, đối với những bậc thiện tri thức có khả năng khai thị chánh pháp, cần phải có tâm cung kính, tôn trọng tuyệt đối, không nên có chút tâm niệm kiêu căng, ngạo mạn. 
Nên biết rằng Bồ Tát sơ phát tâm sở dĩ không bị đọa vào ác thú hoàn toàn do sự hộ trì của thiện tri thức; được thoát ly cảnh thế gian ác trược này nhờ sự dạy bảo, dẫn dắt của bậc thiện tri thức; phiền não nghiệp chướng được tiêu trừ, ra khỏi biển khổ sanh tử, đạt đến cảnh giới Niết Bàn an lạc cũng là nhờ nương theo giác đạo của thiện tri thức. Thiện tri thức quan hệ đến tiền đồ của hành giả rất lớn lao, có thể thấy rõ ở nơi đây. 
Trong kinh Đại Thừa Tứ Pháp nói: “Làm một vị tỳ kheo xuất gia, suốt đời không nên xa lìa thiện tri thức. Dù gặp những nhân duyên tán thân mất mạng cũng quyết không xa lìa thiện tri thức mà đi”.
Vấn đề chính là muốn cho quý vị thân cận thiện tri thức. Nhưng nhìn vào hàng Phật tử xuất gia ngày nay, chẳng những họ không thể thực hành được điều ấy, mà còn cho việc ấy là thừa, thậm chí còn tự cho mình cao hơn thiện tri thức rất nhiều. Đã không xem trọng thiện tri thức thì làm sao Phật pháp xương thạnh được?! 
Nên biết làm một vị thiện tri thức chân chánh, không phải là một việc dễ dàng. Cổ đức dạy: “Nói đến thiện tri thức là chỉ cho người thông suốt Tam Tạng thánh giáo, tỏ ngộ tam tông, biết chân, rõ vọng, biết căn bệnh, biết phương thuốc điều trị các thứ bệnh căn thuộc thân tâm của chúng sanh”.
Gặp được thiện tri thức khó khăn dường ấy, làm sao có thể tự ỷ vào mình những điều đắc thắng của mình mà sanh tâm kiêu mạn, không chịu thân cận cầu học Phật pháp? Với những kiến thức học vấn thông thường của thế gian, còn phải dùng nhiều phương pháptận tâm cầu học, huống chi hành giả xuất tục, không xem việc cầu lấy huệ nghiệp làm chánh vụ ư? Hơn nữa, hành giả Bồ Tát ở trong ba a tăng kỳ kiếp cần cầu học Phật pháp, không chểnh mảng dù một tấc bóng quang âm, mới được phước huệ trang nghiêm viên mãn, làm sao có thể vừa mới phát tâm học Phật lại liền khởi tâm kiêu căng, ngạo mạn, không chịu học hỏi kinh luật với vị Pháp Sư học đạo trước mình? Nghĩa lý kinh luật đã không biết thì lấy gì để tu Bồ Tát hạnh? Vì thế, người Phật tử tu học Phật pháp mà có tâm tự ỷ là tuyệt đối không được. 
Tự cho bản thân mình có những đặc thắng thì người bị xem rẻ và coi không ra gì kia dĩ nhiên không bằng mình. Trong kinh văn dùng cụm từ “vị pháp sư ấy” là chỉ cho người bị xem thường ở đây. Tại sao lại xem thường vị pháp sư ấy? 
Có bảy nguyên nhân xem thường Pháp Sư
- Vị Pháp Sư là người thuộc dòng dõi bần cùng, không sánh được với mình là kẻ thuộc dòng dõi sang trọng. Chẳng hạn ở Ấn Độ, giai cấp bần cùng thấp kémTỳ XáThủ Đà La, còn ở Trung Hoa chỉ cho người thuộc giai cấp hạ tiện, nghèo nàn. Những giai cấp này thường làm tôi tớ cho người trong xã hội bất bình đẳng ngày xưa, nên họ không được xem trọng. 
- Pháp Sư là người tuổi trẻ, không sánh bằng mình là người đã có tuổi. Trong lãnh vực thế tục, đó là những người tuổi tác thuộc vào hàng vị thành niên. Nếu thuộc vào lãnh vực xuất gia thì lại là những người tăng lạp chưa đầy đủ. Vì quan niệm này chỉ căn cứ vào tuổi tác chứ không căn cứ vào đức hạnhhọc thức, cho nên những người tuổi trẻ khó được sự tín nhiệm của mọi người. Thế gian thường nói những người này “miệng còn hôi sữa”. Theo Phật giáo thì có số người cho rằng: “Hòa Thượng thì phải già mới quý”, đều là ý xem thường người tuổi trẻ
- Pháp Sư là người con nhà hạ tiện, không sánh bằng mình là con nhà quyền quý. Dùng từ “hạ tiện” là chỉ những người bề thế của gia đình không thuộc vào hàng vinh hiển. Ở Trung Hoa ngày xưa, việc cưới gả phải chọn “môn đăng hộ đối”. Nếu gia thế không tương xứng thì không thể kết sui gia với nhau được. Những người xuất thân nơi cao môn, dĩ nhiên xem những người xuất thân từ nơi hạ tiện không ra gì. 
- Pháp Sư là người nghèo nàn, không bằng mình là người giàu có. Nói nghèo nàn là nói đến đời sống chẳng những khó khăn về mặt tiền bạc, mà ngay cả tài sản, của cải như nhà cửa, đồ đạc cũng không có chi. Trên đời này, giàu mà biết trọng lễ nghĩa thì rất hiếm, còn giàu mà kiêu ngạo thì rất nhiều. Vì thế thông thường, người giàu rất khinh rẻ kẻ nghèo. 
- Pháp Sư là người thuộc giai cấp hèn hạ, không bằng mình là người thuộc giai cấp cao quý. Trong xã hội, những người không có địa vị nào, tất nhiên sẽ bị người có địa vị cao khinh rẻ và không màng ngó đến. 
- Pháp Sư là người tật nguyền, không bằng mình là người lành lặn, trí thức thông minh. Người tật nguyền thông thường là những kẻ tai, mắt, mũi, thân thể không được nguyên vẹn đầy đủ. Nhưng ở đây còn có nghĩa là người phong cách thô sơ, thân hình xấu xí nên mới bị người trí thức thông minh khinh rẻ, không muốn gần gũi. 
Pháp Sư đối với sáu điều kẻ trên, dù có chỗ không bằng người, nhưng thực sự có đức hạnh cao siêu. Tất cả những kinh luật thảy đều thông hiểu. Nói một cách khác là vị Pháp Sư này đức trí kiêm toàn, giải hạnh đầy đủ. Chúng ta cần phải thân cận với các ngài để học tập Phật pháp, không nên vì một khía cạnh nào không bằng mình mà đối với Pháp Sư sanh tâm khinh mạn. Ví như cây đuốc dù là một vật rất xấu, nhưng nó có công dụng phát ra ánh sáng, có thể soi sáng những con đường của những ai cần đi. Hoặc có thể dùng nó soi vào trong ngôi nhà tăm tối, bị đóng cửa đã nhiều năm, khiến ngôi nhà được sáng sủa trở lại. Như vậy thì đâu nên vì hình dáng xấu xí mà bỏ đi sự quang minh của cây đuốc. Cũng thế, phong mạo của vị Pháp Sư dù không đẹp đẽ, nhưng Ngài là người tinh thông Phật pháp. Ngài chỉ cần thốt ra những lời mầu nhiệm liền có thể mang lại lợi ích cho nhiều người. Thế thì không nên vì phong mạo của Pháp Sư không đẹp hoặc giai cấp thấp hèn v.v... mà xa lìa người, không chịu theo học hỏi Phật pháp
Bồ Tát sơ phát tâm cần phải lấy chánh pháp làm điều trọng yếu, chưa hiểu cần phải học cho hiểu, tuyệt đối không nên vì nơi hình thức con người mà bỏ mất sự lợi ích được nghe pháp Đại Thừa
Những hành giả mới xuất gia ly tục, vì kiến giải chưa rộng, học thức chưa được uyên thâm, cần phải đặc biệt chú ý điều này. Nếu tự ỷ mình là người trí thức thông minh, không biết rằng Thế Trí Biện Thông là thứ tri kiến năng sở thuộc về Tục Đế. Đó là một thứ đại chướng ngại cho chánh tri, chánh kiến của pháp xuất thế. Vì lý do đó, hàng Phật tử muốn học hỏi chánh pháp của Như Lai, phải có tâm cung kính chánh pháp, không nên lưu tâm vào tuổi tác của Pháp Sư già hay trẻ, cũng không nên xem giai cấp của người thuộc về hạng cao sang hay hạ tiện. Điều cần yếu là vị Pháp Sư ấy có khả năng truyền trao Phật pháp cho chúng ta hay không. Như vậy thì già hay trẻ đều tốt, sang hèn không thành vấn đề. Chúng ta đều phải hết lòng cung kính vị Pháp Sư ấy như thiên chúng phụng thờ vị Đế Thích
Nên biết rằng: Chúng ta quý trọng vị Pháp Sư chính là ở nơi chỗ thông đạt chánh pháp Phật pháp chứ chẳng phải ở nơi hình thể hay những điều kiện xã hội bên ngoài. Cho nên mặc dù vị Pháp Sư thuộc về hàng hạ tiện thế nào, hoặc bị khiếm khuyết một điểm nào trong bảy thứ kể trên, chúng ta cũng phải tha thiết thỉnh cầu Pháp Sưđại chúng thuyết pháp
Hàng tân học Bồ Tát vì cần chánh pháp Đại Thừa để trợ giúp cho hạnh “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, thì không được nhìn vào thân thể của vị Pháp Sư mà chê bai và không chịu đến học hỏi Đệ Nhất Nghĩa Đế (dịch là “đạo lý Đại Thừa”). Phật tử nếu như vậy thì phạm khinh cấu tội
Kinh văn nói: “Hàng tân học Bồ Tát", dĩ nhiên muốn nhấn mạnh là người chưa hiểu Phật pháp. Hàng tân học Phật tử đối với Phật pháp nếu đã không hiểu một điều gì hết, đương nhiên cần phải học tập. 
Trong quá trình cầu học Phật pháp, nếu muốn lãnh hội Phật pháp một cách chân chính, điều tối cần là phải bỏ hẳn tâm kiêu mạn. Vì Phật phápquy củ tốt đẹp để tiến đạo, cũng là quy mô sáng sủa chứng nhập tánh vị. Nên bất luận là giai cấp của Pháp Sư ty tiện, hạ liệt đến mức nào, hình dung của Pháp Sư không đẹp đẽ thế nào, nếu quý ngài có thể vì chúng ta tuyên thuyết nghĩa lý thâm diệu của Phật phápgiải quyết mọi mối nghi hoặc trong nội tâm của chúng ta, khiến chúng ta được sự lợi ích thiết thực trong Phật pháp, thì chúng ta cần phải cung kính tôn trọng các ngài như cung kính tôn trọng Đức Phật. Ngay đến việc bản thân Pháp Sư xấu hay đẹp, sự việc ấy không quan hệ gì với chúng ta, như vậy chúng ta để ý và câu chấp vấn đề ấy để làm gì? 
Kinh văn nói “Đệ Nhất Nghĩa Đế” có vài lối giải thích khác nhau: 
- Tức chỉ cho pháp thù thắng vô thượng Bồ Đề
- Danh từ dùng để đối lập với Thế Tục Đế
- Tiếng xưng tụng, mỹ tán, vì không có một pháp nào hơn Đệ Nhất Đế này. 
Như vậy chúng ta cần phải học hỏi nơi Pháp Sư. Nếu như không học hỏi nơi Pháp Sư thì sự tổn thất ấy chính ở nơi mình, còn đối với vị Pháp Sư, ngài không có điều gì bị tổn thất cả! 
Nên biết Phật tử học giáo pháp Đại Thừa cần phải lấy việc cầu pháp làm điều trọng yếu. Tất cả các thời tu phải nên cầu thỉnh chánh pháp, không được ôm ấp bất cứ tâm kiêu mạn nào về việc so sánh cao quý hay hạ tiện. Tâm kiêu mạn, bất cứ nhằm phương diện nào mà nói, đều là một thứ tâm lý không tốt. Đặc biệt đối với phương diện cầu học chánh pháp thì trong tâm càng không được tự ỷ, rồi sanh tâm kiêu mạn
Nếu như bạn có tâm kiêu mạn, không đi cầu học chánh pháp, thì sẽ bị mất hẳn hạt giống chánh pháp trong hiện đời. Do đó, tương lai đời đời, kiếp kiếp sẽ bị quả báo ngu si, đần độn, hạ liệt, xấu xa. Nếu như bạn kính trọng pháp, và cầu pháp không hề sanh tâm kiêu mạn, thì trí huệ của bạn mỗi ngày được khai tỏ, tâm Bồ Đề của bạn mỗi ngày được tăng trưởng. Cuối cùng bạn vẫn chứng đắc quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
Vì thế, Phật tử đối với chánh pháp, nếu chưa nghe thì phải cầu để được nghe, chưa hiểu phải học cho để hiểu. Đây là tinh thần cần phải có của hàng tân học Bồ Tát mới xuất gia
Trong kinh Địa Trì dạy: “Bồ Tát mới phát tâm, lúc ở trước mặt thiện tri thức nghe học kinh pháp, đối với vị Pháp Sư có năm phương diện không nên nhớ nghĩ đến, mà cần phải giữ tâm thanh tịnh chuyên nhất, cung kính nghe pháp. Năm phương diện ấy như sau: 
- Không nghĩ tưởng phá giới. Nghĩa là trong tâm không được nghĩ và ngoài miệng không được nói như vầy: vị Pháp Sư này là một người hủy phạm luật nghi. Bản thân của người không được kiện toàn, ta không nên theo vị pháp sư này để nghe và học kinh pháp
- Không nghĩ tưởng hạ tánh. Nghĩa là trong tâm không được nghĩ và ngoài miệng không được nói như vầy: Pháp Sư kia là một người thuộc chủng tánh hạ liệt, còn ta từ trong chủng tánh cao quý xuất thân. Như vậy thỉ không thể theo vị Pháp Sư này học kinh pháp
- Không nghĩ tưởng xấu xa. Nghĩa là trong tâm không được nghĩ và ngoài miệng không được nói như vầy: Pháp Sư kia là một người diện mạo xấu xí, ta đây là người tướng mạo đường đường thì đâu thể nào theo một người có diện mạo như thế để nghe học kinh pháp.
- Không nghĩ tưởng hoại vị (vị là ý vị của lời nói, hoại là làm hư hỏng, ý muốn nói sự nói năng không đúng âm vận). Nghĩa là trong tâm không được nghĩ, ngoài miệng không được nói như vầy: Pháp Sư kia là một người nói năng lời lẽ không đúng với âm vận. Ta không thể nào nghe học kinh pháp nơi người ấy. Nên biết rằng: nghe học kinh pháp của Phật chỉ cần y nơi nghĩa lý, không cần căn cứ vào ý vị lời nói
- Không nghĩ tưởng hoại mỹ ngữ (mỹ ngữ là lời nói văn vẻ, hoa mỹ. Hoại mỹ ngữ là lời nói thô tháo, không văn vẻ). Nghĩa là trong tâm đừng nghĩ và ngoài miệng không được nói như vầy: Pháp Sư này là người nói năng thô lỗ, lời nói làm cho người khi nghe phải bị chát chúa nơi tai, ta đâu có thể học và nghe kinh pháp với người ấy. 
Với năm phương diện vừa kể trên, người Phật tử nghe học kinh pháp nếu như có thể đừng lưu tâm nghĩ nhớ đến, nhất là đối với vị Pháp Sư không sanh tâm giận ghét, thì mới đúng là một Phật tử chân chính, siêng năng cầu học Phật pháp. Trái lại, nếu như hàng hạ căn Bồ Tát không biết tự phản tỉnh những điều lỗi lầm của mình, chỉ chuyên dòm ngó điều sai lầm của người khác; do vậy sẽ sanh tâm thối chuyển, không ưa nghe chánh pháp của Như Lai. Vì vậy, chẳng những trí huệ bị sút giảm mà với hạnh tự độ cũng không thành, huống gì là hạnh lợi tha. Đấy là hàng hạ căn Bồ Tát
Kinh Trang Nghiêm Bảo Vương có trích dẫn một câu chuyện cầu pháp mà không cần lưu ý đến khuyết điểm của người như sau: 
“Bấy giờ, ngài Trừ Cái Chướng Bồ Tát bạch Phật rằng: 
- Kính bạch Thế Tôn! Con hôm nay có tâm rất muốn được học pháp Lục Tự Đại Minh Đà Ra Ni, không biết ở nơi nào có Pháp Sư chỉ dạy, xin Thế Tôn từ mẫn chỉ cho con. 
Đức Phật dạy: 
- Này Trừ Cái Chướng Bồ Tát! Ở tại thành lớn nước Ba La Nại có vị Pháp Sư thường chuyên tâm thọ trì, đọc tụng Lục Tự Đại Minh Đà La Ni. Vị Pháp Sư ấy là người rất khó gặp. Ta nói trước, khi ông trông thấy vị Pháp Sư ấy, cần phảiý nghĩ cũng như được thấy Như Lai. Thậm chí ông không được có niệm khinh mạn, nghi ngờ. Nếu có tâm niệm ấy thì địa vị Bồ Tát của ông sẽ bị thối thất. Và do đó, sẽ bị trầm luân trong sanh tử. Bởi vì vị Pháp Sư ấy giới hạnh không vẹn toàn, lại có vợ con, trên thân thường tiểu tiện làm cho cà sa bị dơ bẩn, không có oai nghi”. 
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy người Phật tửtâm chân thật cầu chánh pháp, bất luận người truyền pháp như thế nào, chỉ cần người ấy thông hiểu Phật pháp, có thể đem lại sự lợi ích về việc nghe pháp cho mình, đều không nên có tâm tự ỷ thấy được lỗi người mà sanh tâm kiêu mạn, giải đãi. Giới này ở Đại ThừaTiểu Thừa không hoàn toàn giống nhau. 
Học giả Tiểu Thừa đối với trường hợp trên nên thỉnh Pháp Sư thuyết pháp mà sanh tâm kiêui mạn, không thỉnh cầu Pháp Sư thuyết pháp, việc ấy đương nhiên là trái phạm. Đến như đối với các phương diện khác chủ yếu là không được có tâm kiêu mạn, nhưng hoàn toàn không nhất định bắt buộc tất cả đều phải thỉnh Pháp Sư thuyết pháp. Đây là điều khác biệt quan trọng giữa Tiểu ThừaĐại Thừa
Riêng với các hành giả Đại Thừa, ngoại trừ tất cả thời phải thỉnh Pháp Sư thuyết pháp ra, cũng không được sanh tâm kiêu mạn
Nên kinh dạy: “Mạn như cao sơn, pháp thủy bất trụ” (tâm ngã mạn như núi cao nên nước pháp của Như Lai không thể nào trụ lại được). Nếu như sanh tâm kiêu mạn, đã mất sự lợi ích của việc tuyên dương chánh pháp giáo hóa quần sanh, lại còn trái với tư cách của người Phật tử ham học Phật pháp. Nơi đây có thể thấy sự tổn hại của tâm kiêu mạn vô cùng to lớn đối với chúng ta, nên phải luôn khống chế nó một cách nghiêm nhặt.

Chú thích: 
(1) Căn bổn phiền não: Theo trong luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn của Duy Thức học, thì phiền não chia làm hai loại: 
* Căn bổn phiền não: còn gọi là “bổn hoặc”, cũng gọi là “bổn phiền não”. Căn bổn phiền não thuộc về ngôi thứ tư trong sáu ngôi tâm sở của Duy Thức học, gọi là “phiền não tâm sở”. Theo Duy Thức Tam Tự Kinh có dùng một bài kệ thuyết minh như sau: 
Căn bổn hoặc, 
Lục khả biện. 
Tham, sân, si, 
Mạn, nghi, kiến. 
Bài kệ trên nêu tên sáu thứ phiền não thuộc về Căn Bổn phiền não. Sau đây xin lược giải thích từng loại: 
Tại vì sao sáu thứ căn bổn này mệnh danh là phiền não? 
Vì sáu thứ phiền não tâm sở này có khả năng làm cho người phiền táo, nhiễu não (nóng nảy, bứt rứt), lại còn gọi là Hoặc. Bởi vì sáu thứ này làm cho chúng sanh mê hoặc, tạo ra ác nghiệp
Nhưng tại sao sáu thứ này lại gọi là “căn bổn”? 
Vì nó là cội gốc sanh ra các phiền não khác. Lược giải sáu thứ phiền não như sau: 
- Tham: đối với tài, pháp sanh tâm tham đắm, không chịu xả thí. Nên gọi là tham tâm sở. 
- Sân: gặp hoàn cảnh bức ngặt, trái nghịch thì khởi tâm sân hận, nên gọi là sân tâm sở. 
- Si: đối với sự cũng như lý không thể hiểu minh bạch nên gọi là si tâm sở. 
- Mạn: tự ỷ mình học vấn, tài năng, đức hạnh hơn người mà sanh tâm xem rẻ, khinh khi người khác, nên gọi là Mạn tâm sở
- Nghi: đối với những sự lý không thể quyết định dứt khoát, luôn luôn có tâm do dự, nên gọi là nghi tâm sở. 
- Kiến: gọi đủ là Ác Kiến. Là đối với chân lý xác thực, đúng đắn mà cứ đi so đo tìm xét một cách điên đảo, rất chướng ngại cho tri kiến thuộc về thiện pháp, nên gọi là ác kiến tâm sở
* Tùy phiền não: Còn gọi là Tùy Hoặc. Trong Câu Xá Luận thuyết giảng là có hai nghĩa
- Nhất thiết phiền não: Bởi vì tất cả phiền não đều phát xuất từ nơi tâm, tạo ra những tâm trạng phiền táo, não loạn, tức là làm cho thân tâm nóng nảy, bực bội, loạn động không yên. 
- Đối lại sáu thứ căn bổn phiền não: những phiền não khác gọi là tùy phiền não. Đối lập với căn bổn phiền não là chi mạt phiền não. Tùy phiền não gồm hai mươi loại, hai mươi loại này phân ra làm ba loại nhỏ: tiểu, trung và đại. Như trong Duy Thức Tam Tự Kinh dùng ba bài kệ thuyết minh như sau: 
Tùy phiền não
Hữu nhị thập: 
Tiểu, trung, đại, 
Kham phân biệt
Dịch: 
Tùy phiền não
Hai mươi thứ, 
Tiểu, trung, đại. 
Chia như vậy. 
Bài kệ 2: 
Phẫn, hận, phú, 
Não, tật, xan; 
Cuống, siểm, hại. 
Dữ kiêu tinh. 
Dịch: 
Phẫn, hận, phú, 
Não, tật, xan; 
Cuống, siểm, hại, 
Cùng với kiêu. 
Bài kệ 3: 
Thứ tự loại, 
Các biệt khởi, 
Tiểu tùy nhập, 
Thô mãnh nhĩ. 
Dịch: 
Tự loại này, 
Phát sanh riêng, 
Mười tiểu tùy 
Rất thô mãnh. 
Bài kệ thứ nhất thuyết minh rằng: tùy phiền não có hai mươi thứ, trong ấy, chia làm ba loại. Hai bài sau nói rõ tên của mười thứ tiểu tùy phiền não. Sau đây là phần lược giải tên mười thứ tiểu tùy phiền não tâm sở
- Phẫn: đối với hoàn cảnh hiện tại có những điều trái nghịch, không lợi ích cho mình thì nội tâm sanh buồn bực, hiện ra tướng giận dữ, bạo ác, nên gọi là Phẫn tâm sở
- Hận: trải qua những nghịch cảnh, phát sinh tâm giận dữ. Về sau tâm ôm ấp mãi niệm tức giận không nguôi ngoai, nên gọi là Hận tâm sở
- Phú: tự mình có lỗi lầm, không phô bày, thể hiện cho ai biết, che giấu mãi trong lòng, nên gọi là Phú tâm sở
- Não: do gặp nhiều nghịch cảnh trước đây và đã sanh tâm hờn giận. Sau này khi vừa gặp gỡ liền sanh tâm nóng nảy, bực tức, nên gọi là Não tâm sở
- Tật: thấy người khác vinh hạnh về tài đức, địa vị hay giàu có về của cải thì sanh tâm đố kỵ, ganh ghét, nên gọi là Tật tâm sở
- Xan: đối với tài, pháp, một mực say sưa, đắm trước, không chịu xả thí, nên gọi là Xan tâm sở. 
- Cuống: vì mong cầu lợi dưỡng, danh dựgiả dối làm ra vẻ là người có đức hạnh, nên gọi là Cuống tâm sở
- Siểm: Cố tìm cách thể hiện ra những tướng khác lạ một cách giả dối hoặc nịnh bợ theo người, gạt gẫm để lấy tài vật của họ, nên gọi là Siểm tâm sở
- Hại: đối với hữu tình, không tận tâm lân mẫn, chỉ sanh ác niệm, tìm cách làm hại người, nên gọi là Hại tâm sở
- Kiêu: đối với bất cứ những gì mình được ưu thế như học vấn cao, tiền của nhiều, đều sanh tâm nhiễm trước, sanh tâm kiêu ngạo đối với người khác, nên gọi là Kiêu tâm sở
Trên đây là phần lược giải mười loại tùy phiền não tâm sở của bài kệ thứ hai. Bài kệ kế thứ ba tiếp theo giải thích tại sao gọi mười thứ tùy phiền não này là Tiểu Tùy. Bởi vì mười thứ ấy có đặc tính rất thô phù, không cùng khởi sanh chung với các loại khác, mà chỉ sanh khởi mỗi thứ tự lợi riêng rẻ trong những phạm vi hạn hẹp, nên gọi là Tiểu Tùy. 
Tiếp theo phần nêu tên và lược giải mười thứ tiểu tùy, sau đây xin đề cập đến Trung Tùy phiền não, căn cứ theo bài kệ sau đây: 
Vô tàm quý, 
Trung tùy khoan, 
Tự tha biện, 
Biến bất thiện
Dịch: 
Không tàm quý
Trung tùy rộng, 
Tự bào chữa, 
Khắp bất thiện
Bài kệ trên là nêu lên hai thứ tùy phiền não và nói rõ tại sao đặt trên là Trung Tùy phiền não. Sau đây, xin lược giải tên của hai loại ấy: 
- Vô tàm: tự nình có lỗi mà không sanh tâm hổ thẹn với chính mình, cũng không sanh lòng hổ thẹn đối với những người khác, nên gọi là Vô Tàm Tâm Sở (tàm: hổ thẹn). 
- Vô quý: không thẹn. Khi bản thân có lỗi mà không có niệm thẹn với mọi người, nên gọi là Vô Quý.
Nên biết, hai thứ tâm sở này đều là nói việc có tội lỗi mà vẫn ngoan cố, không hề có một niệm nghĩ đến sự tự hổ và tự thẹn. 
Tại sao tâm trạng này phải phân làm hai? 
- Đối với mình không tự hổ là vô tàm
- Đối với người không sanh tâm thẹn là vô quý
Tại sao hai thứ này gọi là trung tùy phiền não? 
Vì nó có thể phổ biến rộng rãi, tương ứng và đồng sanh khởi trong các tâm sở bất thiện. Nếu so sánh với phạm vi của Tiểu Tùy phiền não bên trên thì hai thứ này rộng hơn, nên đặc biệt gọi là Trung Tùy phiền não
Như trên đã nêu và lược giải hai thứ Trung Tùy phiền não, tiếp theo xin nói về Đại Tùy phiền não, căn cứ theo hai bài kệ sau đây: 
Bài kệ 1: 
Thỉ điệu cử 
Hôn, bất tín
Đãi, phóng dật
Thất niệm xâm. 
Dịch: 
Trước điệu cử 
Hôn, bất tín
Đãi, phóng dật
Thất niệm xâm. 
Bài kệ hai: 
Cập tán loạn
Bất chánh tri, 
Nhiễm tâm biến, 
Bát đại tùy 
Dịch: 
Kế tán loạn
Không hiểu đúng, 
Tâm nhiễm khắp. 
Tám đại tùy
Về ý nghĩa, phân nửa nội dung của hai bài kệ trên nêu tên tám thứ Đại Tùy phiền não, hai câu cuối giải thích ý nghĩa vì sao tám thứ phiền não trên mệnh danh là Đại Tùy. Sau đây là phần lược giải tên tám thứ đại tùy phiền não
- Điệu cử: Tâm duyên theo cảnh dấy động lên, không còn được tịch tịnh nên gọi là điệu cử. 
- Hôn trầm: tâm đối với cảnh sinh ra hôn ám, chìm sâu, không còn minh mẫn, nên gọi là hôn trầm
- Bất tín: tương phản với tín tâm sở ở trong ngôi Thiện Tâm Sở. 
- Giải đãi: tương phản với Cần Tâm Sở ở trong ngôi Thiện Tâm Sở (giải đãi: lười mỏi, biếng nhác). 
- Phóng dật: tương phản với tâm sở Bất Phóng Dật ở trong ngôi Thiện Tâm Sở. 
- Thất niệm: tương phản với Niệm ở trong ngôi Biệt Cảnh
- Tán loạn: tâm bị xao lãng, không chuyên chú vào một chỗ, rất chướng ngại cho chánh định
- Bất chánh tri: đối với cảnh, quán sát, hiểu biết sai lầm, rất chướng ngại cho Chánh Tri (sự hiểu biết đúng). 
Kể từ loại thứ mười ba (tâm sở điệu cử) cho đến loại thứ hai mươi (bất chánh tri) tám thứ này có thể tương ứng và đồng sanh khởi trong các nhiễm tâmvô ký. Tức là so sánh với Trung Tùy phiền não thì phạm vi của nó rộng lớn hơn, nên đặc biệt gọi là Đại Tùy Phiền Não

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: