KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.31. BẤT HÀNH CỨU THỤC GIỚI
(giới không chịu
cứu chuộc)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử Phật diệt độ hậu...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Phật dạy: Nếu Phật tử sau khi Phật nhập diệt, ở trong đời ác thấy ngoại đạo, bọn giặc cướp, cùng tất cả những người ác tâm đem bán hình tượng Phật, Bồ Tát, cha mẹ, hoặc kinh luật, tỳ kheo, tỳ kheo ni, những người hành đạo Bồ Tát, những kẻ phát tâm Bồ Đề, để làm kẻ phục dịch cho các quan hay tôi tớ cho mọi người. Phật tử thấy những sự như thế, nên có lòng từ bi tìm mọi cách cứu giúp. Nếu bản thân không đủ sức, Phật tử phải đi quyên tiền các nơi để chuộc lại hình tượng Phật, Bồ Tát và tất cả kinh luật, hoặc tỳ kheo, tỳ kheo ni, người tu hạnh Bồ Tát, kẻ phát tâm Bồ Đề. Nếu không làm như vậy, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Giới trước là
ngăn cấm hành giả trong Phật pháp cố ý phạm trọng giới.
Giới này nói về
lỗi không thực hiện việc cứu tế những bậc tôn quý bị ách nạn.
Theo kinh văn
thì việc đem bán ở đây là chỉ việc bán Tam Bảo, cha mẹ. Có trường hợp tự bán,
có trường hợp bị trộm cướp đem bán, không nhất định. Còn việc cứu chuộc là hoặc
chính khả năng mình tự đi cứu chuộc, hoặc mình không đủ sức phải nhờ người khác
có khả năng hơn đi cứu chuộc.
Các Phật tử hành
Bồ Tát đạo, thường nên đi chỗ này, chỗ nọ, hoặc đi đến những nơi ngoại đạo,
hoặc nơi ở của bọn người ác, hay của kẻ giặc cướp.
Đi như vậy để
làm gì?
Để gặp những
chuyện phải làm như gặp những người bị bắt đem bán, phải mua chuộc đem về cho
kỳ được.
Bồ Tát lấy việc
hộ pháp, cứu khổ làm bản hoài, nên khi thấy chúng sanh ở trong vòng khổ nạn,
tai ách, phải tùy theo khả năng của mình mà cố gắng hết sức. Thậm chí có khi
phải hy sinh tính mạng hay dùng hết sức lực của mình để cứu tế, hoặc mua chuộc
những người này đem về, cũng phải làm.
Nếu không cứu
chuộc là trái với bi tâm của mình, đồng thời cũng trái với lòng tôn kính Tam
Bảo. Vì thế, khi thấy ngôi Tam Bảo hay song thân của mình bị người ác đem đi
bán để làm việc khổ sai, thì không có lý do gì không tìm phương, lập thế đi cứu
chuộc. Nếu không làm như vậy thì Tam Bảo sẽ bị đoạn tuyệt, huệ mạng phước điền
của chúng sanh trong nhân gian cũng sẽ không còn.
Ở trường hợp nào
không lưu tâm đi cứu chuộc mà không phạm tội?
- Trường hợp lúc
mình đang ở trạng thái điên cuồng, mê loạn.
- Hoặc việc bán
người đó mình hoàn toàn không hay biết, hoặc biết mà không rõ tính cách nghiêm
trọng của vấn đề nên không đi cứu chuộc, thì không có lỗi.
- Hoặc kẻ bán
đòi giá quá cao, khả năng của mình không thể đáp ứng được, nghĩa là vay mượn
không chỗ nào cho vay mượn, thậm chí dù đem bán thân mình cũng không đáp ứng
được yêu sách của người bán, trường hợp không đi cứu chuộc này không phạm giới.
- Hoặc người bị
đem bán có đủ tinh thần, ý chí, không muốn người cứu chuộc. Dù bạn cứu chuộc
người ấy quyết cũng nhất quyết không chịu trở về. Trường hợp này không cứu
chuộc thì không mang tội.
Giới này thất
chúng Phật tử đồng phải tuân giữ. Dù tại gia hay xuất gia, đều phải tìm cách
cứu chuộc, nhưng sự áp dụng đối với Đại Thừa và Tiểu Thừa không giống
nhau.
Với Tiểu Thừa,
khi cha mẹ, sư trưởng bị đem bán, quyết định phải tìm mọi cách mua chuộc đem
về, nếu không sẽ mắc tội. Riêng đối với những người khác mà bị bắt đem bán, vấn
đề cứu chuộc hay không chưa thấy kinh văn trong Luật dạy, nên không rõ.
Ngược lại,
đối với hành giả Đại Thừa, vì Bồ Tát lấy việc cứu hộ chúng sanh làm nhiệm vụ
duy nhất. Cho nên đối với tất cả người bị đem bán, đều phải tìm cách cứu chuộc,
nếu không thì trái với giới điều này.
Nếu đem so sánh
với Tam Tụ Tịnh Giới thì sự tương ứng phối hợp như sau:
- Tam Bảo hay
cha mẹ bị đem bán, mà có tâm từ bi cứu chuộc, ấy là Nhiếp Luật Nghi Giới.
- Hết lòng dùng
mọi phương tiện lo cứu chuộc, thuộc về Nhiếp Thiện Pháp Giới.
- Tìm đủ mọi
cách giáo hóa người khác để cứu chuộc người bị nạn, thuộc về Nhiếp Chúng Sanh
Giới.
Do đó có thể
thấy rằng giới này bao gồm cả Tam Tụ Tịnh Giới, nếu giữ gìn giới này một cách
nghiêm cẩn thì cũng đồng như tuân giữ Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát vậy.
Còn trái phạm
giới này đồng với hủy phá Tam Tụ Tịnh Giới của Bồ Tát. Và nếu đã như thế thì
đâu còn tư cách gì để gọi là Bồ Tát? Cho nên đối với giới này hành giả Bồ Tát
phải hết sức lưu tâm.
Giới này bắt đầu
bằng hai chữ “Phật dạy”. Vì đây là bắt đầu qua phẩm khác, nên trước nhất dùng
hai chữ này.
“Phật tử các ông
cần phải biết: sau khi Phật nhập diệt, ở trong đời ác, nếu thấy hàng ngoại đạo,
bọn giặc cướp, cùng tất cả người ác...”
Tại sao ở đây
đặc biệt nói: sau khi Phật nhập diệt?
Vì khi Phật còn
tại thế, ai ai cũng biết làm lành, kính trọng Phật pháp nên không đến nỗi làm
việc bán Tam Bảo, cha mẹ. Nhưng sau khi Phật nhập diệt, lúc thời gian cách Phật
chưa bao xa, thường tín tâm của chúng sanh vẫn còn thuần hậu cũng không đến nỗi
làm việc ác như vậy. Chỉ đến thời kỳ Tượng Pháp hoặc thời kỳ ác Mạt Pháp này,
nhân tâm ngày một hiểm ác, tín tâm mỗi ngày một lui sụt, mới có việc tán tâm
điên cuồng đi bán Tam Bảo v.v...
Ở trong đời ác,
bổn phận Bồ Tát là phải gắng sức làm việc lành. Đây cũng là thời kỳ đại sĩ phải
vận khởi tâm Từ Bi, cho nên trong kinh đặc biệt nói rõ là đời ác.
“Ngoại đạo” là
tín đồ của những tôn giáo khác. Họ vẫn có tín tâm, nhưng đáng tiếc tín tâm của
họ thuộc về tà tín, không thể thông đạt tự tâm. Suốt ngày cầu pháp ở ngoài tâm,
lại còn tưởng rằng họ hơn Phật giáo, cho nên gọi họ là ngoại đạo.
“Người ác” là
những người không có tín tâm đối với tôn giáo, luôn luôn sanh khởi ác niệm, lúc
nào cũng muốn làm việc hại chúng sanh nên gọi là người ác.
“Giặc cướp” là
người chuyên cướp đoạt tài vật của người để nuôi sống bản thân. Ở đây chỉ bọn
người cướp đoạt hình tượng Tam Bảo, bắt cha mẹ kẻ khác, hại người hành Bồ Tát
đạo, hoặc kẻ phát tâm Bồ Đề. Vì có hạng người bất kính Tam Bảo, không hiếu
thuận với cha mẹ, làm những việc ngang ngược, lấn hại như thế xuất hiện trong
đời. Do đó mới gọi là đời “ác thế”.
“Bán hình tượng
Phật, Bồ Tát, cha mẹ”:
- Tượng Phật chỉ
cho Phật Bảo, Bồ Tát là Đại Thừa Tăng Bảo.
- Cha mẹ là bậc
ân điền, sanh thành dưỡng dục thân mạng của mình.
- Tượng Phật,
tượng Bồ Tát là đối tượng để cho tín đồ Phật giáo cúng dường. Nguyên vì tín đồ
đối với Phật, Bồ Tát có tâm kính tín tuyệt đỉnh, nên đặc biệt dùng gỗ đàn hương
quý trọng hoặc thất bảo quý giá để tạo lập hình tượng Phật, Bồ Tát để cung kính
lễ bái cúng dường.
- Hình tượng cha mẹ là do những người con có hiếu, cảm trọng ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, nghĩ nhớ tình thương thâm sâu của cha mẹ mà tạo hình tượng để chiêm ngưỡng, tưởng nhớ. Hoặc giả, ở đây tuy nói là cha mẹ, nhưng chẳng những chỉ cho cha mẹ sanh ra nhục thân của mình mà còn có nghĩa chính là chư Phật, Bồ Tát cũng gọi là cha mẹ.
Tại sao vậy?
Vì chư Phật chính là đấng Đại Từ Phụ. Chư Bồ Tát chính là đấng Đại Bi Mẫu. Vì chư vị có công ơn cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Thế nên danh từ “cha mẹ” ở đây cũng có thể chỉ cho chư Phật, Bồ Tát, những hình tượng này rất quý báu và giá trị. Cho nên hàng ngoại đạo, người ác, bọn giặc cướp trộm lấy đem bán đi. Tội ác này dĩ nhiên rất lớn.
“Bán kinh luật” là chỉ cho pháp bảo kinh. Tức là những lời giáo huấn của Như Lai chỉ cho chúng ta rõ con đường hướng thượng, hướng thiện, hướng quang minh, con đường đưa đến cứu cánh giải thoát. Đồng thời chỉ dạy đạo pháp cho chúng ta thể ngộ được Chân Lý.
Luật là lời răn dạy của Phật, hướng dẫn hành vi của chúng ta phải thế nào mới là đúng pháp, đúng luật, tức là dạy chúng ta phải giữ gìn tam nghiệp lục căn thế nào cho được thanh tịnh. Thế nên kinh luật là con mắt sáng của nhân thiên. Nếu đem bán đi tức là làm cho con mắt của nhân thiên bị mờ tối. Tội này to lớn vô cùng.
“Bán tỳ kheo, tỳ kheo ni”: chỉ cho Tăng bảo. Tăng là phước điền của chúng sanh trong thế gian, là sứ giả duy trì chánh pháp của Như Lai, là người thay Phật tuyên dương chánh giáo, là người lãnh đạo tất cả Phật tử trong thế gian, dẫn dắt chúng sanh tiến về đường giải thoát và vô thượng Bồ Đề. Trên thế gian này, nếu không có Tăng Bảo thì Phật Bảo và Pháp Bảo không thể tồn tại. Vì thế, bán thanh tịnh phước điền Tăng sẽ mắc tội vô lượng vô biên.
Tóm lại:
- Bán hình tượng Phật là hoại diệt Phật Bảo.
- Bán kinh luật là hoại diệt Pháp Bảo.
- Bán tỳ kheo, tỳ kheo ni là hoại diệt Tăng Bảo.
Hoại diệt Tam Bảo như vậy chính là làm cho dòng giống Tam Bảo bị đoạn tuyệt. Cho nên tội này không phương cách gì cứu vớt được, do dó, dù thế nào chăng nữa, tuyệt đối không được làm.
“Bán Bồ Tát đạo nhân và các vị phát tâm Bồ Đề": đây là chỉ chung cho xuất gia và tại gia Bồ Tát.
“Đạo nhân” trong Đại Trí Độ Luận nói: “Chỉ những người đắc đạo mới được gọi là đạo nhân. Nhưng những vị xuất gia, dù chưa đắc đạo, nhưng vì tu theo đạo xuất thế, nên cũng có thể gọi là Đạo Nhân”.
Có chỗ giải thích rằng: “Sơ phát đại tâm gọi là phát tâm Bồ Tát. Đã tu đại hạnh lâu dài mới gọi là đạo nhân”.
Lại có chỗ nói: “Bất luận sơ phát đạo tâm hay là tu lâu, chỉ cần phát Đại Thừa tâm, tu Đại Thừa hạnh, đều có thể gọi là Đạo Nhân, tức là người có đạo vậy”.
Tỳ kheo, tỳ kheo ni, đạo nhân v.v... nói trên là những người hiện đang sống, không phải là hình tượng Phật, Bồ Tát, cha mẹ đã nói ở trước. Trường hợp các vị này hoặc bị giặc cướp bắt đem đi đến chỗ các quan phủ để bán làm nô dịch cho các quan hay làm tôi tớ cho người. Mọi người ở đây chỉ hàng thứ dân sĩ, nông, công, thương, những người bị bán này vào thời xưa, chẳng những bị bắt buộc phải làm những việc nặng nề khổ sở muôn phần, mà còn lại bị đánh đập, chửi mắng. Những thảm trạng ấy hiện tại chúng ta không thể nào tưởng tượng được. Một khi đã bị bán thì cuộc sống của những người ấy không còn được tự do như những người thường.
Vì lý do ấy, là Phật tử vì tâm Từ Bi thúc đẩy, khi trông thấy những việc không như ý này, đối với hình tượng và những người bị bán kia, nên có lòng từ bi, dùng mọi phương tiện thiện xảo mau chóng cứu giúp. Nếu sức mình không kham nổi thì phải đi các nơi khuyến hóa đàn việt khiến cho họ phát tâm bố thí tịnh tài, dùng những tịnh tài ấy mua lại những hình tượng Phật, Bồ Tát và tỳ kheo, tỳ kheo ni, tất cả kinh luật. Mua lại tất cả kinh luật để làm cho pháp luân của Như Lai thường chuyển, để mở con đường mê tối cho chúng sanh. Chuộc các tăng ni là giúp cho quý vị khỏi cảnh khổ nạn, được trở về nơi thanh tịnh, an ổn tu hành.
Mua lại hình tượng Phật, Bồ Tát để cho Phật tử có chỗ quy y, tăng phước, diệt tội. Người Phật tử hành Bồ Tát đạo ở trong đời ác trược mạt kiếp này, cần phải lấy việc hộ trì Phật pháp, thiệu long (làm cho mỗi ngày một phát triển lớn, tốt đẹp hơn) Tam Bảo, rộng thực hành các việc lành, giáo hóa tất cả chúng sanh làm trách nhiệm của mình. Nếu gặp trường hợp Tam Bảo bị hủy nhục như thế, dĩ nhiên không thể nào ngồi yên mà nhìn được, nhất định phải tìm cách cứu chuộc. Nếu không cứu chuộc, Phật tử này phạm khinh cấu tội.
Giới này chỉ có ngăn cấm mà không có trường hợp khai miễn. Riêng về trường hợp vì muốn lưu thông kinh điển hợp pháp (bán kinh điển) để giúp cho Phật pháp được phổ biến, lưu truyền rộng rãi khắp mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê hầu đem lại lợi ích cho dân chúng, khiến họ hướng về Phật pháp, thì không phạm giới này.
Đó là về mặt kinh pháp, còn về hình tượng Phật, Bồ Tát, nếu điêu khắc, đắp vẽ hình tượng Phật, Bồ Tát để cho người cung thỉnh đem về cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ bái thì vẫn được.
Hiện nay những hình ảnh Đức Phật lớn nhỏ lưu thông khắp nơi. Điều này hợp với Phật pháp hay không, chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng!
Theo Liên Tông Thập Tam Tổ Ấn Quang đại sư cho rằng: việc ấy quyết định không được, cần phải cực lực phản đối. Theo Ấn tổ thì những hình tượng Bồ Tát đeo trên thân người, lẽ đương nhiên cũng theo người vào những nơi không thanh tịnh như đại tiện, tiểu tiện, tắm rửa v.v... Thế là một sự đại bất kính. Hơn nữa, gặp những khi chúng Tăng thì hành lễ bái hoặc lúc Phật tử hai bên gặp nhau, cúi đầu chào bái lẫn nhau thì chẳng lẽ Phật, Bồ Tát cũng phải lễ bái người kia hay sao? Phật và Bồ Tát tiếp thọ sự lễ bái của chúng ta, đây là sự thiên kinh địa nghĩa không được bàn luận gì cả. Nhưng ngược lại, Phật và Bồ Tát hướng về phàm phu nghiệp chướng sâu nặng mà lễ bái thì dù thế nào cũng không thể nói cho thuận lý được. Hơn nữa, hàng phàm phu chúng ta làm sao dám lãnh thọ việc ấy?
Theo tôi (Pháp Sư) cho rằng những lời chỉ dạy trên của Ấn Tổ, tất cả Phật chúng ta đều phải đặc biệt tôn trọng. Lại có trường hợp không thể nào hiểu được là có những Phật tử đưa ảnh tượng Phật cho người, và trịnh trọng nói rằng: “Tượng này rất linh vì đã được gia trì chú pháp ở trong ấy!’ Thật là một điều hết sức buồn cười!
Vì oai đức của chư Phật, Bồ Tát không ai sánh bằng, cho nên trong kinh thường nói: “Thiên thượng, thiên hạ vô như Phật". Quý ngài tùy thời cứu độ chúng ta, đâu cần chúng ta, những kẻ phàm phu đầy dẫy phiền não, tội ác trên thân mà đi gia trì thì tượng mới phát sinh được sự linh nghiệm hay sao?