KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI BỔN GIẢNG KÝ
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Minh
Chương
III: CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(chánh thức thuyết giảng giới tướng)
B. BIỆT
THUYẾT GIỚI TƯỚNG
(thuyết giảng riêng biệt giới tướng)
B.2.2. BIỆT
THUYẾT KHINH GIỚI
(riêng giảng các giới khinh)
B.2.2.28. BIỆT THỈNH TĂNG GIỚI (giới riêng thỉnh tăng)
Kinh văn
1. Phiên âm:
Từ câu “nhược Phật tử...” cho đến câu “...phạm khinh cấu tội”.
2. Dịch nghĩa:
Nếu Phật tử,
những người thuộc hàng Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia và tất cả đàn việt, khi
muốn thỉnh tăng để cúng dường hoặc cầu nguyện, nên vào tăng phường để thưa hỏi
với vị trị sự.
Vị trị sự bảo
rằng: “Theo thứ tự mà thỉnh thời sẽ được thập phương hiền thánh tăng”. Nếu
người đời thỉnh riêng năm trăm vị A La Hán Bồ Tát tăng vẫn không thể bằng theo
thứ tự mà thỉnh một vị phàm phu tăng. Trong giáo pháp của bảy Đức Phật, đều
không có pháp thỉnh tăng riêng. Nếu thỉnh tăng riêng đó là pháp của ngoại đạo,
và như thế sẽ không thuận với hiếu đạo. Nếu Phật tử cố ý thỉnh riêng thì sẽ
phạm khinh cấu tội.
Lời giảng
Giới trước
ngăn cấm phước điền Tăng không được phép tiếp thọ biệt thỉnh. Giới này ngăn cấm
thí chủ không được biệt thỉnh cúng dường phước điền Tăng.
Nên biết một
hành giả Bồ Tát đúng nghĩa, phải hy sinh tính mạng của mình để hộ trì chính
pháp của Như Lai. Vì thế, bất cứ điều gì không hợp với chánh pháp, đều phải cố
gắng hết sức mình để tránh cho bằng được. Chẳng hạn việc biệt thỉnh riêng những
vị thân thích của mình là điều người Phật tử không được cố ý vi phạm.
Thành thật mà
nói, nếu bạn muốn tu tập phước huệ, thì không được biệt thỉnh cúng dường những
vị có quan hệ thân thích với mình, còn những vị xuất gia khác thì không để tâm
cung kính, tôn trọng cúng dường.
Thông thường,
hàng Phật tử tại gia vì không hiểu rõ ý nghĩa của sự chân cúng dường tăng, nên
đa số đều theo vọng tình của mình, chỉ thích cung kính thỉnh mời cúng dường vị
nào mình ưa thích, còn những vị mình không ưa thích thì không thỉnh cúng dường.
Bố thí cúng dường còn có sự lựa chọn, phân biệt như vậy thì hoàn toàn không hợp
với ý nghĩa bình đẳng bố thí. Đức Phật vì muốn ngăn chặn tội lỗi ấy của những
Phật tử tại gia, nên chế lập giới này để cho Phật tử xuất gia hay tại gia phát
tâm cúng dường chúng Tăng biết mà vâng theo.
Cho nên nếu muốn
tùy theo ý riêng của mình mà thỉnh cúng dường chúng Tăng là điều nhất quyết
không được. Nguyên vì bạn có tâm phân biệt tăng nhân là phước điền, tăng nhân
kia không phải là phước điền, cho nên trái với nguyên lý bình đẳng.
Trong phẩm kinh
Đức Vương, Phật dạy: “Nên biết: nếu theo tâm niệm riêng của mình mà cúng dường
thì tâm niệm ấy rất hẹp hòi và trái với tâm bình đẳng”.
Giới này tất cả
thất chúng Phật tử đều có thể vi phạm. Vì dù tăng hay tục đều có thỉnh tăng
phước điền để cầu nguyện cho mình. Do đó, nếu không y theo thứ tự trong chúng
tăng mà thỉnh, thì trái phạm giới này.
Đối với những
hành giả Tiểu Thừa, khi thiết lập trai hội cúng Tăng, chủ yếu là phải thọ thực
chung một chỗ, không kể nhân số nhiều hay ít, chỉ cần thỉnh một vị Tăng theo
đúng thứ tự thì không vi phạm giới.
Còn có nơi giải
thích như vầy:
- Theo thứ tự để
thỉnh chúng tăng tuy đủ, có trường hợp không phải vì muốn biệt thỉnh cúng
dường, nhưng vì lòng tôn trọng bậc đại đức cao tăng, cho rằng chỉ có vị này mới
có đủ khả năng sanh thiện diệt ác, nên đặc biệt cung thỉnh vị cao tăng ấy. Căn
cứ vào đạo lý này mà xét thì việc này không phạm giới.
- Hoặc đôi khi
do quyền lực của quốc vương mà sự biệt thỉnh không theo đúng thứ tự của chúng
tăng. Trường hợp này vì phải tùy thuận một phần theo thế gian, nên cũng không
xem là trái phạm.
Hai trường hợp
trên đây tùy nơi có thể xảy ra trong thế gian hiện thực này mà có thể đặc biệt
khai miễn.
Lại như trường
hợp có Phật tử tại gia học Phật, vì nhân duyên thuyết pháp, truyền giới, giáo
hóa, dẫn dắt quảng đại quần chúng nên phải chọn bậc cao tăng tài đức kiêm toàn,
giới hạnh trang nghiêm để cúng dường. Trường hợp như thế tất nhiên không có gì
phạm giới.
Nhưng nếu đứng
trên lập trường Phật giáo thuần chánh thì khi thiết lập trai hội cúng dường
chúng tăng, tốt hơn là không nên chọn lựa. Vì không lựa chọn tức là không trụ
tướng bố thí, nên công đức vô lượng vô biên dường như hư không.
Việc này trong
kinh Kim Cang có nói rất rõ: Nếu thiết lập trai hội cúng dường tăng mà có sự
lựa chọn, chính tâm lựa chọn đó đồng nghĩa với hữu tướng bố thí. Do vậy, tuy
không phải là không có công đức trong sự hữu tướng bố thí này, nhưng rốt ráo
chỉ là công đức hữu hạn, hữu lượng mà thôi. Vì thế, là Phật tử, phải vâng theo
lời Phật dạy. Lúc thiết trai cúng dường chúng tăng phải tuân theo thứ tự mà
thỉnh, không được biệt thỉnh.
Đức Phật lại dạy
đại chúng rằng: “Nếu là một Phật tử đã thọ đại giới Bồ Tát hoặc những hàng Bồ
Tát tại gia hay xuất gia cùng tất cả đàn việt, khi muốn thỉnh tăng phước điền
để cầu nguyện, nên vào trong tăng phường thỉnh vấn vị trị sự...”
- Xuất gia, tại
gia là chỉ những Phật tử đã thọ Bồ Tát giới.
- Đàn việt là
hàng Phật tử chưa thọ Bồ Tát giới.
Nói rằng: thỉnh
tăng phước điền để cầu nguyện là ý nói bất cứ ai, khi thỉnh tăng cúng dường thì
không phải chỉ là thỉnh cầu đến để ăn uống, mà vì có điều cầu nguyện riêng của
mỗi người.
Sự cầu nguyện có
nhiều hình thức khác nhau:
- Cầu sanh thiên
giới để hưởng phước lạc trên thiên cung.
- Cầu mong hiện
đời được sống yên vui, trường thọ, mọi việc đều như ý.
- Cầu được thoát
cảnh đại khổ luân hồi, được sanh về cảnh đại lạc Niết Bàn.
- Cầu mong chứng
quả vô thượng Bồ Đề.
- Cầu được nghe
kinh pháp để hóa độ chúng sanh.
- Cầu sanh về
Tây phương Cực Lạc thế giới để được thấy Phật, nghe pháp v.v...
Muốn được toại
nguyện, cần phải thành kính đối trước Tam Bảo nói lên tâm nguyện của mình, cầu
xin Tam Bảo gia bị cho mình sở nguyện được viên mãn. Vì Tam Bảo là ruộng tốt để
cho chúng sanh vun trồng phước đức. Nhưng Tam Bảo được cửu trụ trong thế gian
hay không, hoàn toàn nhờ sự duy trì của chúng tăng.
Cho nên kinh văn
đặc biệt dạy: “Thỉnh tăng phước điền cầu nguyện”. Hướng về Tăng mà cầu nguyện
tức đồng nghĩa với hướng về Tam Bảo nguyện cầu. Vì thế, trong kinh nói: “Tăng
còn tức pháp còn, pháp còn tức Phật còn”.
Ngôi Tam Bảo
được cửu trụ nơi thế gian hay không tùy thuộc hoàn toàn vào việc Tăng già có
cửu trụ nơi thế gian hay không. Vì thế, trên thế gian này, Tăng Già mang một ý
nghĩa vô cùng quan trọng.
Nhưng hiện nay,
số lượng chúng tăng ngày càng giảm thiểu, điều đó cho thấy rõ ràng hơn tính
cách trọng yếu của Tăng Già. Cho nên có thể nói rằng: Khi nào trên thế gian
không còn Tăng Bảo, thì ngôi Tam Bảo cũng sẽ bị chìm đắm không thể tồn
tại.
Vấn đề Tam Bảo,
chúng tăng nghiêm trọng vô cùng, nên những người có tâm hộ trì Phật pháp không
được xem thường và cần phải khuyến hóa nhiều người phát tâm xuất gia để nối
tiếp duy trì huệ mạng của Như Lai.
Khi bạn muốn
thiết lập trai hội thỉnh tăng nguyện cầu, không phải muốn thỉnh phước điền tăng
thì đều có thể thỉnh được.
Trước tiên, bạn
nên vào trong tăng phường, tức là đến các chùa Phật giáo, thỉnh vấn vị trị sự
trong tự viện mà bạch rằng: “Kính bạch thầy! Con tên họ... pháp danh... hôm nay
con muốn thỉnh tăng cầu nguyện, con không dám tùy tiện, xin thầy cho con biết
phải làm thế nào mới hợp với Phật pháp?”
Vị trị sự trong
tự viện nên y theo giới luật của Phật mà dạy bảo rằng: “Phật tử muốn thỉnh tăng
cầu nguyện, điều ấy rất là quý hóa, nhưng phải vâng lời Phật dạy, y theo thứ tự
mà thỉnh”.
Chừng đó, bạn
mới được cúng dường thập phương Hiền, Thánh, Tăng và chỗ mong cầu của bạn mới
có thể toại nguyện.
Tại sao nhất
quyết phải theo thứ tự chúng tăng mà thỉnh như thế?
Vì đại chúng
đồng sống trong Tăng đoàn, ai phàm, ai thánh, đối với hạng phàm phu nhục nhãn
thật khó có thể phân biệt. Nếu y theo lời Phật dạy, theo thứ tự của chúng Tăng
mà thỉnh để cúng dường, thì vị tăng ấy chính là một trong chư vị Thập Phương
Tăng.
Trong mối quan hệ mật thiết đó, cho dù bạn chỉ thỉnh cúng dường một vị, nhưng phước đức cúng dường cũng bằng như cúng dường Thập Phương Tăng. Ví như bạn uống một giọt nước trong biển cả. Giọt nước dù rất nhỏ so với nước trong cả biển, nhưng thật sự bạn đã uống nước của tất cả sông trong cõi Diêm Phù Đề. Ngược lại, dù bạn có uống riêng hết nước của một con sông lớn, thì chẳng qua cũng chỉ là uống nước của một con sông mà thôi. Không được nói là nước của tất cả sông. Ý nghĩa của sự theo thứ tự chúng tăng mà thỉnh và biệt thỉnh tăng cũng tương tự như vậy.
Do đó, có thể nói sự theo thứ tự chúng tăng để thỉnh cúng dường, dù là thỉnh một vị phàm phu Tăng thì cũng như thỉnh Hiền Thánh Tăng vậy.
Tại sao thế?
Vì trong tâm của bạn không có niệm lựa chọn, phân biệt vậy. Trên thực tế, cũng không cho phép chúng ta đối với chúng Tăng có sự lựa chọn. Vì nhục nhãn của chúng ta khó lòng phân biệt được các thành phần trong Thập Phương Tăng.
Cổ đức dạy: “Thánh phàm giao tham, long xà hỗn tạp”, nghĩa là: phàm thánh xen lẫn nhau như rồng với rắn lộn xộn, như vậy làm sao có thể chọn lựa? Nếu phân biệt và chọn lựa thì sự thiết trai cúng dường chư tăng, tuy không phải không có phước đức, nhưng phước đức đó rất là hữu hạn.
Sở dĩ cúng dường chúng Tăng không được lựa chọn, vì thực ra có rất nhiều vị thánh tăng thị hiện trong chúng, như trong kinh luật nói: “Đức Phật từng dạy 16 vị đại A La Hán, mỗi Ngài đều thống lãnh trăm ngàn đồ chúng, đều là những vị đã chứng Tứ Quả, nhưng thị hiện giống như hình thức của một vị phàm phu tăng để mật thọ nhận sự cúng dường của nhân, thiên, khiến cho người thí chủ được quả báo thù thắng”. Sự việc ấy người đời không thể nào nhận biết được.
Vì thế, nếu khi thỉnh Tăng để cúng dường mà chọn lựa, nhiều khi bỏ sót Thánh Tăng thì thật là sự tổn thất rất lớn lao cho bạn.
Nếu dùng tâm hạnh bình đẳng cúng dường khắp thập phương chúng Tăng thì chẳng những không bỏ sót Thánh Tăng, mà phước đức của bạn thu hoạch càng rộng lớn, bằng như hư không.
Như thế tại sao bạn lại không vâng lời Phật dạy, y theo thứ tự của chúng tăng mỗi khi thỉnh cúng dường?
Nếu do tâm phân biệt, không thực hành như trên, riêng thỉnh năm trăm vị La Hán Bồ Tát tăng, chính là trái với lời Phật dạy.
- La Hán là Tiểu Thừa tăng.
- Bồ Tát là Đại Thừa Tăng.
Theo nhãn quan của người đời thì La Hán và Bồ Tát Tăng có công đức rất thù thắng, nếu cung kính cúng dường các ngài thì được phước đức rất lớn. Họ không biết rằng ý nghĩ ấy thật sai lầm. Vì sự lựa chọn, biệt thỉnh như vậy không thể được công đức thù thắng bằng sự theo thứ tự thỉnh một vị phàm phu Tăng ở trong chúng Tăng.
Tại sao vậy?
Vì theo thứ tự thỉnh Tăng thì vị phàm phu Tăng kia tức là hiền thánh tăng. Nếu biệt thỉnh một vị Tăng thì chính là trường hợp thánh hiền tăng lại trở thành phàm phu tăng.
Trong kinh Giới Nhân Duyên nói: “Nữ Phật tử Tỳ Xá Khư Mẫu riêng thỉnh năm trăm vị A La Hán, liền bị Đức Phật quở rằng: ‘Này Tỳ Xá Khư Mẫu! Việc làm của con là việc làm của người vô trí, không khéo hiểu biết, nên không được phước đức lớn. Nếu theo thứ tự trong chúng Tăng mà thỉnh một vị thì công đức rất lớn, quả báo rất thù thắng, lợi ích vô cùng tận!”
Có người hỏi: Nếu nói như thế, chẳng lẽ năm trăm vị Thánh Tăng không bằng một vị phàm phu tăng sao?
Điều này bạn cần phải căn cứ vào phương diện nào mà giải thích?
Đáp: Có hai phương diện: phước điền và tâm niệm.
Nếu do nơi phước điền mà luận sự thù thắng của phước đức, thì phước đức của thánh nhân hơn gấp trăm nghìn muôn ức lần phước đức của phàm phu tăng, như đức A Na Luật Đà tôn giả vào thời quá khứ cúng dường một bát cơm cho bậc thánh nhân Độc Giác, do phước đức ấy, trong 91 kiếp, khi thì sanh trong thiên đường, lúc thì sanh ở nhân gian, nơi nào cũng được hưởng phước báo không cùng tận.
Nếu căn cứ vào tâm niệm mà luận, nghĩa là tâm niệm có phân biệt lựa chọn và tâm niệm không phân biệt chọn lựa khi cúng dường. Lẽ tất nhiên công đức cúng dường của hai tâm niệm ấy không đồng nhau. Tâm có phân biệt lựa chọn thỉnh riêng năm trăm vị A La Hán và năm trăm vị Bồ Tát tăng, giống như trường hợp uống nước riêng của một con sông, không thể nói rằng uống nước tất cả sông.
Còn tâm phân biệt không chọn lựa, tuân theo thứ tự thỉnh một vị phàm phu tăng, cũng như trường hợp uống một giọt nước trong bể cả, tức là uống nước của tất cả các sông trong cõi Diêm Phù Đề.
Hỏi: Như vậy, biệt thỉnh Tăng thì vị Tăng này cũng là một vị trong số thập phương Tăng, sao lại cho rằng không phải nhiếp trong thập phương Tăng?
Đáp: Đúng thế! Một vị Tăng cũng thuộc vào trong thập phương Tăng, nhưng chính lúc biệt thỉnh, tâm của bạn chỉ chú ý một mình vị muốn thỉnh, hoàn toàn không có tâm niệm hướng về thập phương Tăng. Vì thế, vị tăng bạn thỉnh ấy chỉ là một người.
Nếu y theo thứ tự của chúng Tăng mà thỉnh thì tâm bạn không chuyên chú vào một vị tăng nào, mà là hướng về toàn thể chúng Tăng. Cho nên mỗi lần thỉnh, dù chỉ thỉnh một vị Tăng, nhưng vì tâm bạn bao trùm cả, nên thập phương Tăng tự nhiên đều hàm nhiếp trong ấy.
Hai trường hợp này không thể theo một lối mà luận. Trong kinh A Hàm nói: “Sư Tử trưởng giả thỉnh năm trăm vị A La Hán, Đức Phật quở rằng thỉnh như vậy không bằng theo thứ lớp của chúng tăng mà thỉnh một vị thì công đức không thể đo lường. Ví như uống nước biển cả là uống nước của các sông. Năm trăm vị A La Hán dù nhiều, nhưng chỉ là một loại Tăng, cũng như nước của một con sông chỉ có một mùi vị mà thôi. Nếu theo thứ tự chúng Tăng mà thỉnh, thì dù chỉ một người, nhưng cũng đủ số thập phương Tăng; cũng như một giọt nước trong biển cả đầy đủ vị của tất cả các sông”.
Hơn nữa, riêng thỉnh một vị Tăng để cúng dường đối với giới pháp thì đã là trái với pháp môn Vô Tướng Bình Đẳng, đối với phước đức cũng bị mất phước đức quảng đại, viên mãn.
Thế nên, nói về bất cứ phương diện nào, thì sự biệt thỉnh đều nhất quyết không thể được. Cho nên toàn thể Phật tử, nếu chân chính thiết trai cúng dường chư Tăng, nhất định phải vâng theo lời Phật dạy. Nghĩa là phải theo thứ tự chúng Tăng mà thỉnh, tuyệt đối không được biệt thỉnh.
Về luật thỉnh chúng Tăng theo thứ tự, không phải chỉ riêng có trong giới pháp của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, mà tất cả Phật thời quá khứ như Tỳ Bà Thi Phật v.v... cũng đều như thế. Có thể nói đây là pháp thống nhất của bảy Đức Phật, nên toàn thể Phật tử đều phải vâng giữ, không được có chỗ sai phạm. Trái lại, nếu biệt thỉnh Tăng là chứng tỏ tâm bạn có chỗ phân biệt thấp cao. Tâm đã có chỗ thấp cao thì đó là pháp ngoại đạo không bình đẳng, không phải là Phật pháp. Vì Phật pháp là pháp bình đẳng, không cao thấp, và vì giáo pháp của bảy Đức Phật đều không có pháp thỉnh tăng riêng.
Sở dĩ trong kinh thường dùng từ bảy đức Phật làm dẫn chứng, vì bảy đức Phật đều xuất hiện ở cõi này để hóa độ chúng sanh. Vả lại, thời gian quá khứ cũng không lâu xa lắm, chỉ trong khoảng một trăm tiểu kiếp. Chư thiên trường thọ cõi trời đều thấy được nên dẫn ra làm bằng chứng, giúp cho những người thông thường tin nơi Phật pháp được dễ hiểu, không đến nỗi không tín thọ, vì đấy không phải là việc quá lâu xa.
Bảy đức Phật:
1. Tỳ Bà Thi Phật, còn gọi là Duy Vệ Phật, Trung Hoa dịch là Thắng Quán.
2. Thi Khí Phật, còn gọi là Thức Khí Phật, Trung Hoa dịch là Hỏa.
3. Tỳ Xá Phù Phật, còn gọi là Tỳ Xá Bà Phật, hay Tùy Tý Phật, hoặc Tùy Diệp Phật, Trung Hoa dịch là Biến Nhất Thiết Tự Tại Phật.
4. Câu Lưu Tôn Phật, còn gọi là Câu Lân Tần Phật, Trung Hoa dịch là Sở Ứng Đoạn Phật.
5. Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Trung Hoa dịch là Kim Tịch hoặc Kim Tiên.
6. Ca Diếp Phật, Trung Hoa dịch là Ẩm Quang.
7. Thích Ca Mâu Ni Phật, Trung Hoa dịch là Năng Nhân Tịch Mặc hoặc Năng Nhu.
Trong bảy vị Phật này, ba vị trước xuất hiện ở quá khứ Trang Nghiêm kiếp. Bốn vị sau xuất hiện trong hiện tại Hiền Kiếp. Chính bảy Đức Phật hãy còn y theo thứ tự chúng tăng mà thỉnh, huống chi đại sĩ tu học Bồ Tát hạnh mà lại không y theo thứ tự thỉnh tăng? Còn có chỗ lựa chọn như vậy là trái nghịch với Phật, với tăng. Cho nên trong kinh nói: “Không thuận với hiếu đạo”.
Vì thế, hàng Phật tử thiết trai cúng dường chư tăng, cần phải bình đẳng; đối với tăng chúng, đúng như pháp mà cúng dường. Trái lại, nếu cố biệt thỉnh Tăng là trái với lời Phật dạy, chẳng khác nào đối với cha mẹ mà có tâm khinh dễ. Cho nên trong kinh kết luận: “Phật tử này phạm khinh cấu tội”.