- Mục Lục Chi Tiết
- 01 Cương Yếu Giới Luật (01-17)
- 02 Cương Yếu Giới Luật (18-45)
- 03 Cương Yếu Giới Luật (46-50)
- 04 Cương Yếu Giới Luật (51-56)
- 05 Cương Yếu Giới Luật (57-85)
- 06 Bồ-tát Giới - Bồ-tát Danh Và Thiệt
- 07 Xuất Gia Hoằng Phật Đạo
- 08 Giới Là Bậc Thầy Cao Cả Nhất
- 09 Khai Đạo Giới Tử Thọ Bồ-tát Giới
- 10 Thọ Giới Là Làm Cho Phật Pháp Miên Trường Giữa Thế Gian
Thích
Thiện Siêu
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo – 2002
51. Thế nào là
Tăng?
52. Đại giới.
53. Giới trường.
54. Thất diệt
tránh.
55. Kiết-ma.
56. Điều kiện của
kiết-ma.
51. Thế nào
là Tăng?
Tăng, Phạn tự là
Sangha, Trung Hoa dịch là hòa hợp chúng. Vắn tắt gọi là Tăng. Đức Thế Tôn sau
khi thành đạo, sơ chuyển Pháp luân Tứ đế để độ cho 5 anh em Kiều-trần-như
(Ajnata Kaudingha), A-thấp-bà (Asvlit), Bạt-đề (Bhadrika), Ma-ha Ma-nam
(Màhamànan) và Thập-lực-ca-diếp (Dàshadakasypa). Ngôi Tam bảo hình thành từ
đây. Về Ni, Phật đã độ cho Ma-ha Ba-xà-bà-đề (Maha Prajapati) và Công chúa
Da-du-đà-la (Yasodara) cũng được Phật độ cho xuất gia, từ đấy Tỳ-kheo-ni bắt
đầu hình thành.
Thường thường khi
nói đến Tăng, in tuồng chỉ cho Tỳ-kheo, chư Tăng là chỉ cho Tỳ-kheo, chư Ni chỉ
cho Ni bộ. Nói như vậy có hơi gượng ép, áp đặt. Thật ra chữ Tăng là nói chung
hết. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni Tăng. Tăng có nghĩa là hòa hợp chúng. Chúng đây
gồm 4 người trở lên. Chúng này phải hòa hợp, gọi là Tăng. Ni cũng vậy. Bên Tăng
gọi là Tỳ-kheo Tăng, bên Ni gọi là Tỳ-kheo-ni Tăng. Khi gọi là Tăng, một người
cũng gọi là Tăng thì không đúng. Một người sở dĩ gọi là Tăng vì họ ở trong đoàn
thể bốn người trở lên, đồng giới, đồng thuyết giới, đồng kiết-ma... riêng một
cá nhân thì gọi là Tỳ-kheo thôi. Cho nên, khi gọi Tăng là nhóm 4 người trở lên,
còn gọi Đại đức Tăng có hàm ý tôn trọng toàn thể các vị xuất gia, các vị có tu
hành, có giới hạnh.
52. Đại giới.
Trong Luật nói:
Bên Tăng kiết giới rộng nhất là 10 Câu-lô-xá, tức khoảng 18 ki-lô-mét. Nếu ở
giữa là giới trường thì bên này 9 km, bên kia 9 km để Tăng ở hai bên cùng tới
dự Bố-tát cho tiện. Nếu vị nào sợ đi không kịp thì phải đi sớm để kịp Bố-tát.
Còn phía bên Ni, kiết đại giới là một Câu-lô-xá, tức khoảng 1,8 km, đó là đại
giới lớn nhất.
Còn đại giới nhỏ
nhất là trong một già-lam. Thí dụ tại chùa Từ Đàm, tôi kiết một đại giới, nếu
chúng Từ Đàm có 4 người trở lên thì nửa tháng phải thuyết giới. Sự thuyết giới
đó có nghĩa rằng, với các vị Tăng cùng sống chung, nửa tháng phải họp mặt lại
để kiểm điểm hành động của nhau, như giới mình thọ có giữ đúng không, phạm hay
không phạm, nhắc nhở cho nhau trong vấn đề tu hành. Nếu có phạm phải lo sám
hối. Cho nên nếu trong chùa có đủ 4 người trở lên, có thể kiết giới trường
trong một già-lam để thuyết giới, mỗi nửa tháng là đúng Luật. Khi đã kiết giới
rồi, đến giờ thuyết giới, nếu trong chúng hôm đó có ai vắng mặt, vì lý do gì,
không dữ dục là mắc tội biệt chúng. Ở Hà Nội, chùa Quán Sứ và chùa Bà Đá cách
nhau một ki-lô-mét, nhưng bên nào thuyết giới bên đó, chứ chư Tăng không đi qua
lại. Khi chùa có vị khách Tăng đến ở trọ, gặp ngày thuyết giới, vị khách đó coi
như đồng thuyết giới với chúng Tăng đó. Nếu vị Tăng không thuyết giới và không
nói dữ dục thì coi như biệt chúng. Vì vậy, tôi và Hòa thượng Minh Châu ra công
tác Phật sự tại Hà Nội, ở chùa Quán Sứ, khi đúng ngày thuyết giới, có một vị
Tăng Tri sự trong chùa đến tin cho biết, thưa hai Hòa thượng, sáng nay Bố-tát.
Nếu mình làm thinh là chấp nhận đi Bố-tát; nếu bận việc thì nói tôi xin dữ dục,
còn không nói mà đi là mắc tội biệt chúng. Trường hợp mình là khách Tăng, họ
không cho mình biết mà cứ thuyết giới là kiết-ma phi tướng. Truởng hợp đó cũng
y như tại Giáo hội tỉnh Thừa Thiên ngày trước, các chùa vẫn đến thuyết giới tại
chùa Linh Quang, mà tại chùa Báo Quốc, Hòa thượng Trí Thủ vẫn kiết giới cho
chúng Tăng bên đó thuyết giới. Và ngay bây giờ, phía bên Ni cũng có 3 chỗ
thuyết giới là Diệu Đức, Hồng Ân và Diệu Viên, như vậy vẫn đúng Luật. Sở dĩ lâu
nay có nơi Giáo hội tập trung chung một tỉnh tại một điểm để thuyết giới, đó là
ngầm đồng ý với nhau và để nhắc nhở nhau trong vấn đề tu hành. Trong đó, người
khôn vẻ cho người dại, người hay nhắc cho người dở, là ý như thế. Còn nếu để
từng chùa riêng, chùa lôi bốn người mà người nào cũng kém hết, thuyết giới cũng
được đó nhưng không thông thì không hay. Thôi, thì hòa đồng chung, trong đó
người hay kèm người dở thì nó hay hơn. Phải hiểu rõ nội dung đó và phải biết
đại giới và giới trường là như vậy đó.
53. Giới
trường.
Vì sao phải kiết
giới trường? Ví dụ, trong chúng có 30 người, thông báo sáng nay đến thuyết
giới. Khi đến, thầy này tới góc này đợi, thầy đến góc kia đợi, thầy khác tới
góc nọ ngồi, ngồi đợi nhau mãi hoài không biết thuyết chỗ nào. Vì thế phải quy
định một chỗ, một giới trường nhất định nào đó để thuyết giới. Cho nên, khi đến
thuyết giới ai cũng đến đó hết. Ai không đến được thì xin dữ dục. Khách Tăng có
mặt trong ngày thuyết giới cũng phải dự thuyết giới, nếu Tăng địa phương hay
Tăng thường trú không báo cho họ biết để thuyết giới là kiết-ma phi tướng. Họ
không biết không đến không dữ dục là mang tội biệt chúng.
Tóm lại, sở dĩ có
kiết giới trường là vì đại giới rộng quá, nếu không kiết một chỗ cho chúng Tăng
biết thì khi có việc cần bốn người, hoặc 10 người làm mà bắt chúng Tăng 30, hay
40 người họp lại thì phiền phức mà mất thì giờ quá. Thí dụ, việc thọ đại giới
cho Tỳ-kheo cần 10 người thôi, mà bắt chúng Tăng 20 người ngồi chờ cả ngày thì
phí thì giờ.
Pháp kiết-ma nói:
Lớn thì có đại giới, giới trường, nhỏ hơn nữa thì có tịnh trù tịnh địa, tịnh
khố, nhiếp y giới. Nhiếp y giới cũng gọi là Bất thất y giới. Nếu đại giới nhỏ
hơn hoặc bằng đất Tăng già-lam thì khỏi kiết giới này. Nếu đại giới rộng hơn
đất Tăng già-lam thì phải kiết giới này. Khi kiết phải thêm câu: “Trừ thôn,
thôn xá ngoại”. Tức y không được để vào chỗ dân cư. Phạm vi giới này chung với
đại giới.
Trường hợp đại
giới không có giới trường thì đại giới đó chỉ có tướng bên ngoài mà thôi, vì
bên trong này không có gì hết. Nhưng trường hợp có kiết giới trường thì nó có 3
giới hạn:
– Giới trường
ngoại tướng: Từ giới trường này để một khoảng đất trống một đến hai thước, để
trong khi kiết giới, nếu có người đi ngang qua lại thì không phạm. Từ khoảng
đất trống có đường ranh giới gọi là đại giới nội tướng, là tướng bên trong của
đại giới. Đường ngoài gọi là đại giới ngoại tướng, tướng bên ngoài của đại
giới. Như vậy, nếu có giới trường thì nó sẽ có ba tướng (ba giới hạn), tướng
ngoại của giới trường, tướng nội và tướng ngoại của đại giới. Khi kiết thì kiết
giới trường trước, rồi mới đến kiết đại giới nội tướng và cuối là kiết đại giới
ngoại tướng. Sau khi tập Tăng lại, cử một vị cựu trú Tỳ-kheo hay một vị rành
nơi vị trí đó, đứng ra xướng các giới đó rằng: hôm nay chúng Tăng kiết giới,
tôi là người cựu trú Tỳ-kheo, quen biết khu vực này, xin nêu các tiêu tướng.
Đông giáp mốc giới A, tây giáp mốc giới B, nam giáp mốc giới C, bắc giáp mốc
giới D. Đó là giới trường để mỗi khi thuyết giởi, thọ giới v.v... thì tụng
giới, tác pháp sự, giới trường nhỏ nhất, hẹp nhất cũng phải đủ chỗ cho 21 người
ngồi để phòng khi xuất tội Tăng tàn. Nếu rộng nữa càng tốt. Từ giới trường trở
ra là tướng bên trong của đại giới. Nhưng kiết đại giới rộng nhất cũng chỉ là
10 câu-lô-xá, tức 18 km và Ni là 1,8 km. Đại giới hẹp nhất là một chùa, một trú
xứ. Đại giới còn gọi là nhiếp Tăng giới. Nếu có công việc gì của chúng Tăng
trong đại giới thì chúng Tăng phải tham dự, nếu không tham dự chính thức thì
phải dữ dục. Nếu không tham dự và không dữ dục là mắc tội biệt chúng, còn ai ở
ngoài đại giới thì thôi. Nếu trường hợp có một khách ở trong đại giới, khi
thuyết giới không báo cho thầy ấv biết để dự, hoặc có báo mà thầy không dự và
không dữ dục mà thuyết giới là mắc lội kiết-ma phi tướng. Cho nên trong Luật
nói tính chất hòa hợp, nhưng hòa hợp triệt để chứ không phải lấy tính cách
thiểu số phục tùng đa số như hội nghị thông thường.
Thuyết giới, thọ
giới đều nằm trong giới trường. Còn các việc khác không vô giới trường mà tập
Tăng ở chỗ nào trong đại giới làm cũng được. Thí dụ, kiết-ma làm sạch và xanh
môi trường nhà chùa đang sống, thì khi tập Tăng lại và tuyên bố, sáng nay xin
chúng Tăng ra trồng cây là được, không cần vào giới trường.
Ngoài ra còn có tự
nhiên giới (tức tiểu giới). Ngoài đại giới, khi đi đâu đó, gặp ngày Bố-tát thì
quây quần lại, ngồi vòng quanh sát nhau lấy đó làm khu vực giới để thuyết giới
hay để Tự lứ. Xong việc rồi, xả bỏ đi, tức lấy mình làm mốc giới, chứ không
phải lấy cái mốc này, mốc kia làm ranh giới gì cả; đó gọi là tìểu giới trong tự
nhiên giới. Nếu khi kiết tiểu giới mà có một số người cùng đi không đồng ý, thì
mình tìm ai đồng ý quây quần nhau lại mà kiết tiểu giới hay Tự tứ, xong rồi thì
giải tiểu giới ấy đi. Đó là kiết tiểu giới.
Khi kiết thì kiết
giới trường truớc, kiết đại giới sau. Khi xả thì xả đại giới trước, xả giới
trường sau. Như khi mặc áo thì áo trong trước, áo ngoài sau; khi cởi thì cởi áo
ngoài trước, áo trong sau.
54. Thất
diệt tránh.
Tức là bảy cách
thức chấm dứt sự tranh cãì giữa chúng Tăng. Chúng Tăng thường có 4 sự tranh cãi
là:
1. Ngôn tránh:
Tranh cãi về pháp tướng đúng hay sai. Do sự tranh cãi ấy mà khởi lên sự bất hòa
trong Tăng chúng, gồm có 18 việc đưa đến tranh cãi.
2. Mích tránh: Do
sự tìm lỗi của người khác mà khởi lên tranh cãi, nhân khi dùng ba cách cử tội
là bất kiến cử, bất sám cử và bất xả cử để xét tìm tội thuộc phá giới, phá kiến
hay phá oai nghi do thấy, nghe, hay nghi.
3. Phạm tránh: Tức
bình luận sự phạm giới của ông Tỳ-kheo hư hay thật, đúng hay không đúng; có
thật hay chỉ là sự đồn đại mà ra...
4. Sự tránh: Tranh
cãi về việc kiết-ma như vậy như pháp hay không như pháp. Ví dụ, việc như vậy
nên bạch nhị, bạch tứ kiết-ma hay đơn bạch; bạch như vậy là đúng pháp hay phi
pháp.
Do bốn việc vừa
nêu mà khởi lên tranh cãi. Muốn chấm dứt sự tranh cãi đó, phải dùng bảy phương
pháp sau đây để chấm dứt sự tranh cãi (diệt tránh: chấm dứt sự tranh cãi).
1. Ưng dữ hiện
tiền Tì-ni đương dữ hiện tiền Tì-ni: Hay nói tắt là hiện tiền Tì-ni, cũng có từ
khác nữa là Diện tiền chỉ tránh luật, tức luật chấm dứt sự tranh cãi giữa hiện
diện.
Hiện tiền Tì-ni là
gì? Là có vụ tranh cãi và cần có vụ đối chất giữa hai bên A và B. Vấn đề tranh
cãi ấy phải có mặt A và B đối chất nhau để giải quyết. Trong lúc hiện tiền, cần
dẫn chứng lời dạy trong kinh Phật hoặc dẫn Luật để xét đoán việc tranh cãi có
đúng với Kinh pháp hay không đúng với kinh pháp của Phật. Đem lời pháp của Phật
để giải quyết sự tranh cãi đó. Thí dụ: Bữa kia, có người ăn cơm không hết và
sau đó đem đổ, người khác lại không có ăn nên chúng Tăng đem ra cãi nhau. Khi
ấy phải dẫn Kinh ra để thuyết phục: Thầy nên biết, trong phép Lục hòa có lợi
hòa đồng quân, thầy không giữ phép Lục hòa, không chia cho người khác, như vậy
là không đúng. Chỉ cho hai bên thấy để chấm dứt sự tranh cãi.
2. Ưng dữ ức niệm
Tì-ni đương dữ ức niệm Tì-ni: Cũng gọi là ức chỉ tránh luật. Đây là Luật nhắc
nhở người phạm biết mình làm, để chấm dứt việc tranh cãi. Ví dụ: Trong khi cãi
nhau về chuyện có tội hay không có tội, trước hết phải người có tội nên nhớ
lại. Vậy nên hỏi: Thầy nhớ lại thầy có phạm tội hay không phạm. Nếu thầy nhớ là
thầy không phạm mà chúng Tăng cứ gạn hỏi hoài, thì thầy xin Tăng bạch tứ
kiết-ma cho thầy nhớ lại (ức niệm). Từ đó cho qua, không ai được phép hỏi. Cho
qua trong trường hợp thầy đó sống nghiêm túc sống đúng luật, có hạnh, có tu,
sống gần thiện tri thức, chứ còn thầy đó sống bê tha, thiếu nghiêm túc... hỏi
thầy, thầy nói tôi không nhớ thì không cho qua được.
3. Ưng dữ bất si
Tì-ni đương dữ bất si Tì-ni: Cũng gọi là bất si chỉ tránh luật. Chấm dứt sự tranh
cãi bằng bất si. Tức người phạm giới trong lúc tinh thần bị bấn loạn, bất
thường, bị thần kinh, thì phải kiết-ma bất si Tì-ni để chờ khỏi bệnh mới đem
xét để thầy sám hối, chứ bây giờ thầy đang lên cơn điên mà đem ra xét (bất si)
thì không xét được. Khi nào thấy tỉnh rồi mới xét.
4. Ưng dĩ tự ngôn
trị đương dữ tự ngôn trị: Cũng gọi là tự phát lộ chỉ tránh luật. Ngôn trị đây
là để người đó tự nói lên cái lỗi của mình phạm mà trị. Có những lỗi tự nói lên
là có thể theo đó mà xử không cần gạn hỏi, tra vấn, ép bức.
5. Ưng dữ mích tội
tướng, đương dữ mích tội tướng: Cũng gọi là cư chỉ tránh luật. Tức người phạm
tội không nói tội của họ ra, cứ nói quanh co, mâu thuẫn, lộn ngược lộn xuôi,
nói điên đảo. Khi đó phải nêu từng tướng một thầy ấy phạm, phải lý giải tội
không thể chối cãi củ a thầy ra để bắt thầy nhận tội. Ví dụ tội ăn cắp. Khi hỏi
thầy có ăn cắp không, thầy ấy chối và nói không ăn cắp. Bây giờ chúng Tăng phải
trưng bằng chứng: bữa đó tới chỗ đó, khi thầy đi ra người ta mất đồ. Bữa trước
thầy không có tiền, nay thầy lấy tiền đâu mà mua cái này, sắm thứ nọ, vậy tiền
đâu thầy có?... Phải trưng bằng cớ để xét tội ăn cắp của vị ấy. Người bị như
vậy phải phạt tội suốt đời, không cho vị ấy làm 8 việc như độ người xuất gia,
nhận nuôi người, làm y chỉ...
6. Đa nhân mích
tội, ưng dữ đa nhân mích tội tướng đương dữ đa nhân mích tội tướng: Cũng gọi là
triển chuyển chỉ tránh luật, nghĩa là Luật ngăn dứt tranh cãi bằng cách triển
chuyển. Triển chuyển là thế nào? Tức là hai bên tranh nghị nhau mãi, không làm
sao giải quyết được hết. Vậy bây giờ tập trung các vị Tăng hữu đức lại mà thẩm
đỉnh tội đó, lấy ý kiến đa số, phạm như thế nào thì y như vậy mà xử.
7. Ưng dữ như thảo
phú đia đương dữ như thảo phú đia: Hoặc gọi như khí phấn tảo chỉ tránh luật.
Luật chấm dứt sự tranh cãi y như vứt miếng vải rách. Câu này có hai cách cắt
nghĩa:
a. Khi hai bên đều
tỉnh lại cả, hai bên đều nhận lỗi cả, thì lỗi đó đều bị vứt đi như miếng vải
rách vứt xuống đất.
b. Hai bên đều có
lỗi (lỗi nhẹ), lỗi tùm lum, nếu khươi ra thì nó lắm chuyện, không làm sao xử
được. Thôi thì như lấy cỏ lấp đất trên mặt cho yên, hoặc như thảo phú
địa.
Đó là thất diệt
tránh.
(Còn trong đời
sống chúng ta hịện giờ, có một số việc nó đi ra ngoài, tuy không phạm Kinh phạm
Luật gì lắm. Ví dụ: Tổ chức Giáo hội, tổ chức đoàn thể mà cãi thì đem Luật nào
để xử! Khó lắm. Cho nên ta phải biết, khi nói về Giới luật, ta đem giới luật để
nói, còn khi nói về Giáo hội, tổ chức hành chánh thì ta đem Giáo hội, tổ chức
hành chánh để nói, không hẳn đem Giới luật ra mà nói đưọc. Tỉ dụ như chuyện thọ
giới. Chúng Tăng truyền thọ Cụ túc khi kiêt-ma thì không cho Ni, cư sĩ dự vào.
Nhưng mở một Đại hội Phật giáo gồm cả Tăng, Ni, cư sĩ, bầu Ban trị sụ, giải
quyết một việc gì trong Ban trị sự không có Ni, không có cư sĩ không được. Cho
nên nói Giới luật là chỉ để giải quyêt về vấn đề giới luật, còn tổ chức thì là
nguyên tắc của hành chánh. Vì trong Luật có chỗ nào nói bầu Ban trị sự đâu. Cho
nên Luật nói Luật, nguyên tắc hành chánh nói nguyên tắc hành chánh thì mới
không phức tạp)
55. Kiết-ma.
Kiết-ma, tiếng
Phạn là Kamla, nghĩa là Nghiệp. Nghiệp trong kinh đức Phật dạy là, việc gì mình
làm có dụng ý, cố ý làm thì thành nghiệp; nếu làm vô tâm thì không thành
nghiệp.
Do vậy, bất cứ cá
nhân, đoàn thể hễ có động tác hành, có động tác làm đều gọi là nghiệp. Nếu
trong đoàn thể tập họp, biểu quyết một việc gì đó cũng là một hành động, cũng
gọi là nghiệp. Vì vậy trong Luật, Phật dùng chữ kiết-ma. Kiết-ma coi như là một
phương thức biểu quyết để xử lý mọi công việc Nếu mọi công việc của chúng Tăng
mà không đi qua sự biểu quyết này thì công việc không thành, hay có ép thành
cũng không hợp pháp. Cho nên Luậl định nghĩa chữ Kiết-ma là tác pháp biện sự.
Vì vậy, cá nhân tụng kinh cũng là nghiệp, thuyết giới cũng là nghiệp, dự việc
chung của chúng Tăng cũng là nghiệp; cho đến thủ tục giải quyết công việc chung
của chúng Tăng gọi là kiết-ma, cũng là nghiệp.
56. Điều
kiện của kiết-ma.
Muốn kiết-ma một
việc gì thì phải có một thủ tục biểu quyết. Do đó, kiết-ma còn được hiểu là một
phương thức, một phương pháp hay là một thủ tục biểu quyết. Muốn biểu quyết thì
cần phải có bốn điều kiện: pháp, nhân, sự và xứ.
I. PHÁP.
Vậy Pháp là gì? Là
nguyên tắc, thủ tục, phương thức kiết-ma. Luật Tứ phần nói có 3 cách thức biểư
quyết: đơn bạch, bạch nhị và bạch tứ. Trong luật Tăng kỳ thêm mộl điều nữa là
cầu thính. Tức trước khi đem một chuyện gì đó ra đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ
phải cầu thính, tức phải thưa trước vị chủ trì trong chúng kiết-ma đó biết.
Hoặc muốn nêu tội của ai thì cũng nói trước người đó biết, chứ không nêu sự
việc lên một cách đột ngột; nếu báo cho vị chủ trì biết (chủ pháp sự) hay bỉnh
pháp biết, là để tránh câu chuyện thưa ra sẽ bị động, tác hại tâm lý không ổn
trong chúng, cần phải tránh.
a. Đơn bạch:
Là vấn đề gì muốn làm, chỉ cần trình ra cho đại chúng biết, chứ không cần lấy ý
kiến biểu quyết. Ví dụ: Trong giới đàn mà thỉnh giáo thọ, thì chỉ cần nói: Đại
đức Tăng thính, kim thời đáo Tăng sai vị Tỳ-kheo tên A, tên B làm giáo thọ.
Bạch như thị, chứ không có kiết-ma thành phủ. Nghĩa là không cần lấy ý kiến
biểu quyết. Thí dụ khác là Tự tứ, thì bạch: Hôm nay chúng Tăng Tự tứ, xin trình
cho chúng Tăng biết gọi là đơn bạch. Đơn bạch cũng là một hình thức biểu quyết
dành cho những việc thông thường.
b. Bạch nhị:
Bạch nhị là một vấn đề đưa ra cần lấy ý kiến. Việc đưa ra này có hơi quan trọng
nhưng không quan trọng lắm. Tức một vài vấn đề đưa ra giữa chúng Tăng và xin
kiết-ma thành phủ, tức là ai đồng ý việc đó thì im lặng, ai không đồng ý xin
nói lên. Công thức là: một lần bạch, một lần kiết-ma, gọi là bạch nhị .
c. Bạch tứ:
Có những vấn đề quan trọng hơn, lấy ý kiến một lần chưa đủ, phải lấy ý kiến ba
lần, gọi là bạch tứ (một lần bạch, ba lần kiết-ma). Thí dụ, một vấn đề đưa ra
như: thọ đại giới chẳng hạn (một lần bạch), xong rồi kiết-ma: Tôi xin hỏi sự
việc như vậy, ai đồng ý thì im lặng, ai không đồng ý thì nói lên (l lần), rồi
kiết-ma lần hai, lần ba cũng như vậy. Công thức: một bạch, ba lần kiết-ma, nên
gọi là bạch tứ.
Trong Bạch nhất kiết-ma có nêu: Đơn bạch có 24 sự việc, Tứ phần luật nên có 40, Kiết-ma chỉ nam nêu có 44. Bạch nhị có nêu ra 47 sự việc. Bạch tứ có nêu 30 sự việc, Tứ phần luật nêu 38, Kiết-ma chỉ nam nêu 39. Ngoài đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ như vậy gọi là Tăng bỉnh kiết-ma (bỉnh là cầm), là thứ kiết-ma giữa chúng Tăng. Đơn bạch cũng là loại bạch giữa chúng Tăng đông người, bốn người trở lên). Bạch nhị, bạch tứ cũng vậy. Nhưng trường hợp chỉ có 3 người, hai người, một người thì sao? Có hai cách: một là đối thú và hai là tâm niệm.
1. Tâm niệm là trường hợp một người, một cá nhân. Ví dụ: Phạm tội Đột-kiết-la chỉ tâm niệm sám hối là hết tội. Tâm niệm pháp có 3 cách:
a. Đản tâm niệm: Là chỉ có mình tâm niệm với mình mà thôi, vì vấn đề nhỏ.
b. Đối thú tâm niệm: Vấn đề cần đối thú (hai đến ba người). Ví dụ: Kiết giới Tự tứ cần đối thú trước người khác mà nói lên, nhưng ở trong nội giới không có ai để cho mình đối thú hết, buộc lòng phải tâm niệm, gọi là đối thú tâm niệm.
c. Chúng pháp tâm niệm: Việc này đáng phải đối giữa chúng mà làm, nhưng bây giờ ở trong nội giới đơn độc một mình, không có chúng để làm nên phải tâm niệm. Như tâm niệm kiết giới, tâm niệm Tự tứ. Tâm niệm Tự tứ là không có ai, còn nếu có thì bỏ tâm niệm để làm đúng theo đối thú hay chúng pháp.
2. Đối thú kiết-ma có 2 trường hợp:
a. Đản đối thú: Thí dụ, một người phạm hối quá pháp, phạm Ba-dật-đề thì chỉ cần đối với một người có thể sám hối là hết tội.
b. Chúng pháp đối thú: Vấn đề cần đối thú giữa chúng mà sám hối, nhưng nội giới không có chúng để đối thú, vì vậy phải chúng pháp đối thú (đối giữa hai người mà làm, vì không đủ bốn người). Dầu có đối thú tâm niệm, là đối thú khi mình đối trước người khác, cũng phải nói: Trước Tam Bảo, con hôm nay có phạm lỗi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, hối quá pháp, con xin sám hối. Trong khi An cư, thọ thuyết tịnh, thọ dược, thọ thất nhật... là việc phải đối thú. Ví dụ: Khi thọ An cư, mặc dầu chúng rất đông nhưng chỉ đối thú một người (vị chủ pháp sự) chứ không phải giữa chúng. Tuy đông, nhưng chỉ đối ngay một người mà thọ An cư, chứ không phải đối cả chúng. Khi đối thú phải nói lên, nếu không nói thì bất thành.
Chúng pháp tâm niệm: điều này có nghĩa nguyên phải đối giữa chúng Tăng mà nói ra, nhưng trong nội giới không có chúng, đơn độc một mình, cho nên tâm niệm mà miệng phải nói lên (như thuyết giới, Tự tứ).
Gọi là đối thú thì phải từ một đến 3 người. Nếu một người thì gọi là tâm niệm, còn bốn người trở lên gọi là chúng pháp.
II. NHÂN.
Tức nói về Tăng số. Sự việc đem ra kiết-ma cần bao nhiêu người. Nếu đẳng tâm niệm thì một người, việc đối thú thì 2 hoặc 3 người; việc thuyết giới thì 4 người; việc biên địa thọ giới, tức nơi ít Tăng thì 5 người; việc nơi nhiều Tăng, Tăng đông, khi thọ Cụ túc giới thì phải mười người, tức trung quốc thọ giới, nếu không đủ thì bất thành. Việc kết tội thì chỉ cần 4 người và xuất tội Tăng tàn phải giữa 20 người. Về phía Ni thì xuất tội Tăng tàn đều phải đủ 20 Tăng và 20 Ni, thành 40 người.
Nhưng người nào được kể đủ trong số đó? Một nguời là tâm niệm. Tăng 2, 3 người là đối thú; Tăng 4 người thì chỉ trừ việc thọ đại giới, Tự tứ, còn tất cả việc khác đều có thể kiết-ma làm được hết. Tăng 5 người, thì trừ xuất tội Tăng tàn và trung quốc thọ giới ra, tất cả việc khác đều có thể làm được hết. Tăng 10 người thì trừ việc xuất tội Tăng tàn, còn tất cả việc khác đều làm được hết. Tăng 20 người thì tất cả mọi kiết-ma đều làm được hết.
Tăng như thế nào mới tham dự đơn bạch, bạch nhị, bạch tứ đó? Có 4 trường hợp:
1. Tăng mãn số bất khả ha: Trường hợp Tăng mãn số bất khả ha. Ví dụ: Trường hợp kiết-ma Ha-trách một vị Tỳ-kheo nào phạm tội hay để tẩn xuất một vị Tỳ-kheo phạm tội, thì tuy vị Tỳ-kheo đó phạm tội nhưng khi Tăng chưa kiết-ma xử trị thì ông đó vẫn là Tăng và vẫn được kể vào mãn số Tăng. Đến khi kết tội Ba-la-di là bất cộng trú thì ông đó không còn là Tăng, mới không kể ông vô mãn số. Ví dụ ông phạm tội Tăng tàn thì ông vẫn là Tăng. Tăng đương tàn nhưng vẫn là Tăng. Trong khi chúng Tăng kết tội ông thì ông không có tư cách và thẩm quyền chặn kiết-ma không cho Tăng làm. Đó là Tăng mãn số bất khả ha (ha: có nghĩa là ngăn, và cũng có nghĩa là ngăn không cho kiết-ma, phủ nhận kiết-ma). Hoặc ông Tăng ra chọc tức, quấy rầy nhà cư sĩ, bấy giờ chúng Tăng kết tội ông, ngăn không cho tới nhà cư sĩ đó nữa, ông không có tư cách chặn lại không cho kết tội.
2. Tăng mãn số khả ha: Thí dụ trong lần kiết-ma đó, ai cũng thanh tịnh hết, như pháp hết, nhưng có một vị Tăng không đồng ý, vị Tăng đó có quyền ngăn kiết-ma (khả ha: ngăn) không cho kiết-ma đó thành, mà vị đó là một vị Tăng như pháp, thanh tịnh thì mới ngăn được.
3. Bát mãn số khả ha: Ví dụ: có một vị xin vô thọ giới giữa Thập sư. Thập sư là Tăng số Tỳ-kheo, còn giới tử đó không thể kể vô số Thập sư được, nên gọi là bất mãn số, nhưng khả ha. Thí dụ, Thập sư mới kiết-ma lần thứ hai, hỏi thành không, thì ông nói: Thôi thôi, tôi không thọ nữa, rút lui thì Thập sư cũng chịu thua (khả ha). Gọi là bất mãn số mà khả ha, tức không được kể vào số trong Tăng chúng những người đó có quyền ngăn chặn kiết-ma đó cho không thành tựu. Thập sư cũng chịu, kiết-ma sao được, kiết-ma làm gì!
4. Bất mãn số bất khả ha: Ví dụ như Tăng kiết-ma, bên Ni có ngồi đó cũng ngồi cho vui vậy thôi, làm sao kể vào mãn số với Tăng, như vậy ha sao được. Nhưng trừ ba trường hợp (Ghi chú: cho nên đức Phật ngày xưa, nói bên Ni đừng buồn. Nhiều khi các vị học chưa chu đáo, trách đức Phật sao Ngài bất công quá, bắt Ni thọ bát kỉnh pháp, gặp mấy ông thầy chi chi cũng phải Bát kỉnh pháp, buồn quá! Té ra, ngày xưa Phật khi đưa Bát kỉnh pháp đó ra, bất đồ bị mấy ông Lục quần Tỳ-kheo bắt bẻ Ni đủ điều đủ cách. Đụng đâu đưa ra bát kỉnh pháp nấy, làm cho Ni đau dầu chịu không nổi, sau Phật biết việc đó nên khai ra ba trường hợp):
a. Bên Tăng kiết-ma về việc của Ni phải có mặt của Ni đó. Ví dụ, thọ đại giới cho Ni, Tăng kiết-ma thọ đại giới cho Ni, bên Thập sư Ni cũng có mặt.
b. Kết tội Tăng tàn của Ni, Ni cũng có mặt.
c Xuất tội Tăng tàn của Ni, Ni cũng có mặt.
Đó là ba việc của Tỳ-kheo kiết-ma cho Ni, Ni phải có mặt. Ngược lại, Ni cũng có 3 trường hợp kiết-ma về Tăng là, nếu ông Tăng có điều vô lý xúc phạm đến Ni, thì Ni kiết-ma không lễ bái, không cọng ngữ, không cúng dường cho vị Tăng ấy.
Hoặc giả ông Tỳ-kheo đã bị diệt tẩn, Ni cũng kiết-ma đối với ông Tăng đó; không lễ bái, không cọng ngữ, không cúng dường. Nếu Ni ủng hộ thì Ni phạm tội.
Trường hợp có một ông Sa-di đến chùa Ni phá phách, vị Ni lớn có thể kêu ông Sa-di tới khuyên răn; khuyên không được, Ni cũng có quyền kiết-ma không lễ bái, không cọng ngữ, không cúng dường đối với 2 vị Hòa thượng và giáo thọ của ông Sa-di đó, vì Sa-di chưa đủ 18 tuổi nên hai vị Hòa thượng thọ giới cho vị Sa-di đó phải chịu trách nhiệm.
III. SỰ.
Là sự việc. Tức
nói rõ sự việc đem ra kiết-ma. Đem kiết-ma về việc gì? Sự việc đem ra biểu
quyết cần bao nhiêu người để sắp đặt kiết-ma. Sự việc ấy cần bạch nhị hay bạch
tứ? Sự vụ thì có 101 kiết-ma. Đó là nêu đại khái, thật ra còn có nhiều hơn nữa,
nhưng tóm lại không ngoài hai loại: một là thành thiện kiết-ma; hai là trừ ác
kiết-ma.
– Thành thiện
kiết-ma: Loại kiết-ma để hoàn thành công việc tốt đẹp, như công việc tiến tu
đạo hạnh là công việc thiện. Ví dụ, như kiết-ma thọ giới, thuyết giới, An cư,
Tự tứ... là thành thiện. Những kiết-ma như vậy là thành thiện kiết-ma.
– Trừ ác kiết-ma:
Ngược lại kiết-ma trừ ác là loại kiết-ma trị tội. Ví dụ, kiết-ma trị tội
Đột-kiết-la, Ba-dật-đề, Đề-xá-ni, Thâu-lan-giá, Tăng tàn, Ba-la-di, gọi là trừ
ác. Kiết-ma trừ ác trong Luật nêu ra có 7 cách trị tội:
1. Ha-trách
kiết-ma; 2. Tẩn xuất kiết-ma; 3. Y chỉ kiết-ma; 4. Giá bất chí bạch y gia
kiết-ma; 5. Bất kiến cử kiết-ma; 6. Bất sám cử kiết-ma; 7. Ác kiến bất xả cử
kiết-ma.
1. Ha-trách
kiết-ma: Nguyên do, trong Luật có kể như sau: Có hai vị Tỳ-kheo, một tên Trí
tuệ, một tên Lôi-ê-na, chuyên tìm tòi chuyện hay dở của nhau để cãi cọ đấu đá
nhau. Việc cãi vã bằng binh khí miệng lưỡi này không còn là chuyện cãi vã giữa
hai người mà nó lây lan ra những người khác, khiến cho việc trong chúng chưa
có, bây giờ nó xảy ra, trước có ít bây giờ nó tiếp tục lớn ra. Theo trong văn
ta thấy có nói: Hãy tác ha kiết-ma Ha-trách bạch tứ đối với hai ông Tỳ-kheo đó.
Nhưng muốn cử tội thì phải tuần tự: kiết-ma cử tội (nêu tội ra). Sau khi nêu
tội ra, hỏi thầy có nhớ tội khẩu như đao kiếm không? (tác ức niệm). Khi tác ức
niệm, hỏi thầy có nhận tội đó không? (tự ngôn). Nếu thầy không nhận thì chúng
Tăng sẽ cử tội thầy (thầy có tội ấy). Khi cử tội thì phải tập Tăng, bạch tứ
kiết-ma. Thí đụ: Đại đức Tăng lắng nghe: nay có 2 thầy Tỳ-kheo này đã cùng nhau
tìm tòi lỗi hay dở của nhau, dẫn đến cãi cọ nhau, miệng tuôn ra lời như đao
kiếm chém nhau, nên hôm nay Tăng vì hai thầy Tỳ-kheo này tác Ha trách kiết-ma.
Nếu về sau vẫn chứng nào tật nấy thì sẽ gia Tăng thêm tội nữa. Bạch như thị
(kính trình
như vậy) xong rồi
mới ba lần kiết ma Ha-trách. Người bị tội Ha-trách trong thời gian chưa giải
tội chưa sám hối thì không được làm thầy y chỉ cho người, không được thuyết
giới, không được thọ đại giới cho người. Tăng có sai đi giáo thọ cho Ni cũng
không được nhận. Ở giữa chúng Tăng có hỏi giáo lý cũng không được phép đáp,
Tăng sai làm cũng không được làm. Tăng có thảo luận, bình nghị về giáo điển
cũng không được dự vào. Nếu sau đó biết ăn năn sám hối: Nay tôi xin từ bỏ,
không dám miệng xuất ra lời như dao kiếm nữa, xin Tăng giải tội cho. Muốn giải
tội cũng phải tập Tăng kiết-ma bạch tứ giải tội cho thầy. Trường hợp thầy cứ
phạm mãi thì cử tội tẩn xuất, không cho ở trú xứ cũ .
2. Tẩn xuất
kiết-ma: Đây là phạm Tăng tàn ô-tha-gia hành ác hạnh (trong Tăng tàn có tội
ô tha gia hành ác hạnh, Tăng tàn thứ 12). Đó là trường hợp của 2 thầy Tỳ-kheo
A-tháp-bà và Phú-na-bà ở tại Kỳ-liên. Họ ăn rồi chuyên trồng cây hoa lá đem
tặng cho cư sĩ, cùng người nữ ngồi chung thân mật nói chuyện, đờn ca xướng hát,
múa may quay cuồng, đi đứng thiếu oai nghi, nhìn qua liếc lại, chân trước chân
sau xoay qua đá lại. Việc làm như vậy ai thấy cũng chê bai (ô tha gia hành ác
hạnh cu hữu kiến văn là câu chuyện trong Luật có nói, là chuyện sờ sờ trước
mắt, ai cũng thấy, ai cũng nghe hết), nhưng cũng có một số người hoan nghênh
hùa theo.
Thời gian đó cũng
có một số Tỳ-kheo ở nơi xứ Gia-thi-di-đế du hành nhân gian khất thực, ai nấy
nghiêm trang, mắt cứ nhìn thẳng mà bước, không nhìn qua ngó lại, không cười
giỡn. Các cư sĩ trong vùng đó bàn tán: Mấy vị này ở đâu tới mà nghiêm trang,
coi bộ khó thân cận quá, không như hai thầy Tỳ-kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà vui
vẻ, nói cười tươi tắn. Họ bèn bảo nhau: Thôi, chúng ta không cúng cho mấy ông
mới này nữa, mà chỉ riêng cúng cho A-thấp-bà và Phú-na-bà mà thôi. Đức Phật
nghe chuyện lạ quá, sai đi hỏi, mới biết cơ sự như vậy, bèn bảo Tôn giả
Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đem Tăng chúng qua Kỳ-liên bạch tứ kiết-ma để tẩn
xuất hai thầy Tỳ-kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà ra khỏi trú xứ đó. Khi bị tẩn
xuất, hai thầy còn nói lại với dân chúng đó rằng: “Tôi nói cho các vị biết, ông
Xá-lợi-phất cùng ông Mục-kiền-liên, ông thì thuyết pháp hay, ông thì thần thông
giỏi, các vị nên coi chừng kẻo bị mấy ông dụ dỗ mê hoặc đó. Các ông đó dễ sợ
lắm. Tụi tui đi thì đi, ở nhà các vị phải canh chừng, đừng theo mấy ổng”.
3. Y chỉ kiết-ma:
Trường hợp Thầy Tỳ-kheo tên Sô vô trí mà phạm tội. Thầy xen lộn với bạch y, ở
chung ở chạ với họ, gần gũi với họ, không thuận theo Phật pháp. Phật nghe vậy
khiến các Tỳ-kheo khác kêu thầy về, sai bạch tứ kiết-ma bắt phải y chỉ. Từ nay
thầy phải y chỉ trú, tức là phải tìm một vị Tỳ-kheo đa văn, giới đức để dựa vào
mà học Luật, học pháp, để mà tu hành.
4. Giá bất chí
bạch y gia kiết-ma: (Nhà của người bạch y tức là cư sĩ). Tức kiết-ma ngăn
không cho họ đến nhà của người bạch y. Nguyên do là vì ở trong Mật lâm có thầy
Tỳ-kheo tên Thiện Pháp, thầy ở trong đó tu và được ông cư sĩ Chất Đa hay đến
cúng dường. Thời gian sau có Tôn giả Mục-kiền-liên và Xá lợi phất đến Mật lâm
thuyết pháp, ông cư sĩ nghe pháp thích thú, hoan hỉ quá và mời hai vị về thọ trai
cúng dường. Thế là thầy Thiện Pháp đi qua nhà dòm ngó, thấy thức ăn cúng cho
mình khác với cúng 2 Tôn giả, liền sinh lòng ganh tức nói: Té ra ông cúng mình
như vậy mà lại cúng dường cho 2 vị hơn mình như thế, bèn châm chọc nhà cư sĩ
rằng: Thức ăn gì cũng ngon hết, cũng tốt hết, nhưng thiếu dầu ép gia vị (hồ
ma-tể) nên cũng hóa ra cúng đồ ăn tồi”. Thầy vừa nói vừa chắp tay sau lưng đi
qua đi lại. Ông cư sĩ nghe vậy cũng nói lại: Thầy này lạ chưa, nghe thầy tu
hành giữ giới hạnh, tu thiền định, theo chánh pháp sao thầy nói gì mà hà tiện
vậy, chẳng khác gì một nước không có gà, rồi một người đem một con gà mái tới
cho rập với con quạ đen sinh ra gà nhưng mà nửa gà nửa quạ kêu Ô kê (gà quạ).
Phật nghe chuyện đó, sai người gọi về, họp chúng lại, kiết-ma cử tội Giá bất
chí bạch y
gia. Thường thường
đi khất thực thì thứ đệ khất thực, không phân biệt, bình đẳng khất thực, ai cho
gì lấy nấy, trừ các đồ sống và đồ hạt sống, từ nhà này đến nhà khác, không cho
thì đi, chứ không phải người ta mới bước ra cửa đem đồ cho lại xông vào nhà
liền. Trong Luật nói: Đó là tác bất ưng tác– nghĩa là làm việc không nên làm.
Phép khất thực thì đến trước nhà người im lặng, có cho thì lấy, không cho thì
đi qua nhà khác, không phân biệt gì cả. Nhưng đối với trường hợp thầy Thiện
Pháp và cư sĩ Chất-đa thì sao? Phải làm phép kiết-ma, không cho thầy tới nhà cư
sĩ này nữa, và cũng phải kiết-ma cử người đến nhà cư sĩ Chất-đa xin lỗi.
Người cử đi phải
đủ 8 pháp: 1 . Đa văn, có trí 2. Khéo nói (thiện thuyết). 3. Tự mình biết mình,
tức tự thân đã giải được tội rồi; 4. Biết ý người khác, 5. Biết nghe lời người
khác nói: 6. Người đó có thể nhớ sự việc; 7. Không có tì vết, khuyết điểm gì;
8. Hiểu rõ được trong câu nói lành hay dữ.
Xét trong chúng,
chỉ có Tôn giả A-nan là đủ 8 điều đó nên cử đi. Tôn giả A-nan dắt thầy Thiện
Pháp đi theo, nhưng bắt đứng ngoài chỗ xa xa, Tôn giả A-nan vào nhà cư sĩ
Chất-đa nói rằng: Thưa ông cư sĩ, ông là người trọng Phật, trọng Pháp, kỉnh
Tăng, mà có lời lẽ thô lỗ như vậy, thiết tưởng cũng nên sám hối, vì đã xúc phạm
đến Tam Bảo. Nếu ông cư sĩ nhận lỗi và xin sám hối thì thôi, nhược bằng không
chịu sám hối, thì phải ra dắt thầy Tỳ-kheo phạm tội tới. Ông cư sĩ đứng ở chỗ
mắt thấy nhưng tai không nghe, bảo vị ấy sám hối, nhưng phải cốt để ông cư sĩ
Chất-đa thấy bóng dáng, xong rồi trở về nhà cư sĩ nói: Này ông cư sĩ, thầy
Tỳ-kheo ấy đã xin sám hối rồi. Ông cư sĩ chấp nhận thì tốt, còn không thì bắt
thầy đến ngay ông cư sĩ Chất-đa mà sám hối (rất công phu).
Có 10 sự việc bị
Tăng kiết-ma cấm Tăng đến nhà cư sĩ. 10 sự ấy là gì?
1. Dùng lời nói
thô tục mắng chửi cư sĩ.
2. Dùng các
phương tiẹn làm cho kẻ bạch y tổn giảm.
3. Làm việc
khóng có lợi ích (bất nhiêu ích sự)
4. Làm cho
cư sĩ mất nơi cư trú .
5. Làm náo
loạn nơi sinh hoạt của cư sĩ.
6. Đối trước
nhà bạch y mà hủy báng Phật.
7. Đối trước
nhà bạch y mà hủy báng Pháp.
8. Đối trước
nhà bạch y mà hủy báng Tăng.
9. Đối trước
bạch y nói những lời hạ tiện, mất tư cách.
10. Thất
hứa, thất tín với cư sĩ, làm họ mất tin tưởng.
5. Bất kiến cử
kiết-ma: Thầy Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, chúng Tăng hỏi thầy có thấy tội
không? Thầy cứ một bề nói không thấy. Tăng bạch tứ kiết-ma cử tội “không thấy”
của thầy. Người đã bị Tăng kiết-ma. Loại này thì không được thọ đại giới cho
người, không được độ người, không làm y chỉ cho người, không được thuyết giới.
6. Bất sám cử
kiết-ma: Thầy Tỳ-kheo Xiển-đà phạm tội, chúng Tăng nói thầy phạm tội thì
nên sám hối. Thầy nói không sám. Chúng Tăng cử tội “bất sám” (bất sám tội cử).
7. Ác kiến bất
xả cử kiết-ma: (Có ác kiến mà khuyên không chịu bỏ). Có thầy Tỳ-kheo
Lôi-trà nói: Theo chỗ tôi hiểu, dâm dục không phải là pháp chướng đạo. Các
Tỳ-kheo khác khuyên thầy không nên nói như vậy. Như Lai không dạy như vậy,
nhưng thầy khư khư không bỏ. Phật nghe và gọi thầy tới quở trách, tập chúng
kiết-ma cử tội “có ác kiến mà không chịu bỏ” (ác kiến bất tội cử).
Tóm lại, mục
đích của kiết-ma là thành thiện và ngăn ngừa điều ác (trừ ác).
Kiết-ma để
làm gì? Có 3 loại:
a. Vị nhân tác
kiết-ma: Đó là pháp kiết-ma nhân nơi người. Vì người mà thiết lập nên gọi là vị
nhân tác. Ví dụ, kiết-ma thọ giới, kiết ma sám hối, kiết-ma trị tẩn. Loại này
có thể phân làm hai loại:
– Vị nhân tác tư
sự: Chỉ có lợi cho cá nhân chứ không phục vụ việc công. Ví dụ, kiết ma thọ
giới. Ai thọ giới thì người đó có lợi, ai sám hối thì người đó được nhờ.
– Vị nhân tác công
sự: Lợi ích được phổ cập cho nhiều người. Ví dụ, kiết-ma thuyết giới, Tự tứ.
Trong đó ai cũng được lợi ích, chứ không riêng gì cho ai.
b. Vị pháp tác
kiết-ma: Vì một pháp sự mà tác pháp kiết-ma. Ví như thuyết giới, Tự tứ, kiết
tập King tạng... nhờ việc này mà có lợi ích đến mọi người.
c. Vị sự tác kiết
ma: Vì một sự việc nào đó mà tác pháp kiết-ma. Ví như, kiết tịnh địa, tịnh khố
(để chứa đồ dùng), tịnh trù (để đồ ăn thức uống)...
Ngoài ra còn có
loại kiết-ma vị nhân, vị pháp và vị sự, như thọ công đức, thuộc vị pháp và vị
sự kiết-ma. Kiết giới đồng thuyết giới đồng lợi dưỡng là pháp kiết-ma vị pháp,
vị sự và vị nhân. Vì cả hai bên cùng hòa hợp với nhau.
IV. XỨ.
Xứ kiết-ma là nói
về xứ kiết giới. Việc kiết giới phải có phép tắc. Ví dụ kiết-ma ở đâu, phải có
chỗ đàng hoàng chứ không phải bạ đâu làm đó. Chỗ đàng hoàng là chỗ kiết giới.
Giới có hai loại: tự nhiên giới và tác pháp giới.
Tự nhiên giới là chỗ
tự nhiên mà thành nơi cư trú của Tăng, chứ không phải do kiết ma qui định, như
chùa, viện, a-lan-nhã, thôn xóm. Thủy giới cũng là tự nhiên giới, nhưng không
phải chỗ trú xứ của Tăng.
Tác pháp giới cũng
gọi là nhiếp Tăng giới. Tức là giới hạn cho Tăng sinh hoạt mọi việc pháp sự
trong đó. Lớn thì có đại giới, giới trường; nhỏ thì có tịnh trù, tịnh khố và
tiểu giới để dùng trong khi đi đường không thể đến trong giới trường để thuyết
giới, Tự tứ. Giới này do tập Tăng kiết-ma mà thành, cho nên gọi là tác pháp
giới.