Quyển 24, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh - Phần 3

11/05/20212:40 CH(Xem: 1232)
Quyển 24, Phẩm 6 Phân Biệt Hiền Thánh - Phần 3
LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU-XÁ
Nguyên tác Phạn ngữ Abhidharmakośa của Thế Thân
Bản dịch Hán A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận của Huyền Trang
Việt dịch: Đạo Sinh

QUYỂN 24
Phẩm 6: PHÂN BIỆT HIỀN THÁNH (PHẦN 3)

Đã nói về trường hợp Thánh giả trụ ở quả nhưng chưa đoạn trừ các hoặc thuộc tu đạo nên có tên là Dự lưu và có nhiều nhất là bảy lần sinh. Tiếp theo là phần nói về Thánh giả vào giai đoạn đoạn trừ các hoặc để lập thành Nhất lai hướng và quả Nhất lai.

Tụng nói : (Âm Hán)
Đoạn dục tam tứ phẩm
Tam nhị sinh gia gia
Đoạn chí ngũ nhị hướng
Đoạn lục nhất lai quả.

Dịch nghĩa :
Đoạn, dục ba bốn phẩm
Ba, hai đời, gia gia
Đoạn đến năm, hai hướng
Đoạn sáu được Nhất lai.

[Đoạn ba hoặc bốn phẩm thuộc Dục giới, có hai hoặc ba lần sinh được gọi là Gia gia. Đoạn đến phẩm thứ năm gọi là hướng về quả thứ hai. Đoạn được phẩm thứ sáu tức thành quả Nhất lai].

Luận: Hàng Dự lưu trở thành Gia gia khi: (1) Đoạn được phiền não, tức nhờ đoạn trừ ba hoặc bốn nhóm (phẩm) phiền não của cõi Dục, (2) Thành tựu căn, tức nhờ được các căn vô lậu có khả năng đối trị các hoặc, (3) Thọ sinh, tức chỉ còn hai hoặc ba lần sinh. Tụng văn chỉ nói đến hai duyên đầu và cuối vì nếu nói sau khi đắc quả Dự lưu mà đoạn trừ được các hoặc tức cũng có nghĩa đồng thời thành tựu các căn vô lậu có khả năng đối trị các loại “hoặc” này vì thế không cần phải nói đến duyên còn lại. Tuy nhiên về số lần sinh phải nói rõ là hai hoặc ba vì sau khi đắc quả Dự lưu, Thánh giả có thể có các tính chất của hàng Nhất lai, Bất hoàn hoặc A-la-hán và số lần sinh có thể thay đổi, hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn.
(Hỏi) Tại sao hàng Dự lưu đoạn nhóm phiền não thứ năm không được gọi là Gia gia?
(Đáp) Vì khi đã đoạn nhóm thứ năm thì nhóm thứ sáu cũng đoạn được và lúc đó Thánh giả đã trở thành Nhất lai. Chỉ một nhóm các phiền não của cõi Dục thì không thể cản trở việc đắc quả, cũng giống như trường hợp của Nhất gián: Khi đạt được một quả mới thì chưa thể chuyển sang một giới khác.
Nên biết Gia gia có hai loại: (1) Thiên gia gia là các Thánh giả sau khi đã chuyển sinh vào hai hoặc ba nhà ở cõi thiên sẽ chứng được Niết-bàn ở ngay cõi trời đó hoặc ở cõi trời khác, (2) Nhân gia gia là các Thánh giả sau khi đã chuyển sinh vào hai hoặc ba nhà ở cõi người sẽ chứng được Niết-bàn ở châu này hoặc ở một châu khác.
Các Thánh giả thuộc hàng Dự lưu này nếu đoạn được từ một đến năm nhóm phiền não thì được gọi là “hướng đến quả thứ hai” (Nhất lai quả hướng), nếu đoạn được nhóm phiền não thứ sáu tức thành tựu quả Nhất lai. Thánh giả thuộc hàng Nhất lai sau khi lên cõi trời chỉ còn sinh trở lại một lầncõi người mà chứng Niết- bàn, tức từ đây trở về sau không còn sinh trở lại cho nên gọi là Nhất lai. Kinh nói Thánh giả trở thành Nhất lai “nhờ trừ được tham, sân và si” vì chỉ còn lại ba nhóm thuộc hạ phẩm của các phiền não này.
Trên đây đã nói về sự khác biệt giữa Nhất lai hướng và quả Nhất lai. Tiếp theo là phần lập thành hướng Bất hoàn và quả Bất hoàn.

Tụng nói : (Âm Hán)
Đoạn thất hoặc bát phẩm
Nhất sanh danh nhất gián
Thử tức đệ tam hướng
Đoạn cửu. Bất hoàn quả.

Dịch nghĩa :
Đoạn bảy hoặc tám phẩm
Một lần sinh, Nhất gián
Đây tức đệ tam hướng
Đoạn chín, quả Bất hoàn.

[Đoạn bảy hoặc tám phẩm chỉ có một lần sinh được gọi là Nhất gián. Còn gọi là hướng đến quả thứ ba. Đoạn được phẩm thứ chín tức thành quả Bất hoàn].

Luận: Hàng Nhất lai trở thành Nhất gián vì: (1) Đoạn trừ bảy hoặc tám nhóm phiền não, (2) Thành tựu các căn vô lậu có khả năng đối trị các phiền não này, (3) Vì chỉ còn một lần tái sinh.
(Hỏi) Tại sao chỉ còn một nhóm phiền não, tức nhóm thứ chín, mà lại có thể chướng ngại việc chứng đắc quả Bất hoàn?
(Đáp) Vì muốn được quả này thì phải chuyển sang một giới khác (Sắc giới). Trước đây có nói tam thời nghiệp là loại chướng ngại mạnh nhất (vì chúng cản trở sự đắc nhẫn, phẩm tánh Bất hoàn và phẩm tánh A-la-hán). Ở đây phiền não cũng giống như nghiệp. Cả hai đều ngăn cản sự vượt qua các địa thuộc quả dị thục, tức chỉ cho nghiệp, và quả đẳng lưu, tức chỉ cho phiền não.
“Gián” có nghĩa là gián đoạn, cách trở. Thánh giả Nhất lai bị gián đoạn với Niết-bàn vì một lần sinh và bị gián đoạn với quả Bất hoàn do một nhóm phiền não do tu đoạn của cõi Dục cho nên gọi là Nhất gián. Sau khi đoạn trừ được bảy hoặc tám nhóm, hàng Thánh giả được gọi là “hướng đến quả thứ ba” (Bất hoàn quả hướng).
Các Thánh giả trước đó nhờ nương vào Kiến đế mà đoạn được ba, bốn, bảy hoặc tám nhóm phiền não (của Dục giới) và sau đó được quả Dự lưu hoặc Nhất lai nhưng vẫn không được gọi là Gia gia hoặc Nhất gián nếu chưa tu tập loại Thánh đạo cao hơn quả (thắng quả đạo) và chưa thành tựu các căn vô lậu có khả năng đối trị các loại phiền não này.
Nếu đoạn được nhóm phiền não thứ chín (hạ hạ phẩm) của Dục giới tức trở thành Bất hoàn vì sẽ không còn tái sinh vào Dục giới. Các phiền não thuộc nhóm thứ chín được gọi là năm kết sử thuộc hạ phần. Tuy trước đó có đoạn hai hoặc ba kết sử nhưng phải đến giai đoạn này mới có thể đoạn trừ tất cả.
Khế kinh đều nói đến các trường hợp khác nhau của Thánh giả hàng Bất hoàn vì thế ở đây xin trình bày thêm về các tính chất khác nhau này.

Tụng nói: (Âm Hán)
Thử trung sinh hữu hành
Vô hành bát Niết-bàn
Thượng lưu nhược tạp tu
Năng vãng sắc cứu kính
Siêu bán siêu biến một
Dư năng vãng hữu đảnh
Hành vô sắc hữu tứ
Trụ thử bát Niết-bàn.

Dịch nghĩa :
Trung, sinh, hữu hành này
Vô hành nhập Niết-bàn
Thượng lưu nếu tu tạp
Sinh trời Sắc cứu cánh
Siêu Bán siêu Biến một
Điều khác sinh Hữu Đảnh
Hành Vô sắc có bốn
Trụ đây, nhập Niết-bàn.

[Trong đó có Trung, Sinh, Hữu hành. Vô hành bát Niết-bàn và Thượng lưu. Nếu Thượng lưu tạp tu tĩnh lự có thể lên đến Sắc cứu cánh thiên. Trường hợp này có ba loại: Toàn siêu, Bán siêu và Biến một. Những trường hợp còn lại chỉ lên đến Hữu đảnh. Thánh giả Bất hoàn thuộc Hành Vô sắc giới có bốn loại. Thánh giả Bất hoàn chứng đắc Niết-bàn ngay tại cõi này].

Luận: Trung bát Niết-bàn có nghĩa là chứng đắc Niết-bàn ở trung gian, tức ở giai đoạn của trung hữu. Các tên gọi khác cũng được giải thích như vậy. Sinh bát Niết-bàn là sau khi sinh. Hữu hành bát Niết-bàn là nhờ có gia hạnh. Vô hành bát Niết-bàn là không nhờ gia hạnhchứng đắc Niết-bàn.
Có năm loại Bất hoàn: Trung bát Niết-bàn, Sinh bát Niết-bàn, Hữu hành bát Niết-bàn, Vô hành bát Niết-bàn, và Thượng lưu.
Loại thứ nhất được Niết-bàn trong giai đoạn của trung hữu khi đang trụ ở Sắc giới.
Loại thứ hai được Niết-bàn ngay khi tái sinh và rất nhanh chóng vì Thánh giả đã có đủ năng lực, vì Thánh đạo thuộc loại tấn tốc và có tu chứng. Đây là loại Niết-bàn “hữu dư y”. Có luận sư cho không phải hữu dư y mà là vô dư y, giống như Thánh giả Bất hoàn thuộc loại thứ nhất, có nghĩa là sau khi đạt được phẩm tánh A-la-hán, hàng Thánh giả này được Niết-bàn mà không xả bỏ thọ mạng. Điều này không đúng vì các Thánh giả Bất hoàn thuộc loại thứ hai này chưa có được sự tự tại đối với việc xả bỏ thọ mạng.
Loại thứ ba được Niết-bàn sau khi sinh, ở cõi Sắc không xả bỏ gia hạnh, vì Thánh giả không có năng lực, Thánh đạo không thuộc loại tấn tốc nên phải có sự nỗ lực.
Loại thứ tư được Niết-bàn mà không có sự nỗ lựcThánh giả có đủ năng lực, và Thánh đạo thuộc loại tấn tốc. Trên đây là giải thích của Tỳ-bà-sa về hai hàng Thánh giả này.
Có thuyết cho rằng sự khác nhau giữa Hữu hành và Vô hành là Hữu hành được Niết-bàn nhờ vào loại Thánh đạo có đối tượng duyên là các pháp hữu vi như khổ đế, tập đếđạo đế, trong lúc Vô hành lại nương vào loại Thánh đạo duyên các pháp vô vi như diệt đế. Thuyết này phi lý vì mắc lỗi thái quá: nếu nói như thế thì sự khác biệt này cũng có thể tìm thấy trong hai loại đầu tiên của hàng Bất hoàn.
Theo Khế kinh, Vô hành bát Niết-bàn được nói đến trước Hữu hành bát Niết-bàn và đây là thứ tự rất hợp lý. Vì trường hợp đầu là Thánh đạo vô hành, được không do dụng công cho nên sự chứng đắc thuộc loại tấn tốc, trong khi trường hợp sau là Thánh đạo hữu hành, tất cả đều nhờ vào sự dụng công cho nên không thể nhanh chóng chứng đắc Niết-bàn. Trong trường hợp của Sinh bát Niết-bàn, Thánh đạo còn tấn tốc hơn và thù thắng hơn trong khi các phiền não lại yếu ớt hơn.
Loại thứ năm là các Thánh giả có sự “lưu chuyển”, có nghĩa là có sự di chuyển, lên cõi cao hơn. Thánh giả này không đắc Niết-bàn ở nơi đã tái sinh khi rời khỏi Dục giới mà lại đi lên cõi cao hơn.
Thánh giả hàng thượng lưu được chia làm hai loại: một loại tạp tu tĩnh lự và vì thế khi lên đến cõi trời Sắc cứu cánh mới chứng đắc Niết-bàn, một loại không tạp tu tĩnh lự và vì thế phải lên đến cõi trời Hữu đảnh.
Các Thánh giả tạp tu tĩnh lựchứng đắc Niết-bàn khi lên đến cõi trời Sắc cứu cánh lại được chia làm ba loại là Toàn siêu, Bán siêu và Biến một.
Thượng lưu toàn siêu là khi ở Dục giới đã tạp tu cả bốn loại tĩnh lự, sau đó bị thoái thất ba loại ở trên mà chỉ còn sơ tĩnh lự. Đến khi mạng chung sinh lên cõi Phạm chúng thiên, nhờ vào thế lực từng tu tập tĩnh lự trước đây mà đã tạp tu tĩnh lự thứ tư trở lại. Đến khi mất ở cõi Phạm chúng thiên lại sinh thẳng lên cõi trời Sắc cứu cánh, tức đã không “rơi xuống” cõi nào trong tất cả mười bốn cõi trời ở giữa cõi trời đầu tiên của Sắc giớicõi trời cuối cùng cho nên được gọi là Toàn siêu.
Thượng lưu bán siêu là khi mất ở cõi Phạm chúng thiên đã sinh lên cõi Tịnh cư thiên, sau đó lại vượt qua một cõi ở trung gian để sinh vào Sắc cứu cánh thiên. Vì không hoàn toàn vượt qua tất cả các cõi ở trung gian cho nên chỉ gọi là Bán siêu.
Không bao giờ có trường hợp Thánh giả tái sinh vào Đại phạm thiên vì đây là cõi của tà kiến: Chúng thiên ở cõi này xem Đại phạm như là người tạo ra thế gian và là vị đạo sư độc nhất ở cõi này trong lúc đã là Thánh giả Bất hoàn thì không thể thấp hơn Đại phạm.
Thượng lưu biến một là khi mất ở cõi Phạm chúng thiên đã lần lượt thọ sinh ở tất cả các cõi trời tiếp theo, ngoại trừ Đại phạm thiêncho đến cõi trời cuối cùngSắc cứu cánh thiên. Vì qua tất cả các cõi trời đến có chết đi để thọ sinh vào cõi tiếp theo cho nên gọi là Biến một. Không có Thánh giả Bất hoàn nào thọ sinh lần thứ hai ở cõi đã từng sinh (sinh xứ) vì hàng Thánh giả này chỉ cầu thắng tiến và đây cũng chính là điều làm thành ý nghĩa của Bất hoàn, tức không bao giờ sinh trở lại nơi đã từng sinh, đối với chỗ đang ở còn không muốn sinh trở lại huống là sinh vào các cõi dưới.
Trong hàng Thánh giả Thượng lưu, những vị nào có tạp tu tĩnh lự thì lên đến Sắc cứu cánh thiên mới chứng đắc Niết-bàn. Những vị nào không có tạp tu tĩnh lự thì lên đến Hữu đảnh mới chứng đắc Niết-bàn, tức vì trước đó không có tạp tu tĩnh lự mà chỉ chuyên chú vào định cho nên đã sinh vào tất cả các xứ ở Sắc giới, ngoại trừ các cõi thuộc Tịnh cư thiên. Sau khi mất ở Sắc giới lại lần lượt sinh vào ba cõi thuộc Vô sắc giới cho đến khi lên đến Hữu đảnh mới chứng đắc Niết-bàn. Trong hai trường hợp trên, các vị đầu thuộc về Quán hạnh và các vị sau thuộc Chỉ hạnh vì có sự khác nhau giữa lạc tuệ và lạc định.
Mặc dù các luận sư không nói đến điều này nhưng chúng ta có thể nhận thấy một cách hợp lý hai trường hợp của Thượng lưu ở trên đều có thể chứng đắc Niết-bàn ở các cõi dưới trước khi họ lên đến Sắc cứu cánh thiên hay Hữu đảnh. Vì thế khi nói lên đến cõi cao nhất là Sắc cứu cánh thiên hay Hữu đảnh là hàm ý sẽ không còn một lần sinh nào nữa sau khi đã lên đến các cõi này, chứ không có nghĩa là không có một lần sinh ở các cõi này. Cũng giống như trong trường hợp của hàng Dự lưu, tuy nói nhất định phải sinh trở lại bảy lần nhưng vẫn có trường hợp chưa đến bảy lần.
Năm loại Thánh giả trên đây (tức Trung, Sinh, Hữu hành, Vô hànhThượng lưu) đều thuộc hàng Bất hoàn vì họ đều đi đến Sắc giới (hành Sắc giới).
Có một loại Bất hoàn khác được gọi là Hành Vô sắc giới. Sau khi lìa bỏ Sắc giới, tức sau khi chết ở đó, Thánh giả này tái sinh vào Vô sắc giới. Trường hợp này chỉ bốn loại là Sinh bát Niết-bàn, Hữu hành bát Niết-bàn, Vô hành bát Niết-bàn và Thượng lưu. Ở đây không có Trung bát Niết-bàn vì Vô sắc giới không có trung hữu.
Như vậy có sáu loại Bất hoàn, gồm năm loại kể trên và loại Hành Vô sắc giới, nếu không kể đến các loại khác nhau của loại Hành Vô sắc giới.
Một loại Bất hoàn khác được Niết-bàn ngay ở đây, tức những hàng Thánh giả “được Niết-bàn ngay trong đời này”. Đây là loại Bất hoàn thứ bảy.
Ngoài sự phân loại trên đây, còn có một sự phân loại khác đối với năm trường hợp của Bất hoàn thuộc Hành sắc giới.

Tụng nói: (Âm Hán)
Hành sắc giới hữu cửu
Vị tam các phần tam
Nghiệp hoặc căn hữu thù
Cố thành tam cửu biệt.

Dịch nghĩa:
Hành Sắc giới có chín
Mỗi trường hợp có ba
Nghiệp “hoặc”, căn khác nhau
Nên lập thành chín loại.

[Hành Sắc giới có chín loại. Tức mỗi ba trường hợp đều có ba loại. Vì nghiệp, hoặc và căn khác nhau nên lập thành chín loại ].

Luận: Ba loại Bất hoàn, mỗi loại được chia thành ba nhóm, tạo thành chín loại Bất hoàn vì tất cả đều đi đến Sắc giới.
(Hỏi) Ba loại này là gì?
(Đáp) Đó là Trung bát Niết-bàn, Sinh bát Niết-bàn và Thượng lưu.
(Hỏi) Tại sao lại chia thành ba nhóm?
(Đáp) (1) Theo sự so sánh của kinh thì có ba loại Trung bát Niết-bàn được Niết-bàn là loại nhanh, loại không nhanh, loại sau một thời gian, (2) Về Sinh bát Niết-bàn thì cần phân biệt loại Căn bản sinh bát Niết-bàn, Hữu hành bát Niết-bàn, Vô hành bát Niết-bàn: tất cả ba loại này vì được Niết-bàn sau khi sinh nên đều thuộc Sinh bát Niết-bàn, (3) Về Thượng lưu thì phải phân biệt ba loại Toàn siêu, Bán siêu và Biến một.
Hoặc có thể nói mỗi trong ba loại Bất hoàn này được chia làm ba nhóm là tùy theo họ được Niết-bàn nhanh, không nhanh hay phải sau một thời gian.
Sự khác nhau giữa ba loại Bất hoàn hoặc chín nhóm Bất hoàn ở trên là do sự khác nhau của nghiệp, căn và các phiền não.
-Ba nhóm Bất hoàn khác nhau là vì: (a) các nghiệp tích tập có thể chiêu cảmtrung hữu, ở đời sống ngay sau đó, hoặc ở một đời về sau, (b) các phiền não hiện hành thuộc loại yếu, trung bình và mạnh khác nhau, (c) các căn thuộc loại mạnh, trung bình và yếu khác nhau.
-Mỗi một trong ba loại Bất hoàn lại thuộc về ba nhóm khác nhau vì (a) có các phiền não thuộc các loại đã nói đến ở trên (hạ hạ, hạ trung, hạ thượng đối với ba nhóm trung bát Niết-bàn v.v…), (b) có nghiệp giống như trường hợp của ba loại Thượng lưu, tức cùng một loại nghiệp chiêu cảm quả ở các đời về sau (thuận hậu thọ nghiệp) nhưng khác nhau ở các hạng Toàn siêu, Bán siêu và Biến một, (c) các căn thuộc loại mạnh, trung bình và yếu.
Như vậy có chín nhóm Bất hoàn là do sự khác nhau về nghiệp, phiền não và các căn.
(Hỏi) Tuy nhiên trong các kinh, tại sao Phật chỉ nói đến bảy trường hợp quyết định sinh làm Thiện sỹ?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Lập thất thiện sĩ thú
Do thượng lưu vô biệt
Thiện ác hành bất hành
Hữu vãng vô hoàn cố.

Dịch nghĩa:
Lập bảy Thiện sỹ thú
Do Thượng lưu không khác
Hành thiện không làm ác
Đi lên không trở lại.

[Lập bảy nẻo Thiện sĩ vì Thượng lưu chỉ có một loại. Lại căn cứ hành thiện, không hành ác. Và có đi lên mà không trở lại].

Luận: Thượng lưuThánh giảtính chất “lưu chuyển” đến chỗ cao.
Kinh không phân thành các nhóm Toàn siêu, Bán siêu và Biến một mà chỉ nói đến bảy nẻo của thiện sỹ là ba loại Trung bát Niết-bàn, ba loại Sinh bát Niết-bàn cộng thành sáu nẻo và thêm nẻo thứ bảy là Thượng lưu.
(Hỏi) Tại sao chỉ có bảy nẻo trên? Tại sao không xét đến các nẻo khác của hàng Hữu học như Dự lưu và Nhất lai?
(Đáp) Những ai thành tựu bảy nẻo này chỉ hành thiện mà không hành ác, và khi đã đến được các nẻo này thì họ sẽ không quay trở lại. Các Thánh giả Hữu học khác không có đủ ba tính chất trên nên đã không căn cứ vào đó để lập thành bảy nẻo Thiện sỹ.
Chỉ có bảy nẻo này thuộc về nẻo Thiện sỹ.
Thật ra, kinh có nói: “Thiện sỹ là gì? Là người thành tựu chánh kiến của các bậc Hữu học v.v…” Nhưng sở dĩ kinh nói như vậy là vì nếu phân tích theo một bình diện khác thì hàng Dự lưuNhất lai cũng là thiện sỹ: (1) Họ cũng được loại luật nghi có khả năng làm cho Thánh giả rốt ráo không phạm năm điều ác [sát, đạo, dâm, vọng, tửu], (2) Đã đoạn được phần lớn các phiền não bất thiện thuộc Dục giới. Tuy nhiên ở đây kinh Thất Thiện sỹ thú chỉ nói đến các Thánh giả đã hoàn toàn là bậc thiện sỹ.
(Hỏi) Trong trường hợp các Thánh giả đã từng đắc các quả Dự lưuNhất lai trong lần sinh đầu tiên và sẽ đắc quả Bất hoàn trong lần sinh tiếp theo trong trường hợp này họ được gọi là Kinh sinh Bất hoàn Thánh giả thì các Thánh giả này có thuộc về năm loại Trung bát Niết-bàn, Sinh bát Niết-bàn v.v… không?

Tụng đáp: (Âm Hán):
Kinh Dục giới sinh Thánh
Bất vãng dư giới sinh
Thử cập vãng thượng sinh
luyện căn tinh thoái.

Dịch nghĩa:
Sinh cõi Dục đắc Thánh
Không sinh ở cõi khác
Thánh giả sinh cõi trên
Không luyện căn thoái thất.

[Thánh giả đắc quả khi sinh ở cõi Dục không thể sinh vào một giới khác. Các Thánh giả này và các Thánh giả sinh lên cõi trên. Không có luyện căn và không thoái thất ].

Luận: Các Thánh giả được Thánh quả trong lần sinh ở Dục giới không thể sinh lên Sắc giới hoặc Vô sắc giới vì sau khi đã đắc quả Bất hoàn tức nhất định chứng đắc Niết-bàn ngay trong lần sinh này. Nếu đắc quả trong lần sinh ở Sắc giới thì có thể sinh lên Vô sắc giới như trong trường hợp lên đến Hữu đảnh của hàng Thượng lưu thuộc Hành Sắc giới.
(Vấn nạn) Nếu vậy tại sao Thiên Đế thích nói: “Ta từng nghe nói đến cõi trời tên là Sắc cứu cánh, sau này khi bị thoái đọa, ta sẽ sinh lên cõi đó”.
(Giải thích của Tỳ-bà-sa): “Thiên đế thích nói như vậy là vì không biết chánh pháp, và Thế tôn sở dĩ không bác bỏ ông ta là vì chỉ muốn khích lệ ông ta mà thôi”.
Các Thánh giả đắc quả Bất hoàn khi sinh ở Dục giới và các Thánh giả sinh vào thượng giới không thể có luyện căn và không bị thoái thất.
(Hỏi) Tại sao không thừa nhận các Thánh giả khi sinh Dục giới và các Thánh giả Thượng sinhluyện căn và có thoái đọa?
(Đáp) Vì vốn không thể có.
(Hỏi) Tại sao không thể có?
(Đáp) Vì trong khi trải qua hai lần sinh, các căn đã đạt đến mức cực kỳ thuần thục và đã đạt được nơi y chỉ rất thù thắng.
(Hỏi) Tại sao các Thánh giả Hữu học chưa xả lìa Dục giới (tức Dự lưuNhất lai) không thể chứng quả Bất hoàn ở giai đoạn của trung hữu?
(Trả lời của Luận chủ) Vì Thánh đạo chưa được thuần thục, chưa thể làm cho Thánh đạo dễ dàng hiện tiền, chưa thành tựu được Thánh đạo, và chưa làm cho các phiền não thật sự yếu kém.
(Trả lời của Tỳ-bà-sa) Vì rất khó xa lìa Dục giới và vì các Thánh giả này còn có nhiều việc phải làm để chứng đắc Niết-bàn: (1) Phải tiếp tục đoạn trừ hai phiền não bất thiện thuộc Dục giới, (2) Đoạn trừ các phiền não vô ký thuộc Sắc giớiVô sắc giới, (3) Phải chứng đắc ba quả Sa-môn trong trường hợp của Dự lưu hoặc hai quả Sa-môn trong trường hợp của Nhất lai, trong khi Thánh giả “lìa dục”, tức Bất hoàn, chỉ còn phải đắc một quả, (4) Phải vượt qua ba cõi. Vì thế các Thánh giả đang ở vào giai đoạn trung hữu đều không thể có các khả năng này.
(Hỏi) Trên đây có nói các Thánh giả Thượng lưu nhờ có tạp tu tĩnh lự nên có thể sinh lên cõi trời Sắc cứu cánh. Như vậy loại tĩnh lự nào được kết hợp hay tạp tu trước tiên?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Tiên tạp tu đệ tứ
Thành do nhất niệm tạp
Vị thụ sanh hiện lạc
Cập già phiền não thoái.

Dịch nghĩa:
Thứ tư tu tĩnh lự
Thành do một niệm trụ
Vì thọ sinh, hiện lạc
phiền não thoái thất.

[Trước tiên tạp tu tĩnh lự thứ tư. Thành tựu là do tạp tu đến một niệm. Tạp tu là vì thọ sinh, hiện lạc và ngăn ngừa thoái thất vì phiền não].

Luận: Muốn tạp tu bốn loại tĩnh lự, trước tiên phải tu tập tĩnh lự thứ tư vì đây là loại đẳng trì có nhiều năng lực nhất, và là Thánh đạo cao nhất trong các Thánh đạo dễ tu tập (lạc hành).
Theo Tỳ-bà-sa: bậc A-la-hán hoặc Bất hoàn khi tạp tu tĩnh lự trước tiên đều nhập tĩnh lự thứ tư với một chuỗi các niệm vô lậu kéo dài liên tục. Sau đó xuất thiền, rồi nhập trở lại bốn thiền với các niệm hữu lậu kéo dài. Sau đó lại xuất thiền và rồi nhập trở lại bốn thiền với các niệm vô lậu kéo dài. Cứ tiếp tục xoay vần như vậy Thánh giả giảm bớt dần số niệm trong mỗi lần thiền định, vô lậu, hữu lậu, vô lậu…cho đến khi nhập thiền chỉ có hai niệm hữu lậutiếp theo là chỉ có hai niệm vô lậu. Đến giai đoạn này gọi là thành tựu viên mãn việc tu định gia hạnh.
Tỳ-bà-sa nói: Từ một niệm vô lậu dẫn khởi một niệm hữu lậu, rồi từ một niệm hữu lậu này lại dẫn khởi một niệm vô lậu hiện tiền. Như vậy với sự kết hợp một niệm hữu lậu ở giữa với hai niệm vô lậu ở trước và sau mà sự tạp tu tĩnh lự được viên mãn. Hai sát-na đầu tương tự như đạo vô gián, sát-na thứ ba tương tự như đạo giải thoát.
Như vậy sau khi đã tu tập tĩnh lự thứ tư, Thánh giả có thể nương vào thế lực có sẵn này để tạp tu ba loại tĩnh lự ở dưới. Trước hết tạp tu ở ba châu của cõi ngườiDục giới, sau đó nếu bị thoái thất vào Sắc giới, Thánh giả vẫn có thể thực hành tạp tu tĩnh lự như trên.
Theo chúng tôi, sự tạp tu một niệm hữu lậu độc nhất kèm theo hai niệm vô lậu không thể có đối với tất cả mọi người, ngoại trừ đức Phật. Vì thế sự tạp tu một tĩnh lự chỉ được thực hiện khi Thánh giả muốn nhập vào ba loại tĩnh lự kéo dài, vô lậu, hữu lậu, rồi vô lậu.
(Hỏi) Thánh giả tạp tu các tĩnh lự để làm gì?
(Đáp) Có ba lý do: 1. Vì việc thọ sinh lên cõi trên, 2. Vì thọ nhận an lạc hiện đời, 3. Vì ngăn chặn phiền não phải thoái thất. Hàng Bất hoàn thuộc loại lợi căn sẽ được an lạc ngay ở đời này và sinh vào Tịnh cư thiên, thuộc loại độn căn sẽ tránh được thoái thất bằng cách xa rời các loại định tương ưng với mùi vị vì họ vốn luôn luôn lo sợ các phiền não. Hàng A-la-hán lợi căn sẽ được an lạc ngay trong đời này, hàng độn căn sẽ tránh bị thoái thất vì họ cũng sợ các phiền não.
(Hỏi) Tạp tu tĩnh lự là để sinh vào các cõi Tịnh cư nhưng tại sao chỉ có năm trường hợp sinh vào các cõi này?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Do tạp tu ngũ phẩm
Sinh hữu ngũ Tịnh cư.

Dịch nghĩa:
Tạp tu có năm phẩm
Sinh vào trời Tịnh cư

[Do tạp tu có năm loại nên chỉ có năm trường hợp được sinh vào Tịnh cư].

Luận: Vì sự thực hành tạp tu tĩnh lự chỉ có năm loại cho nên sinh vào Tịnh cư cũng chỉ có năm trường hợp. Năm loại là yếu (hạ), trung bình, mạnh (thượng), mạnh hơn (thượng thắng), mạnh nhất (thượng cực). Đối với loại thứ nhất chỉ cần có ba tâm là vô lậu, hữu lậu, vô lậu là đã có thể thành tựu, đối với loại thứ hai phải có sáu tâm, loại thứ ba phải có chín tâm, loại thứ tư phải có mười hai tâm, và loại thứ năm phải có mười lăm tâm.
Năm loại tạp tu tĩnh lự theo thứ tự trên đây sẽ chiêu cảm năm trường hợp sinh vào Tịnh cư. Nên biết sự chiêu cảm này là do thế lực của hữu lậu được vô lậu huân tu mà thành.
luận sư cho sự chiêu cảm năm trường hợp sinh vào Tịnh cư là do sự tăng thượng theo thứ tự của năm căn như tín v.v… làm thành.
(Hỏi) Kinh nói Bất hoàn còn gọi là Thân chứng. Như vậy đã dựa vào tính chất thù thắng nào để gọi tên là Thân chứng?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Đắc diệt định Bất hoàn
Chuyển danh vi Thân chứng.

Dịch nghĩa:
Bất hoàn được diệt định
Chuyển tên gọi Thân chứng.

[Thánh giả Bất hoàn nếu được định diệt tận thì đổi tên là Thân chứng ].

Luận: Thánh giả Bất hoàn nào được loại định Diệt tận thọ tưởng thì gọi là “đắc diệt”. Thánh giả Bất hoàn do thân chứng được pháp tương tự như Niết-bàn nên gọi là thân chứng.
(Hỏi) Tại sao Thánh giả Bất hoàn chỉ chứng đắc ở thân?
(Đáp) Vì vô tâm cho nên phải nương vào thân. [Trên đây là giải thích của Tỳ-bà-sa ].
(Giải thích của Kinh bộ) Thánh giả Bất hoàn sau khi ra khỏi định Diệt tận đã nghĩ loại định này tịch tĩnh giống như Niết-bàn. Thánh giả đã chứng được sự tịch tĩnh của một thân do sự đạt được và trí hiện tiền. Có nghĩa là trong thân này đã có một thức sinh khởi: hữu thức thân trước đây chưa từng đắc. Nhờ thế Thánh giả đã nhận biết được trực tiếp sự tịch tĩnh này nhờ vào thân, qua hai hành động nhận biết: hành động thứ nhất là sự đạt được trong khi nhập định một thân phù hợp với diệt, hành động thứ hai là sự nhận biết về trạng thái của thân sau khi đã xuất định, vì người ta gọi “sự nhận biết” này là sự “làm hiện khởi”. Có sự nhận biết khi người ta nhận ra sự tịch tĩnh của một thân đã có lại tri giác, và từ sự nhận ra này cho thấy sự tịch tĩnh này đã đạt được trong khi thân đang ở vào tình trạng không có tri giác.
(Hỏi) Kinh có nói đến mười tám hàng Hữu học nhưng tại sao Thân chứng không được kể đến trong số này?
(Đáp) Vì phẩm tánh của hàng Thân chứng không phải là nhân của Hữu học.
(Hỏi) Nếu vậy nhân của Hữu học là gì?
(Đáp) Đó là tam học vô lậu, tức giới, định, tuệ, chúng tạo thành Thánh đạo và quả của tam học, tức là sự lìa buộc. Chính vì sự khác biệt của tam học và quả của chúng mà người ta đã lập thành các hạng Hữu học. Trong khi đó định diệt tận không phải là tam học vì không phải là con đường đoạn trừ (đoạn đạo) và cũng không phải là quả của tam học vì không phải là sự lìa buộc. Vì thế không thể căn cứ vào sự đạt được định diệt tận của một Thánh giả để kết luận đó là một loại Hữu học.
Trên đây đã nói đến các tính chất dễ thấy của các hàng Thánh giả Bất hoàn khác nhau, bao gồm năm trường hợp thuộc Hành sắc giới, một trường hợp có bốn loại thuộc hành Vô sắc giới và một trường hợp chứng đắc Niết-bàn ngay trong cõi này. Tuy nhiên nếu phân tích thật chi tiết sẽ có vô số các trường hợp khác nhau. Tỷ dụ như trong trường hợp Trung bát Niết-bàn: (1) Nếu phân tích theo căn, sẽ có ba loại là thượng căn, trung cănhạ căn, (2) Nếu phân tích theo địa, sẽ có bốn loại là sơ định, nhị định v.v… tùy theo Thánh giả đang có loại định nào làm chỗ dựa [đây là trường hợp của hàng Bất hoàn thuộc Hành Sắc giới], (3) Nếu phân tích theo chủng tánh, sẽ có sáu loại là thoái pháp chủng tánh, tư pháp chủng tánh, hộ pháp chủng tánh, an trụ pháp chủng tánh, gắng đạt pháp chủng tánhbất động chủng tánh; (4) Nếu phân tích theo xứ, sẽ có mười sáu loại: Từ Phạm chúng thiên cho đến Sắc cứu cánh thiên, (5) Nếu phân tích theo sự lìa nhiễm ở các địa, sẽ có ba mươi sáu loại: một loại còn bị trói buộc thuộc Sắc giới, tám loại đã lìa bỏ từ một nhóm cho đến tám nhóm phiền não thuộc tầng thiền thứ nhất, một loại còn bị trói buộc của tầng thiền thứ hai, tám loại đã lìa bỏ tám nhóm phiền não thuộc tầng thiền thứ hai v.v… Như vậy có tất cả bốn nhóm gồm chín loại Trung bát Niết-bàn. Không kể đến các Thánh giả đã giải thoát khỏi nhóm phiền não thứ chín của tầng thiền thứ tư và đang bị trói buộc vì tất cả các trói buộc thuộc Vô sắc giới vì ở đây đang bàn đến loại Trung bát Niết-bàn, tức hàng Bất hoàn thuộc loại Hành Sắc giới, và vì trung hữu không tồn tại ở bên trên Sắc giới.
Như vậy nếu phân tích theo xứ, chủng tánh, lìa nhiễm và căn để lập thành thì có tất cả 2592 (hai nghìn năm trăm chín mươi hai) loại Trung bát Niết-bàn.
(Hỏi) Làm thế nào để có được con số trên đây?


(Đáp) Tức trong mỗi xứ đều có sáu chủng tánh khác nhau, mỗi một chủng tánh nếu căn cứ vào mức độ lìa nhiễm khác nhau, tức từ khi còn các trói buộc của Sắc giới cho đến khi đã lìa bỏ tám nhóm phiền não thuộc tầng thiền thứ tư lại có chín loại. Mỗi chủng tánh có chín loại mà mỗi xứ lại có sáu chủng tánh, như vậy thành ra năm mươi bốn loại, nếu nhân với mười sáu xứ tức thành tám trăm sáu mươi bốn loại, nếu nhân với ba căn tức thành hai nghìn năm trăm chín mươi hai loại.
Trường hợp lìa bỏ nhóm phiền não thứ chín ở địa dưới được xem nhưtrường hợp còn bị trói buộcthượng địa cho nên ở mỗi một địa đều có số lần lìa nhiễm bằng nhau. Cứ như vậy từ Trung bát Niết-bàn cho đến Thượng lưu, mỗi một trong năm trường hợp đều có hai nghìn năm trăm chín mươi hai loại tức thành mười hai nghìn chín trăm sáu mươi loại. Về hàng Bất hoàn thuộc loại Hành Vô sắc giới cũng sẽ được tính giống như vậy.
Trên đây đã phân tích sự khác biệt của hướng và quả thứ ba, tiếp theo là phần lập thành hướng và quả thứ tư.

Tụng nói: (Âm Hán)
Thượng giới tu hoặc trung
Đoạn sơ định nhất phẩm
Chí hữu đỉnh bát phẩm
Giai A-la-hán hướng
Đệ cửu vô gián đạo
Danh kim cương dụ định
Tận đắc câu Tận trí
Thành Vô học ưng quả.

Dịch nghĩa:
Tu “hoặc” thuộc thượng giới
Đoạn một phẩm sơ định
Đến tám phẩm Hữu Đảnh
Đều hướng A-la-hán
Đạo vô gián thứ chín
Gọi định Kim-cang-dụ
Tận đắc, Tận trí sinh
Thành tựu quả Vô học.

[Trong các “hoặc” tu thuộc thượng giới nếu đoạn một phẩm ở sơ định cho đến phẩm thứ tám ở Hữu đảnh được gọi là A-la-hán hướng. Đạo vô gián thứ chín gọi là định Kim cang dụ. Khi Tận trí sinh khởi cùng tận đắc thì thành tựu Vô học ứng quả].

Luận: Nếu Thánh giả Bất hoàn tiếp tục đoạn trừ tu “hoặc” (phiền não do Tu đạo đoạn) thuộc Sắc giớiVô sắc giới, từ nhóm đầu tiên ở tầng thiền thứ nhất cho đến nhóm thứ tám cuối cùng ở Hữu đảnh thì được đổi tên là hướng đến quả A-la-hán (quả hướng A-la-hán). Ở giai đoạn của Thánh đạo đoạn trừ phiền não này (đạo vô gián) cho dù đoạn được nhóm phiền não thứ chín của Hữu đảnh thì Thánh giả vẫn còn là hướng A-la-hán. Tuy nhiên vì đạo vô gián thứ chín này có khả năng phá tan tất cả các loại tùy miên nên được gọi là “loại định tương tự như kim cương (định Kim cang dụ). Thật ra đạo vô gián thứ chín không phá hết các tùy miên vì có nhiều loại tùy miên đã được phá trước đó nhưng nó vẫn có công năng phá tan tất cả phiền não và là loại định thù thắng nhất trong tất cả các loại đạo vô gián có khả năng đoạn hoặc.
Định Kim cang dụ có nhiều loại. Nói đạo vô gián đoạn trừ các hoặc thuộc phẩm thứ chín của Hữu đảnh mà sinh ra nhiều loại Kim cang dụ định khác nhau là căn cứ vào chín địa: địa vị chí, tĩnh lự trung gian, bốn thiền và ba loại định ở đầu thuộc Vô sắc giới, vì thế mới nói là loại định này có các hành tướng và trí khác nhau.
Được sinh khởi nhờ nương vào địa vị chí, tám định Kim cang dụ tương ưng với mỗi một trong bốn hành tướng của khổ loại trí và mỗi một trong bốn hành tướng của tập loại trí, các loại trí này duyên khổ và tập của Hữu đảnh.
Tám định Kim cang dụ tương ưng với mỗi một trong bốn hành tướng của diệt pháp trí, với một trong bốn hành tướng của đạo pháp trí.
Bốn định Kim cang dụ tương ưng với mỗi một trong bốn hành tướng của diệt loại trí duyên tầng thiền thứ nhất, và tiếp tục như thế cho đến: bốn định Kim cang dụ tương ưng với mỗi một trong bốn hành tướng của diệt loại trí duyên Hữu đảnh.
Bốn định Kim cang dụ tương ưng với mỗi một trong bốn hành tướng của đạo loại trí, vì đạo loại trí có giới địa khắp mọi nơi. Không cần phải phân biệt các địa khác nhau như trong trường hợp của diệt loại trí.
Như vậy, nếu dựa vào địa vị chí sẽ có đến năm mươi hai định Kim cang dụ do sự khác nhau của các hành tướng và các cảnh nơi đối tượng duyên của các trí và loại trí.
Cách tính trên vẫn áp dụng cho định Kim cang dụ được sinh khởi nhờ nương vào các địa khác, cho đến tầng thiền thứ tư.
Đối với các định Kim cang dụ được sinh khởi nhờ nương vào ba tầng thiền đầu tiên của Vô sắc giới, có tất cả hai mươi tám, hai mươi bốn và hai mươi loại.
(a) Pháp trí không có ở đó, (b) Loại trí có đối tượng duyên là diệt đế thuộc một địa thấp hơn cũng không có ở đó, (c) Loại trí có đối tượng duyên là đạo đối trị một địa thấp hơn lại có ở đó vì các Thánh đạo đều có tính chất làm nhân cho nhau.
Một số luận sư Đối pháp cho rằng đạo loại trí không duyên tất cả các địa cùng một lúc mà cần phải phân biệt các địa khác nhau giống như trường hợp của diệt loại trí. Theo chủ trương này cần tăng thêm hai mươi tám loại cho số lượng các định Kim cang dụ nương vào địa vị chí v.v… định Kim cang dụ ở các tầng thiền thuộc Vô sắc giới sẽ có bốn mươi, ba mươi hai và hai mươi bốn loại.
Nếu phân tích theo chủng tánh và căn thì các con số trên còn nhiều hơn.
Trên đây đã nói về trường hợp nhóm phiền não thứ chín của Hữu đảnh được đoạn trừ vì định Kim cang dụ.
Vào sát-na Thánh giả đạt được sự đoạn trừ nhóm phiền não thứ chín thì “cái biết về sự diệt trừ” (Tận trí) này sinh khởi. Ngay sau định Kim cang dụ, hay loại đạo vô gián cuối cùng, sẽ sinh khởi đạo giải thoát cuối cùng. Chính vì thế mà đạo giải thoát này, vốn sinh khởi với sự đạt được sự đoạn trừ tất cả các lậu, mới trở thành “cái biết về sự diệt trừ” sinh khởi đầu tiên và được gọi là Tận trí.
Khi Tận trí này sinh khởi thì hàng “hướng A-la-hán” thành tựu quả A-la-hán Vô học, hàng Thánh giả này không còn gì để làm đối với một quả khác cho nên mới gọi là Vô học. Cũng với lý do này mà Thánh giả, sau khi đã tẩy rửa các pháp nhiễm đối với chính mình, mới có đủ tư cách đem lại lợi lạc cho người khác, mới xứng đáng nhận sự tôn kính của tất cả chúng sinh còn tham dục.
Từ sự định nghĩa A-la-hán là bậc Vô học ở trên cho thấy bảy hàng Thánh giả khác gồm bốn trường hợp hướng đến quả và ba trường hợp trụ ở quả đều thuộc về Hữu học.
(Hỏi) Tại sao bảy hàng Thánh giả này đều có tên là Hữu học?
(Đáp) Vì muốn tận trừ các lậu thì phải thường xuyên tu tập các học pháp. Ba học pháp, tức tăng thượng giới, tăng thượng tâmtăng thượng tuệ đều lấy giới định tuệ làm tự thể.
(Hỏi) Nhưng theo định nghĩa trên thì dị sinh cũng có thể là Hữu học?
(Đáp) Không thể được, vì không thấy đúng như thật các Thánh đế và vì có thể đánh mất tất cả các học pháp đã đạt được.
Chính vì để khẳng định những người đang còn học mới thuộc về Hữu học và không phải chỉ trừ bỏ tam học là đã trở thành bậc Hữu học nên Đức Thế Tôn mới nhắc lại: “Này Đạm-phạ, chỉ những ai tu học những gì cần phải tu học mới được Ta gọi là bậc Hữu học.”
(Hỏi) Làm sao có thể nói Thánh giảthể tánh của hàng Hữu học khi đang ở vào trạng thái bình thường (trụ bản tánh) chứ không phải lúc đang nhập định?
(Đáp) Nói như vậy là vì dựa vào ý chí của hàng Thánh giả này. Cũng giống như khách đi đường, dù đang tạm nghỉ chân nhưng vẫn được gọi là hành khách. Hoặc vì ba học pháp vẫn thường gắn bó với các vị này ngay cả khi họ đang ở vào trạng thái bình thường.
(Hỏi) Học pháp là gì?
(Đáp) Là các pháp hữu vi vô lậu của bậc Hữu học. Cũng giống như các pháp hữu vi vô lậu của bậc Vô học đều được gọi là pháp Vô học.
(Hỏi) Tại sao Niết-bàn là pháp vô vi lại không phải là pháp Vô học?
(Đáp) Vì hàng vô họcdị sinh cũng có thể thành tựu Niết-bàn.
Bốn hàng Thánh giả hướng quả và bốn hàng Thánh giả trụ quả cộng thành tám hàng Thánh giả (Thánh Bổ-đặc-già-la): tức bao gồm hàng Thánh giả “lên đường để chứng đắc quả Dự lưu” và Thánh giả đã là Dự lưu cho đến hàng Thánh giả “lên đường để chứng đắc quả A-la-hán” và Thánh giả đã là A-la-hán.
Tuy gọi là tám nhưng thật ra chỉ có năm, đó là Thánh giả đang hướng đến quả đầu tiên, tức đang ở vào kiến đạo và bốn hàng Thánh giả đang trụ ở quả, vì ba trường hợp hướng quả ở sau không tách rời ba trường hợp trụ quả ở trước.
Trình bày trên đây là dựa vào sự chứng đắc theo thứ tự của bốn quả. Trong trường hợp của Thánh giả Bội lìa dục và Toàn lìa dục, vì đã đoạn trừ sáu nhóm, chín nhóm phiền não của Dục giới trước khi nhập vào kiến đạo cho nên khi trụ ở kiến đạo thì được gọi là quả hướng Nhất lai và quả hướng Bất hoàn mà không phải là quả hướng Dự lưu và quả hướng Nhất lai. Ở đây, Thánh giả đang hướng đến một quả cao hơn thì không lẫn lộn với các Thánh giả đang trụ ở quả thấp hơn.
(Hỏi) Như trên đã nói con đường tu tập (tu đạo) có hai loại hữu lậu (thế tục) và vô lậu (xuất thế) khác nhau. Như vậy do loại nào mà hàng Hữu học lìa bỏ được pháp nhiễm ở các địa?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Hữu đảnh do vô lậu
Dư do nhị ly nhiễm.

Dịch nghĩa :
Hữu Đảnh do vô lậu
Địa khác do lìa nhiễm.

[Lìa nhiễm thuộc Hữu đảnh là do vô lậu. Lìa nhiễm thuộc các địa khác là do cả hai loại].

Luận: Chỉ có đạo vô lậu lìa bỏ các nhiễm thuộc Hữu đảnh chứ không phải đạo hữu lậu vì: (1) Không có đạo thế tục nào cao hơn Hữu đảnh [người ta lìa bỏ một địa nhờ vào đạo thế tục của một địa cao hơn, trong khi Hữu đảnh lại là địa cao nhất], (2) Đạo thế tục của một địa nào đó không thể đối trị các pháp nhiễm ở cùng địa (tự địa) vì các phiền não ở cùng địa sẽ đeo bám đạo thế tục này.
Nếu các phiền não đeo bám theo một Thánh đạo thì chúng không thể bị Thánh đạo này đối trị. Nếu một Thánh đạo có khả năng đối trị một phiền não thì phiền não này chắc chắn không thể đeo bám theo Thánh đạo này.
Sự lìa bỏ tám địa còn lại đều có thể nương vào đạo thế tục hoặc đạo xuất thế.
Nếu đều do hai đạo để lìa bỏ các địa thì mỗi đạo có bao nhiêu trường hợp đắc lìa nhiễm?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Thánh nhị li bát tu
Các nhị li hệ đắc.

Dịch nghĩa:
Thánh tu hai, lìa tám
Đắc hai loại “lìa buộc”.

[Thánh giả đều tu cả hai loại để lìa bỏ tám địa và đều đạt được cả hai loại lìa buộc].

Luận: Thánh giả nếu lìa bỏ tám địa đầu tiên (Dục giới, bốn thiền, ba Vô sắc) bằng đạo hữu lậu thì đạt được sự “tách rời” (lìa buộc) khỏi các phiền não của các địa này. Nói cách khác, Thánh giả sẽ đạt được pháp đắc, tức sự thành tựu trạch diệt của các phiền não này.
Sự thành tựu này thuộc về cả hữu lậuvô lậu.
(Hỏi) Có luận sư nói trong trường hợp Thánh giả lìa bỏ bằng đạo vô lậu thì sự đạt được lìa buộc cũng thuộc về cả hữu lậuvô lậu. Tại sao như vậy?
(Đáp) Các luận sư này nói hãy thừa nhận trường hợp Thánh giả khi lìa bỏ bằng đạo vô lậu thì họ không có sự đạt được lìa buộc (lìa buộc đắc) thuộc hữu lậu. Theo giả thiết này, một Thánh giả khi đã lìa bỏ Vô sở hữu xứ bằng một đạo vô lậu thì sau đó sẽ nương vào một tầng thiền để chuyển căn, có nghĩa là làm cho các căn trở nên mẫn lợi hơn. Thánh giả này, vì xả bỏ các đạo đã đạt được trước đó, [tức các đạo thuộc Vô sắc giới đối với hàng độn căn], vì chỉ đạt được quả đạo Bất hoàn đối với hàng lợi căn nên sẽ không còn đạt được sự lìa buộc đối với các phiền não của Vô sắc giới, và vì sự lìa buộc này đã bị mất nên họ sẽ thành tựu các phiền não này.
Không có lìa buộc đắc hữu lậu đối với loại Thánh giả này, tuy nhiên họ cũng không có các phiền não được nói đến ở trên.
Cũng giống như trường hợp một Thánh giả đã giải thoát được một phần trong số các nhóm phiền não của Hữu đảnh thì chắc chắn sẽ không có sự lìa buộc đắc hữu lậu đối với các phiền não này, vì chỉ có đạo vô lậu mới diệt trừ được các phiền não của Hữu đảnh. Giả sử rằng Thánh giả này vì luyện căn bằng cách nương vào một tầng thiền nên đã xả bỏ lìa buộc đắc vô lậu đối với các phiền não của Hữu đảnh thì chính các ông cũng có thể nhận ra Thánh giả này không có thành tựu các phiền não này.
Cũng giống như trường hợp một dị sinh sinh ở một nơi cao hơn tầng thiền thứ nhất, chẳng hạn như sinh vào tầng thiền thứ hai v.v… Vì dị sinh này đã chuyển vào tầng thiền thứ hai (chuyển địa) nên sẽ đánh mất sự lìa buộc đắc đối với các phiền não của Dục giới, tuy nhiên các ông vẫn phải thừa nhận dị sinh này không có các phiền não này.
Vì thế lập luận của các luận sư nói trên không hợp lý.
(Hỏi) Nhờ vào địa nào mà người ta đắc sự lìa bỏ các địa khác nhau?

Tụng đáp: (Âm Hán):
Vô lậu vị chí đạo
Năng li nhất thiết địa
Dư bát li tự thượng
Hữu lậu li thứ hạ.

Dịch nghĩa:
Vô lậu địa vị chí
Hay lìa tất cả địa
Tám khác lìa tự, thượng (địa)
Hữu lậu lìa địa dưới.

[Đạo vô lậu thuộc địa vị chí có thể lìa bỏ phiền não ở tất cả các địa. Các đạo thuộc tám địa còn lại lìa bỏ tự và thượng địa. Đạo hữu lậu lìa bỏ địa dưới].

Luận: Nhờ vào địa vị chí vô lậu mà có thể lìa bỏ tất cả các địa, từ Dục giới cho đến Hữu đảnh.
Khi hành giả lìa bỏ một địa thấp hơn nhờ nương vào một cận phần thì có phải tất cả đạo giải thoát đều sinh từ cận phần cũng giống như trường hợp của các đạo vô gián không?
(Đáp) Không phải.
(Hỏi) Vì sao?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Cận phần li hạ nhiễm
Sơ tam hậu giải thoát
Căn bản hoặc cận phần
Thượng địa duy căn bản.

Dịch nghĩa:
Phần gần lìa nhiễm dưới
Đầu ba, sau giải thoát
Căn bản hoặc Cận phần
Địa trên chỉ căn bản.

[Đạo thuộc cận phần lìa bỏ các nhiễm thuộc địa dưới. Khi lìa bỏ ba địa đầu tiên, Đạo giải thoát sinh từ căn bản hoặc cận phần. Khi lìa bỏ thượng địa. Giải thoát đạo chỉ sinh từ căn bản].

Luận: Có chín địa của sự sinh khởiDục giới, bốn tĩnh lự và bốn Vô sắc định.
Khi hàng phục được ba địa, có nghĩa là khi xả lìa Dục giới, tầng thiền thứ nhất và tầng thiền thứ hai thì có đạo giải thoát thứ chín sinh khởitĩnh lự cận phần hoặc tĩnh lự căn bản.
Đối với các địa cao hơn thì đạo giải thoát cuối cùng luôn luôn sinh từ tĩnh lự căn bản chứ không phải nằm ở cận phần của tĩnh lự này. Thật vậy, kể từ tầng thiền thứ tư thì tĩnh lự căn bảntĩnh lự cận phần có thọ giống nhau, tức là xả thọ. Trong các địa của các tầng thiền đầu tiên thì có hai thọ khác nhau: hành giả độn căn, với đạo giải thoát thứ chín, không có khả năng nhập vào tĩnh lự căn bản vì sự chuyển đổi của thọ rất khó khăn. Vì thế đạo giải thoát đạo thứ chín của việc lìa bỏ ba địa đầu tiên chỉ sinh khởi từ tĩnh lự cận phần.
Chúng ta đã bàn đến trường hợp hành giả có thể lìa bỏ tất cả các địa bằng các đạo vô lậu được tu tậpđịa vị chí. Tuy nhiên khả năng này không thuộc về các đạo vô lậu được tu tập ở các địa không phải là địa vị chí.
Bằng đạo vô lậu được tu tập ở tám địa là bốn tĩnh lự, tĩnh lự trung gian và ba Vô sắc định thì hành giả có thể lìa bỏ tự địa và các địa cao hơn, nhưng không có địa thấp hơn vì hành giả đã lìa bỏ loại địa này.
Các đạo xuất thế như đạo vô gián và đạo giải thoát sinh khởi nhờ các hành tướng của các đế, tức sự nhìn thấy các pháp là vô thường, khổ v.v…

Tụng nói: (Âm Hán)
Thế vô gián giải thoát
Như thứ duyên hạ thượng
Tác thô khổ chướng hành
Cập tĩnh diệu li tam.

Dịch nghĩa:
Đời vô gián giải thoát
Theo duyên trên và dưới
Tạo hành chướng thô khổ
Cùng tĩnh diệu và ly.

[Đạo vô gián và đạo giải thoát thế tục theo thứ tự trên duyên tự địa và thượng địa có các hành tướng là thô, khổ, chướng và tĩnh, diệu, ly].

Luận: Các đạo giải thoát thế tục có các hành tướng tịch tĩnh v.v…, có nghĩa là xem cảnh nơi đối tượng duyên của chúng là tịch tĩnh v.v… Các đạo Vô gián thế tục có các hành tướng thô hiển v.v…
Các đạo giải thoát có thể xem một địa cao hơn [hoặc một xứ cao hơn] là tịch tĩnh, là mỹ diệu, là giải thoát. Các đạo vô gián xem một địa thấp hơn là thô hiển, là khổ, là một bức tường dày: xem là thô hiển vì địa này không tịch tĩnh, cần có sự dụng công lớn, xem là khổ vì địa này không mỹ diệu, không đáng ưa khi mà thân cũng như tâm đều không có được các công năng lớn lao, xem như một bức tường dày vì với một địa thấp như thế này thì không thể vượt thoát ra khỏi nó, dường như nó là một bức tường rất dày.
Các hành tướng tịch tĩnh, mỹ diệu, giải thoát là các hành tướng đối nghịch lại.
Vấn đề không quan trọng này đã được bàn đến, chúng ta hãy trở lại chủ đề của chúng ta:

Tụng nói: (Âm Hán)
Bất động Tận trí hậu
Tất khởi vô sanh trí
Dư tận hoặc chánh kiến
Thử ưng quả giai hữu.

Dịch nghĩa:
Bất động hậu Tận trí
Liền khởi Vô sinh trí
Tận khác hoặc chánh kiến
A-la-hán đều có.

[Trong trường hợp của A-la-hán bất động, sau Tận trí tất sinh khởi Vô sinh trí. Trong các trường hợp khác là Tận trí hoặc chánh kiến. Chánh kiến này đều có ở các A-la-hán].

Luận: Nếu A-la-hán thuộc chủng tánh bất động thì ngay sau Tận trí sẽ sinh khởi một loại trí về sự không sinh khởi các lậu hoặc trong vị lai (Vô sinh trí).
Đối với các A-la-hán không thuộc chủng tánh bất động thì ngay sau Tận trí sẽ sinh khởi Tận trí cùng loại hoặc chánh kiến của bậc Vô học mà không phải là Vô sinh trí vì trong trường hợp hành giả bị thoái thất vì không còn là bất động thì sẽ không thể khởi được Vô sinh trí.
(Hỏi) Có phải các A-la-hán thuộc chủng tánh bất động không có chánh kiến Vô học không?
(Đáp) Vẫn có nhưng không nói đến. Tất cả A-la-hán đều có chánh kiến Vô học. Đối với A-la-hán bất động, sau Vô sinh trí này lại sinh khởi tiếp Vô sinh trí khác hoặc có khi là chánh kiến Vô học.
(Hỏi) Trước đây có nói đến bốn quả, vậy đó là những quả gì?
(Đáp) Đó là các quả của Tánh Sa-môn.
(Hỏi) Tánh Sa-môn là gì? Quả của nó là gì? Các quả này có bao nhiêu loại khác nhau?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Tịnh đạo sa môn tánh
Hữu vi vô vi quả
Thử hữu bát thập cửu
Giải thoát đạo cập diệt.

Dịch nghĩa :
Tịnh đạo tánh Sa-môn
Quả hữu vi, vô vi
Có tám mươi chín loại
Đạo giải thoát và diệt.

[Tịnh đạo là tánh Sa-môn. Quả là pháp hữu vivô vi. Có tám mươi chín loại đạo giải thoát và diệt].

Luận: Tánh Sa-môn là đạo vô lậu. Nhờ Thánh đạo này, nhờ vào tánh Sa-môn nên mới trở thành một Sa-môn, có nghĩa là một con người tịch tĩnh hoặc chấm dứt các phiền não.
Như Khế kinh nói: “Được gọi là Sa-môn vì làm tĩnh lặng tất cả các pháp ác, bất thiện, dẫn đến luân hồi, tạo ra sự tái sinh và giữ được như thế cho đến khi già và chết.”
Dị sinh vì không làm tĩnh lặng các phiền não một cách rốt ráo nên không phải là Sa-môn thực sự.
Quả Sa-môn là các pháp hữu vivô vi. Khế kinh nói có bốn loại khác nhau nhưng thật ra có đến tám mươi chín loại.
(Hỏi) Tám mươi chín quả Sa-môn này là gì?
(Đáp) Đó là các đạo giải thoát cùng với các diệt pháp. Có tám đạo vô giánkế tiếp là tám đạo giải thoát dành cho sự đoạn trừ các phiền não thuộc kiến đoạn. Có tám mươi mốt đạo vô gián để đoạn trừ các phiền não thuộc tu đoạn, tức là chín đạo được dùng để đoạn trừ chín nhóm phiền não ở mỗi một trong chín địa. Đối với giải thoát đạo cũng như vậy.
Tám mươi chín đạo vô gián tạo thành tánh Sa-môn.
Tám mươi chín đạo giải thoát là quả hữu vi của tánh Sa-môn, là quả Đẳng lưu và quả Sĩ dụng của tánh Sa-môn.
Sự đoạn trừ hoặc trạch diệt tám mươi chín nhóm phiền não là quả vô vi của tánh Sa-môn, là quả Sĩ dụng của tánh Sa-môn.
Như vậy, có tất cả tám mươi chín quả của tánh Sa-môn.
(Hỏi) Nếu chủ trương này là đúng thì không thể nào làm cho lời dạy của Đức Thế Tôn được hoàn mãn?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Ngũ nhân lập tứ quả
Xả tằng đắc thắng đạo
Tập đoạn đắc bát trí
Đốn tu thập lục hành.

Dịch nghĩa :
Năm nhân lập bốn quả
Xả từng được thắng đạo
Đoạn Tập được tám trí
Tu đốn mười sáu hành.

[Năm nhân lập thành bốn quả là xả tằng đạo, đắc thắng đạo tập đoạn, đắc tám trí và đốn tu mười sáu hành tướng ].

Luận: Các giai đoạn của con đường đoạn trừ phiền não mà ở đó có năm nhân tụ hội đã được Đức Thế Tôn định nghĩa như là các quả. Đây là chủ trương của Bản tông.
(Hỏi) Năm nhân này là gì?
(Đáp) Năm nhân là (1-2) Xả bỏ hướng đạo, đạt được quả đạo; (3) Đạt được sự đoạn trừ toàn bộ (tổng tập đoạn); (4) Đạt được trong một lần cả tám trí, tức bốn pháp trí và bốn loại trí; (5) Đạt được mười sáu hành tướngvô thường v.v…
Năm nhân này đều có đủ trong mỗi một bốn quả,
(Hỏi) Nếu chỉ có đạo vô lậu có tên là tánh Sa-môn thì hai quả (Nhất laiBất hoàn) khi đạt được nhờ vào đạo hữu lậu thì làm sao có thể nói là thuộc về quả Sa-môn?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Thế đạo sở đắc đoạn
Thánh sở đắc tạp cố
Vô lậu đắc trì cố
Diệc danh Sa môn quả.

Dịch nghĩa :
Thế tục chỗ được đoạn
Là do được Thánh đạo
Còn giữ được Vô lậu
Gọi là quả Sa-môn.

[Sự đoạn diệt phiền não đạt được do thế đạo kết hợp với sự đoạn diệt do Thánh đạo và được vô lậu đắc gìn giữ. Cho nên cũng gọi là quả Sa-môn].

Luận: Quả Nhất lai và quả Bất hoàn nếu đạt được nhờ vào đạo hữu lậu thì không phải chỉ là những sự đoạn trừ (trạch diệt) xuất phát từ tu đạo thuộc về hữu lậu, mà thật ra chúng còn là một quả đoạn trừ (đoạn quả) của kiến đạo. Sự đoạn trừ thứ hai này không thể tách rời với sự đoạn trừ thứ nhất, vì trong các quả Nhất laiBất hoàn vốn đã có sự hoạch đắc về tổng tập đoạn, một phần là các phiền não thuộc kiến đoạn, và một phần là các phiền não thuộc tu đoạn.
Chính vì thế mà kinh nói: “Quả Nhất lai là gì? Là sự đoạn trừ ba kết sử thân, giới, nghi thuộc về kiến đoạn và là sự giảm trừ tham, sân, si. Quả Bất hoàn là gì? Là đoạn năm kết sử ở dưới (hạ phần)”.
Hơn nữa, sự đoạn trừ sự đạt được từ đạo thế tục (tức đoạn trừ sáu nhóm phiền não trong trường hợp của Nhất lai v.v…) được gìn giữ vì lìa buộc đắc vô lậu, cũng giống như trường hợp Thánh giả Nhất laiBất hoàn nhờ có lìa buộc đắc vô lậu này mà không thể mạng chung khi bị thoái thất: họ có thể đánh mất phẩm tánh của mình nhưng lại đắc trở lại trước khi chết.

Tụng nói: (Âm Hán)
Sở thuyết Sa-môn tánh
Diệc danh Bà-la-môn
Diệc danh vi Phạm luân
Chân phạm sở chuyển cố
Ư trung duy kiến đạo
Thuyết danh vi pháp luân
Do tốc đẳng tự luân
Hoặc cụ bức đẳng cố.

Dịch nghĩa :
Nói đến tánh Sa-môn
Cũng gọi Bà-la-môn
Hay gọi là phạm luân
Do chỗ chuyển Chân Phạm
Trong đây chỉ kiến đạo
Nên gọi là Pháp luân
Vì nhanh giống bánh xe
Hoặc đầy đủ tăm xe.

[Tánh Sa-môn được nói đến còn gọi là Bà-la-môn, còn gọi là Phạm luân, vì do Chân Phạm chuyển vận. Trong đó chỉ có kiến đạo được gọi là Pháp luân vì nhanh chóng v.v… giống như bánh xe hoặc vì có đủ tăm xe v.v…].

Luận: Tánh Sa-môn chính là tánh Bà-la-môn vì nó loại trừ phiền não, cũng chính là bánh xe của Phạm vương (Phạm luân).
Đức Thế TônPhạm vươngthành tựu được tánh Bà-la-môn tối cao. Thật vậy, kinh nói: “Đức Thế Tôn này là Phạm vương”, kinh còn nói Đức Thế Tôntịch tĩnhthanh lương.
Bánh xe này thuộc về Đức Thế Tôn, vì thế bánh xe này là của Phạm vương, vì chính Phạm vương làm cho bánh xe này vận hành.
Kiến đạo vốn có thể tánh của một bánh xe cho nên được gọi là pháp luân.
(Hỏi) Tại sao kiến đạo lại có thể tánh của một bánh xe?
(Đáp) (1) Vì kiến đạo vận hành nhanh chóng: nó có thể liễu tri các Thánh đế trong mười lăm sát-na của tâm, (2) Vì nó xả bỏ một nơi này và chiếm thủ một nơi khác: xả bỏ đạo vô gián và chiếm thủ đạo giải thoát; (3) Vì nó chế ngự các pháp chưa được chế ngựhàng phục các pháp đã được chế ngự, chế ngự các phiền não nhờ vào đạo vô gián bằng cách chặt đứt sự hoạch đắc các phiền não này, hàng phục các phiền não đã được đạo giải thoát trấn áp bằng cách đạt được sự lìa buộc đối với các phiền não này, (4) Vì nó có thể chuyển vận lên xuống, tức có khi là đạo vô gián, có khi là đạo giải thoát, có khi duyên Dục giới, có khi duyên các giới khác cao hơn.
Tôn giả Diệu âm nói giống như bánh xe có tăm xe v.v…, Thánh đạo cũng có tám chi v.v… nên gọi là “luân”: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh cần, chánh niệm giống như tăm xe, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng giống như trục xe, chánh định giống như vành xe.
(Hỏi) Căn cứ vào cái gì để nói pháp luân chính là kiến đạo?
(Đáp) Kinh nói vào lúc kiến đạo sinh khởi ở Kiều-trần-na v.v… thì (chư Thiên) đều nói bánh xe chánh pháp đã được chuyển.
(Hỏi) Tại sao kiến đạo được gọi là ba chuyển và mười hai hành tướng?
(Đáp) Tỳ-bà-sa nói ba Chuyển là (1) Đây là khổ Thánh đế; (2) Khổ Thánh đế phải được liễu tri; (3) Khổ Thánh đế được liễu tri. Trong mỗi một lần chuyển lại phát sinh riêng các hành tướng là sự nhìn thấy, trí, minh, và giác. Tổng cộng cả ba lần chuyển có tất cả mười hai hành tướng.
Đối với các Thánh đế khác cũng như vậy: “Đây là tập Thánh đế” v.v…
Vì các chuyển và các hành tướng đều giống nhau đối với mỗi Thánh đế cho nên nói pháp luân có ba chuyển và mười hai hành tướng, chứ không phải mười hai chuyển và bốn mươi tám hành tướng. Cũng giống như “bài giảng về hai pháp” là một bài giảng về một số lượng lớn các pháp vận hành nhờ vào hai pháp (nhãn và sắc, nhĩ và thanh v.v…), cũng giống như khi một người “giỏi bảy việc” là hàm ý người này tài giỏi trong rất nhiều trường hợp có bảy việc.
Theo thứ tự trên, ba chuyển tương xứng với Kiến đạo, tu và đạo Vô học. Đây là giải thích của Tỳ-bà-sa.
(Hỏi) Nếu nói như vậy, kiến đạo sẽ không có ba chuyển và mười hai hành tướng thì làm thế nào pháp luân có thể là kiến đạo?
(Đáp) Cần phải hiểu pháp luân chính là bài thuyết pháp này, tức bài thuyết pháp ở thành Ba-la-nại, đã làm vận chuyển bánh xe Chánh pháp, bài thuyết pháp có đủ ba chuyển và mười hai hành tướng: có ba chuyển vì đã làm cho các Thánh đế vận chuyển ba lần: [(a) Đây là khổ, tập, diệt, đạo, (b) Điều này phải được liễu tri, (c) Điều này được liễu tri, đoạn trừ, chứng đắc, tu tập], có mười hai hành tướng vì đã quán xét mỗi Thánh đế dưới ba hành tướng [(a) Thể tánh của các đế, (b) Tác dụng của các đế, (c) Sự đạt đến tác dụng này].
Khi nói “làm vận chuyển” bài pháp này có nghĩa là bài pháp này đã vận hành, đã được ném vào sự hiểu biết của người khác, bài pháp này đi vào sự hiểu biết của người khác có nghĩa là nó làm cho người khác hiểu được nó.
Hoặc chính tất cả Thánh đạo, tức kiến đạo, tu đạo và đạo Vô học, đều là pháp luân vì nó đi thâm nhập vào sự hiểu biết của những người có tín tâm. Nếu kinh nói bánh xe được vận chuyển khi Kiều-trần-như chứng được kiến đạo thì chính tiếp đầu ngữ pra đã hàm nghĩa là “sự khởi đầu của hành động”: Khi kiến đạo được sinh khởi trong sự hiểu biết của người khác, trong sự hiểu biết của Kiều-trần-như thì bánh xe Chánh pháp bắt đầu được chuyển động, bắt đầu được ném vào sự hiểu biết của người khác.
(Hỏi) Có bao nhiêu quả Sa-môn đạt được ở mỗi giới?

Tụng đáp: (Âm Hán)
Tam y dục hậu tam
Do thượng vô kiến đạo
Vô văn vô duyên hạ
Vô yếm cập kinh cố.

Dịch nghĩa :
Ba nương dục sau ba
Do trên không kiến đạo
Không nghe không duyên dưới
Không chán ghét, sợ hãi.

[Ba quả ở Dục giới, quả cuối cùng ở cả ba cõi. Do thượng giới không có kiến đạo. Vì không có nghe, không duyên hạ giới. Không có chán ghét và không sợ hãi].

Luận: Ba quả chỉ được ở Dục giới, chứ không phải ở các nơi khác. Điều này có nghĩa chỉ được do các chúng sinh sinh ở Dục giới.
Quả A-la-hán được ở cả ba cõi.
(Hỏi) Hai quả đầu tiên vì Thánh giả chưa lìa dục nên nói không đắc ở thượng giới, nhưng đối với quả thứ ba, tại sao cũng không được ở thượng giới?
(Đáp) Vì ở bên trên Dục giới không có kiến đạo. Vì không có kiến đạo cho nên một người vốn đã xả lìa Dục giớitái sinh vào một cõi trời cao hơn không thể được quả Bất hoàn.
(Hỏi) Tại sao ở đó không có Kiến đạo?
(Đáp) Vì ở Vô sắc giới không có sự nghe pháp, vì Kiến đạo chỉ duyên nơi Dục giới.
Sắc giới thì dị sinh hoàn toàn tham đắm vào sự an lạc của định: tất cả khổ thọ đều không có ở đó, vì thế sự chán lìa cũng không thể có ở đó, và người ta chỉ có thể nhập vào Thánh đạo khi có sự chán lìa.
Hơn nữa, kinh đã nói: “Năm hạng người (Bổ-đặc-già-la): tức Trung bát Niết-bàn là hạng đầu tiên và Thượng lưu là hạng cuối cùng thông đạt ở xứ này và thành tựu ở xứ kia.”
Ở đây khi nói “thông đạt” là nhằm chỉ cho sự lập thành Thánh đạoThánh đạophương tiện của Niết-bàn. Vì thế thượng giới nhất định không có kiến đạo. ■

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.