Vô Tâm

04/11/20142:42 SA(Xem: 19294)
Vô Tâm

VÔ TÂM

Mãn Tự

Giác ngộ không phải suy nghĩ mà được vì không phải những gì đã từng biết, không thể tìm cầu vì không ẩn dấu. Không phải ở xa, không phải hiện tại vì không phải ba thời, không phải tu mà được vì không phải làm ra. Không thể diễn tả vì ngoài văn tự, không thể nói năng vì ngoài ngôn ngữ, không thể luận bàn vì ngoài hí luận, không trong không ngoài vì lìa hai bên cũng không phải ở giữa.

    Vô tâm không có nghĩa là không có tâm mà đó là sự nhậm vận không qua trung gian khởi tác ý nào của con người. Nó tự tại giống như mặt trời mọc từ phương đông lặn về phương tây, không ai có thể làm cho nó dừng lại được. Hay giống như một viên Kim cương hoàn mĩ không tì vết chỉ tùy theo ánh sáng chiếu vào mà màu sắc hiện ra. Cũng vậy con người chúng ta ai cũng là viên ngọc vô tâm hoàn mĩ nhưng tiếc thay có rất ít người nhận ra sự quý giá đó mà hầu hết đem chôn nó vào bùn, tuy vậy ngọc vẫn là ngọc nó chỉ ẩn mà thôi.

    Vô tâm với những vị giác ngộ nó thù thắng huyền diệu bao nhiêu thì đối với những người chưa tu chưa giác ngộ nó cũng gây nên phiền não và khổ đau bấy nhiêu. Một vô tâm mà dụng có khác nên chia làm hai thành phần, thành phần thứ nhất chỉ cho những vị đã giác ngộ được bản tâm không còn vướng mắc phiền não nhiễu loạn bên trong, đã thấy cảnh sắt bên ngoài rõ ràng không còn che chướng nên gọi là vô tâm. Thành phần thứ hai là chỉ chung cho những người chưa giác ngộ chưa thấy được bản tâm còn bị phiền não đau khổ trói buộc bên trong lẫn bên ngoài nên cũng gọi là vô tâm.

   Trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Thế Tôn dạy rằng, chính sáu căn của ta là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, nó làm cho ta trầm luân đọa đày đau khổ và cũng chính nó làm cho ta giác ngộ giải thoát.

   Thế nào là vô tâm của người chưa giác ngộ? nó làm nên phiền não khổ đau. Để nói lên góc khuất vô tâm trong cuộc sống của chúng ta thì nó có nhiều vấn đề đến với ta mà ta tự hỏi từ đâu nó đến? nó đến bằng cách nào? ta không hề hay biết mà giờ này ta nhận lấy cái quả ở đây. Đó là câu hỏi to tát ray rứt đối với hầu hết mọi người trong nhân gian mà câu trả lời từ ngàn xưa cho tới bây giờ còn là một ẩn số.  Tâm trạng đó tiêu biểu bằng bài thơ yêu của nhà thơ Xuân Diệu nói lên phần nào về sự bất lực đó.

Lấy gì cắt nghĩa được tình yêu.

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt .

Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

Có phải nó đến như vậy hay không nhưng điều quan trọng là ta không nhận ra ngay lúc đó mà mà phải đợi đến một thời gian sau nó tác động vào tâm tư của chúng ta, nó làm cho ta ưu tư sầu muộn nhớ nhung. Để nói lên một sự không chấp nhận một sự gặp gỡ ngẫu nhiên bình thường đó mà nó làm xáo trộn tâm tư của ta như vậy. Nên những vần thơ tiếp theo diễn tả sự bất lực của chúng ta không làm sao ngăn chặn được trong vấn đề tình cảm.

“Chỉ” biết hôm xưa một buổi chiều.

Cùng người trò chuyện chẳng bao nhiêu.

Người đi ta thấy bao nhung nhớ.

Và cảnh quanh mình bao tịch liêu.

    Bài này viết ra không phải để bình luận về thơ văn, mà để giải thích phần nào hiện tượng nó đến với chúng ta, mà ta nghĩ  chưa bao giờ ta làm ra nó. Vì vậy trong cuộc đời của mỗi chúng ta đã tự nhiều lần hỏi tại sao, nhưng câu tự hỏi đó luôn luôn chìm vào mông lung mờ mịt không có câu trả lời, và đành đánh cược cuộc sống của mình với một câu an ủi không hề mong muốn nhưng đành phải chấp nhận “ việc gì đến sẽ đến” để khỏi bận lòng.

    Kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Thế Tôn chỉ cho rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng vì ai cũng có Phật Tánh. Còn Lục Tổ Huệ Năng cũng nói trong Pháp Bảo Đàn Kinh thực  tánh bình đẳng với mọi người, ở người chưa tu không bớt, ở các vị giác ngộ không tăng. Vậy tại sao người chưa giác ngộ thì khổ đau còn vị giác ngộ thì không?

    Thế nào là Thực tánh bình đẳng? Đó là mọi người của chúng ta hiện hữu trên cõi đời này đều có đủ năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ( ngoại trừ người bị khuyết tật) còn một cái vô hình nữa là ý, vì vô hình nên nó không bị ngăn ngại mà nó còn tương thông với năm giác quan kia.

    Tất cả chúng ta ai cũng sỡ hữu một vật vô cùng quí giá nó có công năng vô tận mà hầu hết chúng ta không biết sử dụng. Thí dụ, có người không hiểu biết về chụp hình, nhưng có nhiều tiền nên anh ta mua một cái máy vô cùng hiện đại với nhiều công năng khác nhau. Tuy nhiên vì không có kiến thức về máy ảnh hiểu biết về công năng của máy nên anh ta mỗi lần chụp ảnh thì chỉ dùng được một công năng là tự động mà thôi. Tuy vậy anh ta bằng lòng với những cái mà anh ta có được, đâu biết rằng mình đã phí đi bao nhiêu công dụng của máy ảnh.

    Thế giới này hiện hữu không phải như thế này hay thế kia mà nó hiện hữu theo sự lãnh nạp qua sáu giác quan của mọi người. Vì vậy nhận thức về vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan của mọi người đều không giống nhau cho dù cùng ở chung một chỗ hay cùng cha mẹ sinh ra.

    Sự thấy của con mắt chúng ta theo tôn giáo hay khoa học điều công nhận phải có đủ bốn yếu tố đó là: con mắt, không gian, ánh sáng và vật đối mới thành cái thấy còn không thì cái thấy không thành. Tuy nhiên dù có đủ điều kiện như vậy, cho đến một người cho dù nhãn quan có hoàn hảo đến mức nào đi nữa thì cái thấy vẫn bị khuyếm khuyết, tại sao? Vì mọi người chúng ta ai cũng chỉ thấy được cái gì mình muốn thấy mà thôi. Chính vì ta chỉ thấy những gì chúng ta muốn thấy, nên câu tự hỏi “tại sao?”  nó xuất hiện bao nhiêu lần trong cuộc đời của chúng ta.

    Một người có đôi mắt tốt thì nó giống như một cặp mắt kính trong sáng, mọi vật đối diện đều hiện bóng trong nó, nó không có sự phân biệt lấy hay bỏ, vì công năng của nó là như vậy. Còn chúng ta người sở hữu nó thì sao? Thí dụ như ta tìm một người quen trong chốn đông người thì bắt buột ta phải thấy tất cả mọi người trong đám đông đó rồi ta mới nhận ra người quen. Cũng vậy thấy thì toàn thể nhưng nhận chỉ có một. Dù ta nhận có một nhưng tất cả hình ảnh trong đám đông đã lưu lại trong ta mà ta không hề chú ý tới. Làm sao biết? Vì có thể thời gian sau này ta gặp lại một người trong đám đông đó ta thấy quen quen mà không nghĩ ra là đã gặp ở đâu, Vì sao? Vì ta không nhận mà vô tâm nhận.

    Vô tâm vì lơ đễnh, không chú ý, vì không là đối tượng mong muốn tìm cầu, vì sắc tối tăm hay lộn xộn, vì âm thanh không hấp dẫn, vì hương không thơm tho, vì vị nhạt nhẽo, vì xúc chạm không tạo nên cảm thọ khác lạ. Nói chung năm giác quan hằng ngàytiếp nhận với năm trần cảnh bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Cảnh vật thì không phân biệt, nó luôn bình đẳng với mọi người vì không tự tánh. Còn các giác quan cũng vậy nó bình đẳng nhận, nhưng cái ý của chúng ta không phải vậy, nó chỉ muốn nhận những gì nó muốn, nhận hợp với nó mà thôi. Cái nó nhận làm nên đặc tính riêng của một cá thể, còn cái nó không nhận thì làm đặc tính chung cho tất cả mọi người. Vì vậy mỗi người của chúng ta là một phần trong toàn phần, không có cái toàn phần thì cái một phần cũng không tồn tại. Hữu tâm của chúng ta nó nhận cái của nó, còn vô tâm nó nhận tất cả những gì kinh qua nó, dù ta có muốn hay không muốn dù ta có hiểu hay không hiểu, giống như không gian nó không từ chối mọi hiện tượng sảy ra như nắng, mưa, sáng tối,mây nổi, gió dông, cũng vậy chúng ta không có người nào sống mà muốn nhắm mắt, bịt tai hay bịt mũi cả.

    Khi đặt tính riêng biệt nó mạnh lên thì ta cảm thấy nó bất khả phân, nhưng khi nó yếu thì đặt tính chung nó lại xuất hiện, khi đặt tính chung xuất hiện thì định hướng của ta không còn đứng vững, rồi thì sự phân vân của ta nó lại nổi lên vì vậy mà ta sống trong bất an đau khổ. Còn những vị giác ngộ thì thấy biết như vậy nên không có cái riêng, vì cái riêng không nên cái chung cũng không, vì cả hai không nên đau khổ ưu tư không có bám víu.

    Có câu rằng “ Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở

                           Vô tình ươm liễu liễu ra hoa”

    Thật vậy ai trong chúng ta cũng muốn mình được vui vẻ, hạnh phúc nhưng điều mong muốn đó nó đến rất là ít. Còn sự không mong muốn thì nó chi phối suốt cả cuộc đời. Tại sao? Vì ta chỉ nhận một phần nhỏ xíu trong cái toàn phần mênh mông thì làm sao không đau khổ cho được? Cũng như một cá nhân thì làm sao chống lại toàn thể nhân loại trên quả địa cầu này được. Nhưng nếu hòa nhập thì lại mất đi tính đặt thù của mỗi cá thể, không tính đặt thù thì mất luôn định hướng như vậy đau khổ càng tăng thêm.

    Nói như vậy không phải người hiểu biết nhiều thì ít ưu tư phiền muộn, còn người biết ít thì nhiều phiền muộn. Biết nhiều mà biết bên ngoài thì ưu tư phiền muộn không bớt mà ngược lại nó càng tăng thêm. Vì sự hiểu biết bên ngoài càng nhiều thì bức tường ngăn chận càng kiên cố.

    Sự thâu nhận của vô tâm có hai công dụng, có tích cực cũng có tiêu cực. Tiêu cực vì nó thu nhận mà ta không hay biết, chờ đủ thời tiết nhân duyên thì nó xuất hiện, khi nó xuất hiện thì nó làm cho ta ngỡ ngàng phân vân tự hỏi tại sao lại có hiện tượng tâm lý này, và phải như nhà thơ Xuân Diệu mới mơ màng nhận ra thì đó chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên gặp gở như câu thơ được nhà thơ đã diễn tả. “Chỉ biết hôm xưa một buổi chiều” và chỉ một buổi chiều không mấy gì ấn tượng đó, nhưng hệ quả của nó được nhà thơ diễn tả trong suốt bài thơ thật tài tình.

    Còn sự tích cực thâu nhận của vô tâm thì công dụng của nó giống như một cái máy tính, nó lưu trữ mọi thứ, từ hình ảnh, âm thanh cho đến hương vị nói chung tất cả những gì ta từng kinh qua. Nhờ vậy mà ta mới có sự so sánh, đối chiếu phân biệt, ta người, đúng sai, phải hay không phải… Nó giống như một thư viện sách hay một tài liệu ngầm cất dấu trong ta, không có nó thì nhân gian không tiến hóa, thăng hoa được. Thí dụ, có một người suy tìm một vấn đề gì đó mà suy nghĩ chưa ra, thì bằng cách người đó ngồi yên lặng một nơi vắng vẻ nào đó rồi tập trung tinh thần để suy tư như vậy một lần, hai lần, năm lần rồi mười lần và sau cùng thì cũng nhận ra.

    Không phải ta suy tìm những gì không có mà ta biết là có, nhưng nó tiềm ẩn quá sâu bên dưới đối với tư tưởng mà ta ứng dụng hằng ngày, cái tìm được đó không phải từ trên trời rớt xuống hay từ dưới đất chun ra mà chính là sự thu nhận vô tâm lưu trữ cất giữ lại. Hay chính bản thân của chúng ta cũng vậy nó có nhiều diệu dụng thần kỳ siêu việt mà hầu hết chúng ta không biết khám phá. Thí dụ, trong cuộc sống bình thường không có gì kích thích thì sức lực của chúng ta cũng bình thường. Nhưng nếu có gì kích thích tác động, nhất là đối với sự sống còn của sinh mạng thì sức lực có thể tăng lên năm ba lần so với trạng thái bình thườngchúng ta hay quen gọi đó là tiềm lực hay tiềm năng vậy.

    Với nhân gian vì có phân biệt có chon lựa nên sự thu nhận của vô tâm là vậy. Còn những vị giác ngộ thì ngược lại, vì không phân biệt không chọn lựa nên tất cả sự việc đến vị đó đều nhận được, không lấy không bỏ không lưu giữ vì vậy mới gọi là vô tâm.

    Giác ngộ không phải suy nghĩ mà được vì không phải những gì đã từng biết, không thể tìm cầu vì không ẩn dấu, không phải ở xa, không phải hiện tại vì không phải ba thời, không phải tu mà được vì không phải làm ra, không thể diễn tả vì ngoài văn tự, không thể nói năng vì ngoài ngôn ngữ, không thể luận bàn vì ngoài hí luận, không trong không ngoài vì lìa hai bên cũng không phải ở giữa.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/12/2021(Xem: 4093)
02/02/2024(Xem: 926)
06/08/2017(Xem: 10446)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.