Phật Pháp Cứu Đời Tôi

21/07/201112:00 SA(Xem: 28757)
Phật Pháp Cứu Đời Tôi


PHẬT PHÁP CỨU ĐỜI TÔI

Thích Chân Tính
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2005

blank

Lời thưa

Ngoài công việc Phật sự và các thiện sự thường nhật khác, dù ít khi rảnh rỗi, song Thầy vẫn đặc biệt dành thời gian quan tâm sách tấn chúng tôi, động viên nhắc nhở sự tu tập, học hỏi của chúng tôi cũng như toàn thể đại chúng. Nhất là quý Phật tử, Thầy lại càng ưu ái, khuyến tấn và ân cần nhiều hơn nữa. Thầy luôn suy nghĩ, sáng tạo nhiều hình thức tu học khác nhau phù hợp với từng căn cơ và tuổi tác của họ để có thể tổ chức thành công nhiều khóa tu dành cho nhiều người ở nhiều nơi về tham dự. Trong một năm, ngoài những lần tổ chức ngày tu cho các bệnh nhân Trung tâm Ung bướu Thành phố, khóa tu Mùa hè dành cho người trẻ nói chung hay sinh viên, học sinh nói riêng, Thầy có tổ chức sáu khóa tu Phật thất, số lượng khóa sinh tham dự mỗi đợt gần khoảng 3000 người. Trong số ấy có những người còn rất trẻ, có những người trưởng thành, cũng có nhiều người lớn tuổi, ấy vậy mà bằng tình thương và tâm đại nguyện, Thầy vẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ an tâm tu tập để rồi khi ra về, ai ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối, nói sao Thầy không tổ chức nhiều khóa tu thêm…

Cũng từ thiện nguyện hoằng pháp lợi sinh cộng với tâm thiết tha muốn tu học của phần đông Phật tử, cùng với chư Tăng bổn tự, Thầy lại tổ chức một ngày tu (gọi là tu một ngày) để giúp những ai không có thời gian tham gia tu Phật thất (một tuần) vẫn có thể về chùa nghe phápniệm Phật. Nhưng điều không thể ngờ được là số lượng Phật tử tu một ngày lại càng lúc tăng cao, có khi lên đến 5000 người, vượt trội hơn khóa sinh trong những kỳ Phật thất. Điều này, theo như những nhận xét chung, quả thật Thầy rất có tài trong việc điều hành hay tổ chức.

Song điều đó cũng không thể phủ nhận mô thức tu tập rất khoa học và hiện đại của Thầy, mà trên hết là năng lực công phuđức độ to tát. Mỗi lần như vậy, ngoài việc sắp xếp, hướng dẫn Phật tử các nghi thức cần thiết, Thầy luôn dành hơn một giờ để giảng pháp cho Phật tử. Bài giảng của Thầy bao giờ cũng sống động, tươi vui, giúp cho Phật tử mỗi lần nghe là mỗi lần cảm thấy hoàn toàn mới lạ thể như chưa được nghe ai giảng đề tài ấy lần nào. Thầy không dùng những ngôn ngữ cao sang, những văn từ bóng bẩy, lối diễn đạt lại không thiên về triết lý, mọi thứ đều nhẹ nhàng, bình dị nhưng lại chứa chan nhiều đạo vị sâu sắc đượm thắm nghĩa tình. Những ai có duyên được nghe pháp thoại của Thầy, được gặp gỡ hoặc tiếp xúc với Thầy dù chỉ một lần, sẽ cảm nhận ngay được sự thanh thoát, thảnh thơi và tràn đầy an lạc.

Chúng tôi là hàng đệ tử, luôn nhận được sự giáo dưỡng thâm trầm dẫu giản đơn bằng vài lời nói từ tốn hay lặng lẽ trong những việc làm rất tích cực của Thầy, chúng tôi đều rất quý trọng, nâng niu và lưu tâm gìn giữ tất cả. Nhất là những lời Thầy dạy, những bài Thầy giảng, ngoài một bộ phận chuyên môn về phim ảnh, âm thanh, ánh sáng của chùa phụ trách, chúng tôi luôn có ghi âm để sau này tiện việc phổ biến rộng rãi đến mọi người xem dưới dạng ấn phẩm. Những ai chưa có dịp diện kiến trực tiếp với Thầy có thể xem nghe qua đĩa hình, qua băng nén mà nhất là qua sách vở. Đây là gợi ý chung của đại chúng cũng như yêu cầu chung của rất nhiều người.

Tập sách PHẬT PHÁP CỨU ĐỜI TÔI này ra đời xuất phát từ tâm lành của toàn thể quý thầy bổn tự chúng tôi sau khi thông qua sự kiểm trathẩm duyệt kỹ. Kính thưa lên Thầy và nhận được sự hoan hỷ đồng ý, chúng tôi trân trọng chuyển thể bốn bài giảng của Thầy từ văn nói sang văn viết, gồm Phật pháp cứu đời tôi, Ngu si sinh tử, Giả và Vui buồn mùa xuân như một công việc mang đầy ý nghĩa diễm phúc. Tập sách vỏn vẹn chỉ có hơn 140 trang nhưng nội dung lại chứa đựng những lời khuyến tấn tu hành, những lời ân cần nhắc nhở mọi người tựa như những cảnh ngôn có tác dụng chuyển hóa thiết thực mọi vướng bận, buồn đau cho tất cả.

Tập sách vừa là một trang đạo, vừa là một trang đời đẫm đầy mọi thử thách, chông gai mà Thầy đã từng trải, đã đi qua trong suốt cuộc hành trình của tháng năm tuổi trẻ. Và thực trạng hiển nhiên của những lần tiếp xúc, đối diện ấy đã giúp Thầy rút ra được nhiều bài học bổ ích, những giá trị sống hữu hiệu cũng như nhiều kinh nghiệm đối nhân xử thế sâu sắc cho bản thân. Tập sách còn là một thanh âm giản dị, từ hòa xuất phát tự đáy lòng của một con người cũng rất giản dị, từ hòa như Thầy, cả cuộc đời dường như chỉ biết quên mình để sống vì người, vì an vui và lợi lạc cho hết thảy.

Chúng tôi ghi lại những dòng này như một lời thưa thỉnh chân thành về tập sách nhỏ và cúi kính dâng nó lên Thầy tôi trong niềm biết ơn vô bờ trước những gì cao cả, tốt lành mà Thầy vẫn mãi trao ban, dành tặng cho chúng tôi cũng như toàn thể đại chúng. Ngưỡng mong chư Phật sẽ luôn thùy từ gia hộ cho Thầy được sức khỏe dồi dào, tuệ đăng thường chiếu. Thầy sẽ mãi tiếp tục sứ mạng hóa độ thiêng liêng không ngừng nghỉ của mình, sẽ mãi chèo chống thuyền từ đưa bao lớp khách trần lần lượt vượt sông mê.

Mùa Vu lan tháng bảy
Ban Văn hóa chùa Hoằng Pháp kính ghi

Phật pháp cứu đời tôi
Kính thưa đại chúng!

Tất cả chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này, có người sinh ra được cả thế giới biết, có người sinh ra cả nước biết, có người sinh ra cả tỉnh biết, có người sinh ra cả huyện biết, có người sinh ra cả dòng họ biết, có người sinh ra chỉ có cha mẹ hoặc một vài người thân biết. Trong số những người sinh ra đó, tôi sinh ra chỉ có cha mẹ và một số người thân của cha mẹ biết mà thôi. Vì cha mẹ tôi ở miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, không có anh em thân thuộc đi theo, cũng không có chức có quyền hay giàu có gì cả, nên không có bạn bè nhiều.

Có người sinh ra có những điềm lành báo trước, có người sinh ra đẹp trai hoặc tướng tốt, có người sinh ra trong gia đình địa vị giàu sang. Còn tôi sinh ra trong gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc, không có điềm lành khi sinh, không đẹp trai hay tướng tốt, cũng không giàu có sung sướng. Qua sự so sánh trên, đủ biết tôi sinh ra đời kém phước, kiếp trước vụng tu nên kiếp này không được tốt đẹp như người. Đó là nhân quả của mình, nhân nào quả nấy, mình làm mình chịu chứ than trách ai.

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi, hết Xuân tới Hạ, hết ngày tới đêm, tôi cũng lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của cha mẹ. Đến khoảng năm 1966, có một sự việc xảy ra mà tôi vẫn còn nhớ rõ. Thời đó, quân đội Mỹ còn đóng tại miền Nam Việt Nam. Ba tôi là lính công binh liên đoàn 30 đóng tại Thành Ông Năm, Hóc Môn. Lúc đó, nhà tôi ở mặt tiền đường, gần cổng nhà thờ Nam Hưng. Thỉnh thoảng, quân đội Mỹ hành quân tại Củ Chi. Mỗi lần đi như vậy rất đông, nào là xe Jeep, xe Cargo chở lính, xe thiết giáp chạy một dọc ầm ĩ trên đường.

Khi nghe tiếng xe thiết giáp, bọn con nít chúng tôi biết là quân đội Mỹ đi hành quân, nên kéo ra bên đường đứng, tay cứ vẫy vẫy, miệng la “ô kê”, “ô kê”. Quý vị có biết vẫy tay như vậy làm gì không? Không phải chúng tôi vẫy tay chào mừng họ, con nít biết gì mà chào mừng, chẳng qua vẫy tay để được lính Mỹ quăng cho bánh, kẹo hoặc đồ hộp. Khi họ quăng xuống như vậy, bọn con nít chúng tôi nhào lại tranh giành, đôi khi vì muốn được phải ẩu đả lẫn nhau. Thời đó, có nhiều đứa vì tranh giành bánh kẹo chạy ra đường bị xe cán chết thật thê thảm.

Một hôm, sau khi quân đội Mỹ hành quân từ Củ Chi trở về, đoàn quân dừng lại tạm nghỉ tại Thành Ông Năm, ngay phía trước nhà tôi. Bọn con nít chúng tôi thấy vậy cũng kéo ra bu quanh họ để kiếm bánh kẹo, nhưng có lẽ do họ đi hành quân về hết lương thực nên không cho đám con nít chúng tôi cái gì cả. Lúc ấy, ngay trước nhà tôi có đậu một chiếc xe Jeep, trên xe có hai ông lính Mỹ, một ông Mỹ đen và một ông Mỹ trắng. Ông Mỹ đen ngồi lái xe, ông Mỹ trắng ngồi kế bên. Chúng tôi lại gần để làm quen kiếm bánh, nhưng có lẽ do họ sợ điều gì nên vẫy tay đuổi đi. Chúng tôi bèn đứng cách xa khoảng hai mét. Lúc đó, tôi nhìn thấy một lon bia để bên hông xe, cạnh ông Mỹ đen. Nhìn lon bia, tôi liền nghĩ đến ba mình mỗi ngày đi làm về, chiều nào ăn cơm cũng uống một ly rượu đế, nếu được uống lon bia này chắc ngon lắm.

Quý vị biết thời đó bia lon rất hiếm, chỉ có bia chai thôi. Nhà giàu mới có tiền mua bia lon uống, không như bây giờ nhìn thấy bia lon quá thường. Vì muốn ba mình được uống bia lon, nên tôi mon men lại gần và chộp ngay lon bia rồi chạy, nhưng không hiểu sao chạy được hơn ba mét bèn dừng lại xem ông Mỹ đen có đuổi theo không. Lúc đó, tôi thấy ông Mỹ đen móc súng ngắn ra định bắn thì ông Mỹ trắng cầm tay giữ lại, tôi thấy vậy hoảng quá chạy một mạch vào nhà trốn. Thế là thoát chết. Nếu lúc đó ông Mỹ đen mà bắn thì ngày nay chắc thân tôi thịt nát xương tan, thành đất hết rồi. Đâu còn cơ hội để nói chuyện với quý vị hôm nay.

Sau đó, nhà tôi chuyển đi Sóc Trăng. Ở khoảng ba năm rồi lại chuyển qua Long Xuyên. Long Xuyên thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho nên tôi rất thường đi mò ốc bắt cua hoặc câu cá. Vào tháng mưa, tôi thường đi bắt cua ngoài ruộng. Trời mưa cua hay bò ra ngoài hang. Khi gặp người nó liền bò nhanh vào trong hang. Tôi thấy vậy chạy đến thò tay vào hang bắt. Có khi bị càng cua kẹp chảy máu tay. Lúc bị nó kẹp chảy máu tay, tôi nổi sân lên quyết bắt giết cho bằng được để trả thù. Quý vị thấy có vô lý không? Bắt nó bị nó kẹp là đúng rồi lại còn trả thù.

Mình bắt giết nó, nó trả thù mình là phải. Đằng này, mình lại trả thù nó. Đúng là mạnh hiếp yếu. Khi bắt được khoảng 20 hay 30 con là được một nồi canh bún riêu cua. Tôi đem về nhà bóc mai cua bỏ, còn thân nó thì cho vào cối giã. Lúc đó, nhà chưa có cối đá, lấy cái nón sắt của quân đội làm cối để giã. Sau khi giã nát, vắt lấy nước nấu canh. Khi nấu xong, riêu cua nổi lên cả mảng trông rất ngon. Canh cua mà nấu với rau đay thì tuyệt. Hôm nào có canh cua rau đay tôi thích lắm, ăn cơm nhiều hơn. Bình thường ăn ba chén cơm, có canh cua rau đay ăn bốn chén.

Có những lúc ban đêm trời mưa vừa dứt, ếch nhái ra rất nhiều, mấy đứa bạn rủ đi đâm ếch về nấu cháo ăn. Chúng tôi làm cái chỉa bằng căm xe đạp, mài thật nhọn, gắn vào đầu cây trúc. Ba đứa cùng đi, một đứa cầm đèn pin soi, một đứa cầm chỉa, nếu thấy ếch nhái là đâm, một đứa cầm sợi dây kẽm xỏ xâu ếch nhái lại. Đi khoảng hai tiếng đồng hồ, bọn chúng tôi đã bắt được mấy xâu ếch nhái, khoảng năm sáu chục con. Khi đem về nhà, không đứa nào dám làm thịt. Đứa này chỉ đứa kia, đứa kia chỉ đứa nọ. Lúc đó, máu anh hùng của tôi nổi lên, chê tụi nó là đồ nhát gan, liền đi vào bếp lấy dao ra cắt đầu từng con, rồi lột da.

Sau đó móc ruột bỏ đi, để lên thớt bằm cho nát thịt ra, trộn với hành, muối tiêu xong bỏ vào nồi nấu cháo. Cháo chín, cả bọn chúng tôi xúm lại ăn. Có những lúc đi câu được cá lóc đem về nướng trui. Mấy đứa bạn mua thêm xị rượu đế về nhâm nhi. Tôi không uống được nhưng bạn bè ép quá thì cũng phải uống cho tụi nó vui. Lúc đầu uống vào thấy cay cay đắng đắng, nhưng uống một lát thấy cũng hay hay. May là việc uống rượu này chỉ xảy ra một lần, nếu nhiều lần chắc cũng thành bợm nhậu.

Cuộc sống kinh tế gia đình tôi hơi khó khăn. Ba đi lính, mẹ ở nhà nội trợ, không có phụ giúp làm kinh tế gì cả. Chỉ chờ may mắn đến bằng cách đánh số đề, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy đổi đời gì cả, chỉ càng thêm nghèo. Do hoàn cảnh cuộc sống gia đình khó khăn, nên tôi xin đi làm thêm để phụ giúp cho gia đình, vừa làm vừa học. Tôi được một người bạn của ba giới thiệu vào làm một trong hai chỗ. Quý vị có biết làm việc gì không? Đó là lò giết heo hoặc lò giết bò.

Ngày đầu, tôi được họ dắt đến lò giết heo để thử việc. Do tôi là người mới nên họ chỉ cho làm việc lùa heo vào chỗ giết, rồi sau đó dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Có những con heo biết sắp bị giết nên nó kêu la thảm thiết không chịu đi, chúng tôi phải đánh đập lôi kéo nó vào lò. Lúc họ dùng dao đâm vào cổ heo, tôi để ý xem họ giết như thế nào, mổ như thế nào để sau này làm, vì làm những việc này tiền công cao hơn. Lúc đó, tôi rất mong được làm khâu giết mổ heo này để có được nhiều tiền phụ giúp gia đình. Tôi chỉ làm từ 24 giờ đêm đến 5 giờ sáng.

Ngày hôm sau tôi được dẫn đến lò giết bò. Đến nơi giết bò, tôi thấy họ cột 4 chân bò, 4 dây kéo về 4 góc, đầu bò ghịt vào một trụ cây trước sân. Một người đứng trên chiếc ghế cao cầm búa tạ đập liên tục xuống đầu bò. Nó đau đớn giãy giụa nhưng không cách nào thoát được, đành phải đứng chịu trận. Quá đau đớn nước mắt nó chảy ra. Đập vài chục búa, bò mới chết. Lúc đó tôi rất dửng dưng trước cái chết đau đớn của con bò, trái lại trong tâm còn chê ông ta đập dở quá, đập gì mà cả vài chục búa bò mới chết! Tôi nghĩ nếu sau này mình được làm khâu này chỉ đập chừng 5 búa là bò chết.

Quả thật ý nghĩ đầy tội lỗi độc ác. Qua hai ngày đi làm thử, ba tôi lại quyết định không cho đi làm. Lý dothức khuya quá sợ mất sức không học được. Cũng may nếu lò mổ heo, hay lò giết bò làm ban ngày, có lẽ hôm nay tôi đã thành tên đồ tể đầy tội ác rồi. Quả báo đền mạng không biết bao kiếp mới trả xong, thật là đáng sợ.

Không làm nghề giết heo, giết bò được, lúc đó tôi cũng tiếc lắm, vì không có tiền để phụ giúp gia đình. Về sau, tôi xin đi bán bánh mì rong. Quý vị có biết bán bánh mì rong là gì không? Là mình đi bán chỗ này chỗ kia, không phải ngồi một chỗ tại cửa hàng. Mỗi sáng vào lúc 3 giờ tôi phải thức dậy để đi lấy bánh mì. Với cái tuổi mê ăn mê ngủ mà chịu thức sớm như vậy là cả một sự nỗ lực. Bình thường thì ngủ 7, 8 giờ mới thức dậy. Từ nhà đến lò bánh mì phải đi bộ hơn hai cây số. Tôi mua bánh mì tại lò rồi bỏ vào trong bao vải, bao này là bao quân trang của quân đội thời đó. Bánh mì mới ra lò cho nên còn nóng, vác lên lưng vừa nặng lại vừa nóng. Lúc đầu đi còn khỏe, càng đi xa càng thấy nặng. Đã thế, vừa đi lại phải vừa rao: “Bánh mì đây, bánh mì nóng dòn đây!”. Ngoài đường, xe chạy ồn ào, phải la lớn người ta mới nghe.

Những ngày đầu đi bán la khan cả tiếng. Khi đi bán như vầy, quý vị biết hạnh phúc nhất là gì không? Là được nghe người ta kêu mua bánh mì. Mỗi lần nghe kêu “bánh mì” là mừng lắm, mặc dù mệt nhưng cũng cố chạy nhanh đến bán, vì mỗi sáng có rất nhiều đứa trẻ cùng lứa đi bán, nếu mình không nhanh chân thì mất khách và phải bán lâu hơn, đi xa hơn. Có những hôm bán sớm, nhiều nhà còn ngủ, nghe tiếng rao của mình, họ mở cửa ra chửi và còn hâm dọa kêu cảnh sát bắt nữa. Nghe vậy tôi sợ quá, chạy đi chỗ khác bán. Có những hôm bán đắt thì khoảng 6 giờ sáng là hết, nếu ế phải tới 7, 8 giờ. Bán xong, lời được đồng nào là tôi đem về gia đình hết, không dám tiêu xài, trái lại còn mong cho được nhiều tiền để phụ giúp gia đình. Có những đứa bạn cùng bán chung thấy nó ăn xài nhiều quá, tôi bèn hỏi ăn như vậy thì tiền lời đâu còn bao nhiêu, rủi cha mẹ có hỏi thì làm sao. Nó nói là bán 50 ổ thì nói dối là bán 30 ổ, số tiền lời 20 ổ đó thì xài.

Thời gian cứ trôi qua, con người ngày một lớn, tâm sinh lý cũng phát triển theo thể xác. Một đêm nọ, vào ngày thứ bảy, tôi xin cha mẹ đi xem cải lương trong xóm. Thời điểm đó, gia đình nào khá lắm mới mua nổi ti vi, mà ti vi trắng đen chứ chưa có ti vi màu như ngày nay. Cả xóm chỉ vài nhà có ti vi. Những nhà này rất tốt, hàng tuần vào tối thứ bảy có chương trình cải lương, họ đem ra phía trước nhà cho mọi người đến xem. Dân miền Tây rất mê cải lương, cho nên cứ tối thứ bảy họ đi xem rất đông, kẻ đứng người ngồi chật cả sân nhà, giống như ngày nay chúng ta đi xem chương trình ca nhạc sống ngoài trời vậy. Hôm đó, hai đứa bạn trai không xem cải lương rủ tôi đi dạo mát. Lúc đi, tụi nó mới thổ lộ là sẽ rủ một con nhỏ hàng xóm cùng đi. Con nhỏ tuổi khoảng 14, 15 nhưng đã hư, thường hay đi chơi đêm với những đứa con trai khác.

Nghe tụi nó bàn như vậy, tôi can ngăn sợ có chuyện gì xảy ra là ở tù cả đám. Nhưng hai đứa kia cứ thuyết phục mãi. Vì tuổi trẻ bồng bột, lại thêm vấn đề ái dục rất mạnh, nên tôi cũng xiêu lòng đồng ý. Lúc đó, tôi và một đứa đi vào trong khu mộ nơi cánh đồng chờ đợi. Còn một đứa quen con nhỏ đó có nhiệm vụ về dụ dỗ nó ra. Trước đây, khi đi ngang khu mộ này, chúng tôi rất sợ ma, vì người ta đồn ma rất nhiều. Không hiểu sao hôm đó chúng tôi lại không biết sợ ma, chắc có lẽ do sức mạnh của tình dục chăng? Hai đứa vào đó ngồi chờ, nhưng chờ mãi đến hơn 22 giờ đêm không thấy nó dắt con nhỏ kia ra. Lúc đó, chúng tôi thất vọng đi về, sợ ngồi lâu hết cải lương về nhà sẽ bị cha mẹ rầy la. Quả đúng như dự đoán, về đến nhà thì hết cải lương. Gia đình hỏi tại sao về trễ, phải nói dối là trời nóng nực đi uống nước mía với bạn nên về trễ.

Sáng hôm sau gặp lại đứa bạn hỏi lý do, nó nói là hôm đó cải lương hay quá, con nhỏ mê xem nên rủ mãi không chịu đi, ngồi dụ một hơi không được, thấy cải lương hay quá thế là ngồi xem luôn. Quý vị nghe có tức không? Trong khi mình ngồi ngoài mả đợi từng phút từng giây, nó ở nhà ngồi xem cải lương. Lúc đó tôi tiếc lắm, nhưng bây giờ mới biết là may mắn. Nhờ trắc trở như vậy mình mới không phạm vào tội lỗi. Kể từ đó đến nay tôi cố gắng giữ mình không để phạm vào sắc dục. Nếu ngày đó vướng vào sắc dục, có lẽ bây giờ cái giây oan nghiệt đó cột trói mình không biết bao giờ thoát ra được. Thật là may mắn.

Trong thời gian nghỉ hè, vì rảnh rỗi nên tôi lấy những quyển kinh sách ra đọc cho đỡ buồn. Những quyển sách này gia đình tôi đem theo từ Hóc Môn, do Sư Tổ chùa Hoằng Pháp cho. Hồi đó, sách Sư Tổ ấn tống rất nhiều và ai đến chùa Ngài cũng đều tặng. Ngoài những sách của chùa Hoằng Pháp ra, còn có những sách của các sư. Sư Tổ chùa Hoằng Pháp rất quý các sư Khất sĩ, thường hay mời pháp sư Giác Nhiên ở Tịnh Xá Trung Tâm quận Gò Vấp về giảng. Mỗi lần đi giảng, pháp sư đều mang theo kinh sách tặng cho Phật tử.

Lần đầu, tôi đọc cuốn “Lược Sử Phật Tổ” do chùa Hoằng Pháp ấn tống. Sau khi đọc xong, tôi bị thu hút bởi cuộc đời cao quý của đức Phật. Tôi tự nghĩ: về gia tộc Phật sinh ra thuộc dòng vua chúa; về thân thể Phật có 32 tướng tốt; về trí tuệ Phật thông minh hơn người; về địa vị Phật là Thái tử con vua; về quả phước Phật hưởng thụ đầy đủ mọi thứ hạnh phúc trên cuộc đời. Thế mà Ngài đã từ bỏ tất cả địa vị, quyền thế, vợ đẹp, con ngoan, giàu sang, sung sướng để một thân một mình vào rừng sâu tu hành khổ hạnh tìm cầu chân lý cứu độ chúng sinh, thật là cao quý biết bao! Nếu đem bản thân mình ra xét thì tôi chẳng có một thứ gì xứng đáng để bỏ cả. Vậy mình còn ham muốn làm chi những thứ mà Ngài đã bỏ, để rồi lãng phí cả một đời người theo đuổi tìm cầu!

Từ đó, tôi bắt đầu chuyển hướng cuộc đời, dốc chí vào việc tìm hiểu Phật pháp, say mê tìm đọc những sách có sẵn ở nhà như cuốn “Tứ Kệ Tĩnh Tâm”, “Ánh Nhiên Đăng” của pháp sư Giác Nhiên, cuốn “Dưới Mái Nhà Xưa” của pháp sư Giác Tường, cuốn “Giác Huệ Thi Tập” của pháp sư Giác Huệ v.v… Những cuốn sách này đã nằm im trong tủ gần 6 năm, được tôi đem ra đọc một cách trân trọng và mới biết là quý giá. Đúng là pháp bảo. Của báu để trong nhà từ lâu mà không biết xài. Nhất là khi đọc bài “Lời Thầy Dạy” của pháp sư Giác Nhiên trong cuốn “Ánh Nhiên Đăng”, cứ như Ngài thúc giục tôi mau mau xuất gia:

Này đồ đệ lắng nghe thầy chỉ dạy
Việc tu hành cố gắng hỡi này con!
Con muốn tu cho đạo quả vuông tròn
Hãy vâng giữ y lời thầy dạy bảo.
Này con hỡi cuộc đời đầy huyên náo
Khổ dương trần không thể kể cho cùng
Phật dạy rằng suối giọt lệ dồn chung
Từ vô thủy, đến nay hơn nước biển
Lòng bác ái, nên thầy đây nhủ khuyến
Khêu đèn từ đuốc huệ dắt dìu con
Này con ơi! Vạn vật chẳng thường còn
Mê chi mãi, chôn cuộc đời tươi thắm.
Con chẳng rõ, nên con còn say đắm
Tưởng đâu rằng tuổi thọ mãi tồn sinh
Tưởng đâu rằng hạnh phúc mãi cho mình
Không không phải, này con ơi nên rõ
Ngôi Thái tử Tất Đạt Đa còn bỏ
Vào rừng non tuyết lạnh để tu hành
Thấy cuộc đời toàn sinh tử bao quanh
Đau khổ mãi có chi đâu hạnh phúc

Hoặc đoạn khác:

Này con hỡi cuộc đời con có ngán
Ngán sao con chẳng chịu bước chân đi
Ngán sao con mê mết mãi làm gì
Nước tới ngực con nhảy sao cho khỏi.
Danh với lợi là xích xiềng cột trói
Bao anh hùng đắm lụy bởi tài hoa
Chữ ái tình tiêu tan hết cửa nhà
Sắc xinh đẹp làm hư thân hoại thể.

Từ đó, tôi bắt đầu đi chùa để học hỏi thêm giáo lý và mỗi đêm đều đến chùa tụng kinh. Thời đó, gần nhà tôi có một nơi phổ biến giáo lý Hòa Hảo. Ở miền Tây, nhất là khu vực Long Xuyên, đa sốtín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Hằng ngày cứ vào lúc 5 giờ sáng và 17 giờ chiều họ đều đọc những bài sám giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ trên loa phóng thanh. Những lời sám của Ngài theo thể thơ lục bát rất dễ đọc, dễ hiểu. Họ đọc như ngâm thơ khi trầm khi bổng nghe rất hay, rất dễ đi vào lòng người. Tới giờ họ phát thanh, tôi đều chăm chú lắng nghe, học tập và thuộc lòng nhiều câu.

Càng tìm hiểu Phật pháp, tôi càng say mê. Qua giáo lý nhân quả… dần dần tôi tập ăn chay 1 tháng 4 ngày, rồi đến 10 ngày và ăn chay trường. Lúc ăn chay trường, gia đình không cho nói là sẽ mất máu, mất sức, nhưng lúc đó tôi quyết chí ăn. Nhiều lúc không có gì ăn, chỉ có rau muống luộc chấm nước tương nhưng ăn lại rất ngon. Vì gia đình không muốn cho ăn nên không mua thức ăn chay để tôi chán ngán khỏi ăn. Nhưng lâu lâu có lẽ cũng thấy tội nghiệp nên mẹ mua cho một miếng đậu hũ ăn. Hôm nào được ăn đậu hũ mừng lắm, như đứa nhà nghèo được ăn bữa thịt heo quay vậy.

Lúc đó tôi rất muốn đi xuất gia nhưng xin gia đình không cho. Tôi đem tâm nguyện xuất gia của mình thưa với quý thầy trong chùa. Quý thầy nói cố gắng đi chùa tụng kinh, khi nào đủ nhân duyên rồi sẽ đi được. Lúc đó tôi cũng lý luận lắm, hỏi lại thầy chừng nào mới đủ duyên. Ngày xưa Thái tử Tất Đạt Đa xin xuất gia vua cha không cho phải trốn đi, nếu nói đợi cho đủ duyên thì biết bao giờ Ngài mới xuất gia được. Nếu Thái tử Tất Đạt Đa không trốn đi xuất gia thì ngày nay làm sao có Phật Thích-ca dạy chúng ta tu hành. Quý thầy cười nói, Phật khác còn con khác. Con có dám vào rừng ở tu như Phật không? Tôi trả lời là dám. Quý thầy nói thôi đi ông ơi! Vào rừng ma nó nhát bỏ chạy về không kịp.

Có lần, sư Giác Huệ ở Sài Gòn về Tịnh xá Ngọc Giang thuyết pháp, tôi đến xin Sư xuất gia, nhưng Sư nói tuổi còn nhỏ nên không nhận, vì xuất gia theo Khất sĩ rất cực, phải 18 tuổi trở lên mới đủ sức theo. Lúc đó tôi đọc nhiều sách của hệ phái Khất sĩ, thấy đường lối tu giống Phật nên thích lắm muốn tu theo Khất sĩ.

Do tâm nguyện xuất gia quá mãnh liệt, nên tôi rủ một đứa bạn trốn đi. Hai đứa tính toán thời gian và địa điểm xong, sáng hôm sau nó qua nhà tôi vào lúc 4 giờ, do ba tôi đang chuẩn bị đi làm nên phải chờ tới 5 giờ ông đi rồi mới dám đi. Hai đứa hớn hở như con chim được xổ lồng, nghĩ rằng mình được toại nguyện xuất gia. Chúng tôi vừa đi qua khỏi cầu Cái Dung thì có một chiếc xe lôi chạy tới. Xe lôi này là một chiếc xe Hon da hai bánh, kéo thêm một cái thùng xe phía sau gọi là xe lôi. Trời mới tờ mờ sáng chúng tôi liền ngoắc xe lại để đi Long Xuyên.

Xe vừa dừng thì có một người đàn bà to béo từ trên xe nhảy xuống chộp áo thằng bạn, rồi la tôi: “Mày dụ dỗ con tao đi tu phải không?”. Tôi sợ quá nói: “Đâu có! Tự nó đi chứ con đâu có rủ”. Thế là bà la tôi một lúc rồi lôi đứa con về nhà. Sau khi nó về, tôi thắc mắc không biết tại sao mẹ của đứa bạn lại biết mà đi bắt nó. Không biết xui xẻo thế nào lại đón đúng ngay xe của mẹ nó. Sau này dò hỏi mới biết là sáng hôm đó, nó dậy sớm, gia đình sinh nghi, vì mọi ngày nó ngủ tới bảy tám giờ sáng. Hằng ngày vào lúc 4 giờ sáng mẹ nó thường hay thắp nhang cúng lạy nơi bàn thờ. Hôm nay thấy nó dậy sớm và có để tờ giấy gì trên bàn thờ, lúc nó đi bà mới lấy ra xem và biết nó trốn đi tu, liền đón xe đuổi theo. Tôi hỏi nó tại sao lại viết giấy? Nó nói vì sợ bà má không biết mình đi đâu, rồi buồn khổ khóc lóc đi kiếm tội nghiệp.

Thua keo này bày keo khác, tôi về nhà suy nghĩ: “Sao mình ngu quá, ban ngày thiếu gì cơ hội trốn đi, đi sớm làm gì để bị bắt”. Lần sau, chúng tôi trốn đi vào lúc 12 giờ trưa, vì thời điểm này gia đình không để ý. Sau khi ăn cơm trưa xong, tôi rủ đứa bạn lần trước bị mẹ bắt lại nhưng nó không dám đi nữa. Thế là tôi phải rủ đứa khác đi. Vì từ khi biết Phật pháp tôi cũng đã hướng dẫn được một số bạn đi chùa thường xuyên, đem Phật pháp nói cho các bạn nghe, nên đứa nào cũng mộ đạo. Do vậy rủ đứa này không đi thì rủ đứa khác.

Lần này chúng tôi trốn đi một cách êm xuôi. Chùa mà chúng tôi đến là do thầy trụ trì chùa Hội Tông giới thiệu. Chùa nằm ở bên cù lao, chúng tôi phải đi đò qua một con sông lớn mới tới. Sau khi được thầy trụ trì đồng ý cho ở tu, chúng tôi mới gởi thư về báo cho gia đình biết. Được tin, vài ngày sau mẹ tôi qua thăm và đồng ý cho ở chùa tu, nhưng ngược lại tôi thì đòi về. Quý vị thấy con nít tánh khí bất thường, lúc này lúc khác. Không hiểu do nhân duyên không hợp hay lúc đó tôi thích tu theo hạnh Khất sĩ nên đòi về. Thế là mẹ tôi phải xin lỗi thầy trụ trì và đưa chúng tôi về.

Học vừa hết năm lớp 9, tôi xin về chùa Hoằng Pháp xuất gia. Do sự tha thiết của tôi nên cha mẹ đồng ý cho đi. Mẹ tôi đưa đi. Khi về Thành Ông Năm nhờ bà Phồn dắt vào giới thiệu với Sư Tổ, Ngài nhận liền. Tôi ở lại chùa còn mẹ tôi ra ở tạm nhà người thân gần nhà thờ Châu Nam, sáng hôm sau sẽ trở về Long Xuyên. Tôi ở chùa từ sáng tới chiều một mình bơ vơ, không quen biết với ai, không được ai hướng dẫn chỉ bảo, tôi cảm thấy buồn chán muốn trở về (ở đây chỉ nói riêng với quý thầy). Đây là vấn đề tâm lý mà quý thầy cũng nên quan tâm lưu ý.

Có những người mới đến chùa hoặc mới đến xin xuất gia, nếu như họ đã từng đến chùa mình thì sẽ không lo ngại bỡ ngỡ hoặc bị lạc lỏng. Đối với người mới đến chùa lần đầu không quen biết ai, chưa biết gì hết tất cả đều xa lạ với họ, nếu chúng ta không quan tâm hướng dẫn, họ sẽ bị lạc lỏng bơ vơ, dễ bị thối thất tâm Bồ-đề. Điển hình như trường hợp của tôi. Khi ở nhà muốn đi tu cho bằng được, đến chùa rồi lại chán nản muốn trở về. Chiều hôm đó tôi xin Sư Tổ ra gặp mẹ. Sư Tổ có lẽ biết tôi muốn về nên không cho đi, tôi năn nỉ mãi với lý do ra tiễn mẹ về quê rồi sẽ trở lại.

Thật ra trong lòng muốn về luôn. Cuối cùng Sư Tổ cũng đồng ý. Khi tôi ra gặp mẹ và xin trở về, bị bà la cho một trận. Sau đó bà dụ cố gắng ở hết kỳ hè bà sẽ lên rước về. Thế là lúc này tôi bị tu chứ không phải muốn tu như trước nữa. Quý vị thấy có buồn cười không! Tôi miễn cưỡng vào chùa tu một thời gian. Sau đó, quen người quen chỗ rồi tôi mới lấy lại ý chínghị lực, vui vẻ tu học. Bây giờ nghĩ lại, nếu như lúc đó không bị mẹ la, bắt buộc ở lại tu chắc có lẽ không còn cơ hội để xuất gia nữa.

Nếu ngày đó tôi không hiểu Phật pháp, không xuất gia tu hành thì bây giờ không biết mình đang làm gì? Có thể làm Giám đốc một Công ty nào đó, hoặc làm thuê làm mướn, hoặc có thể là tên bợm nhậu, hoặc tên ăn trộm v.v… Làm Giám đốc Công ty thì không thể có rồi, bởi tôi biết mình không có tài, học thì dở; làm thuê làm mướn, hoặc đạp xích lô, ba gác thì nắm chắc, cũng có thể trở thành tên ăn trộm ăn cướp. Vì ở ngoài đời phải lấy vợ, không những lấy một vợ mà còn có thể lấy nhiều vợ, rồi có nhiều con; nhà nghèo đói khổ vì thương vợ, thương con làm liều đi ăn trộm để có tiền nuôi vợ, nuôi con, rồi bị ở tù.

Tôi cũng không biết ở ngoài đời mình sống có được hạnh phúc không? Giàu có hay đói khổ? Nếu giàu có thì sinh tật ăn chơi, vợ nhỏ vợ bé, sát sinh hại vật để bồi bổ xác thân, theo bạn bè làm ăn nhậu nhẹt say sưa. Nếu nghèo khổ thì tìm mưu nọ chước kia để lừa gạt người, hoặc trộm cắp để có tiền nuôi vợ nuôi con. Giàu hay nghèo gì cũng có thể sa đọa, gây tạo tội lỗi. Nghĩ đến đây tự nhiên tôi sợ quá. A-di-đà Phật, nếu không nhờ Phật pháp, không xuất gia tu hành thì ngày nay sẽ làm gì, ở đâu, hạnh phúc hay đau khổ, giàu có hay nghèo đói, tự do hay tù tội, một vợ hay nhiều vợ, thành người tốt hay thành bợm nhậu... Tôi chắc chắn rằng với những hành động mà mình đã phạm khi nhỏ, lớn lên sẽ ngày một tăng thêm.

Quý vị nhìn mặt chúng tôi xem có hiền không? Cũng hiền phải không, nhưng cũng đủ thứ tệ hết, nào là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu không thiếu thứ gì. Ngay lúc nhỏ vì thương cha muốn cho cha uống bia đã cả gan ăn cắp của ông Mỹ đen một lon bia, từ nhân này có thể về sau vì thương vợ thương con đi cướp của giết người. Lúc nhỏ đã đi mò ốc, bắt cua, đâm ếch đâm nhái, cắt đầu lột da súc sinh, lớn lên chắc chắn vì muốn thỏa mãn khẩu vị sẽ sát sinh hại vật nhiều hơn, hoặc vì đồng tiền có thể trở thành tên đồ tể đâm heo, đập đầu bò.

Tuổi còn trẻ đã bị bạn bè rủ rê ăn nhậu, lớn lên vì làm ăn xã giao có thể trở thành bợm nhậu, hư thân mất nết, làm khổ vợ con, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Còn nhỏ mà đã bị bạn rủ đi dụ dỗ con gái người ta, nếu lớn lên vì đắm mê sắc dục sẽ làm những chuyện tồi bại hơn. Không nói chi nhiều, chỉ một việc ăn thôi. Trong 30 năm qua nếu tôi không xuất gia, không trường chay, thử tính xem mình đã ăn thịt biết bao nhiêu chúng sinh. Lấy cá làm thí dụ thôi, mỗi ngày ăn một con, đó là loài cá lớn, nếu tính loại cá cơm thì cả trăm con. Vậy một năm ăn bao nhiêu con, rồi 10 năm cho đến 30 năm biết bao nhiêu sinh mạng chết vì cái thân giả tạm của mình!

Nếu không biết Phật pháp, không xuất gia tu hành thì 30 năm qua tôi gây tạo thêm biết bao tội lỗi. Nhờ tu hành mà 30 năm qua tôi không sát sinh hại vật để ăn thịt, không nói dối để lừa đảo ai, không trộm cắp của ai, không uống một giọt rượu bia nào, không dụ dỗ ai để thỏa mãn sắc dục. Nói chung, nhờ Phật pháp mà 30 năm qua tôi không gây khổ cho ai, có chăng là do vô tình chứ không cố ý, như vấn đề tình cảm chẳng hạn. Vấn đề này là do người ta chứ không phải mình chủ động gây khổ. Thí dụ có cô nào đó thương mình, họ âm thầm hay thổ lộ tình cảm với mình, nhưng vì đã xuất gia nên không thể đáp lại tình yêu đó nên họ khổ. Thật ra đã là con người, ai cũng biết yêu thương, ai cũng có đầy đủ thất tình lục dục. Vì con người cũng là loài động vật cho nên có đầy đủ tính chất con vật. Nhưng do mình biết tu nên chuyển hóa tình yêu vị kỷ thành tình yêu vị tha. Chúng tôi còn nhớ một bài thơ của sư Giác Huệ trong cuốn “Giác Huệ Thi Tập”:

Hỏi người tu có tình yêu không nhỉ
Nếu nói không là những kẻ vô tri
Nếu nói có là những kẻ tình si
Không với có xin ai dùm giảng giải?
Đây đáp lại những lời trên vừa hỏi
Có mà không, không mà có mới lạ kỳ
Không là không cái tình ái li ti
Có là có cái tình yêu đại hải.

Hoặc như một bài khác:

Ta có tình yêu rất đậm nồng
Yêu đời yêu đạo lẫn non sông
Tình ta chan chứa trong hoàn vũ
Ta chẳng yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu
Vậy thì tâm trí phải xoay chiều
Hướng về phụng sự cho nhân loại
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu.

Đối với tôi nói riêng với người xuất gia nói chung, nhiều khi các cô thấy người tu hành hiền lành dễ thương, không uống rượu, không ăn chơi hoặc học giỏi, thuyết pháp hay rồi đem lòng thương yêu muốn chiếm đoạt làm của riêng. Mơ tưởng đến một tương lai đầy hạnh phúc với người mình thương. Khi tình cảm phát sinh thì thường trái tim làm chủ lý trí, dẫn đến si mê. Nghĩ rằng tình yêu của mình là đẹp, là hạnh phúc. Đâu biết rằng ái tình giống như những hạt sương lấp lánh trên ngọn cỏ khi mặt trời vừa mọc, xa xem nó lấp lánh như những hạt kim cương, nhưng khi đến gần nó chỉ là những giọt lệ đau thương. Bởi vì sao? Vì người xuất gia ở chùa từ nhỏ chỉ biết lo tu học không có nghề nghiệp gì cả, dù có học giỏi, có bằng cấp TiếnPhật học đi nữa thì khi ra đời cũng không xài được, không tranh giành hơn thua với người thế gian được, không thể đi thuyết pháp cho người ta nghe. Khi xuất gia thuyết pháp người ta còn nghe, ra đời thuyết pháp ai mà nghe. Lúc đầu mới yêu cứ nghĩ là chỉ cần một túp lều tranh với hai quả tim vàng là đủ hạnh phúc. Nhưng khi làm không ra tiền, nghèo đói quá không đủ sức yêu thì hạnh phúc chỉ còn là những giọt lệ đau thương mà thôi. Cành hoa hồng chỉ để ngắm thì rất đẹp, nếu muốn chiếm đoạt nó, nắm giữ nó coi chừng sẽ bị gai đâm chảy máu.

Cho nên, nếu có ai lỡ thương người xuất gia thì hãy chuyển tình yêu vị kỷ thành tình yêu vị tha. Hy sinh tình cảm cá nhân để cùng nhau phụng sự nhân loại. Chỉ có tình yêu đó mới là hạnh phúc chân thật. Còn tình yêu vị kỷ chỉ đem đến đau khổ cho nhau mà thôi.

Tóm lại, nhờ Phật pháp mà tôi xuất gia tu hành, 30 năm qua không gây đau khổ cho ai, trái lại còn làm được những việc lợi ích tốt đẹp cho người. Tôi rất biết ơn chư vị tôn túc đã có tâm nguyện hoằng pháp, đã ấn tống kinh sách cho mọi người đọc, trong đó tôi cũng nhờ những cuốn sách ấn tống này mà hiểu biết Phật pháp, giác ngộ thế gian vô thường, thân người giả tạm để xuất gia tu hành. Tôi cũng phát nguyện sẽ noi gương các vị Tổ sư, ấn tống kinh sách để tặng cho những người vùng sâu vùng xa. Ngày xưa, nhờ đọc sự tích đức Phật Thích-ca mà tôi giác ngộ, chuyển hướng cuộc đời, xuất gia tu học. Do vậy, ngày nay tôi nguyện sẽ ấn tống thật nhiều cuốn “Lược Truyện đức Phật Thích-ca” để phổ biến cho nhiều người đọc. Hy vọng họ sẽ giác ngộchuyển hướng cuộc đời phát tâm xuất gia tu học như tôi.

Hiện nay tôi tiếp tục ấn tống cuốn “Lược truyện đức Phật Thích-ca”, cuốn sách dầy khoảng 150 trang, ngắn gọn nhưng thể hiện được những nét chính cuộc đời của đức Phật, dễ đọc, dễ hiểu, dễ phổ cập trong quần chúng. Tôi rất mong quý Phật tử thấy được sự lợi ích của pháp bảo, hãy góp phần cùng tôi phổ biến cuộc đời đức Phật, phổ biến Phật pháp để lợi lạc cho mọi người. Chúng ta hãy cứu nhân sinh bằng Phật pháp. Vì Phật pháp có thể chuyển hóa khổ đau, chuyển hóa cuộc đời hiện tại và tương lai ngày một tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta bố thí tài vật cho người đói khổ thì chỉ giúp họ vượt qua cơn đói kém hiện tại,nhưng tương lai họ vẫn tiếp tục nghèo đói khổ sở. Vì sao? Vì ngày nay họ chịu quả cay đắng là do quá khứ gieo nhân cay đắng. Muốn sau này ăn quả ngọt thì bây giờ phải gieo nhân ngọt. Đó là nhân quả rõ ràng. Bố thí pháp là giúp cho họ hiểu biết nhân quả, tự họ chuyển biến cuộc đời của họ để hiện tại và tương lai được tốt đẹp hơn.

Có người cho rằng kinh sách tặng cho người ta không quý không đọc. Bán họ bỏ tiền ra mua, họ mới quý mới đọc. Điều này chưa đúng lắm. Bởi lẽ đối với người đã hiểu Phật pháp thì họ mới tìm mua kinh sách để đọc, để hiểu biết thêm. Còn đối với những người chưa hiểu Phật pháp, sẽ không thiết mua kinh sách để làm gì. Đối với những người nghèo lại càng không dám bỏ tiền ra mua kinh sách, tiền không có ăn lấy đâu mua kinh sách. Nhất là ở vùng sâu vùng xa, có cửa hàng nào bán kinh sách đâu mà mua, có tiền cũng không mua được.

Do vậy, chúng ta nên phát tâm in kinh sách tặng không cho mọi người. Nếu họ không đọc thì đời con đời cháu của họ cũng sẽ đọc, không mất đâu mà lo. Chúng ta thử tính xem cả thế giới có bao nhêu người? Lấy con số tượng trưng là 5 tỷ. Vậy bao nhiêu người biết Phật pháp? Tối đa là 2 tỷ người, đây là chúng ta phỏng chừng vậy thôi, chưa chắc có được số lượng như vậy. Còn 3 tỷ người chưa biết Phật pháp, chưa biết tu hành. Chúng ta muốn chuyển hóa thế giới này hết khổ đau, hết chiến tranh, hết tội lỗi thì phải làm sao cho 3 tỷ người còn lại hiểu biết Phật pháp, tin sâu nhân quả, biết tu hành.

Đây là vấn đề mà người Phật tử chúng ta phải suy nghĩ và phải có trách nhiệm phổ biến Phật pháp cho mọi người. Họ biết tu, họ có tốt thì thế gian này mới tốt và chúng ta mới yên. Họ không biết tu, họ làm điều xấu ác thì thế gian này cũng xấu và chúng ta cũng không yên. Không nói chi thế giới, chúng ta chưa có khả năng làm việc lớn lao đó, chỉ tính đến trong nước Việt Nam thôi, hiện nay có khoảng 60 triệu dân. Thử tính coi có bao nhiêu người biết Phật pháp, biết tu hành! Chúng ta cứ cho là có 30 triệu người theo đạo Phật, nếu biếu cho mỗi người một cuốn sách thôi, thì phải 30 triệu cuốn.

Nếu rút lại mỗi nhà một cuốn thì cũng khoảng 10 triệu hộ, phải hết 10 triệu cuốn. Từ trước đến nay tôi in kinh sách biếu tặng nhiều lắm cũng chỉ 300.000 cuốn, so với 10 triệu hộ thì chưa thấm vào đâu, cho nên tôi rất ưu tư về vấn đề này. Hiện nay, các chùa ở vùng sâu vùng xa đến chùa Hoằng Pháp thỉnh sách về phát cho Phật tử địa phương, chúng tôi rất hoan hỷ, nhưng rất tiếc là không đáp ứng hết. Tôi rất mong quý Phật tử thấy được sự lợi ích của việc hoằng pháp lợi sinh, hãy góp sức cùng tôi thực hiện pháp thí.

Qua kinh nghiệm gia đình tôi thì những cuốn sách đạo đức hoặc Phật pháp cất chứa trong nhà rất có lợi. Nếu trước đây trong những lúc hè rảnh rỗi, tôi đọc phải những cuốn sách tiểu thuyết tình cảm nhảm nhí đồi bại, có lẽ bây giờ tôi cũng đã đắm chìm trong dục lạc. Tuổi trẻ thường dễ bắt chước, giống như những tờ giấy trắng, nếu chúng ta nhuộm màu gì sẽ ra màu đó. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Quý Phật tử nên lưu ý hãy đem kinh sách để trong nhà mình, đó là đem của báu để trong nhà. Một ngày nào đó con cháu chúng ta sẽ đọc và sẽ thấm nhuần Phật pháp, sống có đạo đức, tránh các việc ác, làm các việc lành, tạo hạnh phúc cho mình và người, được như vậy còn quý hơn là để của cho con. Nếu nó giác ngộ đi xuất gia tu học thì đại phước cho gia đình, cho bản thân nó và cho tất cả chúng sinh. Một người mà tu hành đắc đạo thì tất cả chúng sinh đều được thấm nhuần mưa pháp.

Phật pháp đã cứu đời tôi. Nhờ Phật pháp mà hôm nay tôi biết tu hành, có được an vui hạnh phúc. Tôi cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho mọi người thấm nhuần Phật pháp để có được an vui hạnh phúc. Và tôi cũng xin phát nguyện sẽ đem hết khả năng của mình để hoằng dương Phật pháp, nguyện sẽ tiếp tục ấn tống kinh sách phổ biến các nơi hầu đền ơn Tam Bảo, ơn thầy tổ, ơn cha mẹ và ơn đàn na tín thí.

Buổi nói pháp của chúng tôi đến đây đã hoàn mãn, thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho toàn thể quý Phật tử thân tâm thường lạc, đạo tâm kiên cố, tinh tấn trên con đường tu học!

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!


Ngu si sinh tử

Hiểu đơn giản, ngu si nghĩa là mê mờ, là không sáng, đồng nghĩa với vô minh. Vô minh là không sáng. Sinh tửsống chết, sống chết ở đây chỉ cho sự sống chết luân hồi trong Lục đạo. Tại sao ngu si lại bị sinh tử? Vì ngu si nên mới điên đảo vọng tưởng. Vọng tưởng nghĩa là suy nghĩ sai lầm, điên đảo là lộn ngược. Điên đảo vọng tưởngsuy nghĩ sai lầm lộn ngược. Thế nào là suy nghĩ sai lầm lộn ngược? Như thế gianvô thường chúng ta cho là thường, thân người vô ngã chúng ta cho là ngã. Nhân sinh là khổ chúng ta cho là vui. Suy nghĩ đó là sai lầm lộn ngược, nên gọi là điên đảo vọng tưởng.

Thứ nhất, thế gian vô thường chúng ta cho là thường. Trong kinh Kim Cang nói rất rõ về thực tướng vô thường của các pháp qua bài kệ:
"Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán."

Nghĩa là: “Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện, nên khởi quán như thế”. Câu kệ này nói rất rõ các pháp thế gianvô thường giả tạm. Tất cả pháp hữu vi như mộng. Thế gian chúng ta đang sống đây chẳng qua là một giấc mộng.

câu chuyện rất hay: ngày xưa có anh chàng họ Lữ đi thi. Như quý vị cũng biết thời nay chúng taphương tiện xe máy đi lại rất dễ dàng, ngày xưa có xe đâu mà đi. Những người ở miền quê lên tỉnh thi là cả một sự khó khăn. Những người gia đình khá thì có ngựa đi, còn gia đình nghèo thì phải quảy gói, gánh gạo đi bộ đến trường thi. Có người đi xa hàng trăm cây số hoặc vài trăm cây số mới đến trường thi. Anh chàng họ Lữ này cất công đi thi nhưng không đậu. Trên đường trở về vừa buồn, vừa đói, may mắn gặp được một ngôi chùa ở ven rừng. Anh mừng quá ghé vào xin cơm để ăn. Vị Sư ở trong chùa rất thương anh, nhưng gạo đã hết nên lấy kê ra nấu cho anh ăn đỡ đói. Trong lúc chờ nhà Sư nấu kê, mệt quá anh mới thiếp đi. Anh ngủ một giấc thật ngon và chiêm bao thấy mình thi đậu, được làm quan, được vua cho làm phò mã và gả công chúa. Được làm quan, được lấy vợ, được hưởng cuộc đời thật hạnh phúc sung sướng.

Một hôm, vua cử anh đến trấn nhậm một tỉnh xa, bây giờ có thể gọi là đi nhận chức tỉnh trưởng vậy. Vợ chồng cùng đi với một đoàn quân hộ tống. Trên đường đi ngang qua cánh rừng, vợ chồng bị quân giặc tấn công. Do số lượng quân giặc quá đông, đoàn hộ tống không cự nổi cho nên bị giết chết hết. Rồi chúng bắt vợ chồng anh họ Lữ và kề gươm lên cổ, anh chàng họ Lữ này sợ quá la lên, giật mình thức giấc. Lúc tỉnh dậy nồi kê vẫn nấu chưa chín. Như vậy anh chàng họ Lữ nằm mơ chỉ khoảng 2 hay 30 phút thôi thế mà có cảm tưởng như đã sống hơn nửa đời người, nào là: thi đậu, làm quan, làm phò mã, lấy công chúa, hưởng hạnh phúc sung sướng, rồi bị giặc bắt… trải qua thời gian lâu như vậy mà lúc giật mình tỉnh giấc nồi kê chưa chín.

Cuộc sống của chúng ta cũng không khác gì anh chàng họ Lữ. Một trăm năm chẳng có là bao, đến khi nhắm mắt chỉ thấy sống trong mộng. Cho nên, Nguyễn Công Trứ có lẽ cũng cảm nhận được chuyện này nên đã làm mấy câu:

"Ôi nhân sinh là thế!
Như bóng đèn, như mây nổi,
Như gió thổi, như chiêm bao.
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
Chợt tỉnh giấc nồi kê chưa chín."

Ông thí dụ cuộc sống này như bóng đèn. Quý vị biết bóng đèn rất mong manh dễ vỡ. “Như bóng đèn, như mây nổi”. Chúng ta nhìn lên trời thấy những đám mây lơ lửng, hợp đó rồi tan đó rất mau. “Như gió thổi”. Gió thổi thì rất nhanh, thổi qua một luồng là mất. “Như chiêm bao”. Chiêm bao là giả, là không thật. Cho nên, chúng tacuộc đời này, tuy sống có chồng vợ, cha mẹ, anh em, con cháu nhưng tất cả chỉ là mộng, là giả tạm.

Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt
Phu thê nghĩa trọng dã phân ly
Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc.
Đại hạn lai thời các tự phi.

“Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt” nghĩa là con cái đối với cha mẹ có ơn rất sâu nặng, nhưng rốt cuộc cũng phải biệt ly. “Phu thê nghĩa trọng dã phân ly”, vợ chồng chung sống với nhau tình nghĩa mặn nồng suốt cả một đời rồi cũng phải chia tay. “Nhân tình tợ điểu đồng lâm túc”, nghĩa là tình người cũng giống như chim ngủ chung nhau một cánh rừng. “Đại hạn lai thời các tự phi”, đến khi có sự cố gì xảy ra thì mạnh con nào con nấy bay đi, không con nào kéo theo con nào được. Chúng ta cũng vậy. Lúc sống có cha mẹ, chồng vợ, anh em, con cháu, đến khi nhắm mắt thì đường ai nấy đi.

Không mời tự đến, không đuổi tự đi.
Đến như thế nào, đi như thế đó.
Đến đi như gió, hợp tan như mây.
Gió mây vô thường, vấn vương chi khổ.

Chúng ta sinh ra trên đời này không ai mời mà tự đến, cũng không ai đuổi mà tự đi, đến như thế nào đi như thế đó. Sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này như gió thoảng, mây bay, vốn vô thường, giả tạm.

Biết như vậy thì sự đến và đi không có gì phải bận tâm, phải đau khổ. Cho nên, câu: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Chữ “huyễn” có nghĩa là giả. Như chúng ta nhìn thấy hình người bằng rơm đứng ngoài ruộng để đuổi chim, người đó gọi là người gì? Là người nộm, không phải người thật. Thân của chúng ta cũng vậy, chỉ là giả có mà thôi. Còn chữ “bào” có nghĩa là bọt, là bong bóng nước. Khi trời mưa, chúng ta thấy có những bong bóng nổi trên mặt nước, hoặc khi sóng đánh vào bờ sủi lên những bọt. Cuộc sống chúng ta cũng mong manh như bọt, rất dễ tan vỡ. Chữ “ảnh” có nghĩa là bóng. Như chúng ta nhìn thấy bóng mình trong gương, hoặc nhìn thấy mặt trăng ở dưới đáy hồ, mặt trăng đó thật hay giả? Chỉ là giả thôi, còn mặt trăng thật ở trên trời, trăng dưới nước chỉ là cái bóng. Hoặc khi chúng ta đi trong sa mạc, nhìn xa xa phía trước thấy có nước, nhưng đi mãi mà không thấy nước ở đâu. Vậy đó là cái gì? Đó chỉ là cái bóng nắng chứ không phải là nước.

Câu kế tiếp là: “Như lộ diệc như điện”. Chữ “lộ” nghĩa là hạt sương. Buổi sáng chúng ta nhìn thấy những hạt sương đọng trên ngọn cỏ, khi mặt trời vừa lên thì nó óng ánh rất đẹp, nhưng nắng một chút là nó tan biến mất. Chữ “điện” có nghĩa là chớp. Khi trời mưa chúng ta thấy có những tia chớp lóe lên rồi tắt, đó gọi là điện. Như vậy, câu kinh này nói rất rõ tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng, như hạt sương, như điện chớp rất mong manh, vô thường, giả tạm. Chúng ta không thấy được sự vô thường giả tạm này, lại chấp cho là thường rồi mình bám víu tham đắm tạo nghiệp, phải chịu quả báo luân hồi sinh tửsáu đường. Đó là chúng tôi nói về thế gian vô thường, mà chúng ta chấp là thường nên gọi là điên đảo vọng tưởng.

Thứ hai, thân người vô ngã chúng ta chấp là ngã, cũng là điên đảo vọng tưởng. Đức Phật nói thân chúng ta do Tứ đại hợp lại mà thành. Tứ đại là đất, nước, gió, lửa. Như da thịt xương của chúng ta là gì? Là đất. Máu huyết của chúng ta là gì? Là nước. Hơi thở là gì? Là gió. Hơi nóng là gì? Là lửa. Như vậy, thân Tứ đại này sống được là nhờ Tứ đại bên ngoài đưa vào. Nếu khôngTứ đại bên ngoài tiếp vào thì thân thể cũng không sống được. Thí dụ thiếu đất thì mình lấy đất cho vào. Cho được không quý vị? Chắc chắn là không rồi. Ăn đất người ta sẽ đưa mình vào nhà thương điên.

Chúng ta không thể cho đất trực tiếp mà chúng ta cho bằng cách gián tiếp. Chẳng hạn như chúng ta đói thì ăn cơm, mà ăn cơm là ăn gì? Cũng là ăn đất chứ có gì khác đâu, nhưng đất này được hấp thụ chuyển hóa thành ra hạt lúa. Không tin quý vị thử tìm hiểu xem có đúng không? Chúng ta bỏ hạt lúa xuống đất, rồi nhờ đất, nước, gió… nó lên cây, ra bông, ra hạt rồi đem nấu thành cơm, chúng ta ăn vào là đưa đất ở bên ngoài để bồi bổ cho đất ở bên trong thân của mình. Còn ba thứ kia là nước, gió, lửa cũng vậy. Nếu chúng ta bỏ đất, nước, gió, lửa mỗi thứ một nơi có còn là thân hình của chúng ta nữa không? Chắc chắn là không rồi.

Chúng ta lấy thí dụ. Một chiếc xe đạp do sườn, niềng, ghi đông, dây xích, bàn đạp, yên v.v… hợp lại mà thành. Nếu bỏ từng món ra thì có còn là chiếc xe đạp nữa không? Hoặc như cây chuối, nếu chúng ta tháo từng bẹ ra chỉ trơ lại cái lõi, không còn gì là cây chuối nữa. Thân của chúng ta cũng vậy, do đất, nước, gió, lửa kết hợp lại thành, nếu bỏ riêng mỗi thứ mỗi nơi không có gì là ta cả. Thế mà mình cứ chấp Tứ đại giả hợp này là thật, là của ta rồi tìm cách bồi đắp cho nó thật đẫy đà. Chẳng hạn chúng ta ăn để sống, để nuôi xác thân giả tạm này, nhưng chúng ta lại tìm cách ăn cho ngon, cho khoái khẩu của mình bằng cách giết những thú vật, gây tạo biết bao tội lỗi.

Trước đây chúng tôi có đi ở ngoài đường, thấy người ta nướng con heo quay, ở dưới để than hồng. Nhìn con heo quay nướng đỏ ao rất hấp dẫn người ăn. Có lần chúng tôi đi ngang qua đường Nguyễn Đình Chiểu chỗ gần Cách Mạng Tháng Tám, vào buổi chiều tối họ thường nướng thịt bên vỉa hè bán cho người đi đường ăn, khói mùi thịt nướng bay lên thơm phức, ngửi là muốn xuống ăn liền. Thịt ướp với ngũ vị hương, khi ăn vào miệng vừa ngon lại vừa thơm. Thế nhưng khi nó ra khỏi bụng thì chẳng ai muốn nhìn, mùi của nó chẳng ai dám ngửi. Lúc ăn thì rất ngon, rất thơm, khi nó ra thì rất dơ, rất thối. Thế mà vì miếng ăn chúng ta lại gây đau khổ cho biết bao loài vật, tạo thêm biết bao tội lỗi. Như vậy, có phải là điên đảo vọng tưởng không?

Chúng ta khát là do thân thể thiếu nước, phải uống nước vào để đủ. Tuy nhiên, thay vì uống nước chúng ta lại uống bia, uống rượu. Ai cũng biết uống bia và rượu sẽ làm người ta say, khi say sẽ không làm chủ được mình, có thể làm điều sai quấy tội lỗi, làm hư thân, làm cho gia đình mất hạnh phúc, xã hội mất an ninh. Biết vậy nhưng người ta cứ vẫn uống, đó có phải là điên đảo hay không? Quá điên đảo, nghĩ lộn ngược hết! Có nhà thơ nói thế này quý vị nghe thử xem có được hay không.

Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say trời cũng đỏ gay ai cười.

Thật là điên đảo hết sức! Biết rằng say sưa là hư đời, nhưng hư thì hư mà say vẫn cứ say. Lại còn ngụy biện cho là: “Đất say nên đất lăn quay, trời say trời cũng đỏ gay ai cười”.

Trong chúng ta, ai cũng biết tác hại của xì ke ma túy, báo đài đã nói rất nhiều. Nhưng tại sao vẫn có những người hút chích, để rồi phải chịu hậu quả thân tàn, nhúng tay vào tội lỗi? Quý vị thấy có điên đảo không? Hết sức là điên đảo! Chắc chắn những người hút xì ke ma túy cũng biết hậu quả của nó, nhưng sao họ lại lao đầu vào chỗ chết như vậy? Là vì muốn tìm cảm giác. Nghe người ta nói hút vào sẽ có cảm giác lâng lâng như đi trên mây. Vì muốn thử đi trên mây cho biết, không ngờ khi hút vào dứt bỏ không được nữa. Khi đã ghiền rồi thì không hút nó hành hạ thân xác nên phải tìm cách để hút. Muốn hút phải có tiền, không tiền thì đi ăn trộm, ăn cắp, gây đau khổ cho bản thân, gia đìnhxã hội. Ấy vậy mà người ta vẫn hút, vẫn chích. Quý vị thấy có điên đảo hay không? Đúng là nghĩ lộn ngược hết! Ngay như thuốc lá cũng vậy, hút vào thở ralợi ích gì đâu, chỉ đốt tiền đốt phổi, biết vậy nhưng người ta vẫn cứ đốt!

Ngày xưa, tôi thấy quý ông đa phần là hút thuốc. Không biết hút thuốc có ngon không mà sao cánh đàn ông lại thích hút như vậy. Tôi bèn đi mua một điếu về hút thử. Ngày đó có loại thuốc lá Salem. Thuốc này có mùi thơm bạc hà, hút vào thấy the the. Khi hút xong một điếu thuốc, trong miệng có mùi hôi rất khó chịu, tôi phải nhổ nước bọt cả chục lần cũng không hết hôi, sau đó phải đi đánh răng xúc miệng mới tạm bớt hôi chứ chưa phải là hết hẳn. Từ đó tôi sợ quá không dám hút nữa. Lúc đó, tôi suy nghĩ hút thuốc có ngon gì đâu, vậy mà biết bao nhiêu người phải đốt tiền vì nó. Nếu tính ra trên thế giới, một ngày người ta hút thuốc, số tiền đó có thể nuôi ăn cho cả nước Việt Nam trong một ngày. Các cụ xưa có câu: “Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng”.

Như vậy, thân chúng ta là giả tạm mà cứ phải cung phụng cho nó những thứ không cần thiết, làm khổ mình và người, gây tạo biết bao tội lỗi. Thân này rồi phải theo định luật sinh, già, bệnh, chết, đó là lẽ đương nhiên. Mà khi già thì sao? Thì da nhăn nheo, xấu xí cũng giống như hoa héo vậy. Hoa lúc mới nở rất đẹp, ai cũng muốn nhìn muốn ngắm. Song khi nó héo rồi thì không ai muốn ngắm, muốn nhìn. Trong giảng đường chúng ta đây có hơn một ngàn bông hoa, có những hoa mới nở, có những hoa đang nở, có những hoa đang héo, có cả những hoa sắp tàn. Như vậy, già là lẽ đương nhiên của con người, thế mà mình lại cố níu kéo cho nó đừng già, mua kem về thoa vào da cho láng, cho bóng để đừng có nhăn nheo. Đó là chúng ta điên đảo vọng tưởng, nghĩ lộn ngược hết.

Ngay tóc cũng vậy. Khi lớn tuổi ai cũng bạc. Sợ bạc xấu, muốn cho nó đen mãi thì phải làm sao? Thì đi nhuộm. Không biết quý vị nghĩ sao, tôi nhìn thấy các cụ ở đây tóc bạc trắng hết cũng đẹp lắm, đâu đến nỗi xấu đâu. Đến như chết cũng là lẽ đương nhiên, không ai tránh khỏi. Đức Phật đã dạy: “Những gì hữu hình tất hữu hoại, có sinh phải có tử”. Vậy mà nhiều người muốn mình sống mãi. Ngày xưa, các vua chúa muốn mình sống mãi nên bắt người ta phải vào rừng sâu núi thẳm, hoặc lặn xuống biển để tìm thuốc trường sinh. Có những vị tu tiên muốn sống mãi không chết, nhưng rốt cuộc có được không quý vị? Trong bài sám Hồng Trần có câu:

Xưa ông Bành Tổ sống đời
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu
Sang mà đến bậc công hầu
Giàu mà đến bậc bấy lâu Thạch Sùng
Nghèo mà đói khát lạnh lùng
Khổ mà tóc cháy da phồng trần ai.
Phù dung sớm tối một mai
Giàu sang cũng thác, xạc xài cũng vong
Thông minh tài trí anh hùng
Si mê dại dột cùng chung một gò.

“Xưa ông Bành Tổ sống đời, tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu”. 800 tuổi rồi cũng phải chết. Còn giàu như Thạch Sùng cũng không thể đem tiền hối lộ Diêm Vương được. Cho đến những người thông minh tài giỏi cũng không thể tránh khỏi thần chết. “Thông minh tài trí anh hùng, si mê dại dột cùng chung một gò”. Tất cả rồi cũng sẽ trở về cát bụi, thân Tứ đại trả về cho Tứ đại.

Cho nên, chết là lẽ đương nhiên, vậy mà nhiều người rất cữ tiếng chết, nói chết họ rất sợ, còn nói hạnh phúc họ rất thích. Chúc trăm năm hạnh phúc thì tốt, nói chết thì cữ. Vậy thân của ta là không thật, là vô ngãchúng ta chấp ngã nên khi người ta khen thì thích, thì vui; chê thì buồn, thì giận. Dù người đẹp hay người xấu cũng là đất, dù người đen hay người trắng cũng là đất, dù người mũi cao hay mũi thấp cũng là đất, dù mắt một mí hay hai mí cũng là đất. Thế mà nghe người ta chê cô đó đen quá thì buồn, khen cô đẹp quá mắt hai mí, mũi cao thì thích, thì vui; chê thì buồn thì giận. Nhiều khi cũng vì tiếng chê mà đánh nhau giết nhau. Cho nên, chúng ta hiểu được thân này là giả, là đất, nếu ai có chê đen, chê lùn, chê xấu, chê mắt một mí, chê mũi thấp cũng không sao, vì nó là giả là đất. Anh có cao, có đẹp, có trắng thì cũng là đất mà thôi, chết cũng một gò. Nếu chúng ta hiểu được như vậy thì không chấp ngã, không chấp ngã thì không tạo nghiệp, không bị quả báo đau khổ.

Nhân sinh là khổ chúng ta lại cho là vui, đó là điên đảo vọng tưởng. Thân của chúng ta có những khổ gì? Khổ sinh, khổ già, khổ bệnh và khổ chết. Tâm chúng ta có những khổ gì? Mong cầu không được là khổ, thương yêu nhau phải xa lìa là khổ, oán thù ở chung là khổ v.v… đủ thứ phiền não hết. Chưa kể đến thiên tai như động đất, núi lửa v.v… Những thứ tai họa này xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào, không ai có thể biết trước được. Còn những thứ khổ do con người gây ra như chiến tranh chẳng hạn. Hôm nay chúng ta ngồi đây nghe pháp, được tu học an ổn hạnh phúc như vầy.

Nhưng cũng trong lúc này, có những nơi đang chiến tranh, biết bao nhiêu đau thương thống khổ. Ngày xưa khi Thái tử Tất Đạt Đa dạo quanh bốn cửa thành, nhìn thấy cảnh già, bệnh, chết, Ngài liền giác ngộ. Những cảnh già, bệnh, chết đã gây ấn tượng rất sâu sắc trong tâm tư Thái tử. Rồi Ngài lại thắc mắc tại sao tất cả chúng sinh đang bị cái già, cái bệnh, cái chết kéo đến như vậy mà họ vẫn thản nhiên vui chơi đắm mê dục lạc. Ngài thương quá nên muốn tìm ra sự thật của cuộc đời, vì sao người ta phải sinh ra để rồi phải chịu biết bao thống khổ của già, bệnh, chết v.v…

Có anh chàng nọ đang đi lang thang trong một khu rừng, bỗng nhiên có con voi xuất hiện tấn công, anh hoảng quá chạy bán sống bán chết. Thế nhưng, sức của anh làm sao chạy lại voi, cho nên mới rượt chạy một chút voi đã tới sau lưng. Cũng may lúc đó trước mặt anh có một cái giếng, anh liền nhảy xuống. May thay trên miệng giếng lại có một sợi dây thòng xuống đáy giếng, anh liền chụp lấy, nhưng đó lại là dây gai cho nên đâm vào tay anh máu chảy lai láng. Anh định lần xuống đáy giếng lại thấy có một con rắn nằm ở dưới đó, đầu ngóc lên chực cắn anh ta, thế là anh đành phải nắm sợi dây đu tòn ten như vậy. Lúc đó anh mới ngước nhìn lên miệng giếng thấy đàn ong đang bay túa ra đánh anh. Vì lúc nhảy xuống giếng anh đã đụng vào tổ ong làm bể tổ, và anh cũng nhìn thấy có hai con chuột, một con chuột đen và một con chuột trắng đang cắn sợi dây anh đang đeo bám. Đang lúc lo sợ tứ bề như vậy, bỗng năm giọt mật từ tổ ong rớt xuống dính miệng, anh sung sướng quá thưởng thức quên hết tất cả những thứ khổ đang bao vây…

Câu chuyện này chính là mô tả về cuộc đời chúng ta. Anh chàng lang thang trong khu rừng chưa có lối ra cũng như chúng ta quanh quẩn mãi trong vòng luân hồi sinh tử. Con voi tượng trưng cho thần chết. Con rắn dưới đáy giếng là tuổi già. Sợi dây gai là sự sống. Bầy ong là những đau khổ luôn luôn đe dọa đời sống chúng ta. Con chuột trắng là ngày, con chuột đen là đêm. Năm giọt mật là Ngũ dục: tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon và ngủ kỹ. Chúng ta bị năm thứ ham muốn này làm cho quên hết tất cả thứ khổ. Kinh Pháp Hoa nói chúng ta đang ở trong nhà lửa, xung quanh bốn phía lửa cháy thế mà chúng ta cứ mải vui chơi, đắm chìm trong dục lạc, nên gọi điên đảo vọng tưởng, lấy khổ làm vui là vậy.
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

Đêm rất dài với người mất ngủ,
Đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt;

Cũng thế, vòng luân hồi sinh tử sẽ tiếp nối vô tận với những kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp.

“Đêm rất dài với người mất ngủ”. Điều này chắc quý vị cũng đã biết rồi, ai cũng có một hoặc nhiều lần bị mất ngủ. Khi mất ngủ thì trông cho mau sáng, cho nên thấy thời gian dài ra. Thực tế thời gian không có dài ngắn. Chẳng hạn khi chúng ta đi ngủ vào lúc 22 giờ đến 4 giờ sáng thức dậy, tất cả là 6 tiếng đồng hồ. Một tiếng đồng hồ có 60 phút, 1 phút có 60 giây. Giờ nào cũng vậy. Sáu tiếng đồng hồ không thêm không bớt một phút, thế nhưng hôm nào bị mất ngủ thì thấy nó dài ra, hôm nào ngủ ngon thấy nó ngắn lại. Dài hay ngắn là do mình cảm nhận, chứ 6 tiếng đồng hồ không có thêm bớt phút nào.

Trong khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp, mỗi ngày vào lúc 21 giờ có một thời tịnh tọa khoảng 30 phút. Quý vị có biết tịnh tọa là gì không? Tịnh là yên lặng, tọa là ngồi, tịnh tọangồi yên lặng. Một hôm, chúng tôi đứng bên ngoài để xem quý Phật tử tịnh tọa như thế nào. Một số người ngồi rất tốt, ngồi rất yên, còn có một vài vị ngồi không được yên, cứ xoay qua xoay lại. Những người kia thì tịnh tọa, còn mấy vị này có lẽ là động tọa. Động tọa có nghĩa là ngồi không yên, cứ mở mắt ngó qua ngó lại, rồi nhìn lên đồng hồ xem hết giờ chưa. Thấy quý thầy giám luật đi tới liền ngồi im, nhắm mắt lại, quý thầy đi qua thì mở mắt ra, ngó tới ngó lui, rồi nhìn lên đồng hồ.

Những vị này không phải tịnh tọa mà ngồi mong cho hết giờ. Càng mong cho hết giờ thì thấy thời giờ lại càng dài ra. Quý vị nào mê xem đá banh thì biết. Có những trận bóng đá quốc tế rất hấp dẫn, đang say mê xem bỗng nghe tiếng trọng tài thổi còi hết giờ, sẽ tiếc mãi sao nhanh quá, mới đó mà đã hết 45 phút. Thế nhưng, cũng 45 phút ngồi niệm Phật, chắc chắn chúng ta sẽ thấy nó dài ghê lắm. Vì sao vậy? Vì chúng ta cứ mong cho hết giờ để nghỉ thành ra dài. Vậy thời gian không có dài hay ngắn mà do mất ngủ nên chúng ta thấy nó dài.

“Đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt”. Từ Sài Gòn về Hóc Môn này quý vị biết bao nhiêu cây số không? 20 cây số. Thế nhưng, có khi chúng ta thấy xa, có khi chúng ta thấy gần. Mỗi một cây số có khoảng 1000 m, mỗi mét có 10 tấc, mỗi tấc có 10 cm. Như vậy, cây số nào cũng như cây số nào, không có cây số nào dài, cây số nào ngắn. Vậy mà có lúc chúng ta lại thấy xa, thấy gần. Vào khoảng năm 1976, 1977, xăng nhớt rất khan hiếm, đa số người ta đi xe đạp. Lúc đó, tôi thường xuyên đi Phật sự ở Sài Gòn bằng xe đạp.

Buổi sáng đạp xe đi còn sức nên thấy khỏe, đến trưa về người mệt nên đạp xe thấy đường thật dài. Khi sáng đạp xe đi bon bon, đến trưa về đạp xe cứ ì ra nặng nề, giống như có người kéo xe lại vậy, rồi tưởng như đường dài ra. Có ngày tôi phải đi hai lần như vậy. Sáng đi trưa về, chiều đi tối về. Nếu tính ra thì mỗi ngày phải đạp xe hơn 80 cây số đường. Lúc đó, vấn đề liên lạc bằng điện thoại rất hiếm, cho nên muốn nói chuyện gì với người ở Sài Gòn chúng tôi phải đi thôi. Không như bây giờ, ngồi một chỗ điện thoại được khắp nơi trên thế giới, khỏi phải mất công đi.

Câu cuối là: “Vòng luân hồi sinh tử sẽ tiếp nối vô tận với những kẻ ngu si không minh đạt chánh pháp”. Không minh đạt chánh pháp là không thấy được chân lý, không thấy được thực tướng của vũ trụ nhân sinhvô thường, khổ, vô ngã, duyên sinh. Như trong kinh Kim Cang đã dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”.

Do ngu si nên điên đảo vọng tưởng. Vì điên đảo vọng tưởng nên lời nói và hành động sai lầm, từ lời nói hành động sai lầm dẫn đến hậu quả luân hồi sinh tử trong sáu đường. Điều này rất rõ ràng. Như vậy, nếu chúng ta muốn chấm dứt luân hồi sinh tử phải làm sao? Phải chấm dứt ngu si, phải có trí tuệ. Mà muốn có trí tuệ thì làm sao? Phải học rộng nghe nhiều. Trong kinh đức Phật nói là phải văn, tư và tu. Văn là gì? Văn là nghe, là học. Tư là suy nghĩ cho thấu đáo những điều chúng ta đã nghe đã học. Cũng giống như con bò khi ăn cỏ, lúc nó ăn xong rảnh rỗi nó ợ ra nhai lại thật kỹ rồi mới nuốt. Văn cũng giống như bò ăn cỏ, tư giống như bò nhai cỏ lại. Khi đã học hiểu thấu đáo, suy nghĩ thật kỹ rồi chúng ta mới đem những điều đã học ra thực hành gọi là tu. Vậy tu là tu cái gì? Tu giới định tuệ gọi là Tam vô lậu học. Ba môn học vô lậu, không còn rơi rớt trong sinh tử Lục đạo nữa. Giới là những điều ngăn ngừa không cho chúng ta sai phạm, từ ý nghĩ, lời nói và hành động. Khi ba nghiệp không sai phạm, lỗi lầm thì tâm mới an định. Tâm có định trí tuệ mới sinh.

Có người hỏi những nhà bác học thông minh tài giỏi như vậy có bị luân hồi sinh tử không? Nếu chúng ta đưa vấn đề học vấn, tri thức ra mà nói thì đúng là những nhà bác học rất giỏi, trong khi chúng ta nói người nào có trí tuệ thì không còn bị luân hồi sinh tử. Vậy những nhà bác học thông minh tài trí như thế có bị luân hồi sinh tử không? Muốn trả lời chính xác câu này chúng ta phải hỏi ngược lại những nhà bác học còn tạo nghiệp hay không? Nếu còn thì dù nhà bác học có tài giỏi thông minh thế nào đi nữa cũng bị luân hồi sinh tử. Đây là chỗ mà chúng ta phải thấy cho rõ ràng. Một nhà bác học còn tham sân si hay không? Còn nói dối, nói ác khẩu, nói lưỡi đôi chiều, nói điều ô uế hay không? Còn sát sinh, trộm cắp, tà dâm hay không? Khi anh còn tạo nghiệp là còn luân hồi sinh tử. Cái giỏi của nhà bác họcThế trí biện thông, không phải là trí tuệ vô lậu. Quý vị hãy lưu ý chỗ này. Còn trí tuệ thì phát sinh từ giới, từ định, từ ba nghiệp trong sạch.

Trong kinh Mi-tiên Vấn Đáp, ngài Na-tiên có phân tích hai chữ trí và tuệ khác nhau. Trí là thông minh thuộc về nhận thức, kiến thức, hiểu biết. Còn tuệ là sáng suốt thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã, thuộc về cái thấy không lầm lẫn. Người có trí còn si mê lầm lẫn, người có tuệ hết si mê lầm lẫn. Trí tuệ là do công phu tu tập giới định, còn trí thức là do học tập hai thứ khác nhau. Trí giống như ánh sáng mặt trời, tuệ giống như ánh sáng X quang. Ánh sáng mặt trời không thể xuyên qua vật ngăn được. Chẳng hạn chúng ta ngồi trong hội trường này, ánh sáng mặt trời không thể xuyên vào được. Còn X quang xuyên qua vật ngăn. Như chúng ta bị bệnh phổi vào bệnh viện, bác sĩ cho chụp X quang và thấy được phổi có bệnh hay không. Cho nên, chỉ có trí tuệ phát sinh từ giới định mới có thể giúp chúng ta ra khỏi luân hồi sinh tử. Còn trí thông minh thì không thể. Đôi khi thông minhtà trí sẽ gây hậu quả đau khổ nghiêm trọng cho mình và người.

Quý vị thử nghĩ những quả bom nguyên tử giết chết một lúc hàng triệu người là do ai sáng chế ra? Người ngu si có sáng chế được không? Chắc chắn là không rồi. Chỉ có người tài giỏi thông minh, những nhà bác học mới chế tạo được bom nguyên tử. Rồi những trận chiến tranh thế giới, gây đau thương chết chóc cho biết bao người, vậy những người phát động chiến tranh đó là ngu hay trí? Toàn là những người thông minh tài giỏi, còn người ngu không có khả năng đó. Cho nên, nếu thông minhtà trí chỉ đem đến tai họa cho chúng sinhchắc chắn với nhân ác đó họ sẽ bị quả báo trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử mãi mãi. Hôm nay, chúng ta về đây tu pháp môn niệm Phật để làm gì? Để khai trí tuệ, để cầu vãng sinh thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà.

Thứ nhất: Niệm Phật để khai trí tuệ. Khai bằng cách nào? Khi chúng ta niệm Phật, những tư tưởng xấu khởi lên liền bị danh hiệu Phật trấn áp, nghĩa là khi chúng ta niệm Phật thì niệm ác không thể khởi lên. Đó gọi là giới. Nhờ niệm Phật nên ý không nghĩ ác, ý không nghĩ ác thì miệng không nói lời ác, thân không làm việc ác. Đó gọi là giới. Lúc nào chúng ta cũng nhớ Phật niệm Phật, lâu ngày tâm sẽ yên lặng gọi là định. Khi niệm Phật, chúng ta luôn luôn sáng suốt gọi là huệ. Như vậy, khi nhất tâm niệm Phật, không có tà niệm xen vào là giới. Niệm niệm miên mật không rời câu Phật hiệu là định. Mỗi niệm mỗi niệm đều rõ ràng, đều tỉnh giác, sáng suốt là huêä. Chúng ta chuyên tâm, chí thành niệm Phật như vậy chắc chắn sẽ khai trí tuệ.

Thứ hai: Niệm Phật để cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Chúng ta tu học Phật pháp mục đích là để giải thoát khỏi luân hồi sinh tử. Muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử chúng ta phải tu tập chứng quả tối thiểu là A-la-hán. Nếu chưa chứng quả A-la-hán, chưa làm chủ được sinh tử thì khi chết chúng ta đi về đâu? Chắc chắn chỉ quanh quẩn trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người, trời mà thôi. Hiện tại, chúng ta tu pháp môn Tịnh độ để cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Mà thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà không còn nằm trong vòng luân hồi Lục đạo. Như vậy, nếu chúng ta tu tập được vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà là ra khỏi luân hồi sinh tử. Về được thế giới Cực Lạc rồi chúng ta không còn thoái chuyển nữa, chỉ một mực tu tập thẳng đến Phật quả.

Do vậy, chỉ có người trí tuệ mới nhận được điều này, và mới quyết chí niệm Phật cầu vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Vì nếu không chứng quả A-la-hán ở đời này, nếu không vãng sinh thế giới Cực Lạcđời sau, chắc chắn phải luân hồi sinh tử trong sáu đường. Mỗi lần sinh, mỗi lần tử như vậy chịu biết bao đau khổ, tạo biết bao tội nghiệp. Hiện tại chúng ta biết tu, biết làm phước bố thí, gây tạo nghiệp tốt, kiếp sau được hưởng quả báo giàu sang. Trong số quý vị ở đây kiếp sau sẽ có người làm vua, làm hoàng hậu. Nhưng càng có địa vị, càng hưởng thụ dục lạc lại càng dễ gây tạo tội lỗi. Rốt cuộc kiếp này tạo phước kiếp sau hưởng. Kiếp sau vì mê hưởng thụ nên tạo nghiệp rồi kiếp thứ ba lại bị sa đọa. Cứ như thế chúng ta lăn lộn trong vòng luân hồi sinh tử. Cho nên, đức Phật gọi là ngu si. Hễ còn sinh tử là còn ngu si. Có người nói tôi cố gắng tu kiếp này để kiếp sau sinh làm người giàu có, xinh đẹp hoặc để được làm hoàng hậu. Nghĩ như vậy là ngu si. Vì sao? Vì còn sinh tử là còn ngu si. Cho nên, chư Tổ có nói:

Thân này chẳng tính đời nay độ
Còn đợi khi nào mới độ thân.

Hôm nay mình có duyên lành hiểu được Phật pháp, biết rõ thế gianvô thường, tất cả pháp hữu vimộng huyễn, phải nỗ lực tu hành để giải thoát luân hồi sinh tử. Đó là người có trí tuệ. Nếu chúng ta tu để kiếp sau hưởng phước là còn ngu si. Vì còn sinh tử là còn ngu si. Chỉ trừ những vị Bồ-tát nguyện vào trong sinh tử để độ chúng sinh mới không còn ngu si. Các Ngài vào sinh tử là vì nguyện lực, còn chúng ta bị sinh tử là vì nghiệp lực, cho nên gọi là ngu si.

Tóm lại, hôm nay chúng tôi trình bày với quý vị đề tài Ngu Si Sinh Tử. Vì ngu si cho nên mới điên đảo vọng tưởng, nghĩ lộn ngược. Đời là vô thường lại cho là thường. Thân người là vô ngã lại cho là ngã. Nhân sinh là khổ mà cho là vui. Rồi từ chỗ chấp thường, chấp ngã đó mà gây tạo nghiệp. Từ chỗ tạo nghiệp phải bị quả báo luân hồi sinh tử. Hôm nay, chúng ta biết rõ các pháp hữu vimộng huyễn, là bọt bóng thì phải nỗ lực tu tập để giải thoát khỏi Lục đạo, chấm dứt sinh tử. Muốn dứt sinh tử phải dứt ngu si, phải có trí tuệ vô lậu. Muốn đạt được trí tuệ vô lậu này chúng ta phải tu tập giới định tuệ, Tam vô lậu học. Người tu pháp môn niệm Phật, nếu tín nguyện hạnh đầy đủ, chí thành chí kính niệm Phật cũng sẽ đạt được giới, định và tuệ. Khi có trí tuệ vô lậu ba nghiệp thanh tịnh, vãng sinh về thế giới Cực Lạc, không còn luân hồi sinh tử nữa. Đó là chúng ta chấm dứt ngu si, chấm dứt sinh tử.

Kính chúc quý Phật tử tinh tấn tu tập đạt được trí tuệ vô lậu, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

Giả

Giả là gì? Giả có nghĩa là không thật, là kém chất lượng, là tạm thời. Giả còn có nhiều nghĩa nữa, nhưng hôm nay chúng tôi chỉ nói qua ba nghĩa này.

Ý nghĩa thứ nhất: giả là kém chất lượng, là nhái nhãn hiệu

Trong cuộc sống, chúng ta có lẽ ít nhiều cũng bị mua nhằm đồ giả và xài đồ giả, đồ kém chất lượng, khiến mình khó chịu bực tức có khi ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu đó là thức ăn, thức uống hoặc là thuốc giả. Đồng tiền của chúng ta làm ra tốn biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt, khi sử dụng phải tương xứng. Nếu mua nhằm những thứ giả kém chất lượng, mình cũng khó chịu bực tức. Thế nhưng, hiện tại trên thị trường hàng hóa thật và giả lẫn lộn khó phân biệt được. Có những thứ hàng hóa thật mình nghĩ là giả. Có những thứ hàng hóa giả mình nghĩ là thật. Chỉ có những người chuyên môn về các mặt hàng nào đó, mới phân biệt được thứ nào thật, thứ nào giả. Chẳng hạn như người thợ máy chuyên sửa xe gắn máy hai bánh, hằng ngày họ tiếp xúc sửa chữa, mua bán các thứ phụ tùng xe máy, cho nên họ biết rõ thứ nào tốt xấu, thật giả không bị mua lầm. Còn chúng ta không rành về máy móc, rất dễ bị mua lầm đồ giả.

Như người thợ mộc, hằng ngày tiếp xúc với các loại gỗ, cho nên biết rõ gỗ nào tốt gỗ nào xấu, cây nào lõi cây nào giác. Đối với những người thợ mộc rành nghề, người khác không dễ gì lừa gạt được họ, không thể nói đồ xấu là đồ tốt được. Còn mình thì người ta lừa gạt được. Chẳng hạn khi chúng ta mua một cái tủ hoặc bộ bàn ghế, người ta nói đó là gỗ cẩm lai, nhìn bên ngoài mình thấy cũng có những đường vân như gỗ cẩm lai. Thế nhưng, khi mua về nhà xài một thời gian thì gỗ co lại, nước sơn PU ở bên ngoài phai đi, lúc đó mình mới biết là gỗ tạp, bị mua nhầm đồ giả. Bây giờ họ có kỹ thuật sơn nhái rất tinh vi, nếu không phải con mắt nhà nghề khó mà phân biệt được thật hay giả và rất dễ bị mua lầm. Đến như hạt gạo mình ăn hằng ngày cũng vậy, chỉ có những người bán gạo chuyên môn mới biết rành rõ, gạo nào ngon, gạo nào dở, gạo nào bị pha trộn v.v…

Hiện nay, ở trên thế giới có loại dầu gió xanh rất phổ biến. Dầu gió xanh này chắc có lẽ nhiều người đã biết và xài nó. Sở dĩ người ta gọi dầu gió xanh vì vỏ hộp của nó màu xanh và nước dầu cũng màu xanh. Thật ra nó là dầu gió hiệu con đại bàng do nước Đức sản xuất. Dầu này thơm và xức vào người rất nóng, được nhiều người tin dùng và được bán trên thị trường. Từ lý do đó cho nên đã bị nhái sản phẩm. Nếu chúng ta có mua xài cũng khó phân biệt được dầu thật dầu giả. Có lần, một cô Phật tử đến biếu cho tôi một chai dầu gió xanh, cô ta hỏi tôi có biết phân biệt dầu nào thật, giả hay không? Tôi lắc đầu trả lời không thể phân biệt được. Lúc đó, cô mới chỉ chúng tôi cách phân biệt dầu thật và giả. Cô cầm hộp dầu đưa ra ánh sáng mặt trời, chiếc hộp để nằm trên bàn tay, hơi nghiêng chiếc hộp thì thấy hiện rất nhiều hình con đại bàng và hàng chữ EAGLE. Có để ý kỹ lắm chúng ta mới thấy được.

Sau đó, tôi vào phòng lấy một số hộp dầu mà người ta biếu trước đây đem ra xem thử, và quả đúng như lời cô Phật tử nói. Tôi thấy có hộp hiện hình con đại bàng, có hộp không. Từ đó, tôi mới phân biệt được hộp dầu nào thật, hộp dầu nào giả. Nói là giả chứ chất lượng và mùi thơm của nó cũng gần tương đương với dầu thật. Nếu không phân biệt hộp cũng khó phân biệt được dầu. Hiện nay, hộp dầu này đã thay đổi mẫu, nhìn hộp dầu óng ánh rất đẹp. Và chỉ nhìn sơ mình cũng thấy hiện rõ hình con đại bàng. Mặt sau của hộp để nghiêng bên phải thì nhìn thấy chữ OIL. Trước đây là chữ EAGLE. Nếu nghiêng về bên trái thì thấy hiện hình con đại bàng. Bây giờ chúng ta nhìn hộp dầu rất dễ phân biệt hộp dầu thật hay giả.

Còn quý vị nào có sử dụng mật ong, tôi sẽ chỉ cho quý vị cách thức thử mật, xem coi mật ong nào nguyên chất, và mật ong nào đã pha đường. Quý vị có biết thử không? Tôi có đọc trong sách thuốc họ hướng dẫn: nhỏ một giọt mật xuống lòng bàn tay hoặc trên tờ giấy thấm, nếu giọt mật vẫn vó cục, không chảy ra thì đó là mật nguyên chất. Nhỏ mật xuống chảy ra là mật đã pha chế. Mật nguyên chất người ta gọi là mật thật, còn mật pha chế với nước đường người ta gọi là mật giả. Mật thật hay mật giả dùng vẫn được, không hại gì. Chỉ là mật thật chất dinh dưỡng cao hơn mật giả.

Hằng ngày chúng ta sử dụng xà bông, khi ra chợ mua một cục xà bông nhãn hiệu Camay. Nhìn vỏ bên ngoài cục xà bông ghi tiếng Anh Made in USA rõ ràng, mùi thơm cũng không khác gì xà bông Camay thật. Thế nhưng, khi xài tắm lần đầu có mùi thơm, qua lần thứ hai, thứ ba thì giảm dần, vài lần sau hết thấy mùi thơm. Lúc đó mình mới biết là xà bông giả. Còn xà bông thật khi chúng ta xài từ đầu cho đến lúc hết vẫn còn mùi thơm, chất lượng vẫn tốt.

Trong cuộc sống hằng ngày, việc đi lại làm ăn hoặc công việc đời thường, cần phải có chiếc xe để làm phương tiện. Bây giờ mình muốn mua một chiếc xe máy hai bánh hiệu Honda, nhưng mua xe mới không đủ tiền, vì kinh tế gia đình không cho phép, mình phải mua xe cũ. Có người biết chúng ta cần mua xe, họ đem đến tận nhà giới thiệu cho mình một chiếc xe đã xài rồi. Nhìn ở bên ngoài nước sơn vẫn còn mới, mẫu mã còn đẹp, còn tốt phù hợp với túi tiền của mình, có thể mua được chiếc xe đó, nên đồng ý lấy. Thế nhưng, khi sử dụng được vài tháng thì có vấn đề: tiếng máy khua, chạy xì khói đen, hay bị chết máy, trục trặc đủ thứ hết. Lúc đó mình mới biết là mua nhằm xe dổm, vì tất cả những thứ phụ tùng bên trong máy không còn đồ zin nữa, mà là đồ lô. Đồ lô là những thứ nhái sản phẩm, những thứ giả mạo kém chất lượng, không phải chính phẩm. Cho nên, xe mới chạy được vài tháng đã xuống cấp, đã rơ hư hỏng đủ thứ hết. Vì không có đủ tiền mua xe mới, đành phải mua xe cũ để đi, không ngờ mua nhầm xe dổm, đã nghèo lại mắc phải cái eo, thật khổ!

Đến như thức ăn, có khi chúng ta cũng mua nhầm thứ giả. Phật tử chúng ta trước đây ưa chuộng và tin dùng nước tương hiệu lá Bồ-đề, gọi là vị trai lá Bồ-đề do chùa Giác Sanh và một số chùa hợp tác sản xuất. Sở dĩ nước tương này được đa số Phật tử tin dùng là vì sản xuất tại chùa, chất lượng bảo đảm. Trước đây, tôi cũng thường dùng loại nước tương chai này. Có lần tôi mua một chai nước tương nhãn hiệu lá Bồ-đề đem về ăn thấy mùi vị hơi khác, có vị mặn hơn. Tôi biết mình đã mua nước tương giả. Mình không biết trong đó họ pha chế thứ gì, nhưng chắc chắn đã là giả mạo thì phải kém chất lượng. Nếu người làm hàng giả nghĩ đến lợi nhuận nhiều, chắc chắn phải kém chất lượng, và mình ăn vào có thể hại đến sức khỏe. Nhìn nhãn hiệu bên ngoài chúng ta khó thể phân biệt được chai nào thật, chai nào giả. Nhất là vấn đề sử dụng thuốc Bắc, hiện tại có rất nhiều loại thuốc hộp, thuốc chai, thuốc tể mang nhãn hiệu sản xuất tại Hồng Kông. Nhìn nhãn hiệu bên ngoài cũng in chữ tàu, chữ Anh Made in Hong Kong. Thế nhưng, trong ruột không biết Hồng Kông thật hay Hồng Kông giả.

Như vậy, khi chúng ta mua một đồ vật gì để sử dụng, hoặc các thứ ăn uống, thuốc men mà mua phải những thứ giả hoặc kém chất lượng, mình cảm thấy khó chịu, bực tứcchắc chắn chẳng ai thích mua nhằm đồ giả. Đó là tôi giải thích về ý nghĩa giả là kém chất lượng và nhái nhãn hiệu.

Ý nghĩa thứ hai: giả là không thật
Về ý nghĩa giả là không thật này, tôi đưa ra thí dụ để quý vị dễ hiểu. Chẳng hạn như vàng. Vàng có vàng thật và vàng giả. Vàng thật khi người ta đốt cao độ nó chảy ra, nhưng khi để nguội thì nó vẫn còn nguyên chất, không bị thiêu hủy. Còn vàng giả khi đốt cao độ, nó có thể cháy thành than. Vàng thật có giá trị, bán một chỉ lúc này cũng được sáu bảy trăm ngàn. Còn vàng giả bán một chỉ được chừng vài chục đồng, chưa chắc có người mua. Vì vàng giả đâu có giá trị. Còn tiền cũng vậy, cũng có tiền thật tiền giả. Tiền thật và tiền giả chúng ta cũng khó phân biệt được. Hiện nay ở Việt Nam chúng ta xài đô la Mỹ khá nhiều.

Một đô la Mỹ đổi được hơn mười lăm ngàn đồng tiền Việt Nam. Thế nhưng, mười lăm ngàn đồng tiền Việt Nam có thể mua được vài chục ngàn đô la Mỹ. Quý vị có tin không? Quý vị có biết đô la gì không? Đó là đô la âm phủ! Như vậy tiền đô la này có xài được không? Chắc chắn không xài được. Tại sao? Tại vì nó là tiền giả, nhìn tờ giấy bạc một trăm đô la giả cũng giống y như đô la thật, nhưng mình không xài được. Hiện nay người ta dùng để đốt xuống cho người chết xài. Thực tế chưa chắc họ đã xài được.

Đức Phật dạy rằng: Người ta khi chết nếu chưa chứng quả vị từ A-la-hán trở lên, vẫn phải còn bị luân hồi trong sáu đường. Tức là sáu cảnh giới gồm có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, người và trời. Như vậy, nếu người thân chúng ta chết mà chưa chứng quả A-la-hán phải xoay vần trong sáu cảnh giới này. Giả sử bị đọa vào địa ngục hoặc làm ngạ quỷsử dụng được tiền đô la này không? Địa ngục, ngạ quỷcảnh giới hành hình đau khổ thì làm gì có bán thức ăn mà xài tiền. Những người bị đọa vào hai cảnh giới này chỉ có đau khổ không có an vui thì không thể hưởng được những thứ tốt đẹp. Còn nếu làm súc sinh là những loài mà chúng ta thấy trên thế gian này như gà, vịt, chó, mèo v.v… Những loài này có xài tiền được không, chúng ta cũng đã thấy rõ.

Nếu sinh làm người trở lại họ chỉ xài đô la thật, chứ đô la giả cũng không xài. Những người sinh vào cảnh giới A-tu-la hoặc trời, họ có phước nên muốn thứ gì là có, khỏi cần phải xài tiền. Giả dụ như có xài tiền thì tiền của họ, chứ tiền đô la của chúng tathế gian này họ cũng không xài được. Như vậy mình đốt những tiền đô la âm phủ cho người chết họ nhận được không? Nếu nhận được họ có xài được không? Chắc chắn là không xài được! Như vậy, mình đốt những thứ tiền âm phủ này có lợi ích gì cho người chết không? Thay vì mua những thứ tiền giả đó để đốt, quý vị nên mua vài chục con chim bị nhốt ở trong lồng thả ra. Khi những con chim bị nhốt, sắp bị giết chết được thả tự dosung sướng bay trên bầu trời bao la. Nhìn nó vui sướng bay lượn trên bầu trời trong lòng mình cũng thấy hoan hỷ.

Bởi đồng tiền mình bỏ ra, đem lại lợi ích an vui cho chúng sinh thì đồng tiền đó mới có ý nghĩa, giá trị. Hoặc chúng ta mua những con cá ở ngoài chợ đem ra sông thả. Nhìn những con cá thoát chết tung tăng bơi lượn trong dòng sông, lòng mình vui. Nó vui mình cũng vui. Hoặc đem đồng tiền đó biếu cho người nghèo đói một chén cơm, người ta được no bụng hết cơn đói; người ta vui mình cũng thấy vui. Hoặc là đem đồng tiền đó cho người bệnh mua được vài viên thuốc uống, làm bớt cơn đau hết bệnh. Người ta vui sướng mình cũng vui sướng. Hoặc đem đồng tiền đó giúp cho những đứa trẻ nghèo khó không đi học, có cơ hội được đi học. Hoặc đem đồng tiền đó mua sữa cho người già nghèo khổ neo đơn v.v… Như vậy, thay vì chúng ta đem đồng tiền mua đô la âm phủ đốt cho người chết, mình đem tiền đó làm những việc có lợi ích cho mọi người. Chắc chắn người chết khi thấy chúng ta vì họ làm những việc phước thiện, họ cũng sẽ vui theo.

Hôm trước có một Cô đi vào nghĩa trang thăm mộ người thân, trên tay Cô có cầm theo một cái nhà lầu, một chiếc xe xích lô và mấy bộ quần áo đều làm bằng giấy cả. Tôi thấy vậy hỏi:
- Cô đem theo xe xích lô để làm gì?
Cô nói:
- Chồng con trước đây đạp xích lô, bây giờ ông chết con đốt xe xích lô để ông chạy
Tôi nói:
- Trời ơi, ngày trước ông còn sống phải đạp xe xích lô nuôi vợ nuôi con khổ cực quá rồi, bây giờ ông chết để cho ông nghỉ tại sao lại mua xích lô cho ông chạy, làm như vậy tội cho ông quá!
Cô nói:
- Dạ con không biết nghe người ta chỉ vẽ sao thì làm vậy. Thôi lần này lỡ rồi lần sau con sẽ mua xe hơi đốt cho ông chạy.
Tôi cười nói:
- Cô không muốn cho chồng cô siêu thoát sao?
Cô nói:
- Dạ có
- Vậy cô đốt xe hơi làm gì nữa.
- Cõi dương sao thì cõi âm vậy.
- Cô muốn ông ở mãi cõi âm hay sao?

Lúc này Cô mới ú ớ không trả lời được. Nhân đó tôi mới giải thích cho Cô hiểu. Muốn chồng cô được siêu thoát thay vì đem tiền mua những thứ đồ mã đốt để ông ở cõi âm xài mãi mãi, mình nên mua chim cá phóng sinh hoặc bố thí cúng dường, in kinh ấn tống hoặc giúp đỡ người nghèo đói hoạn nạn v.v… Làm các việc phước thiện này, trước hết mình được lợi lạc, người khác được lợi lạc và cả người chết cũng được lợi lạc nữa. Tôi kể cho Cô nghe một mẩu chuyện trong kinh Thí Dụ.

Một hôm, đức Phật cùng A-nan đi ở trên bờ sông, bỗng thấy năm trăm quỷ đói vừa đi vừa hát, đồng thời lại thấy năm trăm quỷ đói khóc lóc đi qua. A-nan thấy thế mới bạch hỏi đức Phật:
- Bạch Thế Tôn! Tại sao bọn quỷ kia vừa đi vừa hát, còn bọn quỷ này lại khóc như thế?
Đức Phật nói:
- Bọn quỷ ca hát ấy sắp sinh lên cõi trời, vì trong nhà con cháu biết tu phước trì trai lễ bái cúng dường bố thí, hồi hướng phước quả đến cho họ. Còn bọn quỷ khóc la kia không được siêu thoát, vì trong nhà người thân của họ vì họ sát sinh cúng tế, nên họ gánh lấy quả báo ác, vì vậy mà họ khóc.
Nghe tôi kể xong, Cô hứa là từ nay về sau không mua vàng mã đốt nữa. Đem tiền đó làm phước để hồi hướng cho chồng được siêu thoát.

Năm ngoái, tôi có đi Đài Loan dự lễ khai giảng lớp Phật học tại chùa Từ Ân, nhằm vào tháng Tám âm lịch. Sau đó, tôi được nhà trường cho đi tham quan một số nơi và họ có đưa đến xem một đàn tràng cầu siêu. Tại đàn tràng, tôi thấy họ làm một chiếc xe Buýt gần bằng chiếc xe Buýt thật. Họ làm khung bằng tre, bên ngoài dán giấy, bên trong có tài xế hành khách ngồi đầy đủ hết. Nhìn chiếc xe làm rất công phu, tôi nghĩ là phải tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc. Có lẽ chủ nhân của nó trước đây chạy xe buýt đã quá cố, cho nên người thân làm chiếc xe buýt này đốt cho họ xài. Quý vị thử nghĩ xem, một chiếc xe làm tốn kém tiền bạc như vậy, rồi đem đốt có lãng phí không? Với số tiền đó, họ có thể làm được rất nhiều việc lợi ích cho mọi người, cho bản thân họ và cho cả người chết. Cho nên, người học Phật phải có trí tuệ, nhìn sự việc cho thấu đáo, để khi hành động không bị sai tinh thần nhân quả, không bị mê tín.

Trong cuộc sống, ai cũng có những giấc mộng khi ngủ. Có giấc mộng rất đẹp gọi là mộng lành, có giấc mộng rất dữ, rất xấu gọi là mộng ác. Hôm nào đó mình bị bọn cướp vào nhà trói lại đánh đập tra khảo tiền bạc. Mình nhất định không khai, không chỉ chỗ cất giấu, bọn cướp tức giận lấy dao đâm mình một nhát. Lúc đó sợ quá la lên, liền giật mình tỉnh giấc và biết nằm chiêm bao. Tuy trong lòng vui mừng vì việc vừa qua là mộng chứ không phải thật, nhưng tim vẫn đập thình thịch, mồ hôi vẫn xuất ra như tắm. Khi tỉnh rất mừng vì không bị bọn cướp giết, mừng vì đó là mộng. Một hôm, mình được trúng số độc đắc, mừng quá đem tờ vé số đến ngân hàng lãnh tiền. Sau khi lãnh tiền xong bỏ vào cặp táp, rồi ôm trong lòng vì sợ bọn cướp giật mất, mắt thì lo để ý xem có kẻ cướp hay không, nên không để ý bậc thềm và bước hụt chân té nhào xuống đường.

Lúc đó giật mình tỉnh giấc, mới biết việc trúng số độc đắcchiêm bao, trong lòng cứ tiếc mãi, phải chi đó là sự thật thì đỡ khổ biết mấy… Như vậy, tỉnh rồi nhưng vẫn còn tiếc. Khi chúng ta tỉnh mà cứ tiếc những chuyện trong mơ thì gọi là gì? Tỉnh nhưng mà mê. Hoặc mình là diễn viên điện ảnh, khi đóng phim được đóng vai vua, có kẻ hầu người hạ, oai phong lẫm liệt, ai cũng kính phục nể sợ. Khi đóng phim xong rồi không còn là vua nữa, chỉ là một anh diễn viên bình thường. Lúc đó, mình cứ rầu buồn vì không được làm vua. Nếu người cứ rầu buồn nuối tiếc ngôi vua ở trong phim, đó là người mê hay tỉnh? Rõ ràng là người mê! Như vậy, những gì giả mà mình tham luyến thì gọi là mê. Tất cả quý vị hiện diện ở đây ai cũng tỉnh, chắc chắn không ai mê tiền giả, vàng giả, nhà giả, xe giả hay trúng số độc đắc giả, cũng không ai mê ngôi vua ở trên sân khấu cả. Giả sử có người nào mê những thứ đó là người không tỉnh hoặc không bình thường. Đó là chúng tôi nói về ý nghĩa thứ hai giả là không phải thật.

Ý nghĩa thứ ba: giả là tạm thời

Tất cả sự vật hiện hữu ở trên đời này đều do nhân duyên hợp lại mà thành. Ngay như bản thân chúng ta cũng do tinh cha huyết mẹ hợp lại. Tinh cha huyết mẹ là những chất dơ được cấu tạo bởi bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Nhìn thân thể chúng ta bên ngoài được bao bọc bởi lớp da, trông rất đẹp. Thế nhưng, nó che đậy những thứ dơ bẩn bên trong. Hằng ngày, trong người chúng ta có chín chỗ thải ra những chất dơ gọi là cửu khiếu, gồm có: hai mắt, hai mũi, miệng, hai lỗ tai và đường tiêu, tiểu. Khi chín chỗ này thải chất dơ ra không ai muốn nhìn, muốn ngửi. Nếu bị thêm bệnh cùi hủi hay lở loét hoặc ung bướu thì chẳng ai dám đến gần. Nếu thân này chết đi người ta lại càng ghê sợ hơn nữa.

Lúc sống gương mặt hồng hào xinh đẹp ai cũng muốn ngắm, muốn nhìn, muốn ôm hôn. Đến khi chết mặt mũi thâm xanh, không ai dám nhìn dám ngó, lại càng không dám đến gần. Lúc sống đôi khi vì giành người đẹp mà đánh giết lẫn nhau, đến khi chết nằm ngay đơ ra đó chẳng ai thèm giành. Lúc đó có cho chẳng ai thèm lấy, lấy của nợ về mất công tốn tiền chôn cất. Thân người giả tạm, chứa những thứ dơ bẩn trong mình như vậy mà chúng ta lại tốn biết bao thời gian tiền bạc để tô điểm cho nó, như xức dầu thơm, trang điểm môi son, má phấn, nhuộm tóc v.v…

Có lần, một anh Phật tử đến nói với tôi
- Thưa thầy, lúc này con thấy có một số ni cô điệu quá!
Tôi nói:
- Đừng nên xúc phạm người xuất gia, coi chừng bị quả báo đó.
- Dạ thưa thầy con nói sự thật.
- Sự thật là sao?
Anh ta nói:
- Xin hỏi thật thầy, người xuất gia có được phép trang điểm phấn son không?
Tôi nói:
- Không, Phật cấm người xuất gia trang điểm phấn son, đã đi tu rồi còn làm đẹp làm gì nữa! Bởi vậy Phật mới bảo người xuất gia cạo tóc, nếu Phật cho làm đẹp thì để tóc chải bới kiểu này kiểu nọ cho đẹp, chứ cạo tóc làm gì.
Anh ta nói:
- Vậy sao con thấy có ni cô kẻ chân mày, đánh môi son.
Nghe anh ta nói tôi hiểu rồi. Biết đây là nỗi oan của các ni cô, bây giờ mình cần phải biện minh để giải oan.
Tôi nói:
- Đây là tàn dư của thời còn trẻ, chứ không phải xuất gia rồi trang điểm đâu. Anh cũng đã biết đó, người nữ là phái đẹp nên lúc còn trẻ ở tại gia, mỗi lần đi dự lễ hay đám tiệc, cũng phải trang điểm phấn son một chút cho đẹp. Trang điểm cho được gương mặt đẹp như ý, cũng rất dày công. Hiện nay người ta có kỹ thuật xâm hình giúp cho các cô trang điểm một lần là đẹp mãi mãi. Do vậy ngày trước lúc còn trẻ mấy cô vì muốn đẹp mãi nên đã xâm mày xâm môi. Bây giờ giác ngộ thân người là giả tạm, không muốn trang điểm xác thân này bằng thứ phấn son nữa, mà muốn trang điểm bằng giới đức, bằng sự tu hành, chỉ có giới đức mới làm cho người ta đẹp vĩnh viễn. Cho nên mấy cô mới cắt tóc xuất gia làm ni cô. Thế nhưng, trước đây lỡ xâm mày xâm môi rồi bây giờ xuất gia làm sao tẩy xóa được.

Trước đây, tôi có biết một bà Phật tử, lúc đó tuổi bà cũng hơn năm mươi, nhưng bà rất thích trang điểm. Mỗi lần đi đâu bà đều đeo bông tai, cổ đeo dây chuyền, tay đeo vòng vàng cà rá. Một hôm bà đang trên đường đi chợ, có hai thanh niên chạy xe dream kè sát bên bà, rồi giật sợi dây chuyền ở trên cổ của bà. Lúc đó bà chụp tay anh thanh niên la lên, nhưng vì sức của bà làm sao bằng sức của anh thanh niên. Anh ta giật mạnh tay bà, làm bà té nhào xuống đất, bị gãy tay, mặt mũi bị xây xát. Rốt cuộc tiền mất tật mang, đã bị mất sợi dây chuyền lại còn bị gãy tay, tốn thêm tiền thuốc. Đi ra đường mà phô trương khoe của nhiều quá có ngày mang họa vào thân.

Có người chỉ đeo một chỉ vàng mà bị bọn cướp giết chết lấy của, sự việc này báo chí cũng đã nói rất nhiều. Cho nên người học Phật chúng ta biết thân người là giả tạm không nên tốn nhiều thời gian tiền bạc để tô điểm cho nó. Mạng sống rất ngắn ngủi không phải tính bằng năm tháng, ngày giờ, mà phải bằng hơi thở. Cái chết đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Không ai biết được mình chết bao nhiêu tuổi. Quý vị không tin đi ra nghĩa trang xem thì biết. Người mới sinh ra chết, người một tuổi, hai tuổi chết, người năm mươi, sáu mươi, bảy mươi tuổi chết.

Có lần, đức Phật hỏi các đệ tử:
- Mạng sống con người bao lâu?
Có vị thưa:
- Trong vài ngày.
Phật nói:
- Ông chưa hiểu đạo.
Một vị khác thưa:
- Bạch Thế Tôn trong một bữa ăn.
Phật nói:
- Ông chưa hiểu đạo.
Một vị khác thưa:
- Bạch Thế Tôn trong một hơi thở.
Phật bảo:
- Hay lắm! Ông đã hiểu đạo.

Mạng sống chúng ta chỉ trong hơi thở thôi, thở vào không thở ra là chết. Vậy mà chúng ta để hết thời gian vào cái thân giả tạm này, cho nó ăn thật ngon, mặc thật đẹp. Vì muốn cho thân này ăn ngon, nên chúng ta mới giết hại súc vật. Biết bao nhiêu sinh mạng phải đau khổ, phải chết oan ức vì thân giả tạm của mình! Khi chúng ta ăn uống bồi bổ thân thể nhiều quá, dục vọng tăng theo. Khi dục vọng tăng đòi hỏi phải thỏa mãn, thỏa mãn dục vọng nhiều quá sẽ tiêu hao năng lực, đã tiêu hao năng lực nhiều thì bồi bổ nhiều, phải giết hại súc vật nhiều để ăn cho có sức. Cứ như vậy xoay vần, khiến cho mình tạo biết bao nhiêu nghiệp sát. Hoặc vì thích trang điểm, chưng diện, mặc đẹp phải có tiền, nếu không có tiền phải tìm mọi cách cho có để thỏa mãn ước muốn của mình, có thể lừa đảo người, hoặc gian tham trộm cắp hoặc “lường cân tráo đấu”, hối lộ móc ngoặc, biển lận của công v.v… Rốt cuộc khi chúng ta chết, thân giả tạm này cũng trở về với cát bụi.

Có ông Trưởng giả có bốn bà vợ. Bà vợ thứ nhất ông rất thương, hằng ngày chăm sóc rất kỹ. Đói thì cho ăn uống đầy đủ cao lương mỹ vị, hơi bệnh một chút đưa đi bác sĩ. Trời lạnh lo áo ấm, trời nóng lo quạt máy, phòng lạnh, trang điểm vàng vòng, quần áo thật đẹp mọi tiện nghi về vật chất đầy đủ.

Bà vợ thứ hai ông cũng rất thương, đi đâu ở đâu cũng đem theo bên mình không rời nửa bước, lúc nào cũng lo sợ mất.
Bà thứ ba ông thương yêu nhưng không đậm đà bằng hai bà trước, thỉnh thoảng quan tâm chăm sóc một chút.
Riêng bà thứ tư thì ông bỏ lơ chẳng khi nào để ý chăm sóc.

Một hôm ông sắp chết, kêu bà vợ thứ nhất đến nói:
- Bà ơi! Từ trước tới giờ tôi thương bà nhiều lắm, tôi lo cho bà đầy đủ mọi thứ, chăm sóc bà thật chu đáo, bà muốn gì được nấy chiều chuộng mọi thứ, bây giờ tôi sắp đi về bên kia thế giới, bà đi theo tôi cho có thủy có chung!
Bà nói:
- Ý đâu được! Khi sống thì có nhau nhưng khi chết thì đường ai nấy đi, ông bắt tôi đi theo ông sao được!

Nghe bà từ chối một cách phủ phàng, ông buồn quá gọi bà thứ hai đến. Ông nói:
- Bà ơi! Từ trước tới giờ tôi với bà như hình với bóng, hình đâu thì bóng đó không lúc nào rời nhau, bây giờ tôi sắp về bên kia thế giới, bà đi theo tôi cho có tình có nghĩa!
Bà nói:
- Ô, làm gì có chuyện đó! Tôi đang còn xuân xanh đầy nhựa sống như vầy, ông lại kêu tôi chết theo ông thì chết sao được. Nói thật với ông, nếu ông mà nhắm mắt là tôi đi lấy chồng khác liền!

Nghe bà tuyên bố một câu thẳng thừng như vậy, ông ta muốn đứng tim. Ông cố lấy bình tỉnh lại để tiếp tục gọi bà thứ ba đến. Hai bà trước mình hết lòng thương, nhưng lại không theo. Hy vọng cuối cùng là bà thứ ba này. Ông nói:
- Bà ơi! Lúc sống tôi không có mặn mà với bà, nhưng tôi vẫn thương bà, vẫn quan tâm đến bà, bây giờ tôi sắp về bên kia thế giới, bà thương mà đi theo tôi cho có đôi có bạn!
Bà nói:
- Xin cám ơn lòng tốt của ông, thỉnh thoảng ông có quan tâm chăm sóc đến tôi, với tình nghĩa ấy khi ông chết tôi sẽ đưa ông đến mộ huyệt rồi về, không thể theo ông được, mong ông cũng hiểu cho!
Thế là ông hết hy vọng, vì ba người vợ mà ông thương nhất bây giờ không có ai chịu theo, người vợ thứ tư cũng chẳng hy vọng gì nữa. Suy đi nghĩ lại một lúc ông cũng mạnh dạn cho gọi bà vợ thứ tư đến. Ông nói:
- Từ trước tới giờ tôi vì đắm mê mấy bà kia mà bỏ quên bà, nay tôi thấy được lỗi lầm của mình, mong bà nghĩ tình mà tha thứ cho. Bây giờ tôi sắp về bên kia thế giới bà có đi theo tôi không?
Bà nói:
- Lúc sống ông không quan tâm đến tôi mà chỉ lo cho mấy bà kia, bây giờ họ không theo ông thì tôi sẵn sàng theo ông từ kiếp này sang kiếp khác!

Đến đây, đức Phật cho chúng ta biết bà vợ thứ nhất chính là thân thể của chúng ta, hằng ngày chúng ta chăm sóc nó kỹ lưỡng, cho ăn ngon mặc đẹp, trang điểm phấn son, ấp lạnh quạt nồng, đến khi chết nó chỉ là cái xác thối, không thể đem đi được. Bà vợ thứ hai là chỉ cho tiền bạc của cải, đi đâu mình cũng đem theo, lúc nào cũng lo sợ kẻ cắp lấy mất. Các cụ ngày xưa nói: “Tiền là bạc”, cho nên bà thứ hai mới phán thẳng một câu, là ông chết tôi đi theo người khác liền. Quả đúng như vậy, lúc sống tiền thuộc về mình, khi chết nó thuộc về người. Còn bà vợ thứ ba là chỉ cho vợ chồng, con cái, thân thuộc. Những người này có thương mình, song chỉ đưa đến huyệt mộ là cùng, không ai chết theo chúng ta cả. Còn bà vợ thứ tư chính là tâm ý của ta. Lúc sống chúng ta không để ý chăm sóc nó, khi chết nó lại đi theo chúng ta từ đời này sang đời khác.

Hằng ngày, trên thế giới, người ta tốn rất nhiều tiền vào các việc xa xỉ như dầu thơm, phấn son, quần áo v.v… để trang điểm cho tấm thân giả tạm này. Có những chai dầu thơm rất đắt tiền, những bộ quần áo rất cầu kỳ trị giá bạc vạn. Nếu mỗi người đều ý thức thân này giả tạm, thì những thứ xa xỉ đó không cần thiết. Dùng đồng tiền này giúp đỡ cho người nghèo đói có chén cơm ăn, người đau bệnh có viên thuốc uống, những đứa trẻ nghèo được đi học, những người già yếu được chăm sóc, thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp hơn, người ta bớt đi những đau khổ.

Thân thể của chúng ta ví như chiếc thuyền ở trên sông, mà tác dụng của chiếc thuyền để đưa người qua sông, dù chiếc thuyền có xấu một tí nhưng vẫn làm lợi ích cho nhiều người, đưa được người qua sông. Còn chiếc thuyền sơn phết cho thật đẹp để ngắm nhìn thì không có lợi ích gì cả. Có những thứ tô điểm chỉ làm đẹp tạm thời. Có những thứ tô điểm làm đẹp mãi mãi. Thí dụ như chúng ta sức dầu thơm, dù chai dầu thơm đó thật là đắt tiền thì mùi thơm của nó cũng bay xa vài thước, hoặc vài chục thước là cùng và chỉ tồn tại một, hai cho đến ba ngày là hết thơm. Nó chỉ là mùi thơm tạm thời, không phải là mùi thơm vĩnh viễn. Nếu chúng ta biết sức dầu thơm bằng chất liệu giới định huệ, mùi thơm này sẽ còn mãi mãi.

Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Hương thơm của các loài hoa, dù là hoa chiên đàn hay hoa mạt lỵ, đều không thể bay ngược gió. Chỉ có hương thơm của người giới hạnh, tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương”. Chúng ta nên xông ướp chất liệu giới định huệ này, mùi thơm sẽ còn mãi mãi. Vậy chúng ta xông ướp bằng cách nào? Bằng cách chúng ta luôn thúc liễm thân tâm, chánh niệm tỉnh giác, giữ gìn giới luật nghiêm túc, giữ thân khẩu ý trong sạch. Ý không nghĩ ác, không nghĩ những điều làm đau khổ cho người. Khẩu không nói ác, không nói lời làm đau khổ cho người.

Thân không làm ác, không làm những điều đau khổ cho người. Ba nghiệp thân khẩu ý được trong sạch là người có đạo đức, có nhân cách cao thượng, không làm khổ mình khổ người, luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Những người giữ giới trong sạch ai cũng kính nể, không chỉ loài người mà cả chư Thiên cũng ca ngợi và ngưỡng mộ. Khi chúng ta giữ giới trong sạch, sẽ có định và có tuệ. Đem trí tuệ của mình soi sáng cho người, hướng họ về nẻo chánh, xa lánh những đường tà, góp phần làm cho mọi người được an vui hạnh phúc, làm cho cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn. Đây chính là thứ hương thơm bất diệt, chúng ta nên xông ướp bằng thứ hương thơm giới định huệ này thì tốt hơn.

Hiện tại, chúng ta làm đẹp thân thể bằng các loại phấn son đắt tiền, những thứ này cũng chỉ làm đẹp thân thể một thời gian ngắn ngủi. Chỉ có bố thí tài vật làm những việc lợi ích chúng sinh, trải tình thương đến muôn loài là thứ làm đẹp chúng ta mãi mãi. Khi chúng ta trải lòng thương yêu đến mọi người, hết lòngmọi người, tùy sức tùy khả năng của mình làm lợi ích cho mọi người, đem niềm an vui hạnh phúc đến cho mọi người, không tiếc thân mạng của cải, vì mọi ngườiphục vụ hy sinh. Làm được như vậy chắc chắn mọi người sẽ nhìn chúng ta rất đẹp. Chỉ có những việc làm này mới làm cho chúng ta đẹp thật sự, đẹp mãi mãi. Hằng ngày, chúng ta trang phục đẹp bằng các thứ vải đắt tiền, những thứ quần áo này cũng chỉ là thứ làm đẹp tạm thời. Nếu chúng ta muốn trang phục đẹp mãi mãi, chỉ có trang phục bằng đức tính nhẫn nhục. Nhẫn nhục là sức chịu đựng. Chúng ta chịu đựng mọi khó khăn thử thách vững chí tu tập, làm lợi ích cho mọi người thì đó là những thứ trang phục đẹp nhất.

Tôi còn nhớ một vị Thánh sống tên là Ganhdi ở Ấn Độ. Trong thời gian thực dân Anh xâm chiếm Ấn Độ, Ganhdi đã đưa ra thuyết bất bạo động để đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Thuyết bất bạo động của ông gồm có 11 nguyên tắc, trong đó ông chủ trương tuyệt đối không hợp tác với thực dân Anh. Cho dù thực dân Anh có đánh đập tù đày, thậm chí giết chết cũng không dùng vũ khí để chống trả. Thuyết này dùng tình thương, sức nhẫn nhục để chiến thắng vũ lực. Thuyết này rất khó thực hành nhưng do sự kiên trì nhẫn nại của Ganhdi, đã thuyết phục được toàn dân Ấn Độ làm theo. Bản thân của Gandhi cũng đã vào tù ra khám, chịu đựng biết bao đau khổ, nhưng ông vẫn giữ vững lập trường đấu tranh bất bạo động.

Không ngờ sức mạnh của nhẫn nhục đã chiến thắng vũ lực. Cuối cùng, thực dân Anh đã công nhận nền độc lập Ấn Độ vào năm 1947. Sức nhẫn nhục để đấu tranh giành độc lập tự do hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Ấn Độ của Ganhdi là thứ trang phục đẹp nhất, không có thứ kim cương hột xoàn nào đẹp bằng. Chúng ta nên trang phục bằng đức tính nhẫn nhục này, để làm lợi ích cho mọi người sẽ đẹp hơn bất cứ thứ trang phục vải lụa đắt tiền nào. Đó là thứ trang phục đẹp mãi mãi.

Tóm lại, hôm nay tôi nói về đề tài giả. Giả có nghĩa là những thứ kém chất lượng, là không thật, là tạm thời. Vậy đồ giả chúng ta không thích, không tham đắm. Thân giả chúng ta có thích, có tham đắm không? Nói thế không có nghĩa là khuyên quý vị bỏ mặc thân thể này tàn tạ, không quan tâm chăm sóc. Dù sao thân thể chúng ta cũng cần có sức khỏe để sống, để tu, để làm lợi ích cho mọi người.

Điều mà tôi muốn nói là chúng ta đừng nên tốn quá nhiều thời gian cho việc trang sức hoặc ăn uống. Chúng ta mặc để che thân, không phải để khoe của. Ăn để sống chứ không phải để giết hại súc vật ăn cho thỏa mãn khẩu vị. Sự khác biệt giữa người mê và tỉnh là ở chỗ đó. Người mê biết thân là giả nhưng vẫn cứ tham đắm, dẫn đến tạo nghiệp ác. Còn người tỉnh biết thân là giả nên không để thời giờ vào những việc ăn uống quá đáng, không làm đẹp thân thể bằng những chất liệu giả tạm. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni biết được thân người giả tạm, Ngài không xông ướp dầu thơm giả tạm, mà Ngài xông ướp hương thơm giới định tuệ. Cho nên, dù Ngài đã nhập diệt hơn hai mươi lăm thế kỷ, hương thơm giới đức vẫn tỏa ngát trần gian, vẫn còn thơm mãi cho đến ngày nay.

Tôi còn nhớ một bài thơ rất hay, nhưng không rõ tác giả.
Trăm năm trước thì ta không có
Trăm năm sau có lại hoàn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.

Một trăm năm trước khi sinh chúng ta chưa có. Một trăm năm sau khi sinh chúng ta có lại hoàn không. “Cuộc đời sắc sắc không không, trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”. Chết rồi chúng ta chỉ còn lại tấm lòng từ bi nơi cuộc đời này. Như vậy, mỗi người hãy là một chiếc thuyền trên biển khổ. Chiếc thuyền dù có xấu, nhưng chở người qua biển khổ có ích lợi hơn chiếc thuyền tô điểm sơn phết cho đẹp chỉ để ngắm nhìn. Trước sau hai chiếc thuyền cũng mục nát theo thời gian. Vậy mỗi chiếc thuyền chúng ta nên ra sức chở khoảng vài trăm người. Nếu không thì chở vài chục người. Nếu không nữa chở vài người qua biển khổ. Được vậy cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn và đẹp hơn. Đừng để chiếc thuyền theo thời gianmục nát, không được lợi ích gì cho ai cả. Hãy quên mình vì lợi ích cho mọi người.

Trước khi kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi xin đọc bài thơ Thân Người Giả Tạm, để tặng quý Phật tử.
Thân người giả tạm vô thường
Do duyên Tứ đại dựa nương mà thành
Vốn là chất liệu mong manh
Tinh cha huyết mẹ hôi tanh tượng hình.
Bên ngoài da bọc đẹp xinh
Bên trong chứa đựng linh tinh phân đờm
Hằng ngày chín lỗ xả tuôn
Ai nhìn cũng thấy gớm nhờm lánh xa.
Cho dù xông ướp nước hoa
Tô son bôi phấn cũng là uế thân
Già đau bệnh khổ đến gần
Mạng căn chấm dứt xác thân trương sình
Người nào cũng sợ cũng kinh
Sống thì quý giá chết khinh hơn hùm
Đời người ngắn ngủi quá chừng
Chỉ trong giây phút chỉ từng Sát-na.
Thở vào mà chẳng thở ra
Thân người lại hóa thân ma không hồn
Mất công mất của tô son
Mất tiền trang điểm nay còn gì đâu.
Cả đời mưa nắng dãi dầu
Khổ thân khổ trí lo cầu vinh hoa
Uống ăn cho thật đẫy đà
Sát sinh hại vật để mà béo thân.
Gây bao oan trái nợ nần
Địa ngục ngạ quỷ xoay vần đọa sa
Ai người thức tỉnh hiểu ra
Đừng lo những chuyện xa hoa bên ngoài
Tu tâm sửa tánh dồi mài
Ăn chay niệm Phật ngày ngày công phu
Giữ gìn ba nghiệp tịnh tu
Giới hương thơm ngát thiên thu vẫn còn
Bỏ đi trang điểm phấn son
Cũng đừng bôi xức dầu thơm làm gì
Gấm nhung tơ lụa xiêm y
Những đồ xa xỉ ta thì bớt đi.
Để tiền giúp đỡ cô nhi
Có nơi ăn học còn gì quý hơn
Giúp người đói được chén cơm
Người già được sữa cô đơn ấm lòng.
Họa tai được áo được quần
Người đau được thuốc tâm thần được nuôi
Bớt ăn bớt mặc giúp người
Cho đời thêm đẹp, cho người thêm vui.
Trải lòng thương đến muôn nơi
Tô bồi phước đức đời đời hiển vinh
Quên mình vì cả chúng sinh
Sống cho trọn nghĩa trọn tình đẹp thay.
Kính chúc quý Phật tử thân tâm thường lạc, đạo tâm kiên cố, tinh tấn tu tập. Dùng xác thân giả tạm này để làm chiếc thuyền đưa người qua biển khổ sông mê.
Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật!

Vui buồn mùa xuân

Chúng ta biết, thời tiết một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tuần tự như thế hết Đông rồi lại Xuân. Khi Xuân đến, chúng ta chuẩn bị đón mừng năm mới. Về thời gian có ngày đêm, trải qua 365 ngày đêm là một năm. Khi mùa Xuân đến chúng ta đón mừng năm mới, và chuẩn bị rất nhiều thứ, từ các vật dụng trong nhà đến thức ăn thức uống cũng phải chuẩn bị. Ngoài ra còn phải sắm quần áo mới cho con cháu, chuẩn bị bao lì xì hoặc tổ chức cho chúng đi du lịch ba ngày tết. Có người cả năm làm việc rất vất vả mới có được đồng tiền, tập trung cho ngày tết là muốn hết. Người xưa nói: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, ăn không cũng đủ mệt rồi, nếu thêm đi chơi thì còn tốn kém nhiều nữa.

Năm mới chúng ta ai cũng mừng thêm một tuổi, đồng thời theo cái mừng thêm đó cũng thêm rất nhiều thứ: đầu thêm muối tiêu, tai thêm điếc, mắt thêm mờ, chân thêm yếu, ngủ thêm khó, thân thêm đau v.v…
Thiền sư Mãn Giác có bài thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến nở trăm hoa
Việc trôi qua trước mắt
Già theo đầu đến rồi
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Khi chúng ta thấy trên đầu mình có tóc bạc, mỗi ngày một bạc nhiều là biết rằng mình đang già.
Tai thêm điếc. Trước đây tai chúng ta nghe rất thính, rất rõ. Còn bây giờ, mỗi mùa Xuân đến tai mình nghe kém, thỉnh thoảng trong lỗ tai nghe lùng bùng. Người ta nói mình nghe không rõ phải nhờ máy nghe. Phải thêm hai tai nữa nghe mới rõ.
Mắt thêm mờ. Lúc trẻ nhìn cái gì cũng rõ, bây giờ mỗi năm mắt chúng ta kém dần, muốn đọc sách báo phải đeo kính. Bình thường chúng ta có hai mắt, bây giờ thêm hai mắt nữa là bốn mắt.

Sách Thử Hòa Điệu Sống của Võ Đình Cường có đoạn: “Ôi mắt trong của em rồi cũng sẽ mờ đục, môi đỏ của em rồi cũng sẽ úa mầu, hai bàn tay đẹp đẽ này cũng sẽ như que củi khô. Ta nghe trong ta, trong em, trong tất cả mọi người mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian”.

Quả đúng như vậy, mỗi ngày chúng ta đang bị búa thời gian tàn phá. Hồi nhỏ, mắt chúng ta tròng trắng, tròng đen rõ ràng, nhìn rất tỏ, bây giờ mắt mình trở thành mắt mờ đục. Khi trẻ đôi môi của mình đỏ, bây giờ môi bắt đầu thâm. Lúc trẻ hai bàn tay mình trông như búp măng, bây giờ dần dần da mình xanh xám, nhăn nheo, gân nổi lên, mỗi ngày nó héo dần như que củi khô…

Chân thêm yếu. Lúc trẻ chúng ta chạy té lên té xuống không sao, đến độ tuổi 40, 50 trở lên, té rất dễ gãy xương. Lúc trẻ chúng ta chạy giỡn thỏa thích không biết mệt là gì, bây giờ đi hơi xa một tí là thấy mệt rồi, còn chạy nữa thì không thể. Chân bắt đầu yếu. Trước mình đi nhanh giờ thì đi chậm, một ngày nào đó thêm một chân nữa là ba chân mới đi được, có người phải bốn chân (hai cái nạng hai bên, cộng thêm hai chân là bốn) mới đi nổi.
Ngủ thêm khó. Một đứa bé mới chào đời thường ngủ rất nhiều, hình như nó ngủ để lớn, còn bây giờ chúng ta mỗi tuổi giấc ngủ thêm khó và ngủ ít đi.
Thân thêm đau. Trước đây mình đâu biết nhức mỏi, đau lưng là gì. Bây giờ lớn tuổi trong người bắt đầu nhức mỏi, đau lưng, đau xương đủ thứ.

Ăn thêm ít. Tôi nhớ khi nhỏ khoảng 13, 14 tuổi, một bữa cơm ăn ba bát đầy, nếu như hôm đó có thêm xôi chè hay món gì ngon có thể ăn nữa cũng được, nghĩa là bụng đã no rồi ăn thêm vẫn không sao. Bây giờ mỗi bữa tôi chỉ ăn chừng hai bát cơm, nếu ăn thêm nữa thì thấy khó chịu. Một ngày nào đó chúng ta nhìn thấy thức ăn thức uống không còn thèm nữa, không còn muốn ăn nữa, lúc đó chúng ta sắp sửa lên xe hoa rồi. Ai biết tu thì lên xe hoa về Tây Phương, ai không biết tu thì lên xe hoa về Diêm Vương. Muốn đi Tây Phương hay Diêm Vương đều do chúng ta quyết định.
Khi mùa Xuân lại đến
Ta mừng thêm một tuổi
Lại thương đời ngắn ngủi
Kiếp mộng mãi nổi trôi.
Chư Tổ có bài kệ rất hay:
Ngày nay đã qua
Sự sống cũng giảm
Như cá ít nước
vui sướng
Đại chúng phải siêng tinh tấn
Như cứu cháy đầu
Chỉ nghĩ vô thường
Không nên phóng dật!

“Ngày nay đã qua. Sự sống cũng giảm. Như cá ít nước”. Cá sống nhờ nước, mỗi ngày nước cạn bớt thì mạng sống của cá cũng đi dần đến cái chết. Thân của chúng ta cũng vậy, cứ một ngày trôi qua là mạng sống cũng giảm. “Như cá ít nước, có vui sướng gì. Đại chúng phải siêng tinh tấn, như cứu cháy đầu”. Các Ngài dùng hình tượng là đầu chúng ta đang bị cháy, phải mau mau cứu chữa không thể chần chờ được. Đầu cháy mà không chữa thì làm sao sống? Cho nên đây là hình ảnh nói lên sự vô thường tấn tốc để khuyến khích chúng ta cố gắng tinh tấn. Vậy vô thường là gì? Vô thường có nghĩa là luôn luôn thay đổi không bền chắc.

Mạng sống chúng ta từng giây từng phút thay đổi. Có một nhà văn đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Thân chúng ta nhìn bên ngoài cứ tưởng nó là như thế, nhưng bên trong các tế bào luôn luôn sinh diệt đổi mới. Thân ngày hôm nay không phải là thân của hôm qua và cũng không phải là thân của ngày mai. Thân thể chúng ta giống như dòng sông luôn luôn có sự biến chuyển, thay đổi từng Sát-na một. “Chỉ nghĩ vô thường, không nên phóng dật”. Chư Tổ khuyên chúng ta phải nghĩ đến sự vô thườngtinh tấn nỗ lực tu tập, không nên buông lung phóng túng theo Ngũ dục Lục trần, để rồi dẫn mình vào con đường đau khổ sa đọa.

Xuân đến rồi Xuân đi
Hoa nở rồi lại tàn
Đời người tại thế gian
Như hoa nở mùa Xuân.
Tuy thời gian khoảnh khắc
Vẫn tỏa hương khoe sắc
Tô thắm cho cuộc đời
Thêm đẹp tươi phúc lạc.

Hai câu đầu của bài thơ nói lên sự vận hành của thời tiếtđịnh luật sinh diệt của hoa. Đó là định luật vô thường. Thân của chúng ta cũng vô thường sinh diệt, đó là quy luật không ai tránh khỏi: có sinh phải có tử và thời gian sống của chúng ta, tuy một trăm năm nhưng cũng không có là bao, chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài mà thôi. Vậy trong thời gian chúng ta sống phải giống như bông hoa. Bông hoa nở ra chỉ một thời gian ngắn, nhưng nó tô điểm cho cuộc đời thêm đẹp, thêm hương. Chúng ta là người phải hơn loài hoa, phải sống thật xứng đáng góp phần tô điểm cho cuộc đời thêm hương, thêm đẹp.

Sống và chết là điều tất nhiên của con người. Song sống như thế nào có ích cho mình và người, chết như thế nào để lại tấm gương cho hậu thế noi theo học tập, đó là điều mà người trí cần phải suy nghĩ. Muốn sống xứng đáng chúng ta phải biết tu tập để làm mẫu mực, làm tấm gương cho người khác noi theo học tập. Để khi chúng ta nhắm mắt còn lại hương thơm cho cuộc đời.

Mỗi một mùa Xuân đến ai cũng mừng thêm một tuổi, đồng thời lại thương cuộc đời ngắn ngủi, cái chết đến gần với chúng ta, thế mà chúng ta vẫn chưa giác ngộ, cứ mãi nổi trôi trong vòng luân hồi sinh tử Lục đạo đau khổ.
“Trên đầu tóc đã điểm sương
Trăm năm là giấc mộng trường người ơi”

Chúng ta sống một trăm năm chỉ là một giấc mộng dài. Cho nên khi mùa Xuân đến chúng ta có những niềm vui, nỗi lo và nỗi buồn. Vui là vui được thêm một tuổi. Lo là lo những thứ cần thiết cho ngày tết. Buồn là buồn tóc thêm bạc, da thêm nhăn, mắt thêm mờ, tai thêm điếc, sức khỏe thêm kém. Ngày nay, mình học Phật, đã hiểu được quy luật của vạn vậtnhân sinhvô thường; tất cả những gì hữu tình tất hữu hoại, không còn lo sợ gì trước cảnh già bệnh chết đến với mình. Điều quan trọng là khi sống chúng ta phải như một bông hoa tươi đẹp, tô điểm sắc hương cho cuộc đời, cho đạo pháp, khi chết để lại tấm gương cho hậu thế noi theo học tập.
Mấy lời tâm huyết

Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ, được như thế hạnh phúc không gì bằng, đó gọi là pháp thí.
Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, sau đó lần lượt cho nhà khác mượn, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ. Việc làm này quý giá vô biên, đây cũng gọi là pháp thí.

Chính đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, pháp thícông đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.
Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng nên lo nghĩ, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo. Đó là mục đích chính, thiêng liêng và cao cả nhất của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một viên gạch v.v… ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vữngkiên cố đời đời.

Chúng ta không nên quan niệm về công đức, hãy nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng tội lỗi không lối thoát xung quanh chúng ta. Hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý, giúp họ tìm ra nhiều lẽ sống, niềm vui. Được thế, chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.
Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy “Tất Cả Vì Phật Pháp”. Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho mọi người xem!

Được vậy, niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với chúng ta! Tha thiết mong mỏi như thế!
Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ vài ngàn, nhưng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu.
Quý vị nào muốn phát tâm ấn tống kinh sách, xin liên hệ: CHÙA HOẰNG PHÁP, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 7130002–7133827.
05-10-2007 05:25:13
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.