Bạch sư con là thành viên mới con xin có đôi lời muốn thỉnh cầu quý sư chỉ dạy cho con. Số là con sau khi học đại học xong không đi làm mà ở nhà buôn bán. Nhưng con có bị vướng mắc 1 lỗi lầm rất lớn đó là nghiện cờ bạc, con nghiện bắt đầu từ khi đi học đại học ,lúc ở đây con cũng may mắn là có chỗ vừa học vừa phụ bán quán cơm được bà chủ tin tưởng và cho ở lại giữ quán. Ở nhà ba mẹ thấy thế cũng mừng nhưng nào ngờ trong lúc học có quen 1 số ban rủ rê chơi thử lúc đầu chỉ dám vài chục nghìn rồi dần dần vài trăm triệu và rồi nghiện lúc nào chả hay. Bà chủ quán cũng biết tới vụ việc nhưng vì thương con nên cũng nấng ná cho qua. Và bỏ chơi được thời gian cho đến khi tốt nghiệp. Về nhà buôn bán có dư dả được chút ít thì bệnb cũ tái phát ba mẹ đều biết và cả 3 lần đều được tha thứ đến lần thứ 4 chính là lần này con bạch thầy. Hiện giờ con rối lắm vì không tài nào bỏ được con sợ sẽ có thêm lần nữa. Mong quý thầy cho con lời khuyên
Đây là lời khuyên:
Cờ bạc thực ra là một hiện tượng có thể gây ra chứng “nghiện” về mặt tâm lý, với người muốn “cai” chứng “nghiện” này, thì cần chú ý đến những điểm sau đây:
1. Những lúc chưa “cai nghiện” cờ bạc, thì cố gắng đừng để tiền trong tay
2. Xây dựng kế hoạch kiếm tiền và tiết kiệm tiền, ví dụ như mua nhà, mua xe…
3. Có những người bạn tốt, có đời sống lành mạnh để họ có thể giúp “kéo” mình ra khỏi môi trường cờ bạc.
4. Bản thân phải hiểu rõ rằng, “trên đời này không có bữa trưa nào là miễn phí”, dù người chơi cờ bạc ban đầu có thể thắng được chút tiền, nhưng chẳng mấy chốc sẽ lại thua hết. Thử nhìn xung quanh mình xem, có bao nhiêu người chơi cờ bạc, và hậu quả mà đa phần những người này phải đối mặt là gì.
5. Thường xuyên dành thời gian cho những việc có ích, giúp bản thân không còn thời gian chú ý đến hoạt động cờ bạc, hoặc ít nhất cũng không phải là lúc nào cũng muốn chơi.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, có bốn nguyên nhân khiến người ta trở lên “nghiện” cờ bạc: Nhân tố tâm lý, cảm giác kích thích, tính cách bồng bột của con người và hành vi xã hội. Nếu muốn “cai nghiện” cờ bạc, vậy có thể tham khảo cách điều trị những “chứng” liên quan đến bốn nguyên nhân trên. Những người xung quanh cần hiểu rằng nhiều khi người chơi cờ bạc rơi vào tình trạng mất kiểm soát, họ không rõ họ đang làm gì, cho nên, những người xung quanh, đặc biệt là người thân nên quan tâm và đưa ra những khuyên nhủ kịp thời, cũng như kịp thời động viên khi có có những biểu hiện tích cực.
Đây là một quá trình dài lâu chứ hoàn toàn không phải ngày một ngày hai có thể thực hiện được, tuy nhiên việc thực hiện những động thái vừa nêu có thể giúp người chơi cờ bạc dần dần giảm thiểu thời gian tham gia vào hoạt động này, cho đến khi đạt đến hiệu quả là chỉ chơi cờ bạc mang tính chất “cho vui” chứ không còn “ăn thua” nữa.
Mời bạn xem thêm lời khuyên của TT. Thích Nhật Từ trong một hoàn cảnh phức tạp hơn:
Bạch Thầy, hai năm nay con có một nỗi khổ không biết chia sẻ cùng ai, có những lúc con tưởng không thể chịu đựng được nữa, chỉ mong ly dị cho nhanh để khỏi phải suy nghĩ, dằn vặt. Nhưng nhìn hai con gái bé bỏng con lại không nỡ lòng nào chia cắt gia đình. Bố mẹ chồng và em gái của chồng con chơi cờ bạc, nợ nần đầm đìa, chồng con lúc đầu giấu con đi vay tiền họ hàng và người quen để trả nợ cho bố mẹ và em, nhưng dần dần những khoản nợ lớn hơn nên không ai cho vay nữa, chồng con về lấy sổ đỏ đi cầm cố vay tiền trả nợ, rồi bao nhiêu tiền chồng con kiếm được cũng dồn cả vào việc trả nợ cờ bạc của nhà chồng. Con giận vì mất tiền đã đành nhưng giận hơn nữa vì chồng giấu giếm, lừa dối sau lưng con. Con mới sinh cháu nên nghỉ làm ở nhà chăm bé không kiếm được tiền nên gia đình nhà chồng coi thường con, họ nói con đừng có nói này nói nọ, tiền là do con trai họ làm ra, họ hoàn toàn có quyền tiêu. Thầy ơi, nếu đó là tiêu vào những việc có ý nghĩa như xây nhà, chữa bệnh, khuyến học thì con đâu dám có ý kiến gì nhưng chồng con lại đang tiếp tay cho họ cờ bạc. Con đã khuyên ngăn nhiều lần không được. Theo Thầy con nên làm gì? Con có nên ly dị không?
Uyên Nguyễn, Thái Bình
Không liên kết nỗi đau
Đọc thư của chị, tôi thông cảm cho tình huống mà chị đang phải đối diện bao gồm vui buồn lẫn lộn. Niềm vui sinh con, được làm mẹ của chị chưa được bao lâu đã bị hàng loạt nỗi buồn thế chỗ. Buồn vì bị “gia đình chồng coi thường”. Nặng hơn, buồn vì chuyện bố mẹ và em chồng chơi cờ bạc, “nợ nần đầm đìa” đẩy chồng chị vào cảnh phải “vay tiền họ hàng và người thân để trả nợ” rồi thậm chí khi hết cách, phải “lấy sổ đỏ đi cầm cố vay tiền trả nợ”.
Vì là chuyện tế nhị, “chồng giấu giếm” làm chị có cảm giác bị chồng “lừa dối sau lưng”. Chắc hẳn việc trả nợ cờ bạc của nhà chồng do chồng chị lén đi vay mượn tiền và cầm cố sổ đỏ đã làm cho vợ chồng chị lục đục, mất hạnh phúc và bất an.
Dù thông cảm với chị, song lối suy nghĩ bị “coi thường” và bị “lừa dối” làm chị quyết định “mong ly dị cho nhanh để khỏi phải suy nghĩ, dằn vặt” là một hành động vội vã, dồn đẩy chồng chị vào bế tắc, vốn có thể làm cho vấn đề trở nên căng thẳng và không giải quyết được tận gốc rễ. Chị cần nhận ra rằng vì thương và giúp đỡ thiếu sáng suốt, chồng chị đã vô tình tiếp tay cho thói nghiện cờ bạc của cha mẹ và em chồng. Trong tình huống này, chị nên hợp tác cùng chồng giúp gia đình chồng vượt qua được con ma tham và thiếu sáng suốt này. Tạo thêm căng thẳng cho tình huống bất hạnh không phải là quyết định sáng suốt. Do đó, đừng để bất hạnh này chắp nối cho khổ đau khác có mặt theo sau. Hãy khéo léo khoanh vùng nỗi đau để vợ chồng chị có đủ bình tĩnh và sáng suốt cần thiết, cùng vượt qua thử thách cờ bạc và nợ nần của phía gia đình chồng.
Sự túng quẫn của người nghiện cờ bạc
Chị nên ý thức rằng dù không có triệu chứng rõ ràng như nghiện rượu hay ma túy, người nghiện cờ bại bị lệ thuộc vào lòng tham (được làm giàu mà không phải lao động) hay sự si mê (vì nghĩ rằng mình giỏi hơn cỗ máy chơi bài và có thể gỡ gạc). Thói nghiện này làm cha mẹ và em chồng chị có nhu cầu đánh bạc lúc đầu là lén lút về sau là công khai. Người cờ bạc thường hay nói dối vòng vo, hoặc hứa từ bỏ nghiệp này nhưng mục đích chỉ để đối phó với người thân và làm người thân mất cảnh giác. Khi họ đã công khai ngang nhiên chơi cờ bạc thì tình trạng trở nên phức tạp hơn. Góp ý không khéo léo, chị có thể hứng lấy các phản ứng tiêu cực của gia đình chồng, như chị đang gặp phải hiện nay.
Một khi đã lao vào cuộc chơi đỏ đen rồi, ít người có thể rời bỏ được nó. Càng cố gắng đến sới bạc để giành lại số tiền đã bị thua, kẻ nghiện bạc sẽ thua đến đồng xu cuối cùng, thậm chí tệ hại hơn là cầm cố mạng sống của mình để tiếp tục chơi. Dù có ý thức, khi lao vào thói quen này, kẻ cờ bạc đánh mất sự kiểm soát bản thân. Sự si mê khi nghĩ mình có thể gỡ gạc càng làm cho kẻ đánh bạc thua trắng các khoản tiền, mà lẽ ra cần dùng cho các việc quan trọng (thanh toán các hóa đơn, mua các vật dụng cần thiết cho gia đình, lo con cái ăn học, chi xài hợp lý cho bản thân,…). Càng tiếc số tiền đã thua, người đánh bạc do si mê, tự an ủi mình rằng phải tiếp tục đánh bạc với số tiền lớn hơn để có thể tìm lại vận may. Vòng luẩn quẩn thua lại cứ thua, hết keo này sang keo khác, đã làm cho người đánh bạc đi vay, cầm cố, thế chấp tài sản, lừa dối, ăn cắp tiền bạc tài sản của người thân để được tiếp tục đánh bạc và “cúng tiền không đốt nhang” cho sòng bạc.