Tuệ Hạnh dịch
BẢN DỊCH VIỆT VĂN
III - CÁC BÀI TỰ VÀ SỚ
A.- Tự
1- Triệu luận tự, tiểu Chiêu Đề tự, Huệ Đạt tác. Huệ Đạt rất có thể là tác giả của bản chú kể sau.
2- Triệu luận tự chú, của Nguyên Khương, in cùng với bản Triệu luận chú của cùng tác giả.
3- Giáo khoa Triệu luận tự chú, tiểu Chiêu Đề tự, Sa môn Huệ Đạt thuật, do Lạc Đàm Thiền sư Hiểu Nguyệt chú. Hiểu Nguyệt là Thiền sư thuộc Lâm Tế tôn. Không rõ niên đại của ông. Nhưng qua một đoạn trong bài chú, có lẽ ông là người đương thời với Minh Giáo Thiền sư Khế Trung, vốn được duyệt định niên đại là 1007-1072, căn cứ theo Ngũ đăng hội nguyên, theo Tục Truyền đăng lục và theo Triệu luận cập chú sớ của Trung Điền Nguyên Thứ Lang, trang 383-4, in năm 1936.
B.- Sớ
1- Triệu luận sớ, tam quyển, Trần Huệ Đạt soạn. Bộ này, ngày nay ta chỉ còn có quyển thượng và trung; quyển hạ thiếu mất rất nhiều đoạn. Tác phẩm thật ra rất hoàn toàn, mặc dầu thứ tự của các quyển đã bị thay đổi theo sử quan; theo đó, quyển hạ trước kia nay được in trước quyển thượng và trung.
Trung Điền Nguyên và Thanh Dụng Đồng nghi ngờ rằng bản chú và bài tự không cùng tác giả. Trung Điền Nguyên khiến ta chú ý rằng trong bộ chú giải có hai chỗ gọi tác giả là Chiêu Đề, tức là qua tên của tự viện. Cát Tạng, trong Đại thừa huyền luận, chương 4, cũng gọi tác giả bằng tên này. Nguyên Khương, trong Triệu luận sớ, ghi rằng Tiểu Chiêu Đề tự được dựng nên vào đời Tần, trong khi Đại Chiêu Đề tự được xây vào đời Lương. Điều này rất có lý. Nhưng không có ai biết gì về Huệ Đạt thuộc Đại Chiêu Đề tự cả.
Cát Tạng và Nguyên Khương đồng ý rằng Chiêu Đề là danh gọi của Huệ Đạt thuộc Tiểu Chiêu Đề tự, ở huyện Giang Ninh, Nhuận Châu, nay thuộc phía Nam Nam Kinh.
Bản Triệu luận sớ này ghi rằng, quyển thượng giải thích về tục đế (laukika), quyển trung về chân đế (paramartha), thật ra là một tư tưởng cũ kỹ, không được tu chỉnh theo ý nghĩa chân chính của tác phẩm.
Mặc dầu nguyên lai tác giả đã được phân biệt, nhưng ta vẫn còn gặp phải khó khăn: một tăng sư không thể tự gọi mình qua tên ngôi chùa. Danh dự này chỉ dành riêng cho vị sáng lập chùa hay vị đáng tôn kính nhất trong Tăng chúng của ngôi chùa mà thôi. Thế nhưng, hai phần đầu của bản sớ này được mệnh danh là “nghĩa ký” và “nghĩa tự ký”, tức là, do một người nào khác ghi tập lại. Như vậy, có thể là một đệ tử nào đó ghi chép lại những giải thích của thầy mình, tức Huệ Đạt, và tôn xưng ông qua danh hiệu ngôi chùa.
Nguyên Khương cho ta biết rằng Huệ Đạt nổi danh thời Trần (557-589). Chính Huệ Đạt kể rằng ông đã từng giảng pháp trong hai mươi năm, trước khi tạo nên bản sớ này. Các tác phẩm của ông cho ta thấy ông ủng hộ triệt để Tam Luận tông, chống lại Thành Thật tông.
2- Triệu luận sớ, tam quyển, Đường Nguyên Khương tuyển. Tiểu sử của Nguyên Khương được ghi lại trong Cao tăng truyện, quyển 4. Ông là người lùn tịt và lù đù, không giống như hình ảnh lý tưởng của một học giả, nhưng thật ra là người rất ham học hỏi. Vào triều đại Thần Khương (627-649), khi ông đến kinh đô để truyền pháp, ông thường mang trên vai hay kéo lê sau hai chân một tấm phản có gắn bánh xe. Trong khi vui hứng, ông nói rằng ông có thể tận cùng đả kích, chỉ với gia tài bé nhỏ đó, và hướng dẫn đến tri ngộ chân lý, những ai vốn tin tưởng nơi Giả Hữu mà chưa thấu đáo được ý chỉ của Bản Không. Theo lệnh vua, ông trụ tại An Quốc tự, và chuyên giảng Tam luận. Đông Vực truyền đăng mục lục, năm 1094, liệt kê có 6 tác phẩm thuộc tên ông. Tất cả đều đã thất lạc.
Bộ sớ này gồm ba quyển như đã kể trên, theo thứ tự mà chúng xuất hiện ở những kỳ in sau. Đây là lần đầu tiên mà Tông Bản Nghĩa, phần tự của Tăng Triệu, xuất hiện.
3- Triệu luận sao, tam quyển, Ngưu Đầu Sơn U Tây tự Huệ Chứng tuyển. Theo Trung Điền Nguyên, thủ bản của Triệu luận sao này được bảo trì ở Cao Sơn tự, Mai Vĩ thôn. Bản này lần đầu tiên được liệt kê trong một bản mục lục mà Viên Nhân từ Trung Hoa mang về Nhật năm 839. Trong một mục lục khác của cùng tác giả, Huệ Chứng lại được gọi là Tuệ Trừng.
4- Chú Triệu luận sớ, Tống Nghiêu Phong Tuân Thức thuật, gồm 6 quyển.
Tuân Thức, trụ trì ở Nghiêu Phong tự, hiệu là Từ Vân Sám Chú, là một nhân vật tên tuổi của Thiên Thai tông và là tác giả của nhiều tác phẩm, trong số đó có đến 30 quyển còn lưu truyền. Ông sống vào những năm 964-1032. Tiểu sử của ông tìm thấy trong Khế Tung Đàm Luật văn tập, ch. 13, trong Phật Tổ thống ký và một vài thủ tập khác.
5- Triệu luận trung ngô tập giải, Tần Thủy Sa môn Tịnh Nguyên tập, 2 quyển. Phật học thư cục ở Thượng Hải ấn hành theo một mộc bản đời Tống thuộc sở hữu của La Chấn Ngọc. Một ấn bản khác đời Tống thuộc sở hữu của Tùng Bản Văn Tam Lang, lại sai khác với bản trên rất nhiều; phần phụ lục, tập giải đề tự, ghi là được viết vào năm 1058.
Tịnh Nguyên (1011-1088) thuộc Hoa Nghiêm tông, là đệ tử của Thừa Thiên ở Ngũ Đài sơn. Về sau, Tịnh Nguyên rất tích cực hoạt động ở miền Nam. Tiểu sử của ông trong Phật Tổ lịch đại thông tải, ch. 19.
Những tài liệu ông thu tập gồm có các bản chú 1, 2, 3 theo như liệt kê trên đây, và ba bản khác hiện đã thất lạc.
Những chú thích về Tăng Triệu trong sách này thường là dẫn chứng theo Tịnh Nguyên vốn trích dẫn theo Triệu luận sớ do Quang Diêu Thiền sư, sống vào năm 716-807, soạn.
6- Triệu luận tập giải lịnh mô sao, hai quyển, do Tịnh Nguyên viết. Đây là một bản sớ sao về tác phẩm vừa kể trên của cùng tác giả, còn lưu truyền với thủ bản được bảo trì ở thư phòng chùa Cao Sơn, Nhật.
7- Mông Án Hòa thượng tiết thích Triệu luận, hai quyển, được in lại trong Triệu luận nghiên cứu từ một thủ bản đời Kamakura, hiện thuộc thư tập Maeda (Tiên Điền). Mục Điền Đế Lãng nghiên cứu thật chi tiết bản này trong Triệu luận lưu truyền, in năm 1955, tr. 283-289.
8- Triệu luận tân sớ, Nguyên Văn Tài thuật, tam quyển. Số quyển thay đổi theo các mục lục, bản còn lưu truyền gồm có 3.
Văn Tài (1241-1302), sinh trưởng trong gia đình nông dân. Ông học rộng, hiểu xa và trải hầu hết cuộc đời ở Bạch Mã tự, Lạc Dương. Do đó mà ông cũng còn được gọi là Thích Nguyên Tông Chủ. Khi Vạn Thánh Hữu Quốc tự, ở Ngũ Đài sơn, được vua Thành Tông nhà Nguyên truyền lệnh xây, ông được sắc phong làm trụ trì ở đây. Trong số các tác phẩm ông viết, còn kể có Tuệ Đăng tập. Tuệ Đăng này dường như là tác giả của bản Triệu luận sao, số 3 trên kia. Tiểu sử của Văn Tài trong Phật Tổ lịch đại thông tải, ch. 22.
Văn Tài nói, trong phần tự tự, rằng ông dùng bản chú của Quang Diêu Thiền sư và một bản sớ của một vị Tăng tên là Đạt, Vân Am Đạt Thiền sư. Đạt này có thể là Huệ Đạt.
9- Triệu luận tân sớ du nhân, 3 quyển, của Văn Tài. Đây là bản sớ sao của tác phẩm vừa kể trên của cùng tác giả.
10- Triệu luận lược chú, 6 quyển, của Đức Thanh đời Minh. Kỳ in năm 1888, gồm trong 2 quyển, do Kim Lăng khắc kinh xứ, Nam Kinh, ấn hành.
Đức Thanh (1546-1623) là một Thiền sư ở Nam Kinh. Tiểu sử của ông còn lưu truyền trong bộ Cảnh Sơn Đại sư mộng du toàn tập của Thiền Thiện. Cảnh Sơn là pháp hiệu nổi danh của Đức Thanh. Trong số các tác phẩm ông viết, còn có những bản chú giải về Lão Tử và Trang Tử như bộ “Đạo Đức kinh giải phát đề”, v.v...
Bản lược chú này một phần là biện luận, dùng để ủng hộ Tăng Triệu chống lại những kết án cố hữu của Trần Trừng cho là Tăng Triệu thuộc Lão giáo, theo trong cuốn Vật Bất Thiên Chánh Lượng luận của Trần Trừng. Cuộc tranh biện đưa đến các bài thảo luận tiếp theo đó, hoặc phủ nhận hoặc đính chính lời kết án đó. Bộ chú được dẫn nhập bằng một lược dẫn về bài tự của Huệ Đạt và kết thúc bằng một lời bạt, ghi năm 1605, của một vị tên là Tuệ Tâm.
Trung Điền Nguyên, ở trang 42-48, còn liệt kê thêm 12 bản sớ nữa mà hiện nay đã thất truyền. Một bản trong số đó là 5. Ta lại còn có thể thêm vào Triệu luận sớ nghị, được An Trừng đề cập đến trong Trung luận sớ ký vốn là sớ sao của Trung Quán luận sớ của Cát Tạng. Thang Dụng Đồng, tr. 837, cho đấy là một tác phẩm Nhật.