Tuyên ngôn của Đức Đạt Lai Lạt Ma về trách nhiệm toàn cầu (2)

16/09/20163:54 CH(Xem: 11060)
Tuyên ngôn của Đức Đạt Lai Lạt Ma về trách nhiệm toàn cầu (2)

TUYÊN  NGÔN 
của 
Đức  ĐẠT-LAI  LẠT-MA 
về  
TRÁCH NHIỆM TOÀN CẦU


Mối quan tâm của tôi trải rộng đến từng thành phần trong gia đình nhân loại, đúng hơn là đến tất cả chúng sinh đang phải gánh chịu khổ đau. Tôi tin rằng sự thiếu hiểu biếtnguyên nhân của tất cả mọi khổ đau. Chỉ vì đuổi bắt hạnh phúc và các sự thích thú ích kỷchúng ta gây ra khổ đau cho kẻ khác. Thế nhưng hạnh phúc đích thật thì chỉ phát sinh từ tình nhân ái chân thật mà thôi. Chúng ta cần phải huy động ý thức trách nhiệm toàn cầu giữa mỗi người trong chúng ta và đối với cả hành tinh này, nơi mà chúng ta cùng chung sống.

                                                                               Đức Đạt-lai Lạt-ma

Hình bìa quyển sách Hiện thực mới, thời đại của trách nhiệm toàn cầuLời giới thiệu của người dịch

        Khoảng giữa năm 2016, Đức Đạt-lai Lạt-ma và bà Sofia Stril-Rever, chuyên gia tiếng Phạn, Tây Tạng học, nhà văn và cũng là đệ tử của Ngài đã cho phát hành một quyển sách nêu lên những vấn đề nóng bỏng của thế giới ngày nay: sự tàn phá môi sinh, tình trạng hung bạo và bất công xã hội. Sự ý thức về trách nhiệm của mỗi con người chúng ta đối với xã hội, con người và sự sống nói chung trên hành tinh này trở nên thật hết sức khẩn thiết.

        Đặc biệt nhất quyển sách này đã long trọng công bố "Bản Tuyên Ngôn của Đức Đạt-lai Lat-ma về Trách nhiệm toàn cầu", và đây cũng là chủ đích của quyển sách này. Bản tuyên ngôn gồm có hai phần:

        Phần I:  Ba ý thức về trách nhiệm toàn cầu
        Phần II: Mười một sự dấn thân vì sự sống (sẽ được chuyển ngữ dưới đây) 

 

MƯỜI MỘT SỰ DẤN THÂN VÌ SỰ SỐNG

       Với quyết tâm sống trọn vẹn với ba ý thức về trách nhiệm toàn cầu, tôi xin mang tất cả ba ý thức này ghép vào nguyên tắc đạo đức chung, hầu tạo ra một sự mạch lạc hướng dẫn tất cả mọi tư duy, ngôn từ và hành động của tôi. Tuy rằng nguyên tắc đạo đức mà tôi đã chọn cho mình không hẳn là một giải pháp trực tiếp có thể giải quyết được hết các khó khăn mênh mông trong thế giới này, thế nhưng nó cũng biểu trưng cho một sự tích cực nào đó, dựa trên sức mạnh của các quan điểm mà nhiều người chấp nhận, và một lòng quyết tâm hành động trong tinh thần hợp tác giữa những ai cùng dấn thân vì nhân loại.

       Tôi hiểu rõ tính cách chánh đángcần thiết của các quyền hạn của con người và của cả các chúng sinh khác không phải là con người, kể cả môi trường sống, do Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế nêu lên. Thế nhưng các quyền hạn đó, nếu không được khơi động bởi các giá trị của lòng nhân ái trong mỗi người chúng ta, thì sẽ không thể nào tự chúng có thể kiến tạo được hòa bình và mang lại sự hòa giải trên thế giới. Chính vì lý do đó mà Bản Tuyên Ngôn về Trách Nhiệm Toàn Cầu này sẽ thiết đặt nền tảng cho một sự nhất trí, căn cứ trên "Ba ý thức", mà lãnh vực hành động là "Mười một sự dấn thân vì sự sống".

       Hành động dấn thân vì sự sống biểu trưng cho một chủ đích mang nhiều ý nghĩa, mà tôi tự nguyện chọn cho mình một cách hoàn toàn ý thức, bởi vì hành động đó phản ảnh một sự thật trong tôi, qua một sự hiểu biết đúng đắn về một hiện thực tương liên nói lên một sự ràng buộc giữa tất cả mọi người

 

1- Dấn thân thứ nhất vì sự sống 

SỰ AN BÌNH CỦA NỘI TÂM

       Tôi nguyện sẽ trở thành chính sự an bình mà tôi hằng ước vọng mang lại cho thế giới này.

       Hòa bình không phát sinh từ một phán quyết nào cả, cũng không phải là một sự cưỡng bức bằng các áp lực bên ngoài. Hòa bình hiện ra từ cội nguồn là lòng nhân ái trong tôi. Là quả ngọt của lòng từ bi, chín muồi bên trong trái tim tôi. Tôi nguyện nuôi nấng hòa bình lớn lên trong tôi và làm cho nó tỏa ngời. Tôi ý thức được rằng khi từng bước chân của tôi hướng về hòa bình thì nhân loại cũng sẽ cùng tiến lên với tôi trên con đường đó. 

2- Dấn thân thứ hai vì sự sống 

AHIMSA, TINH THẦN PHI-BẠO-LỰC

       Trong số các hình thức hiến dâng, thì sự hiến dâng mạng sống của mình cho từng chúng sinh, là sự hiến dâng cao quý nhất.

       Tôi nguyện trong tinh thần ahimsa, sẽ luôn kính trọngbảo vệ sự đa dạng của tất cả mọi hình thức của sự sống, để tất cả đều tìm thấy một nơi an trú trên Địa Cầu này. Tôi buộc chặt cuộc sống của tôi, không tách rời một bước, với lý tưởng phi-bạo-lực, và đó cũng chính là ước mơ sâu xa nhất hình thành từ lòng nhân ái trong tôi.  

 

3- Dấn thân thứ ba vì sự sống 

ĐẠO ĐỨC CHỐNG LẠI CHỦ THUYẾT PHÂN BIỆT CHỦNG LOẠI

       Ý thức được bản chất yếu đuối và dễ bị thương tổn, mang tính cách tự tại trong mọi hình thức sinh tồn, và đồng thời hiểu được rằng việc tôn trọng các quyền hạn của con người không phải là một lý do để vi phạm quyền sống của các chủng loại khác, tôi nguyện tôn trọng lý tưởng đạo đức chống lại chủ thuyết phân biệt chủng loại (1), và bảo vệ tất cả mọi hình thức của sự sống, kể cả các sự sống mong manh nhất. Các sự sống ấy và chính tôi, tất cả đều lệ thuộc vào nhau.

       Đạo đức đó cho thấy việc chăn nuôi kỹ nghệ và mổ giết súc vật là cả một sự tàn ác, không tôn trọng nguyên tắc bất di dịch của một cộng đồng bất khả phân cùng chia sẻ một sự sống chung. 

 

4- Dấn thân thứ tư vì sự sống 

NHÂN PHẨM CON NGƯỜI

       Tôi nguyện tôn trọngbảo vệ nhân phẩm bất khả xâm phạm của con người, nhất là trong các lãnh vực khảo cứu đang tiến hành ngày nay về các vấn đề gây chết không đau, đạo đức sinh học, sinh sản vô tính, các kỹ thuật biến đổi di truyền với mục đích chữa trị hay làm thuyên giảm bệnh tật.

       Ý thức được rằng đối xử hung bạo với một con người duy nhất cũng có nghĩa là làm thương tổn đến toàn thể nhân loại, tôi phải luôn cảnh giác trước sự kính trọng các quyền hạn của con người. Tôi có bổn phận giải thoát những kẻ bị áp bức và tất cả những ai còn đang phải gánh chịu số phận nô lệ trong thời đại tân tiến này nay, con số này có thể lên đến hàng triệu người.

       Nhân danh đại đa số thầm lặng, tôi xin xông vào cuộc chiến chống lại giáo điều của bọn con buôn nấp phía sau chủ trương toàn cầu hóa vô nhân đạo. Tôi quyết tâm không tham gia vào chiến lược của phong trào phi-vật-chất-hóa (2), cũng như các hình thức đầu cơ tài chính đã ăn sâu vào lương tri của bọn tài phiệt và các chính trị gia, nhằm mục đích xóa bỏ trách nhiệm trên phương diện cá nhân.

5- Dấn thân thứ năm vì sự sống 

CHIA SẺ VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

       Tôi nguyện nêu cao chủ trương chia sẻ, tương trợ, phục vụ và đoàn kết, và ý thức rằng đấy chính là căn bản cần thiết cho sự sống trên Địa Cầu này.

       Tôi chống lại quan điểm bênh vực sự hợp lý của sự thống trị, tuân theo chủ-nghĩa-thực-dụng (3) và các chủ trương ngắn hạn, đấy chỉ là các cách làm nứt rạn tinh thần đoàn kết đưa đến các thể chế độc tài chuyên chế chỉ biết lợi lộccạnh tranh, vàđấy là nguyên nhân đưa đến tình trạng nghèo-nàn-hóa và làm kiệt quệ nhanh chóng các nguồn tài nguyên.

6- Dấn thân thứ sáu vì sự sống 

THỂ CHẾ DÂN CHỦ

       Tôi nguyện dấn thân vì thể chế dân chủ với các cơ chế đại diện cho người dân với niềm tin rằng thể chế đó nếu không bị băng hoại vì tham nhũng, sẽ là một thể chế phù hợp nhất đối với bản chất nguyên sinh của nhân loại.

       Đó cũng là nền tảng bền vững duy nhất có thể góp phần vào công trình xây dựng một cấu trúc chính trị toàn diện. Bởi vì một thể chế dân chủ đúng nghĩa của nó sẽ chủ trương các phương tiện phi-bạo-lực để bảo vệ sự tự do, trước hết là cho chính xứ sở mình và sau đó là cho toàn thể nhân loại. Thể chế đó sẽ mang lại sự cải thiện trên phương diện cá nhân và cả xã hội, phù hợp với một hiện thực mới và các ước vọng của người dân. 

7- Dấn thân thứ bảy vì sự sống 

MỘT NỀN KINH TẾ CÔNG BẰNG

       Tôi nguyện sẽ góp phần mang lại một nền kinh tế toàn cầu tôn trọng sự sống của tất cả chúng sinh, dù là con người hay không phải con người cũng thế.

       Trong tinh thần công lý đó, tôi xin khước từ các sự ưu đãiđặc quyền dành cho riêng tôi, khước từ tất cả những gì không thể chia sẻ với kẻ khác. Tôi cố tránh không vơ vét một cách dư thừa khiến tôi vi phạm vào sự phung phí của cải, trong khi hàng triệu người phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn. Nếu mỗi người hiểu rằng chỉ nên giữ lại cho mình những gì cần thiết thì sẽ không có ai phải chịu cảnh thiếu thốn cả.   

8- Dấn thân thứ tám vì sự sống 

NGƯỜI PHỤ NỮ PHẢI ĐƯỢC BÌNH ĐẲNG

       Người phụ nữ là mẹ của nam giới. Vai trò của họ là bảo vệ sự sống và giảng dạy cho thế giới đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, thế nào là ý nghĩa của hòa bình, chẳng phải đấy là liều thuốc mầu nhiệmthế giới đang khát khao được uống hay sao? 

       Tôi nguyện sẽ trao cho người phụ nữ quyền hạn được góp phần vào sự thăng tiến xã hội bằng các phương tiện giáo dục, và được nắm giữ các chức vụ với tầm trách nhiệm lớn lao, bởi vì tôi công nhận họ có đầy đủ khả năng bẩm sinh để hồi phục lại nhân tính cho thế giới này, bằng cách khơi động lại ý thức trách nhiệm cá nhân và tập thể theo một chiều hướng vị tha hơn.

9- Dấn thân thứ chín vì sự sống 

MỘT NỀN GIÁO DỤC TOÀN DIỆN

       Tôi nguyện chủ trương và xúc tiến một hệ thống giáo dục toàn diện nhằm dạy con người biết sống, không những chỉ giúp họ phát huy các khả năng hiểu biết trong lãnh vực trí thức mà còn trên phương diện trực cảm và các phẩm tính của con tim. 

       Trong tinh thần trách nhiệm toàn cầu, đối với việc giáo dục một đứa trẻ thì thật hết sức cần thiết là phải tập cho đứa trẻ biết suy xét, giúp nó trông thấy những sự sai lầm, ảo giác và thiếu công bằng; nhất là đánh thức nhân tính bên trong đứa trẻ, tập cho nó biết nhìn vào bên trong chính nó bằng phương pháp thiền định hầu giúp nó tìm hiểu tâm thức và các xúc cảm của chính nó. Đấy là cách giúp cho đứa trẻ sớm trưởng thành trên phương diện nhận thức, cảm xúc và khả năng quyết định. Đồng thời cũng nên tập cho đứa trẻ phát huy tình nhân ái và sự tương trợ, là những gì thật cần thiết giúp nó đương đầu với các tình huống bất định của thân phận con người.

10- Dấn thân thứ mười vì sự sống 

MỘT NỀN VĂN HÓA NÊU CAO SATYAGRAHA

       Tôi nguyện rút tỉa các kinh nghiệm trong lịch sửdựa vào các nguyên tắc căn bản của satyagraha hầu hình dung ra các phương thức hành động mang lại những sự cải tiến thích nghi chống lại mọi sự áp đặt văn hóa, xã hội và chính trị, có thể khiến cho nhân tính trong tôi mất hết định hướng.

       Theo satyagraha thì sức mạnh đưa đến hành động không tùy thuộc vào thể xác mà chỉ có thể phát sinh từ tâm thức. Được hun đúc bởi một tri thức biết suy tư và quán thấy sự thật, sức mạnh đó sẽ trở nên bất khuất, bởi vì nó không biết lùi bước là gì. 

11- Dấn thân thứ mười một vì sự sống 

PHÁT HUY TRÍ TUỆ VỀ TRÁCH NHIỆM TOÀN CẦU

       Tôi nguyện với tất cả niềm vui sướng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi sẽ luôn phát động trong lương tâm mình một trí tuệ dựa trên trách nhiệm toàn cầu hướng vào mục đích mang lại mọi sự tốt lành cho tất cả chúng sinh.

       Đấy cũng chính là những gì mà nhân tính trong tôi hằng nguyện cầu biến thành sự thật hầu chuyển hóa lương tâm con người. Bởi vì sự thách đố ngày nay trên hành tinh này là phải xét lại toàn bộ mô hình hiện sinh của thế giới già nua này, hầu dung hòa giữa tiến bộ khoa học và kỹ thuật với tiến bộ đạo đứcnhân tính trong một hiện thực mới.

                                                Bures-Sur-Yvette, 16.09.16

                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Ghi chú:

1- "Chống lại quan điểm về chủng loại" là cách tạm dịch chữ antispeciesism/antipécisme, là một phong trào được hình thành vào thập niên 1970, cho rằng "chủng loại" của một con thú không phải là tiêu chuẩn để đối xử với nó, cũng không phải là để quy định một khuôn khổ đạo đức nào hầu mang ra áp dụng đối với nó. Chủ thuyết "chống lại sự phân biệt chủng loại" này là nhằm đả phá "quan điểm phân biệt chủng loại"/speciesism, nhằm đặt con người lên trên tất cả các chủng loại khác.

2- "Phi-vật-chất-hóa" là cách tạm dịch chữ "dematerialisation", là chủ trương thay thế đồng tiền, hiện vật, của cải, các hình thức tư liệu dưới dạng giấy tờ bằng các dữ liệu vi tính, tức không còn lưu lại một dấu tích vật chất cụ thể nào cả.

3- "Chủ nghĩa thực dụng" là cách tạm dịch chữ "utilitarism", là chủ nghĩa cho rằng thái độ hợp lý nhất là phải mang lại tối đa sự lợi lộc dù là bằng phương tiện nào, và xem đó như là một hình thức lý tưởng trong mọi sinh hoạt xã hội.  


Xem phần trước:
Phần I:  Ba ý thức về trách nhiệm toàn cầu








 




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/10/2021(Xem: 17646)
23/07/2016(Xem: 18077)
05/06/2018(Xem: 14593)
20/05/2020(Xem: 9029)
19/09/2013(Xem: 28187)
02/12/2021(Xem: 5040)
30/03/2022(Xem: 5259)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.