Thư Viện Hoa Sen

Tri Ân Vạn Loại - Pháp Thoại Tại Chùa Phật Tổ Ngày 12-08-2008

24/08/20173:52 SA(Xem: 11572)
Tri Ân Vạn Loại - Pháp Thoại Tại Chùa Phật Tổ Ngày 12-08-2008
CÀNH TRIÊU NHAN 
Thích Phước Tịnh
Nhà xuất bản Phương Đông

TRI ÂN VẠN LOẠI  
Pháp thoại tại chùa Phật Tổ Ngày 12-08-2008

Người Việt Nam chúng ta theo tục lệ thường lấy ngày 23 tháng 12 âm lịch, một ngày gần cuối năm, để đi tảo mộ và ngày đó cũng là ngày đưa ông Táo về trời. Đây là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Hầu hết mọi gia đình dù ở miền quê hay thành thị, đến ngày này không ai quên việc chăm sóc mồ mả tổ tiên ông bà, như làm cỏ, quét dọn thật sạch sẽ (gọi là chạp mả). Đồng thời, người ta cũng không quên mua nhang đèn, bánh mứt cúng đưa ông Táo về Trời, nhờ ông tâu trình mọi điều tốt, xấu trong năm cũ cho Ngọc Hoàng theo quan niệm, niềm tin nhân gian mà lâu dần đã trở thành truyền thống. Có khi các chùa cũng hưởng ứng truyền thống văn hóa đặc thù này, cũng làm tờ sớ dài tấu trình mọi việc trong năm của già lam, tự viện.

Ngày xưa, người dân Việt Nam quan niệm mỗi gia đình đều có một vị thần trong nhà bếp, chủ trì việc nấu nướng củi lửa, đó là thần Táo. Khi con người thời cổ sơ biết cách làm ra lửa cũng là lúc nền văn minh bắt đầu có mặt. Đồng thời có những dân tộc tin tưởng và tôn thờ lửa như thần linh. Nhờ lửa mà thức ăn được nấu chín, rồi trải qua quá trình nướng, luộc... làm chuyển hóa những độc tố trong thức ăn để cơ thể con người có thể tiếp thu dễ dàng, và nhờ đó mà thọ mạng con người được duy trì. Lửa mang hơi ấm, mang sức sống cho hành tinh, đồng thời mang niềm vui, sinh khí cho con người. Trong những hội hè, tế lễ của các truyền thống Đông - Tây người ta thường hay tổ chức những buổi ca hát, nhảy múa quanh ánh lửa hồng thâu đêm.

Nhưng thực tế nhất, gần chúng ta nhất vẫn là cái gian bếp trong mỗi gia đình. Đó là nơi chế tác hạnh phúc, nơi tạo ra niềm hưng phấn, sự rạng rỡ trên gương mặt mọi người khi quây quần trong buổi ăn tối đầm ấm cùng gia đình, với những thức ăn nóng, ngon lành được nấu chín từ ông Táo, nhờ ông Táo mang lại. Do vậy, người Việt đã từ rất lâu, cứ mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp đều cúng ông Táo hay bếp lò là điều rất tự nhiên đã trở thành thông lệ. Và tục lệ đó được giữ gìn cho đến ngày nay như một sự tri ân, biết ơn nguồn hơi ấm đã đem đến một phần hạnh phúc, một phần cho sự trường tồn của con người. Cho nên trong những nghi lễ dân gian đối với người Việt Nam, đây là một trong những dịp để thể hiện điều đẹp nhất: Lòng biết ơn hay tri ân.

Tri ân được xem như một đức tính làm nền cho phẩm chất đạo đức của con người trong mọi xã hội dù là văn minh hay chậm tiến, nghèo đói hay trù phú. Những ai mà trong trái tim không có niềm tri ân; tự cho mình không cần nhờ cậy ai, không mang ơn ai thì trong đời sống họ là những người tiêu biểu cho sự bội bạc, vô ơnchắc chắn họ là người khó có thể hạnh phúc được.

Những ai thường sống với lòng tri ân chân thành bằng trái tim của mình thì đều cảm nhân hạnh phúc mà nó mang lại cho họ nhiều như thế nào. Niềm hạnh phúc gần nhất trong những ngày cuối năm này được thể hiện qua việc quần tụ người thân trong gia đình, họ tộc; mọi người cùng nhau đi tảo mộ, làm lễ cúng ông bà tổ tiên, cùng đưa ông Táo về trời... Đó là niềm vui trong tinh thần tri ân và tạ ân.

Bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu một truyền thống văn hóa rất đẹp trong sinh hoạt già lam. Đó là lể Thù Ân. Thùnghĩa là báo đáp; thù ânbáo đáp, đền đáp công ơn. Mỗi tháng hai lần vào ngày lễ tụng giới 14 và 30, trước khi tụng giới bản, quý thầy, quý cô đều có lạy thù ân. Những lạy này nói lên lòng biết ơn, mong muốn đền đáp công ân của muôn người, muôn loài mà mình bằng hình thức này hay hình thức khác đã thọ nhận. Theo đúng thì tất cả có 24 câu (tương ưng với 24 lạy), khi hành lễ được đọc lên nghe rất xúc động, nhưng ở đây chúng ta có thể tóm lược lại còn năm lạy. Xin chia sẻ năm lạy này để chúng ta có thể thực tập.

    Lạy thứ nhất:
"Đệ tử chúng đẳng nguyện đại vị thiên địa phú tải chi ân, nhật nguyệt kiến lâm chi đức. Nhất tâm đảnh lễ thập phương thường trú Tam Bảo". - Đệ tử chúng con xin vì ơn lớn của đất trời che chở, đức rộng của mặt trời, mặt trăng chiếu soi. Nhất tâm đảnh lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.

Lạy xuống lạy đầu tiên, chúng ta đền tạ cái ơn được trời đất che chở, đã nâng đỡ từng bước chân mình. Chúng ta tri ân mặt trời, mặt trăng soi sáng hành tinh này, làm nên sự sống không phải chỉ cho riêng ta mà còn cho vạn loại chúng sanh.

Chúng ta hãy tưởng tượng nếu hành tinh này không có ánh mặt trời thì sẽ như thế nào? Không có ánh sáng, không tiếp xúc được với ánh nắng, với hơi ấm chắc chắn chúng ta sẽ không có năng lượng cho sự sống vận hành. Chỉ qua vài tháng mùa Đông mà ta đã nghe lòng ảm đạm, nỗi buồn chán kéo đến làm cho ta ủ ê, thiếu sinh lực. Và không có ánh nắng mặt trời chắc chắn sẽ không có sự sống trên quả đất này, Chúng ta đang ở đây, quanh năm có nắng ấm nên có thể không cảm nhận được những tia nắng ấm là tuyệt vời, là niềm hạnh phúc như thế nào đối với những nơi thiếu ánh nắng mặt trời, thiếu hơi ấm. Ví thử hành tinh này chỉ ngừng quay trong một đêm thôi, chúng ta phải dừng lại trong đêm đen 24 giờ thì nỗi thê lương, sợ hãi sẽ đến với ta như thế nào.

Ngoài mặt trời ta còn nhờ vào sông núi, cỏ cây, đất đá. Tất cả mọi loài từ con người, cầm thú, cỏ cây... phần lớn đều từ đất mà nẩy mầm, sinh sôi, phát triển và tồn tại. Ta sinh ra từ đất, từ những vòng tay rộng mở của mẹ che chở, nuôi dưỡng, nâng đỡ ta và cũng là nơi chốn cho ta lúc trở về. Đất chưa hề từ chối con người, chưa bao giờ than mệt mỏicon người. Đất chịu đựng, bao dung tiếp nhận con người với tình thương của người mẹ, nên chúng ta thường hay nghe nói đến hai chữ đất mẹ. Đức Phật cũng đã từng dạy chúng ta phải thực tập sống như đất, thực hành những hạnh của đất, đó là sống với lòng nhẫn nhụcbao dung. Ơn của đất lớn vô cùng! Chúng ta đang hưởng thụ mà quên đi cội nguồn ban cho ta chất liệu dinh dưỡng, ban cho ra sự sống. Đây là món quà vô cùng hào phóng, mà trời đất thiên nhiên ban tặng cho con người trên hành tinh này.

Nếu không có ánh sáng và năng lượng mặt trời sưởi ấm muôn loài, không có cây cỏ, thực vật vươn lên từ đất, chúng ta sẽ không có môi trường trong lành và lương thực để sống còn. Vì vậy, những bài học căn bản chúng ta cần phải học từ thiên nhiên là bài học vô ngã, tha thứ, nhẫn nhịn, vị tha và sự hiến tặng. Thực hiện được điều này là chúng ta đang tự làm mới mình, làm cho đời sống mình thêm giàu có; mỗi ngày nhìn thiên nhiên, trời đất chung quanh là một ngày mới cho ta thưởng lãm và tri ân. Lòng tri ân như vậy có thể tạo thành chất liệu hạnh phúc và ta có thể tặng niềm vui, nụ cười cho người bên cạnh.

    Lạy thứ hai:
"Đệ tử chúng đẳng nguyện đại vị quốc vương thủy thổ chi ân, vạn loại hàm linh chi đức. Nhất tâm đảnh lễ thập phương trường trú Tam Bảo". - Đệ tử chúng con xin vì ơn lớn của người xây dựng quốc gia, bảo vệ bờ cõi cương vực, đức rộng của muôn loài hàm linh. Nhất tâm đảnh lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.

Lạy xuống lạy thứ hai, chúng ta muốn đền đáp ơn lớn của đất nước, của các vị khai quốc và các vị quốc vương của nhiều thế hệ; vì những người đã mở mang bỡ cõi, cương vực cũng như giữ gìn đất nước, non sông; vì những người gầy dựng nền độc lập của quốc gia, vì đức lớn của muôn loài hữu tình.

Trên hành tinh này, hiếm có một quốc gia nào được hòa bình, độc lập mà không xây dựng trên máu xương của bao nhiêu người. Đôi lúc người ta phải hy sinh cả một thế hệ để đổi lấy tự do, độc lập cho đất nước. Nhìn vào lịch sử Hoa Kỳ, cuộc nội chiến Nam Bắc kéo dài cả bốn năm với biết bao sinh mạng đã nằm xuống, cả hàng trăm ngàn người đã ngã gục để đưa miền đất thuở mới thành lập là những tiểu bang nhỏ tách rời, kết hợp thành một liên bang, xây dựng nên một đất nước độc lập, hòa bình, dân chủ hàng đầu như hiện tại. Chúng ta ở nơi đây, được cưu mang, thừa hưởng sự thịnh vượng, tự do của đất nước người là chúng ta đang mang ơn lớn của các thế hệ tiền nhân (da đỏ, da đen, những người Á Châu...) đã đem sinh mạng, xương máu, mồ hôi, nước mắt... gầy dựng. Sự sống của chúng ta không phải đơn thuần chỉ một đời sống của riêng ta, mà liên hệ chằng chịt với bao nhiêu người, vạn loại. Đối với sự có mặt của người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta phải nhớ đến tình người, lòng nhân ái của những quốc gia, những con người đã cứu vớt, bảo bọc chúng ta đến miền đất an bình, tuy chúng ta vẫn hằng tiếc thương, tưởng nhớ đến những mất mát, chia lìa của người thân trên biển cả, trong rừng sâu để đổi lấy hai chữ tự do.

Thế nên, lạy thứ hai chúng ta muốn thể hiện niềm tri ân đối với các bậc tiền nhân đã xây dựngbảo vệ đất nước; đảnh lễ những người đã bỏ mình vì chúng ta, che chở chúng ta, đem đến cho chúng ta đời sống tự dohạnh phúc hôm nay. Chúng ta cũng đảnh lễ tri ân những hàm linh vạn loại có mặt trên hành tinh này, từ loài nhỏ bé như giun kiến, cho đến loài chuột, loài thỏ... đã hy sinh mạng sống làm vật thí nghiệm, nghiên cứu nhằm bào chế các được phẩm hoàn hảo chữa bệnh cho con người. Vì vậy, không một loài nào ta gặp trong đời mà không là người ơn của ta cả. Cho dù ở nơi đâu, trái tim ta vẫn tràn đầy niềm tri ân, biết ơn nhưng người, những loài vì ta mà hy sinh, dâng hiến.
    Lạy thứ ba:
"Đệ tử chúng đẳng nguyện đại vị sư trưởng huấn dục chi ân, phụ mẫu sinh thành chi đức. Nhất tâm đảnh lễ thập phương trường trú Tam Bảo". - Đệ tử chúng con nguyện vì ơn lớn của sư trưởng dạy dỗ, đức rộng của cha mẹ sinh thành. Nhất tâm đảnh lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.

Lạy xuống lạy thứ ba, chúng ta lạy ta công ơn sư trưởng dạy dỗ và ân đức rộng như biển cả của cha mẹ sinh thành.

Ngày xưa theo truyền thống đạo đức của văn hóa Đông phương, ơn dạy dỗ của vị thầy được xem lớn hơn ơn cha mẹ. Ơn của của thầy đứng trước ơn cha mẹ. Quan niệm quân - phụ ngày xưa trên thực tế không hẳn đã sai. Thứ bậc sư[/]đứng trước [i]phụ (cha mẹ) là ý muốn nói công ơn dạy dỗ của người thầy xét ở chiều dài của đời sống con người là rất lớn.

Nơi đây, tuy không phải là đất nước có nền văn hóa rực rỡ, lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ... thế nhưng chúng ta may mắn được cư ngụ tại một cường quốc đang dẫn đầu thế giới trong mọi lãnh vực. Chúng ta đang được hấp thụ một nền văn hóa đa dạng (hội tụ bởi nhiều chủng tộc trên thế giới); được học hỏi một nền học thuật tối ưu do bởi những bậc thầy giỏi truyền dạy, chính họ đã mở mang kiến thứcnâng cao trình độ hiểu biết của chúng ta và đó được xem như một tặng phảm vô giá. Dù ở đâu, vị trí của người thầy trong đời sống cũng được đặt nặng là điều tự nhiên.

Cha mẹ sinh ra hình hài ta là chỉ mới hoàn thiện phần đầu. Người thầy dạy ta, tặng cho ta trí thức chính là người hoàn thiện tính cách cũng như những phẩm chất làm nên giá trị con người của ta. Người Việt chúng ta hơn ai hết rất kinh nghiệm điều này. Thế hệ ông bà, cha mẹ khi đưa ta đến đây đã vất vả vô cùng; họ phải tranh đấu trong hoàn cảnh thiếu hụt hàng ngày, để nuôi nấng, chăm sóc con cháu mình và làm bằng mọi cách cho chúng được đến trường. Họ ươm mầm hy vọng, mong sao cho con cháu mình được dạy dỗ, học hành thành đạt, có bằng cấp, nghề nghiệp trong tay. Họ hy sinh bản thân để nuôi dưỡng thế hệ kế thừa vươn lên, cho nên nấc thang quân - sư - phụ vẫn có giá trị gần như tuyệt đối. Quan niệm này ăn sâu thành nếp nên đã gầy dựng được cho các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt gặt hái những thành công rực rỡ tại hải ngoại.


Bước vào đời sống tâm linh, các bậc thầy có một địa vị khác biệt trong tâm thức đệ tử, tín đồ. Người thầy tâm linh là người khơi mở tâm ban đầu cho chúng ta bước vào con đường đạo; dẫn dắt chúng ta đi vào thăm dò đời sống bên trong của chính mình, để rồi từ đó tự mình có thể đào xới, khám phá chính mình. Vị thầy tâm linh đúng nghĩa, đó là người trao tặng cho ta phương pháp tu tập để gột rửa, thanh lọc, loại trừ khổ đau trong thân tâm, cũng đồng nghĩa là giúp ta đến được đầu nguồn của hạnh phúc ngay ở trong ta.

Hai chữ hạnh phúc nghe đơn giản nhưng chắc hẳn không phải chỉ có tiền của, danh vọng là liền có được nó. Thử lấy ví dụ gần nhất như tổng thống nước Mỹ, danh tiếng vang lờng, nhưng trong ông vẫn đầy lo âu, phiền não như bao nhiêu người. Địa vị, quyền uy, danh tiếng luôn đi kèm với nhiều trách nhiệm, bổn phận, và đó là gánh nặng, là bất an, là khổ. Do vậy, có địa vị cao, uy quyền tột đỉnh trong xã hội hay thủ đắc nhiều tiện nghi vật chất sang trọng, cho đến sở hửu tình độ trí thức học thuật, bằng cấp cao... ở nhân gian đôi khi không giải trừ được niềm đau, nỗi khổ của tâm mình. Rõ ràng chúng ta thấy hạnh phúc, an lạc thực sự không có mặt trong những tiện ích vật chất của đời sống, trong những niềm vui cạn cợt từ việc thỏa mãn của bản ngã, của cái tôi. Hơn nữa, dù có cao sang quyền quí, sống trong tột đỉnh danh vọng, có thọ mạng dài hơn một trăm năm, cuối cùng rồi chúng ta cũng theo tiếng gọi thì thầm của đất, trả thân này về với đất, không thể khác.

Ơn lớn của con đường tâm linh là các bậc thầy đã khai sáng, mở ra cánh cửa đầu tiên trong cuộc sống cho chúng ta nhận chân được thứ hạnh phúc đích thực từ chính con người mình. Nếu chúng ta sống một đời vị tha, bao dung thì lòng ta an bình, tĩnh tại, tràn ngập niềm vui. Ta có thể giải trừ được nhiều nỗi đau khổ, bất an, u uất... trong tâm, vượt qua được những khổ ải của cuộc đời.

Các vị thầy tâm linh thường lay ta thức dậy, mở con mắt trí tuệc ho ta, giúp ta nhận biết trong hình hài năm uẩn này còn có một sự sống bằng tuổi thọ của hư không vô sinh bất diệt, vượt thoát tử sinh trong ba cõi; ấy là tâm Phật bất động, là Niết bàn tịch tĩnh. Vì vậy, ơn các vị thầy tâm linh thật lớn lao vô cùng.

Khi năm vóc sát đất lạy tạ công ơn các bậc thầy dạy dỗ, cũng là lúc chúng ta nhớ đến các bậc sinh thành đã đưa ta vào đời, đã cho ta thân hình nguyên vẹn. Ân đức lớn lao này khó có ngôn từ nào có thể diễn đạt; người ta chỉ có thể ví công ơn cha mẹ như núi cao, biển rộng, như suối nguồn vô tận mà mà thôi.

Nếu ta sinh ra không được cha mẹ nuôi dưỡng cho lớn khôn, thân thể này không phát triển hài hòa thì tất cả những thành tựu; những tiện ích và mọi giá trị đang có trong cuộc đời biết đặt vào đâu? Ngược lại, khi cuộc đời có đầy đủ mọi thứ nhưng không có thân người thì còn ý nghĩa gì? Công danh, sự nghiệp, vật chất, của cải... mọi thứ sẽ không còn giá trị khi hình hài này không có mặt. Ngoài ra, khi của cải, tài sản, nhà cửa, xe cộ, người thân... đầy đủ nhưng nếu ta tật nguyền, ốm đau hay ta sớm bắt tay với thần chết thì mọi thứ cũng đều vô nghĩa. Như vậy, cha mẹ dù chưa cho ta điều gì to lớn, nhưng cho ta một hình hài như thế này đã là quá tuyệt vời! Cho nên ơn của người đưa ta vào đời là sâu nặng.

Ông bà, cha mẹ bao đời của ta đã luôn sống giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong. Đời sống các vị rất đẹp, rất lành nên sinh ra ta có đầy đủ nhận thức, không bị tật nguyền..., đó cũng là một ơn quá lớn đối với chúng ta rồi, không cần tặng thêm cho chúng ta điều gì cả. Không cần di chúc để lại gia tài to lớn, nhà cửa, của tiền..., chỉ cần nhìn lại chúng ta đang có một hình hài toàn vẹn, khỏe mạnh là đã xứng đáng cho chúng ta tri ân vô vàn đối với các bậc sinh thành.

Nếu ta có một đời sống vật chất đầy đủ nhưng trong trái tim không có sự tri ân, không biết ơn nghĩa thì chúng ta vẫn là người bất hạnh, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tương lai của chúng ta. Con cháu ta chắc chắn không kế thừa được chất liệu cao đẹp, tốt lành từ tinh thần tri ân để làm nên hạnh phúc bởi cha mẹ không có gì để trao gởi. Cho nên tinh thần tri ân không những là món quà làm cho đời sống chúng ta hạnh phúc, mà tự thân nó là một phẩm chất đạo đức. Phẩm chất đạo đức của đời sống cá nhângia đình thể hiện qua việc biết nuôi dưỡng lòng tri ân, biết thương yêu chia sẻ, chắc chắn tạo nên một dòng chảy tốt đẹp qua nhiều thế hệ, từ đó có thể góp phần thúc đẩy sự thiện lành cho xã hội chúng ta một cách bền vữnglâu dài.

    Lạy thứ tư:
"Đệ tử chúng đẳng nguyện đại vị lịch đại tổ sư truyền pháp chi ân, thất tổ cửu huyền chi đức. Nhất tâm đảnh lễ thập phương trường trú Tam Bảo". - Đệ tử chúng con vì ơn lớn truyền pháp trong quá khứ của các thế hệ tổ sư, đức rộng của dòng tộc nội ngoại nhiều đời. Nhất tâm đảnh lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.

Lạy xuống lạy thứ tư, đầu tiên chúng ta đảnh lễ tri ân các bậc thầy đã giữ gìn và trao truyền Phật pháp, dảnh lễ thù ân dòng họ tâm linh đã nuôi lớn đời sống tâm thức chúng ta. Thứ đến, chúng ta đảnh lễ các thế hệ tiền nhân hai bên dòng họ nội, ngoại từ bao nhiêu đời về trước. Bốn chữ "cửu huyền thất tổ" đại biểu cho phả hệ sinh thân của chúng ta; hàm nghĩa hình hài này có mặt không phải chỉ từ cha mẹ, mà do từ hạt mầm của ông bà tổ tiên nhiều đời trước đã sinh ra cha mẹ mình. Rõ ràng chúng ta có mặt trên đời ngày hôm nay không phải nhờ một mình cha mẹ hiện đời, mà nhờ vào rất nhiều thế hệ tổ tiên đã nuôi dưỡng, bảo trì nòi giống để nay ta mới có mặt.

Chúng ta nên biết rằng các thế hệ tổ sư, các bậc thầy tâm linh đã trải qua nhiều đời dấn thân tu hành, khám phá và không ngừng hoằng dương chánh pháp để ngày hôm nay, tại đây, chúng ta may mắn được ngồi với nhau cùng tu tập, được nghe giáo pháp, được học những trang kinh là một hành trình quả thật không đơn giản. Từ điều kiện vật chất tiện lợi tạo nên môi trường tốt cho chúng ta tu học, đến những phương thức nâng cao đời sống tâm linh, phát triển tuệ giác... tất cả đều là mồ hôi, tâm huyết, sự thông tuệ của người đã dày công xây dựng và hiến tặng.

Tìm một người thầy giỏi để dạy chữ, đào tạo kiến thức ở ngoài đời nhiều lúc không phải dễ, huống hồ tìm một vị thầy khả chứng để hướng dẫn tâm linh. Thầy dạy học ở đời không phải là thầy tâm linh, không phải là người dạy cho ta biết tu tập. Người thầy hướng dẫn việc tu tập phải là người có công huân hành trì, có kinh nghiệm nội tại mới có thể dạy cho người khác thực hành theo được. Nếu chỉ là người thông kinh điển mà chưa thực sự nếm trải hương vị Phật pháp thì những lời truyền đạt của vị ấy không thể đánh động vào tâm thức người học, người nghe và như vậy khó có thể giải trừ được tận gốc rễ những phiền não, khổ đau trong thân tâm để đến với an lạc thực sự.

    Lạy thứ năm:
"Đệ tử chúng đẳng nguyện đại vị thiện hữu pháp lữ chi ân, viễn cận thân bằng chi đức. Nhất tâm đảnh lễ thập phương trường trú Tam Bảo". - Đệ tử chúng con, xin vì ơn lớn bạn đạo gần xa, đức rộng của láng giềng thân hữu. Nhất tâm đảnh lễ Tam Bảo thường trụ trong mười phương.

Lạy xuống lạy thứ năm, chúng ta đảnh lể tri ân những thiện hữu, pháp lữ, là những người bạn tu của chúng taViễn cận thân bằng là những người bạn gần và xa, tức những người bạn trong đạo và bạn ngoài đời của mình.

Trong cuộc sống thường ngày chúng ta rất cần có người bên cạnh. Ở ngoài đời đôi khi con cái lớn lên đi học xa, hoặc lập gia đình rồi nhiều lúc không còn gần bố mẹ, hay vì hoàn cảnh, công việc làm ăn nên mỗi người đành phải mỗi nơi. Do vậy, người gần chúng ta bấy giờ nhiều khi là những người bàn, những bằng hữu trong các mối quan hệ ở đời.

Người tu cũng cần có bạn để chia sẻ, giúp đỡ những lúc khó khăn, vấp ngã, gọi là pháp hữu hay pháp lữ. Có bạn để tâm sự, giải tỏa nỗi niềm. Có bạn để hỗ trợ, giúp ta tinh tấn trên con đường dài tu tập. Rất nhiều thiền sư trong quá khứ không phải sáng tâm, ngộ đạo nhờ thầy mà nhờ bằng hữu. Cho nên chúng ta hãy nghe những câu như: "Ăn cơm có canh, tu hành có bạn" hay "Học thầy không tày học bạn".

Ngôn ngữ nhà chùa thường đề cập đến khái niệm "Pháp, tài, lữ, địa". Đây là bốn điều kiện cần có để yểm trợ cho một người tu. Trong đó lữ là bạn hữu, muốn nói đến tầm ảnh hưởng quan trọng của những người bạn trong đời sống tu hành. Pháp là phương cách hành trì, tu tập. Chúng ta có được một pháp môn thích hợp để ứng dụng là điều may mắn. Tài là vật chất, tiền của là những điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng cho đời sống mình. Nếu ta quá thiếu thốn, quá nghèo đói thì khó có thể tu tập được. Hiện tại, chúng ta là những người có hoàn cảnh thuận lợi để tu tập: không quá giảu tiền như tỷ phú, cũng không quá nghèo khổ đến mức thiếu ăn. Địa là hoàn cảnh, môi trường sống của chúng ta. Ở trong môi trướng phức tạp, những vùng không có bóng dáng đạo Phật, ở nơi chốn đầy dẫy sự bất an... thì cho dù chúng ta có ham tu cách mấy, hoàn cảnh cũng không cho phép.

Chúng ta nhìn lại mình nếu thấy hội đủ bốn điều kiện kể trên thì đó là một điều thật may mắn. Có không gian thanh bình, tĩnh lặng để thực tập, có tăng thân chung quanh đầy ấp năng lượng hỗ trợ, che chở. Có các vị cư sĩ thương quý yểm trợ những lúc chúng ta cần. Những điều kiện tốt lành này sẽ đem đến cho ta niềm tin chắc chắn, cho ta khả năng tiến xa hơn trên bước đường tâm linh.

Mỗi một ngày còn được hít vào thở ra, còn đi đứng vững vàng trên mặt hành tinh này, là chúng ta đang thọ nhân công ơn to lớn của rất nhiều người. Từ ơn của những người lãnh đạo quốc gia, ơn các vị thầy trui rèn cho trí thức, ơn của các bậc thầy tâm linh khai lối cho ta vào đạo, ơn cha mẹ đã sinh thành đưa ta vào tương lai, và ơn bằng hữu, quyến thuộc xa gần đã giúp ta thành tựu phẩm chất con người, cho đến ơn sâu nặng của muôn loài hữu tình và vô tình, từ cây cỏ đất đá, không khí ta thở, cho đến viên thuốc ta uống, hạt cơm ta ăn, mảnh vải ta che thân... Tất cả đều hồn nhiên hiến tặng cho ta. Và ta thấy mình thật là may mắn, hạnh phúc trong điều kiện như vậy.

Khi chúng ta nhận ra đời sống này được hình thành bằng muôn vàn nhân duyên, thì chắc chắn ta không còn gì để tự hào. Khi hình hài chúng ta được tạo nên từ biết bao nhiêu ân nghĩa thì tự thân nó có gì gọi là "ngã"? Trời đất và cuộc đời đã hiến tặng cho ta sự sống không một đòi hỏi, thở than, đó là hạnh lànhchúng ta phải thực tập. Ta hãy thực tập vì người mang đến một ít niềm vui, chịu đựng một tí thiệt thòi để thể hiện đức hy sinhtinh thần dâng tặng. Khi ta sống được với tinh thần dâng tặng thì tâm ta sẽ rộng mở và có nhiều hỷ lạc, nên ta nhìn cuộc đời thấy ở đâu cũng dễ thương. Đi khắp hành tinh này ai cũng là người ơn của ta, đều là con người cho ta thương yêu, trân quí.

Thực tập năm lạy thù ân như đã trình bày trên là chúng ta không chỉ thể hiện một con người có nhân cách, có hiểu biết trong cuộc đời bình thường, mà còn thể hiện là người Phật tử thuần thành có một niềm tin chân chánh và một hiểu biết đúng đắn. Mỗi một lần lạy xuống là chúng ta đều tâm niệm tri ân, là đang thực hành sống với lòng biết ơn. Chúng ta hãy mời gọi lòng biết ơn luôn có mặt trong trái tim mình. Tu tập được như vậy, trong ta sẽ tự nhiên bừng nở đóa hoa tỏa hương khiêm cung, vị thavô ngã. Hạnh phúc đã có mặt, ta không cần tìm cầu gì nữa.
Tạo bài viết
18/07/2015(Xem: 12487)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: