Phật Giáo và Bệnh Nan Y

01/06/20184:12 SA(Xem: 7628)
Phật Giáo và Bệnh Nan Y
ĐỐI MẶT VỚI CÁC VẤN ĐỀ TRONG CUỘC SỐNG
THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO
DEALING WITH LIFE’S ISSUES
A Buddhist Perspective
Tỳ Kheo Ni Thubten Chodron 
Diệu Liên Lý Thu Linh 
chuyển ngữ 2018

PHẬT GIÁO

VÀ BỆNH NAN Y



Các phương cách để đối mặt với bệnh?

   Trước hết chúng ta phải hiểu rằng bệnh tật là điều không tránh được. Tất cả chúng ta đều phải bệnh. Một khi ta đã được sinh ra trong vòng luân hồi với thân chịu ảnh hưởng của những xung đột tâm lý và nghiệp, thì bệnh là điều chắc chắn phải xảy ra. Đó là bản chất của thân – nó già đi và bệnh. Cuối cùng nó sẽ hoàn toàn ngừng hoạt động. Nó chết và tâm thức đi tái sinh.

   Những phương cách để đối phó với bệnh khi nó xảy ra là gì? Phản ứng thông thường của chúng ta đối với bệnh là cảm thấy thương thân, trách người và sân hận. Các phản ứng này chỉ khiến bản thân chúng ta và người xung quanh thêm khổ sở. Chúng có chữa được bệnh không? Không, dĩ nhiên là không.

   Đức Phật khuyên chúng ta nhìn bệnh từ một quan điểm rộng rãi hơn; đó là dầu ta có tìm được phương thuốc phù hợp để chữa bệnh, ta cũng cần tìm hiểu nguồn gốc của bệnh. Bệnh xảy ra khi con người phải sinh ra trong vòng luân hồi. Một khi đã được sinh ra, chúng ta sẽ phải có bệnh, trừ khi cái chết đã đến trước rồi. Nguyên nhân gì khiến ta tái sinh trong vòng luân hồi?  Chính là tâm bám víu vào tham, sân, si và nghiệp (các hành động ở thân, ở miệng và ở ý). Những thứ này hợp lại để thành nguyên nhân chánh: là sự bám víu vào ngã, là vô minhVô minh khiến ta không hiểu về bản chất của thực tại. Do đó giải thoát bản thân khỏi sự vô minh này là điều tiên quyết.

   Phần đông chúng ta đồng ý, “Đúng, đúng, tôi phải loại bỏ si mê. Nhưng, tôi sẽ làm điều đó sau này. Hiện giờ tôi đang mạnh khỏe. Tôi trẻ trung và cuộc đời đang ở phía trước. Tôi có thể làm rất nhiều thứ. Tôi muốn ở bên cạnh những người tôi quan tâm.  Tôi cần trải nghiệm cuộc sống.  Tôi muốn có một nghề nghiệp. Tôi muốn du lịch. Tôi muốn có những dục lạc mới. Tôi muốn sáng tạo nghệ thuật, hay thể thao. Tôi muốn làm điều này và điều nọ. Tôi sẽ quan tâm về vòng luân hồi sau này”.

   Qua hằng tỷ kiếp, chúng ta đã dùng dằng khi đối mặt với nguyên nhân gây ra đau khổ cho ta. Sự dùng dằng kéo dài và những lời biện hộ đã đưa chúng ta đi đâu? Chúng ta cứ tiếp tục nói như thế từ kiếp này sang kiếp khác. Tại sao chúng ta trì hoãn? Bởi vì tham ái.

   Khổ bắt nguồn từ si mêtham ái. Để loại bỏ chúng, trước tiên chúng ta phải thấy toàn cảnh luân hồi như thế nào một cách rõ ràng. Điều này liên quan đến việc phát triển lòng can đảm to lớn để quán sát nội tâm, để truy tìm nguồn gốc của luân hồi, các giải pháp khác, và con đường đến giải thoát. Chúng ta phải học về và dồn sức lực vào việc nhận thức bản chất tột cùng của thực tại, sự trống vắng của hiện hữu của tất cả mọi ngườimọi vật. Chỉ có như thế, thì chúng ta mới có thể loại bỏ si mê là nguồn gốc tạo ra sinh, già, bệnh và chết.

   Tôi sẽ nói thêm về những cách quen thuộc để đối phó với bệnh, nhưng vì theo sát giáo lý của Đức Phật, tôi muốn trước hết bàn đến đề tài này trong cái nhìn đúng đắn. Bỏ qua việc giải thích vòng luân hồi để giúp bạn được ích lợi đối với những vấn đề ngay trước mắt sẽ là dối gạt bạn. Tái sinh trong luân hồi mới đích thực là vấn đềnhận thức được bản chất thực sự của thực tại một cách trực tiếp mới là giải pháp của vấn đề. Tuy nhiên, cho tới khi chúng ta đạt đến điểm đó, cho tới khi chúng ta nhận thức được sự trống vắng của hiện hữu, thì đây là một số cách khác để đối phó với bệnh hoạn:

 1. Bấm nút dừng sợ hãi. 

   Hãy quán sát tâm và nhìn xem chúng ta phản ứng như thế nào đối với bệnh. Tôi không biết bạn có giống như thế không, nhưng khi bệnh, tâm tôi rất sợ hãi và thường nghĩ đến “tình trạng tệ hại nhất” để kết luận. Thí dụ, tôi có cảm giác lạ ở ngực thì liền nghĩ rằng tôi sẽ bị đột quỵ. “Nếu tim có vấn đề khi tôi đang ở trong thất của mình thì sẽ như thế nào? Biết có ai tìm ra tôi kịp không? Liệu họ có đưa tôi đến bệnh viện đủ nhanh không? Ở Mỹ, chúng tôi không có chương trình bảo trợ sức khỏe rẻ tiền, nên những tổn phí về sức khỏe sẽ như thế nào?” Chỉ là một cảm giác khác lạ nhỏ, nhưng tâm tôi đã phóng đại nó, “Liệu bệnh tim này có đe dọa cuộc sống của tôi không!” Lại một màn khác: bụng của ta hơi khó chịu, ta liền nghĩ, “Đây chắc là ung thư bao tử rồi”. Khi đầu gối ta đau lúc ngồi thiền, ta liền nghĩ “Tôi phải chuyển tư thế ngay lập tức, nếu không tôi sẽ bị tàn phế cả đời”. Tâm của bạn có trở nên hoang dại và tạo ra những câu chuyện khủng khiếp như thế không?

   Lúc bắt đầu, chỉ là một cảm giác khó chịu ở trong thân - một cảm giác vật lý. Tùy thuộc vào việc chúng ta xem cảm giác vật lý đó như thế nào, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều khổ tâm.  Nếu chúng ta có thể bấm cái nút “Dừng lại” trên tâm sợ hãi và chỉ ý thức về cảm giác vật lý, ta sẽ không tạo ra phiền não cho tâm.  Đó chỉ là một cảm giác, không có gì đáng sợChúng ta không phải căng thẳngCảm giác chỉ là cảm giác, hãy để nó như thế.

   Khi hành thiền, chúng ta trải nghiệm những cảm giác vật lý khác. Nếu ta gán cho một cảm giác là “đau”, thì mọi thứ thực sự bắt đầu đau.  Tuy nhiên, nếu ta chỉ nói “cảm giác”, và không tạo ra một cái tưởng mạnh mẽ hay hình dung trong tâm về đầu gối của mình, thì nó chỉ là cảm giác.  Hãy quán niệm:  Đâu là cảm giác?  Đâu là thân?

   Hãy thử nghiệm nhiều cách với cái đau nơi thân khi hành thiền, thay vì lặp lại thói quen trở nên căng thẳngsợ hãi khi đau.

 

2.     Điều gì khiến cảm giác này là “của tôi”?

   Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì đã khiến bạn căng thẳng, sợ hãi khi bạn trải nghiệm một cảm giác nào đó?  Nếu quán sát, ta sẽ thấy đó là vì ta gán cho nó là của tôi, “Tôi đau.  Lưng tôi nhói buốt”.  Ngay khi được dán nhãn “của tôi”, thì một cảm giác mạnh mẽ về “cái tôi” phát khởi, và cảm giác đau đó trở thành ghê gớm.  Trong lúc hành thiền, chúng ta có thể tự hỏi mình, “Điều gì khiến cảm giác này là của tôi?  Cái gì là tôi hay của tôi trong cảm giác này?”  Khi tâm quán chiếu sâu xa về điều này, là cách ta chất vấn ý thức mạnh mẽ về một “cái tôi” bền vững.  “Cái tôi” và “Cái của tôi” có hiện hữu đúng như ta tưởng không?   Từ đó ta quán về sự không có mặt của một hiện hữu độc lập hay một chủ thể thường hằng.

3.     Hãy nghĩ, “Tốt!  Bệnh cũng tốt!”

   Một cách khác để đối phó với bệnh là hãy nghĩ, “Tôi bệnh à, tốt thôi!”  Đây là một cực đoan đối nghịch với cách chúng ta thường suy nghĩ phải không?  Thuốc chữa của Pháp đối với hầu hết những khó khăn của chúng ta đều chính là sự đối nghịch lại đối với những gì tâm ta thường tự động nghĩ.  Đức Phật khuyên ta làm ngược lại với những gì mà bản ngã muốn làm.  Trong trường hợp này khi bệnh, ta nên nhủ, “Tốt!  Có bệnh tôi cũng vui!”

   Có thể bạn sẽ nghĩ, “Điên à?  Làm sao có thể nói, ‘Tôi vui khi bị bệnh?’  Hãy nhìn sự việc theo cách này: bệnh của ta là do nghiệp xấu mà ta đã tạo ra trong quá khứ.  Giờ thì nghiệp đó đã ra quả dưới hình thức bệnh, nó không còn che mờ tâm trí ta nữa.  Có thể nghiệp xấu đó có năng lực khiến ta phải tái sinh đọa vào những nơi ghê gớm (như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh) một thời gian dài, nhưng thay vào đó giờ nó chỉ trổ quả mà nếu so sánh thì ít khổ hơn nhiều.  Nếu ta quán chiếu như thế, thì căn bệnh mà ta hiện đang mang thực sự trở nên khá bình thường.  Không có gì phải làm ầm ĩ.  Không đến nỗi tệ; nếu so với một kiếp sống đọa đày hằng tỷ kiếp, thì việc này chỉ như cơn gió nhẹ!  Thực ra, nếu có thể thanh tịnh hóa những nghiệp xấu đáng kinh của ta dễ dàng như thế, thì ta không màng nếu có phải bệnh nặng hơn chút đỉnh!

   Một sư tỷ của tôi lúc đang nhập thất, bị một mụt hạch to nổi lên ở miệng.  Rất đau.  Khi cô đang đi bách bộ sau một thời khóa thiền, cô gặp sư phụ chúng tôi, ngài Lama Zopa Rinpoche.  Ngài hỏi, “Cô khỏe không?”  Cô rên rỉ, “Con bị mụt hạch…”  Rinpoche trả lởi, “Tốt! Tuyệt vời!  Cô may mắn quá!”  Dĩ nhiên, cô chẳng muốn nghe những lời như thế.  Cô cần những lời thương hại.  Nhưng Rinpoche lại tiếp, “Tốt quá!  Cô đang trả quả cho những nghiệp xấu đến nỗi có thể khiến cô phải đọa đày, chỉ bằng bị một mụt hạch.  Cô thật may mắn!”

   Nếu nhìn sự việc theo cách đó, ta sẽ nhận thấy rằng căn bệnh hay cái đau mình đang mang thực sự không quá tệ.  Ta có thể chịu đựng khi nghĩ rằng nó còn có thể trổ nghiệp tệ hơn.  Thêm nữa, ta cảm thấy may mắn vì nghiệp này đã chín, nó không còn ám ảnh tâm trí ta nữa.  Không còn bị nó che mờ tâm, thì việc thực hiện được con đường giải thoát sẽ dễ dàng hơn.  Đây là một phương cách sống khác mà ta có thể sử dụng khi đau bệnh.

4.  Hãy tử tế với người.

   Mấy năm trước đây, một người bạn tôi ở tuổi chớm ba mươi đi khám bác sĩ vì cô không thấy khỏe.  Bác sĩ chẩn đoán là cô đang mắc một căn bệnh nan y, cô sẽ phải bệnh một thời gian dài và có thể phải chết.

   Phản ứng tức thì của cô bạn ngay lúc đó, dĩ nhiên, là sợ hãi, phiền muộn. Cô bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm, tự thương hại và cáu gắt.  Rồi bất chợp, cô dừng lại và tự hỏi, “Nếu đức Đạt-Lai-lạt-ma ở trong hoàn cảnh như mình, thì ngài sẽ cảm thấy thế nào?  Ngài sẽ ứng xử thế nào trong hoàn cảnh đó?”  Suy nghĩ nhiều về điều đó, cuối cùng cô nghĩ là Ngài sẽ kết luận, “Hãy sống tử tế”.

 

   Do đó, cô chấp nhận “Hãy sống tử tế” như một câu châm ngôn.  Cô nghĩ, “Mình sẽ phải vào ở trong bệnh viện một thời gian và sẽ gặp đủ loại người ở đó –y tá, y sĩ, điều dưỡng, bác sĩ, hộ lý, các bệnh nhân khác, người thân trong gia đình và nhiều người khác nữa.  Tôi sẽ tử tế với tất cả mọi người”.  Cô quyết tâm sẽ tử tế với tất cả những ai cô gặp trong quá trình ở bệnh viện và ở khu điều trị.

   Một khi tâm đã quyết sống tử tế, nó trở nên bình an.  Cô đã chấp nhận bệnh của mình, và cô đã có phương thức hành động, đó là sống tử tế.  Cô nhận ra rằng dầu khi bị bệnh, cuộc đời của cô cũng có thể mang lại lợi ích cho người.  Cô có thể chia sẻ sự tử tế với người khác để cải tiến chất lượng cuộc sống của họ.  Cô có thể là một bệnh nhân biết hợp tác, vui vẻbiết ơn, người có thể mang hạnh phúc đến cho các nhân viên bệnh viện và các bệnh nhân khác.

   Cuối cùng câu chuyện kết thúc là, sau khi bác sĩ của cô làm thêm các xét nghiệm, ông thông báo là sự chẩn đoán đầu tiên không chính xác: Cô không bị bệnh hiểm nghèo đến thế.  Dĩ nhiên là cô thấy nhẹ nhõm khi nghe như thế, nhưng cô nói rằng việc rèn luyện tâm để đối mặt với bệnh là một kinh nghiệm quí báu đối với cô.  Giờ bệnh không còn nguy hiểm đến tính mệnh thì việc tử tế với mọi người càng trở nên dễ dàng hơn.

5.  Luyện tâm để sống cho xứng đáng.

   Trong những năm 1987 và 1988 khi sống tại Singapore, tôi được gặp một thanh niên trẻ rất dễ thương, nhưng đang đối mặt với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.  Anh đang ở vào những năm cuối của tuổi hai mươi, cuộc đời anh tràn đầy niềm vui trước khi phát bệnh.  Anh vừa được nhận vào học Cao học tại một trường đại học ở Mỹ, và anh đang rất háo hức được du học xa.  Nhưng sau khi ngã bệnh, tất cả mọi dự tính đều ngưng giữa dòng.  Một lần tôi đến thăm, anh buồn rầu nói, “Giờ con chỉ là người vô dụng.  Muốn ngồi dậy đi ra khỏi phòng cũng không được”.  Chúng tôi đang ngồi cạnh cửa sổ, nên tôi nói, “Hãy nhìn ra cửa sổ.  Có rất nhiều người lái xe qua lại, hay di chuyển đến các nhà ga, bận rộn đi chỗ này, chỗ kia.  Anh có nghĩ là cuộc sống của họ rất xứng đáng?  Họ có thể bận rộn đi đây, đi đó với bao nhiêu công việc, nhưng có phải vì thế mà cuộc đời của họ đáng sống hơn không?”  Rồi tôi tiếp tục giải thích rằng một cuộc đời đáng sống không phải là nhờ luôn bận rộn.  Sống xứng đáng tùy thuộc vào việc ta sử dụng tâm mình như thế nào.  Ngay như thân ta có bị bại liệt, nếu ta dùng tâm trí mình để hành Pháp, thì cuộc sống của ta cũng trở nên rất hữu ích.  Không cần phải đủ sức khỏe mới hành Pháp được.

    Dĩ nhiên, nếu có sức khỏe thì việc tu tập sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên nếu bệnh, ta vẫn có thể sử dụng bất cứ thời gian nào, năng lực nào còn lại để tu hành.  Ngay cả khi ta không thể ngồi dậy nổi, phải nằm liệt giường, ngay cả khi ta bị hôn mê nhiều giờ, ngay cả khi ta yếu sức, không còn nhìn thấy rõ, ta vẫn có thể nghĩ đến những điều thiện lành và quán tưởng đến bản chất thực sự của thực tạiChúng ta có thể quán về nghiệp và an trú trong Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng).  Có bao nhiêu pháp hành ta có thể thực hiện ngay cả khi ta đang đau bệnh.  Khi ta lợi dụng hoàn cảnh này để thực hành những điều Phật dạy, là ta đang khiến cuộc sống của mình tràn đầy ý nghĩa.

   Đừng nghĩ rằng cuộc đời của bạn có ý nghĩa chỉ vì bạn chạy đây chạy đó làm những việc không tên.  Đừng nghĩ rằng vì có tiền, vì bận rộn công việc, sở hữu bao nhiêu thứ và có biết bao bạn bè là chất lượng của một cuộc sống có ý nghĩa.  Đôi khi, nhìn bề ngoài cuộc sống của chúng ta có vẻ tuyệt vờiChúng ta có nhiều bằng khen, nhiều của cải vật chất để làm biểu tượng cho những nỗ lực của ta, nhưng trong quá trình tạo ra chúng, ta có thể đã tạo ra bao nghiệp xấu ác.  Nghiệp xấu đó không phải là sản phẩm hữu ích trong các hoạt động của ta.  Thí dụ, do có nhiều ham muốn hay tham vọng chấp ngã để được danh tiếng, chúng ta có thể dối trá, lường gạt người khác.  Ta có thể nói xấu người khác, làm bại hoại danh tiếng của họ, phá hủy tình bằng hữu và kể xấu kẻ khác để đạt được điều mình muốn.  Dù ta có thể thỏa mãn những ước vọng của mình, tất cả những dấu hiệu thành công bên ngoài rồi sẽ phai nhòa, đến khi ra đi, chỉ có nghiệp sẽ đi theo ta mà thôi.

   Trái lại, chúng ta có thể bị bệnh, phải nằm một chỗ, nhưng nếu ta dùng tâm mình để tạo ra những nghiệp xây dựng tích cực, là ta đang tạo ra nhân cho sự tái sinh tốt đẹp.  Nếu ta quán từ bi, hành thiền cũng như chỉ bày cho người hành thiền khi đang nằm một chỗ, tâm ta sẽ trở nên gần gủi hơn với giác ngộ, giải thoát.  Về lâu về dài, điều đó làm cho cuộc sống của chúng ta vô cùng ý nghĩa.

   Chớ coi thường sức mạnh của tâm.  Tâm rất dũng mãnh.  Ngay cả khi ta bệnh, uy lực của những tư tưởng tích cực mà ta tạo tác cũng có thể ảnh hưởng đến những người quanh ta.  Những tư tưởng và tình cảm tử tế, khôn ngoan cũng có thể mang đến các sự tái sinh tốt đẹp và đưa ta đến con đường giác ngộ.

 

Từ khi biết về căn bệnh của mẹ, tôi không thể ngồi thiền nữa.  Tôi cảm thấy buồn và dường như tê liệt vì những gì tôi có thể làm để xoa dịu sự đau đớn của bà dường như quá ít ỏi.  Tôi có nghĩ đến việc cầu nguyện cho mẹ, nhưng không biết cách hay cầu cái gì.  Xin Ni sư hãy cho tôi một lời khuyên.

   Thật tuyệt vời khi bạn biết tìm cách để áp dụng Phật pháp vào hoàn cảnh hiện tại của mình.  Bạn muốn giúp mẹ mình thật hiệu quả, thì bạn phải tự chế ngự nỗi buồn và sự bất lực của mình.  Bạn có thể làm được điều đó bằng cách quán chiếu về sự bất lợi của luân hồi –sáu khổ, ba loại khổ (các hoàn cảnh bất như ý), tám cái khó của con người, vân vân.  Hành các loại thiền quán này sẽ giúp bạn hiểu những gì đang xảy ra cho bạn, dầu không ưng ý, là số phận chung cho tất cả chúng sanh bị dính chấp trong luân hồi.  Khi nào ta còn trong vòng sinh tử, tái sinh dưới ảnh hưởng của tâm uế nhiễm và nghiệp báo, thì hạnh phúc lâu dài không thể có được. Thực sự thoát khỏi bệnh tật và đau buồn chỉ có thể xảy ra khi ta đã tự giải thoát bản thân ra khỏi vòng sinh tử qua việc ý thức được bản chất thực sự của sự việc.  Hiểu được điều này sẽ giúp ta thêm năng lượng hướng đến sự giải thoát và làm giảm thiểu khuynh hướng nghĩ rằng ta có thể làm cho việc luân hồi được tốt đẹp hơn và không khổ đau.

   Thêm nữa, hãy quán sát ý nghĩ và các cảm xúc của bạn.  Bạn có thể ghi chúng xuống.  Đừng bình phẩm chúng; chỉ cần nhận biết chúng.  Quán sát những gì đang xảy ra bên trong bạn, chấp nhận các cảm giác, nhưng đừng đắm chìm trong đó hay đuổi bám theo các câu chuyện đằng sau chúng.  Tâm thích gợi ra nhiều câu chuyện về việc sự vật phải như thế nào.  Nhưng chuyện ta nghĩ sự vật phải như thế nào và chuyện chúng thực sự là, rất khác nhau.  Chúng ta càng có thể chấp nhận thực tại của sự vật ở ngay giây phút hiện tại, chúng ta càng có thể dừng việc chống lại với thực tại.   Đôi khi thực tại không được như ý, nhưng nếu chúng ta chống lại nó, ta tạo thêm khổ cho mình.  Than khóc rằng, “Mẹ tôi không được bệnh” không giúp bà khỏi bệnh.  Nhưng khi bạn chấp nhận căn bệnh của mẹ, tâm bạn sẽ bình ổn hơn và do đó có thể đáp ứng các nhu cầu của bà.

   Sau đó xem xét các ý nghĩcảm giác nào của bạn thuộc trạng thái tiêu cực –vô mình, si, sân- và cái nào thuộc trạng thái tích cực –tâm từ, bi mẫn, kiên nhẫn, rộng lượngtrí tuệPhân biệt giữa tư tưởng thực tiễn với thứ không thể nào trở thành hiện thực.  Sau đó tự hỏi mình, “Có thể nhìn các hoàn cảnh này dưới khía cạnh khác không?”  Trong lãnh vực này, nếu ta nghĩ, “Bồ tát Quán Âm sẽ đối diện với hoàn cảnh này như thế nào?  Nếu Bồ tát ở trong hoàn cảnh của tôi, người sẽ phản ứng như thế nào?  Ngài sẽ nghĩ, cảm giác ra sao và sẽ giải quyết vấn đề theo cách nào?”  Suy nghĩ như thế sẽ rất hữu ích vì nó kéo ta ra khỏi quan điểm hẹp hòi của trầm cảm, nản chí.

   Thiền quán về Bồ tát Quán Âm cũng rất hữu ích.  Hãy hình dung ra ngài trong không gian trước mặt, thân sáng hào quang.  Trong khi chú niệm câu om mani padme hum, tưởng tượng ra ánh sáng tuyệt đẹp tỏa ra từ Bồ tát phủ tràn thân bạn, giải thoát bạn khỏi đau buồn, trấn an tâm bạn.  Ánh sáng đó cũng phủ trùm thân người mẹ, chữa lành bệnh cho bà và thanh tịnh nghiệp đã tạo ra căn bệnh.  Ánh sáng đó cũng phủ trùm tất cả chúng sanh, thanh tịnh các uế nhiễm, nghiệp báo và khiến họ cảm thấy tràn đầy tình thươnglòng bi mẫn.  Ánh sáng đó cũng truyền cảm hứng cho bạn, mẹ bạn và tất cả mọi chúng sanh, giúp bạn có thể chứng thực được con đường đạo.  Cuối cùng, tập trung vào tất cả mọi chúng sanh được phủ trùng với ánh sáng trí tuệ, bi mẫn của Quán Âm (Chenrezig) và an trú trong thanh tịnh

   Thực hành thiền tonglen (cho và nhận) cũng rất hữu ích.  Nó giúp mang đi khổ và nhân khổ -uế nhiễm và nghiệp- cho người mẹ.  Bạn cũng có thể mang khổ và nhân khổ khỏi thân tương lai.  Điều này giúp bạn chấp nhận bất cứ cảm giác gì của bạn và giải thoát bạn khỏi sự phán đoán bản thân.  Sau đó mở rộng lãnh vực thiền quán với lòng bi mẫn, bạn gánh hết mọi khổ đau của tất cả chúng sanh và dùng nó để hủy diệt ngã chấp trong bạn, và với tình thương hãy tưởng tượng nó đang chuyển hóa, nhân rộng và ban tặng thân bạn, của cải, công đức của bạn đến chúng sanh, mang đến cho họ hạnh phúc và sự chứng đắc.

   Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn kết nối với mẹ một cách có ý nghĩa.  Hãy thương yêu bà và biểu lộ tình thương đó với bà.  Chính hành động đó sẽ giúp xoa dịu nỗi đau của bà.  Dĩ nhiên là bạn sẽ làm tất cả những gì có thể để làm giảm cái đau thể xác cho mẹ, nhưng đừng mong rằng bạn có thể chấm dứt tất cả.  Ngay cả Đức Phật cũng không thể làm thế!  Thay vì chỉ mang cho bà sự thoải mái, hãy tạo không gian để bà có thể nói những điều bà quan tâm.  Chỉ cần có thể bày tỏ những âu lo với người có thể lắng nghe với tất cả tấm lòng cũng đã tốt.

  Dĩ nhiên là bạn cũng phải cảm thấy thoải mái khi nói về những vấn đề này.  Đôi khi việc bàn về cái chết, những khó khăn về kinh tế, sự bất hòa trong gia đình trong quá khứ, vân vân, sẽ khiến ta bức xúc.  Vì lý do đó, ta thường nhanh chóng đổi đề tài nếu người bệnh hay người sắp chết nêu lên vấn đề hay phủi gạt đi sự quan tâm của họ bằng cách nói, “Đừng nói thế” hay “Đừng lo lắng”.  Tuy nhiên, một số đề tài này rất quan trọng đối với họ nhưng thái độ khó chịu, thiếu khả năng lắng nghe của ta đã đóng lại con đường có thể giúp người đó giải tỏa được những vấn đề trọng yếu.  Do đó, chúng ta cần sử dụng pháp hành với tất cả khả năng của mình để tự quán chiếu các vấn đề này, để ta cảm thấy tự tại khi thảo luận, trao đổi chúng với người khác.  Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là ta buộc người bệnh phải nói về một đề tài mà người đó chưa sẵn sàng để chia sẻ; nó chỉ có nghĩa là ta cần cởi mở, bình thản để nói về những đề tài mà người bệnh muốn nêu lên.

   Hãy hồi hướng công đức thực hành Pháp cho người bệnh.  Việc cầu nguyện cho họ được bình an có thể giúp ta và người khác nữa.   Đọc và quán niệm về Tứ Vô Lượng Tâm –từ, bi, hỷ và xả- cũng rất hữu ích.  Bạn có thể đọc chúng cho mẹ nghe và hướng dẫn bà quán về chúng cùng với bạn.

   Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sanh đều an trú trong xả, giải thoát khỏi thành kiến, bám víusân hận.  Cầu cho họ an trú nơi đó, con sẽ giúp họ an trú trong đó.  Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.

   Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sanh đều được hạnh phúc và có nhân đưa đến hạnh phúc.  Cầu cho họ được như thế.  Con sẽ giúp họ được như thế.  Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.

   Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sanh đều được thoát khỏi khổ đau và nhân đưa đến khổ đau.  Cầu cho họ được giải thoát.  Con sẽ giúp họ được như thế.  Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.

   Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sanh không bao giờ mất sự tái sinh tốt đẹp và các điều lành cao thượng của sự giải thoát.  Cầu cho họ được như thế.  Con sẽ giúp họ được như thế.  Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.

   Bạn cũng có thể bày tỏ niềm hy vọng, cầu mong sâu xa nhất cho mẹ và tất cả chúng sanh bằng cách nói của riêng mình.  Thí dụ, bạn có thể nguyện,

     Cầu cho mẹ tôi được hoàn toàn khỏi bệnh, được gặp Phật pháp, thực hành Pháp, và nhanh chóng trở thành Phật giác ngộ.

  Nếu mẹ không khỏi bệnh hẳn, thì cầu cho mẹ có thể chấp nhận những giới hạn của mình mà vẫn có thể duy trì một đời sống có ý nghĩa bằng tâm từ bi.

    Nếu mẹ ra đi, cầu cho tâm mẹ thanh thản, an vui; cầu cho thân mẹ giải thoát khỏi sự đau đớn.

   Trong các kiếp tái sinh cầu cho mẹ được gặp Phật pháp và có đủ duyên lành để thực hành Pháp.

    Cầu cho mẹ chyển hóa tâm trong trí tuệ, từ bitrở thành Phật vì lợi ích của chúng sanh.

 Trong các kiếp tương lai, dù mẹ và con gặp nhau trong hình thể nào, cầu cho chúng ta giúp đỡ nhau để tạo nghiệp lành và giúp đỡ nhau trên con đường giác ngộ.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu người ta bị đột tử hay rơi vào hôn mê trước khi chết?

   Tôi nghĩ là, dầu đột tử, vẫn có cơ hội để các tư tưởng thiện khởi lên chớp nhoángChúng ta càng huân tập các trạng thái tâm thiện lành trong đời sống hằng ngày, chúng càng dễ khởi lên ngay trước khi ta ra đi, do thói quen của nghiệp lực.

   Trong trường hợp hôn mê, tôi không nghĩ là người bệnh không biết gì về chung quanh.  Tôi có tiếp xúc với người từng bị hôn mê và họ bảo rằng họ vẫn có ý thức trong cơn mê.  Dầu tâm họ không sáng suốt như lúc tỉnh thức bình thường, họ bảo là họ vẫn nghe và hiểu người khác trong phòng nói gì.  Tuy nhiên, họ không thể trao đổi với ai ở bên ngoài cả.  Một người bạn nói rằng cô vẫn tỉnh thức, và muốn cất tiếng nói, nhưng không thể được.  Trong khi đó, những người đứng quanh cô nói, “Bà ấy vẫn hôn mê”.

   Tôi tin là việc hành thiền và chú niệm cạnh người bệnh, rất có hiệu quả.  Nghe những lời tán thán các giá trị cao quý và các nguyện vọng vị tha xoa dịu tâm người bệnh, ngay cả khi người đó không thể nói hay ra hiệu cho ta biết là họ đang lắng nghe.  Chúng ta cũng cần cẩn trọng với những điều mình nói cạnh người hôn mê để không làm họ tổn thương một cách vô tình.  Lời nói của chúng ta có thể ảnh hưởng đến người sắp chết hay đang hôn mê, ví thế hãy chỉ nói những điều hữu ích.  Nếu ta bị hôn mê, nhưng còn chút ý thức, thì ta nên cố gắng hết sức để nương trú trong Tam Bảo và hướng tâm đến con đường thiện.

 

 

Ta phải chuẩn bị cho cái chết của người thân yêu như thế nào? 

   Trong những tuần hay tháng trước khi người thân ra đi:

        +Bày tỏ tình cảm tích cực với người thân.  Hãy nói là bạn luôn thương yêu họ (nếu không thể nói trực tiếp, viết thư cũng được).  Đừng đợi đến khi người đó không còn bên ta để bày tỏ tình cảm thương yêu của mình.

        +Khuyến khích người sắp ra đi chia sẻ tình thương yêu và tử tế với người khác.  Giúp người thân của bạn nhớ lại tất cả những tình thương yêu, tử tế mà họ đã chia sẻ và nhận từ người khác trong suốt cuộc đời.

        +Khuyến khích người thân nhớ lại những việc hữu ích người đó đã làm trong đời.

+Nếu người đó bày tỏ sự hối hận, hãy sẵn lòng lắng nghe với tâm từ.

+Làm rõ mối liên hệ của bạn với người thân sắp ra đi.  Nếu bạn cần tha thứ hay xin lỗi người đó, hãy làm thế.  Nếu người đó xin lỗi bạn, hãy chấp nhận khi người đó biết hối lỗi.

+Khuyến khích người thân tha thứ hay xin lỗi bất cứ ai mà người đó cần tha thứ hay xin lỗi.

+Khuyến khích người thân cho đi của cải với tâm buông xả.  Như thế, người đó sẽ tích lũy được nhiều công đức mà họ nên hồi hướng cho một sự tái sinh tốt đẹp, để được giải thoát và đạt giác ngộ.

+Khuyến khích các thành viên trong gia đình làm điều thiện để hồi hướng phước báu cho người thân sắp mất.

+Trao đổi về những vấn đề cuối đời –“di chúc”, lượng thuốc cần để giảm đau, các nghi lễ tôn giáo, chôn hay hỏa táng, các đóng góp dưới tên họ, sự phân chia các của cải, vân vân- nếu và khi người thân sắp ra đi, muốn.

+Hãy quên các dự tính về những điều bạn muốn người sắp ra đi nói, hay bạn muốn người đó ra đi như thế nào.  Hãy hết lòng lắng nghe.  Nói những điều người đó muốn chia sẻ, không phải những điều bạn muốn.  Hãy để người đó quyết định về số thuốc giảm đau mình cần uống (nếu có).  Không phải lo về việc nghiện thuốc vì người bệnh đã hết phương cứu chữa.  Trái lại, tránh gây mê cho người bệnh nhiều hơn sự cần thiết.  Hãy cố gắng giữ cho tâm người ấy càng tỉnh càng tốt, miễn là người đó không phải quá đau đớn.

+Hãy quán tưởng về cái chết của bản thânThực hành Pháp để có năng lượng hỗ trợ người sắp chết.

   Lúc người thân sắp ra đi:

        +Hãy giữ không khí trong phòng im lặng, thanh tịnh.

        +Bình tĩnh và an tịnh.  Tránh kêu khóc trong phòng.  Hãy yêu cầu những ai bị kích động bước ra khỏi phòng để cho người chết được yên tịnh.

        +Dùng tâm để ôm ấp người ra đi, cho họ biết về tình thương của bạn dành cho họ, nhưng đừng bám víu hay làm cho người chết bám víu.

        +Nếu cần, nhắc nhở người ra đi rằng con cái và các thành viên khác trong gia đình sẽ được chăm sóc, dầu họ không còn.

        +Nếu người chết thuộc một tôn giáo khác, thì hãy sử dụng các thuật ngữ, biểu tượngý nghĩ mà người đó quen thuộc.  Khuyến khích người đó có niềm tinphát khởi tâm từ đến người khác.  Nếu người chết không theo một tôn giáo nào, thì hãy nói về lòng bi mẫn hay tình thương yêu.  Điều đó sẽ giúp cho tâm người chết được bình lặng, thanh tịnh.

        +Tùy hoàn cảnh, niệm chú hoặc đọc kinh thầm hay ra tiếng, cho người sắp chết.

        +Đừng làm gì gây xáo trộn, thí dụ, nhắc đến những chuyện buồn trong quá khứ.

        +Thường người sắp chết sẽ đợi khi ở một mình hay không có mặt người thân để ra đi.  Đừng cảm thấy rằng mình đã làm gì sai hay đã bỏ rơi người đó, nếu bạn không có mặt khi họ ra đi.

        +Hãy nhớ:  bạn không thể cản trở ai khỏi cái chết.

        +Hãy đặt niềm tin, ủng hộ người sắp chết đi trọn quá trình đến cái chết.

        +Hãy cùng các thành viên khác trong gia đình nói với người sắp chết rằng họ rất được thương yêu, rất được biết ơn.

Sau khi người thân đã ra đi:

        +Nếu được, không đụng chạm đến cơ thể người chết trong ba ngày kể từ khi tắt thở để thần thức có đủ thời gian lìa bỏ cơ thể.  Cần phải có sự dàn xếp trước với bệnh viện hay gia đình, nếu làm điều này.  Trong thời gian này, đừng sờ mó thân người chết.  Nếu cơ thể bắt đầu có mùi hôi, hay nước mũi chảy ra, đó là dấu hiệu thần thức đã ra đi và ta có thể dời thân người chết đi dầu chưa hết ba ngày.  Nếu không thể để người chết lâu như vậy, thì cũng để xác yên như vậy càng lâu càng tốt.

        +Khi có thể chạm vào xác người chết, hãy rờ đỉnh đầu trước và nói, “Hãy về chốn tịnh độ”, hay “Hãy tái sinh vào chỗ tốt đẹp”.

        +Hồi hướng công đức cho người chết để họ có được sự tái sinh tốt đẹp: “Cầu cho vong linh được có duyên lành tu hành đến con đường giác ngộ”.  Hãy nguyện cho sự chuyển tiếp kiếp sống mới của người chết được thoát khỏi sự sợ hãi hay lo lắng.  Hãy cầu nguyện ra lời nói hay thầm trong tâm tất cả những ước muốn tốt lành cho người chết.

   Nếu người thân trong gia đình có thể tụng kinh hay hành thiền hồi hướng cho người chết thì rất hữu ích.  Bố thí của cải của người chết cho từ thiện cũng vậy.  Như thế vật dụng của họ có thể được những người cần –người nghèo, người bệnh- sử dụng lại.  Hành động đó cũng mang lại niềm vui cho ta, và ta có thể hồi hướng công đức từ sự bố thí cho người chết được tái sinh vào chỗ tốt lành, được giải thoát, giác ngộ.  Đây là cách tuyệt vời để làm lợi ích cho người thân của ta.  Đôi khi người ta cũng cúng dường tịnh tài đến các tu viện, thiền viện, các vị thầy tâm linh và các trung tâm tu học để giúp cho người thân.  Vì chư thiên được coi là “ruộng phước” do phước báu của họ, cúng dường đến họ sẽ được nhiều công đức.  Bạn cũng có thể nhờ các chùa hay tu viện hành thiền và tụng kinh cho người chết.

 

Khi người thân ra đi, chúng ta đối mặt với buồn đau như thế nào?

   Trước tiên, ta phải hiểu về quá trình tang chế.  Tang chế là quá trình giúp ta thích ứng với sự thay đổi mà ta không mong đợi hay không muốn nó xảy ra.  Tính chất chóng qua và vô thườngbản chất của sự vật, nhưng do vô minh nhiều đời, chúng ta phủ nhận sự thật này.  Sự thay đổi xảy ra làm tâm kinh ngạc vì tâm đã sai lầm bám vào sự thường hằng. Do đó trạng thái đau buồn giúp ta thích ứng với sự thay đổi mà ta không muốn hay không trông đợi.  Khi thực hành đúng, trạng thái tâm này giúp ta chấp nhận sự thay đổi.

   Tất cả chúng ta đều biết qua tri thức rằng ta và người ta thương yêu sẽ chết.  Tuy nhiên, thậm sâu trong tâm, ta không thực sự tin điều đó.  Một góc tâm ta nghĩ rằng nó sẽ khác đi vì một lẽ nào đó, rằng ta sẽ có thể kiểm soát thế giới nên những sự thay đổi sẽ chẳng xảy ra.  Tận thâm sâu, ta tin rằng mọi thứ sẽ tiếp tục như chúng là, dầu ta biết bằng tri thức rằng chúng sẽ thay đổi.  Trạng thái tâm buồn khổ giúp ta mang trí hiểu biết về vô thường vào tâm để ta có thể chấp nhận quá trình thay đổi tự nhiên.

   Đức Phật khuyên ta nên quán chiếu về trạng thái chóng qua, ngắn ngủi của con ngườivạn vật.  Nếu được như thế, ta sẽ buông việc trông đợi sự vật phải ở trạng thái ta muốn.  Ta sẽ xem sự thay đổi là cơ hội và khả năng để trưởng thành, thay vì xem nó là sự mất mát, là kẻ thù cần tránh mặt.  Dù sự thay đổi mang đến cho ta niềm vui hay nỗi buồn, không tùy thuộc vào sự kiện bên ngoài nhiều, mà tùy thuộc vào thái độ của ta đối với nó.

   Đôi khi, nỗi đau mà ta phải gánh chịu khi thay đổi xảy ra –nhất là sự thay đổi do cái chết mang lại- tùy theo kinh nghiệm mà ta học được từ người lớn khi ta còn trẻ.  Thí dụ, cha mẹ ta hay các người thân khác trong gia đìnhthể không thoải mái để nói về những sự thay đổi ngoài ý muốn như cái chết.  Họ có thể coi đó là đề tài cấm kỵ.  Hay ta có thể chứng kiến người lớn quanh ta khóc lóc, trở nên trầm cảm, buồn đau khi có người mất đi trong gia đình.  Theo một số phong tục, văn hóa, nếu không khóc lóc, có nghĩa là bạn không thương yêu người chết.  Khi đã hiểu chính các phản ứng của ta trước cái chết, nó sẽ giúp ta nhận biết các sự kiện mà ta chứng kiến hay cung cách mà ta được dạy dỗ khi còn trẻ.  May mắn là giờ, với tư cách là người trưởng thành, ta có thể hiểu các trải nghiệm này tốt hơn, nên chúng không ràng buộc ta vào trong cái khổ.

   Khi người thân mất đi, vô vàn cảm xúc sẽ choáng ngợp tâm hồn ta.  Đầu tiên, là cái sốc và sự phủ nhận, nhất là khi người chết còn trẻ.  Điều này xảy ra do tà kiến của ta cho rằng những gì vô thường là thường.  Thân xác thì còn đó, nhưng người thì không còn nữa.  Tâm –bộ phận mang cho người đó cảm giác, sự hiểu biết, các trải nghiệm- không còn đó.

   Một cảm giác buồn bã, mất mát tràn ngập khi tâm ta vọng hướng tương lai và có những tư tưởng như, “Người tôi yêu không còn đó nữa.  Tôi nhớ người đó.  Tương lai tôi sẽ vô cùng ảm đạm khi không có người đó trong cuộc đời tôi”.  Suy nghĩ như vậy có đúng không?  Làm sao ta biết tương lai mình sẽ xấu đi?  Dĩ nhiên, ta có thể sẽ nhớ người mất, nhưng cuộc sống của chúng ta liên quan đến nhiều người hơn là một người.  Tiên đoán về một tương lai u ám vừa không chính xác vừa thiếu thực tế.  Đúng ra, sự buồn bã của ta dựa trên một suy đoán ở tương lai chưa chắc xảy ra.  Tóm lại, ta than khóc cho một tương lai không bao giờ xảy đến, và vì tương lai đó chưa xảy ra, ta không mất mát thứ gì.  Chỉ là chúng ta từ bỏ một tiên lượng về tương lai không chính xác.

   Thứ nữa là sự hoang mang.  Tâm ta bắt đầu quay cuồng với những câu hỏi, “Tại sao lại như thế?  Tại sao người này phải chết?”  Như thể nếu biết được nguyên do, ta có thể ngăn cản không cho người đó chết.  Có được không?  Từ lúc vừa được sinh ra, chúng ta đã tiến lần đến cái chết.  Không phải mai mỉa, nhưng đó là sự thật về cuộc sống rằng có sinh ắt có tử.  Tại sao chúng ta phải chết?  Vì ta sinh ra trong luân hồi sinh tử do bám víu và nghiệp.  Ngay nếu như ta định được bệnh, hay tai nạnnguyên nhân trực tiếp của cái chết, ta cũng không thể đem người đó trở lại cuộc sống.

   Chết là một kết quả tất yếu, là một phần của đời sống.  Đối với phàm phu, chết đánh dấu sự chuyển tiếp vào cuộc sống tương lai trong vòng sinh tử.  Một khi đã tái sinh, chết là điều tự nhiênchắc chắn sẽ xảy ra.  Sinh và tử gắn kết không rời nhau.  Chúng ta thường bận rộn chạy tìm dục lạc, cố gắng để thành công.  Nhưng khi có ai đó ra đi, ta mới bắt đầu tự hỏi mình về ý nghĩa của cuộc đời và điều gì sẽ xảy ra sau khi chết.

   Sự hoang mang có thể trở thành sân hận và sự phản kháng mãnh liệt đối với điều đã xảy ra.  “Có công bằng không khi nó phải chết.  Nó còn quá trẻ mà chết.  Ai xui khiến vậy?”  Sân hận hay đổ lỗi cho người khác có thể thay đổi điều gì không?  Không, dĩ nhiên là không.

   Trạng thái tâm hối hận là một thứ tình cảm khác có thể xảy ra sau cái chết của người thân.  Thí dụ, nếu trong lần gặp cuối cùng, ta và người đó cãi nhau, ta có thể cảm thấy tội lỗi, ân hận vì đã nói những lời cay độc.  Trong trường hợp này, hãy hành thiền thanh tịnh, phát khởi tình thương, lòng bi mẫn cho tất cả chúng sanh là cách tốt để tháo gỡ nỗi ân hận.  Rồi hãy ghi nhớ việc này, để tránh nói lời cay độc trong tương lai.  Ta không biết khi nào người khác hay bản thân chết, nên chúng ta không muốn cảm thấy ân hận vì đã làm tổn thương ai đó trong lần gặp có thể là sau cùng. 

   Việc tự tha thứ bản thân là quan trọng nếu ta đã làm điều có lỗi với người chết.  Ta xác nhận rằng mình đã lầm lỗi, đã khổ đau, bối rối ở thời điềm đó, và ta tha thứ cho bản thân.  Ta cũng cần quán xét lại việc khiến ta hành động không hay và các hậu quả của nó.  Nhờ thế, ta có thể học từ những sai phạm của mình, và bước tới trong cuộc sống với trí tuệ, chánh niệm, hơn là tự hành hạ mình với những cảm giác hối lỗi.  Ta không thể hoán cải sự việc; ta chỉ có thể học hỏi từ đó.  Sự hối hận và tự trách đều là những cảm xúc vô ích, không hiệu quả.

   Đôi khi, người ta còn tự trách mình vì cái chết của người khác, ngay cả khi họ không có trách nhiệm trực tiếp gì.  Cha mẹ có thể nghĩ –ngay cả khi con cái họ đã lớn- rằng lý ra họ phải ngăn cản cái chết của con mình.  Bạn bè cũng có thể bị ám ảnh với nỗi nghi hoặc, “Nếu tôi đã làm xyz thì sao?  Có thể bạn tôi đã không chết”.  Tự trách mình vì cái chết của người khác là không thực tế.  Từ quan điểm Phật giáo, sự việc xảy ra vì đã có nhân duyênChúng ta không thể kiếm soát tất cả các nhân duyênChúng ta chỉ là một phần nhỏ trong khối nhân duyên chồng chất, đan chen với nhau để tạo ra sự kiệnChúng ta không thể kiểm soát tất cả.  Không ai có thể, ngay cả Đức Phật.

   Sau khi người thân mất, ta dễ trải qua nhiều cảm xúcNhận biết được điều này và chấp nhận nó, đó là điều tốt.  Đồng thời, ta có thể quán sát các cảm xúcđánh giá chúng.  Chúng có thực tế hay hữu lý?  Tư tưởng gì ở phía sau chúng?  Mỗi người đều có quá trình đau buồn khác nhau.  Ta cần phải chấp nhận sự khác biệt đó và đau buồn theo cách nào mà ta thấy thích hợp cũng như tạo không gian cho người khác được đau buồn một cách khác.

   Vài năm trước đây, tôi được mời dự đám của một người trai trẻ chết vì ung thư ở độ tuổi ba mươi.  Khi vợ anh nói lời đưa tiễn, mặt bà rạng rỡ.  Bà nói, “John, em sẽ mang tất cả tình yêu mà anh đã dành cho em, tất cả tình yêu mà chúng ta chia sẻ với nhau, vảo tận thâm tâm.  Và vì nó không bao giờ giảm thiểu, em sẽ chia sẻ nó từ trái tim mình đến với mọi người mà em gặp gỡ”.  Tôi rất cảm động với những lời nói ấy, chắc rằng chồng cô cũng thế.

   Sự đau buồn sau cái chết của người thân không phải vì ta thiếu vắng họ ngay trong hiện tại mà vì nhận thức rằng cái viễn ảnh của tương lai –đã bao gồm họ- cần phải thay đổi.  Nói cách khác, chúng ta không than khóc cho quá khứ, mà xót thương cho tương lai.  Nhưng tương lai chưa tới mà, đúng không?  Chỉ là cái tưởng của ta, vậy tại sao lại chấp vào cái chưa có xảy ra?  Thay vào đó, hãy hoan hỷ rằng ta đã có thời gian ở bên họ.  Đã học hỏi, chia sẻ lẫn nhau biết bao điều.  Mọi thứ đều chuyển biến; ta đã quá may mắn được bên nhau trong đời, để yêu thương họ và được họ yêu thương trong suốt thời gian qua.

   Còn cách nào khác tốt hơn thế để xoa dịu nỗi đau khi mất người thân yêu –hoan hỷ với thời gian được bên nhau hơn là than khóc cho tương lai chưa đến, không bao giờ đến.  Còn gì tuyệt vời hơn khi ta có thể chia sẻ tình thương ta dành cho một người, đến với nhiều người khác bằng cách mở rộng trái tim và rải tình thương đó ra.  Điều này giúp cho người thân yêu của ta có thể nhận được tình thương, lòng bi mẫn ở bất cứ nơi nào mà thần thức của họ tái sinhChúng ta chia tay người thân với tình thương, nguyện cầu cho họ mọi điều tốt lành, biết rằng họ có khả năng giác ngộ, nguyện cho họ có thể sử dụng nội tâm thiện lành trong tương lai.  Chúng ta cũng có khả năng giác ngộ, hãy tìm nó trong tâm trí ta.  Làm được thế, ta sẽ sống bình an, tự tại và đóng góp tích cực cho lợi ích của người.

   Chúng ta có thể sử dụng bất cứ sự mất mát nào –người thân, nhà cửa hay công việc- để khơi dậy sự quyết tâm thoát khỏi vòng luân hồi này do vô minh, ái dục, sân hận và nghiệp dẫn dắt.  Chúng ta dùng cái khổ của mình để nhận ra rằng khổ vì mất mát đều giống nhau ở tất cả mọi loài chúng sanh, do đó phát sinh lòng từ bi đến với người khác.  Rồi với ước muốn giải thoát tất cả chúng sanh khỏi mọi khổ đau trong vòng luân hồi, ta phát khởi tâm bồ tát, nguồn cảm kích giúp ta đạt hoàn toàn giác ngộ vì lợi ích chúng sanh.

   Trao tặng các món đồ thuộc sở hữu của người thân đã ra đi đến cho người nghèo, hay cúng dường tịnh tài đến các chùa, tu viện, các bậc thầy tâm linh, hay các viện Phật học, thay họ, rồi hồi hướng công đức đó cầu cho người đã mất được tái sinh tốt đẹp, được giải thoátgiác ngộ, là cách tốt nhất để đem lại lợi dưỡng cho người ta thương yêu.  Bên cạnh đó, ta cũng được hạnh phúcan bình trong tâm.  Quá trình giúp đỡ người đã ra đi bằng những cách vừa kể, giúp ta xoa dịu nỗi mất mát vì ta tham dự vào việc giúp đỡ người thân cũng như người khác.

   Không có thời gian nhất định hay các giai đoạn ta phải trải qua trong quá trình đau buồn này.  Mỗi người cần có lượng thời gian khác nhau; mỗi người có cách biểu lộ sự tiếc thương khác nhau.  Đôi khi, một việc gì đó rất nhỏ nhặt cũng có thể khơi dậy những kỷ niệm với người đã chết.  Điều này có thể xảy ra.  Không có gì phải lo lắng.  Bất cứ khi nào nỗi buồn trỗi lên, hãy chấp nhận nó.  Khơi dậy tình thương cho bản thân, cho người thân đã mất và cho tất cả chúng sanh. Xác định lại quyết tâm sống tốt, tử tế và rộng lượng.  Dùng ký ức về người đã mất để giúp bạn sống một cách sinh động bằng lòng tử tế với bản thân và với người.  Nếu trước đây bạn quá bận rộn, không nhớ đến việc vun dưỡng các giá trị tâm linh, giờ hãy bắt đầu.  Nhớ nghĩ đến các giá trị đạo đứcước nguyện tâm linh có thể chuyển đổi cuộc đời ta.  Đó là cách cúng dường cho người đã chết.

   Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện diễn tả cái chết có thể giúp con người xích lại bên nhau một cách kỳ diệu và gợi cảm hứng cho người khác trong việc thực hành tâm linh.  Năm 1998, tôi đến Bodhgaya, Ấn Độ, do được mời làm thành viên của ni đoàn ban giới đầy đủ.  Ni sư Chopel Dronma cùng với mười tỉ muội từ Trung tâm Phật học Samye Ling ở Tây Ban Nha đến để dự lễ truyền giớiNi sư ở độ tuổi bốn mươi.  Bà có bệnh tim, dầu rất ít người biết về chuyện đó.  Một buổi sáng đang trong nghi lễ truyền giới, bà đột nhiên ngã gục dưới cây bồ đề.  Dù nhiều người cố hỗ trợ, nhưng khoảng nửa tiếng sau bà đã ra đi.  May mắn thay, sư phụ của bà là ngài Lama Yeshe của tu viện Samye Ling, đã ở bên cạnh để cầu nguyện cho bà.

   Hai ngày sau, hàng trăm người đã đến dự đám tang.  Nhiều người chưa bao giờ gặp Ni sư Chopel, nhưng được nghe về cái chết bất thường của bà, đã đến dâng hoa, sáp, nhang đèn.  Thân bà được đặt trong một chiếc hòm đơn sơ; chúng tôi rải hoa lên đó, rồi để hòm vào phía sau một chiếc xe jeep để mang nó đi qua một vùng đất bao la, vượt qua con sông Neranjara cạn nước.  Chúng tôi, các vị ni, nhắc thân bà ra khỏi hòm và đặt nó trên dàn lễ táng.  Lúc đó đã có hàng trăm người ở đó –người Ấn, người Âu, Tây Tạng, Trung Hoa, Sri Lanka và nhiều dân tộc khác- ngồi trên thảm quanh lễ đài.  Tiếng kinh tụng bắt đầu và lửa được châm.  Các vị tăng ni người Trung Hoa, trong những chiếc y vàng tung bay, tụng tiếng Tàu, rồi các vị tăng Nguyên thủy với y áo màu đất, màu hạt dẻ, tụng bằng tiếng Pali.  Trong lúc đó, các vị tu sĩ Tây Tạng trong những chiếc y màu tím sẫm ngồi tụng tiếng Tây Tạng.  Tôi bàng hoàng; không thể tin là có quá nhiều vị tu sĩ từ nhiều hệ phái khác nhau tham dự lễ tang của một người xa lạ không quen biết!  Tôi cảm nhận một sự đoàn kết mạnh mẽ và hòa hợp sâu xa của các tăng đoàn khi mọi người tự nguyện họp lại để giúp. 

   Khi chúng tôi rời lễ đài, chị của Ni sư nói với tôi, “Giống như một giấc mơ.  Ở Tây phương, các đám tang kinh khủng lắm.  Ngoài trạng thái tinh thần đang bấn loạn, mình còn phải liên hệ với bao nhiêu chỗ để sắp đặt mọi thứ.  Nhưng ở đây, không cần phải lo lắng gì, mà có quá nhiều người giúp đỡ”.  Sự ra đi của Ni sư Dronma và tang lễ của bà khiến cho những ai có mặt, chứng kiến đều cảm thấy phấn khởi, an nhiên.  Không ai khóc lóc, đau buồn.  Không ai tranh cãi việc tổ chức đám.  Không ai đắm chìm trong khổ đau.  Thay vào đó, mọi người đều thấy phấn khích –do Pháp mầu và do sự tu hành nhẫn nại của Ni sư.  Chắc hẳn Ni sư đã luôn cầu nguyện không chỉ cho cuộc sống của mình có ý nghĩa, mà sự ra đi của bà cũng đem lại nhiều lợi ích cho người.  Gần như ai có mặt ở đám tang đó cũng ước nguyện, “Ước chi tôi có thể ra đi như thế!”  Mầm đức hạnh mà bà đã vun trồng trong tâm thứcước nguyện đem lại điều tốt lành cho người, đã chín muồi một cách tự nhiên, mang lại nhiều lợi ích, ngay cả trong cái chết của mình.

 

Khi người mà ta có mối liên hệ không tốt đẹp, ra đi, quá trình sau đó diễn tiến như thế nào?

   Hãy ý thức rằng người có hành động không dễ thương là vì người đó không được hạnh phúc, hoang mang và khổ sở.  Người đó không biết cách tạo ra hạnh phúc, nên các hành động để giải tỏa đau khổ, chỉ mang thêm khổ cho họ, chứ không phải hạnh phúc.  Người đó không phải xấu ác, cố ý làm hại ta, nhưng chỉ vì họ bị choáng ngợp bởi chính niềm hoang mang, khổ đau của mình.

   Chúng ta cũng thế, cũng vướng vào vòng luân hồi do vô minh, sân hậntham ái, cũng muốn được hạnh phúc nhưng không biết hay sai lầm về các nhân tạo ra hạnh phúcChúng ta cũng hành động theo những cách mà lúc đó ta nghĩ là tốt, nhưng nhiều năm sau, suy lại ta thấy đó là sai lầm.  Tự biết điều này nơi bản thân, ta có thể thông cảm cho lỗi lầm của người.  Khi ai đó có hành động ác hại, hãy tránh xa họ.  Nhưng không có nghĩa là bạn phải ghét người đó. Ta vẫn có thể có lòng tử tế, từ bi đối với họ, nhưng ta không chấp nhận hoàn cảnh bị trù dập.  Bằng cách đó, ta tha thứphát khởi lòng bi mẫn đến với người đó.  Buông xả sự giận hờn đối với người khác rất quan trọng, dầu người đó sống hay chết.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/10/2021(Xem: 17646)
23/07/2016(Xem: 18077)
05/06/2018(Xem: 14594)
20/05/2020(Xem: 9029)
19/09/2013(Xem: 28187)
02/12/2021(Xem: 5040)
30/03/2022(Xem: 5259)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.