6. Giao Tình Bất Cầu Ích Ngã

03/08/20193:31 CH(Xem: 5278)
6. Giao Tình Bất Cầu Ích Ngã
MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM 
(THẬP ĐẠI NGẠI HẠNH) 
Nguyễn Minh Tiến

6. GIAO TÌNH BẤT CẦU ÍCH NGÃ

Trong nội dung lá thư tuần này, chúng ta sẽ tiếp tục bàn về điều tâm niệm thứ sáu trong Mười điều tâm niệm được trích từ sách Bảo Vương Tam-muội Niệm Phật Trực Chỉ (寶王三昧念佛直指). Điều này nói rằng: Giao tình bất cầu ích ngã (交情不求益我), và đoạn sau đó giải thích: Tình ích ngã tắc khuy thất đạo nghĩa (情益我則 虧失道義). Cả hai câu này được Hòa thượng Trí Quang gồm chung để dịch thành một ý là: “Giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.”

Chữ giao tình (交情) có thể hiểu là giao kết, kết tình giao hảo với nhau; ích ngã (益我) là lợi ích cho bản thân mình. Thật ra, trong quan hệ giao kết thì nhận thức và chọn lựa trước tiên của hầu hết chúng ta đều hướng đến chỗ cân nhắc xem đó là có lợi hay có hại. Một quan hệ bất lợi thì hẳn không ai muốn mất thời gian, công sức để tham gia vào. Và dường như hiểu được cái khuynh hướng rất thường tình này, nên bản văn đã cảnh báo: “Ích ngã tắc khuy thất đạo nghĩa” (Lợi ích cho bản thân mình ắt sẽ làm suy tổn, mất đi đạo nghĩa.)

Đạo trong câu này là đạo lý, đạo đức, những giềng mối tốt đẹp trong đời sống; nghĩa là tình nghĩa, là lẽ phải, những điều thích hợp phải giữ vẹn toàn trong giao tiếp ứng xử giữa người và người. Đạo nghĩa suy tổn (khuy) tức là bị lệch lạc, bóp méo, không còn được giữ theo một cách trọn vẹn như vốn có, còn mất đi (thất) thì có nghĩa là đã hoàn toàn bị bỏ qua, không được tuân theo nữa. Cho nên, nếu người mưu cầu lợi ích cho riêng mình trong bất kỳ mối quan hệ giao tiếp nào, thì cách ứng xử với đối tác trong quan hệ đó, nhẹ cũng sẽ là lệch lạc, không đúng đạo nghĩa, mà nặng thì có thể sẽ hoàn toàn đánh mất đi mọi chuẩn mực đạo đức, tình nghĩa vốn có. Vì sao vậy? Vì trong hầu hết các trường hợp, muốn được lợi riêng mình mà giữ được cả trọn vẹn theo đạo nghĩa thường là điều không thể. Cho nên, điều tâm niệm thứ sáu này có thể được dịch trọn vẹn là: “Giao tiếp đừng cầu lợi ích về riêng mình, vì lợi ích về riêng mình thì suy tổn, mất cả đạo nghĩa.”

Ở đây cần lưu ý rằng, “lợi ích về mình” và “cầu lợi ích về riêng mình” là hai điều khác nhau, và chỉ điều thứ hai mới là nên tránh. Như đã nói trên, một mối quan hệ bất lợi thì chẳng ai lại muốn tham gia vào, nhưng hãy làm sao để mình được lợi mà đối tác của mình cũng cùng được lợi, thay vì mong muốn (hay mưu tính) giành trọn phần lợi ích về riêng mình. Đây chính là triết lý “win-win”, hay “đôi bên cùng có lợi” của một quan hệ hợp đạo đức. Khi một mối quan hệ tốt đẹp mang lại lợi ích cho cả đôi bên thì phần “lợi ích về mình” trong quan hệ đó không có gì sai trái, vì nó chẳng làm tổn hại đến ai và chắc chắn cũng không hề làm suy tổn, đánh mất đạo nghĩa. Ngược lại, đối với kẻ cố tình mưu tính lợi ích về riêng phần mình thì không có chọn lựa nào khác hơn là họ phải lừa dối, gian lận hoặc cưỡng bức dồn ép người khác. Chỉ như thế thì mới có thể giành được phần lợi ích về cho riêng mình, mà như thế thì chắc chắn không thể nào không suy tổn, đánh mất đạo nghĩa.

Mâu thuẫn phát sinh ở đây chính là tình huống “chọn một trong hai” mà chúng ta rất thường gặp phải. Giữa “đạo nghĩa” và “lợi ích riêng mình”, ta chỉ có thể chọn một bỏ một. Chọn lấy đạo nghĩa thì trở thành người công minh liêm chính, chí tình chí nghĩa, trong sạch thanh cao, nhưng để vươn lên chắc chắn phải hoàn toàn dựa vào tài năng thực có của mình, và con đường được chọn lựa như thế quả thật không thể dễ dàng. Ngược lại, mất đạo nghĩa thì cơ hội rộng mở hơn, dễ dàng luồn lách qua bất kỳ khe ngách thuận lợi nào, miễn sao có thể giúp mình đạt được mục đích. Tất nhiên, không phải trường hợp “mất đạo nghĩa” nào rồi cũng được vinh thân phì gia, nhưng ít nhất thì đây cũng là một chọn lựa dễ dàng hơn trong toan tính mưu đồ lợi ích, bởi rào cản khó khăn của những luân lý, đạo nghĩa đều đã bị dẹp bỏ.


Vậy vì sao chúng ta phải chọn làm người tử tế để đối mặt với khó khăn, trong khi những kẻ bất nhân thất đức thì lại rộng đường thăng tiến? Đó là vì ý nghĩa thực sự của đời sống không nằm ở chỗ quý vị kiếm được nhiều tiền hay ít, mà nằm ở chỗ quý vị có được cuộc sống như thế nào với số tiền kiếm được. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những kẻ kiếm tiền một cách phi đạo đức thường không thể có một cuộc sống an vui hạnh phúc đúng nghĩa, càng không thể có được một gia đình tốt đẹp với con ngoan vợ hiền. Điều đó chính vì tự thân họ vốn đã là một bài học thất đức cho con cái, làm sao có thể mong chúng trở thành người tốt đẹp? Những kẻ tham nhũng vơ vét tiền bạc bất chính của nhân dân, tuy có thể né tránh lưới pháp luật bằng nhiều cách, nhưng lại không có cách nào che giấu được vợ con khi mang những khối tiền ấy về cho gia đình mình. Vì thế, câu chuyện về những “cậu ấm” hư hỏng, trốn học ăn chơi, thậm chí nghiện ngập xì-ke ma túy dường như không phải là chuyện lạ hiếm thấy. Chỉ những người đạo đức lương thiện mới có thể duy trì được một gia đình tốt đẹp thấm đẫm tình thương yêu, bởi đó chính là những gì họ luôn nghĩ đến và dành tặng cho người khác.

Không mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân mình, có nghĩa là khi muốn tìm kiếm lợi nhuận nhất thiết phải nghĩ đến, phải cân nhắc những mối lợi song phương, những lợi ích cho cả người hợp tác cùng mình. Người biết nghĩ như thế thì tất nhiên không thể làm điều suy tổn đạo nghĩa, càng không thể đi ngược lại đạo nghĩa để giành mối lợi riêng cho mình. Trong một tầm nhìn sâu rộng và bao quát hơn, chính những mối quan hệ như thế này mới là những mối quan hệ dài lâu, bền vững và mang lại lợi ích lớn lao nhất, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cho nên, không mưu cầu lợi riêng không có nghĩa là phải luôn sống một cuộc sống chật vật, thanh bần. Ngược lại, nếu muốn mở rộng lòng chia sẻ, giúp ích cho nhiều người, trước hết chúng ta cần phải biết làm giàu chính đáng. Bản thân mình có được một cuộc sống chân chính no đủ rồi thì mới có thể tạo ra được những cơ hội giúp đỡ, chia sẻ cùng người khác. Quan niệm cho rằng: “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân” (Giữ lòng nhân đức thì không giàu có; đã giàu có thì không thể có lòng nhân đức) là một quan niệm không đúng. Có vô vàn cơ hội trong xã hội ngày nay có thể giúp những người lương thiệntài năng vươn lên làm giàu chính đáng mà không hề đánh mất đi lòng nhân ái hay đạo lý làm người.

Nếu như những mối quan hệ “mưu cầu lợi riêng” ở tầm vóc cá nhân chỉ làm ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức của riêng một cá nhân đó, thì trong những quan hệ hệ lớn hơn giữa các công ty, tổ chức xã hội, hình ảnh của công ty hay tổ chức đó có thể sẽ bị hoen ố vì những hành xử phi nghĩa, và điều này cũng đồng nghĩa với một tương lai đen tối không thể nào tiếp tục phát triển. Xét từ góc độ này thì một quyết định “mưu cầu lợi riêng” rõ ràng không phải là sáng suốt, khôn ngoan, bởi nó chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà không thể giúp công ty, tổ chức ấy phát triển dài lâu.

Và còn đáng sợ hơn nữa nếu chúng ta xét điều này trên bình diện quốc gia, dân tộc. Trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia với nhau mà đánh mất niềm tin, đánh mất sự tôn trọng của những nước khác thì hệ quả sẽ thế nào? Điều này hẳn không chỉ còn là sự ảnh hưởng không tốt đến một số người, mà sẽ gây tác hại đến cả một dân tộc, một đất nước. Vì thế, chính sách ngoại giao khôn khéo của một quốc gia không phải là mưu cầu lợi ích cho riêng đất nước mình, mà nhất thiết phải hướng đến những giải pháp sao cho đôi bên cùng có lợi, cùng phát triển hài hòa trong bối cảnh toàn cầu.

Tìm được lợi ích mà không làm suy tổn, không đánh mất đạo nghĩa, đó chính là bài toán khó cho tất cả chúng ta. Và giải được bài toán đó cũng chính là đặt được viên gạch vững chắc đầu tiên cho ngôi nhà sự nghiệp của cả một đời người. Cho nên, trong xã hội kim tiền ngày nay, hơn bao giờ hết, mỗi chúng ta đều phải luôn tâm niệm: “Giao tiếp đừng cầu lợi ích về riêng mình, vì lợi ích về riêng mình thì suy tổn, mất cả đạo nghĩa.”

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/08/2020(Xem: 10279)
13/03/2024(Xem: 1067)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.