- Lời Giới Thiệu
- Dẫn Nhập
- Phần I. Những Điều Cần Biết Về Thời Điểm Lâm Chung Phát Khởi Tâm Nguyện
- Tiến Trình Của Hiện Tượng Chết
- 2. Chu Kỳ Tan Rã Thứ Hai: Nhóm Có Liên Quan Với Thọ Uẩn
- Phần Ii. Phù Trợ Người Lâm Chung
- Kinh 11 Niệm Tưởng Phải Có
- Niệm Tưởng Thương Yêu Giúp Đỡ Người Khác
- Niệm Tưởng Tăng Trưởng Các Thiện Căn Dù Nhỏ Bé
- Kinh Đại Thừa Nói Về Các Diệu Trí Vô Thượng Lúc Cận Tử
- Quán Đại Bi
- Niệm Tưởng Vô Chấp
- Phật Tại Tâm
Đại sư Dagpo Rinpoche
Diệu Hạnh Giao Trinh Việt dịch
Nhà xuất bản Thời Đại
2. Chu kỳ tan rã thứ hai: nhóm có liên quan với thọ uẩn
Bốn thành phần cùng lúc tan rã với thọ uẩn là bình đẳng tánh trí, thủy đại, thính giác và âm thanh trong dòng tương tục của người lâm chung.
Chúng ta sẽ không nói nhiều trong chu kỳ thứ hai này vì các triệu chứng có thể ghi nhận được bởi người ngoài ít hơn chu kỳ đầu. Những ai muốn biết nhiều hơn có thể tham khảo các tác phẩm chuyên môn về sự chết.
Thọ uẩn:
Chúng ta có thể nói một câu về sự tan rã của thọ uẩn này. Những nhận xét trước kia vẫn áp dụng được ở đây: khí chống đỡ cho các cảm quan sinh lý không làm tròn chức vụ được nữa, nên các cảm quan sinh lý bị suy yếu và cùn nhụt đi. Người lâm chung không còn nhận được các cảm giác dễ chịu, khó chịu hay vô ký nữa.Bình đẳng tánh trí:
Khí chống đỡ cho các cảm quan dẫn đến cảm thọ nội tại bắt đầu tan rã. Người lâm chung không còn cảm nhận cái gì dễ chịu, khó chịu hay vô ký, nhưng hiện thời ta chỉ nói về các cảm giác thô.Thủy đại
Thủy đại tan rã đưa đến sự khô cạn của tất cả các chất lỏng trong thân: nước bọt, máu, nước tiểu v.v... Không còn nước bọt nên người lâm chung cảm thấy miệng lưỡi càng lúc càng khô, do đó thường than khát nước. Trên răng họ đóng lên một lớp váng đen đen. Môi trên của họ hơi nhếch lên, hai cánh mũi nhíu lại. Khi ta chứng kiến một người hấp hối, những dấu hiệu này rất rõ ràng.Thính giác
Sức nghe không còn, người lâm chung không nghe được âm thanh nào, dầu bên ngoài hay bên trong.Đây là một điểm cần biết và ghi nhớ, vì nếu ta muốn giúp đỡ một người lâm chung bằng những lời khuyên giải để họ có thể trụ được trong một trạng thái tâm thức hiền thiện và lợi lạc thì phải làm [điều đó] trước giai đoạn thứ hai này. Từ lúc này, người lâm chung không còn nghe được gì nữa, không một âm thanh, nghĩa là không một lời nói nào còn có thể lọt vào tai họ. Muốn trực tiếp giúp đỡ bằng âm thanh hay lời nói thì lúc này đã quá muộn.
Âm thanh tronG DÒNG tương tục
Trong suốt cuộc đời, có một âm thanh vang hưởng trong tai ta nhưng phần đông ta không nghe thấy. Muốn ý thức được âm thanh ấy, hãy bịt tai lại và sẽ nghe tiếng “u... u...” liên tục. Âm thanh ấy chấm dứt ở giai đoạn này.
Triệu chứng bên trong
Người lâm chung có ấn tượng thấy như có một làn khói mỏng. Để có một ý niệm về hình ảnh họ thấy, hãy nghĩ đến điều gì xảy ra khi ta nhóm củi trong một căn phòng. Sau một lúc, làn khói mù mịt trong căn phòng sẽ tan dần, vì khi khói tan gần hết, chỉ còn lại trên đầu ta, dưới trần nhà, một làn khói mỏng. Người lâm chung thấy một ảo tượng tương tự như thế.3. Chu kỳ tan rã thứ ba: nhóm có liên quan với tưởng uẩn
Bốn thành phần đồng thời tan rã với tưởng uẩn là diệu quan sát trí, hỏa đại, tỵ giác và những mùi hương thuộc về dòng tương tục của người lâm chung.Một lần nữa, tôi xác định với quý vị rằng khi ta nói về sự tan rã của thọ uẩn rồi đến tưởng uẩn là nói trên bình diện thô. Chỉ có bình diện thô của các uẩn này mới bị suy suyển đến độ biến mất, nhưng hai tâm sở này vẫn tồn tại dưới những dạng vi tế hơn.
Tưởng uẩn
Khi tưởng uẩn tan rã, người lâm chung thường mất ký ức liên quan đến người thân. Họ không nhận ra mà cũng không nhớ họ là ai.Diệu quan sát trí
Diệu quan sát trí bình thường giúp ta nhớ biết, thí dụ như tên của cha mẹ, vợ chồng, con cái... Một khi trí này tan rã, người lâm chung không còn nhớ tên của những người thân này nữa.Hỏa đại
Hỏa đại tan rã, hơi nóng trong thân giảm xuống, đó là một triệu chứng dễ dàng nhận ra được. Ta thường nghe người hấp hối than “Trời lạnh xuống thì phải!”.Tỵ giác
Tỵ giác đồng thời tan rã: Triệu chứng bên ngoài là sự thay đổi trong hô hấp của người lâm chung. Họ thở ra tiếng và thở không đều. Họ hít không khí mỗi lúc một khó khăn nên hơi thở vào yếu ớt, ngắn và chậm, trong khi hơi thở ra lại dài. Chính vào lúc này ta sẽ nghe tiếng khò khè rất đặc trưng của người hấp hối.Những mùi hương
Những mùi hương thuộc dòng tương tục của người lâm chung: Từ lúc này, người lâm chung không thể ngửi và phân biệt được các mùi hương, nhưng điều này không biểu lộ bằng bất cứ dấu hiệu nào nhận biết được từ bên ngoài.Một tác dụng khác khi hỏa đại tan rã là người lâm chung mất khả năng ăn uống và tiêu hóa bất cứ thực phẩm nào, dầu lỏng hay đặc. Nếu ta cố đổ một chút nước vào miệng họ, vì họ không nuốt được nữa nên nước sẽ chảy ra ngoài ngay.
Triệu chứng bên trong
Người lâm chung có cảm giác thấy những điểm sáng, giống như những đốm lửa hay những con đom đóm trong bóng tối.4. Chu kỳ tan rã thứ tư: nhóm có liên quan với hành uẩn
Bốn thành phần đồng thời tan rã với hành uẩn là thành sở tác trí, phong đại, vị giác và các vị thuộc về dòng tương tục của người lâm chung, cùng với cảm quan sinh lý là sự xúc chạm.Hành uẩn
Triệu chứng sự tan rã của uẩn này rất dễ nhận thấy: Thân hình của người lâm chung hoàn toàn bất động từ lúc này. Họ không còn làm gì được nữa, không nhúc nhích được nữa.Thành sở tác trí
Thành sở tác trí giúp ta nhớ những việc gì phải làm trong cuộc sống hằng ngày. Khi trí này tan rã, người lâm chung mất đi trí nhớ mình phải làm gì.Phong đại
Phong đại cũng tan rã: Điều đang thật sự xảy ra là mười loại khí tương đối thô bắt đầu phát động lần lượt, cái này sau cái kia ngay sau lúc phôi thai, rồi luân lưu trong cả thân thể để hoàn thành các chức năng của mình, nay sẽ tụ họp hết ở một điểm giữa lồng ngực gọi là tâm điểm. Dấu hiệu bên ngoài rất rõ rệt là hơi thở bình thường chấm dứt. Nói cách khác, đó là tình trạng mà người ta gọi là “sự chết”.Theo Phật giáo, đây chỉ là cái “chết y học” chứ chưa phải là cái chết thật sự, mà chỉ là giai đoạn thứ tư của một chu kỳ, hãy còn bốn giai đoạn theo sau nữa. Cho dầu người ta không còn thở, nhưng họ vẫn chưa chết.
Vị giác
Vị giác tan rã được biểu lộ qua một dấu hiệu dễ nhận thấy: lưỡi người lâm chung thụt ngắn và dày ra, đầu lưỡi hơi cong lên và cuống lưỡi xanh sạm.Các vị giác thuộc dòng tương tục
Ở giai đoạn này, và chỉ ở giai đoạn này, người lâm chung mất hết khả năng cảm nhận và phân biệt các vị khác nhau.Xúc giác
Hành uẩn tan rã cũng bao hàm xúc giác. Xúc giác không còn nữa, người lâm chung không thể phân biệt được các cảm giác êm dịu, nhám, sần sùi v.v…Triệu chứng bên trong
Người lâm chung có cảm giác thấy một ánh nến hay ngọn đèn dầu chao động trước gió.Cuối chu kỳ thứ tư, tất cả các thành phần thuộc dạng thô của người lâm chung đã tan rã, trên bình diện sinh lý cũng như tâm lý. Trên thực tế, mười khí năng lực thô đã tan rã nên các nhận thức, các loại tâm sở nương tựa vào chúng cũng tự động chấm dứt. Nhưng đừng quên là theo quan điểm Phật giáo thì họ vẫn chưa chết. Những gì vẫn còn trong người này là các sắc và tâm tưởng ở bình diện vi tế.
Người lâm chung còn phải trải qua bốn chu kỳ nữa, trong khi đó nhận thức của họ sẽ càng lúc càng vi tế. Những giai đoạn này chỉ được đánh dấu bằng những triệu chứng bên trong mà thôi.
5. Chu kỳ tan rã thứ năm: tâm thức màn trắng hiện
Tám mươi tâm sở tan rã vào một tâm thức gọi là “màn trắng hiện”. Người lâm chung thấy hình một ánh lửa (như lửa của một ngọn đèn bơ) bất động, rồi một màn ánh sáng trắng.6. Chu kỳ tan rã thứ sáu: tâm thức màn đỏ tăng trưởng
Người lâm chung có cảm giác thấy một ánh sáng đỏ rất mạnh, giống như bầu trời màu cam lúc bình minh.7. Chu kỳ tan rã thứ bảy: tâm thức màn đen cận thành tựu
Người lâm chung có cảm tưởng bị bóng tối bủa vây, họ như chìm trong hôn mê và không cảm nhận gì nữa.8. Chu kỳ tan rã thứ tám: tâm thức ánh tịnh quang của sự chết
Các dạng vi tế của tâm và của khí sở y tan biến, nhường chỗ cho một tâm và khí rất vi tế.Người lâm chung có cảm giác trông thấy một khoảng không vô tận, hoàn toàn thanh tịnh, không có chút màu sắc nào.
Đối với Phật giáo, chính trong giai đoạn này, giai đoạn của ánh tịnh quang, mà sự chết thực sự phát sinh.
Giản dị nhất là hãy loại trừ dần những gì không có ích cho ta. Rõ ràng là khi chết, phần đông những gì ta ưa thích lúc còn sống không còn giúp ích gì cho ta được nữa, ít ra là không giúp trực tiếp. Thế là của cải, gia tài mà ta đã khó khăn lắm mới gom góp được, nay sẽ hoàn toàn vô
dụng. Chức vị, thanh danh, tên tuổi cũng thế... Người thân cũng không còn trực tiếp giúp ta được: cha mẹ, con cái, vợ chồng, y sĩ, bạn bè kể cả sư phụ hay đệ tử, không ai ngăn cản nổi cái chết, ngay cả những người
mà ta đặt hết tin tưởng và trông cậy cả một đời.
Hãy suy nghĩ một chút. Hiển nhiên là khi ta nhắm mắt lìa đời, thân và tâm vi tế sẽ rời khỏi cái vỏ vật chất trước để hướng đến một nơi tái sinh khác, thì của cải và tài sản sẽ hoàn toàn vô dụng, trong ý nghĩa là
ta không đem theo được gì cả. Đừng nghĩ rằng vì ta đã thành công và sung túc, ngay cả giàu có đi nữa nên ta có thể đầu thai trở lại cùng với
tiền bạc của cải vật chất. Điều này không thể được. Hơn nữa, ta cũng không thể đem bất cứ ai đi theo ta, kể cả những người thân yêu nhất. Ngay cả khi ta cảm nhận được một sự ràng buộc rất mật thiết, trên phương
diện tâm linh hay gì khác, với một số người nào đó, những sự ràng buộc này cũng không còn “ích lợi” nữa, trong ý nghĩa là họ không có cách nào đi theo ta một quãng đường xa hơn.
Sự thật, chết nghĩa là thân và tâm vi tế phải tiếp tục con đường của mình để hướng đến một cuộc sống mới, nhưng không thể đem theo những gì mà mình đã sở hữu suốt cả cuộc đời vừa mới chấm dứt, cũng không thể dắt theo một người nào, dầu thân thiết đến đâu đi nữa. Vả lại, ngay cả cái thân thể nhờ những nghiệp lực đặc thù nào đó mà ta đã lấy được lúc phôi thai và đã sử dụng từ đầu đến cuối cuộc đời, chính cái thân thể gần gũi và trung thành với ta dường ấy, ta cũng bắt buộc phải bỏ lại sau lưng.
Nói tóm lại, tất cả những gì mà suốt đời chúng ta đã gọi là “của tôi”, đã nói là “thuộc về tôi”, “tôi có”, thì khi chết đi đều không thuộc về ta nữa, mà sẽ lọt vào tay những chủ nhân khác, cũng một cách tạm bợ không kém.
Điều này áp dụng cho tất cả: tiền bạc, quần áo, nhà cửa, và ngay cả thân
thể – thi thể – không còn là của ta, mà sẽ thuộc về những người ở lại, những người thừa kế của ta v.v... Và rồi có một ngày, họ cũng sẽ phải trải qua cảnh huống ấy.
Thế thì tất cả những của cải vật chất mà ta sở hữu trong suốt một đời, ta đều phải để lại khi chết đi, và chúng qua tay người khác. Còn đối với
người thân, những người gần gũi nhất – cha mẹ, con cái v.v... – thì chết có nghĩa là phân ly với họ, vĩnh viễn. Ta sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Nói thế không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp lại họ trong những kiếp tái sinh, nhưng chắc chắn là sẽ không như trước nữa. Phải, chúng ta có thể gặp lại họ, nhưng trong những bối cảnh hoàn toàn khác biệt, trong ấy mỗi người sẽ có một địa vị không giống chút nào với những
quan hệ mà ta đã đan kết trong kiếp sống này, những quan hệ mà ta hằng tha thiết.
Để diễn tả tất cả những cảnh phân ly và nhấn mạnh tính chất vĩnh cửu của
chúng, đức Phật đã dùng đến đủ loại thí dụ minh họa, nhất là trong kinh
Phổ Diệu, Đức Phật đã gợi đến cảnh lá rụng mùa thu. Khi trời trở lạnh và gió thổi mạnh, những chiếc lá trong tán lá hài hòa của ngọn cây bắt đầu rơi xuống và bay tán loạn theo cơn gió lốc. Sau đó, việc cố nhặt chúng về và gắn trở lại lên những cành cây xưa kia để hồi phục tán lá cũ
là một công việc vô ích, không thể làm được.
Những chiếc lá cây một khi phân tán thì vĩnh viễn không tụ họp được với nhau nữa, giống như những cuộc phân ly sau cái chết, không thể vãn hồi được. Đức Phật dạy rằng không ai có thể phục hồi những hoàn cảnh y như trước. Ngài cũng lấy thí dụ của một dòng nước chảy, nó chảy xuống phía dưới và không bao giờ, không bao giờ chảy ngược về nguồn.
Vậy thì điều gì có thể có ích lúc ta chết? Để nhận thấy được, ta phải bắt đầu bằng kiểm nghiệm xem ta có thể mang gì theo khi chết đi. Theo Phật giáo, khi ta lìa một cuộc đời để hướng đến một kiếp tái sinh khác, ta chỉ có thể vỏn vẹn mang theo những gì đã tiêm nhiễm trong tâm, hay chính xác hơn, trong dòng tâm thức. Cái gì đã lắng đọng xuống trong dòng
tâm thức? Cũng theo Phật giáo, đó là những “dấu ấn”, hay cũng gọi là những “tiềm năng”. Mỗi khi ta tác động lên một trong 3 bình diện thân, khẩu, ý là ta để lại trong tâm một dấu vết, một năng lượng hay một tiềm năng. Và ta chỉ có thể tác động theo hai phương cách: một là xấu, hai là
tốt. Kết quả là những tiềm năng mà chúng ta tích tập theo thời gian có thể hoặc tốt hoặc xấu, tùy theo những hành vi phát khởi ra chúng: nếu mang lại lợi ích thì là thiện, ngược lại nếu tệ hại thì là ác.
Nói thế thì điều gì có lợi cho ta khi ta chết? Chúng ta sẽ mang theo, dầu muốn dầu không, tất cả những tiềm năng mà chúng ta đã tàng trữ. Lẽ dĩ nhiên những tiềm năng xấu không thể giúp ích cho ta. Ngược lại, chúng còn gây hại cho ta. Vậy thì cái gì còn lại để ta có thể nhờ cậy vào? Chỉ có những tiềm năng tốt mà thôi. Nếu trong suốt cuộc đời vừa qua chúng ta đã thường xuyên và mạnh mẽ thực hiện những hành vi tốt, chính đáng và vị tha, thì các tiềm năng phát sinh sẽ đi theo chúng ta và rất có lợi cho chúng ta. Chỉ có những hành vi này mà thôi. Ngoài ra, không có gì khác!
Làm thế nào để giúp một hữu tình sắp chết?
Dĩ nhiên là có rất nhiều đáp án cho một câu hỏi như thế. Đối với Phật giáo, nếu chúng ta thành tâm muốn giúp đỡ một người lâm chung, tốt hơn hết là tạo điều kiện tốt nhất để họ có được một trạng thái tâm thức hiền thiện, và hết sức tìm cách tránh những gì có nguy cơ gây cho họ một tâm thức rối loạn hay bất thiện vào giờ phút sắp chết.Tại sao Phật giáo khuyên nên vận dụng đủ mọi cách thích đáng để khơi dậy những tâm niệm hiền thiện nơi người lâm chung? Đừng quên là Phật giáo chấp nhận thuyết luân hồi, điều này hàm ý rằng, lúc lìa khỏi một kiếp sống, người ta lại hướng về một kiếp khác, rồi một kiếp khác nữa, mãi mãi không ngừng. Điều gì định đoạt kiếp tái sinh tới của ta là tốt hay xấu? Ta có quyền chọn lựa hay không? Khi đi từ kiếp này sang một kiếp khác, người ta có tiến bộ hay không? Phật giáo cho rằng điều này tùy thuộc vào nghiệp lực – hoặc tốt hoặc xấu – mà ta đã tích tập từ truớc đến nay. Trong viễn tượng này, phương cách ta hành xử với người lâm chung sẽ càng quan trọng hơn và cũng tế nhị hơn.
Để tóm lược quan điểm của Phật giáo trên vấn đề này, khi một hữu tình còn ở trong thế giới Ta-bà, nghĩa là khi họ còn tiếp tục luân hồi sinh tử trong phiền não và nghiệp lực, thì tâm họ sẽ vận tải một thể lượng khổng lồ của nhiều nghiệp nhân khác nhau. Nói cách khác, tất cả hữu tình trong cõi Ta-bà đều mang theo một khối nghiệp nhân không thể tưởng tượng, trong đó có rất nhiều nghiệp nhân tốt, có thể rất tốt, nhưng một số khác lại thua xa. Tại sao? Vì nói đến luân hồi, ta không thể chỉ kể đến kiếp sống hiện tại mà thôi. Đã có bao nhiêu kiếp trước đó mà ta đã không cư xử như trong kiếp này.
Hãy tưởng tượng trong kiếp này có một người sống rất tồi tệ, không làm gì ngoài những hành vi gây hại, đầy ác ý, do đó đã tạo một số lớn nghiệp nhân xấu. Trong những kiếp trước, chắc hẳn là họ đã không cư xử như vậy. Nếu tâm họ đã bị thâm nhiễm những nghiệp nhân xấu trong kiếp này, chắc chắn là họ hãy còn giữ nhiều nghiệp nhân tốt của những kiếp trước. Thật may mắn cho họ, nhưng trường hợp trái ngược cũng có thể xảy ra: một người đã tạo những nghiệp nhân rất tốt nhờ những hành vi thiện lành, nhưng kiếp trước họ đã làm những nghiệp nhân gì? Có thể họ cũng đã tạo những nghiệp nhân lành, nhưng không thể tránh được lầm lạc hay tội lỗi, nên tất nhiên họ cũng vận tải những nghiệp nhân xấu. Vì thế Phật giáo cho rằng tất cả những hữu tình sống trong thế giới Ta-bà này đều mang theo một số lớn nghiệp nhân đủ loại.
Nghiệp báo và tái sinh có liên quan gì với nhau? Sơ đồ căn bản rất giản dị: nghiệp nào thành thục ngay trước khi kiếp sống X chấm dứt sẽ định đoạt kiếp tái sinh Y ngay sau đó. Thế nhưng, nếu ta phân tích sâu xa hơn thì sẽ thấy có nhiều biến thể khác trong sơ đồ đó. Đừng nghĩ rằng kiếp tái sanh nào cũng do sự định đoạt của mỗi một nghiệp nhân duy nhất đã thành thục. Kinh sách nói rằng, giữa những hành nghiệp mà chúng ta gây ra có một số mạnh đến nỗi chỉ cần mỗi một nghiệp nhân thôi cũng đủ lôi kéo ta tái sinh vào một cảnh giới liên tục trong nhiều kiếp. Thí dụ, một nghiệp nhân vừa rất mạnh vừa rất tốt có thể đưa ta đi tái sinh trong cõi người suốt một ngàn kiếp không gián đoạn. Đó là nói về trường hợp tốt. Tương tự, một nghiệp nhân xấu rất mạnh cũng có thể khởi động một chuỗi tái sinh bất lợi. Ngược lại, một vài loại nghiệp nhân tuy đã thành thục nhưng không đủ mạnh để tự mình dẫn đến một kiếp tái sanh. Trong trường hợp này, nhiều nghiệp nhân cùng loại sẽ ghép lại với nhau để dẫn đến cùng một quả báo: một kiếp tái sinh tốt hay xấu tùy theo sắc thái chung của chúng. Tuy nói thế nhưng thông thường, nhất là ngay trước khi chết, trong tâm của đương sự, giữa tất cả các nghiệp nhân, sẽ trỗi lên một nghiệp nhân đã đến lúc thành thục. Nếu nghiệp nhân này tốt, đương sự sẽ được đẩy tới một kiếp tái sinh rất lợi lạc, và nếu nó xấu thì họ sẽ đọa xuống cảnh giới bất hạnh.
Chúng ta ai cũng mang theo mình vô số nghiệp nhân đủ loại, vậy những nghiệp nhân nào sẽ có khả năng xuất hiện vào lúc ta trút hơi thở cuối cùng và từ đó định đoạt kiếp sống mới của ta? Theo một đại học giả Ấn Độ là ngài Thế Thân thì trước hết, những nghiệp nhân thành thục đúng vào lúc đó là những nghiệp nhân “gần gũi” với ta nhất, tức là những nghiệp nhân mà chúng ta quen tạo nhất.
Vì thế, nếu muốn có một tái sinh tốt thì ta không được quên rằng để được như thế, vào giây phút cuối của ta, nghiệp nhân trỗi lên trên hết phải là một nghiệp nhân phước đức. Và muốn thế, ta phải dùng tất cả các phương tiện thích hợp nhất để “tưới tẩm” (như người Tây Tạng thường nói) hay là tăng cường trong tâm người lâm chung (dẫu người đó là chính mình hay người khác) một nghiệp nhân thiện. Mục đích là đưa một nghiệp lành nào đó đến mức độ thành thục, để nó có thể định đoạt kiếp tái sinh sau, thích hợp với người lâm chung, và do đó tốt đẹp cho họ.
Trước khi nghĩ đến việc áp dụng điều này cho chính mình, hãy tự hỏi làm sao và bao giờ mới là lúc phải áp dụng cho người lâm chung. Vấn đề là làm sao giúp người này đúng vào lúc nào thì phải có tâm thức nào, nghĩa là tâm thức có lợi cho họ. Nói thế cũng có nghĩa là trạng thái tâm thức đang được đề cập phải đi theo một chiều hướng, trong trường hợp này phải là chiều hướng tốt. Nó không được ở trong một trạng thái vô ký. Và điều kiện là tâm họ còn phải hoạt động ở dạng “thô”, hay nói cách khác, dạng bình thường.
Quý vị hẳn cũng nhớ là khi tâm thức lấy lại dạng vi tế, chưa nói tới dạng cực vi tế, thì nó sẽ tự động trở thành vô ký. Lúc ấy tâm thức không thể theo chiều hướng tốt hay xấu nữa, nên chỉ có thể ở trạng thái trung dung. Lúc ấy thì đã quá muộn. Vì thế, để người hấp hối có được những ý nghĩ thiện lành thì tâm thức người này phải còn hoạt động trong trạng thái bình thường, trước khi các thành phần thô nặng của họ bắt đầu tan rã.
Khi tâm trí người hấp hối còn hoạt động trong trạng thái thô, nếu ta dàn xếp thế nào để họ khởi được một trạng thái tâm thức hiền thiện, hay giản dị hơn, nếu ta khơi dậy trong tâm họ những tư tưởng tốt lành thì điều này có tác dụng tăng cường các tiềm năng tốt trong các nghiệp nhân của họ. Trong một thời gian ngắn sau đó, ngay sau khi các thành phần thô nặng đã tan rã rồi thì trong tâm họ chỉ còn lại các hoạt động ở bình diện vi tế và cực vi tế. Nhưng dẫu cho tâm thức họ đã trở thành vô ký, họ vẫn còn ở dưới ảnh hưởng của trạng thái tâm thức thô nặng cuối cùng, nên chính trạng thái này sẽ “định đoạt” chiều hướng của thời kỳ sau khi chết, lúc người này vào trạng thái trung ấm rồi đến lúc họ thực sự đi tái sinh.
Nói tóm lại, khi tiến trình của sự chết diễn ra thì các thành phần thô nặng của một hữu tình sẽ dần dà suy suyển cho đến lúc không còn hoạt động được nữa. Tâm thức nói riêng cuối cùng cũng không còn có thể hoạt động dưới dạng bình thường, mà ta gọi là dạng “thô”. Từ lúc đó trở đi, trong một khoảng thời gian, tâm thức của người này chỉ còn trụ trong những bình diện vi tế hơn, mà tính chất là vô ký. Do đó, cái mà ta phải cố gắng làm là can thiệp lúc còn thời giờ, lúc tâm thức người hấp hối vẫn còn hoạt động dưới dạng bình thường, làm thế nào cho những tư tưởng cuối cùng dưới dạng thô của họ phải đượm sắc thái hiền thiện. Ngay sau đó, vì các thành phần tan rã nên họ chỉ còn có thể có trạng thái tâm thức vi tế trong suốt một loạt chu kỳ. Nhưng không sao, nếu trạng thái tâm thức cuối cùng là hiền thiện thì điều này rất có lợi cho họ.
Khoảng thời gian này thật sự vô cùng trọng yếu và tế nhị, vì đôi khi có những sự chuyển hướng rất lạ lùng. Hãy lấy thí dụ của một người, trong suốt kiếp người đã sống một cách xấu xa nên phần nhiều các nghiệp đã tạo đều là nghiệp xấu. Nhưng [kết quả cuối cùng] vẫn chưa ngã ngũ. Chỉ cần vào giây phút cuối, nhờ một số tình huống tốt nào đó hoà hợp nên họ trụ được vào trong một trạng thái tâm thức hiền thiện. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên, mà có thể nhờ vào những nghiệp tốt nào đó họ đã tích tụ được trong các kiếp trước đã hiện hành.
Nói gì thì nói, trước mắt mọi người thì hiện nay đây là một tên cực kỳ gian ác, nhưng ở giây phút cuối cùng họ lại ở trong một trạng thái tâm thức hiền thiện, nhờ công đức lành kiếp trước và những điều kiện thuận lợi nhất thời. Như thế, thay vì đọa xuống cảnh giới xấu khi chấm dứt kiếp này, họ lại rất có thể tái sinh vào một cảnh giới tốt đẹp.
Trường hợp ngược lại cũng từng xảy ra. Có người suốt cả một đời đã nỗ lực hết sức để sống một cuộc sống hiền thiện, tạo rất nhiều nghiệp tốt. Thế nhưng ngay trước khi chết, vì lý do này hay lý do khác lại phát sinh những tâm như bực bội, chấp thủ hay ganh tỵ v.v... Không may là những tâm này lại làm cho một hay nhiều nghiệp xấu trong tâm họ thành thục, và kết quả là thay vì được tái sinh trong cảnh giới tốt đẹp họ lại bị đẩy xuống cảnh giới xấu.
Có người có thể kinh ngạc hay bất bình, do đó bèn nghi ngờ luật nhân quả và kêu lên rằng: “Thế thì luật nhân quả đâu phải lúc nào cũng đúng! Phải chăng nó cũng có chỗ sơ hở!”
Không, không phải thế. Luật nhân quả rất triệt để, không hề có chỗ sai lầm hay ngoại lệ. Các trường hợp đề cập trên chỉ minh họa cái tác dụng xê xích, dời lại trong thời gian. Tất cả các nghiệp tích tập – dĩ nhiên trừ khi đã được tịnh hóa trước đó – đều đưa đến một quả báo, nhưng không nhất thiết là phải ngay lập tức.
Thật sự ra, trong trường hợp người xấu đã tích tập một số lượng ác nghiệp khổng lồ trong kiếp này nhưng cuối cùng trụ được trong một trạng thái tâm thức tốt ngay trước khi tắt thở, thì quả báo họ đạt được không đến từ các nghiệp lực gần đây – tức là ác nghiệp, mà từ những nghiệp lực xa xưa hơn, những công đức mà họ tích tập được trong những kiếp trước. Có phải vì thế mà họ vĩnh viễn tránh được những quả báo xấu của các nghiệp đã tạo trong kiếp này? Không, không bao giờ. Các quả xấu này chỉ bị hoãn lại. Trừ khi nào từ nay đến lúc nhận lãnh quả báo họ biết vận dụng những phương tiện thích hợp để hóa giải chúng, bằng không thì bất cứ giá nào họ cũng phải lãnh thọ những quả báo ấy. Trong một kiếp tương lai, dẫu cho có một hay nhiều kiếp tái sanh tốt xen vào trước đó, họ vẫn sẽ phải chịu những quả báo khổ đau của những nghiệp ác mà họ đã tạo trong kiếp này. Đó là một định luật không thể lay chuyển.
Hãy lấy giả thuyết có một người sống rất tệ hại trong kiếp này, nhưng kiếp sau lại sinh ra làm người, vì trước khi chết họ đã có những tư tưởng hướng thiện. Trong kiếp người mới này, có thể họ ý thức được và đã sám hối tội lỗi bằng cách dùng đến bốn lực để tịnh hóa những ác nghiệp mà họ đã tích tập từ trước. Nếu người này hành trì miên mật pháp môn nói trên cho đến khi giải thoát ra khỏi thế giới Ta-bà thì đồng thời họ cũng sẽ vĩnh viễn tránh được những quả báo của các ác nghiệp xưa kia mà đáng lẽ họ phải chịu.
Điều này phải chăng có nghĩa là luật nhân quả có chỗ sơ hở và không luôn luôn hiệu nghiệm? Sự thật không phải thế. Luật nhân quả rất máy móc nên không bao giờ sai lệch. Trong trường hợp kể trên, luật nhân quả cũng đã được áp dụng: Đó là vì người ấy đã ra tay hành động, và đã dùng những kỹ thuật tịnh hóa nên mới đình chỉ được sự thành thục của các ác nghiệp lúc trước. Những nghiệp xấu kia không hề tự biến mất một cách không ai biết tại sao và cách nào. Ngược lại, những cơ cấu đưa đến sự hóa giải của chúng có thể được phân tích một cách dễ dàng.