Lời nói đầu
Trước hết xin ngỏ ý với quý đọc giả đã có nhiều thiện tâm hướng về pháp thiền định của Phật giáo được rõ, nếu quý vị muốn tìm hiểu sự thật Phật giáo có đem đến cho quý vị lợi ích ra sao? Đầu tiên quý vị xem kinh, nghe pháp, đàm luận và vấn đáp về giáo lý, đó cũng là những cách tầm đạo. Khi có xem kinh, thính pháp ít nhiều rồi mới thấy được đường lối chính của Đức Thế Tôn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật có những pháp môn cao siêu, mầu nhiệm hợp với chân lý và thực tế - thực tế cứu khổ chúng sanh và thực tế đem lại an vui tối thượng cho chúng sanh – xa lìa phiền não, chứng ngộ niết bàn.
Một thời, Đức Thế Tôn ngụ tại Savatthi đã thuyết giảng đến Anandà rằng: “…này Anandà, khi Như Lai diệt độ, các người hãy lấy giáo pháp làm hải đảo, làm nơi nương tựa. Những pháp môn mà Như Lai đã chứng ngộ, đã khéo thuyết giảng trong bốn mươi lăm năm ròng rã, các người chớ nên dễ duôi. Hãy cố gắng tinh tấn, trì giới, phòng hộ lục căn, cố gắng thực hành thiền định, cố gắng thực hành thiền tuệ. Hãy cố gắng thu thúc nhãn căn, thu thúc nhĩ căn, thu thúc tỷ căn, thu thúc thiệt căn, thu thúc thân căn, thu thúc ý căn. Hãy là những người hiểu cho thật rõ pháp môn Thiền Tứ Niệm Xứ là con đường độc lộ có bát chánh đạo, là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ một mình ta đi thôi. Này chư Tỳ khưu, các người hãy siêng năng tìm nơi thanh vắng, nghĩa địa, rừng núi, ụ rơm, cội cây, ngôi nhà vắng, tịnh thất, thiền đường mà hành trì các pháp thiền định, thiền tuệ mà Như Lai đã dẫn giải. Các người hãy là những người biết tròn đủ nên tiết độ trong thực vật, nên tránh xa các hạng người hay gây sự, có ý đồ lấn hiếp người khác, ham ăn, mê ngủ, không có tâm thiền định, thiền tuệ, không huân tu các trạch pháp giác chi, không cố gắng làm cho nội tâm được trong sạch. Những hạng người như vậy sẽ làm cho giáo pháp của Như Lai mau chóng suy tàn, những người đã có đức tin thì đức tin bị suy thoái, hàng tứ chúng bị mất sự lợi ích. Giáo pháp sẽ bị hùy hoại nhanh chóng vì có những hạng người như vậy, sư tử chúa sẽ chết dần vì những con bọ chét gớm guốc. Hãy là những người thừa tự giáo pháp của Như Lai. Chẳng nên thừa tự những vật chất làm cho thân khẩu ý dơ bẩn, ô nhiễm tham lam, sân hận, si mê, đốt chấy các thiện pháp, phải bị sa đọa vào bốn đường dữ - súc sanh, ngọa quỷ, atula, địa ngục. Con đường Tứ Niệm Xứ Minh Sát Tuệ Như Lai đã thuyết giảng hằng đem sự lợi ích đến cho hàng tứ chúng (loài trời, loài người,…) thoát khỏi các sự thống khổ, phiền muộn, giải thoát khỏi sự trói buộc”.
Đó là an vui tuyệt đối, còn tất cả sự an vui trong tam giới này chỉ là an vui tương đối thôi. Vì chúng sanh còn tham sân si nên có vui lẫn khổ, có khổ lẫn vui. Chúng ta ai cũng muốn vui nhiều khổ ít, hoặc chỉ muốn vui mà không khổ. Ai cũng chán ghét sự khổ. Nếu quả thật các vị muốn tìm an vui mà xa lánh sự khổ thì đừng tạo nhân khổ, mà lo tạo nhân vui. Nhân vui như thế nào? Chính là giới, định, tuệ.
Giới có năng lực làm cho than khẩu được ngay lành, thanh tịnh. Bởi vì người tu giới sẽ răn trị được thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; khẩu không nói dối, không nói lời độc ác, không nói lời đâm thọc, không nói lời vô ích sang đàng. Có như vậy sẽ làm nền tảng cho thiền định, ngược lại nếu thân và khẩu bị bợn nhơ tội lỗi do sự sát sanh v.v…thì không sao tu thiền được.
Định có năng lực chế ngự nội tâm cho thanh tịnh. Bởi tâm ưa tham lam sang đoạt của người về phần mình, sân hận tìm mưu sâu kế độc để hại người khác, si mê lầm lạc tìm cách lấn hiếp hoặc làm khổ chúng sanh.
Tuệ có năng lực diệt tận phiền não không dư sót. Thật vậy, nếu ai mong cầu sự an vui tuyệt đối thì cũng phải tu cho đến mức độ tuyệt tận phiền não thô và tế, bởi vì chính nó là nhân của khổ đau. Khi phiền não hoàn toàn được diệt trừ rồi thì mới thật an vui tuyệt đối là cực lạc vậy.
Trong tập sách này chúng tôi không đề cập về giới, chỉ đề cập định và tuệ hoặc có một cặp danh xưng khác là chỉ và quán, do chữ Pali có hai loại đề mục là:
+ Samathakammatthāna: đề mục chỉ tịnh.
+ Vipassanākammatthāna: đề mục quán minh hoặc minh sát tuệ.
Hai cách kammatthāna trên là lối tu có thấp có cao, có dễ có khó, khác nhau đôi chút, nhưng kỳ thực hai đề mục này cũng nhằm một mục đích là giải thoát và đạo quả Niết-bàn. Nói thì có hai nhưng tựu trung cũng như một. Thế cho nên chúng tôi thường ví dụ cho đệ tử hiểu là: “Mài dao cho bén, cạo tóc cho sạch” và “Để nước đục cho trở nên lắng trong, gạn lọc cặn cáu bỏ đi, để lại nước trong hoàn toàn”. Sự mài dao là chỉ , còn cạo tóc cho sạch là quán. Cũng như , lắng nước đục trở nên trong là chỉ, gạn lọc cặn cáu bỏ đi để lại nước trong hoàn toàn là quán. Hai pháp này có chỉ có quánđầy đủ, mau đác đạo giải thoát dễ dàng. Nếu có chỉ mà không quán thì khó đắc đạo lắm. Cũng như đạo Bà-la-môn, họ tu thiền cũng khá, song họ không tu về quán minh, do đó họ không đắc đạo quả.
Ngược lại chỉ tu quán minh thôi, mà không tu chỉ tịnh thì cũng đắc đạo hoàn toàn vậy nhưng không có thần thông biến hóa được.
Đại ý chính trong quyển này là: “Thiền Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ”.
Thiền do chữ Phạn là jhana, Tàu âm là Thiền-na thường đọc tắt cho gọn là thiền. Các nước Phật giáo Nam Tông thường dùng chữ Pali cũng đọc tắt là “jhan” bỏ câm chữ “a” phía sau. Người Nhật thì dùng chữ Zen cũng là thiền. Đó là nói đến danh từ, còn ý nghĩa thì chữ jhana được dịch là pháp làm cho khô héo phiền não hoặc là pháp đốt nóng kẻ thù tức là phiền não, thường được ví dụ như dùng tảng đá to đè lên cỏ, lâu rồi cỏ dưới tảng đá cũng khô héo đó lá thiền định. Cố gắng đào bứng tận gốc rễ của cỏ, tức là phiền não, ấy là chỗ đất được sạch, đó là tu thiền quán minh. Tâm của hành giả lúc bấy giờ mới sạch được như chỗ đất kia vậy.
Còn Tứ Niệm Xứ do Đức Thế Tôn dạy, đã bao gồm hai ý nghĩa chỉ tịnh và quán minh rồi. Các pháp khác một số nhiều thì samatha riêng và vipassanariêng. Còn Tứ Niệm Xứ, pháp này thi hành giả niệm hoặc quán thì chính nhờ khả năng niệm hoặc quán ấy, làm minh triết chi li, rất tỉ mỉ và rất rõ rệt, khiến cho người không còn mải mê chấp trước. Vì chúng sanh ưa chấp trước mọi thứ như đại khái có năm thứ: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Hoặc hai thứ là: sắc pháp (tức là sắc uẩn) và danh pháp (tức là bốn uẩn còn lại).
Quán thân niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán, tức là mổ xẻ, chia chẻ sắc uẩn ra cho thấy rõ sắc uẩn này vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.
Quán thọ niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán, tức là mổ xẻ, chia chẻ thọ uẩn ra cho thấy rõ thọ lạc, thọ khổ, thọ vô ký đều là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.
Quán tâm niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán, tức là mổ xẻ, chia chẻ thức uẩn ra cho thấy rõ tâm thức, tức là sự suy nghĩ thiện ác, vô ký đều là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.
Quán pháp niệm xứ, ấy là đã niệm hoặc quán tức là mổ xẻ chia chẻ tưởng uẩn và hành uẩn cho thấy rõ sự tưởng nhớ và sự khởi tác do hành uẩn dấy lên trong tâm đều là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh.
Khi tỏ ngộ cái chân lý trên, mới mong dứt sạch được tham sân si, vô minh, ái dục…hầu mong thoát được sanh tử luân hồi, được an vui tuyệt đối đó là Niết-bàn.
Chúng tôi lại có trích lục trọn các pháp minh sát tuệ, giảng giải rõ ràng để chư hành giả có cơ sở chính xác trong việc tu tiến lên cao và đúng theo phương pháp chính yếu để đắc đạo quả thánh nhân. Ngoài hai bậc thiền trên không có bất cứ một vật chi có thể trừ diệt tật hư, nết xấu của người đời được. Sức nóng của bom nguyên tử cũng không đốt cháy được tội lỗi phiền não chúng sanh.
Ta có thể thấy rõ hơn giá trị của thiềnđịnh:
Có người nói:
- Vua Tần-Bà-Sà sung sướng vô cùng, có thể hơn Đức Thế Tôn.
Đức Phật nói:
- Vua có thể ngồi ăn đồ rất ngon mãi trong nhiều ngày, ngồi xem hát múa hay đẹp nhất,…cứ ngồi mãi nhiều ngày liên tục được không?
- Dạ thưa không được đâu !
- Như Lai có thể nhập định bảy ngày đêm liền không ăn, không uống, không thở, không thay đổi oai nghi mà lại được an vui thanh tịnh, tự tại..
- Thưa các bạn phạm hạnh, quý vị thức đạt và chư độc giả! Saukhi xem qua quyển sách này nếu có chỗ nào thiếu sót, xin quý vị chỉ giáo để chúng tôi sửa lại hoàn hảo hơn trong lần tái bản tới.
Lành thay !
Hòa thượng thiền sư Giới Nghiêm
Thiền Tứ Niệm Xứ Minh Sát Tuệ - HT. Giới Nghiêm
- Từ khóa :
- Thiền Tứ Niệm Xứ
- ,
- Minh Sát Tuệ
- ,
- Gioi Nghiem