Minh Thiền dịch và giảng giải tại chùa Hội Tông, Phú Định, vào năm 1973,
xuất bản bởi Nhà xuất bản Quế Sơn, Võ Tánh.
Tài liệu này ghi lại phần luận của Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma trong quyển sách Bồ-Đề Đạt-Ma Quán Tâm Pháp do thầy Minh Thiền dịch và giảng giải tại chùa Hội Tông, Phú Định, vào năm 1973, xuất bản bởi Nhà xuất bản Quế Sơn, Võ Tánh. Quán Tâm Pháp là tên chung cho ba thiên luận về Huyết Mạch, Ngộ Tánh và Phá Tướng.
LUẬN HUYẾT MẠCH
Ba cõi lăng xăng đều từ một tâm. Phật trước Phật sau đều chỉ dùng tâm truyền tâm, chẳng lập văn tự.
Có người hỏi: Nếu không lập văn tự, vậy lấy gì là tâm?
Đáp: Ông nói tôi tức là tâm của ông, tôi trả lời với ông tức là tâm của tôi. Nếu tôi không có tâm thì lấy đâu biết để trả lời với ông; ông nếu không có tâm thì làm sao ông biết hỏi tôi. Cho nên biết: Hỏi tôi tức là tâm của ông đó.
Từ lũy kiếp đến giờ, nhẫn đến hành tung hoạt động bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào đều là cái tâm vốn có của ông, đều là Phật vốn có của ông. Cái nghĩa “chính tâm là Phật” là như thế. Ngoài tâm này rốt ráo không có Phật nào khác có thể được. Nếu lìa tâm này mà tìm Bồ-đề, Niết-Bàn, thì thật là không tưởng. Tánh chơn thật của mình không phải pháp nhân pháp quả, đó là nghĩa của tâm. Tự tâm là Niết-Bàn. Nếu nói ngoài tâm có Phật và Bồ-Đề có thể được thì thật là không tưởng.
Phật và Bồ-Đề ở chỗ nào? Ví như có người dang tay bắt hư-không có được gì không? Vì sao thế? Vì hư-không chỉ có tên chớ nào có hình tướng! Bắt đã chẳng được, bỏ cũng chẳng được. Thế là hư-không không thể bắt được. Trừ tâm này ra mà tìm Phật rốt rồi không được cũng giống như vậy.
Phật
là tự tâm làm ra. Tại sao lìa tâm mà tìm Phật? Phật trước Phật sau chỉ nói về tâm. Tâm tức là Phật,
Phật tức là tâm; ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không
tâm. Nếu nói ngoài tâm có Phật vậy Phật ở đâu? Ngoài tâm đã không Phật sao lại còn làm ra cái thấy có Phật
để mà dối gạt lẫn nhau, rồi không thể rõ được cái
tâm vốn có của mình, lại bị vật vô tình nó nhiếp mất
tự do; nếu không tin hiểu như thế, để tự dối gạt thật
là vô ích. Phật không lỗi lầm, chúng sanh điên đảo
chẳng biết giác ngộ tâm mình là Phật. Nếu biết
tự tâm là Phật chớ nên tìm cầu Phật ngoài tâm.
Phật
chẳng độ Phật, nếu đem tâm tìm Phật là chẳng biết Phật
là chỉ tự tâm
Những
người đi tìm Phật, hết thẩy đều chẳng biết tự tâm
là Phật. Cũng chớ nên đem Phật lễ Phật, đem tâm niệm
Phật. Phật chẳng tụng kinh, chẳng giữ giới, chẳng
phạm giới. Phật không có giữ và phạm, cũng chẳng
tạo thiện tạo ác. Nếu chẳng thấy tánh; niệm Phật,
tụng kinh, ăn chay, giữ giới cũng không ích lợi gì. Niệm Phật chẳng qua được nhân quả, tụng kinh chẳng qua
được thông minh, giữ giới chẳng qua được sanh lên cõi
trời, bố thí chẳng qua được phước báo. Tìm Phật
quyết định không thể được.
Nếu tự mình không thấu suốt, thì phải nên tìm tham học với thiện tri thức nào đã dứt khoát nguồn cội sanh tử. Nếu chẳng thấy tánh thì không được gọi là thiện tri thức. Nếu không như thế dẫu cho có giảng được hết cả kinh Phật cũng chẳng khỏi sanh tử luân hồi, vẫn ở trong ba cõi chịu khổ mãi mãi.
Xưa có Tỳ-kheo Thiện Tinh giảng được hết cả kinh Phật nhưng vẫn chẳng chịu khỏi luân hồi, cũng chỉ vì chẳng thấy tánh. Thiện Tinh đã như thế, người nay bất quá giảng được năm ba bốn kinh luận rồi vội cho là mình thực hành pháp Phật, đó là thuộc về hạng người mê. Nếu chẳng biết tự tâm, chỉ tụng theo suông mặt chữ của kinh đều là vô dụng. Nếu muốn tìm Phật phải nên thấy tánh. Tánh tức là Phật, Phật tức là người tự tại rảnh rang vô sự. Nếu chẳng thấy tánh, suốt ngày chật vật rong ruổi ra ngoài mà tìm, tìm làm sao được? Tuy không một vật có thể được, nhưng nếu muốn cầu tỏ ngộ cũng phải nên tham học với thiện tri thức. Phải thiết tha cần khổ mà cầu đến bao giờ được tỏ ngộ bổn tâm.
Sanh tử việc lớn, không được phép để luống trôi qua, tự dối gạt vô ích. Dẫu có của quí như non, quyến thuộc như cát sông Hằng, mở mắt thấy đó, khi nhắm mắt rồi ra sao? Phải biết các pháp hữu vi đều như giấc mơ, như huyễn hoá.
Nếu chẳng gấp tìm thầy học đạo, luống uổng một kiếp trôi qua.
Tuy rằng tánh Phật ai cũng vốn tự có, nhưng nếu chẳng nhờ Thầy chỉ giáo rốt không thể tỏ ngộ. Những bật chẳng nhờ Thầy mà tỏ ngộ chỉ là hy hữu trong muôn một mà thôi. Nếu tự mình được nhân duyên hợp ý Thánh thì không cần phải tham học với thiện tri thức; trường hợp này gọi là sanh ra đã biết còn hơn vậy.
Nếu chưa được tỏ ngộ phải nên cần khổ tham học, nương nơi giác mới được ngộ. Nếu đã ngộ rồi chẳng học chẳng sao, không đồng với người mê.
Nếu chưa minh bạch được đen trắng mà kỳ vọng nói tuyên bày giáo pháp của Phật, chê Phật kỵ Pháp. Những bọn như thế, thuyết pháp như thế, hết thảy đều là ma nói, không phải Phật nói, tức là ma vương, đệ tử của họ là ma dân. Người mê chịu cho chúng nó chỉ huy chẳng được giác ngộ, đoạ vào biển sanh tử chỉ vì chẳng thấy tánh, vọng xưng là Phật. Bọn chúng sanh như thế là đại ma vương, gạt gẫm tất cả chúng sanh cho vào cõi ma.
Nếu chẳng thấy tánh, dẫu cho giảng được hết cả kinh Phật đi nữa cũng chẳng qua là ma nói, là quyến thuộc nhà ma, chẳng phải đệ tử của Phật. Đã chẳng biện được đen trắng thì căn cứ nơi đâu mà khỏi sanh tử.
Nếu đã thấy tánh tức là Phật chẳng thấy tánh tức là chúng sanh. Nếu lìa tánh chúng sanh mà riêng có tánh Phật có thể được, vậy Phật hiện ở chỗ nào? Như thế, tánh chúng sanh là tánh Phật. Ngoài tánh không Phật, Phật tức là tánh, ngoài tánh này không có Phật nào có thể được. Ngoài Phật cũng không có tánh nào có thể được.
Hỏi: Nếu chẳng thấy tánh, niệm Phật, tụng kinh, bố thí, giữ giới, tinh tiến, mở rộng phúc duyên, có được thành Phật không?
Đáp: Không !
Hỏi: Vì sao không được?
Đáp: Nếu có chút pháp nào có thể được là pháp hữu vi, là pháp nhân quả, là pháp thọ báo, là pháp luân hồi, không khỏi sanh tử, biết chừng nào mà thành Phật!
Muốn thành Phật phải thấy tánh. Nếu chẳng giác ngộ bổn tánh thì nói những nào nhân, nào quả đều là pháp ngoại đạo. Nếu là Phật thì chẳng tập theo pháp ngoại đạo.
Phật là người không nghiệp, không nhân quả, nếu nói có chút pháp có thể được đều là chê bai Phật đó! Căn cứ nơi đâu mà được thành Phật? Dẫu cho chỉ trụ chấp một tâm, một năng, một giải, một thấy cũng đều bị Phật chẳng thừa nhận. Phật không giữ và phạm. Tâm tánh vốn không, cũng không phải các pháp dơ sạch, không tu không chứng, không nhân không quả. Phật chẳng giữ giới, chẳng tu thiện, chẳng tạo ác, chẳng tinh tiến, chẳng giải đãi. Phật là người vô tác, nếu có tâm đắm chấp để thấy Phật là bị không thừa nhận rồi! Phật chẳng phải Phật, đừng làm ra hiểu Phật, nếu chẳng thấy nghĩa này thì luôn luôn ở đâu cũng đều là mê muội bổn tâm, nếu chẳng thấy tánh mà luôn tưởng tượng ra làm cái rảnh rang (vô tác), đó là tội nhân lớn, là người si, rơi vào ngoan không vô ký, ngây ngây như người say, chẳng phân được tốt xấu.
Nếu muốn tu theo pháp vô tác trước phải thấy tánh, rồi sau dứt các duyên lự nơi tâm. Nếu chẳng thấy tánh mà được thành Phật, thì thật là chuyện tưởng tượng.
Có người bác cho rằng không nhân quả, tha hồ mà tạo nghiệp ác, vọng nói vốn không, làm ác không tội, con người như thế sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián tối tăm mãi mãi. Nếu là người trí không nên hiểu như thế.
Hỏi: Đã nói dầu cho làm lụng, hoạt động, lúc nào cũng đều là bổn tâm. Vậy khi vô thường đến với sắc thân sao lại chẳng thấy bổn tâm?
Đáp: Bổn tâm lúc nào cũng hiện bày, chỉ tại ông chẳng thấy.
Hỏi: Lúc nào cũng hiện bày, vì sao chẳng thấy?
Tổ sư nói: “Ông có từng nằm mơ lần nào không?”
Đáp: Có.
Hỏi: Khi ông nằm mơ có phải là bổn thân của ông không?
Đáp: Phải.
Lại hỏi: Ông nói năng hoạt động với ông là một hay khác?
Đáp: Không khác.
Nói: Nếu đã chẳng khác thì thân của ông đây cũng chính là pháp thân vốn có của ông đó. Chính ngay pháp thân này là bổn tâm của ông đó. Tâm này từ lũy kiếp đến giờ vẫn y nguyên như thế, chưa từng có sanh tử. Chẳng sanh chẳng diệt; chẳng thêm chẳng bớt; chẳng dơ chẳng sạch; chẳng tốt chẳng xấu; chẳng đến chẳng đi; chẳng phải chẳng quấy; chẳng tướng nam tướng nữ; cũng không phải tướng tục tướng tăng; không già không trẻ; không thánh không phàm; không Phật không chúng sanh; không tu không chứng; không nhân quả; không gân lực, không tướng mạo cũng như hư không, bắt chẳng được, bỏ chẳng được, núi sông gành đá không chướng ngại được, hiện ẩn qua lại tự tại thần thông, suốt năm uẩn, vượt sanh tử, tất cả nghiệp chướng đối với pháp thân cũng đều không thể trói buộc được. Tâm này rất vi diệu khó thấy, chẳng đồng với cái tâm nghiệp chướng do trần cảnh tạo nên.
Cái pháp thân, tâm tánh này ai ai cũng sẵn có. Trong tâm ấy động tay máy chân nhất nhất đều không lìa, nhưng khi hỏi đến đều không thể nói được, giống như người gỗ. Hết thảy đều tự mình thọ dụng nhưng sao lại không biết?
Phật nói: Tất cả chúng sanh đều là mê muội, vì thế nên tạo nghiệp đọa vào sanh tử, muốn ra rồi lại vào, chỉ vì chẳng thấy tánh. Chúng sanh nếu chẳng mê tại sao khi hỏi đến việc trong tâm tánh thì lại không có một người biết được? Tự mình động tay máy chân sao mình không biết? Cho nên biết Thánh nhân nói không lầm, vì người tự mê muội. Nên biết tánh này rất khó tỏ, chỉ có Phật mới được tỏ ngộ thôi; hết thảy người, trời, chúng sanh đều không tỏ suốt.
Nếu có trí tuệ tỏ suốt được tâm này thì gọi là pháp tánh, cũng gọi là giải thoát, sanh tử không trói buộc được, tất cả pháp không chướng ngại được, thế gọi là Đại Tự Đại Vương Như Lai. Cũng gọi là không thể nghĩ bàn, cũng gọi là Thánh thể, cũng gọi là trường sanh bất tử, cũng gọi là đại tiên. Danh tuy chẳng đồng, thể vẫn là một, bực Thánh nhơn nói ra dẫu có muôn bàn phân biệt cũng đều chẳng lìa tự tâm. Tâm lượng rộng lớn ứng dụng vô cùng, ứng ra mắt thấy sắc, ra tai nghe tiếng, ra mũi biết mùi, ra lưỡi biết vị, cho đến hết thảy hành tung hoạt động cũng đều là tự tâm. Bất cứ lúc nào, chỉ có bặt đường ngôn ngữ tức là tự tâm.
Nên nói sắc Như Lai vô tận, trí huệ cũng vô tận. Sắc vô tận là tự tâm, tâm khéo hay phân biệt tất cả pháp, nhẫn đến tất cả hành tung hoạt động cũng đều là trí huệ. Tâm không hình tướng nên trí huệ cũng vô tận. Nên nói sắc Như Lai vô tận, trí huệ cũng như thế. Còn cái thân tứ đại tức là cái thân phiền não thân sanh diệt. Pháp thân thường trụ không chỗ trụ; Pháp thân của Như Lai thường chẳng thay đổi nên kinh nói: Chúng sanh nên biết tánh Phật vốn tự có; ngài Ca Diếp chỉ ngộ được bổn tánh mà thành Phật. Bổn tánh tức là tâm; tâm tức là tánh, tánh với tâm chư Phật không hai, Phật trước Phật sau chỉ truyền tâm này, ngoài tâm này không có Phật nào cả, chúng sanh điên đảo chẳng biết tự tâm là Phật, dong ruỗi ra ngoài mà tìm, suốt ngày chật vật niệm Phật, lễ Phật, vậy Phật ở đâu? Chớ nên hiểu như thế, làm như thế. Chỉ biết bổn tâm, ngoài tâm không có Phật nào khác. Kinh nói: Phàm cái gì có tướng điều là hư vọng.
Lại nói: Phật ở đâu? Chỗ nào không Phật? Tự Tâm là Phật; Chẳng nên đem Phật lễ Phật, dẫu có tướng Phật hoặc tướng Bồ-Tát hiện tiền cũng quyết định chớ nên lễ kỉnh. Tâm ta vắng lặng vốn không có tướng như thế. Nếu chấp tướng tức là ma, đều rơi vào tà đạo, nếu là huyễn từ tâm khởi, lại càng không nên lễ, lễ là không biết, biết thì chẳng lễ. Nếu lễ là bị ma nhiếp.
Sợ hậu học chẳng biết nên phải biện bạch như thế này. Các Phật, Như Lai, trên bổn tánh đều không có tướng như thế; phải nên chú ý. Khi thấy cảnh giới lạ, quyết định không nên chấp, cũng đừng sanh sợ hãi, chẳng cần nghi hoặc. Tâm ta bổn lai thanh tịnh, đâu có tướng như thế! Nhẫn đến tướng Thiên Long, Dạ xoa, quỷ thần, Đế Thích, Phạm Vương v.v… đi nữa, cũng chẳng nên sanh tâm kỉnh trọng, cũng đừng sợ hãi. Tâm ta bổn lai vắng lặng, tất cả tướng đều là tướng hư vọng, chỉ đừng chấp tướng là hơn.
Nếu khởi tâm thấy Phật thấy pháp và thấy các tướng Bồ-Tát mà sanh kỉnh trọng, tức là tự đọa vào trong chúng sanh. Nếu muốn liền được tỏ ngộ, chỉ đừng nhận một pháp nào là được. Không cần nói gì thêm.
Nên kinh nói: Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng, đều không có thật. Huyễn không có tướng nhất định, là pháp vô thường. Chỉ đừng chấp tướng là hợp với ý thánh. Nên kinh nói: Lìa tất cả tướng là danh hiệu chư Phật.
Hỏi: Tại sao không được lễ Phật, Bồ-Tát?
Đáp: Thiên ma Ba-Tuần. A-tu-la cũng hiện thần thông làm được tướng Bồ Tát và nhiều cách biến hóa. Đó là ngoại đạo chớ không phải Phật. Phật là tự tâm, đừng lầm lễ lạy. Chữ Phật là tiếng Ấn Độ, theo xứ ta gọi là tánh giác. Giác nghĩa là linh giác, ứng cơ tiếp vật, nhướng mày, liếc mắt, động tay máy chân đều là tánh linh giác của mình. Tánh tức là tâm. Tâm tức là Phật. Phật tức là Đạo. Đạo tức là Thiền.
Nội một chữ Thiền, phàm thánh cũng khó luờng được. Nếu chẳng thấy tánh là không phải Thiền, dẫu cho giảng được thiên kinh vạn luận, nếu chẳng thấy tánh cũng chỉ là phàm phu. Đạo cả sâu mầu không thể dùng lời mà tỏ được hết. Vậy kinh điển căn cứ nơi đâu mà có thể đến được?
Chỉ thấy bổn tánh, dầu cho không biết một chữ cũng là thấy tánh, tức là thánh thể.
Vốn nó là thanh tịnh, không tạp không nhơ. Có nói năng điều gì đều là thánh nhơn từ tâm mà khởi dụng. Dụng và thể bổn lai là không. Danh ngôn còn chẳng đến được, vậy mười hai bộ kinh bằng cứ nơi đâu mà đến được?
Đạo vốn viên thành, chẳng phải tu chứng. Đạo không phải sắc thinh, vi diệu khó thấy. Chỉ như người uống nước, lạnh ấm tự biết mà thôi, không thể nói cho người khác nghe được. Chỉ có Như Lai biết được, ngoài ra người, trời các loại đều không hay biết. Vì trí phàm phu không đến được nên mới chấp tướng, chẳng rõ tự tâm vốn vắng lặng rỗng rang, nên vọng chấp tướng và tất cả pháp mới đọa ngoại đạo. Nếu biết đều từ tâm sanh thì chẳng nên chấp, chấp là chẳng biết. Nếu thấy bổn tánh thì mười hai bộ kinh chẳng qua chỉ là văn tự rỗng, ngàn kinh muôn luận cốt để tỏ tâm; nếu nói ra liền khế hợp thì kinh giáo dùng được vào đâu? Chí lý hết nói năng, kinh giáo chỉ là từ ngữ, thiệt chẳng phải Đạo. Đạo vốn không nói năng, nói năng là vọng.
Người tu đêm đến có nằm mơ thấy lâu đài, cung điện, voi ngựa hoặc cây cối, rừng ao v.v… chớ nên mống lòng tham đắm, vì hết thảy chảnh ấy đều là chỗ để thác sanh, điều này phải hết sức chú ý. Lại nữa, khi lâm chung chẳng nên chấp tướng thì chướng liền trừ. Nếu tâm nghi phát khởi là bị ma nhiếp.
Pháp thân bổn lai thanh tịnh không thọ lãnh một điều gì, chỉ vì mê muội không hay biết nên vọng thọ báo, vì có tham đắm nên mất tự do, nếu ngộ được bổn tâm thì chẳng đắm nhiễm.
Nếu là từ thánh vào phàm thị hiện bao nhiêu tạp loại tự làm chúng sanh đó là một việc khác. Nên thánh nhơn làm nghịch làm thuận đều được tự tại, tất cả nghiệp chướng không trói buộc được, đối với bực ấy có đại oai đức đã lâu cho nên tất cả nghiệp chướng đều bị chuyển hết, thiên đường, điạ ngục hết thành vấn đề.
Còn phàm phu thần thức mê muội, chớ không phải trong ngoài sáng suốt như Thánh nhơn. Nếu có chỗ nghi thì chớ nên làm, làm là bị trôi lăn theo sanh tử, khi ăn năn đã muộn,. Nghèo cùng khốn khó đều từ vọng tưởng sanh, nếu ai tỏ được tâm nầy thì nên lần lượt khuyên bảo lẫn nhau, chỉ làm mà không trụ không chấp, là vào được tri kiến Như Lai.
Người mới phát tâm thần thức chưa định, nếu khi nằm mơ thấy cảnh lạ hiện đều là tự tâm khởi, quyết định chớ nghi, không phải ngoài tâm có cảnh. Nếu mơ thấy ánh sáng như mặt trời, tức là tập nghiệp còn thừa sắp hết, tánh pháp giới hiện. Đó là điềm sẽ thành Đạo, chỉ tự mình biết chẳng nên nói cho ai nghe. Hoặc khi rong chơi trong vườn vắng lặng, đi đứng nằm ngồi mắt thấy ánh sáng; hoặc trong đêm tối cũng thấy ánh sáng như ban ngày, đừng có lấy làm lạ, đều là tự tâm muốn hiển hiện. Hoặc nằm mơ thấy trăng sao tỏ sáng, đó cũng là điềm các duyên muốn dứt, cũng chớ nên nói cho ai nghe. Còn như nằm mơ thấy đi trong tối tăm u ám, đó cũng là tự tâm phiền não chướng nặng cũng chỉ nên tự biết.
Nếu đã thấy tánh, chẳng cần phải đọc kinh niệm Phật, học rộng hiểu nhiều vô ích, còn làm cho thần thức lại tối thêm. Kính giáo chỉ để nêu tâm, nếu rõ được tâm đâu cần phải xem kinh giáo! Nếu là từ phàm vào thánh phải nên ngừng nghiệp dưỡng thần, tùy phận qua ngày. Nếu là người nhiều sân nhuế làm cho tánh sanh chướng đạo, tự gạt gẫm vô ích.
Thánh nhơn ở trong sanh tử tự tại hiện ẩn ra vào chẳng định, tất cả nghiệp chướng hết thành vấn đề. Hết thảy chúng sanh chỉ cần thấy bổn tánh là tập nghiệp liền dứt, thần thức không bị mê; nhưng phải là “tức thì liền nhận”.
Nếu muốn thật ngộ đạo thì đừng chấp tất cả pháp, ngừng nghiệp dưỡng thần thì dư tập cũng hết, tự nhiên minh bạch không cần dụng công. Ngoại đạo chẳng rõ ý Phật, dụng công rất nhiều mà vẫn trái với ý thánh. Suốt ngày bo bo niệm Phật tụng kinh mà vẫn mê muội bốn tánh, chẳng khỏi luân hồi.
Phật là người rảnh rang, đâu cần chật vật rộng cầu danh lợi. chỉ có người chẳng thấy tánh mới đọc kinh niệm Phật, siêng học, sau thời hành đạo; ngồi hòa chẳng nằm, học rộng nghe nhiều và cho đó là pháp Phật. Chúng sanh như thế đều là người khinh pháp. Phật trước Phật sau chỉ nói thấy tánh, các hành động đều là vô thường.
Nếu chẳng thấy tánh mà vội cho rằng mình đã được đạo Vô thượng Bồ-Đề, đó là hạng tội nhơn lớn. Mười vị đệ tử lớn của Phật, ngài A-nan là người học rộng bực nhất mà với Phật còn không biết, chí học rộng nghe nhiều. Hết thảy Nhị thừa ngoại đạo đều không biết Phật, chỉ biết dếm theo pháp tu chứng, bị đọa vào trong nhân quả, đó là chúng sanh nghiệp báo chẳng khỏi sanh tử trái với ý Phật rất xa, là kẻ khinh Phật đó! Trong kinh có nói: Hạng chúng sanh ấy thuộc Nhứt-xiển-đề chẳng có lòng tin; nếu có lòng tin thì người ấy là một vị Phật.
Nếu chẳng thấy tánh, chớ nên bắt chước chê bai những người lương thiện, tự dối gạt vô ích. Thiện ác rõ ràng, nhân quả phân minh, thiên đường địa ngục chỉ ở trước mắt, người ngu chẳng biết hiện đọa vào địa ngục tối tăm cũng không hay.
Chỉ vì nghiệp nặng nên không thể tin, ví như người mù chẳng tin người ta nói có ánh sáng, dầu có cắt nghĩa thế nào cũng không tin được, vì đã mù lấy đâu mà phân biệt được sáng tối! Người ngu cũng thế. Hiện tiền đã bị đọa vào súc sanh tạp loại, chỗ ở trong nghèo cùng hạ tiện, cầu sống chẳng được, cầu chết cũng chẳng được. Tuy thọ khổ như thế nhưng dẫu có ai hỏi họ cũng tự gọi mình được yên vui. Nên biết tất cả chúng sanh dẫu sanh vào chỗ vui thật cũng không hay biết. Hạng người ác như thế, chỉ vì nghiệp chướng quá nặng nên không thể phát lòng tin, không tự do được. Nếu thấy được tự tâm là Phật chớ không phải ở tướng bên ngoài, thì dẫu bạch y cư sĩ cũng vẫn là Phật. Nếu chẳng thấy tánh dù có đầu tròn vai vuông cũng là ngoai đạo.
Hỏi: Cư sĩ còn vợ con, dâm dục làm sao thành Phật được?
Đáp: Chỉ nói thấy tánh; chẳng bàn đến dâm dục. Chỉ vì chẳng thấy tánh. Miễn được thấy tánh thì dâm dục vốn tự rỗng lặng, tự nhiên dứt trừ, không còn tham đắm nữa. Dẫu cho dư tập hãy còn cũng chẳng làm hại được. Vì sao thế? Vì tự tánh vốn nó tự thanh tịnh. Tuy ở trong sắc thân năm uẩn, tánh nó cũng vốn thanh tịnh không ô nhiễm. Pháp thân bổn lai không thọ, không đói, không khát, không lạnh nóng, không bịnh hoạn, không ân ái, không quyến thuộc, không khổ vui tốt xấu, không vắn dài mạnh yếu, vốn không một vật có thể được. chỉ vì cố chấp cái thân này nên mới có các tướng đói khát, lạnh nóng, bịnh chướng v.v… Nếu chẳng chấp là được tự tại. Nếu trong sanh tử mà được tự tại, chuyển trở lại các pháp, đừng để các pháp chuyển, cũng như Thánh nhơn, thì ở đâu lại không yên? Nếu tâm có chỗ nghi, quyết định không thể tự tại, không khỏi sanh tử luân hồi. Nếu thấy tánh thì dẫu bần cùng hạ tiện, đồ tể sát sanh cũng vẫn thành Phật.
Hỏi: Đồ tể làm nghiệp sát sanh làm sao thành Phật được?
Đáp: Chỉ nói thấy tánh, chẳng nói tạo nghiệp. Dẫu sao có tạp nghiệp thế nào, nghiệp cũng không thể trói buộc được. Từ lũy kiếp đến giờ, chỉ vì chẳng thấy tánh nên mới có trôi lăn sau đọa vào địa ngục, sanh tử; khi ngộ được bổn tánh sẽ không tạo nghiệp nữa. Nếu chẳng thấy tánh, niệm Phật để khỏi nhân quả cũng không thể được, không luận là sát sanh.
Nếu được thấy tánh, tâm sát liền trừ, nghiệp sau cũng không thể trói buộc được. Cho nên 27 vị tổ ở Tây Trúc chỉ truyền nhau tâm ấn. Nay ta đến cõi nầy cũng chỉ truyền Đốn giáo Đại Thừa chính tâm mình là Phật, chớ chẳng nói đến giữ giới, tinh tiến, khổ hạnh. Nhẫn đến vào nước vào lửa, leo lên gươm đao, ăn một ngày một bữa, ngồi hoài chẳng nằm, hết thảy những cái ấy đều là pháp hữu vi ngoại đạo.
Nếu rõ được cái tánh linh giác chính là tánh Phật, Phật trước Phật sau chỉ nói truyền tâm chớ không có pháp nào khác. Nếu rõ được tâm này dầu phàm phu không biết một chữ cũng vẫn là Phật. Nếu chẳng rõ tự tánh linh giác của mình, dẫu cho đem thân này tán ra tro bụi để tìm Phật rốt cũng chẳng được gì.
Phật cũng gọi là pháp thân, cũng gọi là bổn tâm. Tâm nầy không hình tướng, không nhân quả, không gân cốt. Vốn như hư không, bắt chẳng được; chớ không phải như vật chất, không phải như ngoại đạo nói. Tâm này chỉ trừ Như Lai ra, hết thảy chúng sanh đều mê muội, đều chẳng tỏ ngộ. Nhưng tâm này không phải lìa cái thân vật chất nầy. Nếu thân tứ đại nầy mà lìa tâm là không có sự sống, làm sao có biết! Nhẫn đến nói năng vận động, thấy nghe hay biết đều là cái động dụng của tâm.
Động là tâm động, dụng là tâm dụng. Ngoài động dụng không tâm, ngoài tâm không động dụng. Động chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa động. Lìa động không tâm, lìa tâm không động. Động là tâm dụng, dụng là tâm động. Động tức tâm dụng, dụng tức tâm động. Chẳng động chẳng dụng, dụng và thể vốn không, không vốn không động. Động dụng do tâm tâm vốn không động.
Nên
kinh nói: “Động nhưng không chỗ động. Suốt ngày đi
đến nhưng chưa từng đi đến, suốt ngày thấy nhưng chưa
từng thấy, suốt ngày cười nhưng chưa từng cười, suốt
ngày nghe nhưng chưa từng nghe, suốt ngày biết nhưng chưa từng
biết, suốt ngày mừng nhưng chưa từng mừng, suốt ngày đi
nhưng chưa từng đi, suốt ngày đứng nhưng chưa từng đứng.” Nên kinh nói: “bặt đường nói năng dứt hết nơi chỗ, thấy
nghe hay biết vốn tự tròn vắng, nhẫn đến giận mừng, đau
ngứa nào khác người gỗ, chỉ vì suy tìm cái đau ngứa
không thể được”.
Nên
kinh nói “nghiệp ác thì được báo khổ, nghiệp thiện thì
được báo vui”; chớ không phải chỉ sân bị đọa địa
ngục, mừng được sanh thiên. Nếu rõ được cái tánh
mừng giận vốn không, chỉ đừng chấp nghiệp là giải thoát. Nếu chẳng thấy tánh, giảng kinh quyết không bằng cứ.
Nói không sao cho hết, chỉ đại lược tà chánh đôi điều mà thôi.
[Tụng rằng:]
Tâm
tâm tâm không thể tìm
Rộng
cùng khắp pháp giới,
Hẹp
chẳng chứa đầu kim
Ta
vốn cầu tâm chẳng cầu Phật,
Biết
rõ ba cõi rỗng không vật.
Nếu
muốn cầu Phật chỉ cầu tâm
Chỉ
tâm nầy, tâm nầy mới là Phật.
***
Ta
vốn cầu tâm, tâm tự trì.
Cầu
tâm chẳng được, tự tâm hay.
Tánh
Phật chẳng từ ngoài tâm được
Tâm
sanh là lúc tội sanh rồi.
[Kệ rằng:]
Ta
vốn đến cõi nầy,
Truyền
pháp cứu mê tình,
Một
hoa nở năm cánh
Kết
quả tự nhiên thành.
[Luận
Huyết Mạch của Tổ Đạt-Ma đến đây là hết]
LUẬN NGỘ TÁNH
Vả chăng, Đạo là lấy vắng lặng làm thể. Tu là lấy lìa tướng làm tông. Nên kinh nói: Vắng lặng là Bồ-Đề, vì dứt hết các tướng. Phật có nghĩa là giác. Người có tâm giác được Đạo Bồ-Đề nên gọi là Phật.
Kinh nói: Lìa tất cả các tướng là danh hiệu chư Phật. Thế mới biết: Có tướng là tướng mà không tướng. Không thể dùng mắt thấy, chỉ có thể dùng trí biết.
Ai nghe pháp này mà sanh một niệm lòng tin, phải biết người đó đã phát tâm đại thừa, siêu ba cõi. Ba cõi tức là tham, sân, si. Đổi tham sân si ra thành giới, định, huệ tức gọi là siêu ba cõi.
Nhưng tánh của tham, sân, si cũng không thật, chỉ tùy thuận chúng sanh mà nói vậy thôi. Nếu ai có thể soi trở vào trong thì thấy rõ tánh của tham, sân, si tức là tánh Phật. Ngoài tham, sân, si không có tánh Phật nào khác. Kinh nói: Chư Phật từ xưa đến nay thường ở trong ba độc để nuôi lớn pháp giải thoát mà thành Thế Tôn. Ba độc là tham, sân, si đó.
Nói đại thừa, Tối thượng thừa đều là nói chỗ sở hành của Bồ-Tát. Không chỗ thừa, không chỗ chẳng thừa. Suốt ngày thừa, mà chưa từng thừa, đó là Phật thừa. Kinh nói: "Không thừa là Phật thừa đó".
Nếu ai biết được sáu căn không thật, năm uẩn giả danh, khắp thân tìm cầu hết thảy đều không có chỗ nhất định. Phải biết người đó rõ được nghĩa Phật nói. Kinh nói: Hang ổ của năm uẩn là Thiền viện. Soi trở vào trong được tỏ ngộ là môn đại Thừa, há chẳng rõ lắm sao! Chẳng chứa tất cả pháp gọi là Thiền định. Nếu rõ được câu này thì đi đứng nằm ngồi đều là Thiền định.
Biết
tâm là không, gọi là thấy Phật. Vì sao thế? Vì
mười phương chư Phật đều là vô tâm.
Chẳng
thấy tâm gọi là thấy Phật.
Lìa
chấp thân chẳng tiếc gọi là đại bố thí.
Lìa
các động tịnh gọi là đại toạ thiền.
Vì
sao thế? Vì phàm phu một niềm chấp động, Tiểu thừa
một niềm chấp định. Nếu vượt khỏi cái tọa thiền
của Tiểu thừa và phàm phu thì gọi là đại tọa thiền. Nếu nhận được như thế thì tất cả các tướng chẳng
tìm cũng tự rõ, tất cả các bịnh chẳng trị cũng tự khỏi. Đó là nhờ sức đại thiền định.
Phàm ai đem tâm mà cầu pháp đều là mê, chẳng đem tâm cầu pháp là ngộ. Chẳng đắm chấp văn tự gọi là giải thoát. Chẳng nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp. Lìa khỏi sanh tử gọi là xuất gia. Chẳng thọ báo sau này gọi là đắc Đạo. Chẳng sanh vọng tưởng gọi là Niết Bàn. Chẳng kẹt trong vô minh gọi là đại trí huệ. Đến chỗ không phiền não gọi là Bát Niết Bàn. Đến chỗ không có tướng tâm gọi là qua bờ bên kia.
Khi mê thì có bờ bên đây. Khi ngộ rồi thì bờ bên đây cũng không có. Vì sao thế? Vì phàm phu một niềm chấp bên đây, nếu tỏ ngộ được pháp Tối thượng thừa thì tâm chẳng trụ bên đây cũng chẳng trụ bên kia, nên lìa được cả đây kia vậy. Nếu thấy bờ bên kia chẳng khác hơn bờ bên đây, cái tâm của người ấy đã được cái định vô thiền.
Phiền não gọi là chúng sanh, tỏ ngộ gọi là Bồ Đề, cũng chẳng một chẳng khác, chỉ khác nhau ở mê ngộ.
Khi mê có thế gian để ra khỏi, khi ngộ không có thế gian để ra.
Trong pháp bình đẳng chẳng thấy phàm phu khác với thánh nhơn.
Kinh nói: Pháp bình đẳng nghĩa là phàm phu không thể nhập, Nhị thừa không thể hành. Chỉ có bực đại Bồ-Tát và chư Phật Như Lai có thể hành mà thôi. Nếu thấy sanh khác với tử, động khác với tĩnh, đều gọi là chẳng bình đẳng. Chẳng thấy phiền não khác với Niết Bàn, thế mới gọi là bình đẳng. Vì sao thế? Vì phiền não và Niết Bàn cùng một tánh không. Cho nên người Nhị thừa vọng dứt trừ phiền não, vọng nhập Niết Bàn, tự tạo Niết Bàn để trói buộc. Còn Bồ-Tát biết được tánh phiền não vốn không, nên chẳng lìa không, thường ở Niết Bàn.
Niết Bàn nghĩa là khơi mà chẳng sanh, tịch mà chẳng chết, vượt khỏi sanh tử là Bát Niết Bàn. Tâm không có đi và đến là nhập Niết Bàn. Thế mới biết Niết Bàn tức là tâm không.
Chư Phật nhập Niết Bàn là ở chỗ không vọng tưởng, Bồ-Tát vào đạo tràng là không tham sân si vậy. Tham là cõi Dục, sân là cõi Sắc, si là cõi Vô sắc.
Nếu một niệm tâm sanh liền vào ba cõi, một niệm tâm diệt là ra ba cõi. Thế mới biết: Ba cõi sanh diệt, vạn pháp có không đều do một tâm. Phàm nói một pháp là cũng giống như đập ngói gạch, chẻ tre vô tình.
Nếu biết được tâm chỉ là giả danh, tạm gọi chớ không có tướng, thì liền biết cái tâm của tự mình cũng không phải có, không phải không. Vì sao thế? Vì phàm phu một niềm sanh tâm gọi là có, Tiểu thừa một niềm diệt tâm gọi là không. Còn Bồ-Tát và Phật chưa từng sanh tâm cũng chưa từng diệt tâm, cho nên gọi là không phải có không phải không. Chỗ này cũng gọi là Trung Đạo.
Thế mới biết: Chấp tâm học pháp thì cả tâm lẫn pháp đều mê. Đừng chấp tâm mà học pháp thì cả tâm và pháp đều ngộ. Phàm mê nghĩa là mê ở trong ngộ, ngộ là ngộ ở trong mê.
Con người chánh kiến biết được tâm vốn rỗng không liền siêu mê ngộ. Như thế mới gọi là thấy biết đúng.
Sắc
chẳng tự sắc, do tâm nên có sắc.
Tâm
chẳng tự tâm, do sắc nên có tâm.
Thế mới biết tâm và sắc, cả hai cùng nương nhau sanh diệt.
Có
là có ở trong không.
Không
là không ở trong có.
Thế
gọi là thấy đúng.
Vả chăng, nếu thật thấy là không chỗ chẳng thấy, cũng không chỗ thấy.
Tuy thấy khắp mười phương, nhưng chưa từng có thấy.
Vì sao thế? Vì không chỗ thấy, vì thấy được cái không thấy, vì thấy không phải thấy. Cái mà phàm phu gọi là thấy ấy đều là vọng tưởng cả.
Nếu vắng lặng không chỗ thấy mới gọi là thấy thật.
Tâm và cảnh đối nhau, cái thấy trong đó phát sanh.
Nếu trong chẳng khởi tâm thì ngoài chẳng sanh cảnh, cảnh và tâm đều vắng lặng, như thế ấy mới gọi là thấy thật.
Chẳng thấy tất cả các pháp mới gọi là được Đạo. Chẳng biết tất cả các pháp mới gọi là tỏ pháp.
Vì sao thế ? Vì thấy cùng chẳng thấy đều là chẳng thấy.
Hiểu cùng chẳng hiểu đều là chẳng hiểu. Cái thấy không phải thấy mới gọi là thật thấy. Cái hiểu không hiểu mới gọi là hiểu rộng lớn.
Vả chăng, thấy đúng nghĩa là không phải cái thấy có thấy, mà là cái thấy trong không thấy. Thật hiểu nghĩa là không phải cái hiểu trong có tướng, mà là cái hiểu trong không có tướng. Phàm hễ có cái bị biết đều là gọi là chẳng biết. Không có cái bị biết mới gọi là thật biết. Kinh nói: Chẳng bỏ trí huệ gọi là ngu si. Nếu tâm là không, hiểu cùng chẳng hiểu đều là thật cả. Nếu tâm là có, hiểu cùng chẳng hiểu đều là vọng.
Nếu
tỏ ngộ thì pháp theo người.
Nếu
chẳng tỏ ngộ thì người theo pháp.
Nếu pháp theo người thì phi pháp trở thành pháp, hết thảy pháp đều chơn.
Nếu người theo pháp thì pháp trở thành phi pháp, hết thảy pháp đều trở thành vọng.
Cho nên thánh nhơn chẳng đem tâm mà cầu pháp, cũng chẳng đem pháp mà cầu tâm, cũng chẳng đem tâm mà cầu tâm, đem pháp cầu pháp. Cho nên tâm chẳng sanh pháp, pháp chẳng sanh tâm. Tâm pháp thường vắng lặng nên thường ở trong định.
Tâm chúng sanh sanh thì pháp Phật diệt. Tâm chúng sanh diệt thành pháp Phật sanh.
Nếu đã biết tất cả pháp đều chẳng có tự tánh riêng, thế gọi là người có Đạo. Biết tâm chẳng thuộc về của riêng của các pháp. Đó là người thường ở Đạo tràng.
Khi mê có tội, ngộ rồi không tội. Vì sao thế ? Vì thể tánh tội vốn không?
Kinh nói: Các pháp không có tự tánh riêng, thật dụng chớ nghi, nghi liền thành tội.
Vì sao thế? Vì tội do nghi hoặc mà sanh.
Nếu rõ được như vậy thì tội nghiệp đời trước liền tiêu diệt.
Khi mê thì sáu thức năm ấm đều là pháp phiền não sanh tử. Khi ngộ thì sáu thức năm ấm đều là pháp Niết Bàn không sanh tử.
Người học đạo chớ nên tìm Đạo ở ngoài. Vì sao thế? Vì biết tâm là Đạo.
Nếu khi được tâm, không có tâm có thể được.
Nếu khi được Đạo, không có Đạo có thể được.
Nếu nói đem tâm cầu đạo mà được, thì gọi là tà kiến.
Khi mê có Phật có pháp.
Khi ngộ không Phật không pháp.
Vì sao thế? Vì ngộ tức là Phật, là pháp. Vả chăng tu nghĩa là diệt cái thấy có thân riêng thì Đạo thành. Cũng như hột giống nứt vỏ thì cây nẩy mầm.
Cái thân sanh tử nghiệp báo luôn luôn vô thường; là pháp không nhất định, chỉ tùy niệm mà tu, cũng không nên chán sanh tử hay thích sanh tử. Chỉ làm sao trong tâm đừng vọng tưởng, thì khi sống nhập được Hữu-Dư Niết Bàn, khi chết vào được Vô Sanh Pháp nhẫn.
Khi mắt thấy sắc chẳng nhiễm sắc, tai nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng thì đều là giải thoát. Mắt chẳng đắm sắc thì mắt là cửa lễ, tai cũng vậy.
Nói tóm lại, khi thấy sắc mà thấy được đến tánh của sắc thì không nhiễm, thường giải thoát. Nếu mắc kẹt ở tướng của sắc là thường bị trói buộc. Nếu chẳng bị phiền não bị trói buộc thì gọi là giải thoát, chớ không có giải thoát nào khác hơn.
Người khéo quán sắc, sắc chẳng sanh tâm, tâm chẳng sanh sắc, thì sắc và tâm đều thanh tịnh.
Khi không vọng tưởng thì một tâm là một cõi Phật. Khi vọng tưởng khởi thì một tâm là một cõi địa ngục.
Chúng sanh làm ra vọng tưởng, lấy tâm sanh tâm nên thường ở địa ngục. Bồ-Tát quán sát vọng tưởng chẳng lấy tâm sanh tâm, nên thường ở cõi Phật.
Nếu chẳng lấy tâm sanh tâm thì tâm đều nhập vào không, niệm niệm đều qui về tịnh, từ một cõi Phật đến một cõi Phật.
Nếu lấy tâm sanh tâm thì tâm tâm chẳng tịnh, niệm niệm đều qui về động, từ một địa ngục qua một địa ngục.
Khi một niệm tâm khởi thì liền có hai nghiệp thiện ác, có thiên đàng địa ngục. Nếu một niệm tâm chẳng khởi thì hai nghiệp liền dứt, thiên đường địa ngục cũng không.
Vì "thể" vốn không phải có, không phải không. Ở phàm là có, ở thánh là không.
Thánh nhơn nhờ tâm "không" nên trong lòng rỗng rang, cung trời đất đồng lượng.
Đây đều là chứng trong Đại Đạo, không phải cảnh giới của Tiểu thừa và phàm phu. Khi tâm được Niết bàn cũng không có Niết bàn có thể được. Vì sao thế? Vì tâm là Niết bàn. Nếu ngoài tâm còn thấy có Niết bàn, thế gọi là đã nhiễm tà kiến.
Phải biết tất cả phiền não đều là hột giống tâm của Như Lai; vì nhờ có phiền não mà được trí huệ.
Chỉ có thể nói phiền não sanh Như Lai, nhưng không thể nói phiền não là Như Lai. Nên tự tâm là ruộng nương, phiền não là hột giống, trí huệ là nảy mầm; còn Như Lai để dụ như kết quả lúa thóc.
Phật ở trong tâm như hương trong cây, giác mục hết rồi thì lõi hương tự hiện, phiền não hết rồi thì Phật tâm tự hiện cũng như vậy. Cho nên biết ngoài cây không hương, ngoài tâm không Phật. Nếu ngoài cây có hương tức là hương chỗ khác, ngoài tâm có Phật tức là Phật từ ngoài; là không phải Phật [của mình].
Trong lòng chứa ba độc là cõi uế, trong lòng không ba độc là cõi tịnh. Kinh nói: Nếu cõi nước dơ bẩn ác độc đầy dẫy mà muốn chư Phật xuất hiện thì không thể có bao giờ; mà dơ bẩn ác độc là tham sân si mê muội đó.
Chư Phật Thế Tôn chính là cái tâm giác ngộ. Nếu giác ngộ thì tất cả nói năng đều là Pháp Phật.
Nếu không nói mà nói thì suốt ngày nói đều là Đạo.
Nếu chấp nói năng thì dầu suốt ngày nín thinh cũng là phi Đạo.
Cho nên Như Lai nói mà không trái với nín, nín chẳng trái với nói; nói nín không lìa. Nếu ngộ được nghĩa nói và nín đây là vào được chánh định. Nếu nói đúng lúc, nói cũng là giải thoát. Nếu chẳng phải lúc, dẫu nín cũng là trói buộc. Cho nên: nói cũng lìa tướng, nói cũng gọi là giải thoát. Nếu chấp tướng, dẫu nín cũng là trói buộc. Vả chăng, bổn tánh vốn giải thoát, văn tự không thể đến trói buộc được. Pháp không cao thấp, nếu thấy có cao thấp là không phải pháp rồi.
Phi pháp là đò, pháp là người. Người nương đò để qua sông thì phi pháp tức là pháp. Nói theo thế tục thì có nam nữ sang hèn, theo đạo thì không có nam nữ sang hèn. Cho nên Thiên Nữ ngộ đạo chẳng đổi thân nữ, Xa Nặc thức tỉnh chẳng đổi danh xưng.
Như thế không phải sanh hèn nam nữ đều từ một tướng đó sao? Thiên nữ suốt mười hai năm tìm tướng nữ cứu cánh không thể được, thì biết suốt mười hai năm tìm tướng nam cũng không thể được. Cái nghĩa mười hai năm là sáu căn sáu trần đó. Lìa tâm không Phật, lìa Phật không tâm. Cũng như lìa nước không giá, lìa giá không nước.
Phàm nói lìa tâm là không phải chạy trốn cái tâm. Chỉ đừng chấp ở phần tướng của tâm mà thôi. Kinh nói: Chẳng thấy tướng gọi là thấy Phật, tức là lìa tướng tâm đó. Nói lìa Phật không tâm nghĩa là nói Phật từ tâm hiện, tâm có thể sanh Phật. Phật tuy từ tâm sanh, nhưng tâm chưa từng sanh ra Phật. Cũng như cá sanh ra từ nước chớ không phải nước đẻ ra cá. Muốn xem cá, chưa thấy cá đã thấy nước. Muốn quán Phật, chưa thấy Phật đã thấy tâm. Thế mới biết khi thấy cá là quên nước, khi thấy Phật là quên tâm. Nếu chẳng quên tâm là còn bị tâm mê hoặc.
Chúng sanh với Bồ-Đề cũng như giá băng với nước. Bị ba độc làm rối loạn thì gọi là chúng sanh, được ba giải thoát thanh tịnh thì gọi là Bồ-đề. Cũng như nước bị mùa Đông làm đặc lại thì gọi là giá băng, bị mùa Hạ làm lỏng ra thì gọi là nước. Nếu bỏ giá băng đi thì không có nước nào khác, nếu bỏ chúng sanh đi cũng không có Bồ-Đề nào khác.
Nên biết tánh giá băng là tánh nước; tánh nước là tánh giá băng. Tánh chúng sanh là tánh Bồ-đề, chúng sanh và Bồ-Đề đồng một thể tánh cũng như Ô Đầu và Phụ Tử cùng một gốc, chỉ vì thời tiết chẳng đồng. Mê ngộ khác cảnh nên có hai tên chúng sanh và Bồ-đề.
Cho nên rắn hoá thành rồng mà chẳng đổi vảy, phàm biến thành thánh mà chẳng đổi mặt, chỉ người biết tâm thì trí soi trở vào trong, biết thân thì giới giữ bên ngoài.
Chúng sanh độ Phật, Phật độ chúng sanh, thế gọi là bình đẳng. Chúng sanh độ Phật nghĩa là nhờ phiền não sanh tỏ ngộ; Phật độ chúng sanh nghĩa là tỏ ngộ rồi diệt phiền não. Thế mới biết không phiền não không lấy đâu sanh tỏ ngộ, không phải thức tỉnh không lấy đâu diệt phiền não.
Khi mê là chúng sanh độ Phật, khi ngộ là Phật độ chúng sanh.
Vì sao thế? Vì Phật chẳng tự thành, đều do chúng sanh độ cả.
Chư Phật lấy vô minh làm cha, tham ái làm mẹ. Vô minh và tham ái đều là biệt danh của chúng sanh. Chúng sanh và vô minh cũng như tay trái và tay phải chớ không phải hai người.
Khi mê là mắc kẹt bờ bên đây, khi ngộ là qua được bờ bên kia. Nếu biết tâm không chẳng chấp tướng thì lìa mê ngộ, đã là mê ngộ thì không có bên đây bên kia nữa. Như Lai chẳng ở bên đây cũng chẳng ở bên kia, chẳng ở giữa dòng. Vì sao thế? Vì ở giữa dòng là Tiểu thừa, ở bên đây là phàm phu, bên kia nghĩa là Bồ-đề.
Phật có ba thân là Hoá thân, Báo thân và Pháp thân. Hoá thân cũng gọi là Ứng thân. Nếu chúng sanh thường làm điều thiện tức là Hoá thân. Khi hiện tu trí huệ là Báo thân. Hiện giác vô vi là Pháp thân. Thường hiện 10 phương tùy nghi cứu tế, đó là Hoá thân phật. Nếu dứt mê hoặc tức là Tuyết Sơn thành đạo là Báo thân Phật. Không nói năng, không làm không được, rỗng rang thường trụ là Pháp thân Phật.
Nếu luận chí lý một Phật còn không có thay làm gì có ba! Nói ba là y cứ theo người đời mà nói, người có ba bực: Người bực hạ vọng cầu phước lực, vọng thấy Hoá thân Phật. Người bực trung trí vọng dứt phiền não, vọng thấy Báo thân Phật. Người bực thượng trí vọng chứng Bồ-Đề vọng thấy Pháp thân Phật. Người bực thượng thượng trí soi trở vào trong tròn lặng tỏ tánh Phật, chẳng đợi trừ tâm mà được trí Phật. Biết ba thân và vạn pháp đều không thể chấp, không thể nói. Đó là tâm giải thoát viên thành đạo cả. Kinh nói: Phật chẳng thuyết pháp, chẳng độ chúng sanh, chẳng chứng Bồ-Đề là nghĩa thế.
Chúng sanh tạo nghiệp. Nghiệp chẳng tạo chúng sanh. Đời này tạo nghiệp, đời sau thọ báo, quyết định không sai. Chỉ có bực chí nhơn nơi thân này chẳng tạo các nghiệp nên chẳng thọ báo. Kinh nói: Chẳng tạo các nghiệp tự nhiên được Đạo, há chẳng đúng sao? Người hay tạo nghiệp, nghiệp chẳng hay tạo người. Người nếu tạo nghiệp, nghiệp và người cùng sanh. Người nếu chẳng tạo nghiệp, nghiệp và người đều dứt. Thế mới biết, nghiệp do người tạo, người theo nghiệp sanh. Nếu người chẳng tạo nghiệp, thì nghiệp không theo mà sanh người. Cũng như người hay hoằng đạo, mà đạo chẳng hay hoằng người. Phàm phu đời nay thường tạo nghiệp, vọng nói không báo, há phải không khổ đâu! Nếu luận chí lý thì tâm trước tạo, tâm sau thọ báo thì sao thoát được!
Nếu tâm trước chẳng tạo thì tâm sau chẳng thọ báo, thì lấy đâu vọng thấy nghiệp báo? Kinh nói: Ai tin có Phật mà nói Phật có khổ hạnh, đó là tà kiến; nói Phật bị quả báo cây thương vàng và ăn lúa ngưạ, đó gọi là đức tin chẳng đủ, gọi là Nhất-xiển-đề. Ai tỏ được pháp thánh thì gọi là thánh nhơn, tỏ pháp phàm thì gọi là phàm phu. Chỉ có thể bỏ pháp phàm theo pháp thánh, là phàm phu thành thánh vậy.
Thế gian ngu mê, chỉ muốn cầu làm thánh nhơn, mà chẳng tin cái tâm tỏ ngộ là thánh nhơn. Kinh nói: Những kẻ không trí đừng cho nghe kinh này. Kinh nói: Tâm là pháp. Người không trí chẳng tin tâm tỏ ngộ pháp trở thành thánh nhơn; nên chỉ muốn tìm cầu bên ngoài, ngưỡng mộ hình tượng màu sắc v.v... đều bị đọa vào tà kiến, tâm sanh cuồng loạn.
Kinh nói: "Nếu thấy các tướng không phải tướng là thấy Như Lai".
Tám muôn bốn ngàn pháp môn đều do tâm khởi. Nếu tướng tâm thanh tịnh như hư không liền thoát ly thân tâm vậy. Tám muôn bốn ngàn phiền não là căn bịnh. Phàm phu khi sống lại lo chết, khi no lại lo đói, đều gọi là đại mê hoặc.
Cho nên thánh nhơn chẳng lo trước, chẳng nghĩ sau, không đắm hiện tại, niệm niệm đều qui Đạo.
Nếu ai chưa ngộ được lý này, thì nên sớm tìm đường lành trời người, đừng để mất hết cả hai.
[ Đêm ngồi kệ rằng: ]
Canh
một ngồi ngay bắt kiết già,
Tinh
thần lặng chiếu rỗng đồng hư.
Lũy
kiếp đến nay không sanh điệt,
Đâu
cần sanh diệt diệt Vô Dư.
Vạn
pháp chung qui đều như huyễn,
Bổn
tâm tự rỗng đâu dụng trừ..
Nếu
biết tâm tánh phi hình tượng,
Lặng
yên chẳng động tự chơn như.
Canh
hai thần lắng chuyển suốt trong,
Chẳng
khởi ước mơ, chỉ một lòng.
Sum
la vạn tượng, đều qui Đạo,
Há
chấp có không để bịnh chung!
Các
pháp bổn lai không Không có,
Phàm
phu vọng tưởng luận cuồng ngông.
Nếu
tâm chẳng khởi sanh hai pháp,
Còn
nói làm chi thánh khác phàm.
Canh
ba lòng lặng tợ hư không,
Trùm
khắp mười phương đều suốt thông.
Núi
sông gành đá không sao chướng,
Hằng
sa thế giới sẵn ở trong.
Thế
giới chơn như cung bổn tánh,
Cũng
không không tánh tức dung thông.
Phải
đâu chư Phật là như thế,
Hữu
tình muôn loại thảy đều đồng.
Canh
tư không diệt cũng không sanh,
Hư
không pháp giới đẳng bình như nhau.
Đến
khi khởi diệt được nào,
Có
không sáng tối làm sao tỏ tường!
Không
thấy là cái thấy Thế Tôn,
Không
tên không được là tên Phật mình.
Ai
có tỏ ngộ biết liền,
Chúng
sanh mê muội còn nguyên đui mù.
Canh
năm Bát Nhã chiếu vô biên,
Một
niệm chẳng khởi ba ngàn suốt qua.
Chơn
như bình đẳng muốn thấy là.
Tịnh
tâm không loạn trước mắt ta hiện liền.
Đạo
mầu tâm khó suy lường,
Chớ
nên tìm kiếm cho thêm mệt thần.
Nếu
hay vô niệm là chơn,
Tìm
cầu càng cách hết đường thấy nghe.
[Luận
Ngộ Tánh đến đây là Hết.]
LUẬN PHÁ TƯỚNG
Luận rằng: Ví có người hỏi: Nếu muốn cầu đạo phải tu cách nào cho chóng tắt nhất?
Đáp: Chỉ có pháp quán tâm nhiếp hết các pháp là chóng tắt nhất.
Hỏi: Vì sao một pháp nhiếp được hết các pháp?
Đáp: Vì tâm là nguồn cội của vạn pháp, hết thảy pháp đều từ tâm sanh. Nếu tỏ được tâm thì vạn pháp đều đủ. Cũng như cây to, cành lá hoa quả sum suê đều từ gốc cây. Khi trồng cây phải chú ý săn sóc ở gốc thì cây mới được sanh sôi. Đốn cây cũng cứ đốn ở gốc thì toàn thân cây đều chết. Nếu tỏ tâm mà tu thì dụng lực ít mà thành công dễ; chẳng tỏ tâm mà tu phí công vô ích. Nên biết tất cả thiện ác đều từ tâm, lìa tâm mà tìm Đạo là việc luống công.
Hỏi: Vì sao quán tâm gọi là cứu cánh?
Đáp: Bực Đại Bồ-Tát khi thâm nhập vào pháp đại trí huệ, biết được tứ đại vốn rỗng không vô ngã. Thấy được tự tâm khởi dụng hai mặt khác nhau: một là tâm nhiễm, hai là tâm tịnh. Hai mặt tâm pháp này tự nhiên vốn đầy đủ. Tuy nhờ duyên hợp, nhưng hai tướng vẫn làm nhân đối đãi cho nhau. Tâm tịnh thích làm nhân lành, tâm nhiễm thường ưa nghiệp ác. Nếu chẳng thọ nhiễm thì gọi là thánh, thoát ly các khổ, chứng cái thật yên vui. Nếu đọa vào tâm nhiễm thì tạo nhiệp chịu trói buộc, gọi là phàm; trôi lăn trong ba cõi, chịu muôn điều thống khổ. Vì sao thế? Vì tâm nhiễm trái chướng với thể Chơn Như. Nên kinh Thập Địa nói: Trong thân chúng sanh có tánh Phật Kim Cang tròn sáng như mặt trời, rộng lớn không bờ mé. Vì bị mây năm ấm che khuất như đèn bị chậu úp, sáng không hiện được.
Lại trong kinh Niết Bàn có nói: Hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, vì bị vô minh che khuất nên chẳng được giải thoát, tánh Phật tức là tánh giác đó! Chỉ tự giác và làm cho kẻ khác giác ngộ. Giác ngộ rõ suốt thì gọi là giải thoát.
Nên biết tất cả việc thiện đều lấy "giác" làm gốc. Nhờ giác mới có thể hiển hiện các cội công đức, đức quả Niết Bàn cũng nhân đây mà thành tựu. Quán tâm như thế gọi là "liễu".
Hỏi: Như trên đã nói, tánh Phật chơn như, tất cả công đức đều nương nơi giác làm gốc, chẳng hay cái tâm vô minh lấy đâu làm gốc?
Đáp: Cái tâm vô minh tuy có 84.000 phiền não tình dục và hà sa các điều ác đều nhân ba độc làm gốc, ba độc là tham sân si đó. Cái tâm ba độc này tự nó đủ tất cả khả năng làm ác; cũng như cội cây to chỉ có một, nhưng có biết bao cành lá. Căn cội của ba độc, trong mỗi một cái rễ sanh ra các nghiệp ác vô lượng vô biên không thể tỷ dụ. Tâm ba độc như thế từ trong bản thể ứng hiện ra sáu căn, cũng gọi là sáu kẻ giặc, tức là sáu thức đó! Do sáu thức nầy ra vào các căn tham đắm trần cảnh, tạo thành nghiệp ác trái chướng với nhơn thế, nên gọi là sáu kẻ giặc.
Tất cả chúng sanh đều bị ba độc và sáu kẻ giặc nầy làm mê loạn thân tâm, chìm đắm trong sanh tử, luân hồi trong sáu nẻo chịu các đều đau khổ. Cũng như sông rộng mênh mông, bắt nguồn từ khe suối nhỏ chảy mãi không ngừng, lần ra đến sóng cuộn ba đào, mịt mờ muôn dặm. Nếu có người lấp được tận nguồn thì dòng suối đều dứt. Người cầu giải thoát nếu có thể chuyển ba độc làm ba tụ tịnh giới, chuyển sáu kẻ giặc làm sáu Ba-la-mật, tự nhiên lìa dứt tất cả nghiệp khổ.
Hỏi: Sáu nẻo ba cõi rộng lớn mênh mông, nếu chỉ quán tâm làm sao thoát khỏi biển khổ vô cùng?
Đáp: Ba cõi nghiệp báo chỉ từ tâm sanh, nếu được vô tâm, tuy ở trong ba cõi nhưng liền thoát ly ba cõi. Ba cõi tức là ba độc đó. Tham là cõi Dục, sân là cõi Sắc, si là cõi Vô Sắc, nên gọi là ba cõi. Từ ba độc này tạo nghiệp nhẹ nặng, thọ báo chẳng đồng, chia ra sáu nẻo nên gọi là sáu thú.
Hỏi: Sau gọi là nhẹ nặng chia làm sáu nẻo?
Đáp: Chúng sanh chẳng rõ nhân chánh, quên tâm, tu nghiệp thiện vẫn chưa khỏi ba cõi, sanh về ba nẻo nhẹ.
Hỏi: Sao gọi là ba nẻo nhẹ?
Đáp: Vì là mê lầm tu mười điều thiện, vọng cầu khoái lạc chưa khỏi cõi tham, sanh về đường Trời. Mê giữ năm giới, vọng khởi ghét yêu, chưa khỏi cõi sân nên sanh về đường người. Mê chấp theo hữu vi, tin tà cầu phước, chưa khỏi cõi si, nên sanh về nẻo A-tu-la. Ba loại như thế gọi là đường nhẹ.
Hỏi: Sao gọi là ba đường nặng?
Đáp: Nghĩa là từ tâm ba độc, chỉ tạo nghiệp ác bị đọa vào ba đường nặng. Nếu nghiệp tham nặng thì đọa vào đường ngạ quỷ, nghiệp sân nặng thì đọa vào đường địa ngục, nghiệp si nặng thì đọa vào đường súc sanh. Ba đường nặng này thông đồng với ba đường nhẹ, cộng thành sáu đường. Nên biết tất cả nghiệp khổ đều từ tâm sanh. Nếu có thể nhiếp tâm, lìa tất cả ác thì cái khổ trong ba cõi sáu đường tự nhiên tiêu diệt, lìa khổ là được giải thoát.
Hỏi: Như chỗ Phật nói: Ta ở trong ba vô lượng kiếp tu vô lượng khó nhọc nay mới thành Phật; đây Ngài chỉ nói quán tâm, chế ngự ba độc thì gọi là giải thoát là tại làm sao?
Đáp: Lời Phật nói thật không ngoa. Ba vô lượng kiếp tức là ba độc đó. Trong cái tâm ba độc này có vô số niệm ác, trong mỗi niệm ác đều là một kiếp cho nên nói ba vô số kiếp. Tánh chơn như đã bị ba độc che khuất, nếu chẳng siêu cái tâm có ba vô lượng ác độc ấy thì sao gọi là giải thoát! Nay nếu có thể chuyển cái tâm ba độc này làm ba giải thoát, thế gọi là đã vượt qua được ba vô lượng vô số kiếp.
Chúng sanh đời sau ngu si căn độn, chẳng rõ cách nói bí mật của Như Lai bèn cho rằng việc thành Phật không thể tin được. Như thế há chẳng là làm cho người tu nghi lầm thối chuyển đạo Bồ-Đề đó sao!
Hỏi: Bực đại Bồ-Tát do giữ ba tụ tịnh giới, sáu Ba-la-mật mới được thành Phật. Nay ngài bảo người tu chỉ quán tâm chẳng tu giới hạnh làm sao thành Phật?
Đáp: Ba tụ tịnh giới tức là chế ngự cái tâm ba độc đó. Chế ngự ba độc thành vô lượng pháp thiện tụ. Chữ tụ gom lại; vô lượng pháp thiện đều tụ nơi tâm nên gọi là ba tụ tịnh giới. Còn nói sáu Ba-la-mật nghĩa là tịnh sáu căn; vì sáu căn thanh tịnh chẳng nhiễm sáu trần tức là qua được sông phiền não đến bến Bồ Đề, nên gọi là sáu Ba-la-mật.
Hỏi: Như kinh nói: Ba tụ tịnh giới là: Nguyện dứt tất cả nghiệp ác; nguyện tu tất cả việc thiện; nguyện độ tất cả chúng sanh. Nay chỉ nói chế ngự cái tâm ba độc há chẳng không hợp đó sao?
Đáp: Phật nói điều gì đều là chân thật, bực Đại Bồ-Tát trong nhân tu hành của quá khứ là đối ba độc phát ba thệ nguyện giữ tất cả tịnh giới.
Đối với tham thì nguyện dứt các điều ác, thường tu các điều thiện. Đối với sân thì nguyện độ tất cả chúng sanh, nên thường tu huệ. Đối với si nhờ hành trì ba pháp tịnh Giới Định Huệ ấy nên có thể siêu ba độc mà thành Phật. Các ác tiêu diệt gọi là đoạn. Vì hay giữ được ba tu tịnh giới thì các thiện đều đủ, gọi đó là tu. Vì hay dứt ác tu thiện thì vạn hạnh thành tựu, mình người đều lợi, giúp khắp quần sanh, nên gọi là giải thoát. Thế mới biết giới hạnh để tu ấy chẳng lìa tự tâm.
Nếu tự tâm thanh tịnh thì tất cả cõi Phật đều thanh tịnh. Nên kinh nói: Hễ tâm dơ bẩn thì chúng sanh dơ bẩn, hễ tâm trong sạch thì chúng sanh trong sạch. Muốn được cõi Phật phải tịnh cái tâm, tùy cái tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, ba tụ tịnh giới tự nhiên thành tựu.
Hỏi: Như kinh nói: Sáu Ba-la-mật cũng gọi là sáu độ. Nay nói sáu căn thanh tịnh gọi là Ba-la-mật, vậy chỗ dung thông phải như thế nào?
Đáp: Muốn tu sáu độ phải tịnh sáu căn, trước hàng phục sáu kẻ giặc. Hễ xả được giặc mắt, đừng đắm theo sắc thì gọi là Bố thí. Ngăn được giặc tai, đừng đắm theo âm thinh thì gọi là Giữ giới. Phục được giặc mũi, không đắm theo mùi thì gọi là Nhẫn nhục. Chế được giặc miệng, không tham theo vị, không đắm theo giọng, không buông lung theo nói năng tạp loạn thì gọi là Tinh tiến. Hàng được giặc thân, chẳng đắm theo xúc dục, rỗng rang chẳng động gọi là Thiền định. Điều phục được giặc ý, chẳng thuận với vô thường, thường tu trí huệ, gọi là Trí Huệ. Độ nghĩa là chuyên chở. Sáu độ ví dụ cũng như đò, có thể đưa chúng sanh qua bờ sông bên kia nên gọi là sáu độ.
Hỏi: Kinh nói đức Thích Ca khi còn làm Bồ-Tát đã từng uống ba đấu sáu thăng sữa mới thành Phật (ba đấu sáu thăng: hơn ba lít rưỡi). Trước nhờ uống sữa rồi sau mới chứng quả, há chỉ quán tâm mà được giải thoát ư?
Đáp: Đúng thế! Đúng thế! Phải trước uống sữa rồi sau mới thành Phật. Nhưng phải biết sữa có hai thứ. Thứ sữa Phật uống đây không phải sữa trâu, sữa bò, sữa dê của thế gian đâu, mà là "thanh tịnh pháp nhũ" đó! Ba đấu tức là ba tụ tịnh giới, sáu thăng là sáu độ. Thành Phật phải nhờ uống thứ sữa pháp thanh tịnh như thế mới chứng được quả. Nhưng phải biết đây là cách nói kín. Nếu hiểu Như Lai uống các thứ sữa vật chất thế gian thì lầm lắm! Chân Như vốn tự là pháp thân vô lậu bất hoại, lìa hẳn tất cả các cái khổ thế gian, há lại phải nhờ vật chất bất tịnh thế gian để khỏi đói khát! Trong kinh có nói: Thứ bò nầy chẳng ở cao nguyên, chẳng ở đất thấp, chẳng ăn lúa cám, chẳng cùng loại bò bô nhập bầy, màu lông vàng ánh tía. Chữ bò ở đây để ám chỉ cho Phật Tỳ Lô Giá Na, vì lòng từ bi rộng lớn thương xót tất cả chúng sanh, nên từ trong pháp thể thanh tịnh xuất hiện ra thứ sữa pháp ba tụ tịnh giới và sáu độ vi diệu như thế để nuôi dưỡng cho tất cả những ai cầu giải thoát. Cái nghĩa bò và sữa thanh tịnh như thế không những Như Lai uống vào là được thành đạo, mà dẫu cho ai uống vào cũng đều được đạo Vô Thượng Bồ-Đề cả.
Hỏi: Trong kinh nói: Phật dạy chúng sanh cất chùa, đúc vẽ hình tượng, thắp hương đèn, rải hoa, ngày đêm sáu thời quanh tháp hành đạo, ăn chay lễ bái; làm hết thảy công đức ấy đều được thành đạo. Nếu chỉ quán tâm nhiếp hết các hạnh, như thế té ra bao nhiêu chuyện kinh nói đều thành hư luống sao?
Đáp: Phật có nói điều gì đều là vô lượng phương tiện vì tất cả chúng sanh ngu tối, căn cơ thấp kém chẳng tỏ nghĩa lý sâu mầu, nên mới mượn việc thế gian hữu vi để mà thí dụ. Nếu chẳng lo tu hạnh ở trong, chỉ chạy ra ngoài mà cầu hy vọng được phước thì thật vô lý.
Nói chùa cũng như nói nơi thanh tịnh. Nếu dứt trừ ba độc, thường tịnh sáu căn, thân tâm rỗng lặng, trong ngoài thanh tịnh, đó là nghĩa cất chùa.
Còn nói đúc vẽ hình tượng là nói tất cả chúng sanh mong cầu đạo quả; các hạnh giác để tu là phỏng theo chân dung diệu tướng của Như Lai, chớ đâu nói chuyện hữu vi vật chất! Cho nên người cầu giải thoát phải lấy thân làm lò, dung pháp làm lửa, dùng trí huệ làm thợ khéo, ba tụ tịnh giới sáu độ là khuôn. Ung đúc chơn như tánh Phật trong thân cho vào khuông giới luật.
Còn nghĩa thắp hương cũng vậy; là thứ hương Chánh pháp vô vi, xông lên để tẩy sạch các uế nghiệp ác vô minh, hết thảy đều tiêu diệt. Hương chánh pháp có mấy thứ: Một là hương Giới, nghĩa là ý nói hay dứt các ác, hay tu các điều thiện. Hai là hương Định, nghĩa là tin sâu Đại thừa, tâm không thối chuyển. Ba là hương Huệ, là thường quán sát trở vào trong tự thân tâm. Bốn là hương Giải thoát, là dứt hết cả vô minh trói buộc. Năm là hương Giải thoát tri kiến, là xét xoi thường tỏ, thông suốt không ngại. Năm thứ hương như thế là hương Tối thượng, thế gian không sánh được. Phật ở thế gian bảo các đồ đệ dùng lửa trí huệ đốt thứ hương vô giá này để cúng dường mười phương chư Phật. Chúng sanh ngày nay chẳng hiểu nghĩa chơn thật của Như Lai, chỉ dùng lửa ngoài mà thắp các hương vật chất thế gian để mong cầu phước báo làm kết quả.
Còn nghĩa rãi hoa cũng vậy, là nói công đức đem Chánh pháp mà giảng dạy lợi ích chúng sanh, thấm nhuần khắp tánh Chơn Như, bố thí trang nghiêm. Thứ hoa công đức nầy Phật thường khen ngợi, cứu cánh hằng còn không bao giờ héo tàn. Nếu ai rải hoa như thế sẽ được phước báo vô lượng. Nếu nói Phật dạy chúng sanh cắt xén bông hoa, tổn thương thảo mộc cho được hoa để rải thì thật là vô lý. Vì sao thế? Vì người giữ giới thanh tịnh thì tất cả sum la vạn tượng trong trời đất cũng không xúc phạm. Khi lầm phạm còn có ăn năn huống chi là dạy cố phá tịnh giới, tổn thương vạn vật để cầu phước báo; muốn lợi lại thành hại, há có như thế sao?
Lại nữa, nói luôn luôn đốt đèn sáng là ý nói cái tâm Chánh giác tỏ suốt ví cũng như đèn sáng. Cho nên ai muốn cầu giải thoát phải lấy thân làm đài, tâm là tim, các giới hạnh làm dầu, trí huệ tỏ suốt làm lửa. Thường thắp đèn Chơn chánh giác, chiếu phá tất cả vô minh ngu tối, hay dùng pháp nầy lần lượt khai thị lẫn nhau tức là một ngọn đèn mồi ra trăm ngàn ngọn; cứ như thế mãi mãi vô cùng, nên gọi là Vô Tận Đăng.
Xưa có Phật tên là Nhiên Đăng, ý nghĩa Nhiên Đăng là thế.
Chúng sanh ngu si chẳng rõ lối nói phương tiện của Như Lai, luống làm theo sự, đắm chấp việc hữu vi; bèn dùng các thứ đèn dầu thế gian đốt lên luống soi nhà trống, rồi bảo làm đúng theo kinh, há chẳng lầm lắm sao?
Vì sao thế? Vì Phật phóng một đạo hào quang trắng ở giữa hai chơn mày, có thể chiếu suốt mười tám ngàn cõi nước phương Đông, há đợi nhờ đèn dầu thế gian leo nheo như thế để làm lợi ích! Gẫm xét cái lý phải chẳng thế sao!
Lại nữa sáu thời hành đạo nghĩa là nói nơi sáu căn luôn luôn thực hành Phật đạo, tu các hạnh giác. Điều phục sáu căn, mãi mãi không hở, gọi là sáu thời. Còn quanh tháp hành đạo, chữ tháp nơi đây làm ám chỉ cho thân tâm đó! Nghĩa là thường sanh giác huệ tuần sát thân tâm luôn luôn chẳng hở, gọi là quanh tháp. Các bực Thánh đã qua đều nhờ thực hành cách ấy mà được Niết Bàn. Người đời nay chẳng rõ lý nầy, chẳng thực hành nơi tâm, chỉ chấp trở ra mà tìm, đem cái thân chướng ngại đi quanh tháp thế gian ngày đêm lũ lượt, luống uổng nhọc công, đối với Chơn tánh không chút lợi ích.
Còn nói ăn chay phải càng thêm để ý, nếu chẳng rõ lý nầy thì càng nhọc công vô ích. Chữ chay ở chữ Hán là chữ Trai, mà chữ Trai lại từ chữ Tề mà biến, nhưng chữ Tề cũng như nghĩa chữ Bình. Nghĩa là tề bình thân tâm, chẳng để tán loạn. Chữ ăn nơi đây cũng như nghĩa chữ giữ. Nghĩa là giữ các giới hạnh, đúng pháp tu hành. Ở ngoài phải ngăn ngừa sáu tình, ở trong phải chế ngự ba độc, siêng giác sát, tịnh thân tâm, biết rõ nghĩa nầy mới gọi là ăn chay.
Lại nữa, chữ ăn ở đây có năm nghĩa:
1.
Một, ăn là vui với pháp, nghĩa là giữ y chánh pháp hoan hỷ
vâng làm.
2.
Hai, ăn là vui với Thiền định, nghĩa là trong ngoài lặng
suốt, thân tâm vui đẹp.
3.
Ba là ăn bằng suy nghĩ, nghĩa là thường nghĩ chư Phật lòng
miệng như nhau.
4.
Bốn là ăn bằng nguyện, nghĩa là đi đứng nằm ngồi thường
cầu nguyện lành.
5.
Năm là ăn bằng giải thoát, nghĩa là tâm thường thanh tịnh,
chẳng nhiễm tục trần.
Năm nghĩa ăn nầy gọi là ăn chay. Nếu ai chẳng nhận năm nghĩa chay tịnh nầy mà tự hào là ăn chay đều là làm việc vô lý. Cần nhất phải dứt cho được cái ăn mê muội. Nếu phải va chạm gọi là phá trai. Nếu đã phá trai sao gọi là được phước? Đời có người mê chẳng rõ lý này, thân tâm phóng túng theo các nghiệp ác, tham dục buông tình, chẳng biết xấu hổ. Chỉ ăn được ba thứ rau cải rồi tự hào là ăn chay thì thật là phi lý.
Còn nói lễ lạy theo phép thì ở trong phải tỏ thông lý thể, ở ngoài thì tùy sự quyền thông. Lý có khi phải hiện, có khi phải ẩn. Biết được nghĩa như thế mới gọi là y theo pháp. Vả chăng, lễ nghĩa là kỉnh, lạy nghĩa là phục. Nghĩa là cung kỉnh chơn tánh, hàng phục vô minh; đó là lễ bái. Nếu có thể dứt trừ lòng ác, thiện niệm hằng giữ; tuy chẳng hiện tướng, nhưng đó mới thật là lễ lạy.
Tướng là pháp tướng, Thế Tôn muốn làm cho người đời tỏ lòng khiêm tốn cũng dạy lễ lạy. Nên ở trong khuất phục, ngoài hiện khiêm cung; nêu cái bên ngoài để rõ bên trong, tánh tướng như nhau. Nếu không căn cứ trên lý pháp, chỉ chấp tướng bề ngoài mà cầu, trong thì mở cửa ba độc, thường làm nghiệp ác, ngoài làm ra tướng ghê gớm, trá hiện oai nghi, chẳng khỏi luân hồi, há thành công đức?
Hỏi: Như kinh Ôn Thất nói: Tắm gội chúng tăng phước đức vô lượng. Đó rõ ràng dựa vào sự pháp mới thành công đức; nếu là quán tâm có thể tương ưng được sao?
Đáp: Nói tắm gội chúng tăng cũng chỉ là một thứ ẩn ngữ, chớ phải đâu bảo làm theo sự tướng thế gian! Đức Thế Tôn thường vì các đệ tử mà giảng kinh Ôn Thất để cho thọ trì phép tắm gội, nên mượn việc thế gian để ví dụ. Mật nói công đức của cúng dường sau đây: 1 là nước trong, 2 là nhúm lửa, 3 là xà phòng (chất tẩy), 4 là bàn chải, 5 là phấn bột, 6 là dầu ướp, 7 là áo lót. Dùng 7 việc này để ví dụ cho 7 pháp. Tất cả chúng sanh theo 7 pháp tắm gội trang nghiêm này, thì có thể trừ được tâm độc vô minh dơ bẩn. Bảy pháp ấy là:
1.
Dùng tịnh giới gội rửa mê lầm, cũng như dùng nước trong
gội rửa bụi bặm.
2.
Dùng trí huệ quán sát, trong ngoài sáng suốt cũng như nhúm
lửa nấu nước trong.
3.
Lừa lọc các điều ác, cũng như xà phòng rửa sạch dơ bẩn.
4.
Chơn thật dứt trừ vọng tưởng, cũng như bàn chải hay làm
sạch miệng hôi.
5.
Chánh tín quyết định không nghi cũng như phấn bột dùng để
xoa trong ngoài thân có thể ngăn ngừa các chứng phong ngoại
cảm.
6.
Nhu hoà nhẫn nhục, cũng như dầu ướp là thông nhuậm mặt
da.
7.
Biết hổ thẹn ăn năn các nghiệp ác, cũng như áo lót mình
để che khuất bớt các chỗ bất tiện trong cơ thể.
Hạng tỳ kheo lúc đó thông minh lanh lợi đều ngộ ý nhanh, theo chỗ nói mà tu hành, công đức thành tựu, đều chứng quả thánh. Chúng sanh đời nay không rõ tự sự, đem nước thế gian để tắm rửa cái thân tứ đại mà tự cho làm theo kinh, như thế há chẳng lầm lắm sao! Vả lại, tánh Phật chơn như đâu phải thứ có hình; phiền não bợn nhơ bổn lai không tướng. Há có thể đem nước vật chất để gội rửa cái thân vô vi được sao? Trên sự chẳng tương ưng làm sao ngộ được đạo!
Hỏi: Kinh nói chỉ chí tâm niệm Phật tất được vãng sanh về cõi Cực Lạc, chỉ một môn nầy là được thành Phật, đâu cần phải quán tâm để cầu giải thoát?
Đáp: Niệm Phật nghĩa là phải niệm chánh. Nghĩa rốt ráo mới là nghĩa chánh, chẳng rốt ráo là tà. Nếu niệm chánh tất được vãng sanh, niệm tà làm sao đến được!
Phật nghĩa là giác, nghĩa là giác sát thân đừng để khởi ác. Niệm nghĩa là nhớ, nghĩa là giữ giới hạnh, đừng vọng tinh tiến. Cần rõ nghĩa như thế mới gọi là niệm. Nên biết niệm ở nơi tâm, chớ chẳng phải ở miệng, mượn ngôn ngữ để cầu ý, được ý phải quên lời.
Đã nói niệm danh hiệu Phật cũng phải biết cái đạo niệm Phật.
Nếu tâm không thật, miệng niệm danh hiệu suông, ba độc lẫy lừng, chấp mình chấp người cả bụng; dùng cái tâm vô minh vọng cầu thấy Phật luống uổng tốn công.
Đến như tụng với niệm cũng khác nhau. Ở miệng gọi là tụng, ở tâm gọi là niệm. Nên biết niệm từ tâm khởi, gọi là môn giác hạnh. Còn tụng ở miệng là tướng âm thanh, chấp tướng cầu lý thì thật là không phải.
Phải biết các Thánh xưa tu hành đều không phải nói bên ngoài, mà luôn luôn phải lấy tâm làm chủ, vì tâm là nguồn cội vạn pháp, tâm là chủ của muôn đức, vắng lặng thường vui đều bởi ngừng vọng.
Ba cõi luân hồi cũng từ tâm khởi, tâm là cửa của cuộc đời, tâm là bờ giải thoát. Biết được cửa tâm rồi lo gì khó thành! Người nay thấy biết nông nổi, chỉ biết sự tướng làm công, hao phí của cải, tốn thương vạn loại. Luống công xây đắp, gom nhóm vật liệu, vẽ vời rằn ri đem hết tâm lực, tốn mình mê người, chưa biết tỉnh ngộ có đâu sợ khó! Hễ thấy việc hữu vi thì nôn nao mê đắm, còn nói đến vô tướng thì trơ trơ như mê. Chỉ tham kết quả nhỏ nhen hiện tại, chớ biết đâu cái khổ biển cả sau này. Tu học như thế luống công nhọc sức, trái chánh theo tà, vọng nói được phước. Nếu chỉ có thể nhiếp tâm soi trở vào trong, giác sát ở ngoài cho tỏ, dứt trừ ba độc, đóng hết sáu cửa giặc đừng cho nhiễu loạn; tự nhiên vô lượng công đức, bao thứ trang nghiêm, vô số pháp môn đều được thành tựu, siêu phàm chứng thánh, tận mặt sát một bên, ngộ trong giây lát, đâu đến nỗi khó khăn!
Môn chơn thiệt nhiệm mầu đâu thể nào trình bày hết. Nơi đây chỉ thuật sơ về quán tâm, nói rõ ra chút ít vậy thôi.
[Kệ rằng:]
Ta
vốn cầu tâm tâm tự gìn,
Cầu
tâm chẳng được để tâm minh.
Tánh
Phật chẳng từ ngoài tâm được,
Tâm
sanh chính là lúc tội sanh
Ta
vốn cầu tâm chẳng cầu Phật
Rõ
biết ba cõi rỗng không suốt.
Nếu
muốn cầu Phật chỉ cầu tâm,
Chỉ
tâm này, tâm này là Phật
[Luận Phá Tướng đến đây là hết.]