Phụ Lục của người dịch
[Nam mô Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni Phật, Thầy đã dạy “ Con hãy tự đốt đuốc lên mà đi.” và “Con đừng tin
những gì Ta nói mà hãy chứng nghiệm trong đời con những gì Ta nói là đúng lúc
đó con hãy tin.” Con đường tu tập của mỗi người mỗi khác, nghiệp của mỗi người
mỗi khác nên phương pháp tu tập cũng khác, nhưng khi đã ngộ thì chỉ nếm có một
vị: Giải Thoát! Xin cho những gì con viết ở đây là ngọn đuốc và sự chứng nghiệm
cho con, khi con đã tin rồi, con xin hồi hướng hết cho muôn vàn chúng sinh, mà
không giữ lại một chút gì cho riêng con. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Phật.]
TU TÂM
(Con Đường
Chuyển Hóa Tâm Thức)
(Con Đường
Thiền Định với Gia Đình Thiền Phật)
(Con Đường
Giải Thoát)
(Sự Hòa
Nhập Trong Đời Sống Hàng Ngày)
OM AH HUM SHAKYAMUNI HUM
OM AH
HUM MANJUSHRI HUM
OM AH
HUM AVALOKITESHVARA HUM
OM AH
HUM VAJRADHARA HUM
OM AH
HUM MAITREYA HUM
OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM
Mục đích của tu tập là giải thoát. Nhưng giải thoát cái gì? Thế nào là giải thoát? Nếu không thấu hiểu và liễu ngộ tuyệt cùng về sự giải thoát thì cũng chỉ là cảnh ra tù vào khám mà thôi. Chẳng khác gì đưa hai tay lên lạy Phật nhưng thực ra đưa tay để bị còng!!! Giải thoát là giải thoát tâm, tâm của chính mình chứ không phải tâm của bất cứ ai khác, không phải giải thoát cái thân xác tứ đại này cho đẹp đẽ hơn, cho giầu có hơn. Nghĩ rằng tu để được khỏi bệnh, được phước, được giầu, được vào niết bàn, được-được, đắc-đắc... là chỉ tìm thêm ràng buộc, là vào một cái nhà tù khác cái nhà tù mà ta đang ở. Cái sợi giây đang trói buộc mình chưa cởi bỏ được thì lại trói thêm một sợi giây khác nữa, khác nữa, khác nữa... và cứ thế mà trói liên tu bất tận không bao giờ ngừng, không ai trói ta cả, chính ta tự trói ta! Không hiểu rõ vấn đề thì tu tập, thiền định là một sự ràng buộc, là vào một nhà tù vĩ đại! Một nhà tù chung thân muôn vàn kiếp! Nhà tù tâm linh!
Đạo Phật là đạo thực hành những điều Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải đạo cầu xin để được cái này cái kia (thật sự thực hành, thật sự thực tập trong cuộc sống, chứ không phải chỉ ngồi thiền mà chứng ngộ được, nếu chỉ ngồi mà ngộ được thì những thiền sinh không phải điên đầu vì những công án của thầy cho, không phải khổ sở để xây nhà cho thầy như Milarepa!) Phật chưa từng cho, Phật chưa từng nhận, Phật là Như Thị, Như Lai !!! Tu tâm thế nào để không còn có cái gì gọi là tâm, không còn có cái gì gọi là tu, tu mà chẳng phải là tu mới chính là tu, tập mà chẳng phải là tập mới chính là tập. Tu để cái không tự nhiên thành tự nhiên, tập để cái gò bó trong cuộc đời thành thoải mái an nhiên. Quán tới độ không còn có cái gì gọi là Tâm Bát Nhã thì mới “ Phật và chúng sinh tính thường rỗng lặng !” Ngày nào cũng đi trên con đường sỏi đá gồ ghề với một niềm tin với một nụ cười thì dầu con đường có gồ ghề sỏi đá đến đâu cũng trở thành thân thương (nhiều người hỏi rằng, nghĩ rằng đi đường sỏi đá gồ ghề thì làm sao mà cười được, cuộc đời tràn đầy khổ cực vất vả thì làm sao mà cười được, câu trả lời là không cười mà cứ hỏi cứ nghĩ thì đời thực sự khổ thật.) Vì thế cái ý nghĩa tối thắng của Tâm Kinh Bát Nhã là “ Bồ tát quán tự tại, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật” và “Yết Đế, Yết Đế, Ba la Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.” Trên con đường tu tập, hành gỉa quán cho thấu suốt, cho kỳ cùng những hiện tượng đang xẩy ra hàng ngày ở ngay trong cuộc đời, ở ngay từng giây phút hiện tại và thực hành thâm sâu, thâm sâu, thực hành rất thâm sâu những lời Phật dậy để rồi “Chuyển hóa, chuyển hóa, chuyển hóa đi, chuyển hóa nữa đi, thì sẽ ngộ được niết bàn là ở đó.” “Đạo Phật không xuất thế và cũng không nhập thế: đạo Phật vẫn liên tục chuyển thế trong từng giây phút trôi qua trên mặt đất và trong toàn thể vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà bao la.” (1) Hạnh phúc ở ngay chỗ chuyển dịch của dòng sông, ở giữa dòng sông chứ không phải ở bờ bên đây hay ở bờ bên kia, giả thử có đến được bờ bên kia thì đó cũng chính là bờ bên đây mà thôi. Hạnh phúc ở chỗ trung đạo chứ không phải ở đầu cực này hay đầu cực kia. Hạnh phúc ở đây, ngay bây giờ chứ không phải ở ngày hôm qua hay chờ đến ngày mai hay chờ đến khi nào đắc đạo. Cốt tủy của đạo giải thoát là không có một cái gì để đắc, không có cái gì để đạt, không có cái gì để giải thoát, vì căn bản của nó là buông xả, là từ bỏ, là buông bỏ ngay cả sự giải thoát tối hậu. Thực tại cuối cùng của sự giải thoát cũng là không. Hạnh phúc đang hiện diện trong từng hơi thở của đời sống, trong từng sinh hoạt của cuộc đời, ngay trong sự tỉnh thức bây giờ, bây giờø. Đạo Tỉnh Thức của Đức Phật là Trí Huệ (đang biết và đang hiểu thấu suốt mọi hiện tượng trong từng giây phút, từng sát na ngay bây giờ) và lòng Từ Bi (khi đã hiểu thấu suốt rồi thì chỉ còn tình yêu thương rộng mở bao la hoà nhập trong mọi hiện tượng, mọi chúng sinh. Lúc đó Trí Huệ và Từ Bi chính là một, KHÔNG TÍNH!)
Tất cả kinh sách đều là
phương tiện. Tiểu thừa, Đại thừa và Mật thừa đều là Phật thừa, đều là những cỗ
xe chở đến nhà Phật, xe là xe, đi như thế nào tùy người lái xe, khi chưa thấu
hiểu thì lăng xăng chấp chước đủ điều, khi ngộ rồi thì: “Ồ, hoá ra mình đang
ngồi trong nhà Phật, mình đang hạnh phúc mà cứ bảo mình đang lái xe đến nhà Phật
hoặc đang chạy đi tìm hạnh phúc!!!” Phương tiện chính là cứu cánh, con đường
chính là nhà, cuộc đời chính là niết bàn, chướng ngại tức bồ đề, nghiệp chính
là đạo! Nghiệp chính là con đường dẫn đến giải thoát. Nghiệp chính là mặt bên
kia của hạnh phúc mà cũng chính là hạnh phúc. Ta đang hạnh phúc, ta đang là
Phật, chỉ vì ta vọng tưởng có một cái hạnh phúc ở đâu đó ngoài kia nên ta mải
miết đi tìm; ta cho là (chấp) Phật phải như thế này thế kia nên ta không nhìn
ra được Phật tính đang hiện diện trong ta và trong mỗi một chúng sinh, nên ta
cứ mãi hoài đi tìm ở bên ngoài kia. Tất cả cũng chỉ tại cái tâm điên đảo vô
minh mà ra, tất cả chỉ vì cái tâm vọng tưởng mà ra, tất cả chỉ vì cái tâm nhị
nguyên mà ra. Tâm là gì?
Tâm! Tâm
có hai phần, có hai mặt (hai mặt của cùng một thực tại Tâm): Chân tâm và Vọng
tâm; Thanh tịnh và Ô nhiễm; Chân như tuyệt đối và phần kia là tương đối, bất
tịnh; Rỗng lặng và đầy ắp, ồn ào. Tâm giống như bầu trời trước mặt, thanh tịnh
mà cũng đầy ô nhiễm; trống rỗng, lặng thinh mà cũng đầy ắp, ồn ào!
Chân tâm (còn gọi là Bản thể, Tuyệt đối thể, Phật tính, Chân như, Siêu việt tính, Tâm bản nhiên, Diệu tâm, Tâm rỗng lặng, Tâm thanh tịnh...) không thể dùng lời nói để luận bàn, người tu tập phải tự chứng ngộ lấy, khi ngộ thì biết liền, không có một phương tiện nào ở hiện tượng giới này có thể diễn tả được, dù có diễn tả đến đâu đi nữa thì nó cũng chỉ là sản phẩm của tâm ô nhiễm, của tâm vọng tưởng, hơn nữa hiện tượng giới chính là thế giới của ô nhiễm, thế giới của những hiện tượng, là nơi để những năng lượng thị hiện, từ vi tế ra thô kệch rồi thô kệch lại tạo ra vi tế, chuyển biến không ngừng nghỉ... Khởi Tín Luận diễn tả về Chân tâm: “Tất cả các pháp từ vô thủy tới nay, xa lìa tướng nói năng, xa lìa tướng danh tự, xa lìa tướng tâm duyên, rốt ráo là bình đẳng; không có thay đổi biến dị, không thể phá hoại; chỉ là nhất tâm cho nên gọi là Chân Như.” Thực tướng thì vô tướng. Thực thể thì vô thể. Thực dụng thì vô dụng. Ngôn ngữ có khuynh hướng vật chất hóa các sự kiện, ngôn ngữ chỉ là phương tiện chuyển đạt, diễn đạt, chỉ là phương tiện để cụ thể hóa bản thể thành sự thể, vi tế thành thô kệch để cho cái tâm bình thường có thể hiểu được (2).
Hốt nhiên đạt ngộ có nghĩa hốt nhiên là-bản-thể. Ngày xưa, Tsong Khapa, người sáng lập ra truyền thống Geluk mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 xuất thân từ đây, đang nghiên cứu và phân tích không tính (tính không, tánh không, shunyata, emptiness) theo sự dạy bảo của phái Madhyamaka (Trung Đạo), thì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát xuất hiện trước mặt ngài và nói: “ Không có một người nào trên quả đất này có thể dạy con tính không!” Chân tính vượt ra ngoài ý niệm thông thường, bất khả tư nghì, chỉ có thể chứng nghiệm bằng thực hành đạo pháp, bằng tu tập, bằng thiền định, bằng hành thâm Bát Nhã Ba La Mật.
Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật để tẩy vọng (tưởng), khi tẩy được vọng thì chân hiện ra. Sóng yên thì nước phẳng lặng. Chất “trong” đã có sẵn trong ly nước đục, dù vô cùng đục, đục lắng thì “trong” hiện ra, chỉ có vậy thôi ! Khi “trong” thì tự biết là “trong” và nhìn thấu suốt được tất cả, chưa “trong” thì dù có bàn luận, dù có nói năng diễn đạt đến thế nào đi nữa cũng chỉ là “nói về cái trong” mà thôi. “ Trong trược (ô) thì có thanh (tịnh, thanh khiết) nhưng trong thanh thì không có trược”. Chưa là mặt trăng thì dù có chỉ thế nào đi nữa cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Khi chưa ngộ thì thích xây nhiều chùa, thích thuyết pháp khắp nơi, muốn cứu độ tất cả mọi người, thấy ai cũng cho là họ khổ, cũng cho là họ chẳng hiểu gì... khi ngộ rồi thì thõng tay đi vào chợ, đi vào cuộc đời, đi vào hang cùng ngõ hẻm của đời sống với trí huệ, với lòng từ bi, vui vẻ, hòa nhã, chia sẻ, an nhiên và khuyến khích mọi người tự tu, tự độ, Đức Phật Thích Ca nói: “ Con hãy là ngọn đuốc cho chính con”, “ Con hãy tự đốt đuốc lên mà đi.” Hình ảnh của vị Phật tương lai là Đức Di Lặc, mỗi chúng sinh là một vị phật tương lai, vì thế chúng ta đừng ngồi đó mà chờ đợi đức Di Lặc đến để đưa chúng ta vào niết bàn, chúng ta hãy hành thâm Bát Nhã Ba La Mật để là Di Lặc trong tương lai ! Phật từ đâu mà có? Từ chúng sinh! (Vì thế, không thể sống, không thể tu tập nếu không vì chúng sinh.)
Vọng tâm (tâm thức, tâm
giả, tâm lừa đảo, tâm vọng tưởng, tâm ô nhiễm, tâm nhị nguyên, tâm mà con người
thường nói) có thể nghĩ bàn được. Chúng ta hãy nói về vọng tâm, tất cả có 8 cái
biết, tám thức, tám loại vọng tâm, tám ông vua cai quản 8 vùng, thường được gọi
là Tám Tâm Vương.
TÂM
VƯƠNG:
* Thức 1
đến thức 5: nhãn thức (mắt, thị giác, màu sắc) nhĩ thức (tai, thính giác,
âm thanh) tỷ thức (mũi, khứu giác, mùi hương) thiệt thức (lưỡi, vị giác, mùi
vị) và thân thức (thân xác, xúc giác) đây là cái biết của năm giác quan.
Nhờ 5 giác quan mà chúng ta biết được những gì ở chung quanh chúng ta, chúng ta
đối thoại, chúng ta tiếp xúc được với trần cảnh, với ngoại cảnh ở hiện tượng giới
này. Những cái “nhận” biết của 5 giác quan hoàn toàn không có một chút phê
bình, tính toán phân biệt nào, năm giác quan như năm cánh cửa mở sẵn để tiếp
nhận ngoại cảnh, để cảnh đi vào. Vì trong cảnh giới hiện tượng thô kệch vật
chất này, năm thức trên không có đủ tự tại lực để nhận thức, nên chúng không
nhận xét được điều gì, có nhận xét được chăng nữa thì cũng chỉ biết được những
cái rất thô sơ như nhìn một bông hoa thì chỉ biết bông hoa có mầu hay không có
mầu, có hương hay không có hương..... rồi phải nhờ tới Ý thức (thức thứ 6 sẽ bàn
ở dưới) mới phân biệt được rõ rệt hơn đẹp xấu, hoa loại gì, để làm gì, để tặng
ai ...vân vân...
Ở cảnh giới này 5 giác quan thường thích đuổi theo ngoại cảnh và thường bị ngoại cảnh lôi cuốn quyến rũ, đây đúng là cảnh ta bà mê ảo, trùng trùng điệp điệp sự kiện, trùng trùng điệp điệp sự vật. Chúng trôi lăn không ngừng nghỉ trong dòng hiện tượng theo thói quen của ái dục, theo thói quen của ô nhiễm như tập tục, giáo dục, truyền thống, ý niệm...vân vân... Nhờ tu tập, nhờ thanh tẩy, nhờ thực hành thâm sâu và nhờ thiền định mà chúng ta dần dần biết được, dần dần nhận ra được, dần dần thực nghiệm được hoặc chứng ngộ được 5 “cái-biết-giả” này, 5 cái vọng tưởng này, khi đó sự hiểu biết thô kệch được chuyển hóa thành “Cái Biết” mà sách nhà Phật gọi tên là “ Thành-Sở-Tác-Trí ”.
Vì trôi lăn theo ngoại cảnh nên dĩ nhiên là chấp “có” đến cùng cực, coi các sự vật, các sự kiện, các hiện tượng nhất định là có thật. Chủ thể để đối tượng lôi cuốn! Để cho đóa hoa hồng quyến rũ. Vì thế khi đã ngộ, khi đã phát hiện ra sự gỉa dối này, khi đã hiểu tường tận tâm vọng tưởng này thì trí tuệ hiểu biết này được tượng trưng là Đức Phật Amoghasidhi - Bất-Không-Thành-Tựu Như Lai. Aán của Ngài là Vô Uùy Aán. Trong Mandala (Đàn tràng, Đạo tràng, môi trường sống...) Ngài ngự ở phương Bắc, mang mầu xanh lá cây xẫm, chủng tử AH. Bất-Không nhưng mà là Bất-Không-Thành-Tựu Như Lai, thành tựu được cái bất-không ấy, nhìn nhận ra được 5 “cái-biết-gỉa” ấy mà không bị chướng ngại ngăn che gì. Lúc đó đi vào cõi ta bà, đi vào cái không cùng gỉa dối, đi vào cõi trùng trùng điệp điệp huyễn ảo của đời sống mà chẳng hề bị dính mắc gì cả, không chấp gì cả, không hề sợ hãi điều gì cả, vì biết rằng đó chỉ là trò như lai, chúng đến như vậy! Sự kiện, sự vật xuất hiện như vậy, chúng đến như vậy, như nó là! (do luật nghiệp lực, luật duyên khởi, sự kiện này là sự tự nhiên của năng lượng trong vũ trụ) Diệu dụng của trí này không có biên giới, nó có thể thực hiện những phép mầu để giúp người giác ngộ đi độ sinh, độ sinh một cách tự nhiên như nhiên. Tuệ giác của họ không còn là cái biết thường tình, họ vào đời chỉ có trí tuệ và từ bi, vào đời một cách tự nhiên an nhiên, vào đời mà không rời Phật Tính. Vào đời cùng với Phật Tính ! Có nghĩa là: Phật Tính vào đời! Phật Tính thị hiện!
* Thức thứ 6 - Ý thức: khi không tiếp xúc với trần cảnh (ngoại cảnh, đối tượng) mà tư tưởng vẫn phân biệt tính toán, vẫn biết những sự kiện đang xẩy ra, như khi ngồi thiền mắt nhắm mà vẫn biết mọi sự việc đang diễn ra trong đầu, cái biết đó gọi là ý thức. Thức này vô cùng lanh lợi, cái biết này phân biệt, suy tính đủ thứ. Ý thức không phải là những thực thể thường hằng bất biến, mà chỉ là những dòng-lưu-chuyển biến đổi từng giây phút, từng sát na (nói một cách rõ hơn, đây chính là sự liên tục không ngừng của dòng năng lượng tinh thần.) Sự biến chuyển này là định luật chung của mọi hiện tượng, nghĩa là những hiện tượng được thành lập, tồn tại và phân tán theo nguyên lý nhân qủa, duyên khởi, chúng chịu điều kiện hóa bởi những hiện tượng liên hệ, cái này có thì cái kia có, cái này không có thì cái kia không có, cái này diệt thì cái kia diệt. Đây là luật tự nhiên, sự tự nhiên của vũ trụ, không do ai sáng tạo ra.
Ý thức phát sinh do căn (của cả thô kệch và vi tế) và cảnh, do nhân và duyên, nó nương tựa trên căn cứ mà phát sinh (căn) và đối tượng của căn cứ đó (cảnh) để tồn tại. Năm thức trên có những căn và cảnh vật chất của chúng; căn ở đây là sinh lý và cảnh ở đây là vật lý. Ý Thức lấy Ý Căn (Mạt na thức, căn thức, thức thứ 7 sẽ nói sau) làm căn bản. Ý Căn lấy Tàng Thức (A Lại Da thức, vô thức, thức thứ 8 sẽ nói sau) làm căn bản.
Trên con đường tu tập ý thức đóng một vai trò quan trọng, nó phải đi từ địa (đất, land, stage, bhùmi) này đến địa khác, từ cảnh giới này đến cảnh giới khác, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, từ tình trạng này đến tình trạng khác (3). Có thể gọi đây chính là tiến trình tu tập, tiến trình chuyển hóa của tâm thức theo từng trạng thái, theo từng giai đoạn. Với sự kiên trì tu sửa thực tập, với sự hành thâm Đạo Pháp cùng với thiền định, dần dần Ý thức có thể quán chiếu được tính không của ngã và pháp, của chính chủ thể và đối tượng, biết được thực tại cuối cùng của tất cả mọi hiện tượng là không. Khi đó nó có khả năng ngăn cản được 4 loại phiền não, không cho những phiền não này hiện hành hoạt động và nhất là không được hợp tác với Ý Căn nữa. Bốn loại phiền não này là 4 khuynh hướng nhận thức sai lạc về ngã (cái tôi, chủ thể): ngã si (vô minh), ngã kiến (chấp), ngã mạn (ngạo mạn) và ngã aí (tham, dục). Kết quả của sự quán chiếu này là Căn thức mất dần sức mạnh và do đó mất dần tính cách ô nhiễm, mất dần tính cách ảnh hưởng đến ý thức.
Nếu chúng ta dừng lại ở đây mà không tiếp tục con đường tu tập giải thoát nữa thì chúng ta cũng vẫn chỉ ở bờ bên đây mà thôi, chưa ra được giữa dòng hoặc chưa sang tới bờ bên kia. Vì thế, chúng ta lại phải tiếp tục vượt qua, lại phải tiếp tục chuyển hóa (yết đế trong kinh Bát Nhã), lại tiếp tục đi đến một giai đoạn khác, một chặng đường khác được gọi tên là viễn hành địa, ở đây Ý thức mới bắt đầu an trú thường trực trong nhị không chân như, tức là trong sự trong suốt về tính không của ngã và pháp, của cả chủ thể lẫn đối tượng. Khi Ý thức tiến tới địa này, khi ý thức chuyển hóa đến trạng thái này thì Ý Căn liền bị tách rời ra khỏi Tàng thức, không còn nhận Tàng Thức làm đối tượng, làm nơi nương tựa nữa. Bao nhiêu tà kiến về sự tồn tại của ngã giờ đây hoàn toàn bị tiêu tán, không còn bị vướng mắc, không còn chấp vào cái tôi nữa. Một khi những tâm bệnh của chúng ta đã được chuyển hóa, chúng ta sẽ có những sự nhận xét chính xác và tỉnh thức nhạy bén. Cái ly nước đục giờ đây đã trong, những năng lượng xấu (negative) đã được biến đổi, đã được chuyển hóa. Lúc đó tất cả thế giới hiện tượng sẽ được nhận biết qua bản tính như thị của chúng, như chúng là. Chúng không còn là sản phẩm của tâm vọng tưởng phân biệt nữa. Khi ý thức thực chứng được “cái biết không thực” của chính nó, khi ý thức hiểu thấu được thực tại cuối cùng của chính nó là không thì “cái biết” này được gọi tên là Diệu Quan Sát Trí (trí tuệ nhận biết nhiều khía cạnh, nhận biết toàn diện pháp giới). Trong gia đình Thiền Phật Diệu-Quan-Sát-Trí được tượng trưng là Đức Phật Amitabha, A-Di-Đà Phật, Vô-Lượng-Quang Như Lai. Ấn của Ngài là Thiền Aán. Trong Mạn đà la, Ngài ngự ở phương Tây, mang mầu đỏ chói, (Tây phương cực lạc, Tây phương tịnh độ, ý thức đã đi vào định, đã đi vào tịch nhiên vắng lặng, đã đi vào thanh tịnh tuyệt đối) chủng tử của Ngài là AH hay HRIH. (4)
* Thức thứ 7 - Ý căn : ý thức thường bị gián đoạn, đứt quãng như khi ngủ mơ, khi bất tỉnh... lúc đó nó không còn tính toán phân biệt gì nữa, nhưng nó không mất hẳn mà nó trở về cái gốc của nó là Ý Căn (còn được gọi là mạt na thức, căn thức, đệ thất thức, gốc của ý thức). Công năng của thức này là chấp Ta, lúc nào cũng bảo thủ cái ngã, lúc nào cũng qui về cái tôi, những hành động tự nhiên tự động, những phản ứng tự nhiên là do thức này điều khiển. Nó tượng trưng cho sự giầu sang, vừa ý, bành trướng thế lực, nên trong phương diện tích cực, đặc tính này vô cùng tự mãn, vô cùng viên mãn. Ta luôn luôn cảm thấy và tự cho ta là cái rốn của vũ trụ, luôn luôn bao trùm tất cả từ thế giới vật chất đến thế giới tâm linh, không ai có thể qua mặt ta được. Khi Ý thức chuyển thành Diệu Quan Sát Trí thì cũng là lúc Ý Căn chứng được cái-biết-không-thực của chính nó, chứng được cái trống rỗng của chính nó. Sự giác ngộ của “cái biết” này gọi là trí tuệ chấp nhận - Bình-Đẳng-Tánh-Trí. Diệu dụng của tuệ giác này là khả năng thấy được tính cách bình đẳng và đại hòa của vạn pháp rộng mở bao la để có thể hóa hiện tự do trong công tác độ sinh chia sẻ hòa đồng. Bình-Đẳng-Tánh-Trí được tượng trưng là Đức Phật Ratnasambhava, Bảo-Sanh-Như Lai. Trong tính cách giầu có, đầy đủ (vị có nhiều châu báu, đây là nguyên nhân xuất hiện Tam bảo trong cõi đời này: Phật, Pháp, Tăng) và nhìn mọi người, mọi vật bình đẳng như nhau, Ngài chia sẻ và mời gọi muôn loài chúng sinh cùng an hưởng. Trong mandala, Ngài ngự ở phương Nam, phương Nam tượng trưng cho mặt trời giữa trưa, mặt trời mang màu vàng chói đầy đủ sức nắng ấm chan hòa trên mọi cảnh vật. Ấn của Ngài là Bố Thí Aán, trong tư thế thiền định bàn tay phải của Ngài để trên đầu gối chân phải và chấm xuống đất, lòng bàn tay quay ra ngoài, năm ngón tay mở xòe ra để ban phát và chia sẻ. Chủng tử của Ngài là TRAM.
* Thức thứ 8 - Tàng thức : là cái kho để chứa đựng những “cái-chấp-ngã” muốn chứa, dưới dạng những chủng tử, cũng gọi là A-Lại-Da thức, vô thức hay đệ bát thức.
Sự chấp thủ chủ thể và đối tượng là những nhận thức sai lạc về ngã và pháp. Những nhận thức sai lạc này hoạt động như những pháp hiện hành, nhưng chúng có gốc rễ sâu xa ở Tàng thức. Trong lúc hoạt động, chúng vẫn tiếp tục được huân tập vào cái kho chứa này, vì vậy gốc rễ của chúng càng ngày càng vững mạnh hơn. Chừng nào chấp ngã, chấp pháp còn có tiềm lực ở Tàng thức chừng ấy chúng vẫn còn cơ hội phát hiện để hành động. Khi chúng đã bị tiêu diệt, chúng ta có thể thấy trong lúc thiền quán của mình có một cái gì mầu nhiệm mà chúng ta tưởng là chân như. Nhưng nếu cái gì đó mà còn được nhận thức như là một vật sở đắc, không được tự nhiên thì chúng ta vẫn còn chưa an trú trong chân như, vẫn còn đứng ở vòng ngoài mà nhìn vào, chưa phải là chính chân như. Trong chân như, không có chủ không có khách, không có sở đắc, không có người chứng ngộ cũng như đối tượng được chứng ngộ, không có Phật không có chúng sinh. Đó là “vô đắc, dĩ vô sở đắc cố” (không đắc, bởi không có cái gì để đắc) trong kinh Bát Nhã.
Vô phân biệt trí chỉ có thể chứng nghiệm khi sự phân biệt chủ thể và đối tượng không còn. Tuệ giác này không thể nghĩ bàn, bất khả tư nghì, nó là kết quả của sự tu sửa và thực tập, của sự dập tắt hoàn toàn chấp thủ, của sự phá vỡ tất cả những cái chấp có ta và chấp cái bị chấp. Được như vậy, chúng ta chứng được quả Chuyển Y (không phải có một cái qủa tên là chuyển y để chúng ta nhìn, nhưng tới đây chúng ta có thể hiểu và kinh nghiệm được có một cái gì đang biến chuyển trong tâm thức và trong cả cuộc sống của chúng ta, từ kinh nghiệm này chúng ta có thể đem áp dụng vào chính cuộc đời của chúng ta khi chúng ta đối diện với từng hoàn cảnh, chúng ta biết cách chuyển biến được sự kiện và có thể chia sẻ được với muôn loài chúng sinh). Chuyển có nghĩa là chuyển biến mọi ô nhiễm, ô trược, mọi nghiệp lực thành thanh tịnh, thành rỗng lặng. Y là những nguyên lý duyên sinh, căn cứ trên nguyên lý này chúng ta phá trừ những chấp ngã, chấp pháp và đạt đến sự thanh tịnh, đến chân như. Sự giải phóng của Tàng thức là sự chuyển bất tịnh thành tịnh. Cũng nên biết rằng tịnh và bất tịnh cùng trong một thực thể.
Trên đường đi tới giải thoát, Tàng thức thường bị Căn thức ràng buộc. Chỉ khi nào Căn thức nhìn ra được sự bình đẳng của sự vật thì Tàng thức mới ngưng đóng vai trò làm đối tượng, làm chỗ dựa cho Căn thức, nhưng ảnh hưởng của các ác nghiệp mà nó tàng chứa vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ, chưa hoàn toàn được thanh tẩy, phải đợi đến khi “cái-biết-chân-thực” được kết tụ và bền chắc như Kim Cương bất hoại nó mới được giải thoát ra khỏi hai loại chướng ngại : phiền não chướng và sở tri chướng. Sở tri chướng là chướng ngại của tri thức, chướng ngại của tri thức ở đây là chính tri thức, bởi vì nếu chúng ta bị kẹt trong một tri thức và cho tri thức đó là chân lý tuyệt đối (chấp pháp, cái-biết chấp cái-biết), chúng ta sẽ không đi xa hơn được trên con đường giải thoát, không yết đế được. Nếu tất cả các chủng tử đã được chuyển từ bất tịnh sang tịnh rồi thì Tàng thức sẽ được chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, tịch tịnh rỗng lặng như một tấm gương trong sáng tròn đầy, phản chiếu trọn vẹn tất cả mà không dính mắc với một sự vật nào, cũng không bị các sự vật ấy động chạm hay lay chuyển. Vì cái khả năng có thể đứng lặng sáng ngời phản chiếu trọn vẹn và vững bền đó nên được gọi tên như vậy. Trong gia đình thiền Phật trí tuệ này được tượng trưng là Đức Phật Asobya, Bất-Động-Quang Như Lai, Ngài ngự ở Phương Đông, Aán của Ngài là Súc Địa Aán, chủng tử HUM. Để biểu thị tính không nao núng của Ngài, Ngài ngồi trong tư thế kiết già đại định bàn tay phải ở đầu gối phải chạm đất, lòng bàn tay quay vào trong, diệu sắc thân của Ngài mang mầu trắng chói lọi, nổi bật trên nền trời xanh lơ thăm thẳm của diệu tâm - màu xanh lơ là mầu của Đức Đại Nhật Như Lai, Maha Vairocana - (sau 49 ngày nhập định ở gốc bồ đề, Phật Thích Ca ngộ đạo cũng ngồi trong tư thế này).
Trong 8 thức chỉ có thức thứ 7 (Căn thức) và 8 (Tàng thức) là tiếp nối không gián đoạn, còn các thức khác đều có thể gián đoạn - trong trường hợp ngủ, năm thức đầu không hoạt động và có thể cả ý thức nữa, nếu người ngủ không nằm mộng. Tàng thức vì vừa biến chuyển vừa liên tục nên được gọi là hằng chuyển (hằng là liên tục, chuyển là biến đổi). Hình bóng của Tàng thức là hình bóng của dòng sông, nước trong sông thay đổi luôn nhưng con sông vẫn liên tục.
Trong 8 thức, 5 thức đầu
giống như 5 anh làm công ở ngoài cửa tiệm chuyên tiếp xúc với khách (5
trần cảnh của 5 giác quan) , anh thứ 6 khôn lanh suy tính, kiểm soát, phân
biệt, phân loại, lựa chọn ...vv... anh thứ 7 là ngã si, ngã ái, chỉ biết chấp,
chấp ngã, chấp cái bị chấp, chấp pháp...vv... anh này đem cất tất cả vào kho
tàng thức, dưới dạng chủng tử, rồi từ cái kho tinh thần vô hình, vô tận đó, đưa
chủng tử các pháp ra khởi hiện hành, hoạt động. Chúng sinh bị trầm luân không
thoát ra khỏi biển sinh tử luân hồi được hoặc bị bế tắc trên con đường tu tập,
là cứ luẩn quẩn trong thức thứ 6 và thức thứ 7. Tu tập là cũng dùng hai thức
này, lấy gậy ông đập lưng ông, tu sửa thói hư tật xấu, thực tập những hạnh
nguyện tốt và thiền định chính là tạo ra những nguồn năng lượng tốt, tích cực
(positive), những chủng tử tốt để biến chuyển, để thay thế những nguồn năng
lượng xấu, tiêu cực (negative), những chủng tử xấu đang nằm trong căn thức và
tàng thức, cũng như ngăn ngừa những chủng tử xấu sắp đến. Thiền quán, như
phương pháp thanh tẩy quán Ngài Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) của mật tông là
để chuyển hóa những chủng tử xấu trong căn thức và tàng thức thành thanh tịnh,
trong sáng. Quán nhân-vô-ngã để phá trừ si mê chấp ngã, dứt phiền não chướng;
quán pháp-vô-ngã để trừ pháp chấp, dứt sở tri chướng (thực tại cuối cùng của
nhân và pháp cũng là không, không ở đây không phải là không của nhị nguyên
-không đối với có- mà là bản lai diện mục, chân tính, không tính của nhân và
pháp.)
Niết bàn là
sự dập tắt mọi vọng tưởng phân biệt. Niết bàn là tự thân thực tại, an nhiên tự
tại, là chân như. Con đường tu tập là con đường tự chiến thắng chính mình, là
con đường hủy diệt gốc rễ của sự chấp thủ vào chủ thể và đối tượng. Một người
mà không phá hủy được tận gốc rễ của cái “tôi”, của tham sân si và ngã mạn thì
làm sao có thể tiếp cận hòa nhập được với vĩnh cửu thường hằng. Buông xả là một
tiến trình phá hủy, tiêu hủy tam độc tham sân si và ngã chấp. Sống cởi mở, vị tha,
sống yêu thương muôn loài muôn vật là một tiến trình phá hủy tận cùng ngã aí. Càng
hủy diệt cái tôi bao nhiêu thì tâm từ bi càng hiển lộ bấy nhiêu, cho đến khi
Asanga (Vô Trước, một thánh tăng của Aán Độ sống vào thế kỷ thứ tư) biểu lộ
tình thương đến cùng độ là cúi xuống ôm hôn con chó ghẻ thì con chó ghẻ liền
biến thành Đức Di Lặc; khi bắt tay ôm hôn kẻ thù với một tấm lòng chân thành
yêu thương tha thứ thì chính kẻ thù biến thành người bạn thân thiết! Phá chấp
cho tới kỳ cùng thì sẽ hiểu được tính không. Nhưng hiểu là một chuyện mà sống
trong tính không lại là chuyện khác, giống như cái hiểu của Naropa về Phật pháp
trước khi gặp Tilopa và sau khi gặp Tilopa thật khác xa nhau. Milarepa, một bậc
thầy về thiền định, nói rằng: “ Khi thiền định con hãy nhìn thấu suốt vào không
gian,” nhìn thấu suốt là nhìn phá bỏ, nhìn gạt bỏ những gì có ở trong không
gian, những gì không phải là không gian thì không-gian-thật sẽ hiện ra (một ý
nghĩa huyền diệu khác của buông xả.)
Trong Mật tông có những phương pháp quán chủng tử, quán các vị Phật và chủng tử của các Ngài, những phương pháp này rất hữu hiệu, diệu dụng trong vấn đề chuyển hóa các nguồn năng lượng để hòa nhập vào Phật tính. Cũng có một phương pháp thiền định khác vô cùng hữu hiệu để nhận biết, để khám phá ra cái-biết-giả của các thức trình bày ở trên, đó là khi ngồi thiền chúng ta cứ ngồi yên mà không làm gì cả, thiền chỉ có một ý nghĩa đơn giản là hãy để tâm đi vào tình trạng an nhiên tự nhiên của chính nó. Chogyam Trungpa Rinpoche, một bậc thầy của Mật tông, nói: “ Trong lúc ngồi thiền, chúng ta có thể ngồi yên mà không làm gì cả, chỉ ngồi yên mà không làm gì cả. Chúng ta hãy ngưng tất cả mọi hoạt động, hãy ngưng vội vã, bồn chồn mà cứ ngồi yên. Hãy ngồi xuống và yên lặng! Chúng ta nên hãnh diện là chúng ta đã làm một công việc tuyệt vời trong cuộc sống là không làm gì cả.” Không nghĩ, không quán tưởng, không tham gia, không theo dõi, không không...vv...Hãy để tâm rỗng lặng như vậy, một thời gian sau chúng ta sẽ hiểu được cái diệu dụng tuyệt vời của nó và sẽ thấu hiểu được những thức nói ở trên đang diễn kịch trong sân khấu diệu tâm, như những đám mây đang lơ lửng trong bầu trời xanh (không gian trước mặt dầy đặc ô nhiễm mà cũng vắng lặng, thanh tịnh, trống không) cũng như sẽ hiểu được sự rộng mở trong sáng của Trí Huệ và Từ Bi. Lúc đó chúng ta mới thực sự cảm nghiệm được: đời là một trò chơi, tất cả đều là tuồng ảo hóa và chúng ta mỉm cười với chính chúng ta: vậy mà mình cứ tưởng là thật, vô duyên!!! (rất nhiều giai thoại kể rằng các vị thiền sư phá lên cười khi ngộ đạo, rất tự nhiên.)
Bản chất của cái-biết là trung tính (neutral) nên chúng có thể biến chuyển được cả hai chiều xấu thành tốt, tốt thành xấu, có nghĩa là chúng sinh có thể giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi mà cũng có thể bị trầm luân trong đó hoặc trở lại đó (tu nửa chừng, chưa bền chắc như kim cương, bất hoại.) Như vậy, có phải đi chùa thật nhiều, tụng kinh thật nhiều, cúng dường thật nhiều là sẽ được giải thoát? hay là ngồi thiền một thời gian thấy đời nhẹ tâng thoải mái rồi nghĩ rằng ta đã được giải thoát? Nếu nghĩ như vậy là ta bị mắc lừa rồi đó! Ai lừa ai? Chính tâm của ta lừa tâm ta, ta cần có sự tỉnh thức trong từng giây phút. Ngày xưa, Bồ Đề Đạt Ma gặp Lương Võ Đế, vua hỏi:
- Trẫm xây chùa thật
nhiều, in kinh độ tăng rất nhiều, như vậy có công đức gì không ? Bồ Đề Đạt Ma
trả lời:
- Không!
Đều không có công đức gì.
- Thế
nào mới là công đức?
- Trí
hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh. Bản thể phải tự nhiên trống vắng, như thế mới
là công đức. Công đức là ở nơi bản tính chứ không phải do nơi công nghiệp thế
gian (xây chùa, in kinh, đúc tượng...) mà cầu được.
Tu tâm, con đường thiền định với gia đình Thiền Phật, nếu chỉ học hỏi, nếu chỉ nghiên cứu, nếu chỉ tìm hiểu mà không thực hành thì đây chính là Duy Thức Học, cũng chỉ là một thứ chấp, duy, chấp pháp (sở tri chướng nói ở trên), cái chấp này vô cùng nguy hiểm, cái chấp này là vua trong các loại chấp, cái chấp này làm tiêu tan đi tất cả tiến trình tu tập và tiến trình hành thâm Đạo Pháp, nó ngăn cản sự chuyển hoá, nó ngăn cản sự giải thoát, nó ngăn cản tâm bồ đề, nó ngăn cản sự rộng mở, nó ngăn cản sự hòa hợp các tôn giáo, các giáo lý, các triết thuyết. Phật không có tông phái, không có bất cứ một thứ “duy” nào cả, phải hiểu rõ, tại sao lại có tông phái, tại sao lại có “duy”? (Không tính là nền tảng triết học của Trung quán, Tàng thức là tâm điểm triết học của Duy thức, hai nền triết học này bổ xung lẫn cho nhau, giải thích duyên sinh tính và vô ngã tính của hiện hữu, kỳ cùng của vấn đề cũng chỉ để hiểu Vô Tự Tính của vạn pháp).Từ bồ tát đến hàng chúng sinh thì có tông phái, có duy, có cứu độ, bồ tát phải hóa thân mới cứu độ được. Phật là Rỗng Lặng, Pháp Thân Phật là sự cứu độ tự nhiên, tự nhiên đã là cứu độ, đã là giải thoát. Cái tâm nhị nguyên, cái tâm bệnh hoạn ô nhiễm muốn được giải thoát, muốn được cứu độ chứ tâm bản nhiên đã chính là sự giải thoát miên viễn rồi.
Nếu thực sự hành thâm Đạo Pháp thì sẽ nhận ra được gia đình Thiền Phật cũng giống như gia đình của chúng ta, có cha mẹ anh em, họ hàng, bạn bè và xã hội mà chúng ta sinh hoạt chung với nhau mỗi ngày, mỗi người mang một sắc thái khác nhau, cá tính khác nhau mà chúng ta phải đối diện với, phải sinh hoạt với. Mỗi người chúng ta cũng phải đối diện với chính mình là cá tính, tính tình của chính mình (mandala -đạo tràng- bên ngoài và mandala nội tâm).
Sự liên hệ của Đức Đại Nhật Như Lai (Maha Vairocana) và đàn tràng bí mật của Ngài, trong gia đình Phật, Ngài ngồi ở trung tâm và 4 vị Phật ở 4 phương chính:
Đông (Asobya/A Súc Bệ
Phật)
Tây (Amitabha/A Di Đà
Phật)
Nam (Ratnasambhava/Bảo
Vương Phật)
Bắc (Amoghasiddhi/Bất-Không
Phật)
và 4 phương phụ là 4 góc với 4 vị Đại Bồ Tát:
Đông Nam (Vajradhara/ Chấp Kim
Cang hoặc Samantabhadra/Phổ Hiền/Dũng)
Tây Nam (Avalokiteshvara/Quan
Thế Aâm/Bi)
Tây Bắc (Manjushri/Văn Thù Sư
Lợi/Trí)
Đông Bắc (Maitreya/Di Lặc, Từ
Thị /đang thực hành thâm sâu đạo pháp để trở thành vị phật trong tương
lai)
cũng chính là sự liên hệ của mỗi người chúng ta với cái đàn tràng bí mật cá tính riêng biệt của mỗi người. Trong đời sống tu tập, hành giả phải sống với từng khía cạnh nhỏ nhất của ông ta qua chính cái bản tính bẩm sinh của ông ta. Đàn tràng bí mật của một hành giả là phải đối diện trong từng giây từng phút ở cuộc sống với chính những cá tính riêng biệt của hành giả: tham lam, sân hận ganh ghét, ngu si đần độn, ngã mạn kiêu ngạo, yêu thương, sợ hãi... vân vân...Hành giả phải chuyển hóa tất cả những nguồn năng lượng này, những nguồn năng lượng này không ở đâu xa mà ở ngay trong thân tâm của hành giả. Đây chính là những nguồn năng lượng bất tịnh, bốn loại phiền não đầy ô nhiễm cần phải thanh tẩy, cần phải chuyển hóa, càng chuyển hóa bao nhiêu thì sân hận ganh ghét càng trở thành từ bi bấy nhiêu, càng chuyển hóa bao nhiêu thì vô minh càng trở nên trong sáng, trí tuệ bấy nhiêu, càng buông xả bao nhiêu thì tâm ích kỷ, tâm kiêu căng càng trở nên cởi mở, bao la, rỗng lặng bấy nhiêu. Vì thế cần phải thực tập, cần phải chuyển hóa chính những năng lượng ô nhiễm đã tích tụ từ muôn ngàn kiếp ở trong thân tâm, đây chính là cái bản tính mang đầy nghiệp quả trong tâm thức của chúng ta. Trong 4 vị đại bồ tát thì Đức Di Lặc tượng trưng cho sự thực hành thâm sâu Đạo Pháp, khắp thế giới loài người chỗ nào cũng có bước chân của Ngài, tay cầm túi càn khôn, tay lần mala (xâu chuỗi) mật chú, miệng luôn mỉm cười với muôn loài chúng sinh và đặc biệt với lục tặc đang bám chặt vào Ngài, lục tặc chính là những tâm thức trình bày ở trên. Con đường tu tập, con đường thành phật, con đường giải thoát không có gì khác hơn là con đường tự chiến thắng chính mình, con đường thị hiện lòng từ bi, lòng Bồ Đề, con đường thanh tẩy những ô nhiễm trong tâm thức của chính mình, không phải của ai khác! Tiến trình, ba khía cạnh của con đường tu tập đến giác ngộ là Buông xả, Tâm bồ đề, Không tính. Phương pháp huyền diệu duy nhất cho cả ba lãnh vực này, nhất là hai lãnh vực đầu, chính là: Yết Đế, Yết Đế, Chuyển hóa tâm.
Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni là một tấm gương sáng chói chiến thắng chính tâm thức của Ngài (Sakyamuni = kẻ chiến thắng của dòng Sakya.) Tiểu sử tu tập của Ngài là chiếc bản đồ vô cùng qúi gía để chúng ta thực hành theo: (chìa khoá, điều kiện để thoát khổ)
1. Nhận thức cuộc
đời là đau khổ, nhận thức cuộc đời đầy ô nhiễm, bất tịnh.
2. Quyết
tâm đi tìm hiểu nguyên nhân của đau khổ, cũng là lúc bắt đầu bước chân vào cuộc
đời buông xả.
3. Phát Tâm
Bồ Đề (khi rời bỏ cung điện, trước khi chia tay với người đầy tớ dắt ngựa, Ngài
nói: “Ta làm việc này không phải vì ta mà vì chúng sinh.”)
4. Tìm thầy
học đạo, thiền định, tự chiến thắng chính mình (thực hành đạo pháp)
5. Tự mình
quay vào bên trong của chính mình (Ngài không bằng lòng với bất cứ một vị thầy
bên ngoài nào, một pháp môn ngoại tại nào) để tìm hiểu, tu tập. Kết qủa là trí tuệ
khởi phát, vô minh dần tan biến. Khổ là vì vô minh, khi hết vô minh là lúc Ngài
giác ngộ, là lúc toàn mãn, viên mãn, là lúc hạnh phúc, thanh tịnh, hết khổ, là
lúc chính kiến bùng phát, nhìn mọi hiện tượng như thị, như lai, không
tính.
Milarepa, con
người siêu việt, một đại hành gỉa của Tây Tạng ở thế kỷ 11, một đại phù thủy
mang rất nhiều tội lỗi, giết vô số người, đã biết hối hận, đã tự chiến thắng chính
mình để thành Phật. Hình ảnh Đức Di Lặc Bồ Tát, vị Phật trong tương lai, đang
thực hành Đạo Pháp để chiến thắng chính mình, đang thị hiện lòng từ bi (Từ Thị,
một tên khác của Đức Di lặc) để hoà nhập trong cuộc sống thường ngày của chính
Ngài là một tấm gương để chúng ta bắt chước mà thực
hành.
Bài viết Tu Tâm này (cái-biết-này) đến từ cái tâm rỗng lặng (bản thể) được thị hiện ra trên những trang giấy này (tướng thể), rồi sau khi đọc xong nó đem lại cho người đọc một sự biến chuyển nào đó trong tâm thức (dụng thể). Bài viết này nói nên sự làm việc của tâm, sự chuyển hóa, sự vận hành không ngừng nghỉ của tâm thức chúng ta và tiến trình chuyển hóa tâm thức của một hành gỉa trên con đường giải thoát, dù không làm gì cả tâm thức tự nó cũng luôn luôn chuyển dịch, duyên khởi tự chính nó theo nghiệp lực. Cái-biết-này nếu không tiếp tục biến chuyển đi như sự trôi chảy của dòng sông, mà dừng lại, mà cứng đọng lại thì nó sẽ trở nên một chướng ngại, giống như thức ăn không tiêu hóa thành máu huyết nuôi thân thì sẽ sình thối trong bao tử mà bị chết. Hãy để nó trôi chảy, hãy để nó trở về cái không rỗng lặng của nó, có nghĩa là phá chấp đến kỳ cùng, có nghĩa là giải thoát ngay cả sự giải thoát cuối cùng, có nghĩa là:
“Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.”
“Chuyển hóa, Chuyển hoá, Hãy chuyển hoá, Hãy chuyển hoá nữa đi, Niết bàn là ở đó.”
“Thực hành, Thực hành, Hãy thực hành, Hãy thực hành nữa đi, Trí huệ là ở đó.”
“Buông xả, Buông xả, Hãy buông xả, Hãy buông xả nữa đi, Từ Bi là ở đó, Tâm Bồ Đề là ở đó, Không Tính là ở đó.”
“TAYATHA OM GATE GATE PARAGATE PARASUMGATE BODHI SVAHA.”
OM AH HUM SHAKYAMUNI HUM
OM AH
HUM MANJUSHRI HUM
OM AH
HUM AVALOKITESHVARA HUM
OM AH
HUM VAJRADHARA HUM
OM AH
HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM
OM MANI
PADME HUM
OM AH
HUM MAITREYA HUM
OM AH HUM
Để nói lên tính cách viên mãn của sự giác ngộ, hình ảnh thõng tay đi vào chợ trong “Thập ngưu đồ” của thiền tông, người viết xin lặp lại lời dậy bảo của Sahara, một thánh sư của mật thừa, ngài nói:
“ Người nào không thưởng thức các giác quan đã thanh tịnh mà chỉ thực hành Tính Không thì cũng giống như con chim bay lên từ một chiếc tàu, cứ bay vòng vòng rồi lại đậu xuống tàu.”
Vô Huệ Nguyên
Chú thích:
(1) Phạm Công Thiện, Nét đẹp tinh túy trong sáng của đạo lý Phật giáo.
(2) Ngôn ngữ là
một trong ba cửa ngõ (tam mật) để đi từ hiện tượng giới vào kim cang giới hay
ngược lại; để đi từ vô minh đến trí tuệ hay ngược lại; để tạo nghiệp hay xóa
nghiệp ...vv... Ba cửa ngõ là: thân, khẩu và ý.
* Thân: thân xác hay tất cả những hành động từ thân xác, của thân xác và thuộc về
thân xác (đưa tay đánh một người là tạo một hành động xấu từ thân xác, đưa tay
vuốt ve an ủi một người bị khổ đau là tạo một hành động tốt từ thân xác.Chắp
tay lạy Phật là hành động tốt, ngồi thiền là để thanh tịnh thân tâm).
* Khẩu: âm thanh, ngôn ngữ, văn chương, nhạc hay tất cả những phương tiện thuộc
về truyền thông (nói xấu một người là tạo một nghiệp xấu, nói lời chân thành là
tạo một nghiệp tốt, viết một bài văn đả kích với ác ý, không đúng sự thật là
tạo nghiệp xấu, viết một bài văn xây dựng có tính cách hướng thiện là tạo một
nghiệp tốt. Tụng kinh, niệm thần chú là để thanh tịnh khẩu...).
* Ý: ý tưởng hay tất cả những gì phát khởi ra từ tâm thức (ước cho người đó bị
điều không tốt là tạo nghiệp xấu qua ý; ước cho chúng sinh được an lạc là tạo
nghiệp tốt. Quán tưởng, tưởng tượng chủng tử, thầy, bồ tát, phật trên đỉnh đầu
là để thanh tịnh ý hoặc dùng ý để hòa nhập vào đối tượng....). Nghiệp có nghiệp
tốt và nghiệp xấu, nghiệp nào cũng được ghi nhận vào tàng thức dưới dạng chủng
tử, nghiệp đã được tạo ra thì hậu qủa của nó sẽ trở lại tùy theo nặng nhẹ, sâu
đậm, ít nhiều...vv... Đại nguyện (nguyện lực) của chư Bồ Tát cũng chính là
nghiệp lực cứu độ chúng sinh của các Ngài, sự tái sinh của các lạt ma là sự thị
hiện của nguyện lực, nghiệp lực cứu độ của các Ngài.
Tu tập
bằng bất cứ phương tiện nào, dù tiểu thừa, đại thừa hay mật thừa cũng phải đi
qua 3 cửa ngõ này, nhất là mật thừa lại càng dùng 3 cửa ngõ này nhiều hơn nữa. Một
người dù theo bất cứ một tôn giáo nào cũng phải đi qua 3 cửa ngõ này để đạt
cảnh thanh tịnh an lạc (thiên đàng, niết bàn) hay cũng vì ba cửa này mà lâm vào
cảnh trầm luân đau khổ (hỏa ngục, địa ngục). Cũng thế, chúa, phật, trời, thánh,
thần, qủi ma... khi đến với con người cũng đi qua ba cửa ngõ này, có một phép
lạ nào mà không thị hiện qua thân, khẩu hoặc ý? Vì thế thân khẩu ý vô cùng quan
trọng trong vấn đề tu tập, thiền định, chuyển hóa.
(3) Thập địa là
10 trạng thái,10 cảnh giới (stages) mà một người thiền định thường trải qua
trên con đường tu tập, có khi cả 10 trạng thái này đều xẩy ra trong một phút
thiền, trong một ngày, trong từng giai đoạn hay trong nhiều kiếp, mười địa là:
1. Hỉ địa (land of joy): người tu tập hoan hỉ bước chân vào con đường tu
tập dẫn đến quả vị phật
2. Tinh khiết địa (land of purity): với ý chí, người tu tập chuyên cần thực
tập thanh tẩy thân tâm để đi vào con đường tu tập và thiền định
3. Phát quang địa (land of radiance): vì buông xả tam độc tham sân si,
trí huệ bắt đầu ló dạng, người tu tập hiểu được lý vô thường.
4. Hỏa thiêu địa (the blazing land): người tu tập thiêu hủy đi tất cả ý
niệm vô minh , phát huy trí huệ
5. Cực nan thắng địa (the land extremely difficult to conquer): người tu tập tiến
sâu vào con đường thiền định để phá tan tất cả nghi ngờ, thực sự thấu hiểu
tứ diệu đế và con đường giác ngộ
6. Hiện tiền địa (the land in view of wisdom): trong giai đoạn này người
tu tập thực sự thấu hiểu được sự hiện hành của các pháp, thế
nào là pháp như thị, như lai.
7. Viễn hành địa (the far-reaching land): tới đây hành giả bắt đầu an
trú thường trực trong tánh không
8. Bất động địa (the immovable land): tới đây người tu tập không còn bị
ảnh hưởng bởi bất cứ sự việc gì , sống an nhiên, cảm nghiệm được
con đường giải thoát, thế nào là tự do
9. Thiện huệ địa (the land of good thoughts): trí huệ được khai mở
toàn diện, người tu tập thấu hiểu bản tính của các pháp và
bắt đầu con đường độ sinh, đi giúp người.
10. Pháp vân địa (land of dharma clouds): người tu tập được ngồi chung với các vị phật và chia sẻ toàn diện pháp giới cùng các chư vị
phật.
(4) Trong 8 thức, thức này nguy hiểm nhất, rắc rối, lăng xăng nhất và hiện tại nhất, nên cần an tịnh, cần tịnh độ, con đường duy nhất để con người thoát khổ là quay vào bên trong, an tịnh ở bên trong, khi yên tịnh rồi chúng ta thực sự thấy được toàn diện của vấn đề, khi ý thức im bặt thì gọi là tịnh, định. Phật A-Di-Đà cai quản thái dương hệ của chúng ta, ý thức được coi như một quản lý viên của các thức. Chỉ cần thức này yên là chúng ta đã tiến một bước rất xa trên con đường giải thoát.
Sách tham khảo:
1. Journey
without goal của Chogyam Trungpa Rinpoche
2. Crazy wisdom của Chogyam Trungpa Rinpoche
3. The myth of freedom của Chogyam Trungpa Rinpoche
4. The Tantric Path of Purification của Lama Yeshe
5. Introduction to Tantra của Lama Yeshe
6. Foundation of Tibetan Mysticism của Lama A. Govinda
7. Lamp of Mahamudra của Tsele Natsok Rangdrol
8. Dzogchen, The self-perfected State của Chogyal Namkhai Norbu
9. The Hundred Thousand Song of Milarepa của Garma C.C. Chang
10. Mật tông Đại thừa của Nghiêm Xuân Hồng
11. Cuốn sách quan trọng nhất : CUỘC ĐỜI CHƯ PHẬT, CHƯ
BỒ TÁT và CUỘC ĐỜI CHÍNH MÌNH của mỗi hành giả
“ CON XIN HỒI HƯỚNG TẤT CẢ CÔNG ĐỨC NÀY ĐẾN MUÔN VÀN CHÚNG SINH TRONG MƯỜI PHƯƠNG PHẬT VÀ MƯỜI PHƯƠNG BỒ TÁT, CON KHÔNG GIỮ LẠI MỘT CHÚT GÌ CHO RIÊNG CON.