Thư Viện Hoa Sen

Tôi Đi Học Thiền Với Thầy S.n. Goenka

28/08/201212:00 SA(Xem: 52634)
Tôi Đi Học Thiền Với Thầy S.n. Goenka

TÔI ĐI HỌC THIỀN
VỚI THẦY S.N. GOENKA
Đạm My
Kính dâng hương linh ba má nhân ngày hiệp kỵ 1/09/2012

toidihocthien1Nhiều năm, trước khi tìm đến học ở “trường thiền Goenka” (chữ tôi dùng để gọi các trung tâm trên thế giới quảng bá phương pháp dạy thiền của Thầy Goenka), tôi đã có cơ hội làm quen với thiền quán, hay còn gọi là thiền minh sát (Vipassana). Số là nơi tôi ở (thành phố Montreal, bang Quebec, nước Canada) có 1 chùa Phật giáo Nguyên Thủy (hay còn gọi là Phật giáo Nam Tông). Mỗi năm chùa tổ chức 1, 2 khóa thiền minh sát 10 ngày và mời các vị thiền sư Việt Nam, Miến Điện các nơi về dạy. Vì nhà tôi không xa chùa lắm nên hầu hết các khóa thiền ở đó tôi đều có tham dự. Tuy nhiên, vì ở gần chùa, lại thêm chùa không bắt buộc thiền sinh phải theo suốt khóa, tôi thường tham dự theo kiểu “tùy nghi”: nội trú cuối tuần, bán trú đầu tuần, giữa tuần thì ba hồi đến, bốn hồi đi v.v.

Thời gian giữa các khóa học này, ở nhà tôi cũng cố gắng hành thiền gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, theo ý kiến của các bạn tôi, những người đã có kinh nghiệm hành thiền lâu năm, chỉ trong khuôn khổ một khóa thiền “tích cực” (kéo dài tối thiểu 10 ngày), hành giả - với ý chí thành thật muốn tu tập - mới hy vọng có những bước tiến bộ trong việc hành thiền của mình.

Để làm được việc đó, họ khuyên tôi nên ghi tên học ở một nơi không gần nhà lắm – để tránh kiểu “đi đi về về” như tôi đã từng làm trong các khóa thiền ở chùa mà theo họ, lý do của nó là vì tôi ở quá gần chùa (từ nhà đến chùa trung bình chỉ mất khoảng 25 phút bằng đường xe hơi) - và nhất là ở đó phải có chế độ kỷ luật gắt gao đối với thiền sinh.

Mặc dù bản tánh là người không ưa sống trong khuôn khổ, trong kỷ luật gò bó, không hiểu sao khi nghe bạn bè đề cao chế độ kỷ luật ở các trường thiền Goenka, mà theo họ là rất nghiêm ngặt, tôi lại cảm thấy rất muốn đến tu học ở đó. Tôi nghĩ, có lẽ vì tôi muốn thử xem ý chí muốn tu tậpbản tánh ngấm ngầm luôn muốn “phá rào”, “phá lệ”, cái nào mạnh hơn!

Ngày nọ, qua một chị bạn, tôi được biết ở Trung tâm thiền Goenka ở Barrie ( Ontario Vipassana Meditation Center), sẽ có 1 khóa thiền song ngữ Anh-Việt được tổ chức vào mùa xuân năm sau, nghĩa là chỉ sau đó 5 tháng. Chị ấy cho biết chị và một vài người bạn Việt Nam khác đã ghi tên tham dự.

Tôi rất vui mừng khi nghe tin ấy! Không phải vì đây là khóa thiền Anh-Việt (bởi vì tôi tin rằng, với vốn liếng Anh ngữ của mình, tôi có thể hiểu các bài giảng mà không cần có người dịch) mà là vì Barrie (bang Ontario) cách nơi tôi ở tương đối không xa lắm. Vả lại, có bạn bè cùng đi chung thì càng bớt bỡ ngỡ buổi đầu, nhất là được cùng đi với chị bạn đã từng học ở trung tâm này vài khóa trước.

Thế là tôi ghi tên và được nhận.

“Bút sa gà chết”

Tôi chẳng hiểu xuất xứ từ đâu có câu thành ngữ này, tuy nhiên hiểu được ý nghĩa nôm na của nó: đó là, đã đặt bút xuống ký giao kèo thì phải tôn trọng những điều khoản trong tờ giao kèo!

Ngay sau khi đặt chân lên vùng …”đất Thánh” (chữ tôi dùng vui ám chỉ Trung tâm thiền Goenka), việc đầu tiên thiền sinh phải làm là ký vào tờ giấy trong đó ghi các điều lệ kỷ luật trong thời gian khóa thiền mà một thiền sinh phải tuyệt đối tuân theo.

Phải tôn trọng thời khóa biểu sinh hoạt là một trong những kỷ luật đề ra. Theo đó, mỗi ngày tu học được bắt đầu từ 4 giờ sáng và chấm dứt vào 10 giờ tối. Giữa 2 giờ đó, ngoài thì giờ ăn uống, nghỉ ngơi, nghe pháp thoại, thiền sinh có 12 tiếng để hành thiền!

Bên cạnh các điều khoản khác, “tờ giao kèo” còn nhấn mạnhthiền sinh phải tuyệt đối giữ im lặng, không nói chuyện với nhau dù chỉ bằng ánh mắt, bằng động tác “ra dấu”, bằng cách viết trên giấy…

Liên tưởng đến bản tánh ưa “phá rào” của mình, trước khi đặt bút xuống ký trên tờ giấy, tôi nhẩm thầm trong đầu như để nhắc nhở, răn đe mình: “Bút sa gà chết!”

“Không đến nỗi tệ!”

Theo qui định, 2 tiếng hành thiền đầu tiên của ngày – từ 4 giờ 30 sáng đến 6 giờ 30 sáng- thiền sinh có thể ngồi thiền trong phòng ngủ của mình, không bắt buộc phải ra thiền đường ngồi chung với những thiền sinh khác.

Tuy nhiên, ngại rằng ở một mình sẽ có khuynh hướng “dễ duôi”, tôi ra thiền đường từ 4 giờ rưỡi. Hai thầy cô thiền sư phụ tá người Việt, một nam, một nữ, cũng có mặt ở đó, họ ngồi đối diện với chúng tôi trong hai tọa cụ đặc biệt dành riêng cho các vị thầy hướng dẫn.

Mỗi ngày, vào các giờ mà tất cả thiền sinh bắt buộc phải có mặt ở thiền đường, khi ai nấy đã ngồi yên ở chỗ ngồi của mình, vị thầy hướng dẫn bắt đầu mở dĩa CD cho chúng tôi nghe những lời chỉ dẫn của Thầy Goenka đã được thâu sẵn. Sau mỗi đoạn chỉ dẫn bằng tiếng Anh của Thầy là phần dịch sang tiếng Việt, tiếng người dịch là một giọng nam, rất rõ ràng và trầm ấm dễ nghe.

Thế rồi, giờ này kế tiếp giờ nọ, ngày tu học đầu tiên của chúng tôi trôi qua khá nhanh trong sự ngạc nhiên có pha chút tự hào của tôi! “Không đến nỗi tệ”, tôi tự đánh giá mình! Cảm thấy phấn chấn và tự tin hơn, tôi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ của đêm thứ hai trên vùng “đất Thánh”…

“Kính thưa thầy Goenka…“

Thế nhưng, khi thức dậy vào 4 giờ sáng hôm sau, những gì tôi cảm thấy trong thân tâm đều khác xa với những gì tôi cảm thấy đêm qua trước khi đi ngủ: toàn thân tôi chỗ nào cũng ê ẩm, nhức nhối, đến nỗi lúc đầu tôi không dám nhúc nhích tí xíu nào.

Nằm yên bất động trên giường, trong đầu tôi khởi lên bao nhiêu ý tưởng lo lắng và hoang mang: tôi đã ngồi không đúng vị thế chăng? Tôi đã làm quá sức của mình? Ngày hôm nay tôi có đủ sức lên thiền đường ngồi thiền chung như thời khóa biểu qui định không? Nếu cần có những điều chỉnh thì phải điều chỉnh những gì? V.v.

Không lên thiền đường lúc 4 giờ rưỡi như sáng hôm qua, tôi trải bồ đoàn ngồi thiền trong phòng. Nói ngồi thiền nhưng thật ra là tôi ngồi lan man nghĩ đến…Thầy Goenka! Tưởng tượng khuôn mặt của Thầy trong đầu, tôi nói thầm: “Kính thưa Thầy Goenka quí mến, con không biết giờ này Thầy đang ở đâu? Con cũng không nhớ ở đâu người ta có nói là Thầy còn sống hay đã về cõi Phật? Mà giả dụ như Thầy còn sống hay đã đi về cõi nào, không biết Thầy có nghe được những lời nói thầm này của con không… Thưa Thầy, bao lâu nay giờ đây con mới có đủ duyên lành để đến đây học với Thầy, thế mà cuối cùng con phải bỏ cuộc hay sao ? Có phải “ông Trời” muốn thử thách con không?”

“Nói chuyện” với Thầy Goenka được một lúc, sau đó tôi nằm duỗi tay chân trên giường, thư giãn một hồi rồi bắt đầu lấy hai tay xoa bóp mỗi ống chân. Hết ống chân lên đến đùi. Hết đùi lên mông. Khi mấy ngón tay đã mỏi, tôi nắm bàn tay lại và chà xát cơ thể bằng mu bàn tay. Khi cả 2 bàn tay trong ngoài đều mỏi, tôi dùng gót chân trái xoa trên dưới bàn chân phải, gót chân phải xoa trên dưới bàn chân trái…Cứ thế, miên man một hồi thì chuông gọi báo đã đến giờ ăn sáng..

Kỳ diệu thay, sau khi ăn sáng xong trở về phòng, trong khi nghỉ ngơi chờ đến giờ trở lại thiền đường, tôi thấy những cảm giác đau nhức từ từ biến mất! À, thì ra nỗ lực xoa bóp khẩn trương của tôi có khác gì một liều thần dược!

Đến chiều tối, khi ngồi nghe pháp thoại, tôi không khỏi mỉm cười thú vị khi Thầy Goenka cho biết: bình thường, ngày thứ hai của khóa tu là ngày có nhiều thiền sinh muốn bỏ cuộc nhất! A, phải chăng họ muốn bỏ cuộc vì cơ thể quá đau nhức như tôi sáng nay? Mặc dù chưa đến nỗi muốn bỏ cuộc nhưng sáng nay tinh thần của tôi cũng “xuống” lắm.

Thầy không giải thích lý do vì sao nhưng phần tôi, không muốn phải bỏ cuộc vì cơ thể bị đau nhức, để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mấy ngày sau đó tôi đều áp dụng “liều thần dược” vài phút vào các khoảng thời gian được nghỉ!

Một khám phá thú vị

Cũng nhờ cơn “chấn động” thân tâm vào hồi sáng nay mà tôi khám phá ra được điều thú vị này, đó là: được nghe buổi pháp thoại bằng tiếng Việt vào mỗi tối!

Số là, như tôi đã nói, tôi ghi tên tham dự khóa thiền này không phải vì nó là khóa thiền song ngữ Anh-Việt, rằng vốn liếng tiếng Anh của tôi sẽ đủ bảo đảm cho tôi theo học một khóa học được giảng duy nhất bằng tiếng Anh.

Vì nghĩ vậy nên ngày đầu tiên, tôi chọn ở lại thiền đường để nghe Thầy Goenka giảng pháp bằng tiếng Anh, không có phần thông dịch, thay vì phải di chuyển một đoạn đường gần 100 thước để vào phòng ăn của thiền sinh nam, nơi chị quản lý mở cho thiền sinh Việt Nam nghe dĩa CD thâu lời dịch bài giảng của Thầy.

Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, khí trời bỗng nhiên trở nên nóng ẩm và ngột ngạt, trong khi ngồi thiềnthiền đường chờ đến giờ nghe pháp, tôi cảm thấy nóng lòng muốn thời gian trôi mau để được đứng dậy bước ra bên ngoài một lát. Trong khi khoan khoái thả bộ lui tới trên khoảnh đất bên cạnh thiền đường, tôi bỗng liên tưởng đến cơn đau nhức sáng nay. Tôi nghĩ có lẽ ngồi suốt 12 tiếng – mặc dù có những khoảng thời gian nghỉ ngơi xen kẽ - dù sao cũng hơi “quá tải” đối với “tấm thân già” này, mặc dù trong ngày, vào các giờ nghỉ, tôi đã tranh thủ xử dụng “liều thần dược” với niềm hy vọng vào lúc thức dậy sáng mai, cơn “chấn động” đau nhức cơ thể sẽ không trở lại nữa.

Vừa suy nghĩ đến đây thì tiếng chuông reo báo hiệu đã đến giờ nghe pháp. Thay vì trở vào thiền đường để nghe pháp như tối hôm trước, tôi tiếp tục bước theo chân đoàn thiền sinh Việt Nam hướng về ngôi nhà ăn , có lẽ vì tôi muốn kéo dài thêm chút nữa thời gian thả bộ để thư giãn cơ thể.

Vào bên trong phòng ăn, sau khi chúng tôi, nam ngồi theo nam, nữ ngồi theo nữ, chị quản lý tiến vào với chiếc máy phát thanh trên tay, và hầu như không muốn để phí mất 1 phút nào, chị mở ngay băng CD cho chúng tôi nghe.

Phải nói đây là giây phút tuyệt vời nhất trong ngày của tôi! Cả ngày ngồi xếp bằng trên tọa cụ, bây giờ được ngồi thư giản trên ghế: đó là sự tuyệt vời thứ nhất! Nội dung bài giảng của Thầy Goenka - đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối - là sự tuyệt vời thứ hai! Giọng đọc truyền cảm, thu hút người nghe từ giây phút đầu đến giây phút cuối: sự tuyệt vời thứ ba! Và, sự tuyệt vời thứ tư: tôi được tập trung tư tưởng hoàn toàn vào ý nghĩa từng lời giảng dạy của Thầy mà không cần bỏ ra chút xíu nỗ lực nào để hiểu một số chữ và cụm từ Anh ngữ có tính thuật ngữ trong giáo lý nhà Phật - một đòi hỏi sẽ quá sức nặng nề cho tôi vào lúc cuối ngày, khi cơ thể đã bắt đầu thấm mệt sau gần 10 tiếng trước đó chú tâm hành thiền.

Ôi, càng nghĩ tôi càng thấy mình thật là may mắn được có duyên lành theo học khóa thiền song ngữ Anh-Việt này. 

Thế nhưng, “Gà vẫn chưa chết hẳn”

Tưởng rằng “bút sa gà chết” nhưng thực ra mấy ngày đầu gà vẫn chưa chết hoàn toàn! Đó là tôi vẫn ngấm ngầm phá “hàng rào” kỹ luật cấm nói chuyện! Nói bằng lời, cười bằng mắt, nói bằng mắt, cười bằng miệng… đủ kiểu! Tưởng rằng mình làm kín đáo, tuy nói bằng lời nhưng cũng chỉ thì thào vài tiếng không ai nghe, ngờ đâu “phạm nhân” đã bị bắt gặp quả tang (quả tang nhưng “phạm nhân” hoàn toàn không hay biết). Và, dĩ nhiên, “vụ việc” được báo cáo lên “cấp trên”!

“Cấp trên” - vị quản lý nhóm thiền sinh nữ - nơi vùng “đất Thánh” rỏ ràng cũng khác hẳn với “cấp trên” ở chốn phàm trần: chị “nhắc nhở” tôi bằng giọng nói thật nhẹ nhàng và cử chỉ thật tế nhị đến nỗi người “được nhắc nhở” cảm thấy gần gủi và quí mến chị nhiều hơn trước!

Mặc dầu không ai đòi hỏi, sau khi “được nhắc nhở”, “phạm nhân” đã bỏ ra vài phút tự quán chiếu bản thân, và rồi, tự đánh giá: chỉ vì cái bẩm tánh ưa “giởn mặt chính quyền” đã trở thành “bệnh di căn” khó chữa, chứ “phạm nhân” bình thường là người ít nói chứ không phải là người thích nói!

Sau khi “biến cố phá rào” bị thất bại, tôi càng tinh tấn hơn trước và, có thể vì thế, việc hành thiền cũng được tốt đẹp hơn! “Phải chăng nổ lực này xuất phát từ ý muốn làm một điều gì đó để bù đắp cho việc làm nông nỗi của mình?”, tôi tự vấn mình. Và tôi tự trả lời: “Có thể!”

Không “có thể” sao được, khi mỗi lần hình dung ra trước mắt cử chỉ nhẹ nhàng, nét mặt từ ái của những người trong “đội ngũ” servers (những người phục vụ) của trường thiền là mỗi lần tôi cảm thấy hổ thẹn vì đã cố tình “vi phạm luật lệ nhà nước”!

Servers chỉ là những thiền sinh đi trước, được hưởng lợi lạc từ sự hành thiền mang lại, họ muốn chia sẻ nó với những người khác bằng cách tình nguyện cống hiến một phần thì giờnăng lực của mình để giúp đỡ những thiền sinh đi sau như chúng tôi. Họ chăm chút quan tâm và nổ lực hết lòng để đáp ứng những nhu cầu cho dù nhỏ nhặt nhất của chúng tôi. Họ không đòi hỏi chúng tôi phải làm bất cứ công việc gì khác hơn là việc nghiêm túc hành thiền trong suốt thời gian của khóa học.

Tuy nhiên, sau này nghĩ lại, tôi tin là vì cả hai lý do: muốn làm một việc thiệnmặc cảm ăn năn, nhưng đồng thời cũng là vì tôi cảm thấy thích thú trong khi thực hành phương pháp “quán chiếu cảm giác” mà Thầy Goenka vừa truyền dạy cho. Nhờ áp dụng cách nhìn soi rọi vào chỗ đau nhức trên cơ thể mỗi lúc, tôi có thể ngồi lâu trên 2 tiếng mà không cần thay đổi tư thế.

Cuối cùng, để kết thúc bài bút ký này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một kinh nghiệmtính cách rất riêng tư, một kinh nghiệm nghe ra có vẻ rất nhỏ nhít và buồn cười đối với người khác nhưng không nhỏ nhít đối với tôi, bởi vì cho đến bây giờ, khi ngồi viết những giòng chữ này, nghĩa là đả gần 3 tháng trôi qua, nó vẫn còn tiếp tục tác động lên tâm thức tôi.

toidihocthien2Số là, từ những ngày đầu tiên sau khi đặt chân lên vùng “đất Thánh”, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ khi nhận thấy trong số thiền sinh tham dự, kể cả thiền sinh “cũ” và “mới”, tỷ lệ thành phần trẻ rất cao, có thể nói là hết một nửa ở giữa lứa tuổi từ 18 đến 30, 35! Điều này gây ấn tượng mạnh cho tôi, một người tự xem mình là một Phật tử từ thưở nào không nhớ nổi, quan niệm sự tu tập thiền là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh…, thế mà đến nay, bước vào tuổi hưu trí, tôi mới bỡ ngỡ lần đầu tiên bước chân đến tham dự một khóa tu thiền thực sự nghiêm túc như khóa thiền này.

Tôi tự hỏi, những người trẻ này, họ khởi sự hành thiền từ bao giờ mà sao khi đứng trước họ tôi cảm thấy mình thô tháo quá, ô trược quá! Họ đi đứng nhẹ nhàng, dáng vóc cao lớn khỏe mạnh, mặt mày thật là thanh tú xinh tươi. Tôi nhận ra rất đông trong số họ là những tình nguyện viên, những người trong đội ngũ servers của trung tâm thiền.

Buổi sáng, khi tôi ra đến thiền đường đúng 4 giờ rưởi thì họ đã có mặt trước đó rồi! Tất cả như đang chìm sâu trong thiền định, tĩnh lặng, uy nghi... Buổi tối, khi đa số thiền sinh đứng lên, từ từ bước ra khỏi thiền đường, kết thúc một ngày tu học thì họ vẫn tiếp tục ngồi đó, chìm sâu trong thiền định, tĩnh lặng, uy nghi…

 Nếu đây là vùng “đất Thánh” thì những thiền sinh trẻ này phải chăng là những vị “tiên nam”, “tiên nữ”? Những vị tiên với nhiều màu da khác nhau, văn hóa khác nhau…

Một hôm, sắp sửa đặt chân lên thềm cửa thiền đường, tôi thấy từ trong thiền đường nhẹ nhàng bước ra một vị “tiên nữ” dáng người mãnh dẻ, nét mặt hiền lành, bước đi từng bước dè dặt, hai mắt dán chặt vào 2 lòng bàn tay đang chụm lại phía trước. Thấy thế, tôi vội dừng chân nhường lối cho cô. Ra khỏi thiền đường vài bước, cô từ từ ngồi xuống bên vệ cỏ, làm một thoáng cử động giúp cho con nhện từ trong lòng bàn tay của cô rơi nhẹ vào bụi cỏ bên đường. Chờ cho nhện hoàn toàn biến mất cô mới chậm rãi đứng lên.

Một hình ảnh diễn ra không đầy một phút mà cho đến bây giờ vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác khá hỗn độn khởi lên trong tôi khi chứng kiến hình ảnh này.

Trước hết, tôi liên tưởng đến những con nhện đã chết dưới tay tôi! Dĩ nhiên, làm sao tôi nhớ được là bao nhiêu con! Chỉ biết là không phải ít, mặc dù tôi không bao giờ chủ động tìm chúng mà giết. Cũng không bao giờ giết chúng nơi nào khác hơn là bên trong nhà tôi khi tình cờ gặp chúng. 

Như một phản xạ, hễ thấy chúng là tôi phản ứng ngay: tìm mọi cách để giết! Bởi vì, tôi nghĩ, không giết thì chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, và rồi chẳng mấy chốc nhà tôi sẽ trở thành …ổ nhện! Mà nếu thế thì tôi sẽ …sống chung với nhện hay sao, trong khi tôi vô cùng sợ chúng.

Tuy nhiên, mỗi lần cố tình giết chết một con là mỗi lần tôi cảm thấy bực dọc, tức giận: giận con nhện đã ngu ngốc ló đầu ra cho tôi thấy nó, và giận tôi sao lại sợ nhện đến thế!

Có người khuyên tôi nên tìm cách đưa nhện ra bên ngoài - như “cô tiên” kia đã làm- nhưng vì quá sợ hãi mỗi lần thấy chúng, tôi không đủ bình tĩnh để làm việc đó.

Tôi tự hỏi cái gì đã làm cho “cô tiên” thương yêu con nhện như thế, trong khi thấy nó trong nhà là tôi vội vàng giết ngay? Tôi phải làm sao để thương yêu thay vì sợ hãi chúng?

Càng đặt nhiều câu hỏi tôi càng thấy sao mình ô trược quá, phàm tục, nặng nề quá…

Thế rồi, chỉ sau đó vài bữa, tôi lại được chứng kiến hình ảnh “cứu nhện” của một “cô tiên” khác ở gần một trong những ngôi nhà ngủ. Cũng với cử chỉ nhẹ nhàng đó, cẩn thận đó, chăm chút đó…

Trời ơi, đúng đây là vùng “đất Thánh” rồi! Và, có một kẻ phàm như tôi đang đi lạc vào đây!

Cảm thấy vô cùng xấu hổ và tự ti mặc cảm, bỗng dưng trong tâm tôi lúc đó khởi lên lời phát nguyện: “Nguyện cho tôi từ đây đến cuối đời có thể làm được một việc như các “cô tiên” này: thương yêu mấy con nhện, bảo vệ, không giết hại chúng!”

Tin vui

Thế là đã gần 3 tháng trôi qua kể từ ngày tôi rời khỏi trường thiền Goenka đầu tiên của tôi ở Barrie, Ontario. Khi suy nghĩ về những gì mà tôi đã “gặt hái” được sau 10 ngày tu học ở đó thì không hiểu sao, điều mà tôi nghĩ đến trước tiên chính là kinh nghiệm cuối cùng này.

Bởi vì, trong 3 tháng qua tôi đã làm được một việc mà trước đây tôi không bao giờ hình dung là mình có thể. Đó là : khi thấy xuất hiện trong nhà , không những nhện mà kể cả những côn trùng khác, nếu không tìm cách đưa chúng ra ngoài thì tôi cũng cố gắng tảng lờ như không thấy chúng! Mặc dù không phải lúc nào cũng thành công trong những cố gắng của mình, nhưng điều quan trọng đối với tôi là trong khi làm những cử chỉ đó, tôi đã làm tương đối dễ dàng chứ không cần phải cố gắng đè nén những bức xúc, sân hận trong tâm.

Cái gì đã có sức mạnh chuyển hóa tôi, đã như làn nước mát dội vào đúng lúc những hừng khí sân hận nổi lên trong tôi mỗi lần trông thấy dáng dấp “kỳ dị” của những con côn trùng bé nhỏ? Câu trả lời của tôi là: chính hình ảnh từ ái của hai “cô tiên” trong khi cứu nhện ở trường thiền cách đây 3 tháng đã có oai lực chuyển hóa tôi!

Hình ảnh từ ái đối với côn trùng, động vật, của biết bao “cô tiên”, “bà tiên”, “ông tiên”, tôi đã từng trông thấy trước đây trên màn ảnh, trong cuộc sống ngoài đời, tại sao hình ảnh hai “cô tiên” cứu nhện ở trường thiền lại có năng lực chuyển hóa tôi như thế?

Câu hỏi này tôi tự đặt ra và đã tìm thấy câu trả lời: đó là ý nghĩa của hai chữ “nhân duyên” trong nhà Phật! Có đủ mọi nhân duyên thì có sự thành tựu! Và, tôi nghĩ, những nhân duyên đó chắc chắn không thể thiếu sự kiện: tôi đã trông thấy hình ảnh của hai “cô tiên” trong những ngày tu học khá miên mật, khi tâm thức tôi đã bớt nhiều lao xao.

Vài lời cảm tạ

Cho tất cả những kinh nghiệm tuyệt vời mà tôi đã trải qua, xin thành kính cám ơn:

- Thầy Goenka vĩ đại,

- Hai vị thiền sư phụ tá quí mến

Xin cám ơn những con người cao cả trong đội ngũ tình nguyện viên ở Ontario Vipassana Meditation Center đã tận tình giúp đỡ chúng tôi trong suốt 10 ngày tu học.

Xin cám ơn hai “cô tiên”.

Xin cám ơn những người bạn thân mến của tôi, những người đã khuyến khích, thúc giục và hướng dẫn tôi ghi tên tham dự khóa thiền.

Nguyện cho tất cả chúng sanh đều được an vui hạnh phúc!

Đạm My


Tạo bài viết
06/07/2016(Xem: 5813)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: