VƯỢT KHỎI GIÁO ĐIỀU (BEYOND DOGMA)
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14
Việt Dịch: Tâm Hà Lê Công Đa
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2010
NHỮNG QUÁN TƯỞNG VỀ TÂN THIÊN NIÊN KỶ
NHỮNG SUY NGHĨ VỀ XÃ HỘI HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI CỦA THẾ GIỚI
Thưa Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài có ưu điểm là đang sống gần gũi với cả hai giá trị Tây phương lẫn Đông phương, một bên được gọi là những xã hội tiện nghi hưởng thụ còn một bên là những xã hội mang tính bảo thủ truyền thống. Cả hai hiện đang ở giữa một cuộc khủng hoảng đạo đức chưa từng thấy. Xin được nghe ý kiến của Ngài về vấn đề này mà chúng tôi nghĩ là những lời khuyên sẽ mang đến rất nhiều lợi lạc. Chúng tôi cũng rất muốn biết cảm tưởng của Ngài về tương lai của thế giới mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên trước tiên, nếu có thể được, xin Ngài vui lòng phác thảo ra những nét chính về triết học Phật giáo để chúng tôi dễ dàng trong việc theo dỏi dòng tư tưởng của Ngài.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình là người có khả năng đưa ra những lời khuyên bảo có thể giúp cho những ai đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cho mình một giải pháp thoát khỏi những khổ đau tinh thần hay bất cứ những khổ đau nào khác. Ngay chính bản thân tôi, đôi khi cũng cảm thấy mình hoang mang, băn khoăn, lo lắng kể cả những lúc chính mình phải trực diện với những xung đột nội tâm. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau chia xẻ những quan điểm khác biệt cũng như những kinh nghiệm cá nhân đa dạng cuả chúng ta.
Tôi thường có thói quen nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hạnh phúc và sự thành đạt, mà tôi tin rằng đó chính là cứu cánh của đời người. Thí dụ,ï một người tự chọn bước vào một cuộc hành trình tâm linh bằng tất cả nỗ lực phi thường, thách đố mọi khó khăn gian khổ không phải chỉ với một mục đích đơn giản là để được trở thành một kẻ tử vì đạo, mà chắc chắn là họ hy vọng tìm kiếm cho mình một niềm hạnh phúc lâu dài. Để đạt được mục đích này, họ có thể đã không thèm quan tâm tới những phúc lợi cá nhân trong đời sống hiện tại. Cho nên theo tôi, cách thức mà chúng ta suy nghĩ rất là quan trọng trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Chính thái độ tinh thần cuả chúng ta mới là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc kiếm tìm hạnh phúc.
Quán chiếu và phân tích sự việc một cách có luận lý sẽ giúp chúng ta phát triển một lối tư duy đúng đắn. Nếu tâm hồn chúng ta càng rộng mở càng thư giản chừng nào, chúng ta sẽ càng dễ dàng có một cái nhìn chính xác về sự vật chừng ấy. Nó cho ta hai lợi điểm. Nếu ta để cho tâm hồn ta mở ngỏ, trước tiên nó sẽ làm cho ta thanh thản, thoải mái với chính mình. Và như vậy, một khi tầm nhìn của chúng ta không còn bị hạn chế, ta sẽ rất dễ dàng tìm ra cho mình những giải đáp trước những vấn nạn, khó khăn.
Chúng ta là những con người sống trên trái đất này cùng với vô vàn những con người khác, hạnh phúc của chúng ta quan hệ mật thiết với hạnh phúc của đồng loại. Thật khó mà tưởng tượng nổi rằng hạnh phúc của cá nhân tách rời, không lệ thuộc với hạnh phúc của người khác. Cho nên một điều chắc chắn rằng nếu chúng ta khát khao hạnh phúc cho chính mình, chúng ta cũng phải quan tâm một cách sâu xa đến hạnh phúc của toàn thể nhân loại. Đó là lý do tại sao tôi thường hay nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc triển khai mộït ý thức trách nhiệm phổ quát cho tương lai.
Trong tôn giáo của chúng ta, trong những lời nguyện cầu của chúng ta thường hay nói đến “phúc lợi của toàn thể nhân loại” hoặc “hạnh phúc của con người”. Thế nhưng khi tôi nói đến sự cần thiết của một trách nhiệm phổ quát, nó không phải chỉ đơn thuần là một lý tưởng tôn giáo mà là một thực tế bao hàm cả hai mặt hành động và dấn thân tham dự.
Những thay đổi lớn lao của thời đại đã làm biến đổi khuôn mặt của thế giới, đặc biệt là trong lãnh vực truyền thông giữa con người. Hãy lấy Tây Tạng và những dân tộc quanh vùng Hy Mã Lạp sơn làm thí dụ. Đã có một thời người ta có thể sống một cách biệt lập trên những vùng núi non cao thẳm. Tuy nhiên, tình huống này đã không còn xảy ra trong một thế giới lắm đổi thay, cho dù ngay cả chúng tôi muốn sống biệt lập, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài.
Bây giờ xin mời qúy vị hãy cùng tôi nhìn phớt qua khía cạnh phát triển kinh tế. Thật khó mà tưởng tượng nổi rằng trong thời đại hôm nay lại có một quốc gia hay một lục địa sống hoàn toàn dưới một chế độ chuyên chế. Một điều rõ ràng rằng, không những các quốc gia đơn thuần mà ngay cả những châu lục cũng phải sống nương tựa vào nhau trên bình diện kinh tế.
Rồi đến lãnh vực trao đổi thông tin và kiến thức, khoảng cách không gian đã không còn là một chướng ngại, vấn đề truyền thông chung quanh trái đất này bây giờ chỉ diễn ra trong vòng nháy mắt. Lúc còn trẻ, Ấn Độ và Trung Quốc đối với tôi quả thật là xa xôi diệu vợi, bởi vì phải tốn cả tháng trời mới có thể đi đến đó được. Bây giờ thì chỉ cần vài tiếng đồng hồ là người ta có thể đi từ Ấn Độ đến AÂu Châu hay từ AÂu Châu đi Mỹ quốc. Dĩ nhiên những cuộc hành trình bằng máy bay này có thể làm cho chúng ta mệt mỏi nhưng nó khẳng định một điều rằng phía bên kia trái đất đang nằm ở trong tầm tay với của chúng ta. Thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé và mỗi phần của nó lại phải nương tựa vào những phần khác. Hãy lấy thí dụ về lãnh vực môi trường, một quốc gia riêng lẻ, cho dù là một siêu cường đi nữa cũng không thể nào một mình tự giải quyết được những vấn nạn lớn lao về môi trường, như là sự xói mòn tầng ô-dôn chẳng hạn.
Thực tế hôm nay cho thấy trái đất của chúng ta trở nên nhỏ bé hơn và tất cả mọi người, tất cả mọi quốc gia đều phải sống nương tựa chặt chẽ vào nhau. Thế nhưng về mặt tâm linh, về mặt tinh thần có vẻ như chúng ta chưa được chuẩn bị để theo kịp với thực tế cho nên đã không hòa điệu được với khuynh hướng phụ thuộc ngày càng gia tăng. Từ không gian nhìn xuống trái đất, có ai thấy được những biên giới chia cắt các quốc gia? Chắc chắn là không! Cũng thế, nếu ta quán tưởng sâu xa về sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng trên trái đất, những vấn nạn nhỏ bé cục bộ của chúng ta sẽ mất đi sức nặng và từ đó chúng ta sẽ bắt đầu nhìn sự vật trong tính toàn cầu, trong khái niệm chung của con người muôn thuở.
Trong ý nghĩa đó, khái niệm về “anh” và “tôi” đã mất đi tính ưu tiên của nó, và khi ta nhận thức rõ điều này, dòng tư tưởng sẽ tự động dẫn ta đến một cảm giác sâu xa hơn về một ý thức trách nhiệm đối với điều thiện phổ quát. Thế cho nên, ta càng dính dấp vào những chuyện mang tầm vóc thế giới nói chung, ta càng cảm thấy bình yên hơn, hạnh phúc hơn trong đời sống cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa là nếu ta biết chăm sóc đến tha nhân, quan tâm đến phúc lợi của người khác chừng nào, ta sẽ bớt dần đi những thói xấu ganh tỵ, kiêu căng, độc ác chừng ấy. Không nghi ngờ gì nữa, những thói xấu đó cọng với tinh thần cạnh tranh ganh đua đã làm cho chúng ta sống không hạnh phúc trong mỗi ngày qua. Thế nhưng khi ta quan tâm đến phúc lợi của mọi người như là của chính chúng ta, tự nhiên ta sẽ cảm thấy một niềm an lạc lớn lao tràn ngập tâm hồn.
Cách đây chẳng bao lâu, thế giới này đã bị phân chia thành hai khối, Đông và Tây. Sự phân cách này đặt căn bản trên ý thức hệ chính trị hơn là kinh tế. Một khi mà vũ khí nguyên tử của phe này nhắm vào phe kia, người ta không thể nói đến chuyện trợ giúp nhau mà phải nhìn thẳng vào thực tiễn thế giới trên căn bản của khái niệm “anh” và “tôi”, của “chúng ta“ và “họ“. Như thế đó, thế giới đã bị chia cách bởi ý thức hệ và quyền lực. Để tự bảo vệ mình, hai phe sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị tiêu diệt bởi một trận chiến nguyên tử. Trong những tình huống như vậy, những suy nghĩ của chúng ta không thể không bị đóng khung trong ý niệm cái này là của chúng tôi, cái kia là của họ. Nhưng bây giờ kỷ nguyên đó có thể đã qua rồi, chúng ta mường tượng đang bước vào một trật tự thế giới mới.
Mấy năm trước đây, trong dịp hội kiến với Tổng thống Bush tôi có phát biểu rằng trật tự thế giới mới sẽ là một điều rất tuyệt vời nếu được kết hợp với tinh thần từ bi. Nếu không có từ bi, tôi sợ rằng nó sẽ không thể thành công. Chúng ta đang bước vào một thời điểm rất thuận lợi và quan trọng của lịch sử thế giới. Đây là lúc mà chúng ta có cơ hội để ngồi lại làm việc cùng nhau cho những mục tiêu tốt đẹp của nhân loại.
Khi ta suy nghĩ về một ý thức trách nhiệm chung và có một cái nhìn về lâu về dài về mọi chuyện, vấn đề kiểm soát sinh sản trở nên cần thiết. Trên quan điểm của người con Phật, sự hiện hữu của con người là một điều vô cùng qúy giá, thế nên, việc ngăn ngừa sinh sản có vẻ như không được đúng đắn. Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang đối đầu với tình trạng quá tải về dân số mà thế giới có thể chịu đựng, thế nên khi có sự chọn lựa giữa một bên là sự sống còn của nhân loại và một bên chỉ là một số lượng nhỏ của những kẻ sắp ra đời, hiễn nhiên, chuyện kiểm soát sinh sản là một điều cần thiết. Nhưng tôi cũng cần phải nhấn mạnh ở đây là, biện phápï kiểm soát phải mang tính cách bất bạo động.
Những biến chuyển của tình hình thế giới đã đưa đến việc tiết giảm, kể cả hủy bỏ các loại vũ khí nguyên tử, một điều mà ai cũng thấy là rất tuyệt vời. Việc giải trừ quân bị là một điều cần thiết. Tất cả các loại vũ khí hiện có nên được tiết giảm từng loại một, từ các loại vũ khí của chiến tranh quy ước, đến chiến tranh hóa học cũng như vũ khí nguyên tử. Thực tế cho thấy việc ngưng sản xuất vũ khí có thể gây nên những vấn nạn trầm trọng cho nền kinh tế và kỹ nghệ. Tuy nhiên những khó khăn đó tôi nghĩ là không đáng giá so với phúc lợi chung của nhân loại, ta nên từ bỏ nó trong khi kiếm tìm một giải pháp khác để giải quyết vấn đề.
Những khác biệt về truyền thống tôn giáo cũng là một khía cạnh quan trọng trong thế giới này và tôi tin chắc rằng đa tôn giáo là một điều vô cùng cần thiết. Ta không chối cãi rằng những tôn giáo khác nhau đã đưa ra những quan điểm siêu hình khác biệt, tuy nhiên một điều rất rõ ràng là những thông điệp căn bản của các tôn giáo chính đều rất giống nhau. Với những điều kiện thuận lợi hiện có, ta hãy học hỏi để có thể làm việc cùng nhau, sống với nhau trong tinh thần hòa điệu.
Chiến tranh lạnh đã là sản phẩm của quá khứ, cuộc đối đầu giữa Đông và Tây không còn nữa. Tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách không thể lấp bằng trong vấn đề phát triển kinh tế giữa Bắc và Nam. Sự chênh lệch đáng kể về kinh tế đã tạo nên những vấn nạn lớn lao cho các quốc gia mở mang. Trên quan điểm đạo đức, sự cách biệt về mức sống đã là điều khó chấp nhận, nó lại còn mang thêm những khó khăn cho các quốc gia phát triển mà hậu quả cụ thể là sự di dân hàng loạt của các công nhân từ các xứ nghèo của Phi Châu, Trung Đông, Viễn Đông đổ xô đến Pháp, Đức để tìm kiếm công ăn việc làm.
Trong những giải pháp mà người ta có thể hình dung ra để giải quyết vấn đề như từ chối không cho nhập cảnh, trục xuất những người di dân đều không bền vững. Hơn thế nữa, đó không phải là một giải pháp dài hạn. Phương cách hay hơn hết là làm sao tạo ra được công ăn việc làm tại những quốc gia nghèo nhằm mục đích khuyến khích và nâng cao mức sống của người dân địa phương để họ không còn tìm cách di dân đi nơi khác với hy vọng kiếm tìm một đời sống tốt đẹp hơn.
Chắc chắn là một số quốc gia thời hậu Cộng sản hiện đang phải đối đầu với một số khó khăn lớn lao nhưng tôi nghĩ là họ có nhiều tiềm năng để thành công về mặt kinh tế hơn là một số quốc gia khác. Các quốc gia ở vùng Viễn Đông, Trung quốc, Ấn độ cũng thế. Vùng đất gặp nhiều khó khăn nhất, theo tôi là Châu Phi, một lục địa bao la với những khó khăn chồng chất. Cách đây không bao lâu tôi có dịp viếng thăm Gabon, nơi mà trước đây nhà bác học Abert Schweitzer đã từng sinh sống. Abert Schweitzer là một người Pháp, một con người vĩ đại đã chứng tỏ một tinh thầnï can đảm phi thường trong việc phục vụ những người nghèo khổ, những người cần được trợ giúp. Nếu muốn cái hố ngăn cách giữa Nam và Bắc ngày càng thu hẹp, hơn ai hết những nỗ lực chính phải đến từ những người ở phía Nam. Những quốc gia giàu có có thể cống hiến những trợ giúp nhưng đồng thời dân chúng tại các quốc gia nghèo hơn cũng phải đứng ra tự gánh vác trách nhiệm cho chính vận mệnh của họ.
Một sự kiện bất hạnh và đáng tiếc khác là ngay tại chính trong lòng các quốc gia phát triển cũng hàm chứa một sự phân cách lớn lao. Thành phần ưu đãi tuy chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong xã hội nhưng lại nắm hết toàn bộ tài nguyên quốc gia trong khi đại đa số quần chúng còn lại đều là những kẻ vô sản. Quả là một điều rất đáng tiếc. Tuy không phải là một chuyên gia về các vấn đề Phi Châu, nhưng trong chuyến thăm viếng vừa qua, điều đập vào mắt tôi trước tiên là ở đây đang cần một nhu cầu căn bản, đó là học vấn, giáo dục. Thật khó mà tưởng tượng là chỉ nội trong một quốc gia cũng đã bị phân chia manh mún ra thành từng sắc dân, bộ lạc, nói những ngôn ngữ khác nhau. Điều này tạo ra thêm nhiều vấn nạn mà ngay cả cá nhân tôi tôi cũng không biết phải giải quyết như thế nào. Đối phó với tất cả những vấn đề nan giải đó, chắc là người ta phải khẩn cầu Trời Phật che chở!
Khi đề cập đến một số vấn đề quốc tế, tôi thường phát biểu với thân hữu: “Qúy vị đang sống trong các quốc gia dân chủ,đang hành xử quyền dân chủ mà ai cũng thấy là rất tuyệt diệu và cần thiết. Thế nhưng, ngay tại xứ mình thì quý vị áp dụng nó một cách trân trọng như vậy nhưng hiếm khi thấy qúy vị đem những nguyên tắc này ra sử dụng trong các quan hệ quốc tế!”
Một số các nhà tư duy khoa học nay cho rằng đã đến lúc không còn nên phân biệt giữa hai phạm trù đối nội và đối ngoại nữa; chúng ta bây giờ đã là thành viên của một đại gia đình, tất cả đều bình đẳng như nhau, thế nên những vấn đề chung của cả thế giới cũng nên được xem như là những vấn đề “nội bộï” cả. Tôi nghĩ rằng đây là một cái nhìn rất thoáng và cao quý. Đem áp dụng tinh thần này vào thực tiễn, chúng ta sẽ giải quyết được một số vấn nạn chung.
Bây giờ hãy nói đến chuyện viện trợ cho các Quốc Gia Thứ Ba, người ta luôn luôn áp đặt lên đó một số điều kiện hoặc là một số giới hạn để tìm cách hạn chế nó. Quan niệm về viện trợ như vậy tự nó đã bị hạn chế vì chúng ta đã đặt ưu tiên trên chính quyền lợi của quốc gia mình, vì vậy đã tạo nên những chướng ngại cản trở cho việc điều hành một cách êm đẹp ngay giữa các quốc gia với nhau. Những giới hạn này phải nên được hủy bỏ, thay vào đó là thiện ý chính trị. Mà muốn đạt đến mục tiêu của thiện ý chính trị,ta không thể không xây dựng trên căn bản của tình nhân đạo, trên những nguyên tắc đạo đức vững chắc, đó là lòng vị tha và ước muốn tạo phúc lợi cho con người, cởi bỏ bớt cho họ những gánh nặng khổ đau.
Nếu thiện ý chính trị được đặt nặng trên những nguyên tắc này, tôi tin chắc rằng nó sẽ là một khí cụ lợi hại. Nhà chính trị không phải từ trên trời rơi xuống. Họ cũng không phải sinh ra từ không gian mà là một sản phẩm của xã hội, như chúng ta vậy. Nếu trong một xã hội mà toàn thể dân chúng đều chung hưởng một nền đạo đức luân lý cao qúy tốt đẹp, nhà chính trị được sản sinh ra từ xã hội này chắc chắn không thể không kính trọng những giá trị đó. Ngược lại, một xã hội không được xây dựng trên một nền tảng đạo lý, những thành viên của nó không hề tôn trọng bất kỳ giá trị đạo đức nào ngay cả cho chính mình, thì quả là điều phi lý khi họ lại lên tiếng phê phán những nhà chính khách của mình.
Một số người thường tự động liên hệ giữa đạo đức cùng một số nguyên tắc, lòng vị tha chẳng hạn, xem đó là cái nhìn thế giới dưới chiếc kính màu tôn giáo. Lối suy luận đó hàm chứa rằng tất cả tín đồ của mọi tôn giáo đều tuân thủ một số tiêu chuẩn đạo đức, còn những ai không có tín ngưỡng cho dù có chấp nhận những nguyên tắc đạo đức này đi nữa họ cũng vẫn là những kẻ vô dụng, vô tích sự. Thật là một lầm lẫn lớn khi người ta tin rằng đạo đức chỉ là một phó sản của tôn giáo. Ta có thể hình dung ra hai loại người có đời sống tinh thần: loại thứ nhất là những người gắn chặt cuộc đời họ với niềm tin tôn giáo, trong khi loại thứ hai là những người được sinh ra bình thường như mọi người, sống với tình cảm giản đơn như yêu thương người láng giềng, sẵn sàng giúp đỡ, cư xử tốt với họ. Đây cũng là loại người có đời sống tinh thần vậy. Tin theo tôn giáo là một điều tốt, thế nhưng con người vẫn có quyền sống mà không theo bất cứ một tín ngưỡng nào. Tuy nhiên nếu không có những phẩm chất đạo đức căn bản của con người, nếu không nuôi dưỡng sinh hoạt tâm linh cho đời sống thế tục, cá nhân sẽ không bao giờ có được một cuộc sống hạnh phúc và họ rất dễ dàng trở thành một tai họạ cho xã hội.
Bây giờ chắc sẽ có người hỏi, vậy thì cái gì được xem là phẩm chất đạo đức căn bản? Tôi có thể trả lời ngay mà không cần suy nghĩ, đó là sự ân cần chăm sóc đến kẻ khác, đó là lòng thương yêu trìu mến trong mỗi con người. Bản chất yêu thương xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên khi ta hiện hữu trên trái đất này. Hãy nhìn một bà mẹ chăm sóc đứa con của mình: tình thương yêu qủa là rất tự nhiên. Nếu không có tình cảm này có lẽ bà mẹ đã không cho con bú và có lẽ bà ta cũng sẽ không có cả sữa. Đứa trẻ cũng thế, nó tìm đến vú mẹ một cách tự nhiên, rồi được nâng niu với tất cả những ân cần thương yêu từ người mẹ, nếu không được như thế chắc là đứa trẻ đã không rúc vào vú mẹ.
Như vậy đó, tình cảm ân cần thương yêu được biểu hiện ngay từ thuở đầu đời và đó chính là phần cốt lỏi của bản chất con người. Không có tôn giáo nào hướng dẫn ta, không có luật pháp nào bắt buộc ta và cũng không có trường học nào dạy ta về cái tình yêu thương tự nhiên này. Tình cảm yêu thương đó đã xuất hiện cùng một lúc với thể xác ngay từ khi ta mới chào đời. Đó là một đặc tính bẩm sinh của con người. Ngay từ ngày đầu tiên, đời sống của ta đã được đánh dấu bởi tình thương yêu đối với tha nhân và qủa thật là một điều cần thiết để bảo tồn cái bản chất tự nhiên đó của nhân loại qua suốt kiếp người.
Đó là lý do tại sao mà tôi thường hay bảo lưu quan điểm của mình cho rằng bản chất của con người là yêu thương, là nhân chi sơ tính bổn thiện! Nếu chúng ta sống một cách tử tế phù hợp với bản chất yêu thương tự nhiên, chắc chắn ta sẽ gặt hái được rất nhiều lợi lạc, không phải chỉ riêng cho chính bản thân mình mà cho cả xã hội mà ta đang sống. Đối với tôi, cái tình cảm yêu thương trìu mến này có thể được xem như là một thứ tín ngưỡng phổ thông. Mọi người đều cần đến nó. Những người có đức tin cũng như những người không đức tin. Những đức tính tốt đẹp này chính là nền tảng căn bản của đạo lý.
Nếu qúy vị đồng ý với những gì mà tôi vừa phát biểu về lòng thương yêu vị tha này, xin hãy đón nhận nó như là một phần của qúy vị, càng nhiều càng tốt. Ngược lại, nếu suy nghĩ theo một hướng khác, tôi e rằng quý vị sẽ phải sống triền miên trong những nỗi giận dữ. Nhưng mà chuyện đó đâu có gì quan trọng, mọi người tự do mà!
Xin cảm ơn toàn thể qúy vị. Đó là tất cả những gì mà tôi muốn trình bày hôm nay.