Xóa Sổ Tây Tạng

20/09/20164:35 CH(Xem: 12508)
Xóa Sổ Tây Tạng

XÓA SỔ TÂY TẠNG
Trần Khải

 

Tibet_mapNói xóa sổ Tây Tạng đây không phải là kiểu nói văn chương, mà có một nghĩa cụ thểhiện thực. Cũng không phải lời bàn của các tay thường tự nhận là “quan sát viên quốc tế” hay các “chuyên gia nhân văn xã hội” xa lạ nào, mà nhận xét bi quan này là từ một viên chức cao cấp của chính phủ Tây Tạng lưu vong, vị Lạt Ma Thủ Tướng Samdhong Rinpoche. Nghĩa là, vài năm nữa thì văn hóangôn ngữ Tây Tạng sẽ không còn nữa, vì đang từ chỗ trở thành thiểu số trên quê hương, dân tộc Tây Tạng sẽ bị Trung Hoa đồng hóa. Đó là lời của ngài Samdhong khi trả lời phỏng vấn của báo The Times, Anh Quốc, đăng trên ấn bản ngày 1-6-2004.

Samdhong Rinpoche, 64 tuổi, là một vị sư tái sanh và là một giáo sư đại học, cũng là vị lãnh tụ được bầu cử một cách dân chủ đầu tiên của dân tộc Tây Tạng. Cần ghi chú chữ “Rinpoche” nơi đây: nghĩa này là Viên Ngọc, hay là Đấng Tôn Quý, một danh hiệu giành cho rất ít vị lạt ma Tây Tạng. Ngài Samdhong chưa từng về thăm Tây Tạng kể từ năm 1959, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và các sư bỏ trốn ra tới Ấn Độ vì bị Quân Đội Trung Quốc tràn vào truy bắt.

Bây giờ thì, sau một đời hoạt động cho chính nghĩa đòi độc lập và rồi đòi tự trị cho Tây Tạng, ngài nói rằng đã quá già để có thể trở về. Ngài nói, “Nhưng không quan trọng gì. Tôi không có khát vọng lớn muốn nhìn lại Tây Tạng trong kiếp này. Nếu vấn đề được giải quyết xuyên qua thương thuyết, thì tôi cũng không nghĩ là mình về lại Tây Tạng, và tôi sẽ chọn lựa để về hưu ở Ấn Độ và sống một cuộc đời tự do. Tôi luôn luôn tìm cách sống đơn giản lặng lẽ như một tăng sĩ Phật Giáo ở nơi nào đó. Nếu người ta yêu cầu tôi tới, tôi có thể rồi phải nhượng bộ theo ý họ, nhưng nếu tôi tự do lựa chọn thì tôi sẽ không về nước lại.”

Đi bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi viếng thăm Anh Quốc, ngài Samdhong có vẻ như không có đoàn tùy tùng riêng cho chức vụ Thủ Tướng lưu vong của một đất nước hiện nay chỉ còn trong tâm tưởng hơn là hiện thực.

Samdhong Rinpoche
Ngài Samdhong Rinpoche, Thủ tướng đầu tiên
của chính phủ Tây Tạng lưu vong

Là con trai của 1 nông dân, sư ra đời trong 1 ngôi làng xa xôi ở miền Đông Tây Tạng. Một trong những ký ức sớm nhất của sư là khi được yêu cầu tới tu viện cùng với người chú của sư, cũng là một vị sư, khi mới 4 tuổi. Một năm sau, sư được công nhận là một vị sư lớn tái sinh, và phong vào ngôi Samdhong Rinpoche kiếp thứ 5 và giữ chức Viện Trưởng Tu Viện Gaden Dechenling. Sư được đưa lên tu học ở Lhasa, thủ đô Tây Tạng, và chính nơi đây trong cuộc nổi dậy năm 1959, thì Đức Đạt Lai Lạt Ma đào thoát cùng với 80,000 người tị nạn vì bị quân Trung Quốc truy bắt sau khi cuộc nổi dậy thảm bại.
Cái gọi là “cuộc điều tra” của Trung Quốc về cuộc “nội phản” dẫn tới tình hình hàng trăm ngàn người Tây Tạng bị giam, tra tấn hay sát hại. Ngài Samdhong nói, “Từ 1959 tới 1976, có 2.1 triệu người, mà chúng tôi có hồ sơ chi tiết, bị giết trực tiếp do việc Trung Quốc chiếm đóng. Có hơn 60,000 tu viện, chùa, thư viện, tượng đài lịch sử đã bị san bằng.”

Vào thập niên 1980s, người Hoa đổi chiến thuật, đưa vào “thứ tệ hại nhất của hệ thống tiêu thụ theo định hướng thị trường” và đưa dân gốc Hán ào ạt di dân vào đất Tây Tạng để làm suy yếu di sản văn hóa Tây Tạng. Bây giờ, Tạng dân trở thành thiểu số trên đất của chính họ.

Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong nói, “Nếu không có thay đổi tích cực xảy ra trong 5 hay 10 năm tới, tôi không nghĩ là sẽ còn gì đó để phải cứu nữa. Văn hóa sẽ bị xóa sồå, ngôn ngữ sẽ biến mất và dân chúng hoàn toàn bị đồng hóa thành Trung Hoa. Dân tộc Tây Tạng đã đau khổ thiệt hại. Chúng tôi không dùng đủ lời để nói lên. Chỉ có người Tây Tạng mới kinh nghiệm và nhớ tới nó.”

Tính khẩn cấp [cứu nguy] này có thể làm thiệt hại cho lập trường bất bạo động từng là dấu ấn của sức Tây Tạng phản kháng hơn 40 năm qua, theo lời sư. Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma viên tịch, một thế hệ trẻ hơn có thể bị lôi cuốn để nổi loạn. Nhưng bạo lực sẽ là “tự sát,” theo lời sư, bởi vì các nhóm ly khai khác tại Trung Quốc, như người Uy-Ngô-Nhĩ (Uighurs) và người Nội Mông đã từng dùng bạo lực và rồi không còn gì hết.

Mặt khác, sức ủng hộ toàn cầu cho Tây Tạng sẽ biến mất, trong khi hành động bạo lực sẽ làm tiêu tốn mọi nỗ lực của cộng đồng lưu vong để gìn giữ nền văn hóa của họ trong hòa bình. 

Samdhong Rinpoche and Dalai Lama
Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết phục sư Samdhong
nhận chức mới (Ảnh: dalailama.com)

Một trong những thành tựu lớn nhất của cộng đồng [lưu vong] là đã biến đổi từ một cộng đồng giáo quyền sang một nền dân chủ đang chơ đợi. Samdhong Rinpoche đã trở thành Kalon Tripa (Thủ Tướng) trong năm 2001, qua một hệ thống mới để bầu cử trực tiếp.

Thoạt tiên thì sư Samdhong từ chối chức vụ này, bất kể chuyện sư được 84% tổng số phiếu bầu mà không hề đưa tên ngaì vào tranh cử gì. Cuối cùng, sau các thông điệp xúc động gửi ra từ quốc nội Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết phục sư Samdhong nhận chức mới. “Ngài bảo tôi, trong 1 hệ thống dân chủ, ý dân rất quan trọng. Nếu sư rút lui nghĩa là không tôn trọng ý dân. Tôi nghĩ đúng là như thế.”
Ngài Samdhong Rinpoche nhận xét về nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc, “Hoa Lục đã tự do hóa nền kinh tế trong một cách có kế hoạch. Cùng lúc, họ xiết chặt quyền lực chính trị toàn trị của họ để kềm kẹp. Sản phẩm Trung Quốc rẻ hơn bất kỳ ở nước nào, bởi vì chính phủ Bắc Kinh bóc lột lao động y như nô lệ. Và không có báo chí nào ghi lại các chuyện này, không tòa án nào xét xử họ, cũng không công đoàn nào chất vấn hay đình công chống nhà nước. Sức mạnh kinh tế Tây Phương đang vô tình bảo vệ chế độ toàn trị ở Bắc Kinh. Đó là một phần bất hạnh nhất của lịch sử.”

Nhưng ngài đã thấy hy vọng của chuyển động dân chủ bí mật đang tăng trưởng, “Trung Quốc đang thay đổi mau chóng. Trông hệt như một vật gì nặng lắm đang trượt từ núi dốc xuống. Không cách nào ngăn chận nữa.”

Trong khi đó, thì những cuộc thương thuyết về Tây Tạng vẫn được các sư tìm kiếm, bất kể chuyện Bắc Kinh luôn luôn chụp mũ Đức Đạt Lai Lạt Ma là “ngoan cố đòi ly khai,” mặc dù các ngài đã xác minh là chỉ cần tự trị thôi, để gìn giữ văn hóa Tây Tạng.

Lịch sử Tây Tạng cực kỳ bi thảm, nhưng vị sư Thủ Tướng Samdhong Rinpoche này phải thích ứng. Ngài nói, “Chúng tôi phải chấp nhận bất cứ những gì đến trong đời sống. Tôi không có ân hận nào, và không buồn phiền gì các chuyện như thế. Khi chúng ta ra đời mang thân người, bất cứ vận mệnh nào nơi đó, chúng ta phải chấp nhận mà không ân hận gì, và cũng không do dự nào.”

Trần Khải (Việt Báo)
(Phục hồi từ phiên bản cũ 2004: http://old.thuvienhoasen.org)









Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.