Hương Đạo Bay Xa

07/05/20173:38 SA(Xem: 6742)
Hương Đạo Bay Xa

HƯƠNG ĐẠO BAY XA
Nguyên Giác

 

takaoka-daibutsuTại Nhật Bản hiện nay, Phật Giáo, nói chung, và Thiền Tông, nói riêng đang lặng lẽ co cụm… Trong khi đó, nơi chiều ngược lại, Thiền Tông Nhật Bản đang lặng lẽ mở rộng ảnh hưởng tại nhiều nơi trên thế giới.

Nếu chỉ nhìn vào thống kê, các con số có thể cho một cảm giác nhầm lẫn về xã hội Nhật Bản hiện nay. Và đôi khi, các con số mâu thuẫn nhau, tùy các bản khảo sát dị biệt nhau. Tự điển Wikipedia nói rằng theo các bản khảo sát năm 2006 và 2008, có chưa tới 40% dân số Nhật Bản tự nói họ nằm trong một tôn giáo có tổ chức, trong đó: 35% là Phật tử, từ 3% tới 4% là thành viên Thần Đạo và các tôn giáo chi nhánh bản địa, và chưa tới từ 1% tới 2.3% theo Đạo Thiên Chúa các hệ phái.

Tuy nhiên, một thống kê năm 2009 từ Sở Văn Hóa Nhật Bản nói rằng có 89 triệu Phật tử ở Nhật. Và năm 2011, vừa sau trận thiên tai Đại sóng thần, bản khảo sát khác cho biết 90% người Nhật tự nhận đang theo Phật Giáo hay Thần Đạo hay theo cả hai (để dễ hiểu, có thể so sánh với Việt Nam, nơi một số người vừa theo Đạo Phật vừa theo Đạo Mẫu). Và rồi năm 2013, thống kê khác của nhà nước -- www.stat.go.jp/ -- cho biết có hơn 87 triệu Phật tửNhật Bản.

Nếu 90% dân số là Phật tử, như thế là cũng tương tự như Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Sri Lanka… Nhưng ngay cả như thế, theo một thống kê khác của Kyodo, nan đề xã hội Nhật Bản phức tạp hơn: trong năm 2014 có hơn 25,000 người tự sát, nghĩa là 70 người mỗi ngày. Theo giáo lý, Phật tử không có quyền tự sát. Nghĩa là, ảnh hưởng Phật Giáo trong đời sống không còn mạnh nữa.

Trong khi đó, thống kê tuần này của Nikkei Asian Review cho biết hiện có 13,000 ngôi chùa trên khắp Nhật Bản không có nhà sư – nghĩa là, thiếu tăng sĩ nghiêm trọng. Như thế, khi có nghi lễ sẽ mời các tăng sĩ chùa khác tới hành lễ.

Do vậy, có một số chùa bỏ hoang, hoặc một vị sư phải quản trị nhiều chùa..

Buddhist templeNhật báo Japan Times ngày 24/4/2017 có bản tin “Kyoto-based Buddhist group struggles with decline in temples and priests” (Một giáo hội Phật giáo có tổ đình ở Kyoto gian nan vì sụt giảm số lượng chùa và tu sĩ).

Kể trong bài báo là ở quận Toyama Prefecture, ngôi chùa thuộc giáo hội có tên là Honganji, tông phái Jodo Shinshu (Tịnh Độ Chân Tông), phái đông Phật tử nhất Nhật Bản. Ngôi chùa này không ai chăm sóc từ lâu, cỏ dại và tre mọc khắp mặt đất, không ai cắt. Trong chánh điện, đã có vài viên ngói rơi xuống. Vị sư trụ trì mới nhất của chùa này đã viên tịch cách nay 30 năm.

Một người láng giềng 63 tuổi đã tới tự nguyện chăm sóc, sau khi thấy tre mọc quanh lối vào chùa, nói rằng ngôi chùa sẽ sụp đổ nếu mái chùa thủng lỗ. Một nhà sư địa phương cùng hệ phái Honganji nói về nỗi khó khăn khi duy trì ngôi chùa. Vì để như thế là không được, nhưng nếu xóa sổ ngôi chùa là sẽ gây ra xích mích với Phật tử và dân địa phương.

Báo Japan Times kể rằng vào tháng 6/2014, hệ phái này phổ biến một cuốn sách nhỏ, nhan đề “Guide to Dissolve Temples” (Cẩm Nang Giải Thể Chùa) để Phật tử toàn quốc trong giáo hội hiểu rõ thủ tục kết thúc chức năng một  ngôi chùa và thanh lý tài sản của chùa – vừa theo đúng luật pháp của tỉnh, vừa theo nội quy giáo hội, trong khi hướng dẫn Phật tử sang các chùa gần đó sinh hoạt.

Thực tế, không phải chỉ riêng giáo hội Honganji gặp nan đề suy giảm. Theo Sở Văn Hóa Nhật Bản, số lượng các ngôi chùa có quy chế giáo hội là hơn 77,000 chùa, trong đó 2,029 ngôi chùa ở tình trạng “ngủ yên”… Nghĩa là, Honganji không phải là giáo hội duy nhất bị suy giảm.

Vấn đề cũng từ một khủng hoảng chung: dân số Nhật Bản suy giảm, và đang lão hóa. Báo The Washington Post ngày 26/2/2016 ghi nhận rằng bản thống kê dân số 2010 cho biết dân số Nhật Bản là 128,057,352 người, nhưng thống kê 2015 cho thấy chỉ còn 127,110,000 người.

Có nghĩa là, dân số Nhật mất gần 1 triệu người trong vòng 5 năm.

Trong năm 2015, gần 1/3 tổng dân số Nhật Bản lớn hơn 65 tuổi. Nghiên cứu từ Viện Dân Số Nhật Bản cho thấy con số đó tăng tới 40% vào năm 2050.

Và do vậy, Phật giáo cũng suy giảm tại Nhật. Viễn ảnh sẽ bi quan nếu Phật giáo không thích ứng hơn, năng động hơn để thu hút giới trẻ…

Nikkei Asian Review hôm 26/4/2017 dẫn ra  một bản khảo sát của Kyoto Shimbun phổ biến trong tuần trước đó, cho thấy trong khoảng tổng cộng 75,000 ngôi chùa Phật giáo khắp Nhật Bản hiện có gần 13,000 ngôi chùa không còn vị sư nào thường trú, hoặc là đang được quản trị chung bởi các vị sư trụ trì từ các chùa khác.

Bản khảo sát thực hiện với 62,600 ngôi chùa – tức là hơn 80% tổng số chùa tại Nhật Bản – trong 13 giáo hội Phật giáo. Trong đó, tổng số có 12,964 ngôi chùa, tức khoảng 20%,  ngôi chùa hiện không có tăng sĩ thường trú. Tương lai sẽ còn thê thảm, vì dân số Nhật giảm đều mỗi năm, và vì giới trẻ ưa thích rời bỏ nông thôn để lên tỉnh thành.

Một phát ngôn viên tông phái Tào Động nói: “Tình hình không thực sự thay đổi trong suốt thập niên vừa qua. Chúng tôi có tăng sĩ, nhưng sẽ vô ích khi bổ nhiệm họ về các ngôi chùa trong các khu vực không còn sinh hoạt năng động nào.”

Trong khi đó, các khuynh hướng Phật Giáo Nhật Bản vẫn đi thật xa, ra ngoài biên giới lãnh thổ.

Thống kê chi tiết về ảnh hưởng các tông phái Nhật Bản toàn cầu có lẽ không có, và không thể có. Chúng ta chỉ có thể biết qua báo chí, dựa vào các bản tin, và như thế sẽ là phiến diện. Cũng tương tự như nói về Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại, không thể có thống kê. Chính phủ Hoa Kỳ làm thống kê toàn quốc mỗi 5 năm, và không phân biệt Phật tử này da trắng hay da vàng, theo khuynh hướng Phật Giáo Tây Tạng hay Việt Nam hay Nhật Bản. Phật tửPhật tử.

Tuy nhiên với một số người nổi tiếng Hoa Kỳ chuyển sang theo Đạo Phật, trong khuynh hướng Nhật Bản (không tính tới người gốc Nhật), đông nhất là Thiền Tào Động (Soto Zen), và Nichiren (Nhật Liên Tông).

Đây là điểm để suy nghĩ ở hai hướng dị biệt: người tu Thiền Tào Động thường ưa thích lặng lẽ, ngồi chỉ là ngồi và không làm gi khác, tu chỉ là một cái nhìn tỉnh thức trong khi buông bỏ hết mọi thứ thân và tâm. Trong khi đó, Nhật Liên Tông thường tụng câu “Nam Myoho Renge Kyo” (theo nghĩa Việt: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh), nhưng âm thanh này trong tiếng Nhật được tin có sức mạnh linh diệu.

Ca nhạc sĩ Tina Turner nói với tạp chí Lion's Roar trong ấn bản tháng 3/2016 rằng: “Nam Myoho Renge Kyo hệt như một ca khúc. Trong truyền thống Soka Gakkai, chúng tôi được học cách hát câu này. Nó là một âm thanh, một nhịp điệu và nó chạm một nơi trong bạn. Nơi đó chúng tôi tìm cách vươn tới là một tâm vô thức. Tôi tin đó là nơi cao nhất.”

Nhưng lặng lẽ là những người Tào Động. Nổi bật là Steve Jobs, người thành lập công ty Apple, sáng tạo ra những máy tính iMac, iPad, iPhone… Trong khoảng giữa thập niên 1970s, trong lứa tuổi đôi mươi, khi chưa có phát minh gì lớn lao về khoa học kỹ thuật, Jobs tập thiền với nhà sư Nhật Bản Kōbun Chino Otogawa. Thời gian đó, Jobs tham dự những thiền thất nhiều ngày tại thiền viện Tassajara Zen Mountain Center ở Bắc California, tu viện Tào Động xưa cổ nhất tại Hoa Kỳ. Jobs cũng suy tính lên tu ở thiền viện Eihei-ji tại Nhật Bản. Eihei-ji là Tổ Đình Tào Động Tôn do ngài Eihei Dogen sáng lập vào thế kỷ 13 ở tỉnh Fukui, Nhật Bản.

Và rồi, phần sau là lịch sử: Thiền phái Tào Động thiếu vắng một nhà sư Hoa Kỳ, và nhờ đó nền khoa học kỹ thuật thế giới có nhà phát minh vĩ đại Steve Jobs.

Nhưng không chỉ trong những người nổi tiếng, phương pháp thiền lặng lẽ của Tào Động cũng có sức quyến rũ với người trong đời thường. Như trường hợp Claire Ruddick, 36 tuổi, là một nữ tài xế xe vận tải nặng – mưu sinh bằng nghề lái xe vận tải nặng 40 tấn. Báo The Mirror của Anh trong số ấn hành ngày 25/4/2017 kể rằng Ruddick đã thọ giới để trở thành một Thiền sư ni.

Vị ni sư Anh quốc, cư dân thị trấn Hucknall, với đầu cạo bóng, trong trang phục đen của tu sĩ dòng Tào Động, giải thích với báo Nottingham Evening Post  rằng bà đã luôn luôn tìm kiếm từ lâu, đã thử với nhiều tôn giáo khác nhau, từ thơ ấu được học trong trường Đạo Thiên Chúa nhưng vẫn chưa bao giờ tự thấy là Ky tô hữu… nhưng khi gặp Phật giáoliên lạc với một nhóm Phật tử ở Manchester,  tự thấy bị lôi cuốn ngay vì “[Thiền] là cái gì bạn có thể thực tập, đó không phải là chuyện học hay nghiên cứu một cuốn sách, cũng không phải chuyện hát một thánh ca. Đó là cái gì nằm sẵn trong tim tôi. Cốt tủy là hãy sống một cuộc đời tốt lành. Đó là một thiền tập cởi mở cho mọi người. Và đã biến đổi cuộc đời của tôi…. Tôi đã là một nữ cư sĩ trong 10 năm trường, trước khi tôi thọ giới làm nữ tu.”

dĩ nhiên, rất là gian nan khi làm một Thiền sư ni ở Anh quốc: bà đã lên mạng Facebook tìm cách thiết lập một nhóm tu Thiền ở thị trấn Hucknall, nhưng rồi không tìm được nơi thích hợp trong thị trấn. Trong những lời bình ủng hộ, có những người tự nguyện giúp vị tân Thiền sư ni này, như: “Chúng ta cần có thêm sinh hoạt văn hóa như thế ở Hucknall. Tôi sẽ giúp loan tin ra.” Hay là, “Có bao giờ Thiền sư ni nghĩ về một lớp dạy Thiền có cả trẻ em?”

Thay vì như thế, bà giúp hướng dẫn một khóa thiền tương tự, một phần trong nhóm Nottingham Zen Group vào các buổi sáng Chủ Nhật, trong khi vẫn muốn làm một Thiền đường địa phương, vì thị trấn Hucknall cần có một nơi như thế, một Thiền đường tương tự như thị trấn Nottingham đã có.

Lịch sử khó hiểu… rất khó hiểu. Phật giáo khởi xuất, thăng rồi trầm ở Ấn Độ, và chỉ bùng phát khi sang quốc độ khác. Phải chăng, Phật giáo Nhật Bản cũng có vận mệnh tương tự?

Tuy nhiên, một câu nói của Ni sư Claire Ruddick cho thấy chìa khóa phát triển Phật giáo ở Anh quốc: Thiền là cái gì bạn có thể thực tập, không phải là chuyện học hay nghiên cứu một cuốn sách…

Có lẽ, đây cũng là một lời khuyên cho tất cả những người quan tâm. Rằng Đạo Phật để thực tập, không chỉ để học hay nghiên cứu.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.