- Lời Nói Đầu
- Phần 1: Giai cấp và phản kháng giai cấp
- Phần 2: Cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Ambedkar
- Phần 3: Phật giáo Ấn Độ: Suy tàn và Phục hưng
- Phần 4: Tiến sĩ Ambedkar chọn Phật giáo
- Phần 5: Cống hiến của Ambedkar đối với Phật giáo
- Phần 6: Những tăng sĩ Ấn Độ đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ hiện đại
- Phần 7: Tình trạng Phật giáo Ấn Độ hiện nay
- Thay Lời Kết
Phần 5
CỐNG HIẾN CỦA AMBEDKAR
ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO
1. Ambedkar: Phật Giáo Có Thể Được Phục Hưng Ở Ấn Độ
Tiến sĩ Ambedkar được biết đến như là một luật gia, nhà kinh tế, chính trị gia, nhà cải cách xã hội, và nhà hoạt động tôn giáo ở Ấn Độ, và cũng là một Phật tử thực thụ. Điều này được thể hiện qua chính cuộc sống của ông. Như ta đã biết, Đức Phật không bao giờ "dụ dỗ" người khác đến với Ngài bằng niềm tin mù quáng, mà ngược lại khuyết khích họ hãy tìm hiểu trước. Chắc chúng ta ai cũng biết câu nói nổi tiếng của Ngài: “Theo ta mà không tin ta là phỉ báng ta”. Và Tiến sĩ Ambedkar đã đến với Phật giáo bằng con đường ấy. Ông tiếp cận Phật giáo bằng con đường của lý trí. Ông đã bỏ ra hơn hai mươi năm để học về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, rồi cuối cùng ông mới quyết định chọn Phật giáo. Sau lễ quy y, ông giải thích rằng sở dĩ ông quy y trễ như vậy là vì ông không tin vào hành động vội vã. Nhờ vậy mà việc chuyển đổi tôn giáo này đã làm cho ông rất hài lòng và vui không thể tưởng tượng. Và cũng giống như Đức Phật, Ambedkar không bao giờ bắt người khác phải tin theo mình. Ông bảo những người cùng đi theo ông rằng, đừng có nhảy vào lửa chỉ vì ông bảo họ làm thế, mà phải suy nghĩ. Cũng thế, đừng có theo Phật giáo chỉ vì ông làm thế. Có như vậy thì họ mới có thể trở thành những Phật tử đúng nghĩa khi quy y.
Phật giáo không đặt nặng, hay nói đúng hơn là không chủ trương cúng tế hay cầu nguyện, vì điều đó chỉ làm mất thời gian mà không đem lại kết quả gì. Ambedkar cũng thế. Ông còn khuyên những người bên cạnh ông hãy bỏ việc thờ cúng và cầu khẩn Thượng Đế. Ông chỉ ra rằng sự cứu rỗi không thể đạt được do cầu khẩn hay đi hành hương đến những nơi linh thiêng, mà phải dựa vào khả năng thật sự của mình. Ông cũng không tin vào việc coi sao giải hạng, ngày tốt ngày xấu… mà chỉ tin vào sự nỗ lực của bản thân. Nếu như Đức Phật dạy rằng “Hãy tự thấp đuốc lên mà đi, hãy dựa vào chính mình, đừng dựa vào ai khác, lấy Chánh Pháp làm đuốt”, thì Ambedkar cũng dạy những người của ông là “Hãy cố gắng không ngừng, không có giá trị nào trên đời mà không phải do nổ lực mà được”.
Còn về cuộc sống cá nhân của ông thì ông sống rất là đơn giản như một khất sĩ. Ông là người sáng lập Hội Giáo Dục Nhân Dân (People's Education Society) và các Trường Cao đẳng Milind và Sidharth; nhưng mỗi lần ông đến đây, ông đều chỉ nghỉ ngơi trong nhà khách đơn giản của trường chứ không hề ở khách sạn. Ông nói với nhân viên ở đó rằng ông rất hài lòng với điều kiện đơn giản như thế. Thay vì tiêu tiền một cách phung phí, hãy để dành tiền đó mà giúp đỡ người nghèo khó.
Phẩm hạnh của Ambedkar quả thật là phẩm hạnh của một con người biết đạo. Còn rất nhiều ví dụ nữa cho thấy ông là một Phật tử thuần thành, ở đây không thể kể hết. Chính Ambedkar cũng đã nhiều lần nói rằng ông đã thích Phật giáo từ nhỏ và coi Đức Phật như một vị thầy vĩ đại của mình. Ông nói rằng triết lý sống của ông có thể tóm tắt trong cụm từ là Tự Do, Bình Đẳng, và Ái Hữu, mà ông đã lấy cảm hứng từ những lời dạy của thầy ông là Đức Phật, rằng Đức Phật là một trong những người mà ông cảm thấy mắc nợ nhất.[1] Dhammachari Lokamitra, nhà Phật học, cũng là người tiếp nối Ambedkar sứ mạng phục hưng Phật giáo Ấn Độ, đánh giá rằng mặc dù Ambedkar thường được thấy như là người theo chủ nghĩa duy lý, nhưng niềm tin của ông đối với Đức Phật thật là sâu sắc, nó được lớn dần lên từ lần đầu tiên thầy giáo Keluskar tặng ông quyển Cuộc Đời Của Đức Phật. Ambedkar nói rằng ông hứng thú với tôn giáo hơn là chính trị. Nói chuyện với thanh niên tại Đại hội thanh niên giai cấp cùng đinh, Ambedkar phàn nàn rằng ông cảm thấy hơi buồn khi thấy thanh niên bây giờ thờ ơ với tôn giáo. Tôn giáo không phải là thuốc phiện như một số người đã nói. Ông nói những gì tốt đẹp nhất ông có được là nhờ vào tôn giáo. Ông nói rằng ông cần tôn giáo, ông chỉ không thích cái thói đạo đức giả nhân danh tôn giáo mà thôi. Bản thân ông mỗi ngày đều lạy Phật hai lần sáng và tối. Tình cảm của ông đối với Đức Phật và Phật giáo nói chung sâu sắc đến nỗi mà, khi ông tham dự Hội nghị Hội Ái Hữu Phật Tử Thế Giới (World Fellowship Of Buddhists ) ở Miến Điện vào năm 1956, khi ông đọc diễn văn đến đoạn nói về sự suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ, ông đã xúc động đến nỗi không thể đọc tiếp được nữa. Sau đó ông tóm tắt vài ý chính rồi trở lại chỗ ngồi để… lau nước mắt.
Do Ambedkar quy y Phật giáo khá là trễ, chỉ bảy tuần trước khi ông mất, cho nên một số người cho rằng ông chấp nhận Phật giáo vì ông bị thất bại trong sự nghiệp chính trị, xã hội, chứ không phải ông tín ngưỡng Phật giáo thật lòng, mà ông chỉ mượn Phật giáo để phục vụ các chương trình xã hội của ông mà thôi. Về điều này, Ambedkar đã giải thích rằng, sự đến với đạo Phật của ông được thúc đẩy bởi động cơ tinh thần hơn là vật chất. Ông khẳng định:
Không có động cơ nào khác ngoài giá trị tinh thần và tâm linh trong sự chuyển đổi tôn giáo của tôi. Tôi không tán thành một tôn giáo chủ trương nghèo đói, nhưng giá trị tinh thần quan trọng hơn lợi ích vật chất. Phật giáo là sự tiến bộ toàn diện, không chỉ có tiến bộ kinh tế,[2]
Các học giả cũng đồng ý rằng Ambedkar thật sự có niềm tin tôn giáo. Chẳng hạn, Christopher S. Queen thấy rằng dù không sai khi nói rằng Ambedkar đến với Phật giáo vì sự thay đổi xã hội lâu dài. Nhưng sự thu hút của Ambedkar đối với Đức Phật và những lời dạy của Ngài bắt đầu từ khi ông còn nhỏ và ngày càng lớn lên trong suốt cuộc đời của ông. Còn Dhammachari Lokamitra thì nhận xét rằng mặc dù Ambedkar thường được thấy là một nhà duy lý, nhưng ông cũng là một người có đức tin sâu sắc đối với Đức Phật.[3]
Với tư cách là người lãnh đạo của giai cấp cùng đinh và là một Phật tử, Ambedkar rất muốn phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng và tâm nguyện cả đời của ông. Trong bài phát biểu của ông ở một ngôi chùa ở Bombay vào ngày 29/9/1950, ông nói rằng ông sẽ cống hiến phần còn lại của cuộc đời ông cho sứ mạng phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Tháng Giêng năm sau, phát biểu với đại biểu của Hội Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Society) và Hội Phúc Lợi Giai Cấp Cùng Đinh Delhi (Delhi Scheduled Castes Welfare Association), ông cũng nói rằng ông đã quyết định phục hưng lại tôn giáo vĩ đại của Đức Phật và làm cho nó một lần nữa, vinh quang trên mảnh đất mà nó được sinh ra.
Hầu như trong những lần có dịp nói chuyện với công chúng là Ambedkar đều nói lên nguyện vọng của ông về phục hưng Phật giáo ở Ấn độ. Và theo ông, Phật giáo hoàn toàn có thể được phục hưng và phát triển ở Ấn Độ. Ông cho rằng Ấn Độ đã sẵn sàng đón nhận thông điệp của Đức Phật trở lại. Hơn nữa, Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới thích hợp nhất cho sự tồn tại và truyền bá đạo Phật. Đó là bởi vì, theo Ambedkar, Ấn Độ là quê hương của Đức Phật. Phật giáo đã từng một thời gian dài phát triển ở Ấn Độ. Tuy Phật giáo sau đó bị suy tàn, nhưng không ai có thể nói rằng nó đã chết tận gốc rễ. Chúng ta không phải thiết lập một tôn giáo mới mà chỉ là khôi phục lại tín ngưỡng sẵn có. Việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ có lợi thế là Đức Phật, Ngài trở lại đất nước mình mà không cần phải xin hộ chiếu hay Visa gì cả. [4] Ambedkar cho rằng lúc này là thời gian tốt nhất để phục hưng Phật giáo. Những người Hindu cấp tiến cũng bất mãn với giáo lý bất bình đẳng của đạo Hindu và sẵn sàng theo Phật giáo. Những gì chúng ta cần bây giờ là ý chí và quyết tâm. Chỉ cần có ý chí và quyết tâm, thì việc phục hưng Phật giáo là không khó.
Nhận định của Ambedkar về khả năng phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ làm ta nhớ lại nhận xét của nhà sử học và công chức Anh William Wilson Hunter cuối thế kỷ XIX, rằng:
Vấn đề phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ là luôn luôn có thể … Cuộc đời và lời dạy của Đức Phật cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến tư tưởng tôn giáo ở Mỹ và châu Âu. Lời dạy ấy ngày càng trở nên quen thuộc với thế giới phương Tây… Phật giáo sẽ vĩnh hằng như sự vĩnh hằng của giáo lý nhân quả, của cuộc sống cao thượng và đẹp đẽ mà nó hết mức chủ trương. Sự phục hưng của Phật giáo ở Ấn Độ, tôi xin lặp lại, là hoàn toàn có thể.[5]
2. Cống Hiến Của Ambedkar
Trong việc truyền bá Phật pháp, Ambedkar rất chú ý tới vai trò của các Như Lai sứ giả (Ambedkar cho rằng sứ mạng truyền bá Chánh pháp không nên chỉ giới hạn trong giới xuất gia mà cần mở rộng vai trò của người cư sĩ. Mặc dù họ có giai đình và phải kiếm sống, như họ cũng có thể học và dạy Phật pháp theo thời gian phù hợp với họ). Ông nói rằng bổn phận của những người con Phật không chỉ là tu thiện mà còn phải đem Phật pháp đến với mọi người, làm cho ai ai cũng biết Phật pháp. Trong việc truyền bá này, các tỳ kheo là những người phải gánh vác lấy trách nhiệm nhiều nhất. Ambedkar tỏ ra thất vọng với một số chư tăng đương thời, phê phán họ không nhiệt tình trong việc truyền bá Chánh pháp. Theo Ambedkar, một tôn giáo suy thoái là do 3 lý do. Một là nền tảng giáo lý không vững. Hai là tín đồ không vượt qua được thử thách khi có pháp nạn. Và ba là không có gốc rễ trong quần chúng. Ông cho rằng lời Phật dạy rất vi diệu nhưng các tăng sĩ rất thờ ơ trong việc truyền bá, và có phần xa rời quần chúng nhân dân. Ông yêu cầu chư tăng thời bấy giờ, ở Ấn Độ cũng như ở các nước khác, hãy từ bỏ lối sống xa hoa, hoặc an phận trong tu viện, mà hãy năng động lên, phải chịu khó đi đến từng nhà để truyền bá những lời dạy của Đức Phật. Ambedkar cũng cho rằng những người con Phật cũng nên học hỏi các Ki-tô hữu trong việc truyền bá tôn giáo bằng con đường giáo dục và y tế. Bởi vì ông thấy rằng hoạt động xã hội là cách rất hiệu quả để gây cảm tình với mọi người và hướng con người theo đạo. Mà muốn làm được như vậy thì các tăng sĩ phải là những người có trình độ, cả về Phật học lẫn thế pháp.[6]
Hơn nữa, việc truyền bá Chánh pháp là một việc làm cứu nhân độ thế, phù hợp với tinh thần từ bi của đạo Phật: “Từ bi là căn bản của Phật pháp, trong đó mọi người phải biết yêu thương và phục vụ, và chư tăng phải là những tấm gương tốt về việc này,” ông nói.[7] Ông cho rằng Đức Phật thành lập Tăng đoàn không phải để đào tạo những người thuần thiện nhưng vô ích, mà là với mục đích tạo ra một đoàn thể gương mẫu về từ bi và trí tuệ để hướng dẩn mọi người, và nhất là để phục vụ mọi người một cách tốt nhất.[8] Đó là lý do tại sao Đức Phật không cho phép chư tăng có gia đình và sở hữu tài sản, vì hai thứ này là rào cản lớn nhất làm cho họ không thể phục vụ tha nhân một cách tự do và vô tư.
Bản thân Ambedkar cũng đã lập ra nhiều chương trình và tiến hành nhiều hoạt động để phục hưng Phật giáo. Ông thấy rằng số lượng kinh sách của Phật giáo quá nhiều và giáo lý thì quá thậm thâm vi diệu, làm cho người ta khó có thể nắm bắt. Muốn cho những lời Phật dạy đến được với đại đa số quần chúng, Phật giáo cần có một tác phẩm vừa gọn nhẹ, vừa cô đọng như kiểu Phúc Âm của Thiên Chúa giáo, để người ta có thể mang theo bên mình và đọc bất cứ lúc nào. Tất nhiên, về nội dung phải thật sự hấp dẫn đối với người đọc. Và Ambedkar cho rằng mình có trách nhiệm phải làm việc này. Ông đã chịu khó và kiên nhẫn thu thập tài liệu để thực hiện một “Phúc Âm” cho Phật giáo. Ông bắt đầu viết từ năm 1951 và hoàn chỉnh năm 1956, không lâu trước khi ông mất. Đó là quyển Đức Phật Và Giáo Pháp Của Ngài (The Buddha and His Dhamma).
Đối với giai cấp cùng đinh, tức là những Phật tử mới, thì Đức Phật Và Giáo Pháp Của Ngài quả thật là một “Phúc Âm”, mà họ tôn trọng và tin tưởng tuyệt đối. Trong bất kỳ buổi lễ nào, họ đều đem nó ra để đọc một hay hai chương trong đó, vừa để hiểu Phật pháp cũng vừa để tưởng nhớ ông. Tác phẩm này được Ambedkar viết bằng tiếng Anh, sau đó thì được dịch ra nhiều thứ tiếng Ấn Độ khác như Hindi, Gujarati, Telugu, Tamil, Marathi, Malayalam, and Kannada, để ai cũng có thể được đọc và hiểu. Đánh giá về giá trị của tác phẩm Đức Phật Và Giáo Pháp Của Ngài, học giả C. D. Naik so sánh rằng, nếu như hình ảnh Ambedkar đứng trước tòa nhà Quốc hội tay cầm quyển Hiến pháp Ấn Độ (do ông soạn thảo) biểu thị sự thừa nhận chính thức của chính phủ, thì những tượng đài của ông ở các làng mạc và thành phố với tay ôm quyển Đức Phật Và Giáo Pháp Của Ngài thể hiện sự công nhận rộng rãi của quần chúng, coi ngài như là một người anh cao cả của giai cấp bình dân.
Ngoài tác phẩm Đức Phật Và Giáo Pháp Của Ngài (The Buddha and His Dhamma) này ra, Ambedkar còn viết và phát biểu nhiều chủ đề Phật giáo để mà truyền bá giáo pháp của Đức Phật. Trong đó có thể kể ra như Sự Suy Tàn Và Sụp Đổ Của Phật Giáo (Decline And Fall Of Buddhsim), nói về nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo ở Ấn Độ; Đức Phật Và Tương Lai Phật Giáo (Buddha And The Future Of His Religion), đề nghị Giáo pháp cần phải được giải thích, diễn dịch cho phù hợp với thời đại, đáp ứng nhu cầu thời đại, bởi vì Giáo pháp của Phật không phải là một thanh củi khô, mà cần phải làm cho nó luôn luôn được tươi mới với thời gian; Sự Thịnh Vượng Và Thoái Hóa Của Phụ Nữ Hindu (The Rise And Fall Of Hindu Woman), cho rằng chính đạo Hindu, chứ không phải Phật giáo, đã hạ thấp giá trị của phụ nữ Ấn Độ; Đức Phật Và Karl Marx (Buddha Or Karl Marx), cho rằng Đức Phật và Karl Marx chia sẻ cùng một mục đích trong việc xây dựng một xã hội lý tưởng trong đó không có cảnh người bốc lột người, nhưng khác nhau ở phương tiện để đạt được. Đức Phật cảm hóa con người bằng đạo đức, còn chủ nghĩa Marx dùng bạo lực để đạt mục đích, v.v… Chúng tôi sẽ dịch những tác phẩm này trong một dịp khác, còn ở đây xin được đề cập đến một đóng góp khác của Ambedkar đối với Phật giáo Ấn Độ hiện đại. Ambedkar đã soạn thảo 22 lời phát nguyện và yêu cầu những người theo “Phật giáo mới” (New Buddhism) của ông, còn gọi là “Phật giáo Ambedkar” phát nguyện, sau khi thọ Tam quy Ngũ giới theo truyền thống. 22 lời phát nguyện đó là:
1. Tôi sẽ không có niềm tin vào thần Brahma (Đấng sáng thế), thần Vishnu (Đấng duy trì) và Siva (Đấng hủy diệt), cũng như không thờ phụng các thần linh này.
2. Tôi sẽ không có niềm tin vào thần Rama và thần Krishna, những vị thần được xem là hóa thân của Thượng Đế, cũng như không thờ phụng các thần linh này.
3. Tôi sẽ không tin vào thần Gauri, Ganapati và các vị nam thần, nữ thần của Ấn Độ giáo, cũng như không thờ phụng các vị thần linh này.
4. Tôi không tin vào hóa thân của Thượng Đế.
5. Tôi không và sẽ không tin rằng Đức Phật là hóa thân của thần Vishnu. Tôi tin rằng chủ trương đó chỉ là sự tuyên truyền sai lệch và điên dại.
6. Tôi sẽ không thực hiện các nghi thức của đạo Hindu và không dâng cúng trong các nghi thức tín ngưỡng đó.
7. Tôi sẽ không làm các hành động nào mà trái với lời dạy của Đức Phật.
8. Tôi sẽ không nhờ các đạo sĩ Bà-la-môn thực hiện các nghi thức tôn giáo.
9. Tôi tin vào sự bình đẳng của con người.
10. Tôi sẽ nỗ lực thành lập sự bình đẳng.
11. Tôi sẽ thực hành theo Bát chánh đạo của Đức Phật.
12. Tôi sẽ thực hành mười Ba-la-mật do Đức Phật giảng dạy.
13. Tôi sẽ có tâm từ và tâm bi đối với chúng sinh và bảo vệ chúng sinh.
14. Tôi không trộm cắp.
15. Tôi không nói lời lừa dối.
16. Tôi không vi phạm các tội lỗi.
17. Tôi sẽ không sử dụng ma túy, rượu và các chất gây say.
18. Tôi cố gắng thực hành theo Bát chánh đạo và thực tập tâm từ bi trong cuộc sống hằng ngày.
19. Tôi từ bỏ Ấn Độ giáo, tôn giáo không tôn trọng con người, làm trở ngại sự tiến bộ và phát triển nhân loại, vì tôn giáo này dựa vào bất bình đẳng. Tôi chấp nhận đạo Phật là tôn giáo của tôi.
20. Tôi tin chắc chắn rằng Chánh pháp của Đức Phật là giáo pháp chân thật duy nhất.
21. Tôi cho rằng tôi được tái sinh lần nữa.
22. Tôi trân trọng tuyên bố và xác thực rằng, từ nay trở đi, tôi sẽ dẫn dắt đời sống tôi theo chân lý của Đức Phật.
Thật ra 22 lời phát nguyện này cần thiết cho Phật tử Ấn Độ hơn là phật tử nói chung, do hoàn cảnh đặc biệt của họ. Đó là bởi vì, trong nhiều thế kỷ, người Ấn Độ nói chung tin rằng Đức Phật là một trong những hóa thân của thần Vishnu. Điều này đã làm cho Đức Phật bị hiểu lầm là một vị thần Hindu và Phật giáo là một chi nhánh của Ấn Độ giáo. Bằng những tuyên thệ này, Ambedkar muốn cắt đứt sự diễn giải mơ hồ, để làm cho những phật tử mới trở thành những người phật tử hoàn hảo, tách khỏi hoàn toàn tất cả các giáo phái của Ấn Độ giáo, và do đó họ cũng có thể thoát khỏi mặc cảm tự ty.
Ngoài hoạt động văn học, Ambedkar còn có những việc làm thiết thực để truyền bá Phật pháp, như thành lập các cơ sở giáo dục mang ý nghĩa Phật giáo như Trường Cao đẳng Milind (Di Lan Đa) ở Aurangabad, Trường Cao đẳng Siddharth (Tất Đạt Đa) ở Bombay để giáo dục ý thức Phật pháp cho thế hệ học sinh, sinh viên. Ambedkar giải thích rằng ông đặt tên trường như thế là để cho viên chức và sinh viên của trường có thể học được những phẩm chất đạo đức và giá trị tuệ giác của những bật thầy tôn giáo đó. Ngoài ra, Ambedkar cũng thông báo rằng ông sẽ trao những phần thưởng giá trị cho những bài viết xuất sắc về Đức Phật và Phật giáo nói chung để khuyến khích họ học Phật Pháp, mà theo ông, sẽ làm cho việc phát triển Phật pháp một cách tự nhiên. Năm 1955, Ambedkar thành lập Hội Phật tử Ấn Độ (Buddhist Society of India) với mục đích:
1) Truyền bá kiến thức về Phật giáo ở Ấn Độ.
2) Xây dựng các cơ sở Phật giáo ở càng nhiều nơi càng tốt để củng cố niềm tin của những người mới cải đạo.
3) Thành lập các trường học để truyền bá văn học và triết học Phật giáo.
4) Thành lập các trại mồ côi, bệnh viện và các công tác xã hội khác.
5) Đào tạo các Như Lai sứ giả để mang thông điệp của Đức Phật đến với tất cả các vùng miền của đất nước.
6) Khuyến khích nghiên cứu so sánh các tôn giáo để thúc đẩy việc nghiên cứu Phật giáo trong quan điểm đúng.
7) Xuất bản các tài liệu để phổ biến Phật giáo, bao gồm các tờ rơi và tài liệu quảng cáo.
8) Thành lập Giáo hội Phật giáo Ấn Độ.
9) Tổ chức các hội nghị Phật giáo để bàn về việc thống nhất các nghi lễ tôn giáo.
3. Ảnh Hưởng Của Ambedkar
Sự đóng góp của Tiến sĩ Ambedkar đối với sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ không chỉ dừng lại ở những việc làm trực tiếp của ông, mà còn ở sự ảnh hưởng sau khi ông qua đời. Cuộc đời của ông đã tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho hàng triệu người muốn tiếp nối bước chân ông, tiếp tục sứ mạng còn dang dở của ông. Sau khi Ambedkar vừa qua đời, nhiều cá nhân đã phát nguyện rằng sẽ sẵn sàng cống hiến cuộc đời của họ cho sự nghiệp và sứ mệnh của Ambedkar. Nhờ vậy mà sự ra đi của Ambedkar không phải là dấu chấm hết trong sự nghiệp của ông mà nó đã mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên Ambedkar.
L. R. Balley, một trong những người gần gũi Ambedkar, tuyên thệ rằng ông sẽ cống hiến hết mình để phục vụ cho xã hội và nhiệm vụ của Ambedkar cho đến giọt máu cuối cùng của đời ông. Nhà văn và cũng là tu sĩ Phật giáo người Anh Sangharakshita, người có đôi lần cộng tác với Ambedkar khi Ambedkar còn sinh tiền, và cũng có mặt trong đám tang của Ambedkar, đã giảng hàng chục bài pháp cho hàng trăm ngàn Phật tử mới quy y để an ủi và động viên họ trong lúc họ gần như tuyệt vọng và bơ vơ trước sự ra đi của người lãnh đạo tinh thần vĩ đại. Ông nói với họ rằng Ambedkar không chết, và sứ mạng Phật giáo của Ambedkar cần phải được tiếp tục. Ông đã ở lại Ấn Độ gần mười năm nữa từ ngày Ambedkar mất, đi đến các hang cùng ngõ hẻm để truyền bá thông điệp của Ambedkar và chăm sóc những Phật tử mới để họ được vững vàng trong Phật Pháp. Năm 1964 ông trở về nước Anh nhưng vẫn “không bao giờ quên về những người bạn Phật tử Ấn Độ.”[9] Cho nên ông đã khuyết khích đệ tử ông là Dhammachari Lokamitra đến Ấn Độ để mà làm việc với các Phật tử ở đây. Khi đến Ấn Độ vào năm 1977, Lokamitra hết sức ấn tượng và xúc động về phong trào cải đạo của những người cùng đinh Ấn Độ. Cho nên ông đã quyết định dành phần còn lại của cuộc đời mình để phục vụ cho Phật giáo Ấn Độ. Năm 1979, ông thành lập Hội Tăng Già Phật Giáo Tam Thiên (Trailokya Bauddha MahaSangha Sahayaka Gana) để phục vụ nhu cầu xã hội và tâm linh của Phật tử Ấn Độ. Nhiều người thuộc tầng lớp thấp ở các bang như Uttar Pradesh, Andhra Pradesh, Punjab, Bihar... đều bị thu hút mạnh mẽ đối với Ambedkar và phong trào của ông. Nhờ đó sự nghiệp của ông đã không kết thúc theo cái chết của ông. Phật giáo Ấn Độ vẫn tiếp tục tiến lên phía trước.
Đã có nhiều hoạt động liên quan đến Ambedkar và Phật giáo đã được tổ chức sau khi Ambedkar mất. Các hoạt động này một mặt để kỷ niệm nhà lãnh đạo và người giải phóng những người bị áp bức, mặt khác cũng là để thúc đẩy sự phục hưng của Phật giáo. Những người theo Ambedkar, nay là những phật tử, ý thức rằng phục hưng và truyền bá Phật giáo là cốt lõi của sứ mệnh của Ambedkar và vì vậy, họ không chỉ tu tập theo Phật Pháp mà còn hoạt động cho sự truyền bá Phật pháp nữa. Họ đã tiến hành xây dựng các cơ sở thờ tự Phật giáo, học ngôn ngữ Pāli, cũng như nghiên cứu và biên soạn văn học để truyền bá Phật pháp.
Hàng năm, cứ vào những dịp lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất, và nhất là ngày Ambedkar quy y Tam bảo 14/10, Phật tử Ấn Độ đều tổ chức hội nghị, hội thảo, hoặc triển lãm về Ambedkar và Phật giáo. Ví dụ như năm 1968 tròn mười hai năm kể từ khi Ambedkar quy y Tam bảo, nhiều hội nghị và hội thảo đã được tổ chức nhằm mục đích thảo luận các phương cách và phương tiện để thúc đẩy hơn nữa phong trào hồi sinh của Phật giáo Ấn Độ. Hội nghị được tổ chức vào ngày 23 tháng 10 dưới sự bảo trợ của Hội Tăng Già Phật Giáo Ấn Độ (Bhartiya Bauddha Maha Sangha) do Giáo sư R. Bhandare chủ tọa Hội nghị và Thủ tướng Ấn Độ đương thời, Indira Gandhi, khai mạc. Tiếp đó một hội nghị nữa được tổ chức vào tháng 11 dưới sự bảo trợ của Hiệp Hội Phật Giáo Ấn Độ. Bhayyasahab YB Ambedkar, con trai của Ambedkar, chủ tọa buổi hội thảo và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khai mạc buổi hội thảo. Nhân dịp này, Hội nghị cũng tiến hành lễ tưởng niệm Ambedkar tại Chaitya Bhoomi, nơi hỏa táng ông năm vào 1956, với phần đọc cảm tưởng của thủ hiến bang Maharashtra, ngài V. P Naik. Năm 1975, nhân kỷ niệm ngày mất của Ambedkar, hơn 3. 000 đại biểu trong cả nước đã về dự Hội nghị được tổ chức tại Nagpur, nơi Ambedkar quy y trước đây. Hội nghị diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10 với nhiều chương trình phong phú như tụng kinh, tụng giới, lễ diễu hành rước tượng Phật và xá lợi Ambedkar, hội thảo, trưng bày những hình ảnh và tác phẩm về Phật giáo và Ambedkar qua các giai đoạn lịch sử. Năm 1991, lễ kỷ niệm ngày sinh của Ambedkar được chính phủ Ấn Độ tổ chức tại thủ đô Delhi và nhiều nơi trên khắp Ấn Độ. Tại buổi lễ, Phó Tổng thống Ấn Độ, Shankar Daya Sharma, Thủ tướng Chandra Shekhar và các quan chức khác đã đặt vòng hoa lên tượng Ambedkar. Thủ tướng Chandra Shekhar đã tuyên bố trong dịp này rằng Ấn Độ phải đảm bảo công lý cho những người nghèo và giai cấp thấp bằng cách thay đổi toàn bộ hệ thống xã hội. Nếu không thay đổi thì không thể tạo ra một xã hội bình đẳng mà Ambedkar từng mơ ước.[10]
Tiến sĩ Ambedkar từng nói rằng ông sẽ xây dựng Ấn Độ thành một đất nước Phật giáo. Để tưởng niệm và tiếp bước ông, hàng năm đều có những lễ quy y tập thể được tổ chức vào các dịp lễ kỷ niệm ông. Bốn ngày sau khi Ambedkar qua đời, Sangharakshita đã làm lễ quy y cho 30 ngàn người. Sáu ngày sau nữa, tại Bombay, trưởng lão Ānanda Kausalyayana quy y cho ba ngàn người thuộc giai cấp cùng đinh. Năm sau, năm 1957, tại Lucknow, trưởng lão Pragyanand người Tích Lan quy y cho 15 ngàn người. Những lễ quy y tập thể như thế được tổ chức hầu như mỗi năm. Gần đây như, theo báo Indian Today, có khoảng 500 người Ấn giáo cải đạo sang Phật giáo vào ngày 13/01/2015 tại một ngôi chùa ở làng Khanjahapur, cách Bồ Đề Đạo Tràng chừng 13 km. Những người tham dự lễ quy y nói rằng họ theo Phật giáo một cách tự nguyện chứ không phải do ép buộc hay dụ dỗ. Họ cũng nói rằng họ thay đổi tôn giáo để tìm cuộc sống yên bình và tốt đẹp. Từ cuối năm 2014, Ban lãnh đạo các giai cấp thấp phát động phong trào “Về nguồn”, dự kiến sẽ tổ chức đại lễ quy y vào ngày 14/10/2017 tại Nagpur. Có 1. 600 gia đình với khoảng 500 ngàn người đã đăng ký tham gia. Đặc biệt những người tham gia không chỉ thuộc tầng lớp thấp mà còn các quan chức chính phủ, học giả Bà la môn, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa, những người bất mãn với Ấn giáo hoặc thấy được giá trị của đạo Phật.
Với hoạt động và ảnh hưởng của Ambedkar, Phật giáo ở Ấn Độ dần dần được hồi sinh và phát triển. Trước thế kỷ XIX, Phật giáo ở Ấn Độ gần như là một “tôn giáo chết” mà ngay cả tên Đức Phật cũng không mấy ai được biết, nay đã trở thành một trong những tôn giáo chính thức ở Ấn độ. Hơn nữa số lượng người theo đạo Phật ngày càng tăng lên, cả xuất gia và tại gia, không chỉ giai cấp cùng đinh mà còn có cả tầng lớp trí thức. Nói đến vai trò then chốt của Ambedkar trong sự hồi sinh của Phật giáo ở Ấn Độ, nhà Phật học Ấn Độ D. C. Ahir nói như sau:
“Ở Bắc Ấn Độ, cũng như ở Nam Ấn, phong trào hồi sinh của Phật giáo bắt đầu vào đầu thế kỷ XX nhưng tiến trình của nó khá chậm. Chỉ sau sự kiện quy y tập thể của quần chúng của Tiến sĩ B. R. Ambedkar và những người cùng đinh của ông vào năm 1956 thì số người theo Phật giáo ngày càng gia tăng. Làm cho phật giáo được hồi sinh nhanh chóng.”
[1] Nanak Chand Rattu, Last Few Years of Dr. Ambedkar, New Delhi: Amrit Publishing House, 1997, tr. 7.
[2] C. D. Naik, Ambedkar’s Perspective on Buddhism and other Religions, Delhi: Kalpaz Publications, 2009: 283
[3] Dhammachari Lokamitra, “Buddhism in Modern World, An Appreciation of Dr. Ambedkar’s Contribution to Buddhism”, in Kadam, Dr. Ambedkar, the Emancipator of the Oppressed, a Centenary Commentation Volume, Bombay: Popular Prakashan, 1993: 139-140.
[4] K. N. Kadam, The Meaning of the Ambedkarite Conversion to Buddhism and other Essays, Mumbai: Popular Prakashan, 1997, p. 42.
[5] [5] W. W. Hunter, The Indian Empire – Its People, History, and Products, London: Smith, Elder, & Co., 1893, p. 240.
[6] B. R. Ambedkar, “On Past Performance and Future Prospects”, in Lella Karunyakara, sđd: 238.
[7] Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, Delhi: Siddharth Books, 2009: 435.
[8] Ambedkar, “Buddha and the Future of His Religion,” in D. C. Ahir (ed.), a Panorama of Indian Buddhism, Delhi, India: Sri Satguru Publications, a Division of Indian Books Centre, 1995, tr. 40-41.
[9] Alan Senauke, Heirs to Ambedkar-Engaged Buddhism in India, Berkely: Clear View Press, 2013, tr. 40.
[10] Ahir, Buddhism in India, Status, Growth and Development, sđd: 39-40.