Người Phật tử Israel trước xung đột hận thù

11/09/20183:42 CH(Xem: 5905)
Người Phật tử Israel trước xung đột hận thù

NGƯỜI PHẬT TỬ ISRAEL TRƯỚC XUNG ĐỘT HẬN THÙ
Cao huy Hóa

Buddhism-IsraelHận thù đề cập trong bài này là hận thù giữa hai dân tộc Palestine và Israel, và mở rộng ra là hận thù giữa các quốc gia Ả-rập và Israel, kéo dài đã 70 năm nay. Kể từ năm 1948, quốc gia Israel của người Do Thái được thành lập, được Liên Hợp Quốc công nhận, như là miền đất hứa của biết bao người Do Thái lưu vong suốt mấy thiên niên kỷ trên nhiều quốc gia Âu Á. Kể từ đó, quốc gia này phải đối chọi với thế giới Ả-rập mà trực tiếp và triền miên là dân tộc Palestine, vốn cũng có nguồn gốc lịch sử ở dải đất này. Tuy Israel bé nhỏ về diện tích đất (cuộc chiến 6 ngày năm 1967 đã mở rộng thêm nhiều đất đai), nhưng Do Thái là dân tộc thông minh, tập hợp được trí tuệ và nguồn lực của dân Do Thái trên toàn thế giới, lại được siêu cường Hoa Kỳ tích cực hậu thuẫn, trong khi Palestine chưa hình thành đầy đủ một quốc gia và các dân tộc Ả-rập không có đủ thực lực để đoàn kết chiến thắng được Israel, ngược lại thế đối đầu luôn luôn nghiêng sức mạnh về phía Israel. Vùng đất này lại còn là nơi có xung đột tôn giáo, một bên là các quốc gia Ả-rập với Hồi giáo, một bên là Israel với Do Thái giáo, vốn gần gũi với đạo Cơ Đốc và Tin Lành.

Hai bên, hai tổ quốc tranh chấp đất đai, hai tôn giáo, cứ thế mà chiến tranh khi thì âm ỉ, khi bộc phát, khi âm thầm, khi bạo động, khi biểu tình, khi tạm lui… Có ai đi giữa hai làn đạn để hàn gắn tình người với nhau? Để bênh vực cho người khốn khổ? Thế mà vẫn có bóng dáng của người Phật tử, Phật tử Israel!

Hiện nay, số người theo Phật giáo tại Israel là ít, chỉ 22.260 người, chiếm 0,3% dân số, tuy thế có nhiều nhà trí thức Do TháiÂu Mỹ là những cư sĩ Phật tử nổi tiếng trên thế giới, có thể kể:

 - Lần đầu tiên, lịch sử nước Mỹ ghi nhận một người Mỹ gốc Do Thái tên là Charles Strauss, đã chuyển đổi quy y sang Phật giáo trên lãnh thổ Hoa Kỳ, công khai tại Hội nghị Thế giới năm 1893 về tôn giáo. Strauss sau này đã trở thành một tác giả sách Phật học và nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào Phật giáo ở phương Tây.

- Một làn sóng người Do Thái theo Phật giáo vào cuối những năm 1960. Những Phật tử đầu đàn nổi bật là Joseph Goldstein, Jack Kornfi eld và Sharon Salzberg, đó là những người thành lập Trung tâm Thiền Insight Meditation Society (bang Massachusetts, Mỹ). Về phía nữ, có Ni sư Ayya Khema (1923-1997) gốc Do Thái rất nổi tiếng trên thế giới. Rồi sau này lại có những người Do Thái tu theo truyền thống tu trong rừng của Phật giáo Thái Lan. Một số khác theo Thiền tông Nhật Bản, đạo Phật Tây Tạng…

Trong cộng đồng Phật tử Israel tại chính quốc, có một tập thể không nhiều những người tu tập, hành thiền và đấu tranh chiến thắng hận thùcho quyền con người. Đó là cộng đồng Phật tử ở Jerusalem tự nhận như một Tăng đoàn (sangha), gọi là Israeli Engaged Dharma (Pháp hội Dấn thân Israel), theo truyền thống tu trong rừng kiểu Thái Lan (Thai Forest), thành lập năm 2010, với số thành viên là 60 người.

Pháp hội này bắt đầu dấn thân hoạt động xã hộitừ hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt vùng Gaza, đầu năm 2009. Những người Phật tử Israel ở đây không thể bịt mắt che tai để yên tâm tu tập trong nhà. Đáp lại nhận định của phóng viên The Tricycle: “Phải chăng đó là phản ánh sự tu tập tại Jerusalem ở trong hậu trường của xung đột?”, vị đại diện của Pháp hội cho biết:

“Có một nghịch lý ở đây. Một mặt, Tăng đoàn phải là nơi trú ẩn an toàn và một nơi chốn tốt lành - chúng tôi thường nói Tăng đoàn là một nơi an trútu tậpan trú. Điều đó lại càng quan trọng tại vùng đất mà xung đột như là chuyện đời sống hàng ngày. Nhưng một mặt khác, chúng tôi phải đi đến một quyết định: hoặc chúng tôi quay về với ảo tưởng, ở đó chúng tôi thoát ly mọi thử thách và không liên hệ với những vấn đề xã hội, hoặc chúng tôi phải nói, ‘Không, chúng tôi phải đem sự tốt lànhchúng tôi đang có và trải rộng ra cho mọi người?’.

Ba năm trước đây, một buổi chiều, chúng tôi ngồi trong một căn hộ ở Jerusalem, và qua cửa sổ, chúng tôi đã nghe một nhóm người đạo Do Thái la to trên đường ‘Giết tụi Ả-rập!’ Chúng tôi đang thực tập bên trong, hoàn toàn thinh lặng. Đây là một ví dụ điển hình của tình trạng khó xử. Chúng tôi làm được gì nếu có chuyện giết người không xét xử trong đám đông hô to ‘Giết tụi Ả-rập’? Làm sao chúng tôi có thể yên ổn bên trong mà tu tập trong khi nghe chuyện xảy ra bên ngoài như thế? Vào lúc đó, chúng tôi không thể bỏ nhóm và đi ra ngoài, bởi vì, bất hạnh thay, đó không phải là dịp hiếm có - đây là cuộc sống tại Jerusalem. Nhưng tôi nghĩ, cần một lời giải đáp dài hạn, đó là chúng tôi phải có một nhóm để hành động trên đường.

Chẳng hạn, khoảng bốn tháng trước đây, một gia đình Palestine bị đuổi ra khỏi nhà bởi vì chính quyền cần đưa những người Israel vào trong căn hộ ở trong khu vực, và có nhiều cuộc biểu tình chống lại việc đó. Chúng tôi thực tập suốt bốn giờ buổi sáng về chủ đề một nơi chốn bình an. Rồi thì chúng tôi đi đến gia đình bị đuổi nhà và gia nhập cuộc biểu tình. Chúng tôi ở đó như là sự tiếp tục thực tậpchúng tôi đã làm tại nhà trong buổi sáng”.

Để hoạt động một cách hiệu quả và đứng vững với tư cách người Phật tử, những vị trong Pháp hội phải đoàn kết giữa những người có tư tưởng chính trị khác nhau: người thì diều hâu, người thì bồ câu, người bảo thủ, người cấp tiến, nên hội đặt nền tảng hoạt động trên những kết nối cá nhân và đặt trọng tâm vào những vấn đề về quyền con người. Hội cũng phải tạo được sự tin cậy nơi những cộng đồng người Palestine, những người bị bức hại do những chính sách hà khắc của người Israel chiếm đóng. Pháp hội đã làm việc với ba cộng đồng người Palestine. Đó là ngôi làng gọi là Walaja gần Jerusalem, có 2.500 dân. Xa về phía Bắc, đó là ngôi làng gọi là Deir Istiya, có 1.400 dân. Nơi thứ ba là một khu vực rộng lớn gọi là Jordan Valley (thung lũng Jordan), gồm 33% của khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Và ở đó về phía Bắc, có những cộng đồng rất nhỏ. Họ đang sống trong lều, không có điện, không có nước máy.

Vị đại diện Pháp hội đã trần tình sự gian khổ với phóng viên báo The Tricycle: “Chúng tôi đưa những người tu tập, vốn rất sợ vào trong những khu vực Palestine. Đang sống yên ổn thoải mái, đi vào những nơi này, họ hoài nghiác cảm nhiều thứ, nhưng bởi vì chúng tôi đã giảng cho họ về Tăng đoàn và pháp, cho nên họ mới cảm thấy được che chởan toàn. Nhiều người vui lòng đi theo chúng tôi, có thể là lần đầu tiên, vào ngôi làng Palestine và gặp bạn bè của chúng tôi.

Thật ra mọi sự khởi đầu rất đơn giản. Đó có thể là công việc kết nối nông nghiệp trong những khu rừng ô-liu, hay những dạng khác của công việc nông nghiệp. Dần dần sự kết nối phát triển. Rồi thì khi những người Palestine, nay trở thành bạn của chúng tôi, bất ngờ gặp khó khăn bởi sự chiếm đóng, chúng tôi phải đứng một bên họ.

Chẳng hạn, trong một ngôi làng ở Walaja, rất gần với Jerusalem, thanh chặn (barrier) được dựng lên trên vùng đất nông nghiệp rộng lớn để ngăn không cho người Palestine vào một resort của người Israel. Chính quyền muốn tách biệt resort với ngôi làng Palestine, mà lâu nay nhiều thế hệ đang canh tác trên đất đó. Chúng tôi không phải là những nhà hoạt động chính trị và xã hội ở địa phương, nhưng chúng tôi biết rõ những ai là sở hữu mảnh đất đó, và chúng tôi không để chuyện đó xảy ra.

Có một ngôi làng khác, chịu trừng phạt tập thể; cứ hai, ba tuần, quân đội vào lục soát dân làng, vì nghi có vấn đề. Đó là những người mà chúng tôi biết và chúng tôi phải săn sóc họ. Chúng tôi kết nối với họ trong đêm, và họ đã chặn trước một lực lượng quân đội xâm chiếm”.

Phóng viên The Tricycle có ý nhắc nhở về chuyện tu tập, vị đại diện Pháp hội giảng giải: “Chúng tôi không giảng pháp cho dân. Vậy thì tu tập ở đâu? Chúng tôi dùng một chút thời gian để thiền; chúng tôi dùng năng lực của mình để quán chiếu nội tâm và lắng nghe một ý định nào đó trước khi khởi sự hành động. Ý định được hướng dẫn bởi những nguyên lý của pháp Phật về từ bi, bất bạo động và tính kết nối với nhau. Trước khi chúng tôi bắt đầu lên đường đến Walaja, chẳng hạn, chúng tôi dành 30 phút để chuẩn bị. Tương tự như vậy, vào lúc kết thúc một ngày, chúng tôi dành thời gian để phản tỉnh”.

Nhiều khi kẹt dài ngày trong vùng lửa đạn, họ ở lại với dân làng Palestine, có khi tham dự vào biểu tình bất bạo động, cùng “hưởng” lựu đạn cay, cùng sống trong tù. Trong hoàn cảnh gay go như thế, họ nhận ra rằng: “Định tâm của thiền có vai trò quan trọng, giúp chúng tôinăng lực quán chiếu hành động, hiểu được bản thân và giữ thái độ trầm tĩnh. Sự gây hấn đến rất dễ dàng. Nhưng khi chúng tôi đến đâu với từ bi và chăm sóc mọi người, thì lúc đó chuyện đối xử hoàn toàn khác hẳn. Vì thế, điều đó là sức mạnh lớn”.

Phóng viên The Tricycle lưu ý, rằng trong Pháp hội có nhiều người trước kia là người lính Israel, “Liệu Tăng đoànkinh nghiệm của ông trong những cộng đồng có làm thay đổi cách nhìn của họ về cuộc xung đột?”.

Vị đại diện Pháp hội cho biết: “Có nhiều người trong Tăng đoàn chúng tôi đã hoạt động tại Deir Istiya trước đây như là người lính. Họ đã đến với vũ khí, và họ đã là những người trực tiếp chiếm đóng. Một vài năm sau, cho đến ngày nay, họ đến như là người khách. Có nhiều thứ lạ mang đến cho họ. Lần đầu, họ rất e sợ, bởi vì họ như là người lính nhìn những người Palestine và làng mạc như là khu vực nguy hiểm, ở đó họ căm ghét. Đó là cái nhìn bị điều kiện hóa. Dần dần, họ thấy mọi chuyện khác hẳn, và họ có thể đến những nơi đó. Và thế là rất nhiều tội lỗihổ thẹn khởi lên khi nhìn mọi thứ mà trước đây họ làm với tư cách người lính”.

Nhìn về viễn tượng một năm sau và lâu dài của hoạt động Pháp hội, vị đại diện nhận định đúng mức, với nhiều khó khăn mà tình thế áp đặt.

“Tôi nghĩ viễn tượng là rất xấu. Ngày nay, không ai có thể phác họa một tương lai tươi sáng, càng tất nhiên hơn nếu chỉ nghĩ về một năm. Mọi sự đều trở nên xấu. Tôi nói như thế bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta nên thực tế, và chúng ta cần phải hiểu rằng lực lượng chiếm đóng ngày nay là vô cùng mạnh mẽ. Vì vậy, không có chiến lược hiệu quả nào xoay chuyển được tình thế.

Chúng tôi là một nhóm tận tụy bảo vệ quyền con người, và chúng tôi thấy quyền của dân, như thực tế chúng tôi đã thấy và chăm sóc họ, là bị vi phạm hàng ngày. Chuyện này có thể tiêu hao ý chí bạn, và có thể làm bạn phẫn nộ. Bạn nhận ra biết bao nỗi khổ, nhưng xã hội của bạn, những người mà bạn cùng làm việc, láng giềng của bạn, có thể ngay cả gia đình bạn, họ không thể chăm sóc, đỡ đần nỗi khổ đó. Đối với những người đó, chẳng có gì cả. Đối với họ, tất cả rồi sẽ được biện minh.

Vì thế, chúng tôi tiếp tục những gì chúng tôi đang làm với một sự chấp nhận không viển vông, và chúng tôi biết, không thể nhìn tương lai một năm sau như thế nào. Chúng tôi chỉ nhìn về những gì đang xảy ra ngày hôm nay trong thời điểm hiện tại”.

Dầu sao, những người Phật tử khắp mọi nơi trên thế giới đều trân quý tấm gương quả cảm của những Phật tử Israel, sát cánh với những người khốn khổ Palestine để đấu tranh cho quyền con người trong từ bi, trí tuệbất bạo động.

Cao Huy Hóa | Văn Hóa Phật Giáo số 304 01-09-2018

Thư Viện Hoa Sen

Tài liệu sử dụng:
- Matthew Abrahams, Meet a Sangha: Israeli Engaged Dharma, The Tricycle 28 Mar 2018.
- Wikipedia tiếng Anh, tiếng Việt.

 
Bài đọc thêm:
Những Người Phật Tử Jubu (Nguyên Giác)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.