Chương Ba: Thiền Phái Vô Ngôn Thông

29/05/20214:42 SA(Xem: 1874)
Chương Ba: Thiền Phái Vô Ngôn Thông
Như Hùng
TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Văn Học Phật Việt 2020 | Thư Viện Hoa Sen 2021

Chương Ba

 THIỀN PHÁI VÔ NGÔN THÔNG

 

Thiền phái Vô Ngôn Thông bắt nguồn từ Thiền tổ Vô Ngôn Thông (750 - 826) người Trung Hoa sáng lập, ngài sang Việt Nam vào năm 820 khoảng giữa thế kỷ thứ 9, trú ở chùa Kiến Sơ tỉnh Bắc Ninh. Chặng đường giác ngộ của Thiền sư Vô Ngôn Thông rất gay cấn, trải qua mười năm tu tập nhưng vẫn chưa đạt được yếu chỉ của thiền.

Một hôm gặp vị thiền giả hỏi: “Ông xuất gia tu được bao nhiêu mùa kiết hạ rồi?”

Ngài đáp: “Mười mùa

Vị thiền giả hỏi: “Vậy thì ông đã xuất gia chưa?

 

Câu hỏi ấy làm cho Ngài hoang mang ray rứt bí lối, cả mười mùa lá đổ trôi qua vẫn cứ lững lờ bay chập chờn vô định trong cõi thời không. Những đè nặng dồn chứa lên tâm trí nhưng không biết làm thế nào để cởi tung mở ra được, những mù mờ giữa mê ngộ vẫn chưa rõ đâu là lối về. Sau đó nhờ vị thiền giả đưa Ngài đi Giang Nam đến yết kiến Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, nhân lúc có vị tăng hỏi tổ Bách Trượng “Con đường giác ngộ cấp thời của Đại Thừa là gì”? Tổ Bách Trượng trả lời: “Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên rọi đến” (Tâm địa nhược thông tuệ nhật tự chiếu). Nghe câu này xong ngài Vô Ngôn Thông bỗng nhiên giật mình tỉnh giác, những ray rứt mù mờ bí lối trước đó như vỡ tung ra từng mảnh, để rồi cuối cùng kết tụ lại làm một thể vượt thoát ra ngoài càn khôn, xoáy thẳng vào lòng đất hoang vu của tâm địa. Một cuộc đào bới đến vô cùng không tận nơi nội tâm, để rồi tung mình đạt đến điểm cao của giác ngộ.

 

Trong vòng 10 năm cuộc hành trình ấy, Thiền tổ Vô Ngôn Thông đã tự mình huân tập một phần nào công lực, nhưng vì then chốt cuối cùng vẫn không có cách nào mở ra được, nên chưa thấy được mặt mũi thật của mình, chưa nhận biết được bản thể chân như lưu xuất. May nhờ cái ấn nhẹ tay của tổ Bách Trượng khiến ngài chợt tỉnh ngộ, thấy được cái hiện hữu tuyệt vời như như bất động sẵn có ở đó tự bao giờ.

 

Tâm địa, mảnh đất tâm bao trùm lên trên tất cả mọi hiện tượng tác tạo, tâm có nhiều phương tiện và giai tầng khác nhau. Thông thường con người chấp trước nghiêng hẳn nó vào đối tượng nhận thức, vô tình ngăn ngại che khuất tâm. Vì thế mọi tác động giải quyết phải khởi đi từ nơi tâm, từ chủ nhân ông và đó cũng là mấu chốt để cho giác ngộ trỗi dậy. Điều quan trọng phải thâm nhập vào tận cùng bản thể, tạo mọi cơ hội để giác ngộ vụt khởi đạt đến điểm cuối cùng, bằng con đườngtrực chỉ nhân tâm” mà Thiền tông đã vén mở, mới hy vọng tóm thâu càn khôn trong chốc lát, nếu không muôn kiếp phải sinh tử đảo điên.

 

Những nhà học giả Phật Giáo, cố gắng phác họa cơ cấu của tâm gồm ba phương diện, dĩ nhiên ở đây tạm hiểu theo nghĩa mò mẫm dựa vào sự hoạt dụng của tâm, chứ thật ra nó vô hình vô sắc làm sao trông thấy để luận bàn.

Phương diện tầng thứ nhất, là tầng “ngoài” mặt, thể hiện và hành hoạt, phương diện này bao gồm những tác năng tinh thần hoạt dụng của tám thức, những chức năng về trí lẫn tình như: Thương, ghét, dục vọng, lý trí, trừu tượng, cảm hứng. Phương diện này rất dễ nhận biết, hẳn chúng ta từng đối diện và trải nghiệm nó ngay trong cuộc sống thường nhật khi những lúc hưng khởi, vọng động, buồn phiền mà ta thường gọi là sự xúi dục của ý thức.

 

Phương diện thứ nhì, tầng “trong” của tâm, còn gọi là tướng có nghĩa là hình thể hay bản chất hoặc tự thức, cũng có nghĩa ý thức được những biến hiện, lưu chuyển, vận hành của ý thức. Ý thức một cách minh mẫn trong sáng theo từng hướng đi của mỗi khởi động, gạt bỏ ra ngoài năng tri, sở tri, hợp nhất tâm ý làm một không còn biên giới nhị nguyên, hầu trở thành một thể độc nhất trong mọi cảm quan. Khi tâm thức rộng mở không còn nằm trong giới hạn, ta mới có thể thong dong tự tại trên mọi lối đi về, không còn bị sai sử tác động.

 

Phương diện thứ ba là “thể” hay còn gọi là tâm điểm nội tại hợp nhất của tâm, và thể của tâm là cái chân như chiếu diệu soi sáng ý thức, và đây cũng là thể tính vắng lặng để cho giác ngộ vụt khởi. Nó là trạng thái toàn triệt bản thể chân như bất động sẵn có trong ta tự bao giờ.

 

Dĩ nhiên những hé mở về ba phương diện đó, nhằm trao cho ta một khái niệm đơn thuần để cảm nhận, chứ thật ra tâm vượt ra ngoài, không một ngữ ngôn phương tiện nào có thể diễn tả và định nghĩa được. Nó là cái toàn thể bao quát không có khởi đầu chung cuộc, không giai tầng biên độ, vượt ra ngoài năng sở, pháp. Ý thức rong ruổi sai biệt của ta thật khó có được quan niệm chính xác, nó là cái chiếu diệu thường tại bất khả luận bàn.

Thiền tổ Vô Ngôn Thông khi cư trú ở chùa Kiến Sơ, lúc nào ngồi thiền cũng xoay mặt vào vách không nói năng, lúc ấy chỉ có Lập Đức thấy phong thái lạ lùng của Ngài đem lòng kính phục, săn sóc. Nhờ sự gần gũi đó Lập Đức tiếp nhận được yếu chỉ từ tổ Vô Ngôn Thông, sau đó được truyền tâm pháp và đổi tên là Cảm Thành. Trước khi thị tịch tổ Vô Ngôn Thông gọi ngài Cảm Thành lại dặn: “Ngày xưa Đức Thế Tônlý do lớn mà xuất hiện ở đời. Việc hóa độ hoàn tất, ngài thị hiện Niết Bàn. Cái diệu tâm gọi là Chánh Pháp Nhãn TạngThật Tướng Vô Tướngpháp môn Tam Muội. Ngài đem phú chúc cho đệ tử Ma Ha Ca Diếp tổ thứ nhất. Thế rồi đời đời truyền nối, từ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang vượt bao nguy hiểm để truyền pháp này, vì người đời còn thiếu hiểu biếtđức tin cho nên phải truyền y bát để chứng tỏ sự đắc pháp. Nay thì đức tin đã thuần thục nên không cần truyền y bát nữa mà chỉ lấy tâm truyền tâm mà thôi. Lúc đó, Tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng đắc thọ tâm truyền trước, liền truyền lại cho Bách Trượng Hoài Hải. Ta được tâm pháp của Bách Trượng đã từng ở lâu phương Bắc tìm người có căn cơ Đại Thừa nhưng chưa gặp, nên đã đi về phương Nam để tìm bậc thiện tri thức. Nay gặp ông ở đây thật là cơ duyên đời trước. Vậy hãy nghe bài kệ truyền pháp này:

 

Bốn phương lồng lộng

Mặc sức huyên truyền

Rằng thỉ Tổ ta

Gốc ở Tây Thiên

Truyền kho pháp nhãn

Được gọi là “Thiền”

Bông hoa năm cánh

Hạt giống lâu bền

Ngàn lời mật ngữ

Vạn câu bản nguyên

Tự nhận Tâm tông

Tự cho là Thiền

Tây Thiên là đây

Đây là Tây Thiên

Xưa nay cùng một

Nhật nguyệt sơn xuyên

Vướng vào là mắc

Phật Tổ mang oan

Sai một hào ly

Lạc tới trăm nghìn

Nên quan sát lại

Chớ lừa hậu tôn

Đừng hỏi ta nữa

Ta vốn “Vô Ngôn”.

(Chư phương hạo hạo

Vong tự huyên truyền

Vị ngô thỉ tổ

Thân tự Tây Thiên

Truyền pháp nhãn tạng

Viết vị chi “Thiền”

Nhất hoa ngũ điệp

Chủng tử miên miên

Tiềm phù mật ngữ

Thiên vạn hữu duyên

Hàm vị Tâm tông

Thanh tịnh bản nhiên

Tây Thiên thử độ

Thử độ Tây Thiên

Cổ kim nhật nguyệt

Cổ kim sơn xuyên

Xúc đồ thành trệ

Phật Tổ thành oan

Sai chi hào ly

Thất chi bách thiên

Nhữ thiện quán sát

Mạc khiểm nhi tôn

Trực nhiêu vấn ngã

Ngã bản vô ngôn).

 

Xuyên qua tiểu sử của Thiền tổ Vô Ngôn Thông, khuynh hướng Thiền trong ngài xuất phát từ dòng Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng, nơi đã phát sinh nguồn suối thiền tâm linh siêu việt. Đề cập đến Lục Tổ Huệ Năng, là đề cập đến một nhân vật mà 13 thế kỷ trôi qua chưa ai có thể đương đầu nỗi, khiếp đảm cùng cực, ngữ ngôn không thể bén mảng đến để diễn tả trọn vẹn được.

 

Ngày hôm nay nhân loại biết đến Thiền Tông chính nhờ vào ảnh hưởng của Lục Tổ Huệ Năng. Thông điệp vĩ đại tổ Huệ Năng tung ra làm đảo lộn tất cả, một sự khai diễn dòng Thiền vô tận vượt thời không tồn tại đến tận mai sau. Từ đó và xuyên qua đó ta thấy được sự chân chất mộc mạc đong đầy chứng ngộ nơi Ngài, không rơi vào từ chương bác học, tất cả được xuất phát từ trong tận cùng nóng bỏng của cái tâm thực ngộ, không đi qua chặng đường huyễn luận kinh viện sở học. Thông điệp giác ngộ của tổ phủ trùm lên tất cả ngữ ngôn, vén mở thật thể vượt mọi ngăn ngại về với vô cùng. “Thấy cái bổn lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”. Đó là khuôn mặt muôn đời đích thực, từ vô thủy đến vô chung, vẫn nguyên sơ không dấu vết, không bị thời gian không gian chi phối, không tướng trạng hình hài, không dài ngắn tròn méo đẹp xấu.

 

Một khuôn mặt bản nguyên đích thật, mà ta đã chối bỏ khước từ trong những cuộc rong ruổi lăn lộn nơi tử sinh, ta ra sức phết tô trang điểm, lấp vào đó một khuôn mặt khác đẹp hơn, lung linh huyền ảo hơn nhưng lại giả tạm không hề thật. Do vì ta lầm chấp, hướng vọng cầu ngoại mải miết chạy loanh quanh kiếm tìm, đẩy ta lạc bước rơi vào trầm luân mê lộ, qua những cánh cửa hé mở của trí năng lung lạc đắp bồi. Khiến ta cứ thế nổi trôi đêm ngày chìm trong biển khổ, lặp hụp chơi vơi giữa muôn ngàn trạng huống. Tâm cảnh mải mê đêm ngày dệt mộng, cuối cùng ta sống trên nỗi thống khổ quờ quạng bất an trôi nổi nơi dòng đời, chưa biết lúc nào dừng lại.

 

Thông điệp vĩ đại của tổ Huệ Năng trao truyền, nhằm xác quyết lại đâu là khuôn mặt đích thực trong dòng biến hiện, một khuôn mặt khiến cho tử sinh bỗng khựng lại sững sờ khi phải chạm trán. Thiền tổ Huệ Năng trở thành biểu tượng đầy uy vũ rực sáng trong Thiền với phong thái thực chứng siêu đẳng, làm lớn mạnh Thiền Tông qua cửa ngõ đốn giáo, một sự trực nhận thẳng thừng không cần đi qua thứ lớp. Và đâu là bí quyết tối hậu để ta quật tung? Dùng tất cả sự linh hoạt của tâm thức, phóng thẳng vào đối thể, mở ra thế giới giác ngộ trong chớp nhoáng, quét sạch mọi do dự chần chờ, đạp đổ mọi ngăn ngại bí lối. Chặng đường này dứt bặt hết tướng trạng so đo, chờ đợi toan tính, một sự lặng thinh phổ cập.

 

Trong Pháp Bảo Đàn tổ đề cập “Nếu giác ngộ tự tánh cũng chẳng phải đặt ra Bồ Đề, Niết Bàn, cũng chẳng đặt ra giải thoát với tri kiến. Không còn có một pháp nào có thể được nữa mới xây dựng được muôn pháp. Nếu hiểu ý ấy cũng gọi là Bồ Đề, Niết Bàn, cũng gọi là giải thoát, tri kiến. Người thấy tính, lập cũng được, chẳng lập cũng được, đi lại tự do không mắc không vướng, ứng theo công dụng mà tìm, ứng theo lời nói mà đáp, thấy khắp hóa thân, không lìa tự tính, liền được thần thông tự tại, chơi đùa Tam Muội như thế gọi là kiến tính.

Tự tính không sai, không mê, không loạn, niệm niệm liên tiếp Bát Nhã quán chiếu soi tỏ, thường lìa hình ảnh của pháp, tự do tự tại, dọc ngang được hết, còn có gì có thể thiết lập được nữa. Tự tính tự nó giác ngộ, tự nó sáng tỏ, tự ngay cũng không có lần lượt từng bước nữa. Vì thế nên không thiết lập một pháp nào cả mà thiết lập cho tất cả. Hết thảy các pháp đều chìm tắt thì còn thứ tự từng bước lần lần chi nữa”.

 

Từ những khai mở đó, ta thấy gì qua bài kệ truyền Pháp của Thiền tổ Vô Ngôn Thông, ngoài việc cho ta rõ nguồn gốc của kho pháp nhãn là Thiền, còn là ngàn lời mật ngữ âm vang cao tột, và có tên gọi Tâm tông. Ngôn ngữ của thiền vượt ra ngoài ngôn ngữ, chẳng có ngôn ngữ, đứng trên ngôn ngữ, thong dong trong cõi vô cùng. Bởi lý, ngôn ngữ cho cùng chỉ là tiến trình dùng để diễn đạt biểu lộ, tức một dạng xúc cảm được vận hành xuyên qua cái ý thức năng động và thông qua khẩu căn. Nhưng với thiền vốn đứng ngoài cuộc chơi, thoát ra khỏi mọi suy diễn phỏng đoán nắm giữ. Chỉ có im lìm lặng thinh, phóng thẳng lên cao chót vót, không nơi trụ bám, trực nhận vào tận cùng bản nguyên, tỏ rõ không cùng nguồn cơn. Tóm thâu ý thức rong ruổi chạy nhảy lăng xăng đẩy xuống tận cùng, dập tắt mọi biến động, cuốn trôi mọi đầu mối lầm lạc, đập tan phạm trù khuôn mẫu, phá vỡ mọi giai tầng thước đo định kiến biên kiến nhị nguyên.

 

Vô Ngôn là làm thinh không lời câm nín, không nói năng mật ngôn bí hiểm, không thể nói được, không còn gì có gì để mà nói, không kiến giải không tỏ bày, không thể diễn tả được. Một sự im lìm vắng lặng đánh động vào chính đối tượng, hất tung xô đẩy tận cùng, dập tắt mọi hy vọng trông ngóng đợi chờ, vượt lên căn trần thức trở về với bản thể như như bất động. Bản nguyên ban sơ vốn dĩ như thế, thường tại như thế, đến đi như thế, vận hành như thế, nguồn cơn lồ lộ lồng lộng rõ ràng như thế. Thế thì chỉ có như thế, làm thinh như thế, lặng yên như thế, vượt qua như thế vậy thôi.

 

Về Giáo tông còn phải vận dụng đến biểu tượng, nương vào y cứ vào một vài khuôn mẫu, phương tiện dẫn đưa, để thích nghiphù hợp cho từng bối cảnh tâm thức, còn gọi tùy duyên hóa độ, tùy bệnh cho thuốc. Tâm tông, chỉ thẳng vào thể tánh vào chính cái bản thể của tâm một cách linh động tức thì, không cần phải đi qua thứ lớp trình tự, vực dậy tự tánh giác ngộ sẵn có trong mỗi chúng ta, trực nhận ngay vào chính cái bản thể biến hiện của các pháp. Mọi tác động là phải tác động ngay lập tức, ở chính cái tâm ấy con người đó, tâm cảnh đó, không viện dẫn quanh co tùy tiện, không bày trò lạc bước, mò mẫm kiếm tìm đáp án. Hễ còn vướng tức còn mắc còn dính tức còn bám, lại phải tốn công tháo gỡ, nhọc nhằn thân tâm mỏi mệt đầu óc. Không khéo lại hàm oan lời Phật nghĩa Tổ, sai một ly đi một dặm học một đàng vất vả.

 

Vô Ngôn, sự lặng thinh phủ trùm lên muôn vật, không lời bặt ngôn lìa bỏ hết tướng trạng, tỏ rõ nguồn cơn sáng soi muôn lối đi về. Sách Thiền Uyển Tập Anh ghi lại câu chuyện Thiền sư Vô Ngôn Thông trong khi dạy Thiền sư Ngưỡng Sơn học, lúc đó Ngưỡng Sơn mới xuất gia và khoảng mười bảy tuổi.

Một hôm Thiền tổ Vô Ngôn Thông bảo Ngưỡng Sơn: “Chú khiêng cái ghế kia qua đây cho tôi một chút”.

Khi Ngưỡng Sơn khiêng ghế tới,

- Thiền sư nói: “Chú khiêng trở lại chỗ cũ

Ngưỡng Sơn khiêng lại chỗ cũ,

- Sư lại hỏi Ngưỡng Sơn: “Bên này có gì không”?

Ngưỡng Sơn đáp: “Không có gì

- Sư lại hỏi: “Còn bên kia có gì không”?

Ngưỡng Sơn nói: “Không có

- Sư gọi: “Chú ơi!”

Ngưỡng Sơn đáp: “Dạ”.

- Thiền sư Vô Ngôn Thông bèn nói: “Thôi chú đi đi”.

Một hôm tại chùa Hòa An, có người hỏi tổ Vô Ngôn Thông: “Ngài có phải là một vị Thiền Sư không?”. Vô Ngôn Thông đáp: “Tôi chưa từng học về Thiền”. Một lúc lâu ngài gọi tên người kia. Người kia đáp: “DạThiền Sư Vô Ngôn Thông liền chỉ tay ra một gốc cây thoan lư ngoài sân mà không nói gì.

Khuôn mặt lớn nhất vĩ đại nhất diệu kỳ nhất của Thiền sư Vô Ngôn Thông, là một khuôn mặt nhưng không mang đường nét của bất cứ một lối kiến trúc điêu khắc tô điểm hay trang trí nào, cho dù đó là cách tự nhiên của như thật. Một khuôn mặt siêu việt vượt ngoài thời gian, không gian, phạm trù, biên kiến nhị nguyên. Một khuôn mặt đích thực, nguyên sơ nguyên trạng vẹn nguyên tròn đầy. Một khuôn mặt thẳng bước từ quá khứ vụt đến tương lai vẫn không hề méo mó hư hao biến dạng. Một khuôn mặt mà thời gian không gian, đành bất lực chào thua không thể đụng đến. Khuôn mặt đích thật của bản lai thường tại vẹn nguyên vốn dĩ như thế, trước sau như vậy xưa nay vốn như thế, mai sau cũng sẽ như vậy, từ vô thủy đến tận vô chung vẫn cứ y nguyên như thế, tròn đầy viên mãn.

 

Ở chính ngay điểm đối đáp ở trên, tổ Vô Ngôn Thông phủ nhận tư cách Thiền Sư của mình bằng câu “Tôi chưa từng học Thiền”. Vậy thì lý do nào khiến tổ Vô Ngôn Thông phải khước từ tư cách thiền sư của mình? Dù đứng từ góc cạnh nào thì Thiền vẫn là những tương tác ngay trong đời sống, dù cho Ngài có khước từ hay mặc định thì những un đúc huân tập trong từng phút giây sống thở và hành hoạt đó, nơi đâu chốn nào lại không có bóng dáng của Thiền thôi thúc tác động phủ vây? Từng suy tư từng hơi thở, cảnh và người, thân và tâm nơi nào lại không có sức sống của Thiền lan tỏa? Vậy thì tại sao tổ Vô Ngôn Thông lại khước từ phủ nhận? Phải chăng, khi ở vào cảnh giới giác ngộ khi nhập vào thể tánh như như, thì rõ ràng mọi sự kêu gào áp đặt, xác định hay phủ định đều trở nên vô nghĩa, và thật sự không còn cần thiết. Ngay cả cái danh xưng là Thiền Sư cũng đều do con người gán cho, chứ thật ra quý Ngài có bao giờ tự nhận mình là Thiền Sư, hơn nữa nhận làm gì cái huyễn danh giả danh đó? Tổ Vô Ngôn Thông đã thoát ly ra ngoài những quan niệm mà kẻ khác đã gắn cho Ngài, tự tại thong dong vượt lên tất cả. Nếu thừa nhận mình là Thiền Sư hóa ra bị kẹt, chấp vào cái giả danh huyễn tướng, khiến cho kẻ khác bám víu dựa dẫm vào đó thì càng không nên. Chính điều đó có thể trói buộc lấy mình, khiến cho kẻ đối diện rơi vào danh lý lầm tưởng đánh mất đi cái ban sơ, một sự lệ thuộc không cần thiết. Ngay cả tên gọi là Thiền Sư cũng không thể đem định nghĩa hoặc phong tặng ban bố cho ai được, chỉ có sự thể nghiệm trực nhận vào chính ở đó, vượt ra ngoài biện luận ngôn thuyết, không lời lặng thinh may ra mới đủ năng lực xoay chuyển càn khôn. Nhưng khi đã thật sự vượt ra rồi thì đâu cần phải quay đầu nhìn lại, đâu còn thấy có không, thiền với không thiền, sư với không sư?

 

Thiền Tổ Vô Ngôn Thông đã từng tu học nhiều năm ở thiền viện của Tổ Bách Trượng. Bách Trượng là tác giả bộ quy chế nổi tiếng đó là Bách Trượng Thanh Quy. Nhờ sống trong bối cảnh thiền môn quy củ đó, sau này tổ Vô Ngôn Thông cũng đem những khuôn mẫu đó áp dụng trong sinh hoạt thiền viện tại Việt Nam. Cho đến bây giờ một số quy cũ vẫn còn thực hiện với sự gia giảm ít nhiều để được thích nghiphù hợp cho từng bối cảnh xã hội.

 

1. Bảng liệt kê 17 thế hệ truyền pháp của Thiền Phái Vô Ngôn Thông:

Thế hệ 01: Vô Ngôn Thông (? - 826)

Thế hệ 02: Cảm Thành (?- 860)

Thế hệ 03: Thiện Hội (?-900)

Thế hệ 04: Vân Phong (?-959)

Thế hệ 05: Khuông Việt Chân Lưu (933 -1011) và 1 người khuyết

Thế hệ 06: Đa Bảo và 1 người khuyết lục

Thế hệ 07: Định Hương (1051) Thiền Lão và 1 người khuyết

Thế hệ 08: Viên Chiếu (999-1090) Cứu Chỉ (1067) Bảo Tịnh (1034) Minh Tâm (1034) Quảng Trí (1090) Lý Thái Tông (1028) và 1 người khuyết lục

Thế hệ 09: Thông Biện (?-1134) Mãn Giác (1052-1096) Ngộ Ấn (1088) và 3 người khuyết lục.

Thế hệ 10: Đạo Huệ (1172) Biên Tài, Bảo Giám (1173) Không Lộ (1141) Bản Tịnh (1177) và 3 người khuyết lục.

Thế hệ 11: Minh Trí (1190) Tín Học (1190) Tịnh Không (1170) Đại Xá (1180) Tịnh Lực (1175), Trí Bảo (1193) Trường Nguyên (1165), Tịnh Giới (1207) Giác Hải, Nguyên Học (1174) và 2 người khuyết lục

Thế hệ 12: Quảng Nghiêm (1190) và 8 người khuyết lục

Thế hệ 13: Thường Chiếu (1203) và 6 người khuyết lục

Thế hệ 14: Thông Thiền (1228) Thần Nghi (1216) và 3 người khuyết lục

Thế hệ 15: Tức Lự, Hiện Quang (1221) và 3 người khuyết lục trong đó có thể có Ấn Không đệ tử của Thần Nghi.

Thế hệ 16: Ứng Vương và 6 người khuyết lục

Thế hệ 17: Tiêu Diêu, Giới Minh, Giới Viên, Nhất Tông Quốc Sư.

 

3. Sự ảnh hưởng của Lục tổ Huệ Năng với thuyết Đốn Ngộ

 

Vô Ngôn Thông giật mình choàng tỉnh, bao nhiêu mộng mị tan biến, bao nhiêu vướng bận san bằng ủi sập đổ nhào tức thì. Chỉ nhờ vào một câu hỏi, và câu hỏi ấy đẩy tâm Ngài vượt ra khỏi lớp vỏ khô cứng dồn nén, thoát khỏi những đè nặng bám víu lẩn quẩn tiến thối lưỡng nan. Bằng vào con đường thâu ngắn của không đường, không lối qua lại, vượt thoát mọi chông chênh. Con đường không có điểm dừng, không có khởi đầu chung cuộc, con đường thênh thang rộng mở, con đường tâm linh cao tột, không có thước đo biên giới ngắn dài, con đường nhất như không tên gọi. Ngay từ phút đầu gặp gỡ tại pháp hội của ngài Bách Trượng khi nghe một vị tăng hỏi Tổ Bách Trượng, để rồi sau đó Vô Ngôn Thông phát huy triệt để phương pháp đốn ngộ trong việc hướng dẫn đồ chúng. Danh từ Đốn và Tiệm xuất phát trong kinh Lăng Già, dùng để luận về phép tĩnh tâm gạn lọc tư tưởng, tùy chỗ mà gọi khi thì Đốn, khi thì Tiệm. Kinh thừa nhận có hai loại căn trí có thể đạt được giác ngộ, và cũng có những tâm khác bất thình lình chứng ngộ, mà không cần sự cố gắng nào có ý thức từ trước.

 

Vào thời Lục tổ Huệ NăngThần Tú, chưa có sự phân biệt về Nam Bắc, Đốn Tiệm, nhưng đến thời kỳ ngài Thần Hội vốn là học trò của tổ Huệ Năng thì sự chỉ trích về tiệm giáo phát sinh, và cũng nhờ ngài Thần Hội mới lấy lại ngôi vị Lục Tổ cho Huệ Năng, và từ đó mới chia ra Nam Đốn, Bắc Tiệm. Lập trường của Tiệm giáo là phải từ từ dọ dẫm từng bước, phải kinh qua quá trình tu tập, vận hành theo thứ lớp trong việc đạt đến giác ngộ. Trong khi Đốn giáo chủ trương ngộ là ngộ tức khắc, không chần chừ suy tính, không có quá trình trung gian nào để có thể đợi chờ lôi kéo tạo nên, không có sự dọ dẫm chèn ép nào dẫn đưa. Ở đó thời gian sẽ không có cơ may ngự trị trên mọi suy tư và hành động, không còn cho ta khoảng cách để đo lường tính toán nâng cấp tư duy. Không kẽ hở để ta trụ bám, không cơ hội để ta lầm chấp hoang tưởng, mọi tương tác mọi vùng lên bừng dậy là phải vụt khởi tức thì lập tức, mọi chuẩn bị để nối kết đều chậm trễ lạc lốivô nghĩa.

Tổ Huệ Năng được kể như một đại cao thủ của duy tâm luận, còn Thần Tú là người thích sống với chủ trương hiện thực. Duy tâm không phải tách rời ra ngoài khách quan thực tại, những ý lực liên tục xoáy thẳng vào tâm điểm không cùng, vượt ra ngoài tất cả chớp nhoáng như điện xẹt, mở ra phương trời huyền nhiệm ngay lập tức, không cần phải đi qua thứ lớp luận giải, phân biệt so đo tính toán. Bởi lẽ, thiền là sự đột khởi chứng ngộ tức thì trong việc bắt nhịp tương quan cung bậc, đó là bước nhảy thần tốc từ bình thường đến siêu việt, từ thấp đến cao từ mê đến ngộ. Đỉnh cao tuyệt vời không cùng vô tận đó, bình diện cao siêu ấy không kẽ hở để cho tâm thức còn có thời gian ngự trị mời gọi đón chào.

 

Trong khi đó ngài Thần Tú vẫn đặt yếu điểm cuối cùng bằng vào quá trình tư duy, cửa ngõ của những suy nghiệm, đâu đó một sự tồn tại khả dĩ, ở một cấp độ cần thiết nào đó, một sự tương tác trên từng hiện tượng, sự khởi sắc trên từng tâm thức. Có lẽ, ngài Thần Tú không phiêu lưu ra ngoài thời gian để xác quyết, khơi dậy cái linh hiển tối hậu của chơn tánh, và cũng có thể ngài Thần Tú cố tình đánh mất cơ hội này, âu cũng là tùy duyên hóa độ, một sự bảo chứng và quy trình, đôi khi cũng cần thiết cho từng tâm thức vậy.

 

Thiền Sư Cảm Thành trong một cuộc đối đáp với Sư Thiện Hội, ngài giải thích rất rõ về thuyết đốn ngộ. Một hôm Thiện Hội vào thiền thất của Thiền sư Cảm Thành hỏi: “Kinh nói Đức Thích Ca phải tu hành trong ba A Tăng Kỳ Kiếp mới thành tựu được quả vị Phật Như Lai; nay thầy lại dạy thuyết “Tức tâm tức Phậtđệ tử không hiểu xin thầy chỉ giáo”.Thiền sư Cảm Thành hỏi lại: “Chú nói trong kinh nói, vậy đó là ai nói? Nếu nói là Phật nói, thì tại sao Kinh Văn Thù lại nói: “Như Lai ở đời trong bốn mươi chín năm chưa từng nói một tiếng nào với ai”. Với lại cổ đức đã nói: “Tìm tới sự chứng ngộ, trong kinh văn thì chỉ thêm u trệ, cầu thành Phật bằng khổ hạnh thì là mê lầm, bỏ tâm mà cầu Phật là ngoại đạo, nắm lấy tâm mà cầu Phật là ma quân”. Thiện Hội hỏi: “Nếu nói vậy thì trong tâm này cái gì Phật, cái gì không phải là Phật”? Thiền sư Cảm Thành nói: Ngày xưa, có người hỏi Mã Tổ. “Nếu tức tâm tức Phật thì trong tâm ấy cái gì là Phật”? Đạo Nhật trả lời: “Ông nghĩ trong tâm ấy cái gì không phải Phật thì chỉ cho tôi xem nào”? Người ấy không nói được Mã Tổ lại nói: “Khi đạt ngôn thì cái gì cũng là Phật, khi chưa đạt ngộ cái gì cũng vĩnh viễn sai lầm. Câu thoại đầu đó, chú có hiểu không”. Qua sự giải thích đó, Thiện Hội đã hiểu thế nào là đốn ngộ.

 

Thông thường bất cứ sự nỗ lực thành tựu nào cũng đều phải đi qua quá trình lịch nghiệm tư duy, dù đó là chặng đường kiến tánh, nhưng tại sao lắm lúc những Thiền Sư hoàn toàn phủ nhận sự có mặt của chặng đường này, qua từ ngữ tuyên cáo đanh thép Đốn Ngộ? Phải chăng đây là nhát dao đoạn trừ, uy lực khủng khiếp cực mạnh nhanh gọn, chặt phăng đi những cầu nối, hầu hết theo đó ta mới đến được bờ kia. Ngón tay và mặt trăng, chiếc bè qua sông đã đến lúc phải vứt bỏ, và nếu đó là con đường duy nhất, ngoài ra không còn lối nào khác nữa, thì ta cũng nên sẵn sàng chặt bỏ. Bởi lẽ, đây là trở ngại rất lớn trong việc đẩy bung ý lực ra ngoài để cho giác ngộ vụt khởi, thông thường ta hay ỷ lại, bám víu nương tựa dựa dẫm lầm chấp, hoang tưởng trong tư duy. Đây là điều cố hữu vốn nằm sẵn ở trong ta chi phối tác động không chịu dứt ra, một thứ bản chất vi tế rất khó đoạn trừ.

 

Trong khi đó Thiền không chủ trương nương tựa vào bất cứ điều gì, không dựa dẫm vào một thứ gì dù đó là yếu lộ duy nhất, hoặc tìm cách thiết lập lại kinh nghiệm của kẻ khác, sử dụng ngôn ngữ giác ngộ của người xưa. Nó hoàn toàn xa lạ không phù hợp với kẻ đối diện và chẳng liên quan gì đến sự giác ngộ của chính ta, vì đó là kinh nghiệm của riêng kẻ ấy, dành cho kẻ ấy thuộc về kẻ ấy mà thôi. Nhưng lắm lúc điều này khiến ta rơi vào sự tưởng chừng và bị hạn chế, chìm trong sự hưng động dẫn dắt nào đó của ý thức, vốn là chủ lực mạnh nhất trong việc tách rời giác ngộ. Hơn nữa giác ngộ là sự bừng dậy tức thì ở ngay tại thời điểm và thời gian thích hợp nhất. Cũng là lúc chấm dứt yếu tố dẫn đưa, không có nhân duyên cơ hội, nhanh lẹ dứt khoát không cần đi qua thứ lớp, giống như tia chớp như điện xẹt, gãy mổ đồng lúc. Mọi sự vận hành phải được sẵn sàng từ trước, mọi chuẩn bị phải có sẵn tự bao giờ, chỉ có bùng nổ bừng lên tỏa sáng ngay tức khắc, đốt cháy càn khôn tức thì, triệt tiêu tất cả thâm nhập tận cùng bản thể thường tại như nhiên ngay lập tức.

 

Vì vậy quá trình để giác ngộ vụt khỏi, không còn lộ trình để ta mon men theo những điều dựng lên từ trong tâm ý, không thể tìm thấy trong kinh viện giáo điều. Nó phải quật khởi bằng con đường của không đường, không có con đường nào để đi đến để tồn tại. Bất cứ trạng thái trổi dậy nào còn ẩn núp hoặc nương tựa đâu đó, đều làm cho ta hụt hẫng, không khéo trở nên vô nghĩa. Bởi lẽ, khi ta còn đề cập đến chặng đường tức còn rơi vào lỗ hổng sâu muôn trượng, còn bị che lối phong kín, còn cất bước dò tìm. Từ đó chặng đường thử thách trở nên bế tắc bất lực, sự châm ngòi dẫn lối sẽ biến dạng méo mó trong việc soi mở căn tính của giác ngộ.

 

Chỉ có nhát dao đoạn trừ quyết liệt, dứt khoát chặt phăng trừ khử chớp nhoáng mọi mầm mống, tất cả đều phải ngã quỵ đổ nhào khi chạm phải, bật gốc tan tành khi đối diện, biến mất triệt tiêu khi đương đầu, đó mới là điều tối cần và dứt khoát phải như vậy. Đây quả là một nghệ thuật siêu việt, vượt lên cả nghệ thuật, chỉ khi nào ta bị đẩy vào tận cùng hố thẳm thì mới bật dậy năng lực bình sanh. Chỉ khi ta đương đầu trực diện sự sống chết mê ngộ thì ta mới liều mình đánh đổi, chỉ khi ta bị treo lơ lửng trên cành cây, dưới chân là hố thẳm sâu ngút ngàn, ta mới mới tìm thấy ý nghĩa chung cuộc của huyễn mộng tử sinh, vựt dậy bản thể nhất như tìm thấy giá trị soi thấu tự tánh. Và quan trọng hơn nữa, từ đó ta mới biết đâu là đầu mối để cởi tung triền phược, đẩy lùi mọi ngăn ngại tối tăm, đã từng che lấp phủ kín lối về, những cuộc đi hoang quên mất đường xưa lối cũ chốn đi nẻo về.

 

Xuyên qua đó ta mới trông thấy được sự tươi sáng rực rỡ, nhờ đó ta tắm gội dòng nước thanh lương ngọt lịm, ở đó và trong đó một sự thuần nhất bình đẳng, trong tất cả mọi chủng tử vốn sẵn có chất liệu của giác ngộ. Nếu không kiến tánh, không khơi mở được giác ngộ, cho dù có làu thông kinh sử, đa văn quảng bác, thao thao bất tuyệt, cũng sẽ trở nên lạc lối mất phương hướng. Cũng giống như kẻ đứng ở bên ngoài căn nhà, nhưng lại đi ca ngợi vẻ đẹp ở bên trong, một thứ sở tri chướng tồn đọng không giúp được gì trong việc tìm đến giác ngộ giải thoát.

 

Một khi mở ra được con mắt huệ cũng là lúc tóm lấy càn khôn qua cái nhìn siêu việt trên mọi kiến giải, khi ánh sáng tuyệt luân của giác ngộ bừng dậy soi tỏ, cũng là dịp xóa nhòa mọi chặng đường dấu vết, đánh đổ mọi tư duy thẩm định, phá vỡ mọi thành trì ngăn ngại. Khi tánh thấy khởi động, cái nhìn không biên cương giới hạn, cái nhìn xuyên thấu tâm cảnh, cái nhìn của như thật. Cái nhìn đọng lại tròn đầy, xoáy thẳng vào tâm điểm không qua thứ lớp, không tuần tự diễn ra từng hồi từng chập, nhanh gọn lẹ làng dứt khoát. Một sự câm nín toàn triệt bao trùm lên muôn vật, ở đó vô ngôn không lời, mật ngôn phổ cập trên từng tương tác, ngôn ngữ đành phải bất lực cúi đầu, lặng thinh trên từng đi lại. Cuộc gặp gỡ giữa ngài Vô Ngôn Thông với Tổ Bách Trượng cũng đủ để ta suy gẫm đến yếu lộ này, lưu lại dấu ấn đậm sâu hằng bao thế kỷ này tạo nên lịch sử phi thường cho Thiền tông, soi đường cho ngàn sau tiếp nối, hiên ngang sừng sững tỏa sáng lồng lộng trên bầu trời Đạo Phật Việt.

 

Dưới đây một vài đoạn trong Pháp Bảo Đàn, được Thiền tổ Huệ Năng tuyên thuyết, soi sáng thêm thuyết đốn ngộ. “Nếu Ngộ được phép đốn giáo ắt hẳn người khởi chấp theo ngoại cảnh để sửa mình. Chỉ cần nơi tự tâm khởi lên cái thấy chân thực, không phiền não trần lao nào nhiễm được vào người, đó là thầy Tánh”.

“Nếu tự mình ngộ được thì khỏi cầu ngoại. Bằng cứ một mực chấp trước, nhờ vào người khác để được giải thoát, điều ấy không đâu có được. Tại sao? Trong tự tâm có ông thầy lành nên có thể tự ngộ. Bằng cứ mê muội rối ren, niệm tưởng lầm lạc thì không một ông thầy lành nào bên ngoài khéo dạy dỗ cứu chữa nỗi. Còn nếu trí Bát Nhã quán chiếu lên thì trong khoảnh khắc tất cả vọng niệm đều tiêu tan hết. Nếu biết tự tánh thì vừa thoáng ngộ đã vào ngay đất Phật”.

 

* Thiền sư Cứu Chỉ đời thứ 7 thiền phái Vô Ngôn Thông, cũng có lối nói pháp thâm cao vi diệu đầy uy lựcmạnh bạo một cách khủng khiếp. Khi diễn tả về cái tánh cái tâm, làm đinh tai nhức óc chấn động cả hệ thần kinh, khiến đầu óc vỡ tung ra mọi thứ, chặn đứng mọi suy tư toan tính dập tắt mọi hý luận bày trò. Khiến người nghe bay bỗng lên tận mây ngàn chơi vơi nơi muôn trượng, không chỗ bám víu không còn nơi để dựng lên thiết lập bất cứ điều gì cái gì. Phong kín mọi ngõ ngách bịt lối đi lại, không còn lối nào để thoát ra, không còn kẽ hở nào để chun vào, không đường để dọ dẫm dập tắt hy vọng trông chờ. Ở vào ngay cái giây phút sống chết như đường tơ kẽ tóc đó, sát na diệu huyền đó, chỉ có sự bùng vỡ của giác ngộ trỗi dậy, nhập thẳng vào thể tánh chân như thường tại, thâu tóm càn khôn trong tích tắc.

 

“Phàm tất cả pháp môn vốn tự tánh của các ngươi, tánh tất cả pháp vốn từ tâm của các ngươi. Tâm pháp nhất như vọng không hai pháp. Phiền não trói buộc. Tất cả đều không. Tội phước phải quấy, tất cả đều huyễn. Không cái nào chẳng phải quả, chẳng phải nhân, không nên ở trong nghiệp mà phân biệt thì chẳng được tự tại. Tuy thấy tất cả pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả pháp mà không có chỗ biết. Biết tất cả pháp lấy chánh nhơn làm tông. Thấy tất cả pháp lấy nhân duyên làm gốc. Tuy chuyên nói thật tế mà hiểu rõ thế gian đều như biến hóa, rõ thấu chúng sanh chỉ là một pháp không có hai pháp. Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo ở trong cõi hữu vi hiển bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tưởng vô vi là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy vậy”. Sư liền nói kệ:

 

“Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch

Thần thông biến hóa hiện chư tướng

Hữu vi vô vi tùng thử xuất

Hà sa thế giới bất khả lường

Tuy nhiên biến mãn hư không giới

Nhất nhất quan lai một hình trạng

Thiên cổ vạn cổ nan tỷ huống

Giới giới xứ xứ thường lãng láng”.

Dịch :

Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên

Thần thông các tướng biến hiện tiền

Hữu vi vô vi từ đây có

Thế giới hà sa không thể lường

Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không

Mỗi mỗi xem ra chẳng tượng hình

Muôn đời ngàn đời nào sánh được

Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

 

Quả thật ngôn ngữ đó không còn là ngôn ngữ, mà là sức công phá mãnh liệt vào tận cùng mọi ngõ ngách trôi nỗi đi lại của tâm thức, một thứ mật ngôn cùng tuyệt, phủ trùm lên tâm cảnh thời không, bặt lời trọn ý, thong dong trong không cùng vô tận, không còn ngần mé biên độ, định kiến chủ quan, phạm trù sai biệt, đâu đó bị quật ngã vỡ tung cuốn hút tự bao giờ.

 

* Cuộc đối đáp giữa Định Hương Trưởng Lão (?-1051) và Cứu Chỉ Thiền Sư, ngay từ phút đầu gặp gỡ:

- Sư hỏi: “Thế nào nghĩa cứu cánh?” Trưởng Lão im lặng, giây lâu hỏi lại sư: “Hiểu chưa

- Sư thưa: “Chưa hiểu

- Trưởng Lão bảo: “Ta đã cho ngươi nghĩa cứu cánh

- Sư còn suy nghĩ, Trưởng Lão bảo: “Lầm quá rồi”

Ngay câu này Sư nhận được yếu chỉ!

Chúng ta hiểu được gì trong cuộc đối đáp trên, nghĩa của cứu cánh mà ngài Cứu Chỉ muốn thâu tóm trên điều kiện nào của tư tưởng danh lý? Khi đặt câu hỏi “Thế nào” ngay lúc đó đã khởi lên ý niệm so sánh sai biệt, tạo cơ hội để cho ý thức xen vào gây rối lũng đoạn, tha hồ dẫn dắt tác yêu tác quái, vì thế ngài Định Hương im lặng. Một sự lặng thinh tuyệt vời phủ trùm, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn được, hé mở toàn bộ ý nghĩa đích thực của cứu cánh. Đó là thể tính chân như tròn đầy vi diệu, vắng bặt mọi chấp trước vọng khởi, trôi nổi đi lại từ nội tâm đến ngoại cảnh, đâu đó một sự vắng lặng tuyệt nhiên không gì có thể lay chuyển được.

 

Để rồi sau đó Thiền sư Cứu Chỉ ca vang khúc khải hoàn, xoay đổi càn khôn trong cuộc quật khởi hùng tráng, trông thấy rõ cội nguồn tâm tánh, cứu cánhbiện minh, khúc thinh âm huy hoàng rực rỡ vi diệu vang vọng trong không cùng. Tâm và pháp hòa cùng một thể duy nhất, đâu đó những giả tướng huyễn tướng, từ nơi trần cảnh không cơ may giành giật, bị san bằng tức thì, đổ nhào ủi sập vỡ tung tất cả. Một khi tâm thức bùng lên soi tỏ lối vào giác ngộ, sự sáng suốt linh hiện thấu triệt bản thể thường nghiệm của các pháp, bằng vào con đường quật khởi tánh giác thênh thang khai thông mở ra muôn lối. Khi thấy tất cả các pháp là không, tức là không còn có chỗ để thấy không còn có chổ để biết, một sự vắng lặng tròn đầy chân không diệu hữu.

 

Vì lẽ khi tỉnh thức giác ngộ là nhập thẳng vào tận cùng hiện hữu của từng phổ cập tương tác, cái hiện thể của hiện thực ấy phải trần trụi nguyên vẹn ban sơ nhất như. Từ vô thủy đến vô chung vẫn y nguyên như thế không hề suy giảm, không bị méo mó sai sử dẫn đưa từ đâu đến hay do nơi đâu mang lại. Một khi vận dụng tất cả mọi năng lực toàn triệt và quyết liệt bao nhiêu, thì kết quả thâu tóm càng sâu dày cao độ bấy nhiêu. Ngộ không nảy mầm từ sự duy ý chí, nếu ở đó chỉ là sự đi lại biến đổi, nó vốn ở một năng khiếu nhiệt tâm tuyệt diệu phủ trùm lên từ nội đến ngoại giới tâm cảnh, một sự đánh động vào tận cùng, vượt ra ngoài khuôn mẫu thước đo luận bàn suy diễn.

 

Dĩ nhiên những chuyển hướng tích cực tạo nên sự giác ngộ không thể tách rời ra tổng thể để có được, tuy nhiên sự quật tung vẫn phải bất động nhất như vượt ra ngoài ngần mé biên độ. Tuy vậy, thiền vẫn kêu gọi đến trợ thủ đắc lực nhất, đó là cái tâm kiên định sức mạnh nội tâm phi thường, lực đẩy thẩm sâu không cùng. Bởi lẽ nó là đầu mối nguyên nhân khiến ta rơi vào tử sinh, cho dù ta cố gắng thoát ly nhưng vẫn chưa thoát ra được, không khéo thì lại càng dính vào và mãi bế tắc. Trừ khi ta cứ để nó ở yên nơi nó đã từng ở, không lôi kéo nó ra ngoài khi ta chưa đủ năng lực, làm một cuộc tập kích thình lình, thâu tóm chuyển hóa biến nó trở thành trợ thủ đắc lực và bạn đồng hành với ta trên muôn lối. Như thế ta mới có dịp hát vang khúc hoan ca trên từng đi lại, dạo bước thảnh thơi trên mọi bến bờ, rong chơi trên muôn vạn nẻo, cõi lòng vẫn tự tại an nhiên.

 

* Những trao đổi giữa Thiền sư Đa Bảo (?-?) với Định Hương Trưởng Lão dưới đây, còn cho ta dấu ấn khó phai cái nhìn rạch ròi đúng mức.

- Một hôm Định Hương Trưởng Lão hỏi Thiền sư Đa Bảo: “Làm thế nào thấy được chơn tâm”?

- Thiền Sư Đa Bảo đáp: “Là ngươi tự nhọc”.

- Sư hoát nhiên tỉnh ngộ thưa: “Tất cả đều như vậy, đâu phải chỉ riêng con”.

- Ngươi hội chưa?

- Sư thưa: “Đệ tử hội rồi lại đồng chưa hội”.

- Thiền Sư Đa Bảo nói: “Cần phải giữ gìn cái ấy”.

- Sư bịt tai xây lưng đứng

- Thiền Sư Đa Bảo liền nạt: “Đi”.

- Sư sụp xuống lạy.

- Thiền Sư Đa Bảo dạy: “Về sau ngươi lại giống một kẻ điếc để tiếp người”.

 

3. Đâu là nguyên lý “Đắc vô đắc, vô đắc đắc” trong thiền phái Vô Ngôn Thông.

 

Thiền phái Vô Ngôn Thông, còn sử dụng đến nguyên lý “đắc vô đắc, vô đắc đắc” nghĩa là không có đối tượng để giác ngộ và không có giác ngộ để đạt. Đây là một trong những lý lẽ vô cùng phức tạp nhưng lại giá trị không cùng, nhằm phá vỡ mọi sự nắm bắt dính mắc phân biệt chủ thể khách thể, năng sở đối tượng nhận thức, rơi vào sở chấp sai biệt nhị nguyên lý. Tất cả chỉ là “tùy bệnh cho thuốc”, một sự ngăn ngừa đầy cẩn trọng.

 

Thiền tổ Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến nguồn gốc “huyên truyền” của Thiền, phải chăng Ngài phủ nhận tính cách hoặc chỉ là sự thiết lập phương tiện để thức tỉnh chỉ bày khai lối? Ngài đề cập đến câu chuyện truyền thừa từ Phật sang Tổ như sau: “Thiên hạ huyên truyền từ bốn phương rằng thỉ tổ ta gốc ở Tây Thiên, có truyền lại chánh pháp nhãn tạng gọi là Thiền, rằng như một đóa hoa có năm cánh, thiền tông sinh trưởngĐông Độ và gieo hạt giống thiền mãi mãi bất diệt về sau, rằng những mật ngữ có đến hàng ngàn hàng vạn lời kia đều thuộc về truyền thống thiền. Nhưng ta tự hỏi: Tây Thiên là đâu? Tây thiên chính là đây chứ không ở đâu khác, mặt trời mặt trăng năm xưa chính là mặt trời mặt trăng mà ta đang thấy đây, hễ vướng mắc vào một từ ngữ là liền bị kẹt và làm oan cho chính Phật và Tổ. Sai một ly là đi một dặm. Các vị nên chiêm nghiệm kỹ, đừng để cho thế hệ tương lai trách móc vì bị đánh lạc đường”.

 

Rõ ràng, trong sự quật khởi để giác ngộ trỗi dậy, việc xác lập nguồn gốc tông môn pháp phái có thật sự giúp ích cho con đường đi đến giác ngộ? Hay điều đó, càng làm cho ta ỷ lại dựa dẫm bám víu nương vào cầu cạnh, huênh hoang tự hào tự mãn. Cho đó là một thứ chính danh thẩm quyền đặc quyền, không khéo lại là hư ảo ngăn trở mà thôi. Nếu giác ngộ là đối tượng dù đối tượng ấy đến từ bên ngoài hay bên trong hay từ đâu, vẫn khiến hành giả rảo bước tìm cầu hướng vọng, như thế tự ta tạo thêm chướng ngại trong việc dựng nên tổng tướng để ngăn chia phân định.

 

Thiền vốn bặt hết thoát ly ra ngoài mọi tướng trạng dù đó là tướng của kẻ truyền và người được trao, hễ còn rơi vào đối đãi tức vẫn chưa thoát ra còn lệ thuộc, cho dù kẻ ấy được truyền y bát của chư Tổ. Phải tự chuyển hóa nội tâm vực dậy giác ngộ, tự mình đốt đuốc soi đường, chứ không cần phải nương nhờ vào một ai và điều gì cả. Cõi “Tây Thiên” ở tại nơi đây, ngay trong tâm mình chứ không ở đâu xa, chính tại phút giây bây giờ ở nơi cõi lòng con người này.

 

* Thiền Sư Nguyên Học (? - 1174) có bài kệ rõ ràng về điều này:

Đạo không hình tướng

Trước mắt chẳng xa

Xoay lại tìm kiếm

Chớ cầu nơi khác

Dù cho cầu được

Được tứ chẳng chơn

Vì có được chơn

Chơn ấy vật gì?

Vì thế chư Phật ba đời

Lịch đại Tổ Sư

Ấn thọ tâm truyền

Cũng nói như thế”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

(Đạo vô ảnh tượng

Xúc mục phi diêu

Tự phản suy cầu

Mạc câu tha đắc

Tùng nhiêu câu đắc

Đắc tức bất chơn

Thiệt sử đắc chơn

Chơn thị hà vật

Sở dĩ tam thế chư Phật

Lịch đại Tổ sư

Ấn thọ tâm truyền

Diệc như thị thuyết).

 

Điểm tuyệt diệu của những Thiền Sư là không mang theo bất cứ hành trang tư tưởng nào có thể gây trở ngại vướng bận nhọc nhằn trong việc trông thấy bản tánh giác ngộ. Một sự thảnh thơi thong dong tĩnh lặng trên muôn lối, tự tại giữa vô vàn biến động, an nhiên trong cõi bất an. Ở đó là cả sự linh hiện phủ vây trong từng hơi thở, hoàn toàn tự do thể nhập, phút giây huyền diệu thường xuyên có mặt. Có vẻ đẹp nào ngự trị chung quanh có con đường nào dẫn đến giác ngộ, khi trong ta ưu tư ngang trái sầu muộn khổ đau đong đầy, không chịu buông xuống để được thảnh thơi nhẹ bước? Chắc chắn là không một chữ không vô cùng to lớn mất hút tự bao giờ.

 

Nguyên lý đắc vô đắc, không có gì còn gì để gọi là đắc, ngay cả tiêu đề gọi là nguyên lý là đắc hay vô đắc đó cũng không cơ may hiện hữu. Đâu đó, chỉ có sự lặng thinh phổ cập bất tận nguồn cơn, quán chiếu vào tận cùng thể tánh nhìn thẳng vào chính cái thực trạng đang là, để thấy mình bơi lội cuốn hút trong ấy. Ý thức một cách thâm sâu tỉnh thức trọn vẹn trong mọi tác động hành hoạt tương tác đến từ đâu, quyết lòng không bám theo nắm giữ nâng niu thủ đắc một thứ gì điều gì. Như thế mới thật sự thảnh thơi dạo bước tuyệt nhiên bình thản trên mọi lối về. Xóa nhòa mọi dấu vết nơi chốn đến đi có mặt, phủi sạch trần lao quyết không bao giờ lưu lại, cho dù chỉ một hạt bụi còn vương gót, cho dù bước chân đó đã từng dẫm nát tử sinh mộng huyễn.

 

Hình ảnh những vị thiền sư đi vào cuộc đời hóa độ, chưa hề mang theo kiến thức để rao giảng mời gọi, chỉ có dòng suy tư tuệ giác bùng lên soi sáng màn đêm mở ra cánh cửa giác ngộ. Những gì xuất phát hoặc đến từ hai đối cực, cái đó dễ nghiêng hẳn vào một phía và phía kia đều là điều bất lợi, dù nằm trong lĩnh vực tâm linh cũng không ngoại lệ. Những ai còn thấy có vị trí để đạt, có cảnh giới để trụ, còn mang theo sở đắc hành trang để rao giảng, kẻ đó chỉ mới đạt được cái vị trí ấy mà thôi. Bản thể vị diệu cùng khắp của giác ngộ, vốn không có niết bàn để trụ, không có chỗ để dừng chân, không có quốc độ để lưu lại.

 

Thiền luôn khước từ những ý lực nào còn mang nặng kiến thức, tầm nhìn, tri kiến, viễn kiến, cho dù đó là công án giá trị liên thành. Mọi sự chuẩn bị cận kề chờ chực cơ hội, không chịu vứt bỏ rời xa để được tự tại thong dong, cho dù đó là những trang bị tối cần để mở ra cánh cửa cuối cùng, vẫn là sự lắc đầu quăng bỏ mãnh liệt nơi thiền. Thiền còn là cánh cửa không môn không lối, con đường của không đường, không hề vận hành qua từng bước thời gian, tâm thức, bởi đó một thứ ánh sáng siêu việt soi thấu trong tận cùng hố thẳm hoang liêu. Nó thăm thẳm xa muôn trượng nếu cố tình cán mức, ngược lại thì rất gần trước mặt, ta có thể tìm thấy những hình ảnh độc đáo này xuyên qua cung cách đi vào tâm linh thực chứng mà những thiền sư đã từng vượt qua, đã từng tự tại thong dong.

 

* Thiền sư Vân Phong (? - 956) là học trò của Thiền Sư Thiện Hội, một hôm ngài Thiện Hội bảo sư: “Sống chết là việc lớn, cần phải thấu triệt”.

- Sư hỏi: Khi sống, chết đến làm sao tránh được

- Thiền sư Thiện Hội đáp: “Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh”.

- Thế nào là chỗ không sống chết?

- Ngay trong sống chết nhận lấy mới được.

- Làm sao mà hiểu

- “Ngươi hãy đi, chiều sẽ đến”.

- Buổi chiều Sư lại vào, Thiền sư Thiện Hội nói:

- Đợi sáng mai, chúng sẽ chứng minh cho ngươi

- Sư hoát nhiên đại ngộ sụp xuống lạy.

 

Bản chất thật sự của giác ngộ là sự tự do tuyệt đối, vượt ra ngoài mọi biến động lầm lạc, hễ còn thu hẹp vào tri thức, vào những lý do khách quan hay chủ quan, dù có uyên bác đa năng lỗi lạc vẫn không thoát ra ngoài vòng kiềm tỏa của vô minh, sự phủ vây của tâm thức sự bế tắc cùng đường của trí năng.

 

Sống chết là việc lớn cần phải thấu triệt, đừng chia đôi nó ra làm hai để từ đó khởi lên tham đắm lo sợ, nếu tổng lại làm một thể một niệm nhất như, thì sự sống cân bằng với chết và chết không có nghĩa là hết, mà là tái sinh ở dạng khác cũng đồng nghĩa với sống rồi vậy. Nếu thấu triệt được thì cả hai cũng chỉ là một, nhưng trạng thái hành hoạt và cảnh giới có sự khác nhau, tuy nhiên đều diễn tả một điều và điều đó là ta thường xuyên nương vào sự phân tích cố hữu của lý trí để lập nên. Trong ta chưa ai đủ thẩm quyền vén mở cái chết ngay trong sự sống mà không dùng đến biện luận của lý trí, ngoài trừ những bậc giác ngộ những hành giả thường sống trong sự tỉnh thức. Nếu ta đoạn tuyệt và không xử dụng đến con đường lý trí này, tức là ta khám phá ra cái cùng tuyệt của sống chết rồi vậy.

 

Nếu ta toan tính đặt nó vào phương trình, rồi dùng trí năng thông tục để phân chia lý giải, như vậy không khéo ta là đối tượng trước nhất để nó khai quật loại trừ. Trừ khi ta quyết không tạo nên đáp án, dù ta có quyền nghiêng về cả hai, nhưng không đưa lên hàng đầu để giải quyết. Những tính toán đè nặng của hai vấn đề sống chết sinh tử khiến ta lặn hụp vẫy vùng chôn chặt ở đó, điều đó thật sự vô ích nếu ta dùng cả sức lực bình sanh chỉ để vùng vẫy và chết ngộp trong ấy. Cứ để nguyên ở đó vì đây là việc thường tình điều tự nhiên, nếu ta không đủ nghị lực sức mạnh vượt thắng và trong cùng một lúc hất tung nó bay bổng ra ngoài tâm ý. Ta vẫn có thể tìm một thông lộ khác để đi lại rong chơi, nhưng phải nhớ hành động nào cũng phải chuyển hóagiác tỉnh thường xuyên, vì một niệm khởi lên thì lập tức nó đã bám theo rồi mà ta không hay biết. Hơn nữa đó là quy luật tự nhiên vốn dĩ như thế, ta phải thuận theo duyên theo, không một ai đủ thẩm quyền làm khác đi được, chỉ có chính ta chủ nhân của sinh tửniết bàn, mới có thể xoay đổi cục diện hoan hỷ bằng lòng vượt lên.

 

Ta phải nhận biết rõ ràng một điều là khi nào vô minh và những độc hại của tham sân si không loại trừ, thì con đường dẫn đến Niết Bàn sẽ trở nên mịt mù xa thăm thẳm. Cho dù núp dưới bất cứ chiêu bài hình thức nào, giả danh hay chính danh, không khéo thì kết quả cũng y như nhau, chỉ là trá hình núp bóng mượn danh mà thôi. Nó vẫn nguyên vẹn ở đó không bị sức mẻ tổn thương, nếu đã là như thế thì cho dù ta có lăng xăng chạy nhảy dong ruổi kiếm tìm, cũng sẽ hoài công vô ích mà thôi.

 

Cho cùng, điều quan trọng nhưng cũng sẽ không quan trọng, một khi ta thấu rõ ý nghĩa tối hậu nhất như rốt ráo của lý lẽ “đắc vô đắc”. Đâu và đâu là khuôn mặt đích thật chung quanh vấn đề này?

 

* Thiền sư Quảng Nghiêm (1121 – 1190) một hôm đệ tửThường Chiếu vào thiền thất đem kinh Kim Cang thưa hỏi:

- “Pháp Như Lai đã được, pháp này không thật không hư” ấy là pháp gì?

- Sư đáp: Ngươi chớ hủy báng Như Lai

- Hòa Thượng chớ hủy báng kinh nói?

- Kinh này là ai nói?

- Hòa Thượng chớ đùa với con, đâu không phải là Phật nói hay sao?

- Nếu là Phật nói, vì sao trong kinh lại nói: “Nếu nói Như Lai có nói pháp tức là hủy báng Phật?”

- Sư Thường Chiếu không đáp được.

 

Trước khi thị tịch Thiền Sư để lại bài kệ như sau:

 

Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt

Được vô sanh, sao nói vô sanh

Làm trai có chí xông trời thẳm

Chớ dẫm Như Lai vết đã qua”.

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch

(Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ

Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hữu hướng Như Lai hành xứ hành).

4. Lối Xử Dụng Công Án Qua Thi Ca

 

Thiền rất gần với thi ca ở điểm vựt dậy những dấu chôn trong tận cùng hiện hữu, bằng một thứ ngôn ngữ thâm sâu ẩn mang cốt cách siêu việt, không mang nặng về ảnh tượng, tung bay trên từng giai tầng biến hiện của cảm quan tâm thức. Đối với thiền sư thì tất cả đều là diệu dụng lưu xuất, khơi mở nguồn cơn, soi tỏ từng hiện thể, khiến hành giả tự mình quật dậy năng lực sẵn có để đạt được giác ngộ. Ta có thể tìm thấy hình ảnh này qua những thiền sư mang tâm hồn thi sĩ.

* Thiền sư Thiền Lão (?-?) đời thứ sáu dòng Vô Ngôn Thông, ở chùa Trùng Minh núi Từ Sơn dạy đồ chúng học hơn ngàn người. Vua Lý Thái Tông có vào núi thăm thiền sư. Sau đây là cuộc đối thoại giữa hai người.

- Vua hỏi: “Ngài ở đây từ bao lâu rồi?”

- Thiền Lão Thiền sư đáp: “Sống trong giờ hiện tại,

Ai hay năm tháng xưa?

(Đãn tri kim nhật nguyệt

Hà thúc cựu xuân thu).

- Vua hỏi tiếp: “Ngài làm gì hàng ngày ở đây?”

- Ngài đáp: “Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh

Trăng soi mây bạc hiện toàn chân”

(Túy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân).

- Nhà vua: “Như vậy ý chỉ là gì xin ngài cho biết?”

- Thiền Lão Thiền sư: “Nói nhiều lời sợ sau này bất lợi”.

 

Xuyên qua đó, ta thấy tư tưởng của Ngài không đơn thuần trong việc diễn tả về không gian thời gian, đối tượng cảnh và người, mà còn ẩn mang một thứ công án, bản chất như thật của thực tại, một sự linh hiện tối thắng phủ vây cùng khắp. Ở đó không còn ý niệm về thời gian, không còn có cái không gian đi lại hạn hẹp, không còn tâm cảnh sở tri đối tượng nhận thức. Tất cả được hiển bày lồng lộng, trở về uyên nguyên, mở tung tính chất hiện hữu phi thường, sự vận hành dụng hoạt tương tác đều y vào thực tại. Thì ra, cái thực tại ở ngay lúc ấy vốn như thế nào, thì nó vẫn vẹn nguyên như thế đó, nếu nó có khác là do ta tại ta khuấy động nó lên rồi dán vào đó những định kiến sắc màu nhãn hiệu. Tự tánh đã như thế, vốn dĩ như thế, hằng viễn như thế, rộng mở thênh thang vô cùng như thế. Nếu lúc ấy nơi nội tâm ta đong đầy sự tươi mát, vắng lặng tuyệt nhiên, không vướng bận âu lo, thì quá khứ tương lai, tâm cảnh đến đi của thời không làm sao ảnh hưởng?

Trúc xanh hoa vàng hé nụ, trăng soi mây trắng, hình ảnh đó hết sức dung dị thông thường, nhưng lại là cái hiện thực ở ngay lúc đó, ta có khả năng để thấy được trọn vẹn vẻ đẹp của nó quyện cùng đất trời, hòa vào tận cùng thể tánh? Ta có đủ bình tâm sự thông tuệnăng lực để vạch mây mở lối khơi nguồn cho “toàn chân" hiển hiện? Nếu vẻ đẹp ấy thuần nhất đến từ bên ngoài ở bên ngoài, thì sao nó có thể tác động chi phốilũng đoạn ý thức của ta được? Hoặc nếu ta dùng nhãn quan thường tình để tóm thâu cái đẹp ấy, thì hóa ra ta đang nhốt nó trong những suy tưởng đầy biến động trong ta mà thôi. Những gì ta ưa thích nâng niu mời gọi, nhiều khi chẳng liên quan gì đến ta cả, chỉ là sự lăng xăng của ý thức so đo phán đoán sai biệt, và đó cũng là một tên giặc khó nhận diện nhưng lại thường xuyên điều khiển đẩy ta rơi vào mê lộ trầm luân.

 

Có điều, Thiền Lão thiền sư dùng những hình ảnh đó, nhằm để mở lối khai tâm, nhắn gởi một cái gì sinh động thuần nhất hơn vượt thoát hơn cao tột hơn và cũng diệu vợi thẩm sâu hơn. Nhưng chắc chắn một điều, cái đó không thể tìm ở trong đôi mắt thông tục, hoặc từ những vận hành đi lại trăn trở của tâm thức trôi nổi. Hình ảnh của cành trúc, hoa vàng, trăng mây soi lối, đều là pháp âm, thiền ngữ có thể tạo nên giác ngộ. Nhìn đóa hoa nở tung phơi bày hương sắc, đột nhiên gây chấn động vào tận cùng nội tâm, bùng lên một sự linh hiện thường nghiệm, không kẽ hở để ý thức sai biệt xen vào. Cởi bỏ mọi cấu thành tư tưởng, hình ảnh ngôn ngữ tâm cảnh thời gian không gian, thong dong rộng mở đến chỗ cùng tuyệt.

 

* Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090) đời thứ 7 thiền phái Vô Ngôn Thông, và là đệ tử của Định Hương trưởng lão. Sư chuyên trì kinh Viên Giác, tinh thông phép tam quán.

Sư là tác giả của những tác phẩm:

1. Tán Viên Giác Kinh

2. Thập Nhị Bồ Tát Hành Tu Chứng Đạo Tràng

3. Tham Đồ Hiển Quyết (1 quyển)

4. Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn

Đặt biệt là cuốn Dược Sư Thập Nhị Nguyện Văn được vua Lý Nhân Tông sai sứ thần đem tặng vua Triết Tông nhà Tống. Vua trao cho các vị cao tăng ở chùa Tướng Quốc xem, xem xong các ngài tâu với vua Tống rằng: “Đây là đấng hóa thân đại sĩ ra đời ở phương Nam, giảng giải kinh nghĩa rất tinh vi, chúng tôi không dám thêm bớt gì nữa”.

 

Trong sách Thiền Uyển Tập Anh ghi lại một vài cuộc đối đáp bằng thi ca của Thiền Sư như sau:

- Hỏi: Phật và thánh khác nhau ở chỗ nào?

- Ngài đáp: “Cúc trùng dương dưới dậu

Anh thục khí đầu cành”.

(Ly hạ trùng dương cúc

Chi đầu thục khí oanh)

- Hỏi: Kẻ học nhân chưa hiểu, xin thầy dạy lại

- Ngài đáp: “Ngày qua vầng chiếu sáng

Đêm thỏ ngọc sáng soi”.

(Trú tắc kim ô chiếu

Dạ lai ngọc thố minh)

- Hỏi: Đã nhận được yếu chỉ. Nhưng huyền cơ ra sao?

- Ngài đáp: “Nước đầy bình vạc, chân vô lý

Vấp ngã một lần hối kịp sao”?

(Bất thận thuỷ bàn kình mãn khứ

Nhất tao tha điệt hối hà chi?)

- Và:

Muốn dìm cho sống chết

Ai hay thân tự trầm”.

(Mạc quân giang ba nịch

Thân lai khước từ trầm)

- Hỏi: Bồ Đề Đạt Ma ở núi Thiếu Thất hành đạo đạt đến chỗ huyền diệu sâu thẳm; từ xưa đến nay ai là kẻ thừa kế xứng đáng nhất?

- Ngài trả lời: “Trời tối sáng soi nhờ nhật nguyệt

Đất hiểm phân ranh có núi sông”.

(U minh căn tượng nhân ô thố

Khuất khúc khôn duy vi nhật, hoài)

- Hỏi: Thế nào là một con đường đưa thẳng đến căn nguyên của đại đạo?

- Ngài đáp: “Cỏ mạnh đứng bờ cao gió dữ

Nước nhà thời loạn biết trung lương”.

(Cao ngan tật phòng tri kỉnh thảo

Băng già bản đảng thức trung lương)

- Hỏi: Tất cả mọi chúng sanh từ đâu tới và sẽ đi về đâu?

- Ngài trả lời: “Rùa mù xuyên vách đá

Rùa què leo núi cao”.

(Manh quy xuyên thạch bích

Ba miết thướng cao sơn)

- Hỏi: Người ta nói: Khóm trúc xanh kia là chân như vậy công dụng của chân như là gì?

- Ngài đáp: “Đưa người xa ngàn dặm

Cười tặng một bình trà”.

(Tăng quân thiên lý viễn

Tiếu bả nhất bình trà).

 

* Thiền sư Trí Bảo (? - 1190) một thiền sư sống đời khổ hạnh, thường ngày mặc áo vá ăn cơm hẩm cả mười năm không đổi chiếc áo đến ba ngày chẳng thổi lửa nấu cơm. Khi gặp người thì đứng nếp qua một bên, gặp sa môn thì quỳ gối lễ bái, chuyên tu như thế sáu năm Sư xuống núi lo tạo phước sửa đường cất chùa xây tháp. Trong khi đàm luận với Đạo Huệ thiền sư, Sư đã sử dụng những câu như sau:

- Sư nói: “Không nhờ gió cuốn mây trôi hết

Màu xanh sao tỏ một trời thu?

(Bất nhân phong quyện phù vân tán

Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu)

- Sư nói tiếp: “Quen biết đầy thiên hạ

Tri âm được mấy người?”

(Trường thức mãn thiên hạ

Tri âm năng kỳ nhân?)

 

* Thiền sư Tịnh Không (1091 – 1170) đời thứ 10 thiền phái Vô Ngôn Thông. Ngài chuyên tu hạnh đầu đà ngày chỉ dùng một ít đậu mè, ngồi hoài không ngủ, mỗi khi nhập định đến chiều ngày mai mới xuất. Sư đạt tâm yếu nơi Đạo Huệ thiền sư.

- Có một vị tăng hỏi: Thế nào là Phật?

- Ngài đáp: “Nhật nguyệt sáng, trời trùm ức cõi

Ai biết mây mù rơi núi sông”.

(Nhật nguyệt lộ thiên hàm trần sát

Thuỷ tri vần vũ lạc sơn hà)

- Hỏi: Thế nào hỏi được?

- Ngài đáp: “Mục đồng ngủ mãi lưng trâu nọ

Câu chuyện anh hùng biết được sao”?

(Mục đồng kỳ quán ngọ ngưu bối

Sĩ hữu anh hùng khoa đắc y?)

- Hỏi: Ý chỉ của Tổ truyền khác ý chỉ của giáo lý ở chỗ nào?

- Ngài đáp: “Chư hầu vạn nẻo đều xuôi khuyết”.

(Vạn lý thề hàng giai triều khuyết)

- Hỏi: Hòa thượng có việc kỳ đắc, tại sao không nói cho con nghe?

- Ngài đáp: “Ông thổi lửa, tôi vo gạo

Ông khất thực, tôi mang bình

Ai cô phụ ai đâu”?

 

Chừng đó cũng đủ cho ta một đời tra vấn, nỗ lực bình sanh vận dụng mọi công năng, tìm tới đỉnh cao của giác ngộ, trở về với bản thể thường tại của chân như. Lối dùng thiền ngữ qua thi ca, ta còn bắt gặp trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một vài dẫn chứng dưới đây:

* Thiền Sư Chân Không (1045 – 1100), Sư tham dự pháp hội ở chùa Tĩnh Lự núi Đông Cứu nghe giảng kinh Pháp Hoa mà hoát nhiên đại ngộ. Sư từng được vua Lý Nhân Tông mời vào đại nội để giảng kinh Pháp Hoa. Về sau sư trụ ở chùa Chúc Thánh, trên núi Cổ Lai, có vị tăng đến hỏi:

- Thế nào là diệu đạo?

- Sư đáp: Sau khi giác rồi mới biết

- Hỏi: Giáo chỉ từ trước học nhơn chưa rõ, lời dạy hôm nay làm sao hội được.

- Sư đáp: “Nếu đến tiên gia trong động sâu

Hoàng đan hoán cốt được mang về”.

- Hỏi: Thế nào là hoàng đan?

- Sư đáp: “Nhiều kiếp tối tăm không hiểu thấu

Hôm nay chợt ngộ được khai minh”.

- Hỏi: Thế nào là khai minh?

- Sư đáp: “Khi minh chiếu khắp cõi ta bà

Tất cả chúng sanh chung một nhà”.

- Hỏi: Tuy nhiên không hiểu rõ. Chơn chơn đều gặp y.

- Cái gì là y?

- Sư đáp: “Kiếp hỏa cháy tan mảy may sạch

Núi xanh như cũ mây trắng bay”.

- Tăng hỏi: Khi xác thân bại hoại thì thế nào?

- Sư đáp: “Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết

Hoa nở hoa tàn chỉ là xuân”.

- Vị tăng còn đang suy nghĩ

- Sư quát lên rằng: “Đất bằng sau nhiều năm

Thực vật đều thơm ngát”.

- Vị tăng bái tạ lui ra.

 

Đó là tất cả sự lên đường đúng nghĩa tới nơi tịch nhiêntâm cảnh ngữ ngôn không còn níu kéo bén mảng đến được, chỉ còn lại hương quyện với đất trời thấm sâu vào lòng người, dệt nên một thứ biểu tượng linh hiện của “âm thanh và cuồng nộ”. Tiếng thơ thiền chết liễm trong ý thức để sống lại trong hơi thở kỳ diệu của vừng sáng lung linh trên quả đất hoang liêu này. Một sự sống không xuyên qua kẽ hở, sự sống khước từ sự sống, sự sống đúng nghĩa của sự sống, cho và vì lý tưởng giác ngộ, trỗi mình đứng dậy hiên ngang, nhập bước nhập vai, bay bỗng thảnh thơi với từng áng mây lững thững vây phủ núi đồi tịch lặng.

 

Sự hấp tấp ngập ngừng của từng bước đi tìm tới chung cuộc, giữa cuộc rong chơi với tử sinh, trăn trở đương đầu với vô thường lữ thứ, đều trở nên một cái gì khủng khiếp và cái ấy giống như bản án muôn đời gắn chặt vào từng tâm thức. Nó tựu nên và biến thành cánh cổng đẩy con người chết ngạt trong biên giới của mê ngộ, bịt lối phong kín cả mấy ngàn năm. Cho dù ta dùng tất cả mọi tiến bộ của tư duy khoa học, triết lý tư tưởng để đánh động vào, hoặc phế bỏ tìm cách ủi sập. Nhưng đâu đó, chỉ có sự dẫy chết liên tục bất lực hụt hơi mà vẫn chưa tìm ra sinh lộ, đâu là cuộc lên đường đúng nghĩa, sự cách mạng toàn triệt, khai mở mọi ngăn cách trở về với ánh sáng tự tánh giác ngộ?

 

Cuộc lên đường thật sự là chẳng bao giờ tìm cách chạy nhảy để lên đường, bởi lẽ ngoài những đổ vỡ bế tắc thì không có con đường nào khởi đi từ đó. Nếu ta thừa nhận ở bên ngoài đứng từ ngoài, thì sẽ không liên quan gì trong việc ta lật tung, khơi dậy những nguyên tắc tối cần cho sự bùng vỡ giác ngộ, và hơn nữa trong ta chỉ chất chứa toàn là sự bế tắc nổi loạn. Làm sao để ta quật khai nội tại, thích nghi phù hợp với chân lý đạo như thật, thì đó mới là sự lên đường đúng nghĩa, cho dù khởi đi từ đâu điểm tuyệt diệu không cùng.

 

Thông thường khi ta quyết định điều gì, cho đến lúc nào không còn có sự xác quyết bám theo lôi kéo, hoặc còn kèm theo ý nghĩa truy cầu hướng vọng, không khéo kết cuộc đó lại rơi ngay vào trong chính cái ý niệm quyết định ấy mà thôi. Vì thế ngay từ trong sự đổ vỡ, từ trong ý niệm dong ruổi, ta làm cuộc cách mạng triệt để, đạp tung phá hủy nghiền nát trả nó về với điểm khởi ban đầu về với chính nó. Ta tóm thâu bằng tất cả hùng lực, ý lực tâm lực, như thế ta mới liên tục huân tập năng lực để giác ngộ trỗi dậy. Cũng nhờ sức công phá bền bỉ, không làm trở ngại và gián đoạn mọi nguyên tố dẫn đến chân tánh giác ngộ, từ đó ta điểm tô làm mới lại chính mình bằng những nguyên liệu đã được thanh tẩy chuyển hóa. Được như vậy, dòng suối vi diệu tỉnh thức sẽ nuôi sống thân huệ mạng, trưởng dưỡng ta trong sự nghiệp phá vỡ chọc thủng màn vô minh tăm tối, về với an lạc thường hằng.

 

Những hoang mang ray rứt những nghi vấn tra vấn, có tạo nên sự trăn trở mãnh liệt để phá vỡ một cái gì điều gì, nếu cái đó là kết quả khai phóng châm ngoài cho mọi tác động đến từ hai lối? Sự tổng hợp và tựu thành không qua bất cứ lối mòn đi lại thông tục nào, bình thản lặng lẽ như màn đêm chết dần ở khe núi, lững lờ như ánh sáng về chiều nằm im trong đọt lá cuộn lại, trên đỉnh cao tiếng gầm thét của con sư tử mới vụt ra từ cửa miệng khi giật mình tỉnh giấc. Cánh cửa vô môn không chịu mở ra, phong kín lối vào, âm thầm khép lại, nếu không có sự đục khoét bền bỉ liên tục để tự nó phải đổ ào ngã xuống, thì sẽ không bao giờ vượt qua được, dù khoảng cách chỉ là bước chân sát na ý niệm.

 

Đây không phải là điều huyễn luận trong việc tìm thấy bản thể đích thực không xuyên qua ý thức, nhưng những gì con người luôn nắm giữ phần nhiều lại không có giá trị. Bởi ta luôn bám víu vào thành trì của trí thức, lối mòn đi lại của bản ngã, hệ thống tư tưởng, biện chứng triết thuyết, hư vô chủ nghĩa... Điều đó không khéo trở thành một thứ sở tri, chướng duyên thật lớn trong việc thấy tánh. Nó chỉ hiển lộ là lúc phá vỡ được giai tầng năng sở đối tượng nhận thức, hóa thành thức giác thường nghiệm. Thật ra nó đang giãy chết trong từng giờ từng phút, do chính ta đập phá dựng xây biến đổi không ngừng. Có phải đó là điều thông thường hay bản năng tác yêu tác quái, sự nổi loạn không kiềm chế của vô minh che phủ nằm sẵn trong ta tự bao giờ? Phải làm sao để ta tìm thấy được giá trịý nghĩa đích thực của an lạc giải thoát, niềm an tịnh giữa dòng trôi nổi, tìm đến đỉnh cao tánh giác trí tuệ thường hằng soi tỏ.

 

Bản thể cùng tuyệt của giác ngộ chân như, không thể diễn tả bằng hình ảnh âm thanh ngôn ngữ. Tất cả, như một tra vấn to lớn vượt thời gian không gian đánh động trong từng sát na tìm về căn nguyên tối hậu của những yếu tính, một khi nó tràn bờ bật dậy cũng là lúc đạt đến chỗ tuyệt cùng. Lúc ấy tức khắc gây chấn động cả hệ thần kinh khai minh nội tại, để rồi rỗng suốt mênh mang, cô liêu cơ cực với những đêm trường giật mình tỉnh mộng, hơi sương đượm cả trời không vắng lặng.

 

Hình ảnh và những đối đáp tuyệt vời ấy, vẫn hiên ngang lồng lộng tuôn chảy bất tận, tạo nên những công án, tuyệt ngữ mật ngôn, những thiền ngữ, gõ nhịp thôi thúc liên hồi từ quá khứ đến tương lai, mở bung cánh cửa không môn, soi đường mở lối cho từng cõi tâm thức. Tiếng ca lời nhắc nhở huyền diệu miên man, cứ vậy đêm ngày vang vọng trong cõi vô cùng không tận, trên lối về tỉnh thức chứa đầy nguồn tuệ giác vô biên.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/04/2020(Xem: 7583)
24/02/2020(Xem: 4649)
02/11/2019(Xem: 4716)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.