16- Viết Về Cố Hòa Thượng Mãn Giác Và Anh Hoàng Văn Giàu, Cao Hữu Điền

23/12/201212:00 SA(Xem: 5990)
16- Viết Về Cố Hòa Thượng Mãn Giác Và Anh Hoàng Văn Giàu, Cao Hữu Điền

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP BA (3/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘTTẬP HAI ● TẬP BA

Chương Sáu – KIM CƯƠNG BẤT HOẠI
Hoa sen trong biển lửa

16
VIẾT VỀ CỐ HÒA THƯỢNG MÃN GIÁC 
và anh Hoàng Văn Giàu 
Cao Hữu Điền

Kính Thưa Qúy Phật tử,

Các bạn thân mến,

 

Chiều nay, thứ bảy , việc làm tự nhiên bớt đi nhiều! Ngồi trong phòng làm việc mà đầu óc cứ vổ cánh bay, bay về những kỷ niệm tươi đẹp của ngày xưa. Lướt trên những trang tin điện tử, đọc lại những câu nói của qúy Thượng tọa, qúy Thầy, qúy bằng hữu, qúy Anh Chị qua lễ hỏa táng của vị Thầy kính yêu, Hòa Thượng Thích Mãn Giác được đăng tải trên www.giaodiemonline.com lòng tôi lại mang mang thương nhớ những kỷ niệm tươi đẹp dù ít ỏi mà tôi và các bạn đạo của tôi có được với Thầy! Trong số các bạn đạo của tôi thời bấy giờ có mặt Tôn Thất Mạnh Lương, Anh Vĩnh Tùng ; Về sau có mặt Lê Duy Đoàn, Thái Nguyên Hạnh, Nguyễn Phi Tấn là những người hoặc là đồng môn hoặc là cùng có cơ may cùng gặp Thầy với nhau.

Lần đầu tiên, tôi được hội ngộ với Thầy là năm 1965, tôi mới 18 tuổi, ghi danh lớp Dự Bị Văn Khoa, Đại Học Huế. Thầy ở Nhật mới về (?) dạy chúng tôi môn Văn học. Chỉ qua vài tiết học là tôi nói với bạn thân của tôi: Thầy Mãn Giác có một nụ cười của Đức Phật, một giọng nói của một Thiền Sư (mặc dù bấy giờ tôi chưa từng diện kiến thiền sư nào cả , có thể đó là thiền sư trong tâm tưởng của tôi). Hôm đó là bạn Phạm văn Rơ, cùng học song song APM với tôi , Hồ Đắc Duy và Võ văn Cần . Tôi tìm thấy trong hình ảnh của Thầy Mãn Giác một Tổng hòa của một Nhà Sư, một Nhà Thơ và một Người mang Hạnh Dấn Thân vào cuộc đời . Về sau tôi mới thấy rằng Thầy Mãn Giác đã khởi hành cho một cuộc Dấn Thân vào Sự Nghiệp Văn Hóa Đạo Phật để cứu độ cho Đời! Thầy có mở lớp dạy Nhật Ngữ dĩ nhiên miễn phí, thời bấy giờ nước Nhật chưa mời gọi ai được. Chúng sinh bu đi học tiếng Anh. Thế mà chúng tôi, các phật tử đều có đi học với Thầy. Riêng tôi và Phạm văn Rơ vì bận bịu chương trình APM nên phải xin thôi sau một tháng rưỡi .

Năm 1966, thế cuộc xoay vần, cơn lốc chiến tranh, bạo lực cuốn vào các thành phố. Phong trào tranh đấu Phật Giáo bột phát, dù dưới hình thức nào đi nữa thì cũng muốn diễn đạt ý nguyện của mọi người, đó là PHỦ ĐỊNH CHIẾN TRANH. Phe phái nào đi nữa, hễ ai có đôi chút công tâm đều thấy rõ cuộc chiến tranh kéo dài này đã mất hết tính người với biết bao phương tiện hiện đại làm hao phí mất sức mất của , tàn phá môi trường, tàn phá mọi thiết chế tâm linh của con người ở khắp mọi đất nước không chỉ ở Mỹ và Việt Nam, biến con người thành những cỗ máy thác loạn tàn bạo dã man còn hơn bất kỳ một con thú dữ nào, không thể nhân danh bất kỳ một chiêu bài nào cho những tội ác diệt chủng như thế. Những phong trào Phật Giáo được phát động, bằng những Phật tử và những tăng sĩ Phật Giáo là muốn vạch rõ khuôn mặt tàn bạo và phi lý của chiến tranh với những hy sinh tự nguyện, và biết bao nhiêu là mất mát mà chúng ta có bao giờ đòi phải bồi thường đâu, và đòi ai đây và cho ai đây!

Sau phong trào tranh đấu 1966, tôi không nhớ là còn gặp được Thầy nhiều lần không, nhưng có một lần có gặp Thầy với Tôn Thất Mạnh Lương chỉ để nghe Thầy đọc THƠ của hai triều đại Mãn Giác. Mãi cho đến khi anh Bửu Tôn gặp chúng tôi đề nghị thành lập lại Đoàn Sinh Viên Phật Tử Huế, cuối năm 68 , nếu tôi nhớ không lầm . Chúng tôi đã thành lập lại Đoàn nhờ công lao đi kết hợp lại của Thái Nguyên Hạnh . Trong một cuộc hội họp ở trụ sở trong khuôn viên chùa Diệu Đế với khoản 50 svpt cũ và 20 svpt mới mọi người bầu ban chấp hành. Bác sĩ Trừng là Chủ Tịch , Lê Duy Đoàn và Cao Hữu Điền là hai phó chủ tịch cho có vẻ quan trọng, chịu đấm ăn xôi, Thái Nguyên Hạnh, Một Chỗ Chung làm Tổng Thư Ký, Nguyễn Phi Tấn làm Trưởng Ban catechisme, Phan Hữu Lượng làm trưởng ban Văn Nghệ. Thời đó Trịnh Công Sơn viết rất nhiều về khát vọng hòa bình của dân tộc , những bài đó thường được hát lần đầu tiên là với chúng tôi, vào thời đó anh Ngô Kha và anh Bửu Tôn là hai người cố vấn cho chúng tôi. Như bài Khi Đất Nước Tôi Thanh Bình, Tôi sẽ đi thăm, mà anh Quán Như Phạm văn Minh nhắc đến trong đêm nhạc Thái Hòa - Trịnh Công Sơn vừa qua ở SYDNEY . Tôi cũng như anh rất thấm thía bài này. Trong đó câu cuối (?) tôi thích nhất: Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi không ngừng…. Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, Tôi đi xây cuộc mừng... Và mong sẽ quên Chuyện Đất Nước Mình! 

 Tôi xin trở lại với Lớp dự bị văn khoa 1965, để nhắc đến một người Anh , Người Thầy nữa của chúng tôi, đó là Thầy, Anh Hoàng văn Giàu. Trước đó tôi biết Thầy, mà Thầy không biết tôi, tôi là một học sinh Phật tử mờ nhạt và thiếu chuyên cần của Ông Anh Tôn thất Mạnh Lương, ít ăn, nên chỉ nặng 42 kilô là khi phong độ nhứt. Ít nói nên không ai biết là lúc thi đậu càng cua vào trường Nguyễn Tri Phương, học một lớp với bạn thân muôn thời Nguyễn Tường Bách. Chủ Nhật nào tôi cũng đi bộ hoặc đôi khi có chú Cao Hữu Hỷ của tôi chở xe đạp lên Trà Am xem người ta tập võ Thiếu Lâm và thinh thoảng được Thầy Mật Hiển khai tâm. Cũng là một duyên lành, vì sau một lần lên ăn kỵ với Ông Chú tôi, không hiểu vì sao tôi mê mẫn cảnh trí một ngôi chùa , rất là đìu hiu mà rất là an tịnh. Những khóm trúc xanh tươi bên bờ con suối, róc rách một bài ca thanh khiết . Những cảnh trí như thế làm cho những tâm hồn mộc mạc như của Nguyễn Tường Bách và của tôi thấy bình an, bớt đi nhiều nỗi sợ hãi vô minh của cuộc hiện hữu. Khi đọc bài Nhớ Chùa của Thầy Mãn Giác hoặc hát lên bài Từ Đàm Quê Hương Tôi của Nguyên Thông (tức là Thầy Thông Đạt – Văn Giảng) là tôi bỗng thấy tinh tấn, hùng mạnh, từ trên mây bỗng len lén ban xuống những niềm vui bình yên cho kiếp thế nhân. 

Vâng, có lẽ Anh Hoàng văn Giàu cũng như tôi, làm sao mà nhà giáo lại nhớ hết học trò của mình được, có chăng là vài cô hiền lành và vài cậu thông minh. Nhưng học trò lại rất nhớ đến Thầy, nhất là những người Thầy, gặp một lần đầu là đã gây ấn tượng như Thầy Hoàng văn Giàu. Thời bấy giờ Thầy dạy môn Triết học Đại cương cũng như Thầy Lâm Ngọc Huỳnh . Học với Thầy Hùynh là ngồi nghe và ghi cua. Còn một buổi học với anh Giàu là một cuộc thảo luận, hỏi và đáp với giọng nói lanh lảnh sắc bén, không thiếu không thừa, những chuyên đề thì cân bằng , kinh viện có và giải trình qua thực tiễn cuộc sống hiện đại cũng rất nhiều! Nhưng tôi yêu mến nhứt là khi đứng trên hành lang Morin, vào giờ giải lao, đó là những giây phút của trái tim người Phật tử với người Phật tử. Thời đó lính Mỹ vừa đổ bộ bằng tàu biển vào Nam Ô, Đà Nẵng. Tôi lo âu hỏi rằng, sự kiện đó sẽ đưa đến đâu. Anh điềm tỉnh bảo: Chiến tranh sẽ khốc liệt hơn và mỗi một chúng ta thế nào cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy đó không cưỡng lại được. Chúng ta có thể làm gì trên cương vị người Phật tử? Chúng ta không có chỗ nào để núp và chờ , chúng ta chỉ có thể bơi vào vòng xoáy đó, và tùy theo cơ duyên mà làm được điều gì thì làm. Hãy luôn luôn hành trì tinh tấn, kiên trì giữ cho bằng được cái tâm của người Phật Tử. Từ đó, tôi rất thường nhớ đến câu nói của Thầy Hoàng văn Giàu.

Xin kính trở về với kỷ niệm cùng Thầy Mãn Giác! Năm 1970, tôi dạy học ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Đang dạy trên lớp thì Thái Nguyên Hạnh đi xe Hôn Đa từ Huế ra, vào trường bảo: Thu xếp về lấy áo quần rồi mình chở vô Huế , Thầy Thiện Minh bảo chở Ông vô thông dịch cho phái đoàn Nhật Bản. Thế là tôi chạy về nhà Thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng xin phép và chạy đến xin anh Nguyễn Thiện dạy thế cho một tuần. Vào Huế thì cũng chỉ đi ăn cơm chay vì có Thầy Mãn Giác dịch tiếng Nhật rồi. Sau đó Thầy Thiện Minh bảo Thái Nguyên Hạnh, Lê Duy Đoàn và tôi đi họp Đại hội Sinh viên Phật tử ở Đà Lạt. Tôi về làng Thầy Thiện Minh, Bích Khê, dự trai đàn chẩn tế với anh Tôn Thất Hoán và anh Tư Đồ Minh (đang chiến dịch tranh cử dân chủ tự do!). Xong Thầy Thái Mộng Hùng cho tôi vào Huế đi dự Đại hội ở Đà Lạt , và anh Đỗ Trinh Huệ dạy thế cho! Lần này gặp lại được Thầy Mãn Giác. Noel 1970, họp mười ngày, tôi không muốn về miền Trung, gặp anh Trần Xuân Kiêm đang làm ở trường Bồ Đề, tôi thấy tôi cũng có thể núp và chờ như anh Kiêm, xin dạy và cạo đầu xuất gia chẳng hạn. Ở lại mười lăm ngày sau đại hội với chú Minh An, và chú Nguyễn Thanh Phương, người làm thơ tình thanh khiết dưới bóng cây Từ Đàm. Đi rong chơi chờ ngày Thầy Từ Mãn đồng ý cho đi tu .

Thời đó thật hoang tưởng và thơ mộng. Sáng đi uống café Hòa Bình, Domino, trưa nhịn đói lên đồi với Trần Nhơn, Huy Lùn, Đương Điên, Phương Điên (Sau 75 về Huế thành Phương Xích Lô). Ôi những chàng Anh Hùng trốn lính của một thời hoang dại! Lên đồi nhìn xuống cỗng vào hãng rượu Lafaro , trông chờ hai nàng kiều nữ Thục Hạnh, Thục Hiền ra vô. Trong bụng không có một hạt gạo. Tối về, có khi ghé nhà Phương Lê Uyên, khi đó vừa mới nổi tiếng, hoặc về chùa chia nhau mấy tô cơm mà nhà thơ tốt bụng Chú Phương thân tặng! Chú Phương Sông Hương còn nhớ hay là đã quên! Một hôm, hai người khách lạ lên chùa vào buổi tinh sương. Tôi đang ngồi trên tầng cấp , thấy họ vào chùa gặp Thầy Từ Mãn. Chốc sau họ đi ra gặp tôi, tưởng ai té ra anh Tư Đồ Minh. Khi đó Đà Lạt - Huế có chuyến bay, nên chi anh Minh bảo thôi về Quảng Trị, đi dạy lại đi, học sinh nó chờ tội, mà chú Cao Hữu Đồng không cho Điền đi tu mô. Một lần nữa, tôi giã từ giấc mơ hoang dại lẵng lơ, nhận vé máy bay đi với anh Tư Đồ Minh về chốn phố phường!

Về sau, tôi đi tu nghiệp ở Sài Gòn và hay ghé thăm, thưởng thức phong dáng của Thiền Sư Thích Mãn Giác. Xin Cám Ơn Đời cho những Hạnh Ngộ!

 …

Thân mến,

Caohuudien

(28-10-2006)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/11/2019(Xem: 8480)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.