25- Chuyện Thể Thao Thời Ngô Đình Diệm, Huyền Vũ

24/12/201212:00 SA(Xem: 6951)
25- Chuyện Thể Thao Thời Ngô Đình Diệm, Huyền Vũ

1963 – 2013
NĂM MƯƠI NĂM NHÌN LẠI
TẬP MỘT (1/3)
Tuyển tập của 99 tác giả
và những lời Phê phán của 100 Chứng nhân
về chế độ Ngô Đình Diệm
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức Publications 2013
TẬP MỘT ● TẬP HAI ● TẬP BA

Chương Hai VÌ ĐÂU NÊN NỖI 
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay…

25
CHUYỆN THỂ THAO
THỜI NGÔ ĐÌNH DIỆM
Huyền Vũ
[Trích đoạn từ Hồi-ký Tôi làm Ký giả Thể thao của HUYỀN VŨ 
do Tác giả tự xuất bản. Virginia, U.S.A. – 1988]

 

Lời giới thiệu - Tên tuổi sáng chói của tác-giả Huyền Vũ, một trong số những ký-giả thể-thao hiếm hoi với uy-tín nghề nghiệp lâu đời trên toàn miền Nam trong hơn hai mươi năm của hai nền Cộng-Hoà từ 1954 đến 1975, là một yếu tố vững mạnh mà không ai có thể nghi ngờ tính trung-thực của hồi-ký nầy. Hơn nữa, sự kiện ông theo đạo Công giáo (như trang đầu sách có lời: “Hướng về quê-hương Kính dâng MẸ VIỆT-NAM THÂN-YÊU Trong vòng tay che chở của MẸ MARIA ƠN-PHƯỚC MUÔN TRÙNG”) càng làm cho những chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm trong sách nầy phải được coi như những nhận xét vô tư, rất đáng tin cậy.

Đặc-biệt là những nhận xét về những lạm quyền của ông đảng viên cao-cấp đảng Cần Lao Cao-Xuân-Vỹ trong bốn chương 8, 12, 15 và 18 dưới đây đã được in ra trong sách nầy, xuất bản năm 1988, khi ông Cao Xuân Vỹ còn sống mạnh khỏe tại miền Nam California mà không có một phản ứng nào, chứng tỏ còn rõ ràng hơn giá trị của những trang hồi ký nầy của tác giả Huyền Vũ. 

Rõ rệt hơn nữa là bài nói chuyện của ký giả Phạm Trần trong buổi ra mắt sách của tác-giả Huyền Vũ, đã được đăng lại trong Nhật báo Người Việt, đã nói về “Sự ngay thẳng và công-bình của một thể-tháo-gia” đầy “tinh-thần thượng-võ” khi phải viết về tư-cách thô-bạo của một “tổng-giám-đốc thanh-niên thuộc đảng Cần-lao nhân-vị.”

Nét chữ in đậm (bold) trong bốn chương nầy là do người trích-dẫn nhấn mạnh nhằm giúp độc-giả dễ-dàng thấy rõ tính-chất lạm-quyền của nhân-viên cao cấp và uy-thế tột bực của đảng Cần-Lao trong thời Đệ Nhất Cộng-Hoà. –

 

Chương VIII: CAO XUÂN VỸ, ÔNG LÀ AI? (Trang 41)


ới thời Tổng-thống Ngô- Đình-Diệm, ngành thể-thao Việt-Nam (miền Nam) thêm một lần đổi người lãnh-đạo.

Cơ-quan cao-cấp đặc-trách về thể-thao lúc ấy ở cấp Tổng-Nha. Ghế Tổng-giám-đốc Thanh-niên và Thể-thao khuyết người một thời-gian. Có tin đồn vị tân Tổng-giám-đốc sẽ là cháu cụ Diệm, từ cao-nguyên miền Trung về.

Về sau, người được cử giữ ghế Tổng-giám-đốc Thanh-niên và Thể-thao là ông Cao-Xuân-Vỹ. Không hiểu ông Vỹ có là cháu cụ Diệm chăng, nhưng theo truyền-thống “gia-đình-trị” thì nếu không phải là người có liên-hệ gần, xa đến “gia-đình ông cụ” thì rất ít hy-vọng được giao cho ngành “tương-lai của nước nhà” nầy. Người ta biết, ông Vỹ ngoài việc là “người miền Trung” còn có vai vế lớn trong đảng Cần-Lao nhân-vị của ông cố-vấn Ngô-Đình-Nhu, đảng đang cầm quyền. Ông Vỹ là một sĩ-quan thuộc ngành Bảo-An.

...

Thời cụ Diệm là thời tác oai, tác phúc của đảng Cần-Lao. Người nào không thuộc đảng ta đừng mong được chỗ tốt và lâu dài bất cứ trong lãnh-vực nào. Ngay cả quân-đội là nơi được huênh-hoang là cấm làm chánh-trị, các cấp chỉ-huy cũng tìm cách chạy-chọt vào để được vững-vàng và mau thăng cấp. Do đó có những quân–nhân tuy cấp bực nhỏ song tuổi đảng nhiều hơn, đã được cấp chỉ-huy nể-nang rất mực. Điều nầy đã phản ảnh gấn như đúng-đắn đường-lối của đảng cộng-sản. 

Ông Ngô-Đình-Nhu, em ruột cụ Diệm, là chỏm-bu của đảng cầm quyền nầy nên được rất nhiều người nễ-sợ. Thậm-chí cấp tướng lãnh có người khi viết thơ cho ông “Cố Nhu” (ông Nhu là cố-vấn của cụ Diệm) đã xưng bằng “con”. Tác-phong tướng tá mà như vậy cũng đáng tội-nghiệp.

Không hiểu có phải ông Nhu mớm ý (học đòi làm Hít-Le) hay do “sáng kiến” của ông Vỹ mà đã có việc thành-lập thanh-niên và thanh-nữ Cộng-Hòa. Và người ta nghĩ rằng ngày nào đó sẽ dùng hậu-thuẫn nầy để ông NHU sẽ từ số HAI lên số MỘT và như vậy “Đệ-nhất phu-nhân” thời ấy (không phải là bà Diệm – vì cụ Diệm không có vợ - mà là một bà Nhu đầy tham-vọng) sẽ chánh-thức là “Đệ-nhất phu-nhân”. Điều nầy được xác-định trong một đoạn của bài “Cuộc đảo-chính 1-11-63” của giáo-sư Tăng-Xuân-An đăng trong tập-san Lửa-Việt:

Sau vụ tấn-công chùa Xá-Lợi, có tin đn ông Nhu sẽ đảo-chánh lên nắm chính-quyền để thực-hiện một chính-sách đanh-thép, cương-quyết hơn. Tại vài công-sở, chân-dung ông Diệm được thay thế bằng chân-dung ông Nhu.

Ngày 1-9, vài ngàn Thanh-niên cộng-hoà biểu-tình tại công-trường Lê-Lợi, ủng-hộ chánh-phủ và lên án sự Tranh-đấu của Phật-giáo. Ông Ngô-Đình-Nhu với bộ đồng-phục màu xanh (thủ-lãnh Thanh-niên cộng-hoà) lên diễn-đàn hô-hào anh em sẵn-sàng hy-sinh cho tổ-quốc và làm rạng danh cho đoàn-thể. Trong suốt bài diễn-văn ông Nhu không nhắc tới tên Tổng-thống Diệm lần nào.”

 

Nói đến thanh niên là người ta nghĩ đến chỗ đứng trong lịch-sử của “Thanh-niên áo đen” của Ý phát-xít dưới thời Mussolini, “Thanh-niên áo nâu” của Đức Quốc-Xã, dưới thời Hitler. Và ở ta, dưới thời đệ nhất cộng-hoà có Thanh-niên đồng-phục xanh của “Thanh-niên cộng-hoà.”

Lịch sử cho thấy hai đoàn sơ-mi đen của Mussolini và nâu của Hitler đã giúp nhiều trong việc nắm và củng-cố chánh-quyền của hai nhà độc-tài phát-xít và Quốc-xã. Ngược lại, đoàn đồng-phục xanh Thanh-niên Cộng-Hoà đã không giúp được gì trong việc củng-cố chế-độ của nền đệ nhất cộng-hoà.

Đã không có lý-tưởng nào cho đoàn Thanh-niên Cộng-Hoà. Huống chi họ không thể “Hy-sinh cho tổ-quốc” khi chống lại sự tranh-đấu của đồng-bào Phật-tử. Về thực-tế, cả hai đoàn sơ-mi đen và nâu đều được yểm-trợ và tài-trợ. Thanh-niên Cộng-hoà bị bắt-buộc gia-nhập từ hàng-ngủ tiểu-công-chức lại phải tự-túc mọi mặt, trích ra từ đồng lương qúa kém của họ vốn dĩ đã không nuôi nổi gia-đình. Những cảm-ngôn, mỹ-từ không làm no được dạ dày, ấm được tấm thân, dĩ-nhiên họ không thể hy-sinh trọn-vẹn theo lời kêu gọi suông được.

Ông Vỹ không muốn người khác trái ý ông. Lúc ấy chúng tôi phải cái dại là hay nói thẳng, nghĩ rằng thể-thao không có gì phải quanh-co. Mà đã nói thẳng là trái ý ông Vỹ. … Vì thẳng thắn, chúng tôi đã đi ngược lại. Tổng-cuộc nào theo ý Tổng-nha mà làm sai nguyên-tắc là chúng tôi thẳng-thừng chỉ-trích để thể-thao đi đúng đường lối của thể-thao (tinh-thần thượng-võ) nhắm mục-đích cải-tiến.

Thẳng-thắn mà nói, thời ấy, ký-giả bị ông Vỹ ghét nhứt là chúng tôi và chủ-tịch tổng-cuộc bị ông Vỹ “trù” là anh Đinh-Văn-Ngọc bên bóng bàn. Nói đến Đinh-Văn-Ngọc phải kể anh là người rất say mê thể-thao (nghiệp làm bầu tức là dìu-dắt thể-thao) và đã từng sạt nghiệp vì thể-thao, nhứt là bóng-bàn, bởi phải cung-ứng cho các đòi-hỏi tuyển-thủ thuộc bộ môn anh quán-xuyến.

Anh Ngọc bị ông Vỹ ghét vì đã không thi-hành những chỉ-thị độc-đoán, phản thể-thao của ông ta.

 

Chương XII: CHÍNH-TRỊ VÀ THỂ-THAO (Trang 89)

Với vai-vế trong đảng cầm-quyền, ông Cao-Xuân-Vỹ muốn áp-đặt thế nào và những gì trong ngành thanh-niên và thể-thao tùy thích. Nếu dùng quyền-hành ấy mà làm lợi cho thể-thao quốc-gia là điều thật qúy-hoá. Nhưng dùng quyền-hành ấy để thỏa-mãn tự-ái cá-nhân thì qủa là chuyện không tốt-đẹp tí nào. Rất tiếc ông Vỹ lại đã chọn điều sau.

. . .

Đã nắm được các Tổng-cuộc, lo nghĩ khác của ông Vỹ là là các ký-giả thể-thao, những chiếc loa thông-tin cho đại-chúng. Ông Vỹ muốn các ký-giả thể-thao phải về-hùa, nói tốt cho những quyết-định về thanh-niên và thể-thao của ông. Nhưng một số các ký-giả thể-thao đã không chịu bể cong ngòi viết, chỉ nói lên sự thật và những nhận-xét đúng theo lương-tâm chức nghiệp.

Chúng tôi là một trong số các ký giả không được ông Vỹ ưa thích, nói khác đi là bị “trù-ghét”. Báo có người đọc, người không, nhưng đài phát-thanh được rất nhiều người nghe trong khắp nước. Các chương-trình phát-thanh về thể-thao của chúng tôi được nhiều người theo-dõi, do đó rất có ảnh-hưởng. Điều nầy càng làm cho ông Vỹ không thích gì chúng tôi.

. . .

Tổng-cuộc túc-cầu lúc ấy do ông Nguyễn-Phước-Vọng làm chủ-tịch liên-tiếp trong nhiều năm. Vì niên-kỷ và những hiểu-biết sâu-rộng về thể-thao, nhứt là túc-cầu nên ông Vọng được anh-em trong giới thể-thao gọi bằng “Anh Hai”. Ông cũng là Chủ-tịch của Ủy-hội Thế-Vận quốc-gia Việt-Nam, hội-viên của Ủy-hội Thế-Vận quốc-tế.

Tổng-cuộc túc-cầu còn có anh Tổng-thư-ký Nguyễn-Hữu-Lượng, người có căn-bản tốt về hiểu-biết và học-vấn. Cả hai ông Vọng và Lượng đều không thể nào chịu mù-tối khuất-phục các lệnh-lạc của ông Vỹ, bởi thế đã có sự ngầm chống-đối nhau giữa Tổng-nha và Tổng-cuộc túc-cầu. Sự chống đối âm thầm ấy chỉ chờ dịp là bùng nổ, nhứt là về phía Tổng-nha, cơ-quan đang nắm cả quyền-uy về thể-thao.

Ông Vỹ biết muốn “bứng” anh Hai Vọng cần phải có đủ yếu-tố và thời-gian để tránh giao-động trong giới thể-thao vì uy-tín của địch-thủ. Ông cũng biết trong bất cứ tổ-chức nào, vai trò Tổng-thư-ký cũng rất quan-trọng vì phải quán-xuyến cả các việc về hành-chánh. Trong ban chấp-hành của tổng-cuộc túc-cầu, anh tổng-thư-ký Nguyễn-Hữu-Lượng dĩ-nhiên dự phần rất quan-trọng. Bởi thế ông Vỹ quay mũi dùi sang tấn-công anh Lượng trước. Có lẽ ông nghĩ rằng “cặp bài trùng” Vọng-Lượng mà mất đi một sẽ trở nên què-quặt, dễ cho ông chi-phối hơn.

Và dịp tốt ấy đến: tổng-cuộc túc-cầu bầu lại ban quản-trị cho mùa mới. Các hội hội-viên đều cử đại-diện tham-dự. Ký-giả thể-thao của các nhật và tuần-báo cũng có mặt. Điểm làm mọi người ngạc-nhiên là lúc gần tới giờ đầu-phiếu ông Vỹ xuất-hiện. Mọi người đều lấy làm lạ. Vì cho đến lúc ấy, chưa bao giờ ông Tổng-Giám-đốc Thanh-niên có mặt ở buổi bầu ban quản-trị tổng-cuộc. Người ta nghĩ là có biến-chuyển bất-thường sẽ xảy ra.

Bầu chủ-tịch, anh Hai Vọng đắc-cử như mọi người tiên-đoán. Đến chức-vị Tổng-thư-ký, anh Lượng đắc-cử. Như chỉ chờ có thế, ông Vỹ lên tiếng can-thiệp, phản-đối việc đắc-cử của anh Lượng. Ông không muốn anh Lượng ở trong ban chấp-hành của tổng-cuộc túc-cầu nữa. Và không chờ-đợi câu hỏi - nếu có chỉ là từ phía của báo-chí – ông Vỹ nêu nguyên-nhân: Vì lý-do chính trị!

Vẽ ngạc-nhiên và chán-nản hiện rõ trên mặt mọi người. Không ai có một lời nào chống lại vì ai cũng biết thời ấy đụng đầu vào đá chỉ có mang họa vào thân. Ông Cao-Xuân-Vỹ đã hài-lòng: Anh Nguyễn-Hữu-Lượng không được còn là Tổng-thư-ký của Tổng-cuộc túc-cầu nữa.

Hôm ấy là chúa-nhật. Buổi tối có chương-trình thể-thao hằng tuần của chúng tôi trên đài. Trong phần tin-tức chúng tôi đã trung-thực loan tin anh Lượng đã bị ông Vỹ loại khỏi Tổng-cuộc túc-cầu vì “Lý-do chính-trị”.

Lối loan-báo tin-tức trung-thực ấy – đúng theo lương-tâm chức-nghiệp của một ký-giả - không ngờ đã tạo công-phẫn nơi ông Vỹ. Có lẽ “thượng-cấp” của ông trong đảng cầm quyền đã không hài-lòng với “Lý-do chính-trị” áp-dụng trong địa-hạt thể-thao được loan đi trên các làn sóng điện của đài nên ông Vỹ có ngay phản-ứng.

Lúc ấy ông Bửu-Thọ làm Tổng-giám-đốc đài phát-thanh Saigon. Tuy cùng ngang chức “Tổng” như nhau song ông Vỹ đã lấy quyền-uy trong “Đảng” làm áp-lực với ông Thọ để gây khó-dễ cho chúng tôi. “Khó dễ” ấy là ép ông Thọ buộc chúng tôi hằng tuần phải gửi bài quan-điểm về thể-thao của chúng tôi cho ông xem trước khi phát-thanh.

Phần phát-thanh hằng tuần của chúng tôi, ngoài tin-tức, phóng-sự còn có phần quan-điểm rất được thính-giả theo dõi vì thẳng -thắng và xây-dựng. Chúng tôi thường dùng bài quan-điểm để mổ- xẻ những hành-động độc-tài của Tổng-nha đối với các Tổng-cuộc, cũng như những bất công của Tổng-cuộc đối với lực-sĩ theo đường lối của Tổng-nha.. Ông Vỹ có hai dụng-ý:

1) Kiểm-duyệt trước để phần quan-điểm của chúng tôi không còn bất-lợi đối với Tổng-Nha.

2) Thỉnh-thoảng chậm trả lại phần quan-điểm để chúng tôi bị bối-rối, không kịp có bài để trám lỗ trống. Không có phần quan-điểm để uy-tín của chúng tôi sụt-giảm đối với thính-giả trong nước.

Bực mình với áp-lực của ông Vỹ; ông Bữu Thọ đã phàn-nàn với chúng tôi: - Chú chọc họ làm gì!? Phê-bình làm chi. Cứ loan tin và trực-tiếp truyền-thanh là đủ rồi.

Vài hôm sau ông Vỹ cho mời chúng tôi vào Tổng-Nha, lúc ấy được đặt tại tòa thị-sãnh cũ của Chợ-Lớn. Đầu-tiên chúng tôi có ý-định không đến, vì ông Vỹ không có quyền-hành gì đối với chúng tôi cả. Nhưng rồi vì muốn biết ông Vỹ có mưu-tính gì nên chúng tôi đã đến.

Thời ấy Tổng-Nha Thanh-niên oai-vệ lắm. Tổng-Nha có một ban an-ninh. Người đặc-trách ban an-ninh nầy là một Trung –Tá từ quân-đội biệt-phái qua: Trung-tá Nguyễn-Văn-Bông. Trung-tá Bông không hiểu từ đâu đã có hỗn-danh là “Bông Lừa” (từ ngày còn trong quân-đội Pháp), vóc dáng to lớn, là một đấu-thủ túc-cấu và cũng là người Việt duy-nhất trong đội bóng cầu-dục (rugby) của quân-đội Pháp.

Trung-tá Bông người Thủ-Dầu-Một (Bình-Dương) là người cởi-mở và vui-tánh. Nhưng một Trung-tá mà đặc-trách an-ninh cho một Tổng-nha như Tổng-nha Thanh-niên cho thấy Tổng-nha nầy quyền-uy đến mức nào. Quyền-uy đó đã thể-hiện ở hôm Trung-tá Bông bị Việt-Cộng phục-kích, chết trên trục-lộ Dầu-Giây – DaLat, được truy-thăng Đại-tá và xác được quàn tại thính-đường của vận-động-trường Cộng-Hoà. Đêm ấy vài bạn ký-giả chúng tôi vào để phúng-điếu kẻ quá-cố. Có việc, từ xa ông Vỹ đưa tay ngoắc gọi, Đại-tá Đinh-Sơn-Thung (giám-đốc nha Nhân-viên bộ Quốc-phòng) ôm chiếc nón-kết vội-vã chạy lại, thay vì bước đi.

Rõ-ràng quyền-uy của ông Vỹ khá lớn đối cả với cấp bực Đại-tá. Đó mới thật là vì “Lý-do Chính-trị”.

Vì là người được mời nên chúng tôi được ông Vỹ tiếp ngay, không phải đợi chờ. Nhìn nét mặt chúng tôi biết là ông Vỹ đang cố nén cơn giận xuống. Không cần mở đầu, ông Vỹ đi thẳng vào đề:

- Tại sao loan tin ông Lượng bị loại, anh lại bảo là “vì lý-do chính-trị”?

Hiểu ngay nguyên-nhân vì sao được mời chúng tôi đáp:

- Chúng tôi chỉ loan về những gì đã xảy ra. Danh-từ “Lý-do chính-trị” là danh-từ ông đã dùng chứ đâu phải của chính tôi.

Biết không thể bắt-bẻ được về việc kể trên, ông Vỹ gay-gắt:

- Hay anh ỷ mình là sĩ-quan. Anh nên nhớ không phải chỉ có một mình anh là sĩ quan đâu nhé.

Chúng tôi hiểu vì sao ông Vỹ lại nói câu nầy. Có lẽ ông muốn “dằn mặt” chúng tôi với cái “lon” bên Bảo-An-Đoàn của ông. Chúng tôi có nghe ông Vỹ thuộc Bảo-an-đoàn miền Trung, nhờ vai-vế bên Cần-Lao nên được đưa về làm Tổng-giám-đốc Thanh-niên.

Cuộc đối-thoại không kéo dài vì không có gì khác để mà kéo dài. Chúng tôi biết, cay-cú lắm thế nào ông Vỹ cũng tìm cách để phục hận.

Về vấn-đề ông Vỹ muốn kiểm-duyệt phần quan-điểm trong các chương-trình phát-thanh, chúng tôi đã có cách. Biết ông Vỹ dựa vào quyền-uy của đảng Cần-Lao mà làm một việc vô-lý, vượt ngoài quyền-hạn của ông, chúng tôi tạm ngưng không viết phần quan-điểm nữa. Thay vào đó chúng tôi biến phần quan-điểm thành những thiên phóng-sự hằng-tuần để nói lên quan-điểm của chính mình. Hình-thức tuy có khác đi, ý-nghĩa vẫn như cũ. Không có phần quan-điểm, ông Vỹ không làm thế nào kiểm-duyệt được quan-điểm của chúng tôi dưới một hình-thức khác. 

 

Chương XV: ẢNH-HƯỞNG CỦA ĐẢO-CHÁNH (Trang 120)

Vận-mệnh một quốc-gia nối liền các khía-cạnh của đời sống. Biến-chuyển vê chánh-trị ảnh-hưởng sâu rộng đến các phương-diện khác.

Cuộc đảo-chánh bất-thành năm 1960 (11-11-60) đã ảnh-hưởng đến thể-thao miền Nam Việt-Nam. Được biết hôm sau ngày đảo-chánh, dân chúng đã trương biểu-ngữ kéo nhau đến trước dinh Độc-Lập biểu-tình rầm rộ ủng-hộ “cách-mạng” và làm áp-lực với chánh-phủ Diệm. Trong số nầy, về Thể-thao có Nhu-Đạo do võ-sư Phạm-Lợi hướng-dẫn. Đấu-thủ bóng-bàn tên-tuổi Mai-Văn-Hoà (nhân-viên của Tổng-nha Thanh-niên) cũng rất hăng-hái, ầm ĩ reo mừng “Cách-mạng thành-công.”

Đội phòng-vệ phủ Tổng-thống xã súng bắn vào đám biểu-tình. Có người chết và võ-sư Phạm-Lợi là một trong số những người bị thương.

Lúc ấy anh Đinh-Văn-Ngọc, chủ-tịch tổng-cuộc bóng-bàn là chủ-nhiệm nhật-báo Tin Mới. Báo nầy công-khai ủng hộ “cách-mạng.”

Đảo-chánh bất thành, phe đối-địch với chánh-phủ dĩ-nhiên phải lãnh hậu-qủa. Chánh-phủ lo phần của chánh-phủ. Thể-thao cũng lo phần của thể-thao.

Anh Đinh-Văn-Ngọc là chủ-tịch tổng-cuộc bóng-bàn vừa là chủ-nhiệm TIN MỚI, nhật-báo ủng-hộ “cách-mạng” được nghĩ đến trước tiên. Huống chi anh Ngọc cũng là người thường chống đối lịnh-lạc độc-tài của Tổng-nha Thanh-niên nên ông Vỹ nghĩ ngay đến việc giải-tán tổng-cuộc bóng- bàn, cho người xử-lý và trừng-trị báo TIN MỚI. Lối trừng-trị nầy đã không kém phần thâm-hậu là dùng bóng-bàn “đập” lại bóng-bàn. Ông Vỹ cho Mai-Văn-Hoà lãnh một ê-kíp đến đập phá toà-soạn và nhà in báo TIN MỚI. Vậy là người vừa ầm-ĩ reo mừng “Cán-mạng thành-công” nay lại đập phá cơ-quan ngôn-luận ủng-hộ “cách-mạng”. Phải chăng Mai-Văn-Hoà muốn lấy “công” khoả-lấp “tội” của mình!?

Mai-Văn-Chất và Mai-Văn-Hoà là hai anh em ruột, bắt đầu sự-nghiệp bóng-bàn tại tỉnh Kompongcham (Cao-Miên). Chất và Hoà sống với người anh bà con là ông Nguyễn-Bá-Linh, thơ-ký tại tòa án Kompongcham.

Vào cuối thập-niên 30, đầu thập-niên 40, Chất và Hoà nổi tiếng về đánh đôi nhưng Hoà lại xuất-sắc hơn về đánh đơn. Về sau Chất và Hoà theo gia-đình người anh bà con về Saigon.

Bị “bay’ chức chủ-tịch tổng-cuộc, toà-soạn và nhà in TIN MỚI bị đập phá, anh Ngọc không lo bằng khi nghĩ đến những hậu qủa nặng nề khác tiếp theo, nên nghe theo lời khuyên của người quen là ông Võ-Văn-Hải, bí-thư của cụ Diệm, đi “ẩn-dật”. Và mãi đến cuối năm 1963, khi “cách mạng” thật sự thành công (1-11-63) anh Ngọc mới trở về với làng bóng-bàn. Sau ngày “cách-mạng” anh Ngọc gặp lại ông Vỹ tại Tổng-nha cảnh-sát khi đi thăm những khuôn mặt mới ở các trại giam.

 

Chương XVIII: LẠI GẶP OAN GIA (Trang 127)

… Một biến-cố khá tàn-bạo và nhục-nhả đã diễn ra trên sân Cộng-Hoà trong trận cầu quốc-tế tranh giải Quốc-Khánh giữa Thái-Lan và Việt-Nam. Ở Sài-Gòn bất cứ trận quốc-tế nào cũng thu hút đông-đảo khán-giả. Khán-giả choán chật các khán-đài, lớp trong, lớp ngoài, choán kín cả rìa sân cỏ.

Trận đấu đang ngang ngửa và sôi-động, bỗng đấu-thủ Thái là Yangyong chơi xấu cố-ý đốn ngã một đấu-thủ Việt-Nam. Nỗi bất-bình của khán-giả vì binh tuyển-thủ nhà lên đến cao-độ. Một số khán-giả ngồi ở rìa sân cỏ không dằn được tánh nóng, vây đánh Yangyong. Hổn-loạn diễn ra, trận đấu phải ngưng lại. Yangyong nghĩ đến chỗ thoát thân an-toàn nhứt là khán-đài trung-ương nên chạy lên ẩn núp. Không may cho anh ta là gặp ngay ông Tổng-Giám-đốc Thanh-niên và Thể-thao Cao-Xuân-Vỹ ngồi ở hàng ghế danh-dự đầu. Phản-ứng của tinh-thần binh vực đấu-thủ nhà đã khiến ông Vỹ không nghĩ đến chức-vị của mình nên khi Yangyong vừa ló lên khỏi cầu thang là ông Tổng-giám-đốc Vỹ đạp chưn giày vào mặt Yangyong khiến anh này ngả trở bật xuống sân cỏ. 

Khán giả trên khán-đài trung-ương và chung quanh đều thấy rõ cử-chỉ thô-bạo kém thể-thao của người cầm đầu ngành thanh-niên và thể-thao một nước. Trong lúc theo-dõi từng biến-chuyển trên sân cho phần trực-tiếp truyền-thanh, đến đây, trong một giây, chúng tôi khựng lại, rồi vì không thể đưa điểm đen ấy lên làn sóng điện, chúng tôi không nở nói rõ người đạp Yangyong là ông Cao-Xuân-Vỹ mà chỉ nói “Một khán giả” trên khán-đài danh-dự đã đạp vào mặt Yangyong làm anh nầy bật ngã trở lại.

Dưới thời đệ-nhất cộng-hoà tuy tiếng là cấm các cấp quân nhân làm chính-trị, song những ai gia-nhập và hoạt động cho đảng Cần-Lao hoặc Phong-trào Cách-mạng Quốc-gia đều được cất nhắc, mau thăng cấp, bất-chấp khả-năng và kinh-nghiệm chuyên-môn.

Tướng Khiêm thuộc đảng Cần-lao và dĩ-nhiên vào vai đàn em của ông Vỹ. Điều nầy tạo môi-trường để ông Vỹ chuẩn-bị cơn bảo nổi để nhổ cái gai trong mắt ông là chúng tôi. Trong lúc đó chúng tôi vẫn ngây-thơ không nghĩ đến hậu-qủa, cứ thấy sai-quấy là lăn-xả vào bình-kích.

Là Tổng-giám-đốc Thanh-niên và Thể-thao, ông Vỹ nắm cả các ngành thể-thao dân-sự. Nhưng ông muôn nương quyền-uy của đảng cầm quyền điều-khiển luôn các ngành thể-thao quân-đội. Ông Vỹ buộc các ngành thể-thao quân-đội khi gia-nhập các Tổng-cuộc dân-sự - để tranh vô-địch - phải lấy tên dân-sự. Ví-dụ Tổng-tham-mưu không được lấy tên là Tổng-Tham-Mưu nên T.T.M. phải lấy tên dân-sự là Trần-Hưng-Đạo. Sự-kiện nầy đã làm cho nhà lãnh-đạo các ngành thể-thao quân-đội bực-tức. 

 

Ký-giả thể-thao HUYỀN VŨ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.