Chùa Từ Đàm Bị Phong Tỏa

31/05/201212:00 SA(Xem: 11160)
Chùa Từ Đàm Bị Phong Tỏa


Tư liệu 1963:
"Chùa Từ Đàm bị phong tỏa"
Tâm Chánh

Chiều hôm ấy, chiều ngày 4-6-1963, sau đi thăm các anh chị em Phật Tử bị ném lựu đạn nằm tại bệnh viện về thì trời vừa tối. Từ cầu Nam Giao lên đến chùa Từ Đàm diễn ra một quang cảnh rùng rợn khác thường, dây thép gai đề từng chặn đường, xe cộ, người qua lại đều bị lục soát hỏi giấy tờ, xe tăng, xe bọc sắt, xe GMC, chất từng thùng lựu đạn, dàn sẵn môt dãy dài từ đồn lính miền Thượng rải rác lên tới Từ Đàm và xa hơn nữa! Mọi người qua lại xôn xao, nét mặc lo âu buồn thảm như có linh cảm một biến cố sẽ xảy ra.

Chùa Từ Đàm từ sau ngày Phật Đản, tấp nập lạ thường, người vô kẻ ra rộn rịp. Lạ hơn nữa là dãy nhà trước mặt chùa nay biến thành bót Cảnh Binh, nha Công An!! Nhân viên các cơ quan này dạo qua dạo lại không ngớt chung quanh chùa, máy ảnh trong tay, súng lục bên túi quần, có người lại lẫn lộn trong sân chùa với tín đồ.

Trời càng tối, tiếng xe nhà binh càng rộn ràng thêm, trong khi không khí chùa đã quá rộn ràng, xao xuyên!

Ngài Pháp ChủThượng Tọa TQ sau 5 ngày tuyệt thực đã mất sức nhiều, vẫn cương quyết giữ vững ý định cho đến cùng nếu 5 nguyện vọng của Phật Giáo không được chính quyền giải quyết.

Đoàn sinh viên Phật Tử đang uất ức chán nản vì chiều nay sau khi thăm các anh chị em Phật Tử bị nạn ở nhà thương về nửa đường, 2 sinh viên, anh B và anh Ch. Bị hiến binh chận bắt chưa biết số phận sẽ ra sao!

Anh chị em GDPT buồn rầu lo lắng cho bệnh trạng của một số đông Đoàn sinh GDPT vô tội bị ném lựu đạn tại cầu bến Ngự hiện đang nằm tại bệnh viện, không biết sống chết thế nào!

Tín đồ lao xao về việc Thượng Tọa Giám Viện đi theo 2 sinh viên bị Hiến Binh giữ từ lúc 6 giờ chiều đên 9 giờ tối vẫn chưa về!

Các giới Phật Tử khác dành nhau tuyệt thực! Có Đoàn đang làm lễ tuyệt thực, tiếng tụng kinh rang rảng vang dậy cả chùa. Có Đoàn vừa tuyệt thực ra, tuy mệt nhọc nhưng có vẻ thỏa mãn – có Đoàn đang hớn hở chờ phiên mình lên chùa làm lễ tuyệt thực và cũng có Đoàn đang bực tức vì chưa được lệnh trên cho giờ tuyệt thực! đủ hạng người, đủ tâm trạng, ai cũng nôn nao xao xuyến lo cho đại sự chung, hoang mang với bao nhiêu gay cấn, với không khí nặng nề của tình hình hiện tại. Không ai để ý đến đoàn lính súng ống đầy đủ canh gác quanh chùa mỗi lúc một đông và vừa đúng 9 giờ tối chùa Từ Đàm bị bao vây chặt chẽ, không một ai được qua lại, vào ra chùa!

Không hiểu đoàn lính đầy đủ khí giới này sẽ làm gì trong đêm nay, tại nơi đây, nơi mà mọi người dành nhau nhịn đói, dành nhau hy sinh cho Chánh pháp, nơi mà mọi người chỉ biết lời kinh và lòng chí thành làm khí giới hộ thânbảo vệ cho tín ngưỡng. Mọi người phân vân bàn tán, hoang mang, lo sợ! Họ sẽ giết hết quý Ôn, quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả tín đồ trên 400 mạng trong đêm nay chăng! Họ sẽ vây bắt một số người mà họ cho là quan trọng? hay họ sẽ vào giựt máy, tịch thu, hay họ sẽ bắt sinh viên, bắt Phật Tử cô lập quý Thầy, hay là… hay là… Nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc được đưa ra để rồi phải đợi thời gian trả lời!

Tiếng tụng kinh của quý Sư Cô đều đều khẩn thiết vang dội trong đêm khuya, ngân dài trong cảnh vắng, lúc như van xin cầu khẩn, lúc như thức tỉnh những tấm lòng độc ác thâm sâu sớm trở về với lẽ phải, với công bằng, với nhân đạo.

Không biết mấy ông lính ngoài kia nghĩ thế nào khi tai các ông suốt đêm nghe tiếng tụng kinh trầm bổng của hàng trăm tín đồ đang say sưa trong lời kinh cầu nguyện, mắt các ông thấy từng đám người bình thản ngồi tuyệt thực trước sân chùa, mà tay các ông lại cầm súng chỉa vào chùa!

Trong khi quý Thầy, quý Sư Cô, quý Bác thay phiên nhau tụng kinh cầu nguyện thí các đoàn thể thanh niên, sinh viên, phật tử, học sinh phật tử, hướng đạo phật tử, gia đình phật tử cũng hăng say với nhiệm vụ mới, anh em họp bàn kế hoạch, vạch chương trình làm việc phân công canh gác, nghĩ biện pháp, sẵn sàng đối phó để bảo vệ chùa. Với tuổi thanh niên đầy nhựa sống, với tinh thần bất khuất của người Phật tử, với tấm lòng trung kiên thuần thành với Đạo Pháp, anh em nguyện sát cánh , cố gắng thực hiện châm ngôn của tổ chức, noi gương quả cảm của quý Ôn, quý Thầy, đem hết năng lực, liều chết bảo vệ quý Thầy, chống cự khi lính muốn tràn với những đùi gậy thô sơ trong tay. Anh em lăng xăng, náo động, kẻ lo bắt thêm điện chung quanh hành lang, người lo đốn cây rào bớt những lỗ trống ngoài hàng rào, chia phiên nhau canh gác chung quanh chùa, nhất là chung quanh phòng quý Thầy. Anh em cầm đùi gậy đi rão suốt đêm, hết toán này tới toán khác, làm việc hăng say trong tinh thần kỉ luật, đầy quả cảm, không biết mệt nhọc, không kể gian nguy. Đáng cảm độngtán thán nhất là đoàn Hướng Đạo Phật Tử - Đoàn này chỉ mới chung sống với chúng tôi lần đầu, tuy Đoàn ít, nhưng rất đắc lực, anh em đã làm việc với tất cả tinh thần của một hướng Đạo Sinh, có quy cũ, có tổ chức và có tinh thần trách nhiệm.

Một đêm kinh hoàng rùng rợn đã qua!

Trời vừa sàng đã thấy một Huynh trưởng Phật Tử chun ngã sau, lọt vô chùa, lặng lẽ nhận lệnh của Thầy rối kín đáo, lanh lẹ ra về để liên lạc với bên ngoài. Cùng lúc đó, có vài người đêm qua mắc kẹt trong chùa đã lọt ra ngã sau về, và cũng có người vì nóng lòng không hiểu đêm qua tình hình trong chùa ra sao, chun bụi vào để rồi được lưu lại suốt thời gian chùa bị phong tỏa, vì sau đó nửa giờ, bốn phía chùa đều bị canh phòng cẩn mật, không một ai có thể chun bụi ra vào được nữa.

Mọi người hoang mang lo sợ, nhưng trong nét mặt người nào cũng bình tĩnh tự tại, tin tưởng ở sức hộ trì của Đấng Chí Tôn, ở sự công bằng của luật nhân quả!

Ngồi trong chùa nhìn ra thấy đường vắng vẻ, buồn tanh. Trừ hình bóng của mấy người lính, mấy ông công an, và hiến binh canh gác chung quanh chùa thì không còn thấy bóng ai khác nữa!

Chùa đang yên tĩnh đắm chìm trong lời kinh sáng thì bỗng phìa góc đường bên kia có tiếng la ó xôn xao, nhìn ra thấy lính đang lôi kéo một Thầy, Thầy đòi vào chùa, lính không cho, Thầy cự lại và cứ vào. Anh em thanh niên trong chùa thấy vậy, nóng lòng muốn nhảy ra can thiệp nhưng không được lệnh trên cho phép nên đành nuốt hận đứng nhìn!

Qua ngày sau, điều làm cho tất cả trong chùa băng khoăn ái ngại nhất là tình trạng sức khỏe của Thượng Tọa T.Q. sau bảy ngày không cơm cháo, sức khỏe Thầy đã suy giảm quá nhiều, mắt Thầy đã sâu càng sâu thêm, gương mặt mệt nhọc, dáng đi yếu ớt của Thầy làm mọi người lo ngại. Tuy thế tinh thần Thầy vẫn vững, trí não vẫn sáng suốt để quyết định mọi việc và giọng nói vẫn hùng hồn, cương quyết. Đến đây có lẽ Thầy đã tiên đoán được tình trạng nguy ngập của cuộc đấu tranh đòi 5 nguyện vọng Phật Giáo nên Thầy đã thể theo lời cầu xin của tín đồ bỏ ý định tuyệt thực. Trước kia Thầy quyết liệt trong chí nguyện cũng chỉ vì 5 nguyện vọng, vì tín đồ, giờ đây Thầy bỏ ý định trên cũng không ngoài mục đích vì Đạo, vì chúng sanh. Có người đã mừng rằng, nhờ có việc phong tỏa chùa sớm, Thầy mới còn đến ngày nay!

Vào khoảng gần trưa, một chuyện khác thường nữa lại xảy ra. Trước cửa chùa, không hiểu có việc gì mà lính xúm lại rất đông, tiếng người lao xao náo động. Nhìn ra, thấy bác sĩ Đức máy ảnh đeo vai, đang nói gì với mấy ông Hiến binh mà chúng tôi đoán là bác sĩ đang xin họ để vào chùa. Thấy bác sĩ, chúng tôi mừng như hạn gặp mưa. Bác sĩ là một người ngoại quốc đã có rất nhiều thiện cảm cho việc tranh đấu cho tự do bình đẳng của chúng tôi, bác sĩ là người đã thật tình giúp đở chúng tôi trong việc đấu tranh đòi 5 nguyện vọng Phật Giáo, người đã săn sóc anh chị em GĐPT bị lựu đạn trước tòa đại biểu khi các em bị chặn lại không được lên chùa. Bác sĩ đã cực lực phản đối sự đàn áp tấn công, vô nhân đạo của chế độ Ngô Triều và bác sĩ cũng là vị thầy thuốc đã tận tâm chăm lo cho sức khỏe Thượng Tọa T.Q. sau mấy ngày Thầy tuyệt thực. Tóm lại bác sĩ là vị ân nhân của tín đồ Phật Giáo chúng tôi. Thấy bác sĩ đến như một vị cứu tinh, nhưng rồi đợi mãi không thấy bác sĩ vào. Dùng dằng một lát, bác sĩ lấy máy ảnh ra đưa lên toan chụp thì vừa bị Hiến binh chận lại. Bác sĩ yên lặng đứng nhìn vào chùa, vẻ mặt ngao ngán, thất vọng, rồi quay ra đi thẳng, chúng tôi ngao ngán nhìn theo…

Sau đó, chúng tôi được tin là bác sĩ bị nhà chức trách chận lại, mời lên xe chở về tòa Đại Biểu và sau một thời gian ngắn, bác sĩ được lệnh về xứ vĩnh viễn!!

Ba ngày đầu, thấy dài dằng dẵng, ba đêm đầu thấy rùng rợn kinh hoàng, nhưng lâu dần cũng quen, ai lo việc nấy, không mấy ai bận tâm đến việc lính gác bên ngoài, đến việc mình bị giam lỏng trong chùa nữa! Ban ngày, nếu đừng có cái máy phóng thanh nói chan chát, điếc tai, nhức đầu thì rất là yên vui, bình thản – cả ngày lẫn đêm, mấy ống loa của ty thông tin xỉa vào chùa đọc đi đọc lại mấy bản thông cáo, tài liệu của tỉnh đường, của tòa Đại Biểu vu khống quý Thầy, lời lẽ khiếm nhã, xuyên tạc, gây hoang mang cho tín đồ, kêu gọi tín đồ trong chùa về với gia đình, với “nếp sống bình thường” v.v.. làm cho mọi người đang tức càng tức thêm.

Sau 3 ngày chùa bị phong tỏa, hôm nay mới thấy thấp thoáng có bóng người qua lại hai bên chùa. Có lẽ những người có con bị nhốt trong chùa đã nóng ruột nên họ mạo hiểm kéo đến gần chùa thăm dò tin tức. Một Huynh trưởng Phật Tử vừa bước ra sau hiên, thấy chị vợ bồng con đứng ở góc rào, chú bé nhìn thấy cha, vừa ngoắc vừa kêu giọng nức nở.

Và còn bao nhiêu người khác đứng thập thò nhìn vào chùa, nét mặt lo lắng, cũng có người muốn thấy mặt con cháu xem mạnh khỏe thế nào, cũng có người muốn biết rõ tình hình trong chùa, vì người ta ở ngoài đồn chùa bị cắt điện, cắt nước, hết lương thực v.v… Có người muốn biết tin tức sức khỏe quý Ôn, quý Thầy, nhất là Ngài Hòa Thượng Pháp ChủThượng Tọa T.Q. vì trước hôm chùa bị bao vây, Hòa ThượngThượng Tọa tuyệt thực đã 5 ngày nên mệt và yếu lắm rồi.

Ban đêm thì rùng rợn, khủng khiếp và hồi hộp hơn nhiều. Đêm nào xe nhà binh cũng chạy rầm rầm, càng về khuya xe càng chạy nhiều, lính thì từng đoàn, từng đoàn, đủ thứ mũ, đủ thứ áo, đủ thứ súng, lượn qua lượn lại chỉa súng vào chùa, sẵn sàng để tấn công!

Trong chùa, các đoàn Thanh niên Phật tử thay phiên nhau canh gác. Mặc dầu mấy đêm sau, anh em đã mỏi mệt nhiều, nhưng vẫn tươi tỉnh hăng hái, tích cực lo tròn nhiệm vụ, canh phòng kỹ lưỡng.

Có đôi lúc, mấy ông lính đứng lâu buồn, lấy đá ném vào mấy anh em đứng canh trong chùa, khi thì bắn bể bóng điện, khi thì liệng thuốc liệng kẹo, có lúc bắn tin tức vào; có đêm, không biết để làm gì, các ông công an bò vào, gần tới sân chùa, vừa gặp anh em Phật Tử bò ra, hai bên va đầu vào nhau, mỗi bên tặng nhau một “cú” nên thân, rồi ai đâu lại bò về chỗ cũ.


Đáng cảm độnghồi hộp nhất trong đêm thứ 3, vào khoảng 12 giờ khuya, một anh Hướng Đạo đang đứng gác phía sau nhà bếp, chỗ này là chỗ quan trọng thứ hai trong các khu vực phải canh gác, là chỗ chứa nước, từng lu, từng thùng, từng chậu nước đầy chứa sẵn, kê sát cạnh hàng rào; hai bên “vĩ tuyến” chỉ cách nhau có 2 thước tây, người ta có thể bỏ vào nước những gì người ta muốn bỏ! Anh Hướng Đạo đang đứng gác bỗng nghe bên kia hàng rào gọi đúng tên anh, anh giựt mình nhìn sang, bị bụi tre che khuất, anh không nhìn rõ là ai đã gọi mình thì lại nghe tiếp:

“Anh T đó hả? Tôi đây, H đấy, nì, nì…”

Vừa nói anh vừa liệng qua một mảnh giấy vo tròn, anh Hướng Đạo lượm lên bấm đèn xem thì được anh lính cho biết: “Đêm nay, vừa có mật lệnh, chưa biết giờ nào, nhân dân võ trang sẽ đột nhập chùa xúc quý Thầy, anh em phải tăng cường sự canh gác, tích cực bảo vệ quý Thầy! Chúng tôi sẽ phải thay phiên gác trong nửa giờ sau, anh em hãy cẩn thận! !”

Hốt hoảng, anh em kín đáo trình quý Thầy, chuyển tin mật này cho nhau, huy động nhiều anh em khác, đánh thức những anh em đang ngon giấc, bố trí chặt chẽ các phòng quý Thầy…

Đặc biệt đêm nay, lại có Thượng Tọa T.M. trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và Trung Tá Q. ở Sài Gòn ra để can thiệp về việc chùa Từ Đàm đã mấy hôm rồi chưa được giải tỏa. Ngay khi anh em đưa tin mật này thì quý Thầy và Trung Tá Q. còn thức nói chuyện.

Tôi vừa lo và cũng vừa buồn cười, thấy anh em rộn ràng, lăng xăng, náo động. Mọi người đều hăng hái theo, nhưng nhìn lại, ngoài mấy chiếc đùi yếu ớt, ngoài mấy lẻ củi rút ở trong bếp ra, thì không còn một thứ khí giới nào khác để chống cự với đoàn lính hùng hỗ đầy đủ khí giới bên ngoài !!

Một đêm khác cũng vào khoảng về khuya, một anh sinh viên đang ngủ ngon lành sau hiên chùa, cạnh phòng quý Thầy, bỗng nhiên bị một cái gì rơi mạnh nơi bụng, anh ta hốt hoảng tưởng là lựu đạn, vùng dậy định la to, nhưng lại bình tĩnh tìm xem vật gì đã rơi vào người anh. Thì ra một gói kẹo của một anh lính bên ngoài vất vào. Các anh em khác thức khuya canh gác buồn ngủ, gặp dịp giải trí lấy làm thích thú, lật đật mở ra reo hò mừng rỡ, một anh la lớn:

“Anh em ơi! Lựu đạn ngọt” rồi giành nhau, chia nhau, bỗng có một anh ngập ngừng nét mặt hơi xìu, trả kẹo lui mà rằng: “tao ngại quá, không biết có độc dược trong này không!”

Nhưng các anh em khác vẫn điềm nhiên, hớn hở mở kẹo mời nhau và cùng bảo:

“Cứ nếm thử mà! Chắc không can gì đâu!”

Tuy không có phần việc canh gác, nhưng đêm nào chúng tôi cũng thức trò chuyện với anh em, khuyến khích vài câu, kể vài mẫu chuyện vui, lo nước non quà bánh giải lao cho anh em và cũng để dò xem tình thế biến chuyển…Đôi lúc rảnh, thờ thẩn nhìn ra đoàn lính qua lại hung hăng trước sân chùa, mà lòng nao nao. Có một hôm tôi đang yên lặng ngồi nghe quý Bác trong ban trai soạn và mấy chị tiểu thương tụng kinh trước thềm chùa, bỗng người bạn bên cạnh lay tôi:

“Chị ơi, cái giò heo, ông lính có cái giò heo đang nhìn chị em mình nơi góc đường bên kia!” Rồi bạn tôi nói tiếp:

“À chị có nhớ cái giò heo hôm trước không?? Chừ nhớ lại mà em còn giựt mình.”

Nghe bạn nhắc, tôi lại nhớ đến câu chuyện xảy ra sau cuộc biểu tình mấy hôm.

Hồi đó, tín đồ xôn xao lo sợ về tin đồn họ sẽ ám sát Thượng Tọa T.Q. Người ta bàn tán đủ thứ, nào là thuê người bỏ thuốc độc, nào là vẽ họa đồ phòng Thầy, nào là treo giá mạng Thầy từ 1 đến 5 triệu đồng v.v…làm cho tín đồ lo sợ phập phồng mỗi khi có người lạ mặt vào chùa hay thấy có gì khác thường chung quanh.

 

Thì chiều hôm ấy, chúng tôi đang đứng trước hiên nhà Tăng, thấy ngoài sân đi vào một người lùn, mập, mặt đỏ gay, gắt, có cái súng lục nằm trong túi quần để lòi cái tay cầm ra ngoài. Người này quanh quẩn ngoài sân chùa một lúc như muốn tìm ai rồi tiến thẳng đến chỗ Thượng Tọa T.Q. đứng và dừng lại trước mặt Thầy! Người bạn tôi hoảng hốt nắm tay tôi kêu:

“Chị ơi, chị, cái giò heo, ông nớ có cái giò heo, ông đứng nói chuyện với Thầy đó tề, chị ơi, em sợ quá, làm răng chừ”!

Tôi đã tái mặt khi thấy người này tiến về phía Thầy, nhưng không khỏi tức cười với cái danh từ khôi hài của bạn trong lúc này. Đứng xa nhìn tới, không hiểu Thầy và người ấy đã nói gì với nhau mà người kia lửng thửng đi ra ngả sau. Thì ra ông ta đã nói thẳng Thầy: “Thầy T.Q. ở mô, cho tôi gặp một chút” và Thầy đã trả lời: “mô sau nhà”

Hú hồn!!

Chúng tôi đã sống qua 5 ngày đầy ý nghĩa đoàn kết, thân mật, yên vui thì chiều hôm ấy, bắt đầu chiến dịch chiêu hồi. Chính quyền đưa phụ huynh lên đòi con em về, làm huyên náo cả chùa! Máy phóng thanh chỉ vào chùa la inh ỏi, đòi nhà chùa trả con em về với gia đình, khuyên nhủ các học sinh, sinh viên và Phật Tử trong chùa nên về với gia đình…Thật là mâu thuẫn, nhà chùa có cầm giữ, lôi kéo ai, chính nhà chức trách đã vây quanh chùa không cho con em người ta về, bây giờ lại la làng xóm đòi chùa phải trả con em về!!

Lúc đầu mới nghe máy phóng thanh gọi, một vài em trong GĐPT có thân nhân đến hỏi thăm, lật đật chạy ra thì bị cảnh sát lôi bừa bỏ lên xe chở về, mặc cho em này vùng vẫy kêu la. Những em khác được gọi sau, có kinh nghiệm, không chịu ra gặp mặt phụ huynh chỉ đứng trong sân chùa nói vói ra, và mặc dầu lời hăm dọa của chính quyền, lời bị bắt buộc dỗ dành của phụ huynh, các em vẫn cương quyết không về! Họ gọi người này không được qua người khác, cứ réo mãi suốt ngày, đến nửa đêm, nhức tai, nhức đầu, lập đi lập lại mấy câu mâu thuẫn như từng điệp khúc của mộtbản nhạc không hồn! Nhiều anh em Phật Tử con công chức cứ phập phồng lo sợ đến phiên mình bị gọi về!! lăng xăng chạy lui chạy tới tìm cách tránh mặt, để đối phó nếu rủi có bị gọi!! Không khí chùa trở nên rộn ràng, lộn xộn.

Cái trò chơi trẻ con đặc biệt này kéo dài trong 2 ngày đêm vẫn không có kết quả gì, cuối cùng chính quyền đưa ra biện pháp soát chùa. Một lệnh mới được công bố:

“Nếu trong 24 tiếng đồng hồ nữa, những người trong chùa không về thì nhà chức trách sẽ soát chùa, nếu ai không có tên trong tờ khai ở lại chùa thì chính quyền sẽ đưa biện lý tới bắt”

Được tin này, quý Ôn, quý Thầy sợ phiền lụy cho tín đồ, khuyên tín đồ về, nhưng tất cả đều nguyện cùng ở lại để được sống chết có nhau. Nhưng rồi tín đồ cũng phải vâng lệnh quý Ôn, quý Thầy để làm gương. Các Bác lần lượt ra về từ chiều hôm trước. Riêng các đoàn thể thanh niên thì cương quyết ở lại. Đêm đó quý Thầy phải thuyết phục anh em đến 2,3 giờ sáng. Tuy thế, sáng ngày anh em GĐPT vẫn không chịu về. Cuối cùng Ngài Hòa Thượng Hội Chủ phải đích thân ra họp anh em, khuyên nhủ, bắt buộc hồi lâu, anh em yên lặng, nét mặt đau khổ, nước mắt chảy dài, có người dằn lòng không được đã phải nấc lên thành tiếng khóc, cung kính đảnh lễ Hòa Thượng lặng lẽ lui ra sắp đồ đạc để về! Những người còn lại đứng chứng kiến không ai cầm được nước mắt trước cảnh chia tay não lòng này!

Một đoàn xe buýt do chính quyền đưa đến chực sẵn để đưa Phật Tử về. Anh em tưởng là ra đường phóc lên xe về liền, theo lời nhà chức trách đã rao đi rao lại mấy hôm nay:

“Đồng bào cứ tự do ra về, chính quyền không làm khó dễ gì hết”.

Thế mà vừa bước chân ra cửa chùa, nhà chức trách còn giữ lại để làm mọi thủ tục cần thiết hơn một tiếng đồng hồ, soát người, soát ba lô, cặp da: rồi lại chụp hình, lăn tay, khai lý lịch, ký giấy cam đoan “Từ nay không phạm pháp nữa” rồi mới được lên xe do Hiến Binh đưa về tận nhà…để bắt buộc phụ huynh phải chịu trách nhiệm nếu con em còn đi chùa nữa!

Cảnh chùa trước đây mấy hôm huyên náo, rộn rịp bao nhiêu thì giờ này vắng vẻ lạnh lùng bấy nhiêu. Quang cảnh thật là buồn thảm, thê lương. Chúng tôi, năm người còn sót lại, trong đó có vị ủy viên giáo dục của Tổng trị sự, nhất định không về, nhưng…nhưng cũng không được phép ở lại nên đành phải chung số phận với các bạn lủi thủi ra về với bao nỗi nghẹn ngào, uất hận bên trong!

Giờ phút đi ra buồn thảm, đau xót làm sao! Thầy trò không dám nhìn nhau, không nói với nhau được một lời từ giã!!

Biết rằng có ở lại, chúng tôi cũng không làm gì ích lợi cho ai, nhưng xa quý Ôn, quý Thầy trong lúc này, mà ai cũng biết là người ta muốn cô lập quý Thầy, chúng tôicảm tưởng như đã làm một việc phản bội với lương tâm, chúng tôi tưởng đó là một sự thiếu sót bổn phận mà tất cả tín đồ trung thành đều không muốn, mặc dù trước khi ra về chúng tôi đều có lãnh công tác nếu chùa còn bị phong tỏa dài ngày hoặc có biến cố khác thường xảy ra.

Bảy ngày qua!! Bảy ngày chung sống dưới mái chùa lịch sử! Chắc trong thời gian ấy, bà con thân thích ở nhà lo sợ cho chúng tôi lắm. Thật ra lúc đầu chúng tôi cũng có phần hoang mang lo sợ, không hiểu họ vây chặt, chận đường tiếp tế, không cho một ai ra vào để làm gì! Không lẽ họ sẽ giết tất cả chúng tôi trong một lúc. Có một hôm chúng tôi được tin người ta chôn mìn chung quanh chùa Từ Đàm để chờ dịp cho nổ lật cả chùa, chúng tôi không khỏi rùng mình, nhưng nghĩ lại nếu được chết cùng một lúc cả Thầy lẫn bạn trên 400 người, trong một hoàn cảnh đặc biệtĐạo Pháp thì cũng là một cái chết lịch sử hiếm có, ngàn năm một thuở vậy. Nghĩ thế chúng tôi đã không sợ mà còn cảm thấy vui vui sung sướng là khác nữa!

Nhờ chung sống trong lúc lâm nguy, chúng tôi càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa của tình đồng Đạo, của tính đoàn thể, của những người đồng chí hướng đồng lý tưởng, không phân biệt quen lạ, thân sơ, không phân biệt già trẻ, lớn nhỏ, chúng tôi thân nhau như ruột thịt, gần nhau và thương nhau chân thật. Thì ra, chỉ có những lúc gian nguy khốn khổ người ta mới hiểu rõ lòng nhau, mới thương nhau thành thật, mới dễ tha thứ cho nhau, khi ấy, người ta mới thấy giá trị của tình thương, tình thương thiêng liêng của những người con Phật.

Bảy ngày qua, bao chuyện buồn vui lẫn lộn. Trên có quý Ôn, quý Thầy, quý Sư Cô, quý Bác, dưới có anh chị em thanh niên Phật Tử đủ các giới, một đại gia đình sum họp khắng khít, hòa vui, cởi mở, buồn lo… “Thầy trò cùng cười khóc với nhau, cảnh tượng này không khi nào có lại được nữa, và cũng không khi nào có thể quên được!!”

Riêng tôi, rất lấy làm thỏa mãn được may mắn “bị nhốt” trong chùa để được chia sẻ mọi nỗi buồn vui, gian khổ với Thầy, với bạn, với tất cả anh chị em thanh niên trong đại gia đình Phật GiáoThừa Thiên.

* Trích lục: “Trước cơn sóng gió” Do Ban Hướng dẫn GĐPT Trung phần xuất bản năm PL. 2508 (1964). Từ Tr. 75 đến Tr. 95.

Tác giả bài viết: Tâm Chánh

Tạo bài viết
18/09/2010(Xem: 47630)
16/10/2014(Xem: 26697)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…