MỘT THÓANG
"NHƯ ÁNG MÂY BAY" của Tâm Đức
(Bài viết giới thiệu của Hùynh Kim Quang)
"NHƯ ÁNG MÂY BAY" của Tâm Đức
(Bài viết giới thiệu của Hùynh Kim Quang)
Thừa tiếp sinh khí của phong trào chấn hưng, Phật Giáo Việt Nam khởi đi từ giữa thế kỷ 20 đã có những bước phát triển vững mạnh và đều khắp ở ba miền Nam, Trung Bắc. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ Tam Tăng Thống GHPGVNTN, là một trong số những bậc cao tăng góp phần công đức xứng đáng trong công cuộc phát triển Phật Giáo nước nhà thời kỳ này.
Kể từ khi Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu viên tịch tại Chùa Linh Mụ, Huế, vào ngày 23 tháng 4 năm 1992 đến nay, tác phẩm "Như Áng Mây Bay" của Tâm Đức biên soạn, được xuất bản năm 2010, là tài liệu đầy đủ nhất viết về tiểu sử và công hạnh của Ngài.
Tác giả Tâm Đức là pháp danh của cư sĩ Trí Không Trần Quang Thuận. Ông là đệ tử của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Ông đi du học tại Anh và trở về nước làm việc vào đầu thập niên 1960. Ông đã từng đảm nhận các chức vụ như Bộ Trưởng Xã Hội, Thượng Nghị Sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng là một cư sĩ có nhiều đóng góp cho Phật Giáo Việt Nam nói chung và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng từ trước năm 1975 ở trong nước và sau năm 1975 tại Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sử Phật Giáo trong hơn một thập niên qua ở hải ngoại.
Tác phẩm "Như Áng Mây Bay" dày 460 trang, in bìa cứng, giấy tốt với nhiều hình ảnh màu và trắng đen, trong đó có nhiều tấm hình mang tính lịch sử quý giá.
Tác phẩm "Như Áng Mây Bay" gồm 5 quyển, 16 chương đề cập đến bối cảnh lịch sử đất nước và Phật Giáo Việt Nam trải dài hơn 100 trăm, từ thời Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh (1868-1929), đến thời Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (1905-1992). Đặc biệt, tác phẩm "Như Áng Mây Bay," bằng những dữ kiện và tài liệu lịch sử, cho thấy Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu là bậc chân tu phạm hạnh, từ bi đôn hậu, trí tuệ sáng suốt và bản lãnh nghị lực trong lập trường dân tộc và đạo pháp, cũng như bao dung và từ hòa với tất cả mọi người, từ những người cố tâm hãm hại, bức bách đến những người lợi dụng uy tín của Ngài để phục vụ cho quyền lợi cá nhân hay đảng phái.
Theo tác giả Tâm Đức, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, trú trì Chùa Linh Mụ, Huế, là đệ tử của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Tịnh, khai sơn Chùa Từ Hiếu, Huế. Ngài Tâm Tịnh có nhiều vị đệ tử xuất gia đắc pháp trở thành những bậc long tượng chốn tòng lâm như Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nguyên (Trú Trì Chùa Tây Thiên, Huế), Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Tiên (Khai sơn Chùa Trúc Lâm, Huế), Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên (Trú trì Chùa Thiền Tôn, Huế, và cũng là Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN), v.v…
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Tiên là bổn sư của cố cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người cư sĩ có công rất lớn trong cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam vào các thập niên 1930, 1940 và 1950 của thế kỷ trước. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên là bổn sư của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu và Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh. Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu cũng là bổn sư của Hòa Thượng Thích Trí Chơn hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ.
Trong "Như Áng Mây Bay," tác giả Tâm Đức kể chuyện năm 1947 khi quân Pháp tiến chiếm cố đô Huế, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu bị lính Pháp bắt và ra lệnh cho Ngài đào hầm để họ xử tử. Tâm Đức kể rằng, "Trời lạnh cóng xương, Hòa Thượng cố gắng đào, lòng không oán hận mà cầu cho những người bị bắt giam, bị cực hình bỏ được ác niệm, bỏ hận thù. Hòa Thượng nhìn những người lính Pháp, những người lính Việt theo Pháp bằng cặp mắt bao dung độ lượng." May có Sư Bà Diệu Không liên lạc nhờ Thái Hậu Từ Cung, mẹ của Vua Bảo Đại, can thiệp Hòa Thượng mới khỏi bị bắn chết.
"Như Áng Mây Bay" cho biết trong Đại Hội Phật Giáo Miền Trung sau năm 1963, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu trong bài diễn văn Khai Mạc Đại Hội đã nói lên lập trường của Phật Giáo Việt Nam như sau: "Căn bản của Phật Giáo Việt Nam là dân tộc chứ không phải chính trị và chính quyền… Phật Giáo không bao giờ từ bỏ cương vị tôn giáo của mình. Noi theo lời dạy của Phật, người Phật tử trau dồi đức từ bi, nhẫn nhịn, dung hòa và học tập đức vô úy… Phật Giáo Việt Nam nỗ lực phát huy truyền thống tự phát triển tôn giáo mình không dựa vào cường quyền mà bằng sự thực hành giáo lý Phật."
Sau cách mạng ngày 1 tháng 11 năm 1963, chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, lòng người còn oán hận những người mà trước kia dựa thế lực chính quyền để bức bách và đàn áp, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu nhân danh Giám Luật Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc đã công bố Lời Kêu Gọi Khẩn Thiết gửi đến toàn thể Tăng, Ni và đồng bào Phật tử hãy từ bi, khoan dung xóa bỏ hận thù. Lời Kêu Gọi Khẩn Thiết có đoạn viết rằng, "Nhân danh Giám Luật Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc, tôi khẩn thiết kêu gọi Tăng Ni Phật tử, không lúc nào bằng lúc này, phải luôn luôn bình tĩnh, tỏ rõ thái độ của người Phật tử, nêu cao đức Từ Bi, Hỷ Xả. Tuyệt đối không gây hấn hoặc trả thù bất cứ ai. Phải luôn phát huy đức tính khoan dung, từ hòa của người Phật tử chân chính."
Về việc Hòa Thượng Thích Đôn Hậu bị CSVN bắt đưa ra Bắc vào dịp Tết Mậu Thân, năm 1968, tác giả "Như Áng Mây Bay" đã tham khảo nhiều tài liệu và đặc biệt phỏng vấn nhiều người có liên hệ như quý Thầy là đệ tử của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và một số người cùng có mặt trong chuyến đi ra Bắc vào Tết năm đó. Tác phẩm "Như Áng Mây Bay" trích lời kể của ông Lê Văn Hảo là một cán bộ cao cấp của chính quyền CSVN lúc bấy giờ, nói rằng "riêng cụ Thích Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp, rồi võng cụ lên trên núi luôn." Quý Thầy Trí Tựu, Hải Tạng là các đệ tử của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu cũng xác nhận là Hòa Thượng bị CSVN bắt cóc võng đi vào dịp Tết trong lúc Hòa Thượng đang bị bệnh suyễn và dạ dày xuất huyết rất nặng.
Cuối năm 1975, Hòa Thượng về Chùa và vào Nam thăm chư Tôn Đức trong Hội Đồng Lưỡng Viện của GHPGVNTN tại Sài Gòn. Khi Hội Đồng Lưỡng Viện gồm Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thượng Tọa Thích Thiện Minh tiếp Hòa Thượng Thích Đôn Hậu tại Chùa Ấn Quang, Sài Gòn, và hỏi Ngài làm thế nào để có thể duy trì tổ chức, bảo vệ đạo pháp, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu trả lời có 6 cách: Một, cấp lãnh đạo Phật Giáo phải củng cố Bồ Đề Tâm. Hai, phải giữ giới hạnh trang nghiêm, thật trang nghiêm. Ba, phải xiển dương Chánh Pháp trong các điều kiện ít người mà không cần tập trung đông đảo quần chúng. Bốn, cố gắng tìm người thừa kế, tức là đào tạo Tăng tài. Năm, cố gắng kiên trì phương pháp đã lực chọn. Sáu, cố gắng dìu dắt tín đồ để tín đồ biến gia đình thành gia đình Phật hóa. Sáu phương cách mà Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đưa ra để duy trì tổ chức và bảo vệ đạo pháp có thể nói rất quan trọng, rất thiết thực, rất hữu hiệu, đặc biệt trong hoàn cảnh mà GHPGVNTN đang bị chính quyền CSVN gây nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là quyết tâm tiêu diệt vì sợ uy tín quá lớn của Giáo Hội. Sáu phương cách này cho đến nay vẫn còn rất thích hợp để bảo vệ đạo pháp.
Năm 1978, sau khi Cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh bị CSVN bức tử trong tù, Cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã lên tiếng phản đối và đòi chính quyền trả lời minh bạch về cái chết của Cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Tháng 2 năm 1979, Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN, viên tịch. Tháng 2 năm 1981, Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN họp tại Huế suy cử Hòa Thượng Thích Đôn Hậu lên làm Quyền Xử Lý Viện Tăng Thống cho đến khi có Đại Hội để suy tôn Đức Tăng Thống mới.
Ngày 10 tháng 9 năm 1991, Cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu gửi Tâm Thư cho chư Tăng, Ni Việt Nam tại hải ngoại kêu gọi phát huy bản thể thanh tịnh và hòa hợp của Tăng Già để phát triển GHPGVNTN nơi xứ người. Thừa hành ý chỉ của Tâm Thư, chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử khắp nơi tại hải ngoại đã ngồi lại để hình thành các GHPGNTN tại các châu lục để hỗ trợ công cuộc vận động phục hoạt GHPGVNTN trong nước và đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam.
Theo tác phẩm "Như Áng Mây Bay," Cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu viên tịch tại Chùa Linh Mụ, Huế, vào ngày 23 tháng 4 năm 1992, thọ 87 tuổi. Trong lễ tang Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Hòa Thượng Thích Huyền Quang theo Di Chúc của Ngài đã nhận lãnh trách nhiệm Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo để tiếp tục điều hành GHPGVNTN.
Tóm lại, "Như Áng Mây Bay" là tác phẩm viết về tiểu sử và công hạnh của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đầy đủ nhất với những tài liệu, nhân chứng và sự kiện thực mà từ trước tới nay chưa được công bố. Đây cũng là tài liệu sử phong phú về Phật Giáo Việt Nam nói chung và GHPGVNTN nói riêng giai đoạn gần 20 năm, từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến tháng 4 năm 1992.
HUỲNH KIM QUANG
(Việt Báo)
Xem toàn bộ quyển sách:
NHƯ ÁNG MÂY BAY Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng THÍCH ĐÔN HẬU - Đệ tử Tâm Đức phụng sọan