Đức Cần Kiệm, Tri Túc, Bình Dị Của Ht. Thích Trí Tịnh

04/04/201412:00 SA(Xem: 4831)
Đức Cần Kiệm, Tri Túc, Bình Dị Của Ht. Thích Trí Tịnh



thanhkinhtuongniem_daillaohaothuong_1
Đức cần kiệm, tri túc, bình dị
của HT. Thích Trí Tịnh 

Minh Thạnh

Ngày nay, trước xu thế xa hoa hưởng lạc của một số vị tu sĩ, thì đức hạnh tri túc, kiệm phước, thanh đạm của Hòa thượng Thích Trí Tịnh là cả một bài học lớn và sống động.

Tôi chỉ có phước duyên gặp HT. Thích Trí Tịnh vài lần, nhưng ngài đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc.

Từ nhỏ, qua tiếp xúc kinh điển Phật giáo, tôi đã biết đến HT. Thích Trí Tịnh như là một dịch giả hàng đầu. Nếu những bộ kinh Nam truyền gắn liền với tên tuổi HT. Thích Minh Châu, thì những bộ kinh Bắc truyền hầu như song hành với nhà dịch thuật HT. Thích Trí Tịnh.

Tuy nhiên, trong chương trình thuyết pháp ở chùa Ấn Quang, HT. Thích Trí Tịnh không tham dự diễn giảng, nên muốn được nhìn thấy hòa thượng, thì phải chờ đến khi Giáo hội họp, thường là vào một buổi sáng ngày thường nào đó trong tuần.

Với sự ngưỡng mộ hòa thượng, nhà dịch thuật kinh điển lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam, tôi chờ đợi cơ hội được nhìn thấy hòa thượng một lần.

Hòa thượng đến chùa Ấn Quang bằng một chiếc xe hơi cũ. Lúc này, sau 1975 chỉ vài năm, các nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn còn dùng xe hơi còn lại từ trước. Các nhà lãnh đạo Phật giáo chỉ đi xe bậc trung trở xuống, tuy nhiên, đều là xe nhập khẩu. Trong khi đó hòa thượng Thích Trí Tịnh dùng một chiếc xe Việt Nam lắp ráp, loại bình dân, là xe La Dalat mui trần (Citroen Việt Nam đóng khung xe và ghế, dùng máy xe Citroen của Pháp). Quả thật, tôi bất ngờ khi một thầy gọi tôi và chỉ: “Kìa, Hòa thượng Vạn Đức xuống kìa”.

Hòa thượng không ngồi trên băng ghế sau như vẫn thường thấy ở các nhà lãnh đạo tôn giáo, mà ngồi ở ghế trước, gần gũi với người lái xe. Hòa thượng tươi cười bước xuống. Tôi theo các thầy vái chào hòa thượng, nhưng khi hòa thượng đến gần, trước uy đức của ngài tôi không dám nhìn lên, mà chỉ cúi đầu thật thấp, nhìn xuống.

Và thật bất ngờ, tôi nhìn thấy vị danh tăng được cả nước biết đến, nhà dịch thuật tầm vóc thuộc loại hàng đầu của PGVN, Phó viện trưởng Viện Hóa đạo mang đôi dép mỏng, sờn quai, cũ kỹ mà bước đi những bước nhẹ nhàng, an lạc, thong dong, tự tại. Đôi dép cũ sờn, mòn dưới chân hòa thượng nói lên một phần đức tính cao đẹp của hòa thượng: cần kiệm, thanh đạm, tri túc, bình dị.

Vạt áo tràng nâu của hòa thượng cũng sờn vạt. Chiếc áo quá cũ.

Ngày nay, trước xu thế xa hoa hưởng lạc của một số vị tu sĩ, thì đức hạnh tri túc, kiệm phước, thanh đạm của Hòa thượng Thích Trí Tịnh là cả một bài học lớn và sống động.

Hưởng thụ, xa hoa, dùng những đồ dùng hảo hạng, nơi cư trú vương giả, xe hơi đắt tiền, quý phái… được một số nhà tu hành coi là kết quả của phước báu, cũng là biểu hiện của phước báu. Có người nghĩ rằng do có phước báu thì mới được cuộc sống như thế và trong kinh cũng có nói. Vì thế, các vị không ngại dùng, mà còn phô trương như một kết quả tu hành.

Nhưng nói về phước báu tu hành, công đức bố thí pháp, thì có mấy vị tu sĩ Phật giáo có thể so sánh với Hòa thượng Thích Trí Tịnh, một Huyền Trang Pháp sư của Phật giáo Việt Nam, thầy dạy của một không biết bao nhiêu thế hệ tăng sĩ. Vậy mà hòa thượng đi một chiếc xe rẻ tiền cũ kỹ, mang một đôi dép sờn mòn. Ngước lên, hòa thượng mặc một chiếc áo tràng nâu cũ, có chỗ bạc màu. Phải chăng hòa thượng không hưởng phước báu? Chẳng qua đó là hành tri túc, kiệm phước của hòa thượng.

So với việc hưởng thụ phước đức với những đồ dùng tốt nhất, thì đôi dép mòn, chiếc áo cũ là những biểu tượng của sự vượt trội của đức hạnh.

Hôm nay, di ảnh của Hòa thượng cũng bình dị, gần gũi như thế, không mũ mão rực rỡ, không y hậu gấm vóc, mà chỉ một chiếc áo lễ như bao vị tu sĩ khác. Nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam trong nhiều thập kỷ vô cùng bình dị như thế!







Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
28/03/2014(Xem: 5314)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.