Mùa báo hiếu

10/08/20163:25 SA(Xem: 8054)
Mùa báo hiếu
blank

MÙA BÁO HIẾU 
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

 

vu lan mua bao hieuMùa Vu Lan lại về, tôi bồi hồi xúc động. Ai cũng có một người mẹ trong trái tim. Sương mù và mưa ngâu. Nhớ thương và xót xa một cái gì đã mất. Tôi bần thần, dã dượi. Chiều nay không viết được trang sách nào cả. Ngồi uống trà và ngắm nhìn mây trời lang thang. Ôi! Thu!

Tôi lại nhớ mẹ tôi quá! Mái tóc bà bạc trắng. Có cái lưng còng hình chữ U. Suốt một đời ăn ở hiền lành, tốt bụng; nắng mưa tần tảo, lụm cụm lo cho chồng, cho con, cả cho cháu nữa; đêm nào cũng lần tràng hạt, niệm kinh! Mẹ ơi! Bây giờ mẹ ở đâu?

Ôi! Nếu hiểu Vu Lan Bồn phát xuất từ chữ Sanskrit là Ullambana, nghĩa là “đảo huyền” (treo ngược), cứu cái tội treo ngược, thì hóa ra, có thể là mẹ mình, mẹ của ai đó, cụ thể là mẹ của ngài Mục-kiền-liên (Moggallāna) đã bị tội treo ngược sao? Và tất cả hương hồn, vong linh “bảy đời cha mẹ” lang thang cô lữ, phiêu dạt nhiều đời đều chỉ chịu chung một hình phạt tội treo ngược cả hay sao? (1)

Nghĩ mà buồn. Lại càng buồn hơn khi không biết viết như thế nào để khỏi mất lòng người nầy, người khác; viết như thế nào để phủ chính một quan niệm khi cái quan niệm ấy đã trở thành định niệm? Hay là cứ liệt kê ra đây tất cả, những ngữ nghĩa, những giải thích nơi này và nơi kia - rồi cái đúng, cái sai - hãy để mọi người tự khảo sát và chiêm nghiệm lấy? Ừ, cứ làm vậy đi!

Thế rồi, đầu tiên là tôi tra từ điển.

* Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn - nơi chữ Vu Lan Bồn (1), ông viết:

- Ullambana (sic)(2): Còn gọi là Ô-lam-bà-noa (sic), dịch là đảo huyền, chỉ nỗi đau khổ cùng cực. Huyền ứng âm nghĩa, q.13:Vu-lan-bồn, là nói sai. Nói đúngÔ-lam-bà-noa, dịch là đảo huyền. Theo phép nước Tây Trúc, vào ngày tự tứ của các tăng, đặt cỗ bàn linh đình, dâng cúng Phật tăng để cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất. Xưa nói là cái chậu đựng thức ăn, đó là nói sai. Vu-lan-bồn kinh sớ của Mật Tông nói: “ Vu-lantừ ngữ của Tây vực, nghĩa là đảo huyền, bồn là âm của Đông Hạ vẫn là đồ dùng cứu chữa. Nếu theo cách nói của địa phương thì phải nói là Cứu đảo huyền bồn”. Vu-lan-bồn tâm ký của Nguyên Chiếu (q.thượng), bác lại: “ Theo Ứng pháp sư kinh âm nghĩa thì: Tiếng Phạn Ô-lam-bà-noa dịch là Đảo huyền, nay xét Ô-lan tức là Vu-lan, bà-noacái chậu. Thế là ba chữ đều là tiếng Phạn. Nhưng âm thì có sự xê xích sai lầm”.

Còn nữa,

- Vu-lan-bồn hội: Tôn giả Mục Liên đệ tử của đức Phật, thấy mẹ rơi vào đường quỷ đói, chịu nỗi khổ bị treo ngược (đảo huyền), hỏi đức Phật cách cứu gỡ. Đức Phật dạy rằng vào ngày Rằm tháng bảy (sic) hằng năm, đem trăm thức phẩm vật dâng cúng Tam Bảo, nhờ vào uy của Tam Bảo thì sẽ cứu được cha mẹ của bảy đời. Do đó mà có pháp hội này...

- Vu-lan-bồn kinh: Tức kinh Phật thuyết Vu-lan-bồn - Trúc Pháp Hộ dịch (01 q.). Kinh này do đức Phật thuyết nhằm khuyên người ta cầu siêu cho ông bà cha mẹ còn sống (sic). Kinh này nên tụng trong tuần tháng bảy vào ngày rằm (sic). Vu-lan-bồn tức là bữa tiệc (sic) cúng Phậtchư tăng để cầu phúc cho ông bà cha mẹ, cầu cho hồn người thác ở nơi âm cảnh khỏi bị treo ngược. Vu-lan-bồn kinh nói về ngài Mục Kiền Liênđệ tử của đức Phật vừa đắc đạo (sic) liền nhớ tới công ơn cha mẹ. Ngài ngó xuống cõi âm thấy cha mẹ (sic) mình đang bị treo ngược vô cùng khổ cực. Ngài đem cơm xuống cho mẹ nhưng bà chẳng ăn được. Đức Phật dạy ngài muốn cứu vớt mẹ phải chờ đến ngày Rằm tháng bảy (sic), khi có đủ chư tăng đại đức hội về làm tiệc (sic)cúng Phật và khoản đãi (sic)chư tăng. Dựa vào sức lành của các ngài mà siêu độ được vong linh, làm cho cha mẹ bà con hiện còn sống (sic) được thêm phúc đức. Nhờ vậy mà ngài Mục Kiền Liên đã cứu giải được mẹ...

Theo Phật học từ điển của Đạo Uyển:

- Vu-lan-bồn hội: S. Ullambana; là cách dịch theo âm, dịch nghĩa là Cứu đảo huyền, tức là “Cứu nạn treo ngược” cứu “ những oan hồn bị treo ngược dưới địa ngục”.

Rồi ông giải thích: Một lễ hội cúng các cô hồn, nhằm ngày Rằm tháng bảy. Trong ngày này, các quỷ đói dưới địa ngục (sic) được cúng dường thức ăn, bánh trái, giấy tiền vàng bạc (sic), quần áo... để họ được giảm khổ đau. Lễ này được tổ chức lần đầu tiên năm 538 tại Trung Quốc và vẫn được tổ chức hằng năm tại các nước Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam. Nguồn gốc của lễ này xuất phát từ Mục Kiền Liên. Tôn giả nhờ thiên nhãn thông thấy được mẹ mình tái sinh làm ngạ quỷ dưới địa ngục (sic)đau xót muốn cứu bà. Đức Phật bảo là chỉ có sự hỗ trợ của toàn thể tỉ-khâu trong Tăng-già mới giảm đau cho họ được...

Theo An Chi (trong KTNN 399, ngày 10-9-2001) thì giải thích rất dài; ông đã chịu khó dẫn chứng rồi phân tích sự sai lầm của các nhà nghiên cứu khác. Tôi chỉ có thể tóm tắt những ý chính.

- Huệ Thiên đã viết (1): “Vu lan là dạng tắt của Vu lan bồn, phiên âm danh từ S. Ullambhana. Ban đầuÔ lam bà na. Về sau, vu thay thế cho ô, lan cho lam bồn cho bà n (a). Vậy, Vu lan bồn chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm, nên từng tiếng một (vu, lan, bồn) không có nghĩa gì cả. Do đó, tách bồn ra mà giảng thành “cái chậu đựng thức ăn” như hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi đã làm (Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 795)hoàn toàn không đúng.

Huệ Thiên viết tiếp:

- Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Danh từ S. này có ba hình vị: Tiền tố ud (trở thành ul do quy tắc biến âm sandhi khi d đứng trước l), căn tố LAMBH và hậu tố ana (...) Tiền tố ud chỉ ý phủ định hoặc đối lập (...) Căn tố LAMBH là hình thái luân phiên với LABH, có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt. Vậy ul - LAMBH có nghĩa là giải thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt. Vậy Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng đọc theo âm Hán Việt là Vu lan bồn, được nói tắt là Vu lan. Vậy Vu lansự giải thoát.

Trích dẫn đến ngang đây, ông An Chi than: Tiếc rằng, cho đến nay, vẫn còn nhiều tác giả giảng sai về xuất xứ và nghĩa gốc của hai tiếng vu lan; rồi ông viết:

- Trong “Văn tế thập loại chúng sanh” của Nguyễn Du (bản in lần thứ hai, An Tiêm, Paris, 1995), Hoàng Xuân Hãn đã viết như sau: “Phạn ngữ Ullambana nghĩa là cực khổ tột bực. Nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ. Phiên âm Hán ngữ đã có nhiều cách; một cách là Vu-lan-bồn, nói tắt: Vu-lan”. (Sđd, tr.14).

Đọc đến ngang đây, chưa nói cái đúng, cái sai của mỗi nhà, mà chúng ta nên để ý: Huệ Thiên, ở trên, giải thích danh từ S. Ullambhana; Hoàng Xuân Hãn, ở dưới lại giải thích danh từ S. Ullambana. Một bên là căn tố LAMBH, một bên là căn tố LAMB (BHvà B).

An Chi viết tiếp:

- Không biết Hoàng Xuân Hãn đã căn cứ vào nguồn thư tịch nào về Phật học và về tiếng Sanskrit mà lại khẳng định rằng “ Ullambana”“cực khổ tột bực”, rồi “ nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ”. Để cho rõ vấn đề, trước nhất, xin nhấn mạnh rằng trong tiếng S. thì Ullambhana Ullambana là hai từ khác hẳn nhau về nghĩa gốc của căn tố.

Căn tố của từ trước là LABH/ LAMBH, như đã phân tích, còn căn tố của từ sau thì lại là LAMB. Cũng như từ trước, ullambana có ba hình vị: Tiền tố ud (trở thành ul vì lý do đã nêu), căn tố LAMB và hậu tố ana. Ngoài nghĩa nêu trong đoạn đã dẫn của Huệ Thiên, ud ( ul) còn chỉ hướng chuyển động từ dưới lên. LAMB là treo (vậy ul - LAMB là treo lên) còn ana là hậu tố diễn đạt, như đã thấy. Vậy ullambana sự treo lên và chỉ có thế. Từ này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến ý cực khổ tột cùng”, càng không phải cứu khỏi cực khổ”. Chúng tôi mạo muội đoán mò rằng chẳng qua Hoàng Xuân Hãn chỉ căn cứ vào những lời giảng sai về mấy tiếng “ vu lan (bồn)” trong thư tịch của Trung Hoa rồi lấy cái nghĩa đó mà gán cho danh từ S. ullambana, tự nó vốn cũng chẳng có liên quan gì đến mấy tiếng “ vu lan (bồn)”.

Đến chỗ này, dường như ông An Chi bắt đầu kết luận:

- Mathews’Chinese - English Dictionnary đã chú một cách ngắn gọn và chính xác về xuất xứ của ba tiếng “vu lan bồn” như sau: From the Sanskrit ullambhana, deliverance”. (Do tiếng Sanskrit ullambhana, (có nghĩa là ) sự giải thoát).

Vậy cái nghĩa “cứu khỏi cực khổ”Hoàng Xuân Hãn cho là nghĩa phái sinh (“chuyển”) của ullambana chính là cái nghĩa đích thực của ullambhana (sự giải thoát, sự cứu nạn...) còn“cực khổ tột bực” chẳng những không phải là nghĩa gốc của từ này mà cũng chẳng phải của từ ullambana do Hoàng Xuân Hãn nêu ra.

Vậy cách giải thích của học giả An Chi cho ta thấy rõ vấn đề mà bấy lâu thiên hạ, nhất là Phật tử Việt Nam chúng ta còn mù mờ, rơi vào tròng của Phật giáo Trung Quốc vậy.

Trở lại câu chuyện của ngài Moggallāna (Mục-kiền-liên). Quả thật, do mẹ ngài hủy báng Tam Bảo nên bị quả báo đau khổ làm Ngạ quỷ đói thì có thật (1). Ngài sử dụng thiên nhãn thông nên thấy được sự đọa đày, thống khổ của mẹ là có thật. Chúng ta cũng nên để ý nữa rằng, Moggallāna là Đại đệ tử của đức Phật, đắc lục thông - chẳng lẽ nào ngài không biết là cái “thân sống” của Ngạ quỷ là chỉ để trả quả ác nghiệp - chứ không thể ăn uống gì được, vật thực của cõi người lại càng không thể. Dẫu có soạn mâm cao, cỗ đầy cũng không ăn được. Còn tiền giấy đô-la, vàng mã áo quần gì gì đó... thì thuộc loại mê tín nhân gian rồi, không phải chánh tín của Phật đâu! Cõi Ngạ quỷ (chính xácNgạ quỷ đói, lạnh) chỉ có thể ăn, uống, mặc... no ấm là do phước hồi hướng của quyến thuộc; rồi chính phước ấy hóa thành tứ sự đủ đầy cho Ngạ quỷ đói, lạnh. Như tích truyện đức vua Bimbisāra, đặt bát cúng dường đức Phậttăng chúng để hồi hướng cho Ngạ quỷ đói vốn là quyến thuộc nhiều đời của ông được sanh thiên với đầy đủ oai sang phước tướng. Vậy chẳng lẽ nào ngài Moggallāna không biết sự thật ấy, lại mang vật thực xuống cho mẹ ăn rồi thấy mẹ không ăn được?! Đây có lẽ chỉ là sự hư cấu theo tình cảm dung thường của người đời. Còn nữa, vị thượng thủ A-la-hán đầy đủ tâm, tuệ giải thoát, đệ nhất năng lực thắng trí,  chẳng lẽ nào khi thấy tình cảnh của mẹ như vậy, ngài “đau khổ”quá, nên “khóc lóc” bạch Phật tìm phương kế cứu mẹ! Xin các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ - đừng lấy tâm địa phàm phu“đổ oan” cho bậc thánh vô nhiễm, vô lậu của chúng ta!

Đức Phật dạy Moggallāna với đại ý rằng: “ Mẹ ông bị thống khổ đọa đày do ác nghiệp hủy báng Tam Bảo. Như Lai không cứu được. Mà sức một mình ông cũng không cứu được dù ông là Đệ nhất thần thông. Chỉ có một cách duy nhất, là sau ngày mãn hạ (1). của chư tăng, ông làm phước cúng dường đến quý ngài - mong nhờ cộng hưởng năng lực thanh tịnh của thập phương tăng chú nguyện, mẹ ông sẽ thoát khỏi khổ!

Thực hành theo lời dạy bảo của đức Phật, mẹ ngài thoát kiếp Ngạ quỷ và sau đó, được sanh thiên.

Tóm tắt câu chuyện ấy, lộ ra tính chất: Do nhờ năng lực chú nguyện của thập phương tăng nên mẹ ngài Moggallāna được nâng lên, được giúp đỡ, được cứu, được vớt khỏi cảnh giới đau khổ. Và như thế, từ Sanskrit- Ullambhana sẽ tương đương với từ Pāḷi-Ullumpana (danh từ trung tính) có cùng một nghĩa là sự nổi lên, mọc lên, cứu vớt - phát xuất từ động từ Ullumpati có nghĩa là nâng lên, giúp đỡ... Vậy, tôi dè dặt đề nghị nên dịch từ S.Ullambhanasự cứu vớt, cứu khỏi cảnh giới đau khổ.

Hy vọng rằng, S. UllambhanaP. Ullumpana - từ nay sẽ không còn ai hiểu lầm nữa về cái tội treo ngược; và hãy trả lại chân dung xứng đáng cho ngài Moggallāna - một vị thánh xuất trần, ly cấu sao lại tầm thường và lại thiếu trí tuệ như bấy lâu nay - theo cách hiểu của nhân gian!

Vậy, Phật giáo Nam tông không có lễ Vu Lan vì nó hoàn toàn là của Bắc tông sau mùa mãn hạ an cư Rằm Tháng Bảy. Tuy nhiên, lễ Vu Lan đã trở thành nét đẹp của văn hoá, của tôn giáo tín ngưỡng Đông phương; để hoà chung với bản sắc văn hoá dân tộc, nếu Nam Tông có tổ chức lễ Vu Lan thì chỉ nên sử dụng cụm từ là Mùa Báo Hiếu có lẽ sẽ khế hợp hơn. Còn lễ cúng Cô Hồn thì hoàn toàn là sản phẩm nguỵ tạo của Tàu, chư tăngphật tử nên lưu ý.

 

Thu, Mai Trúc Am, 2014

Minh Đức Triều Tâm Ảnh


(1) Ai có thì giờ xem “Ngạ quỷ sự” - thì thấy rõ cả hàng trăm, hằng ngàn tội kinh khủng; và “ Địa ngục sự” thì lại càng kinh khiếp hơn nữa - tại sao lại chỉ lấy một “tội treo ngược” mà đặt tên cho Đại lễ?!

(1) Hầu hết các chữ nghiêng là của người viết, muốn nhấn mạnh.

(2) “Sic”(tiếng Pháp) thuật ngữ nghiên cứu - Chữ này có nghĩa là trích đúng nguyên văn - thường thì hàm nghĩa, chữ đó, câu đó là của chính tác giả, có thể nên bàn lại hoặc chữ ấy, câu ấy là sai hoặc có thể sai!

(1) Trong bài “ Sự  tích Rằm tháng bảy và xuất xứ của hai tiếng vu lan” (KTNN 89, 1-8-1992, tr.41-44)

(1) Ngạ quỷđịa ngục là hai cảnh giới khác nhau - chứ không phải là “ngạ quỷ ở dưới địa ngục” như Phật học từ điển của Đạo Uyển.

(1) Hạ, không phải là mùa hạ - mà phát xuất từ Vassa (P.) chỉ ba tháng an cư mùa mưa. Vậy ngày ra hạ không nhất thiết phải là ngày Rằm tháng bảy - mà tùy thuộc thời tiết của mỗi quốc độ


Quang tanh <thichquangtanh@yahoo.com>
To: Tap Ban Bien Aug 10 at 6:32 PM

Thưa anh Tâm Diệu,

Nhận thấy trên thuvienhoasen có đăng bài "Mùa báo hiếu" của tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Trong bài, có đề cập đến ý kiến của Nhà nghiên cứu An Chi. Trong học giới, An Chi đã có bài "Trao đổi với tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh" rồi, không biết Sư Ông đã biết hay chưa?

Để rộng đường dư luận, anh Tâm Diệu có thể đăng ý kiến trao đổi của Nhà nghiên cứu An Chi để mọi người cùng tìm hiểu. Cùng 1 vấn đề, nếu nhìn nhiều chiều sẽ thấy rõ hơn.
Link bài: Trao đổi với tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh 

Cám ơn anh Tâm Diệu.
Chúc anh và gia đình mùa Vu lan an lành, hiếu hạnh.
Thân kính
Quảng Tánh
088.8.146.288

www.thichquangtanh.com

 

Trao đổi với tác giả 
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH 

Tặng bạn trẻ Facebook Lee Nguyen Bao.
AN CHI

 

Nhà nghiên cứu An ChiNVTPHCM- Trên Giác Ngộ Online ngày 01.09.2009, tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã có bài “Vu Lan - Nghĩ lan man về “Tội treo ngược”!”, trong đó chúng tôi cũng đã vinh dự được trích dẫn và nhận xét. Bài báo ra đời đã gần hai năm nhưng rất tiếc là chúng tôi không được biết. Nay may mắn có một bạn trẻ trên Facebook thông báo về sự tồn tại của nó rồi đề nghị chúng tôi đọc và phát biểu ý kiến nên xin lĩnh ý bạn đó mà có đôi lời trao đổi với tác giả.

Thoạt đầu, điều làm chúng tôi lấy làm tâm đắc nhất khi đọc bài của ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh, là ở chỗ tác giả kiên quyết bác bỏ cái lối hiểu mấy tiếngvu lan bồn là “cứu khỏi nạn treo ngược”. Đặc biệt là cước chú số 10 của bài làm cho chúng tôi càng cảm thấy thấm thía về một sự đồng tình sâu sắc trong học thuật. Cước chú này cho biết có một nhà nghiên cứu Phật học uy tín, thông hiểu nhiều cổ ngữ, ngoại ngữ, có thẩm quyền về Hán tạng, có nói rằng người Việt ta, học Đại Tạng kinh chữ Hán mà không truy cứu Sanskrit thì coi chừng sẽ biến thành Phật Tàu hết!” Vì thế nên chúng tôi đã hấp ta hấp tấp thầm tự xem mình như một người đồng tâm đồng chí với ông (Minh Đức). Không ngờ là ở những phần sau thì chính Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã đưa thông tin hoàn toàn sai lạc về ý kiến then chốt của chúng tôi. Sau một số lần trích dẫn chúng tôi, ông đã hạ chắc nịch:

“Đến ngang đây, ta thấy rõ An Chi đã đồng ý với Huệ Thiên (Huệ Thiên cũng là bút danh khác của An Chi), danh từ S. Ullambana là sự treo ngược, còn danh từ S. Ullambhana là sự giải thoát. Vậy, Vu-lan-bồn là sự giải thoát thật chăng? Tôi cảm thấy ngờ ngợ, nghi nghi! Ullambana, tội treo ngược là trật rồi; nhưng Ullambhana, là sự giải thoát thì cũng không phải!”

Ullambhana có phải là sự giải thoát hay không thì chúng tôi sẽ bàn sau nhưng trước nhất, xin kiên quyết bác bỏ lời khẳng định sau đây của ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh : An Chi đã đồng ý rằng Ullambana là “tội treo ngược”. Đây là một sự xuyên tạc, có chuẩn bị cho thật mạch lạc từ một đoạn trích dẫn trước đó. Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã dẫn An Chi (Huệ Thiên) như sau:

“Căn tố của từ trước là LABH / LAMBH, như đã phân tích, còn căn tố của từ sau thì lại là LAMB. Cũng như từ trước, ullambana có ba hình vị: Tiền tố ud-(trở thành ul vì lý do đã nêu), căn tố LAMB và hậu tố -ana. Ngoài nghĩa nêu trong đoạn đã dẫn của Huệ Thiên, ud- (→ul-) còn chỉ hướng chuyển động từ dưới lên. LAMB là treo (vậy ul-LAMB là treo lên) còn ana- là hậu tố chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt, như đã thấy. Vậyullambana là sự treo lên và chỉ có thế. Từ này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến ý “ cực khổ tột cùng”, càng không phải «cứu khỏi cực khổ".”

Thực ra, đây là đoạn mà chúng tôi đã viết trên Kiến Thức Ngày Nay số 399 (10.9.2001) để bác ý kiến của Hoàng Xuân Hãn cho rằng ullambana có nghĩa là  “cực khổ tột bực”. Mà chúng tôi cũng chỉ viết rõ ràng rằng “ullambana là sự treo lên”, chứ không hề nói đây là treo ngược hay treo xuôi gì cả. Ai biết tiếng Việt cũng đều có thể hiểu treo lên là một cách nói tổng quát cho nhiều thế treo : treo ngược, treo xuôi, treo ngang, treo dọc, treo chéo, treo bằng móc, treo bằng dây, treo cao, treo thấp, treo lơ lửng, treo cố định, v.v.. Chúng tôi đâu có nói ullambana là “tội treo ngược”, đơn giản chỉ vì đây mới chính là cái ý mà chúng tôi kiên quyết bác bỏ, đăc biệt là trong bài “ Sự tích Rằm tháng bảy và xuất xứ của hai tiếng Vu Lan”, đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 89 (1.8.1992), mà chính ông Triều Tâm Ảnh cũng đã có giới thiệu và trích dẫn trong bài của mình. Nhưng chính cái đoạn mà chúng tôi bài bác “tội treo ngược” thì ông lại giấu nhẹm đi. Đây, chúng tôi đã viết thế này:

“Ullambana có ba hình vị: – ud- (trở thành ul- do quy tắc biến âm saṃdhi khi “d” đứng trước “l”), là một tiền tố, thường gọi là tiền động từ (preverb) chỉ sự vận động từ dưới lên; – LAMB là căn tố động từ có nghĩa là “treo”; – và -analà hậu tố chỉ hành động. Vậy ullambana có nghĩa là sự treo lên. Nhưng tất cả chỉ có thế mà thôi; từ Sanskrit này không hề diễn đạt cái ý treo ngược, treo xuôi gì cả. Nó lại càng không thể có nghĩa là cứu khỏi nạn treo ngược được.” (tr.44).

Khi bài này được in lại trong quyển Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm(Nxb Trẻ, 2004, tr. 205-212), thì đoạn trên đây vẫn được giữ y nguyên. Thế mà ông Triều Tâm Ảnh lại nỡ lòng viết “An Chi đã đồng ý với Huệ Thiên rằng danh từ S. Ullambana là sự treo ngược.” Chúng tôi mạn phép nghĩ rằng đây không phải là việc làm của người trung thực. Bây giờ xin bàn sang chuyện “Vu-lan-bồn có là sự giải thoát thật chăng”.

Trên Kiến Thức Ngày Nay số 399, chúng tôi đã viết: “Mathews’ Chinese - English Dictionnary đã chú một cách ngắn gọn và chính xác về xuất xứ của ba tiếng “ vu lan bồn” như sau: “From the Sanskrit ullambhana, deliverance. (Do tiếng Sanskrit ullambhana, [có nghĩa là] sự giải thoát).” Chúng tôi đã nêu như thế còn ông Triều Tâm Ảnh thì hoài nghi: “Dường như tôi chưa đọc được ở đâu “thuật ngữ Ullambhana” lại chỉ cho sự giải thoát cả.” Nhưng ông chưa đọc được ở đâu không có nghĩa là nó không tồn tại. Thì đây, thưa ông:

– “Yulanpen is the Chinese transliteration of the Sanskrit ullambhana(deliverance)” (Bryna Goodman, Native place, city, and nation: regional networks and identities in Shanghai, ebook, p.93).

– “The Buddhists celebrate this date as Yulanpen, a transliteration of the Sanskrit word Ullambhana, meaning «deliverance».” (Travel in Taiwan, “Festivals”).

– “ Le vrai nom vient du sanscrit Ullambhana, c'est-à-dire « délivrance ».” (French CS Newsletter [Février 2011]).

– “Aux yeux du public, la plus grande  fête bouddhiste est ullambhana, quidélivre les âmes des ancêtres jusqu’à la septième  génération.” ( Lei Haizong 雷海宗, dẫn theo Les idées maîtresses de la culture chinoise của Liang Shumin 梁淑敏, do Michel Masson dịch sang tiếng Pháp).

V.v. và v.v..

Các dẫn chứng trên đây cho thấy rõ ràngullambhanalà “deliverance” (Pháp: “délivrance”) và deliverance hiển nhiên là “sự giải thoát”. Rủi thay, đến lượt danh từ deliverance của tiếng Anh cũng bị ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh chê bai. Ông viết:

“Danh từ Deliverance phát xuất từ động từ Deliver (ngđt) có rất nhiều nghĩa:Phân phối; đọc, phát biểu, bày tỏ; đỡ đẻ; giao, giao trả, nộp... cho đến nghĩa phụ cuối cùng mới là cứu, cứu khỏi, cứu thoát... Đây là từ tiếng Anh cổ, vì ngại lệch nghĩa nên ngày nay người ta (Đức, Anh, Mỹ...) không dùng nữa.”

Ở đây, tác giảít nhất hai cái sai. Thứ nhất,“cứu, cứu khỏi, cứu thoát” không phải là cái nghĩa phụ cuối cùng của  deliver, mà là nghĩa từ nguyên, tức cái nghĩa nguyên sơ của nó vì ở trong deliver, ta còn có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của động từ La Tinh liberare, có nghĩa là giải thoát. Thứ hai, deliverance không hề là một từ cổ, mà là một từ hiện hành. Nó hãy còn rất “cường tráng” nữa là đằng khác. Chỉ cần đọc thời sự riêng về tình hình Ai Cập gần đây thôi, ta đã có thể thấy hàng loạt câu có từ deliverance:

– “White Revolution : Deliverance.” (Tên một bài báo trên The Express Tribune, ngày 12.2.2011).

– “Egyptian youth celebrate deliverance from dictatorship” […] (New York Times, ngày 14.2. 2011).

– “Let's join the Egyptians in celebrating this day of deliverance in their history […]” ( Lời bình của độc giả trên The Daily Star, ngày12.2.2011).

V.v và v.v..

Rõ ràng là ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã khẳng định một cách hoàn toàn sai lầm. Nhưng có vẻ như ông lại thích diễn giảng về những điểm không thuộc sở trường của mình nên ông còn viết tiếp như sau:

“ Còn một từ tiếng Anh cổ thứ hai, đấy là danh từ Emancipation – phát xuất từ động từ Emancipate (ngđt) có nghĩa là giải phóng, phóng thích, giải thoát... nó gần với từ S. Ullambhana hơn – nhưng bây giờ cũng rất ít dùng. Từ tiếng Anh hiện đại – khi nói đến “giải thoát” hoặc dịch thuật ngữ P.Vimutti,vimokkha ; S. Vimukti, vimokṣa– thì người ta dùng từ Liberation, phát xuất từ động từ Liberate (ngđt) có nghĩa là tha, thả, giải phóng, phóng thích, cho tự do... Động từ ấy lại tương tợ từ tiếng Pháp – Libre, liberté, libérer,libéralité, libération... đều cũng một trường nghĩa – chỉ cho sự tự do, cho tựdo, sự giải thoát, cho giải thoát...”

Ở đây ông cũng sai hai chỗ. Thứ nhất, ông đã dùng sai hai tiếng “tương tợ”. Ông đã không phân biệt tính tương tự (similarity) với sự tương ứng (correspondence). Với cách hiểu của ông, ở đây ta chỉ có thể dùng hai tiếng “tương ứng”. Nhưng động từ liberate của tiếng Anh chỉ có thể ứng với từ cùng từ loại trong tiếng Pháp là libérer (động từ), chứ làm sao ứng một cách vô nguyên tắc với hàng loạt từ như libre (tính từ), liberté, libéralité,libération (cả ba đều là danh từ)? Thứ  hai, chính cái danh từliberation “thời thượng” của ông, tiếc thay, mới ít được được dùng hơn deliverance vàemancipation để dịch vimukti, vimokṣacủa tiếng Sanskrit hayvimutti,vimokkha của tiếng Pali. Dưới đây là bằng chứng. Cả Concise Pāli-English Dictionary của A. P. Buddhadatta Mahathera (Colombo, 1957) lẫn  The Pali  Text  Society’s  Pali - English  Dictionary  (Oxford, 1998)

đềudịch vimutti là “release; deliverance; emancipation”; rồi vimokkha là “deliverance; release; emancipation”. Không hề thấy bóng dáng của danh từliberation ở đâu. Còn A Sanskrit English Dictionary của M. Monier-Williams (Delhi,1999) thì dịch vi-mukti là “release  , deliverance, liberation”, rồivimokṣa là “release, deliverance from, liberation of the soul, i.e. final emancipation”. Rõ ràng là danh từ “liberation” của ông ít được dùng hơn, cũng như rõ ràng là deliverance có nghĩa là “sự giải thoát”, như có thể thấy trong nhiều quyển từ điển. Để ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh có thể vững tin rằng mình đã khẳng định một cách hoàn toàn vô căn cứ, chúng tôi xin nêu thêm một số dẫn chứng:

–“Prātimokṣa (deliverance of soul) had a significant role in the life of religious mendicants” trong (Āgama and Tripiṭaka – A Comparative Study of Lord Mahavira and Lord Buddha : Language and literature, Volume II, p. 178);

–“Hence deliverance (moksa) cannot be logically possible.” (The Sixth Gandahara);

–“Moksha (deliverance from the cycle of birth and death).” (The greatness of Hinduism);

–“Now the word moksha literally, means deliverance, that is deliverance of the soul from bondage, bandha moksha.”(Hindu Ideals – Purusharthas).

  Cuối cùng, xin dẫn hiến ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh lời của G. Lazar tại Chương X của Gandhi: The Meaning of Mahatma for the Millennium: “Ontologically, for Gandhi, the highest aim of every Hindu, or for that matter every human being, is Moksha, namely, final deliverance or liberation from this world and assimilation with the final Truth.” Trong câu này, “final deliverance” hiển nhiên là danh ngữ chính thức và trực tiếp dùng để giải nghĩa danh từ Sanskrit mokṣa(moksha) còn “liberation” thì chỉ thuộc danh ngữ phụ, dùng để giảng cho  rõ thêm “final deliverance” mà thôi.

  Rõ ràng là deliverance thường đứng hàng đầu còn liberation thì chỉ lấp ló ở phía sau. Thế nhưng ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh lại còn cố viết:  

“Đến ngang đây, cái từ Ullambhana hiện ra; chính xác nó phải mang ngữ nghĩa như trên chứ không thể mang nghĩa giải thoát được! Và như thế, từ SanskritUllambhana sẽ tương đương với từ PāḷiUllumpana (danh từ trung tính) có cùng một nghĩa là sự nổi lên, mọc lên, cứu vớt - phát xuất từ động từ Ullumpati có nghĩa là nâng lên, giúp đỡ...” Vậy, tôi dè dặt đề nghị nên dịch từ S.Ullambhana là sự cứu vớt, cứu khỏi,chính xác hơn là dùng cụm từ sự giải thoát.”

Ở trên, chúng tôi đã lưu ý bạn đọc và chính ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh rằng có vẻ như ông hay thích diễn giảng về những điểm không thuộc sở trường của mình thì ở đây, ông cũng lại phạm vào nhược điểm đó. Có lẽ ông cũng nên biết rằng trong những trường hợp đặc biệt như trường hợp quan trọng đang bàn, hễ ta muốn đưa hai từ Sanskrit và Pali ra để so sánh thì hai từ đó phải có cùng căn tố.  Nhưng từ Sanskrit ullambhana và từ Paliullumpana mà ông đã đưa ra thì chỉ có chung tiền tố ul- (←ud-) và hậu tố -ana – mà rất nhiều từ phái sinh khác đều có – còn căn tố thì lại khác hẳn nhau. Thân từ của P.ullumpana là -lump-, liên quan đến căn tố LUP; còn thân từ củaS.ullambhana thì lại là -lambh-, liên quan đến căn tố LABH. Trong khi đó thì, trớ trêu thay, Pali cũng có căn tố LABH mà Sanskrit thì cũng có căn tố LUP. Vì thế cho nên, may ra, ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh chỉ có thể đúng nếu ông đưa ra hai từ có chung căn tố, hoặc cùng LUP, hoặc cùng LABH, chứ đâu có thể chơi kiểu cái này LUP, cái kia LABH như thế được. Đã thế mà sự phân biệt của ông về ngữ nghĩa ngay trong tiếng Việt cũng khó làm cho người ta yên tâm.

Ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh chỉ chịu cứu khỏi mà không chịu giải thoát, nghĩa là ông không chịu hiểu rằng cứu khỏigiải thoát cũng chỉ là hai đơn vị từ vựng đồng nghĩa mà thôi. Giải là cứu mà thoát là khỏi. Giải nguycứu nguythoát chết là… khỏi chết; vì thế cho nên người Việt ta mới ghép từ một cách tự nhiên mà tạo ra hai cặp giải cứuthoát khỏi. Vì vậy nên hai tiếng cứu khỏi của Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng đồng nghĩa với hai tiếnggiải thoát của An Chi mà thôi, cần chi phải thay đổi!

Tóm lại, những cái mà ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh ngỡ là giống nhau thì lại rất khác còn những cái mà ông cho là khác nhau thì lại hoàn toàn đồng nghĩa. Chính vì lẽ này cho nên chúng tôi muốn mượn đoạn dưới đây trong bài của chính ông Minh Đức Triều Tâm Ảnh để kết thúc bài viết của mình:

“Vậy xin các nhà nghiên cứu khi dịch những thuật ngữ Phật học thì hãy lưu ý đấy là thuật ngữ nên không thể tùy tiện tìm nghĩa tương tợ, khái lược thế nào cũng được; vì giả dụ như khi dịch ngược trở lại hoặc dịch sang một ngôn ngữ khác nữa thì yếu tính giáo pháp sẽ phai loãng đi hoặc lệch nghĩa một cách đáng tội!”

Theo Đương Thời

 

 

Nguyễn Duy Kha <minhduc.trieutamanh67@gmail.com>
To: Ban Bien Tap  August 10 at 4:41 AM


Kính thầy Quảng Tánh,
Kính thưa nhà nghiên cứu An Chi,
Kính anh Tâm Diệu,

Cách đây trên dưới 7 năm, nhà nghiên cứu An Chi đã phân tích nhiều chỗ sai lầm trong bài viết: Vu Lan - Nghĩ lan man về " tội treo ngược" của tôi đăng rải rác đó đây. Từ chỗ phân tích ngữ nghĩa sâu sắc và bác học của ông, tôi rất tâm phục, khẩu phục; và cũng từ đó, tôi không còn dám viết về những mảng đề tài tương tự.

Đáng lý ra, tôi phải viết một bài nhận lỗi cùng thú nhận sự nông cạn kiến thức của mình, nhưng tôi đã không viết vì ba lẽ:

1- Chỗ tôi viết: "An Chi đã đồng ý với Huệ Thiên, danh từ Ulambhana là sự treo ngược". Đây rõ ràng là sự bất cẩn của tôi, vì suốt đoạn dẫn chứng phía trên, không có chỗ nào ông An Chi đồng ý với nghĩa treo ngược cả! Nhưng sự việc lỡ rồi, bút sa gà chết, đành ngậm đắng nuốt cay mà thôi.

2- Một đoạn văn khá dài, ông An Chi thẳng thắn phân tích để bảo lưu cái nghĩa giải thoát, mà đúng nó là giải thoát trên mặt văn tự, ngữ nghĩa. Sở dĩ tôi muốn sử dụng cụm từ " cứu vớt, cứu khỏi..." chứ không đồng ý cụm từ giải thoát là có lý do: Từ cõi ngạ quỷ đau khổ thì có thể do nhờ đức Phậttăng chúng sau mùa mãn hạ an chú nguyện hồi hướng phước báu nên cứu khỏi, thoát khỏi cảnh giới ấy!

Còn giải thoát thì phải là giải thoát tâm, giải thoát trí, giải thoát tham sân si phiền não... Còn cõi ngạ quỷ mà dùng cụm từ giải thoát thì rõ ràng nó không tương thích, tương hợp chút nào. Văn tự ngữ nghĩa có thể đúng nhưng trên phương diện tâm linh tu chứng thì có thể sai.

3- Ông An Chi là cội cổ thụ trong rừng nghiên cứu, và khi phân tích ông đã phân tích không có kẽ hở - nếu tôi muốn biện minh như điều 1  thì biết ai tin, mặc dầu là sự thật? Còn nếu tôi muốn xác định, giải thoát phải là giải thoát như vậy, như điều 2 - thì trên phương diện học thuật, ông sẽ cũng không " tha" cho tôi, mặc dù tôi nói không sai sự thực tâm, sự thực trí!

Điều cuối cùng, hai năm trước, khi viết lại tựa Mùa Báo Hiếu để chuyển tải nội dung tương tự, tôi đã hoàn toàn cắt bỏ những phần sai lầm của mình, lại còn lấy kết luận của ông An Chi để nhấn mạnh ngữ nghĩa. Và trọng tâm bài viết chỉ muốn phủ chính một vài quan niệm sai lầm của phần đông, ví như cúng cô hồn, ví như Nam tông chỉ nên sử dụng cụm từ "Mùa Báo Hiếu" hay " Mùa Hiếu Hạnh" để hoà chung với cái đẹp tâm linh, cái đẹp văn hoá của dân tộc, của tôn giáo tín ngưỡng mà thôi.

Xin sám hốitạ lỗi với tất cả.

An Cư 2016
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Tb/ Anh Tâm Diệu có thể đăng không ngại gì cả.








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/08/2010(Xem: 122238)
05/08/2011(Xem: 80218)
18/08/2016(Xem: 8873)
10/10/2017(Xem: 9687)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.