Hoài niệm hoa lau và cuộc đời của mẹ

21/12/20201:00 SA(Xem: 3298)
Hoài niệm hoa lau và cuộc đời của mẹ

HOÀI NIỆM HOA LAU VÀ
CUỘC ĐỜI CỦA MẸ

Tỳ kheo Thích Thanh Tâm

 

Thich Thanh TâmMột chiều mưa. Cơn mưa nhẹ nhàng mà dai dẳng, âm ỉ. Không gian buồn, nhìn những cây lau với màu trắng không điểm xuyết một sắc gì, nằm giữa triền đồi, cứ phất phơ như trêu cợt cuộc đời. Hoài niệm. Thân phận. Kiếp người sao lại nhỏ nhoi, mỏng manh và cô đơn thế!

Nghe mưa rơi đếm lại thời gian cũ,
Kỷ niệm nào mà mưa mãi lao xao.
Chiều ký ức có còn như ký ức,
Thời gian về và ai hết chiêm bao!
Hoài niệm vần thơ giữa đôi bờ sóng vỗ,
Bằng lăng rơi sao tím cả sắc trời.
Đời mẹ đến và đi như nỗi nhớ,
Trĩu nặng gầy lau trắng mãi phất phơ.

Thời gian xoay vần không dừng nghỉ trong dòng chảy miên viễn của cuộc đời xuôi ngược. Kỷ niệm buồn – vui – thương - nhớ, đố ai biết và nắm bắt được cho riêng mình. Hoài niệm, nghe thật đơn giản nhưng nặng trĩu lòng. Những kỷ niệm cũ đã một lần trôi qua, tưởng chừng như vết nhạn trên bầu trời không lưu dấu giữa dòng sông, song đã có những vết hằn lưu lại thì mỗi khi tái hiện trong dòng ký ức sẽ mang hương vị mới, đằm thắmêm đềm như hơi thở.

Đã bao mùa Vu lan trôi qua, con không còn mẹ. Đóa hoa trắng mùa Vu lan đã đi theo con suốt tháng năm dài. Kể từ hôm nhận giấy báo Đại học là lúc mẹ về bên kia thế giới. Con chỉ kịp run rẩy để lên ban thờ, không biết mừng hay tủi thân phận mình! Bao con trăng đi qua, dòng sông Hương đã mấy lần bên bồi bên lở? Cái hôm định mệnh ấy, con chạy dọc bờ sông gào tên mẹ, chân con rỉ máu mà mẹ có trả lời đâu. Chỉ có âm thanh con vọng lại như bởn cợt một kiếp người. Từ đó, với con, dòng Hương giang thơ mộng là ác mộng đời mình. Con lấy đá ném vào lòng sông, nó có biết đau không mẹ nhỉ, mà nhiều khi thấy tội nghiệp, nó oằn mình run rẩy mỗi lúc đông về!

Con thu mình trong góc giảng đường khi nghe tụi bạn rôm rả rủ nhau về nhà, sau mấy tháng rong ruỗi vun vén tri thức. Con chẳng biết về đâu? Quê ngoại trong con là hình ảnh nhạt nhòa; mỗi lúc chiều về, có những lần, mẹ nhìn cánh cò trắng giữa trời không mà nước mắt như chảy ngược vào lòng. Nhà cũng đã ra đi theo mẹ khi con bước vào ngưỡng cửa Đại học với hành trang vỏn vẹn, bức hình mẹ thời con gái bị hoen ố bởi khói hương loang lổ.

Mẹ ơi, cuộc đời này đầy cám dỗ. Nhiều đứa rủ con chơi game, dùng thử ma túy, bài bạc, v.v. May mắn là con của mẹ có duyên với các khóa tu mùa hè nên không bị lôi cuốn. Nếu không có những khóa tu đó, không biết bây giờ con của mẹ đi về đâu? Mẹ biết không, con cũng bị xoáy vào dòng chảy xã hội, lấy người này người kia làm “thần tượng” rồi sống theo. May thay trong một khóa tu mùa Hè ở chùa Bằng - Hà Nội, trong giờ Pháp đàm, có một vị Thầy trẻ chia sẻ khiến con không còn chạy theo ảo mộng đó.

Thầy dạy, “có một vấn đề xã hội nóng bỏng mà các con bây giờ đang nằm trong vòng xoáy đó. Nếu không nhận thức được vấn đề, các con sẽ bị chìm đắm trong cái phù du ấy. Ai cũng muốn mình học theo cách ăn mặc, làm theo kiểu dáng của những người nổi tiếng để tỏ ra ta đây là người hiện đại. Song các con thấy đó, cứ chạy theo hình dáng bên ngoài của thần tượng để rồi khi hình dáng bên ngoài của thần tượng thay đổi theo thời gian thì các con sẽ hụt hẫng, sẽ thất vọng, vì Thầy thấy, đa phần những người nổi tiếng mà các con bắt chước theo đó đều bị chê bai về vấn đề đạo đức. Người đam mê vẻ bên ngoài thường trống rỗng về đạo đức, về nét đẹp bên trong.

Các con biết không, cái nết đánh chết cái đẹp, cho nên theo Thầy, các con muốn làm theo thần tượng thì nên học theo nhân cách đạo đức chứ đừng theo hình dáng bên ngoài. Các con muốn mình đẹp như người ta thì đừng mô phỏng theo hình dáng mà hãy vun bồi phước đức. Người đẹp là người có chút phước về sắc mà nếu không nhận ra để tiếp tục vun bồi thì cái đẹp đó sẽ biến mất. Cho nên, các con muốn mình đẹp như thần tượng thì nên nỗ lực tu phước để có thân tướng đẹp. Hãy tạo nên cái nhân tốt để có quả đẹp, chứ đừng chạy theo quả đẹp mà không vun bồi nhân tốt thì mãi mãi các con không bao giờ có được cái đẹp ấy.

Các con muốn có cái phước để đạt được cái đẹp thì trong gia đình phải kính trên nhường dưới, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; ngoài xã hội thì giúp đở mọi người. Luôn hướng đến điều thiện để sống và hành động. Riêng đối với bản thân, phải kiên trì để vượt qua những thú vui mang lại khổ đau cho mình và cho gia đình xã hội, hãy vui với niềm vui an lành mà các con đã được thấm nhuần trong nếp sống gia đình và trong những gì học hỏi được từ những khóa tu. Các con làm được như vậy, chính là báo được ân cha mẹ, báo được ân Tam Bảo, ân Thầy Tổ. Các con không cần tốn nhiều lời, tốn nhiều nước mắt để khóc mới thể hiện lòng biết ơn đó, hãy thể hiện bằng hành động trong cuộc sống, trong nếp nghĩ. Thầy không mong nhìn thấy các con khóc mà muốn các con sống xứng đáng với những gì đã được học hỏitu tập trong khóa tu này, để cha mẹ các con tự hào về nếp sống của con mình.

Nhờ những lời dạy trong khóa tu mùa hè đó mà con của mẹ trưởng thành, không bị dòng đời sai xử, không bị cuốn vào dòng chảy mê lầm. Con đã thấy được con đường an lành, đã có nơi nương tựa mỗi lúc bão giông về, khi mẹ không còn bên con. Mẹ ơi, lại một mùa Vu Lan này con không còn Mẹ trên đời, nhưng năm nay, đóa hoa trắng cài lên ngực mà con sẽ không khóc như mọi năm. Con đã thấy mẹ giữa cuộc đời con, thấy mẹ trong con. Ngày xưa, khi đọc “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy. Có thấy hồn lau nẻo bến bờ,” con hay khóc, hay quay quắt nhớ mẹ trước cảnh trời chiều, bởi cỏ hoa lúc đó đã trở thành một niềm đồng điệu. Mẹ ơi, linh hồn của hoa lau là biểu hiện của khí sắc, thần thái, hồn vía giữa đại ngàn. Con hay ngẫm nghĩ câu thơ ấy mỗi khi nhìn hoa lau và tưởng tượng như một bức tranh thủy mặc có dáng người mẹ mờ nhạt với màu cỏ trắng như màu tóc mẹ trải cùng thời gian cho đời con trưởng thành.

Và mẹ ơi, hoa lau được ví như đời mẹ, cũng là đời con sau này và cũng là thân phận vô thường của kiếp con người. Hoa ôm một nỗi cô đơn khủng khiếp lan tỏa từ bóng lau cô lạnh. Sắc hoa trắng run run cố giấu trong lòng hoa một niềm kiêu hãnh riêng tư. Mặc cho mưa gió dập vùi, cây lau nhỏ vẫn bi tráng đứng giữa trời đất. Hoa tự làm ấm mình trong lạnh lẽo, uống trọn sương mù để nuôi lấy một màu hoa. Trắng suốt ngày nắng, trắng suốt đêm mưa, và trắng trong bóng tối u hoài. Màu trắng cỏ lau đã vượt qua sự thanh khiết, vượt qua cả định mệnh an bài để cất tiếng nói hồn nhiên giữa ngàn trùng mây núi. Có gì nhỏ nhoi và mỏng manh hơn cỏ lau nhưng có gì hùng tráng, hi sinh hơn cỏ lau khi một mình cỏ đứng giữa trần ai, vươn chiếc ngực khô khắc lau sậy đón nhận những cuồng nộ của thiên nhiên.

Từ đó, qua hình ảnh hoa lau, con đã nhận chân được ân sâu của mẹ, sự hi sinh thầm lặng cho con nên người và cũng là lời dạy vô thường của Đức Phật về sự mong manh của kiếp nhân sinh. Mẹ ơi, màu trắng đóa hoa Vu lan năm nay, màu trắng cỏ lau mong manh giữa núi đồi, màu trắng của kiếp người, màu trắng trinh nguyên của đời mẹ, tất cả con đều ôm vào lòng.

Mẹ ơi, lại một mùa Vu lan nhớ mẹ!

Trung ẩn sơn, Thiệu Long tự, mùa Vu lan 2020

TTT.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/08/2010(Xem: 122316)
05/08/2011(Xem: 80296)
18/08/2016(Xem: 8920)
10/10/2017(Xem: 9740)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.