Nên Chăng Thần Tài Trong Phật Giáo?

31/01/20233:39 CH(Xem: 2954)
Nên Chăng Thần Tài Trong Phật Giáo?

NÊN CHĂNG THẦN TÀI TRONG PHẬT GIÁO?
Thích Trung Hữu

 

tôn giả Sivali 2
tượng tôn giả Sivali (tại chùa Vĩnh Nghiêm)

Hôm nay là ngày mùng Mười tháng Giêng, theo dân gian là ngày vía Thần Tài. Nhiều người cho ngày này là ngày may mắn nên đã làm những việc liên quan đến tiền tài để mong được may mắn. Thần Tài là vị thần dân gian. Một số quý thầy gợi ý rằng nên chăng trong Phật giáo cũng cần có một vị thần tài để đáp ứng nhu cầu của người dân. Và vị ấy chính là tôn giả Sivali.

Do nhân bố thí từ vô lượng kiếp trước nên kiếp này tôn giả Sivali nhận được sự cúng dường rất dồi dào không những của con người mà còn của chư thiên cõi trời nữa. Chẳng những thế, bất cứ Ngài ở đâu là chư tăng ở đó cũng được hưởng phước lây, với sự cúng dường dồi dào của chư Thiên và dân chúng. Đức Phật cũng xác nhận Ngài là bậc đệ nhất tài lộc trong hàng tăng chúng.

Tài lộc của ngài Sivali là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc thiết lập một vị thần tài trong Phật giáo (để thay thế thần tài dân gian) lại là một chuyện khác, cần nên cân nhắc cẩn thận. Tại sao phải cân nhắc? Vì chùa chiền không phải là nơi phù hợp để nói đến chuyện tiền tài vật chất. Tiền tài vật chất là chuyện bình thường của cuộc sống, nhưng việc đề cao, xem trọng nó thì lại là chuyện khác. Phật giáo chú trọng đạo đức, dạy con người buông xả, từ bỏ tham, sân, si. Phật giáo không coi thường vật chất, nhưng coi vật chất chỉ là phương tiện để sinh sống chứ không phải là mục tiêu của đời người. Nhưng nay lại dựng lên một hình tượng về tài lộc thì liệu có thích hợp không? Phật giáo đã không chủ trương càng giàu càng tốt. Vậy thì đâu cần có một “vị thần” đại diện để ban phát tài lộc.

chua vinh nghiem thờ thần tài Phật giáo
Chùa Vĩnh Nghiêm nơi có tượng Thần tài của Phật giáo

Người thế gian coi trọng tiền tài, coi tiền tài hơn cả mạng sống của mình. Họ làm nhiều cách để có tiền, kể cả những cách không trong sạch. Gặp nhau là nói chuyện làm ăn, tiền bạc. Lấy tiền bạc làm thước đo giá trị con người. Mọi người đua nhau kiếm tiền, từ quan tới dân, từ giàu đến nghèo, từ thành thị đến nông thôn. Con người đã mệt mõi vì tiền. Họ cần có một nơi nào đó để thoát khỏi sự mệt mõi đó, dù chỉ trong giây phút. Và chùa chiền chính là nơi họ tìm đến. Ấy vậy mà khi đến chùa họ cũng lại gặp tiền tài qua hình ảnh vị “Thần Tài Sivali” mà nhiều người đang sì sụp lạy lục, khấn vái, cầu xin.

Tham, sân, si là căn bệnh trầm kha của chúng sinh và dường như ngày càng nặng hơn. Tôn giáo đáng lẽ phải dạy người ta bớt tham, sân, si đi, chứ sao lại thêm dầu vào lửa, bày ra chuyện cầu tài cầu lộc ở chốn thiền môn thanh tịnh.

Một số người biện luận rằng thay vì để người dân cầu ông Thần Tài dân gian, việc xây dựng hình ảnh ông Thần Tài Phật giáo sẽ làm cho họ đến với Phật giáo để gieo duyên với Phật Pháp. Nhưng xin hỏi rằng việc cầu Thần Tài dân gian và Thần Tài Phật giáo có khác nhau về lòng tham hay không? Hay ngược lại còn làm tăng thêm lòng tham của con người vì cho rằng Thần Tài Phật giáo linh hơn.

Tôn giả Sivali là một vị A la hán, một bậc Thánh đáng kính. Sao ta lại đem một bậc Thánh như thế ra làm một vị Thần Tài để cho mọi người lạy lục cầu xin tài lộc được chứ? Một vị Tỳ kheo phàm phu bình thường còn phải xa lánh chuyện tiền tài nữa là một vị A la hán. Xin hãy để cho Ngài được yên tịnh. Xin hãy để cho chốn thiền môn được thanh tịnh với hương trầm quyện tỏa, với tiếng kệ lời kinh, với những điều thanh cao giải thoát. Xin hãy để tiền tài bên ngoài cánh cổng thiền môn.

Thích Trung Hữu

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
13/02/2015(Xem: 9633)
18/01/2011(Xem: 79160)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.