Giáo dục hàng hóa hay công ích?

15/04/20193:41 SA(Xem: 7754)
Giáo dục hàng hóa hay công ích?
Đạc lại bài báo cũ: 
GIÁO DỤC HÀNG HÓA HAY CÔNG ÍCH?
Cao Huy Thuần

giao ducVHPG hân hạnh giời thiệu dưới đây bài trình bày giản lược của GS. Cao Huy Thuần, phát biểu trong Hội Thảo Hè tại Nha Trang cuối tháng 7 vừa qua, do một số trí thức ở ngoài nước tổ chức cùng với trí thức ở trong nước. Để tôn trọng tính trung thực của bài phát biểu, VHPG giữ nguyên giọng văn nói của tác giả. Toàn văn bài viết sẽ được lên mạng trên tạp trí Thời Đại Mới (http://www.tapchithoiđai.org) dưới nhan đề: “Trách nhiệm xã hội của đại học”.

Tôi cứ có cảm tưởng là một chuyện thừa trong Hội thảo này khi đẵt ra câu hỏi: Giáo dục là hàng hóa hay là công ích? Vấn đề này có thể đang làm bức xúc ở đâu khác, ở Âu châu chẳng hạn, nhưng ở ta, đem câu hỏi ấy ra hỏi các bậc phụ huynh, từ các chị buôn thúng bán bưng cho đến các nhà cao sản, quyền quý, chắc ai cũng cười mà nói:”Nếu không phải là hàng hóa thì là cái gì? Có cái gì mà không mua bán? Ấy, cứ hỏi ông tiến sĩ đằng kia!”.

Mua bán theo cái lối đó, tôi không dám bàn; tôi muốn nói đến một chuyện mua bán khác đang diễn ra trên thế giới có chính sách, có mục tiêu, có chiến lược hẳn hoi, và hậu quảmang đến cái mà một tác giả đã gọi là “trật tự mới quốc tế và giáo dục”. Trong “trật tự mới này”, giáo dục, vốn được xem như công ích, như tài sản công trong hầu hết cả nước, bây giờ đang có khuynh hướng tiến đến thị trường, đang thị trường hóa.

Từ đâu mà khuynh hướng ấy đã diễn ra? Từ sự lấn lướt của chủ nghĩa tân tự do. Bởi vậy, tôi đã bắt đầu bài viết của tôi bằng phần trình bày ý thức hệ này. Tất nhiên, chủ nghĩa ấy chưa toàn thắng. Ở đâu, khắp nơi, đều có chống đối. Nhưng ngay cả ở Pháp, nơi mà quan niệm công ích, công vụ, vẫn được xem là nguyên tắc then chốt của giáo dục, chủ nghĩa mới này cũng đã gây ảnh hưởng nhiều trên đại học.

Vậy, thế nào là giáo dục tân tự do? Đó là quan điểm cho rằng giáo dục là một tài sản chủ yếu là tư, và có giá trị trên hết là kinh tế. Không phải xã hội bảo đảm cho mọi thành viên cái quyền được có văn hóa, mà ngược lại, mỗi cá nhân phải tích lũy những nguồn vốn tư và xã hội sẽ bảo đảm lợi lộc trong tương lai. Quan niệm tư như vậy có liên quan đến ý nghĩa của kiến thức, liên quan đến cơ quan truyền đạt kiến thức, liên quan đến những giá trị trong xã hội.

Liên quan đến kiến thức, vì sao? Vì kiến thức ở đây được hiểu theo nghĩa thực dụng, kiến thức là dụng cụ để phục vụ lợi ích tư.

Liên quan đến cơ quan truyền đạt kiến thức, nghĩa là nhà trường, tại sao? Vì nhà trường hiện hữu để cung cấp cho các xí nghiệp cái vốn con người mà xí nghiệp cần.

Nếu kiến thức là nguồn vốn tư, càng tích lũy càng đem lại lợi lớn, địa vị cho cá nhân trong xã hội, thì đương nhiên giáo dục, đào tạo, được xây dựng trên tương quan mua bán sản phẩm, phải được tổ chức theo luật lệ của thị trường, nghĩa là cạnh tranh.

Hiểu như vậy, giáo dục càng ngày càng lệ thuộc vào kinh tế, càng ngày càng đặt nặng trên tính cách thực dụng. Hai yếu tố đẩy giáo dục vào đường đó. Một là càng ngày cạnh tranh càng dữ dội trên kinh tế toàn cầu hóa. Hai là vị thế ngày càng quyết định kiến thức trong việc sáng tạo, sản xuất và kinh doanh của cải và dịch vụ. Các cơ quan quốc tế và các nước kỹ nghệ lại thúc đẩy giáo dục vào đường đó bằng cách nhấn mạnh cạnh tranh như là châm ngôn của giáo dục: “Cạnh tranh kinh tế tức là cũng cạnh tranh giữa các hệ thống giáo dục”. Tôi trích tờ trìh của cơ quan cao cấp giáo dục – kinh tế Pháp: “Ngày nay, một trong những yếu tố cơ bản để cạnh tranh kinh tế của một quốc gia là mức đào tạo của dân chúng trong nước đó, và kho kiến thức được tích lũy, hơn xa tài nguyên thiên nhiên”.

Kiến thức đã trở thành món hàng để sản xuất, để cạnh tranh, thì đại học, nơi sản xuất kiến thức, đương nhiên nhập cuộc vào guồng máy tư bản, vào kinh tế thị trường – thị trường kiến thức, thị trường đào tạo, thị trường nghiên cứu. Đã vào thị trường thì phải chơi cho ngon cái luật cạnh tranh bằng cách tổ chức thế nào nằm trong tay chìa khóa của thành công: chìa khóa đó có cái tên là hiệu quả, mà muốn thế thì phải hợp lý hóa phương thức hoạt động, phương thức sản xuất theo kiểu doanh nghiệp. Nghĩa là phải học, phải áp dụng cách quản trị tư.

Như vậy, người tiêu thụ kiến thức tư, phương thức quản trị bắt chước tư, nguồn vốn thu vào từ bên ngoài đại học để bù trừ vào chỗ thiếu hụt của ngân sách Nhà nước là tư, đại học công có khuynh hướng tiến dần đến tư, khiến tranh luận về “đại học công ích hay hàng hóa” thành ra vô cùng phức tạp. Càng phức tạp hơn nữa khi càng ngày người ta càng nói đến “đại học doanh nghiệp” (Université entrepreneuriale) như là mẫu mực của đại học tương lai. Trong mô hình này, đại học càng ngày càng chịu ảnh hưởng của các xí nghiệp mà đại học hợp tác để phát triển, và như vậy lợi ích tư lấn chiếm lợi ích công. Thế nhưng, mặt khác, các Nhà nước lại thúc đẩy tiến trình thương mại hóa kiến thức như mũi dùi trong chính sách tiến công vào thị trường thế giới, và như vậy, trong chính sách tiến công vào thị trường thế giới, và như vậy, trong chính sách xuất khẩu này, đại học lại góp phần vào lợi ích công. Công tư lẫn lộn nhau.

Tôi hy vọng các anh chị đã đọc bài viết của tôi rồi, cho nên tôi không dông dài ở đây. Vả chăng, Việt Nam ta cũng chẳng lạ lùng gì cái chuyện thương mại hóa kiến thức. Chỉ mới trong tháng 6 vừa qua thôi, tôi đã đọc ít nhất ba tin tức liên quan đến xuất khẩu giáo dục, xin nhắc tại đây.

Tin tức thứ nhất, tôi đọc được trong báo Tia Sáng Online, ngày 18-6, nói về lễ ra mắt “Chương trình đào tạo Công nghệ thông tin tại VN” giữa Trường Carnegie Mellon và Liên hiệp các trường Đại học và Doanh nghiệp đào tạo CNTT Việt Nam. Tờ báo viết: “Đây là lần đầu tiên, một tổ chức giáo dục – kinh tế của VN đứng ra mua bản quyền giàng dạy của một trường Đại Học hàng đầu của Mỹ về CNTT v.v.. ”. Chương  trình còn bao gồm các khóa học đào tạo cử nhân và các khóa ngắn hạn thiết kế. Tôi không bàn đến chuyện hay hay dở, tốt hay xấu, tôi nghĩ là hay, là nên, tôi chỉ muốn nói đến một chuyện mà thôi là chuyện mua bán, chuyện xuất khẩu giáo dục. Một đồng nghiệp của chúng ta ở đây cho biết: Carnegie Mellon là trường đại học Mỹ chuyên về xuất khẩu món hàng ấy và số tiền phải trả trước cho họ trong cái tin tức này là 2 triệu đô-la, và ta cho như thế là hời, vì các nước khác, Hàn quốc chẳng hạn, phải trả gấp 3, 4 lần hơn. Thào nào các nhà nghiên cứu nói: thị trường giáo dục là thị trường không lồ, lớn hơn nhiều so với thị trường xe hơi, và tăng trường rất nhanh.

Tin tức thứ hai, tôi đọc trên mạng, liên quan đến chuyến đi Mỹ vừa rồi của Thủ tướng. Tôi đọc: “Tối 26/6 giờ Việt Nam, 60 đại diện của các trường đại học, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các tổ chức xã hội Mỹ đã tham gia Hội thảo về “Sáng kiến giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ” tại Houston. Hiện thực hóa sáng kiến của Quỹ Châu Á, hội thảo không chỉ là cuộc đối thoại về giáo dục, mà câu hỏi về vấn đề đầu tư, kinh tế cũng đã được thảo luận và giải đáp”.

Bài báo viết tiếp về ghi nhận của Thủ tướng: “Đây là dịp các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các trường đại học và các nhà đầu tư để phát triễn giáo dục Việt Nam”. Bài báo tiếp lời rằng: 8 năm trường, ngôi trường đầu tiên của Mỹ đào tạoViệt Nam cấp bằng của Mỹ đã được xây dựng: đại diện của Đại học cộng đồng Houstonm Texas, tại Việt Nam. Đến nay, 200 sinh viên Việt Nam đã theo học và nhận bằng của Mỹ mà không cần tới nước Mỹ. Đó chính là một dạng mô hình hạt mầm cần được nhân rộng và mong muốn các đối tác Hoa Kỳ nghiên cứu hợp tác với Việt Nam để xây dựng mô hình tương tự.

Tôi cũng không nói hay hay dở, tốt hay xấu, tôi chỉ nói đến chuyện mua bán thôi. Tôi nghĩ là nên lắm chứ, nên hợp tác, rất nên. Có điều là tôi xin mở chút ngoặc đơn để nói về trường Đại học cộng đồng ở Houston: đó không phải là một trường có chất lượng, ngay cả chỉ ở Houston, chứ đứng nói Mỹ hay quốc tế. Tôi khép ngoặc đơn.

Chuyện thứ ba, tôi đọc trên mạng của Chính phủ ngày 24/6 “Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi tiếp và làm việc với Tiến sĩ Allan Goodman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Giáo dục quốc tế IIE (Institute of International Education) và lãnh đạo của 7 trường đại học, cao đẳng hàng đầu Hoa Kỳ tại trụ sở Chính phủ chiều nay, 23/6”.

Bản tin tức ấy có đính kèm theo một ô vuông giới thiệu Viện Giaó dục Quốc tế: “Viện Giaó dục Quốc tế IIE có 20 đại diện tại 5 châu lục, với 900 trường đại học và cao đẳng thành viên, cùng trên 6.000 tình nguyện viên quốc tế. IIE hợp tác với các chính phủ, các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư cùng các nhà tài trợ khác xây dựngthực hiện các chương trình học tập và đào tạo sinh viên, các nhà giáo dục và các cán bộ trẻ trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhua trên toàn thế giới”.

Tôi chỉ xin nhấn mạnh: Viện Giáo dục Quốc tế này không phải chỉ hợp tác với các trường đại học, mà còn với “các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư cùng các nhà trợ”.

Tôi vừa nói xong chuyện hàng hóa, mua bán. Bây giờ tôi xin hỏi: giáo dục có phải chỉ thế mà thôi, hay sao?

Trong bài viết của tôi, tôi nói nhiều đến đại học Âu châu, bởi vì Âu châu đứng giữa hai chiều gió: một đằng, thực tế cạnh tranh kinh tế buộc phải cải tổ đại học để đạt hiệu quả hơn, một đằng nguyên tác công vụ của giáo dục vẫn được long trọng xác nhận, mà hậu quả là phải nhắm đến công bằng trên ghế nhà trường. Tranh luận giữa công và tư không phải chỉ diễn ra trên lý thuyết mà còn trên những vấn đề cụ thể trong lòng mỗi đại học. Nếu đại học chỉ là thị trường, vậy thì phải chăng chỉ những môn học nào, chỉ những nghiên cứu nào, phân khoa nào không đẻ ra tiền thì bà con nghèo hay sao? Nói cụ thể hơn, khoa học thuần túy, nghiên cứu căn bảnbà con nghèo, là con nuôi? Khoa học áp dụng, công nghệ kỹ thuật là con ruột? Và ôi thôi, khoa học xã hội, triết lý nhân văn, là con rơi? Cái đầu un đúc trong đại học là cái đầu thực dụng? Sự thật mà khoa học nhắm đến như lẽ sống biến mất trong đầu các ông khoa học gia, thay thế bằng những cái bằng sáng chế đẻ ra tiền? Văn hóa đâu có đẻ ra tiền, vậy văn hóa biến mất trong đại học? Mỗi người đi học là tư bản gia của chính mình, vậy đâu là những giá trị, những trách nhiệm xã hội của đại học?

Trong bài viết, tôi có nêu lên một tác phẩm của đại triết gia Đức, Kant, tương đối ít người biết hơn các tác phẩm trứ danh khác, nhan đề là “Xung đột giữa các phân khoa”. Hơn hai trăn năm sau, không ngờ quyển sách trở nên thời sự. Tôi xin nhắc lại ý chính trong tác phẩm của Kant để các bạn nào chưa có thì giờ đọc bài của tôi có thể theo dõi câu chuyện.

Kant nhắc lại sự thành hình của đại học Âu châu hồi thế kỷ XIII dưới sự kiểm soát của nhà thờ. Ba phân khoa nằm trên thượng đẳng: Thần học, Luật học, Y học. Tại sao Thần học nằm chót vót cao nhất? Bởi vì môn này cho phép chính quyền ảnh hưởng “mạnh nhất, sâu nhất” trên dân chúng, cho phép chính quyền đi tận vào trong “sâu thẳm của tư tưởng và của ý muốn kín đáo nhất của thần dân”. Tại sao  Luật học, tại sao Y học? Không có luật, làm sao chính quyền cầm được dây cương điều khiển cỗ xa xã hội? Không có ý học, dân chúng ốm yếu bệnh tật thì ai phục vụ tốt cho nhà vua? Ông Kant chấp nhận cái trật tự đẳng cấp ấy vì ông ma lanh. Ông nói” thôi được, tôi nhận. Vật thì cái gì hạ đẳng thì chính quyền đâu cần phải nắm? Trong các môn hạ đẳng ấy có văn chương, khoa học, toán thuần túy và tất nhiên triết lý. Chính quyền đã lo lắng với lý trí ở trên cao rồi, còn cái thứ hạ đẳng này hãy giao cho lý trí riêng của các nhà thông thái. Nghĩa là cho bọn trí thức rởm như chúng ta đây. Vì là hạ đẳng, chính quyền cứ để cho các phân khoa ấy “độc lập với mệnh lệnh của chính quyền trong việc giảng dạy”, cho chúng nó cứ rong ruổi đi tìm “lợi ích của khoa học”, nghĩa là Sự Thật;

Thế rồi ông Kant bắt qua nghề của chàng: môn triết lý. Ông nói: phân khoa triết là “nơi mà lý trí phải có quyền nói một cách công khai”, phải có “tự do, không phải để ra lệnh mà là để phán đoán mọi mệnh lệnh”. Nó là hạ đẳng, có gì mà phải sợ! Ông nói thêm, luôn luôn với một luận lý không thế bắt bẻ được: chính vì chính quyền không tìm nơi các phân khoa ấy chút ảnh hưởng trực tiếp gì trên dân chúng, nên lý trí mới được tự do phát triển theo luật riêng của nó, mới hoạt động dưới một quan tâm duy nhấtquan tâm về sự thật. Triết lý chính là cái môn trau dồi lý trí như thế, nó không làm cái gì khác hơn là suy tư, và nó không suy tư cái gì khác hơn là sự thật. Bởi vậy, nó mới gán cho nó cái mỹ hiệu “nữ hoàng của các khoa học”. Khoa học là để đi tìm sự thật, và nó dẫn đầu vì đã được t6i luyện trau dồi lý trí như thế. Hiểu như vậy thì tất cả các môn học đều phải đặt dưới sự giám sát của nó, nghĩa là giám sát của sự thật. Và sự thật ở đây không phải là độc tôn, độc hữu, vì lý trí đặt trên nền tảng tự dotự do tư tưởng, tự do phán đoán.

Chắc các anh chị đã thấy cái ma lanh của Kant. Triết lý là ở hạ cấp hạ đẳng. Nhưng nó dựa trên lý trí, mà lý trí là chiều hướng đi tới của lịch sử Âu châu: cho nên nó sẽ hạ bệ Thần họcthượng đẳng. Và sự thực đã diễn ra như vậy.

Nhưng quan tâm của Kant không phải chỉ là truất phế Thần học. Ông muôn phân hóa Triết đem đến cho các phân khoa khác một kiến thức phụ trội, giúp các phân khoa khác thoát khỏi cái đầu óc thực dụng vốn là đầu óc của các trường chuyên nghiệp.

Chính cái quan tâm đó làm quyển sách của Kant cứ là thời sự cho đến ngày nay. Bởi vì đào tạo là gì trong đại học? Đào tạo thế nào? Đào tạo chuyên viên hay là đào tạo một cái đầu? Kiến thức chỉ là kiến thức chuyên ngành hay kiến thức phải còn là kiến thức tổng quát, kiến thức suy tư? Ngày nay, không còn ai nghĩ nữa rằng triết lý có thể làm chức năng mà Kant đã giao phó cho nó, nhưng cái chức năng ấy vẫn là thời sự của đại học. Hãy xem đại học Mỹ: tại sao sinh viên phải học 4 năm ở undergraduate? Tại sao ông nha sĩ phải học gì cho lâu vậy, thay vì đào tạo ông thợ bẻ răng cho nhanh? Lý tưởng của đại học không phải là biến tất cả thành thợ, thành chuyên viên. Đại học không thể tách rời lý thuyếtthực tiễn, nghiên cứuđào tạo, nghiên cứu thuần túynghiên cứu thực dụng. Đó là lý tưởng của một nhà giáo dục lẫy lừng, người Đức, Humboldt, hậu duệ tinh thần của Kant, mà đại học Âu Mỹ vẫn còn lưu ảnh hưởng.

Đại học đào tạo cái gì? Humboldt trả lời: đào tạo con người. Tại sao? Tại vì con người không thể là con người nếu khôngtự do, mà muốn học tự do thì cứ xem khoa học làm khoa học: khoa học đi tìm sự thật chứ không tìm cái gì khác. Đại học là chỗ dạy cho sinh viên tinh thần khoa học, và tinh thần ấy phải áp dụng cho tất cả các môn. Mà tinh thần khoa học là gì? Là suy luận, là phán đoán, là phê phán. Cái đó, tất cả ai vào đại học đều phải học, không phân biệt ngành nghề.

Tại sao tôi đem chuyện Kant và Humboldt ra nói ở đây, sau khi trình bày khuynh hướng đại học hàng hóa? Tại vì tôi chấp nhận khuynh hướng ấy như một mũi tên mà lịch sử bắn đi, không gì cưỡng lại được. Không gì cưỡng lại được làn sóng kinh tế toàn cầu hóa và thương mại hóa đại học.

Không gì cưỡng lại được nhu cầu hiệu quả để cạnh tranh giữa các đại học, trong nước và ngoài nước. Nhưng chính vì không gì cưỡng lại được mà ta, chúng ta ở đây, phải cưỡng. Bởi vì đại học không thể chỉ nhắm một chiều: chiều kinh tế. Đại học có những chức năng khác, mang ý nghĩa khác.

Tôi đã kết thúc bài viết của tôi bằng diễn văn của bà Hiệu trưởng Đại học Harvard. Harvard là một đại học tư, lại là một ngôi trường tư ở Mỹ, pháo đài của tự do chủ nghĩa. Nhưng bà hiệu trưởng Faust nói gì? Nói rằng tinh hoa của đại học nằm ở chỗ đại học chỉ chịu trách nhiệm với quá khứ và tương lai của dân tộc, chứ không nhắm vào những mục tiêu thực tiễn mươi, mười lăm năm trước mắt, chuyện ấy vớ vẩn. Nhắm vào quá khứ là phải hiểu gia tài của cha ông để lại. Như vậy mới hiểu rằng mình là ai, từ đâu đến, đi về đâu. Nhắm vào tương lai, nghĩa là phải biết thay đổi: kiến thức là thay đổi, thay đổi thường xuyên. Bởi vậy, bà nói, đại học là chỗ thách thức với bất cứ ai dám nói rằng mình nắm sự thật không chối cãi trong tay. Tôi có ngửi thấy mùi tiền bạc gì đâu trong suốt diễn văn của bà?

Tôi nghĩ rằng, đại học chúng ta, nếu xứng đáng tầm cỡ đại học, chắc chắn sẽ đứng trước hai luận lý trái ngược: luận lý của đại học thị trường và luận lý của đại học cổ điển. Quan điểm của tôi là duy trì sự căng thẳng giữa hai khuynh hướng, xem sự căng thẳng đó cũng như là bản chất của đại học, bởi vì đại học phải là mảnh đất của va chạm, không có va chạm thì không có tranh luận, mà không có tranh luận thì không có trí thức, không có văn hóa. Không có tranh luận thì chúng ta chỉ đào tạo ra những cái đầu khô, những cái đầu sẵn sang làm nô lệ cho mọi thế lực, trong đó có thế lực của đồng tiền.

Các anh chị cho phép tôi thú thật một điều. Trong suốt cuộc đời dạy học của tôi ở nước ngoài, tôi không vui, bởi vì tôi có cảm tưởng tôi là người bán chữ, sinh viên trước mặt tôi là những người mua chữ. Tôi được đào tạo từ nhỏ trong luân lý đạo đức của cha tôi, giáo viên tiểu học kiểu mẫu, rằng người dạy học không phải là người cầm cái cần câu cơm. Thế hệ của tôi là thế hệ đọc nằm lòng truyện ngắn của Alphonse Daudet về buổi học cuối cùng, kể nỗi xúc động của một ông giáo lớp ba khi dạy buổi cuối cùng trước khi hai tỉnh Alsace – Lorraine của nước Pháp bại trận bị cắt để sát nhập vào nước Đức thắng trận. Ông giáo run run nói lời cuối cùng khi chuông rung hết giờ: Vive la France! Nước Pháp muôn năm!

Đại học, đối với tôi, và tôi nghĩ là đối với chúng ta, vẫn còn là nơi để học làm người, làm người tự do, làm người Việt Nam.
Cao Huy Thuần | Văn Hóa Phật Giáo Số 65
Thư Viện Hoa Sen

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.