Người Cư Sĩ Hiểu Luật Nhà Phật Để Làm Gì?

01/03/20225:39 SA(Xem: 3239)
Người Cư Sĩ Hiểu Luật Nhà Phật Để Làm Gì?
NGƯỜI CƯ SĨ HIỂU LUẬT NHÀ PHẬT ĐỂ LÀM GÌ?
Bhikkhu Cittacakkhu 

di-chuaHiện nay hàng cư sỹ Phật tử tại gia đi chùa, học Phật và đóng góp công tác cho Phật giáo nhiều hạnh nguyện khác nhau; đôi khi cũng có người sống như một Duy-ma-cật (Vimalakīrti), hay một Thắng Man (Śrīmālā) v.v… Song, lâu lâu tôi lại nghe một vài Phật tử nói, luật nhà chùa người cư sỹ không được tìm hiểu đọc nó, chính tôi cũng bị nhiều người hỏi về vấn đề này. Liệu có ai thắc mắc, có phải chính đức Phật đã cấm người cư sỹ đọc luật Phật giáo? Nếu có, tài liệu nào nói? Tôi trả lời ngay câu hỏi này. Thật ra, đức Phật cấm người cư sỹ tham gia “tố tụng” tỳ-kheo, hay nghe tội, hoặc cử tội tỳ-kheo, chứ không phải cấm đọc luật tỳ-kheo. Chỉ có chuyện bà Viśākhā trình bày tội tỳ-kheo với đức Phậttrường hợp duy nhất trong giới bất định.[1] Trong chuyện này có hai điều cần chú ý: 1. Bà Viśākhā là người chứng quả Dự lưu (sotāpanna), chuẩn mực tư cách đạo đức, đủ để Tăng tin tưởng lắng nghe. 2. Khi bà thưa xong thì Tăng sẽ phán xử tỳ-kheo đó, bà không tham dự. Đây là vấn đề tế nhị nhưng quan trọng trong việc học luật, hiểu luật và hành luật. Luật đời luật đạo cũng thế.

Chúng ta trở lại lý do đức Phật cấm cư sỹ nghe tội tỳ-kheo. Câu chuyện này thuộc phần Skandhaka (Kiền-độ) của Luật tạng, tuy nhiên luật bộ phái ghi chép có sai khác chút ít.

  1. Luật Ngũ phần của Hóa địa bộ quyển 18 dẫn: Khi các tỳ-kheo bố-tát, có bạch y nghe tỳ-kheo phạm tội, bạch y đó nêu tội tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy: Không nên cho bạch y và sa-di nghe tỳ-kheo bố-tát tụng giới.[2]
  2. Luật Pāli của Thượng tọa bộ (Mahāvagga [Đại phẩm], chương Uposatha [Bố-tát]) ghi: Vào lúc bấy giờ (ngày bố-tát), Devadatta tụng đọc giới bổn Pātimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa) trong hội chúng có sự hiện diện của cư sỹ. Các tỳ-kheo đem việc ấy bạch Phật. Phật dạy: Này các tỳ-kheo, không nên tụng đọc Pātimokkha trong hội chúng có sự hiện diện của cư sỹ. Vị nào tụng đọc, phạm dukkaṭa (đột-kiết-la).[3]
  3. Luật Ma-ha Tăng-kỳ của Đại chúng bộ quyển 27: Có tỳ-kheo thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, nói năm nhóm tội từ ba-la-di đến tội việt tỳ-ni cho người chưa thọ cụ túc (người thế tục) nghe, rồi tỳ-kheo đi vào thôn xóm, bị người thế tục nêu tội: “Trưởng lão phạm ba-la-di…” Sau đó, đức Phật dạy không được thuyết Ba-la-đề-mộc-xoa, nói năm nhóm tội cho người chưa thọ cụ túc nghe. Chỉ được phép nói: “Ngươi không được làm phi phạm hạnh, không được trộm cắp, không được sát sinh, không được vọng ngữ.”[4]
  4. Luật Tứ phần của Pháp tạng bộ cũng dẫn: “Bấy giờ, đến ngày thuyết giới, nhóm sáu tỳ-kheo làm các việc như chào hỏi và nói chuyện với bạch y, tác yết-ma thuyết giới, thuyết pháp.”[5]

Như vậy chúng ta thấy, xã hội nhà chùa trong thời kỳ đầu, lễ bố-tát thuyết giới có cư sỹ tham dự. Sau đó do phát sinh tâm khinh miệt tỳ-kheo phạm tội, hoặc vì giảm lòng tin của người cư sỹ, hay mất tín tâm đối với những người chưa có lòng tin…, điều này ảnh hưởng lớn đến Tăng đoàn mới khiến đức Phật cấm chế. Về sau, khi tông luật Tứ phần phát triển cực thịnh ở Trung Hoa, đến năm Sùng trinh thứ 16 đời nhà Minh (1643), tỳ-kheo Hoằng Tán[6] biên soạn Tứ phần giới bổn như thích, viết rằng: “Ba đời chư Phật đều thuyết kinh, luật, luận; Tạng kinh và luận đều dành chung cho xuất giatại gia. Riêng Tạng luật chỉ có tỳ-kheo độc trì, như kho tàng của vua, ngoại quan không được biết đến. Cho nên bạch y, sa-di mà xem trước vĩnh viễn sau này không được thọ đại giới và phạm ngang tội ngũ nghịch. Phàm làm thầy phải hết sức cẩn thận”.[7] Có lẽ Hoằng Tán y cứ vào luật Ngũ phần mà “tô điểm” thêm, đề cao Luật tạng trở thành bí truyền, tạo học thuyết hăm dọa hoang tưởng quá đáng. Từ đó về sau Phật giáo Việt Nam hành trì tông luật Tứ phần, đôi khi hưởng ứng theo “chủ nghĩa thậm xưng” của tỳ-kheo Hoằng Tán; hoặc giả một số nhà sư hiểu nhầm từ sự nghiêm cấm trên mà giảng dạy cho Phật tử không được đọc luật Phật giáo. Đây chỉ là sự ngộ nhận, vả lại xã hội thời Phật từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch chưa có bút mực biên chép thành sách thì khái niệm cấm đọc luật tỳ-kheo càng không có.

Để rộng bàn thêm về vấn đề này chúng tôi dẫn thêm vài trường hợp trong luật Tăng-kỳ nêu: Nếu trong Tăng không dập tắt được sự tranh chấp của các tỳ-kheo thì nên tìm một tỳ-kheo có đức, hay đa văn, hoặc tỳ-kheo ở a-luyện-nhã (arañña, sống nơi sơn lâm, hoang dã). Nếu không có thì tìm một ưu-bà-tắc (cư sỹ nam) có thế lực.[8] Hay câu chuyện Tăng đang bố-tát, cư sĩ Cù-sư-la (Ghoṣila) đi vào, cố ý ở lại nghe, không đi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, nếu người có đức hạnh cao quý muốn nghe Tăng giải quyết sự việc thì cho họ nghe. Đồng thời, nếu trong chúng có người tài giỏi, nói năng lưu loát, giải quyết sự việc phân minh thì cứ tự nhiên tiến hành. Trái lại, nếu giải quyết sự việc trước kẻ phàm phu tầm thường thì phạm tội việt tỳ-ni.[9]

Vậy rõ ràng đối với những người cư sỹ tại gia đã có tín tâm kiên cố nơi Tam bảo, dù họ có nghe lỗi lầm của tỳ-kheo đi chăng nữa họ vẫn giúp Tăng phục hoạt cho thanh tịnh, hoàn toàn không có tâm cao ngạo hủy báng Tăng. Tuy nhiên cũng có trường hợp việc của Tăng do Tăng quyết định, cậy nhờ đến quan, bạch y thì khó giải quyết – luật Thập tụng nói như vậy.[10]

Qua đây chúng ta thấy luật Phật giáo chỉ ngăn cấm hạng người hiểu biết nhiều, tâm kiêu ngạo bốc cao, bất kính Tam bảo, không có tâm đạo… Ngày nay, giới nghiên cứu luật học Phật giáo đều biết đến E. Frauwallner, Akira Hirakawa, Lamotte, I. B. Horner v.v… Họ là cư sỹ viết về Luật tạng của Phật giáo, công trình của họ để lại cho đời đáng cho người học Phật phải bái phục. Họ là cư sỹ mà thông luật Phật giáo hơn cả tu sĩ trong chùa, vậy họ có phạm tội ngũ nghịch như Hoằng Tán nói không? Phật giáo được truyền bá rộng rãi sang các nước phương Tây cũng chính nhờ họ, những gì họ làm có giá trị miên viễn cho giới học thuật.

Do đó, trách nhiệm của người cư sỹ tại gia nên đọc luật Phật giáo, đọc với mục đích gì, đọc với cái tâm ra sao mọi người tự biết. Thời Ôn Đỗng Minh còn sinh tiền hay đùa với chúng tôi, Ôn nói các nước Phật giáo Nam tông mấy ông sư không cần giữ giới, Phật tử giữ giới cho mấy ông sư. Vì họ hiểu luật lệ của nhà sư. Năm 2011, tôi qua Thái Lan thăm một người bạn, nhằm ngày “Cửu hoàng thắng hội” – tức lễ ăn chay của người Thái, từ ngày mồng 1 tháng 9 Âm lịch đến ngày mùng 10. Một hôm, chúng tôi đi chợ buổi chiều, gặp một người Thái, họ biết chúng tôinhà sư Phật giáo Bắc tông ăn chiều nên lấy tiền cúng dường. Điều làm tôi ngạc nhiên là người bạn của tôi không đưa tay nhận mà kéo ống tay ra để họ cúng tờ tiền lên ống tay áo. Đó cũng là một cách “linh hoạt” nhà sư không nhận tiền trực tiếp, và họ là nữ không dám đụng chạm nhà sư, vân vân. Tôi còn biết, tại các trường Phật giáo Thái Lan, môn luật Phật giáo đều có cư sỹ tham gia học tập nghiên cứu. Ngạc nhiên hơn là bộ môn đó do giáo sư cư sỹ giảng dạy.

Chúng tôi bàn thêm chuyện sa-di không được đọc luật tỳ-kheo. Điều này hồi tôi mới vào chùa đã nghe quý thầy thường nhắc nhở vậy. Trong các bộ phái chính thống chỉ có Hóa địa bộ soạn luật Ngũ phần đề cập đến sa-di. Tại sao không cho sa-di dự Tăng yết-ma bố-tát? Theo chúng tôi hiểu, lễ bố-tát sám hối, đọc giới điều của tỳ-kheo, như nêu tội tỳ-kheo đồng nghĩa xử án, luật đời như luật đạo: Tại phiên tòa xét xử, người dưới 16 tuổi không được tham dự. Trừ vụ án có liên quan, được tòa triệu tập thì người này mới được đến. Do đó sa-di chưa đủ tuổi 20 cũng vậy, họ còn nhỏ, tư tưởng chưa chín chắn, không đủ tư cách để tham dự.

Tóm lại, nếu một tỳ-kheo lui vào rừng sâu ẩn dật như con tê giác thì cư sỹ tại gia không cần học luật, hiểu luật Phật giáo để làm gì. Song le đời sống của tỳ-kheo ngày nay hòa nhập, va chạm với xã hội xung quanh quá nhiều, trách nhiệm của họ giữ luật là một lẽ, mà bổn phận của người cư sỹ cũng cần hiểu luật tỳ-kheo, hiểu căn bản thôi, có như vậy mới giúp ích cho tỳ-kheo, và lớp người cư sỹ là vành đai an toàn cho đời sống Tăng, ni và cộng đồng Tăng-già hiện nay.

Nha Trang, ngày 20 tháng 2 năm 2022.
Bhikkhu Cittacakkhu


[1] 四分律 卷 5, T22, no. 1428, p. 600b9; 彌沙塞部和醯五分律 卷 4, T22, no. 1421, p. 22c15; v.v…

[2] 彌沙塞部和醯五分律 卷18, T22, no. 1421, p. 123a17.

[3] Pāli, Vin. Mahāvagga, Uposathakkhandhako: Tena kho pana samayena devadatto sagahaṭṭhāya parisāya pātimokkhaṃ uddisati. Bhagavato etamatthaṃ ārocesuṃ. Na, bhikkhave, sagahaṭṭhāya parisāya pātimokkhaṃ uddisitabbaṃ. Yo uddiseyya, āpatti dukkaṭassāti.

[4] 摩訶僧祇律 卷27, T22, no. 1425, p. 448b22-21.

[5] 四分律 卷35, T22, no. 1428, p. 819a10.

[6] Hoằng Tán 弘贊 (1611-1685), sống cuối đời Minh đầu đời nhà Thanh.

[7] 四分戒本如釋 卷1, X40, no. 717, p. 193c15-18:三世諸佛。俱說經律論三藏聖教。經論二藏。咸通在家出家。惟律一藏。比丘獨持。如王秘藏。非外官所司。故白衣。沙彌。若先覽者。後永不得受大戒。罪與五逆同例。凡為師者。最宜謹慎.

[8] 僧祇律 12, p. 328a.

[9] Ibid., 27, 449b10.

[10] Cf. 十誦律 49, p. 362a03.
(Hội Đồng Hoằng Pháp)


Xem Thêm:
Giáo Pháp là công truyền (Thích Chân Tính)
Giới Luật Công Truyền Hay Bí Truyền (Thích Phước Sơn)



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/10/2010(Xem: 34649)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.