NỖI BUỒN THÁNG CHẠP
Những ngày cuối năm mọi người giàu nghèo gì cũng tưng bừng đón năm mới, quên đi chuyện buồn của một năm qua, vậy thì nói chuyện buồn cuối năm hay nỗi buồn tháng Chạp là chuyện… ngược đời. Câu chuyện này, thiên hạ cho là thường tình, nhưng đối với tôi thì đây là chuyện không vui. Số là trong tháng Chạp này, gia đình tôi nhận được hai lá thư của hai ngôi chùa lớn nhất nhì trong vùng Bolsa này. Lá thư thứ nhất là lá thư chúc mừng năm mới của Viện Chủ Chùa, kèm theo một lá thư màu hồng hay màu vàng để gia đình người nhận chú ý, ghi danh cầu an (cho người sống) hay cầu siêu (cho người chết.) Tờ thư này có phần chú thích: Quý Vị điền tên vào sớ và gửi về chùa sớm để sắp xếp. Quý Vị thành tâm tuỳ hỉ cúng dường, xin ghi chi phiếu: Chùa XYZ và gửi về địa chỉ ở dưới. Lá thư thứ hai, ngoài lá sớ cầu an, cầu siêu còn thêm một tờ giấy màu trắng in đủ 90 loại tuổi, từ đứa trẻ mới 11 tuổi đến ông cụ 100 tuổi. Chúng tôi không thể kể hết các sao-hạn của 90 tuổi này, thứ nhất trang báo không dư giấy vẽ voi, thứ hai không muốn làm phiền độc giả, Tôi xin lấy vài ví dụ, như ông già, bà lão nào năm nay 100 tuổi sinh năm Đinh Tỵ 1917 thì Nam thuộc sao La Hầu- Ngũ Mộ, Nữ là Kế Đô- Ngũ Mộ. Thiên hạ hay nói câu “Nam La Hầu- Nữ Kế Đô là xấu nhất. Thiên hạ vẫn thường tin “sao Kế Đô không xô cũng ngã,” “Thái Bạch là sạch gia tài!” cụ bà 100 tuổi năm nay gặp sao Kế Đô, thì hãy mau mau cúng sao giải hạn, nếu không cụ bà năm nay rất dễ đi đứt. 100 tuổi còn trẻ quá, chết như vậy cũng uổng. Bỏ ra vài trăm bạc, cúng sao mà sống thêm chục năm nữa thì cũng nên làm. Thằng bé sinh năm Bính Tuất 2006, năm nay lên 11 đang Middle School, nó bị sao Nam: Thổ Tú- Tam Kheo, Nữ: Văn Hớn- Thiên Tinh. Trong sách bói toán, có ghi rằng“Thổ Tú (nhiều người gọi là Thổ tinh): Sao Thổ Tú tốt hay xấu chắc nhiều người chưa rõ lắm. Nếu năm nay những ai bị sao Thổ Tú chiếu mạng nên làm lễ giải hạn sao Thổ Tú! Vậy thì tốt hơn hết là cứ cúng sao giải hạn, có kiêng có lành! Câu hỏi đặt ra cho tôi là nhà chùa gửi những lá thư này đến cho gia đình tôi vào dịp cuối năm với mục đích gì? Thứ nhất, mong gia đình tôi ghi danh xin lễ cầu an cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc (kèm theo câu thành tâm tuỳ hỷ cúng dường.) Trong một thông cáo của ngôi chùa VN lớn nhất Paris lại có ghi rõ: “Xin thành tâm cúng dường Tam Bảo để cầu an, giải hạn cho bổn mạng và cho cha mẹ, anh em…” Việc cúng dường Tam Bảo có ý nghĩa gì, hay chỉ là một sự trao đổi, chỉ với mục đích “giải hạn cho bổn mạng và cho cha mẹ, anh em.” Thứ hai, gửi “bảng sao hạn năm Bính Thân” có đủ tuổi trong gia đình tôi biết mà lo nhờ chùa cúng sao giải hạn. Cả hai điều này đều xa rời đạo Phật, vì chánh tín và mê tín hoàn toàn khác nhau. Những điều như đồng bóng, lịch số sao hạn, coi tay xem tướng, xin xăm bói quẻ, cúng sao xem hướng… đều là những chuyện mê tín. Do người truyền bá đạo Phật không hiểu thông, ghép những thói tục của đời vào đạo, để nhiều người lên án đạo Phật là đạo mê tín. Ông cụ thân sinh tôi mất vào những ngày của tháng 5-1975, khi miền Nam mất vào tay Cộng Sản, hoàn cảnh gia đình ly tán, con trai đã vào nhà tù, con gái di tản ra nước ngoài. Chết trong một thời điểm như vậy, tôi nghĩ linh hồn của cha tôi chắc khó siêu thoát. Nếu gia đình bỏ ra một số tiền để cầu siêu cho cha tôi để cho linh hồn ông được bình an trong thế giới bên kia, thì nghìn vàng cũng không tiếc. Trong 100 người có tên trong đám cầu siêu, thầy chỉ đọc lướt tên cha tôi trong mấy giây. Thầy cũng không biết cha tôi là ai. Khi đọc tên những người trong tờ giấy thầy cầm, không biết thầy nghĩ gì. Nếu vậy quả là tội nghiệp cho cha tôi. Tôi biết nếu nghiệp cha tôi “nặng như đá” thì không ai có thể làm nổi lên mặt nước như bơ, như câu chuyện sau đây: Một ngày nọ một chàng thanh niên đến hỏi đức Phật: - Kính bạch Tôn giả, cha con vừa chết. Xin Ngài đến cầu nguyện cho ông được lên thiên đàng. Ngài là bậc tài năng, chắc chắn sẽ làm được việc này. Đức Phật trả lời: - Con xuống chợ mua cho ta hai chậu đất nung và một ít bơ. Nghĩ rằng Phật có bùa phép giúp được cho cha mình, chàng trai lật đật xuống chợ mua bơ và nồi đất. Khi mang về, đức Phật bảo: - Bỏ đá vào một nồi, và bơ vào một nồi khác, xong thẩy cả hai xuống nước. Cả hai cái nồi đều chìm xuống nước. Xong, đức Phật khiến chàng trai đập vỡ hai cái nồi. Lập tức thấy bơ nổi lên mặt nước, còn đá trong nồi kia vẫn nằm yên dưới đáy hồ. Lúc bấy giờ đức Phật mới nói: - Nhanh lên con, đi mời các thầy tu, nói với họ tụng làm sao cho tất cả bơ chìm xuống đáy và tất cả đá đều nổi lên. Cha người thanh niên kia, cũng như cha tôi, nếu sống một cuộc đời tốt lành, linh hồn ông sẽ nhẹ như bơ, sẽ lên đến thiên đàng, trái lại, linh hồn ông nặng như đá, chìm xuống địa ngục. Không một lượng quyền năng nào của các tu sĩ trên thế giới này có thể đảo ngược lại điều đó. (xem chi tiết nơi bài: http://thuvienhoasen.org/a7056/bo-va-nhung-vien-da-cuoi ) Nếu dâng sớ cầu an hay cúng sao mà giải được bệnh tật và tránh được tai nạn cho thân tôi, thì từ này tôi sẽ khỏi cần gặp bác sĩ và gọi xe cấp cứu nửa đêm để vào bệnh viện nữa. Ngày nay, việc cầu an, cầu siêu là một dịch vụ kiếm ra tiền. Chùa càng to, thiện nam, tín nữ đến xin cầu siêu, cầu an càng đông. Cầu siêu, cầu an càng đông, có tiền cúng dường thì chùa càng lớn. Số phận những sớ cầu an, cúng sao không kèm theo chi phiếu hay tiền mặt sẽ ra sao? Một Phật tử, pháp danh Trí Giác, có đưa câu chuyện lên công luận: “Một số bạn thuộc các tôn giáo khác hỏi tôi: “Đạo Phật các anh sao lại làm đại nhạc hội, ca hát, buôn bán, xổ số làm tiền um sùm ở trong chùa, trong khu vực chùa. Như vậy có đúng luật đạo Phật không?” Tôi nghe hỏi mà cảm thấy xót xa, đau khổ, và xấu hổ cho đạo Phật. Vì tôi cũng đã thấy các nơi thờ tự của tôn giáo khác, không bao giờ có đại nhạc hội, buôn bán, xổ số để làm tiền nơi chốn thiêng liêng. Chùa là nơi thanh tịnh già lam. Đến chùa để lắng lòng, nghe kinh, niệm Phật, học đạo, chuyển mê thành ngộ. Nghe được tiếng chuông U Minh lòng nhẹ nhàng thanh thoát.” Có chùa gây quỹ bằng cách xổ số, lô độc đắc là 2 lượng vàng 999, như vậy có phải là khơi lòng tham của bá tánh hay không? Hồi còn đi tù ngoài vùng Bắc Việt, cứ mấy ngày Tết lại thấy dân làng bản vào nhà tù “cải tạo” xem văn nghệ, đã lấy làm lạ, nhưng điều lạ hơn là ngày nay, dân gian lại đến chùa coi đại nhạc hội với hàng chục ca sĩ lừng danh được thuê bằng tiền, nhưng không bảo đảm họ sẽ ăn mặc kín đáo hay hát nhạc đạo. Ăn mặc như phụ nữ đạo Hồi và hát nhạc Nam Mô thì ai mà cất công đi coi. Show đại nhạc hội này bảo đảm có đốt pháo, múa lân và do một sòng bài lớn bảo trợ. Vui hết biết! Phật còn đó, Pháp còn đây, nhưng Tăng “quậy” cỡ này thì chẳng mấy chốc mà đạo Phật tan nát! Người gửi bài: Ngô Đức Cửu |