Quan Âm Thị Kính qua truyền thuyết dân gian & tem bưu chính Việt Nam

29/09/20193:28 SA(Xem: 4454)
Quan Âm Thị Kính qua truyền thuyết dân gian & tem bưu chính Việt Nam
QUAN ÂM THỊ KÍNH
qua truyền thuyết dân gian & tem bưu chính Việt Nam

blank

 

       “Quan Âm Thị Kính” là một câu chuyện cảm động về một phụ nữ gặp nhiều nghịch duyên oan trái nhưng vẫn kiên tâm nhẫn nhục, giữ tròn đạo hạnh để tu hành theo Phật pháp cho đến khi đắc đạo, trở thành một vị Bồ Tát linh thiêng huyền nhiệm. Truyện “Quan Âm Thị Kính”, tác giả khuyết danh, đã được lưu truyền trong dân gian nước ta bao đời, qua nhiều hình thức như kịch, phim, tuồng, chèo, kịch múa đương đại… và đặc biệt nhất là truyền lưu dưới dạng truyện thơ lục bát dễ nhớ, dễ thuộc, nên dân ta thường dùng làm lời ru êm ái du dương bên võng nôi cho hài nhi nghe trước khi đi vào giấc ngủ an lành. Nội dung câu chuyện có thể tóm tắt như sau:

           Tiền kiếp của đức Quan Âm là một người đàn ông tu hành tinh tấn gần chứng quả Vô thượng, nhưng khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni hóa thân thành một mỹ nữ để thử lòng ông, thì ông rơi vào vòng mê muội, buộc miệng hẹn thề kiếp sau sẽ nên duyên trăm năm với giai nhân. Vì vậy, ông bị Phật bắt đầu thai làm con gái họ Mãng ở Cao Ly Quốc, chịu một kiếp người đầy gian nan thử thách. Người con gái ấy tên là Thị Kính, tài sắc vẹn toàn, lớn lên được cha mẹ gã cho thư sinh tên là Sùng Thiện Sĩ, vợ chồng sống rất êm ấm. Nhưng một hôm, khi Thị Kính ngồi khâu bên chồng, người chồng đọc sách rồi mệt mỏi tựa vào vợ mà thiếp đi, nàng nhìn thấy nơi cằm chồng có sợi râu mọc ngược, sẵn dao nơi tay nàng định cắt cái chướng mắt ấy. Bất ngờ, người chồng giật mình mở mắt, tưởng vợ có ý giết mình liền tri hô lên, nhà chồng buộc nàng tội âm mưu sát hại chồng, trả nàng lại về nhà cho cha mẹ ruột. Thị Kính oan ức không bày tỏ được cùng ai, định tự vẫn nhưng vì nghĩ đến cha mẹ già yếu nên không nỡ dứt tình, bèn quyết chí đi tu. Nàng giả dạng thành nam nhi để đến chùa Vân Tự xin thế phát quy y, được sư cụ thâu nhận rồi đặt cho pháp danh là Kính Tâm.

           Xuất gia học Phật được một thời gian, nhờ câu kinh tiếng kệ mà nỗi buồn phiền trong lòng Thị Kính vơi đi rất nhiều, nhưng oan khiên nghiệp chướng đâu đã từ bỏ nàng. Nguyên trong làng có con gái của một phú ông tên là Thị Mầu thường hay đến lễ chùa, thấy chú tiểu Kính Tâm cốt cách trang nhã thanh tao liền đem lòng yêu thương say đắm, cứ theo ngõ lời ong bướm gió trăng, nhưng chú tiểu Kính Tâm lại thờ ơ lạnh nhạt, không muốn tiếp xúc giao du. Thị Mầu tương tư, mơ tưởng nguyệt hoa quá mức, nên lửa dục bốc lên không kiềm chế được, bèn thông dâm với một tên tôi tớ trong nhà, rồi hậu quả là có mang. Chuyện không giấu diếm được, vỡ lỡ ra cả làng biết, làng tra hỏi thì Thị Mầu khai cha đứa bé chính là… chú tiểu Kính Tâm. Bị vu tội oan ức khó bày tỏ, Kính Tâm đã bằng tâm từ bi của người xuất gia mà nhận lấy sự trừng phạt của làng, cũng như gánh chịu bao lời đàm tiếu nhục mạ. Đến khi Thị Mầu sinh được một đứa con trai, mang đến chùa bắt Kính Tâm nuôi dưỡng, Kính Tâm đành phải nhẫn nhục mà nhận con người ta để nuôi nấng cho đến khi đứa bé được ba tuổi. Biết đã đến ngày siêu hóa, Kính Tâm gọi con trai nuôi đến dặn dò, rồi viết một bức thư để lại cho cha mẹ trước khi thanh thản rời khỏi chốn bụi trần khổ lụy. Lúc các sư vãi trong chùa liệm thi hài của người vừa ra đi, mọi người mới hay Kính Tâm chính là một nữ nhân giả nam. Làng hay, bắt phú ông lo việc ma chay chôn cất cho chu đáo. Thị Mầu xấu hổ phải tự vẫn. Thị Kính được Phật Thiên Tôn truyền cho lên trời làm Phật Quan Âm. Cha mẹ cũng như đứa con trai nuôi của Thị Kính cũng được siêu thăng về cõi Tịnh Độ. Riêng người chồng của Thị Kính năm xưa thì bị hóa thành con vẹt…

        Sau, dân ta có thờ hình tượng Quan Âm Thị Kính luôn có một hài nhi theo hầu, được gọi là Quan Âm Đồng Tử. Truyện “Quan Âm Thị Kính” bằng thơ lục bát được chia thành 31 đoạn, dài 788 câu, rất sinh độngdễ hiểu.

       Ngày 02 tháng 4 năm 1998, Bưu Chính Việt Nam phát hành bộ tem “Quan Âm Thị Kính” dựa theo nghệ thuật chèo cổ. Đây là một bộ tem khối 6 mẫu liền lạc với nhau, mang mã số bộ 774, do họa sĩ Ngô Mạnh Lân thiết kế -trình bày. Cả 6 mẫu tem đều có khuôn khổ (KK) 37x37, in ốp-xét nhiều màu, nối nhau thành 2 hàng trên dưới, nằm giữa một khung màu xám được trang trí hoa văn trắng có KK 133x97. Theo thứ tự mã số mẫu (MSM), truyện “Quan Âm Thị Kính” được thể hiện lại như sau:

          - Mẫu tem MSM 2892, giá mặt 400đ, mang tên “Thị Kính bị oan”: thể hiện cảnh Thị Kính đang quỳ dưới đất, bà mẹ chồng đang vung tay múa chân, hung hăng chửi mắng cô con dâu hiền lành, đứng bên cạnh bà là Thiện Sĩ. Theo truyện, đó là đoạn từ câu 155 đến 161: “Cô, còng rằng: “Bảo cho hay…/Trộm hương, cắp phấn cũng đầy chan chan/Mấy người một ngựa một an/Nay Trương, mai Lý… thế gian hiếm gì?/Ấy may mà tỉnh ngay đi/Đỉnh dình đinh nữa có khi còn đời/Sự này chớ lấy làm chơi!”.

          - Mẫu tem MSM 2893, giá mặt 1000đ, mang tên “Thị Mầu lên chùa”: cảnh Thị Mầu vào chùa gặp Kính Tâm đang ngồi gõ mõ tụng kinh. Theo truyện, đó là đoạn từ câu 389 đến 394: “Nào rằng giữ nết khuê vi/ Ngày rằm mồng một cũng đi cúng đàng/ Nhác trông thấy tiểu dịu dàng/ Sóng thu xui khiến cho nàng khát khao/ Người đâu có dáng thanh tao/ Bóng trăng dưới nước, vẻ sao trên trời…”.

- Mẫu tem MSM 2894, giá mặt 2000đ, mang tên “Thị Mầu- gia nô”: cảnh Thị Mầu

gặp gỡ rồi tư thông với thằng người ở trong nhà, để rồi kết quả là một bào thai. Theo truyện, đó là đoạn từ câu 411 đến 416: “Trong nhà sẵn đứa thương đầu/ Quyền nghi một chút dễ hầu ai hay/Nào ngờ gió thổi mưa bay/ Hạt kia gieo xuống đợi ngày mà sinh/ Ba trăng coi đã khác mình/ Bữa cơm thì biếng, mùi chanh thì thèm”.

          -  Mẫu tem MSM 2895, giá mặt 4000đ, mang tên “Mẹ Đốp-Xã trưởng”: Đây là 2 nhân vật của nghệ thuật chèo tạo dựng nên cho chiếu chèo thêm hài hước sống động, trong truyện lưu truyền không hề có, nhưng chúng ta có thể hiểu đó là các nhân vật tượng trưng cho Làng- một thế lực ghê gớm của chế độ phong kiến- đã tra hỏi hạch tội Kính Tâm. Theo truyện, đó là đoạn từ câu 497 đến 502: “Đến nơi làng hỏi thực tình/ Tiểu kia đã quyết tu hành đến đây/ Sóng thu sao hãy còn lay/ Thị Mầu kia đã trình bày phân minh/ Nói ngay thôi cũng thứ tình/ Liệu tha chớ có dối quanh nữa đòn!”.

           -   Mẫu tem MSM 2896, giá mặt 6000đ, mang tên “Thị Kính bị phạt vạ”: Vẽ lại cảnh Kính Tâm bị làng phạt đòn đau đớn. Theo truyện, đó là đoạn từ câu 527 đến 532: “Nói sao cũng cứ tri tri/Túi roi vồ nọc tức thì truyền mau/ Làm cho chín khúc cùng đau/ Đào nhăn nhó mặt, liễu cau cớn mày/ Hải đường gặp trận gió tây/ Lá rơi rải rắc, hoa bay tơi bời…”.

            -  Mẫu tem MSM 2897, giá mặt 9000đ, mang tên “Thị Kính xin sữa”: Đây là cảnh trích đoạn từ chèo cổ, Kính Tâm phải nhận con của Thị Mầu để nuôi, không có sữa cho con bú, phải đi xin sữa khắp xóm làng để chịu nghe lời đàm tiếu, chịu thấy những cái nhìn khinh bỉ của người đời. Tương ứng với đoạn từ câu 625 đến 632 trong truyện: “Rõ là nước lã mà lầm/ Cũng đem giọt máu tình thâm hòa vào/ Mẹ Vò thì sữa khát khao/ Lo nuôi con Nhện làm sao cho tuyền/ Nâng niu xiết nỗi truân chuyên/ Nhai cơm mớm sữa, để nên thân người/ Đến đâu ai cũng chê cười/ Tiểu kia tu có trót đời được đâu…”.

blank

         Theo kinh điển nhà Phật, thì Quán Thế Âm (người đời thường gọi tắt là Quan Âm, do từ đời nhà Đường bên Trung Hoa, người trong nước kiêng kỵ dùng chữ Thế vì sợ phạm húy tên vua Đường Thái Tôn (tên húy là Lý Thế Dân), nên bỏ đi một chữ, lâu năm thành quen) là một vị Đại Bồ Tátlòng Từ Bi, thường hay cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh giữa bể khổ trần gian.  Quán Thế Âm Bồ Tát còn có hiệu là Quán Tự Tại Bồ Tát, đều do nghĩa dịch từ tiếng Phạn là Avalokitésvara Bodhhisatva. Đức Quán Thế Âm có nhiều danh hiệusắc tướng khác nhau, như: Quán Thế Âm Vô Úy, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm, Quán Thế Âm Chuẩn Đề, Nhật Nguyệt Quán Thế Âm, Quan Âm Đồng Tử, Quan Âm Nam Hải…

blank

         Từ dân gian truyền khẩu, nếu ở Trung Quốchình tượng sống động của một đức Quan Âm Diệu Thiện, được thờ cúng nhiều nơi, thì ở nước ta có hình bóng đức Quan Âm Thị Kính cũng đã đi vào trong tâm tưởng, thần thức của bao thế hệ. Từ truyện “ Quan Âm Thị Kính”, nỗi oan của chú tiểu Kính Tâm, cũng như tính lăng loàn trắc nết của cô nàng đỏng đảnh Thị Mầu đã trở nên điển hình và quen thuộc, đến nỗi trong dân gian lưu truyền những câu nói ví von: “Oan như Thị Kính”, hay “Lẳng lơ như Thị Mầu”.

        Bộ tem khối “Quan Âm Thị Kính” của Bưu Chính Việt Nam là một bộ tem được xếp vào hàng tem đẹp, lạ, mang nhiều đề tài cho người yêu tem đưa vào bộ sưu tập: hội họa, truyện cổ tích, nghệ thuật chèo cổ, và Phật giáo…

 

MÃN ĐƯỜNG HỒNG

 

 

 

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
22/08/2017(Xem: 4969)
25/12/2014(Xem: 4798)
13/12/2016(Xem: 14918)
28/05/2020(Xem: 7965)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.