Thư Viện Hoa Sen

Trở lại Nha Trang

04/08/20153:53 SA(Xem: 7324)
Trở lại Nha Trang

TRỞ LẠI NHA TRANG
Cao Huy Hóa

nha trangNha Trang, thành  phố  hiền hòa đó tôi đã quen  thuộc  khá lâu. Thời sinh viên, lần đầu đến  Nha Trang, tôi ngỡ ngàng  thấy biển  gần  gũi  trong  gang  tấc, tầm  mắt bừng  sáng với biển, với bãi cát dài chạy ven thành  phố, với nắng  gió duyên  hải; khác xa cái nhìn về biển Thuận An quê hương tôi hồi đó: một năm chỉ một, hai lần đi biển, mỗi lần đi như là một lần dã ngoại qua đêm, đạp xe đạp trên mười cây số, qua đò vượt con phá rồi đi bộ một quãng xa, mới đến được bãi biển Thuận An. Đến thời đi dạy, cùng với những thầy cô giáo ở Huế, vào mỗi hè, chúng tôi được đi coi thi, chấm thi nhiều lần tại Nha Trang, sống chung ở trường thi, ăn chung, ngủ trong phòng học, kê bàn làm giường, căng mùng, cùng  tâm tình, chiều đi dạo mát, tắm biển… Nha Trang cho chúng tôi hương vị của một thời đi dạy, của tình đồng nghiệp gần xa, khó mà quên được, như nắng gió và sóng biển Nha Trang.

Sau này, tôi ít có dịp về Nha Trang, và nơi này chỉ là chặng  dừng  chân trên đường  vào ra TP.HCM. May thay, gần đây, tôi được duyên  may ở Nha Trang hơn một tuần. Và như thế, một Nha Trang để tôi hoài niệm không thể che lấp một Nha Trang đầy sức sống, hiển hiện trước mắt.

Quãng thời gian từ năm 1975 đến nay là khá lâu dài để cho mọi nơi trên đất nước này phát triển rõ rệt, trong hoàn cảnh hòa bình, sức sản xuất được giải phóng  và hội nhập quốc tế đã xác lập; tuy thế, ta không khỏi ngỡ ngàng  trước một Đà Nẵng xây dựng hoành  tráng, và cũng như thế, trước một Nha Trang vươn dậy hình hài. Suốt từ sân bay Cam Ranh về trung  tâm thành  phố, chạy dọc bờ biển, không biết bao là resort, khách sạn, nhà  nghỉ, khu vui chơi,… Ở đây đúng  là biển  vàng, vàng từ tài nguyên  của biển, vàng từ bãi biển, nằm trong vịnh thuộc loại tốt nhất thế giới, và vàng từ khí hậu hiền hòa, nắng ấm gần như quanh năm. Tất nhiên, du khách khắp nơi tìm về bãi biển này, và sự hấp dẫn dễ kéo theo nguy cơ xây dựng và khai thác resort, khu vui chơi và các công trình du lịch lấn bãi biển, che lấp những hàng thùy dương, hàng dừa xanh, phá vỡ cảnh quan tuyệt đẹp của tổng thể con đường với một bên là hàng biệt thự một thời rất thanh lịch, và một bên là biển xanh với bờ uốn lượn trải dài. Một nguy cơ như thế khiến người dân e ngại không gian xanh của mình bị ngột ngạt và bê-tông  hóa, hạn chế bãi tắm tự nhiên như một ân huệ của biển trời dành cho mọi người.

Như quy luật, Nha Trang phát triển nhiều nhất dọc theo bờ biển. Hơn năm năm về trước, tôi có dịp thấy cảnh xây dựng ngổn  ngang  của con đường  ven biển chạy lên phía Bắc, thì nay, con đường đó rộng rãi phong quang, dân cư đã đông, thị tứ phát triển, và khắp nơi, nhất  là trên đường  Phạm Văn Đồng, khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm. Song song với con đường này, những nơi dân cư vắng vẻ hồi trước giờ đã khó tìm vết tích, với Xóm Bóng, nơi có cây cầu hiện đại, với những công trình dọc ngang  khắp thành  phố, làm cho Nha Trang hoàn  toàn  khoác lên áo mới rộng rãi hơn, rực rỡ hơn. Không những  trên đất liền, du lịch Nha Trang vươn mạnh ra phía biển với những đảo, những hòn, và nổi bật nhất là đảo du lịch Vinpearl với hệ thống  cáp treo nối với đất liền, với kiến trúc nhà nghỉ sang trọng, thanh  lịch, khu vui chơi giải trí phong  phú, hấp dẫn, bãi tắm trong xanh, hiền hòa, và cũng rất đặc biệt, một ngôi chùa trang nghiêm trên đỉnh núi lấy tên Trúc Lâm Tịnh Viện.

Tôi không  quên  thăm  lại Hòn Chồng. Ngày trước, con người chưa xây dựng  gì, thiên nhiên  vẫn hoang sơ, Hòn Chồng lồng lộng giữa trời, với những tảng đá to chồng lên nhau, giữa một quần thể đá trải rộng ra biển, thật tạo hóa khéo ra tay xếp đặt. Ngày nay, cảnh lồng lộng và hoang  sơ giảm đi, Hòn Chồng trở nên gần gũi hơn, “thân mật” hơn; cà-phê đã với tới nơi anh chàng hiền lành kia, và thiên hạ cũng cặp đôi cho anh một Hòn Vợ phốp  pháp khá gần đó (chứ trước đây ai cũng nghĩ đến Hòn Chồng như là hiện tượng đá chồng một cách ấn tượng, không mấy ai nói đến Hòn Vợ). Rất gần với Hòn Chồng, về phía trung tâm thành phố, xuất hiện một thắng cảnh, một ngôi chùa, nhỏ thôi, nhưng độc đáo, đúng hơn là một hòn: Hòn Đỏ, vốn trước đây là đảo trọc, đảo đá, cách bờ chỉ khoảng ba trăm mét, không ai ngó ngàng… chỉ trừ một nhà sư!

Đó là Hòa thượng Thích Viên Mãn1, người Phú Yên, năm nay đã 80 tuổi mà vẫn còn nét quắc thước. Những năm còn trẻ, tu ở chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên đỉnh Sinh Trung (Nha Trang), trong  một  đêm  khuya, thầy chợt thấy sáng lên một đám hồng về phía biển, cách bờ không xa. Hôm sau, bình minh vừa chớm, thầy đi đến nơi, nhận ra đảo hoang, đá to như có màu hồng nổi bật trên biển xanh, thầy nguyện sẽ ra đó lập chùa tu tập. Đảo chỉ có đá, rất nhiều đá to, lối đi lên núi hiểm trở, không  một  bóng  cây, chỉ có một  ít cây gai, khô khốc, nung nóng. Khó khăn càng lớn thì hạnh nguyện càng cao. Suốt mấy chục năm trường với sức mình là chính, với sự giúp đỡ của mẹ già và một gia đình tốt bụng  (anh Sáu Sài Gòn) và một số dân chài, thầy đã chuyên chở nước từ bờ bên này qua bờ bên đảo, rồi gánh lên núi để duy trì sự sống cho người và cây, cũng như chuyên chở đất lên đảo đá trọc để trồng cây – cây lớn cũng như rau xanh, và nhất là dựng được nơi thờ Phật cho thầy tĩnh tâm tu hành. Giờ đây, ngôi chùa Từ Tôn trên đảo tuy không to lớn, chỉ được kết cấu bằng vật liệu nhẹ, nhưng  có nét đẹp riêng, hài hòa với thế núi, thế đá, rợp bóng  cây cao, nhiều nhất  là cây xoài đến mùa chi chít trái và trái xoài của đảo rất thơm ngọt. (Hôm tôi đến, xoài chín rớt lộp bộp, ngay trên bước đi). Nơi đây còn là tác phẩm sắp đặt thiên nhiên kỳ thú với đá, trinh nguyên, gan lỳ, nhẫn nại, chất phác, đơn giản cùng cực, giữa trời biển mênh mông.

Hòn Chồng không chỉ là tên của thắng cảnh xưa nay, Hòn Chồng còn là tên của một con đường mới vuông góc  với con  đường  Phạm  Văn Đồng  ven  biển,  con đường đối với tôi lạ mà chóng  quen, vì khách sạn tôi ở nằm trên đường đó. Khách sạn với kiến trúc nhà trệt, chỉ có nhà hai tầng  ẩn phía sau, toàn thể bao quanh khu vườn mát mẻ, với hồ bơi có dáng  cách điệu, với thảm cỏ xanh tươi, hoa sứ, liễu rủ bên hồ. Nếp sống gia đình của chủ nhân  là phóng  khoáng  và thấm  nhuần đạo Phật, anh là hội viên Hội Nhiếp ảnh của tỉnh Khánh Hòa, vác máy ảnh say sưa đi tìm cảm xúc mới lạ, chị quán xuyến việc nhà, việc khách sạn mà vẫn dành thời gian đi lễ chùa, đặc biệt nhân viên tín cẩn của anh chị là một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành du lịch, đang  chờ xin việc làm, dễ thương, lanh lợi. Chủ nhân đã khéo đặt tên khách sạn là La Paloma – một sự “ăn theo” bài hát nổi tiếng cùng tên – và khéo đắp nổi dòng chữ Villa La Paloma trên cao, chữ xanh đậm trên nền trắng, rất ấn tượng. Ôi, bài hát La Paloma thiết tha, rộn ràng, đã đi vào tâm hồn bao người trẻ, như tiếng gọi của nắng gió trùng khơi, của hải âu tung cánh, của cánh buồm lướt sóng, của mộng phiêu lưu hải hồ!

Khách sạn La Paloma là khách sạn cuối trong chuỗi khách sạn và nhà nghỉ trên con đường dài chỉ chưa đầy nửa cây số, tính từ phía biển đi lên, tất cả đều nhỏ, gọn, chỉ trừ một nhà nghỉ dưỡng  dành  cho các linh mục, nhiều tầng, kiến trúc khá đẹp, thanh  lịch, mọi phòng, mọi tầng đều thoáng, hoa lá từ sân cho đến lan can cửa sổ. Sáng sớm và chiều tà, thường  chúng tôi đi qua lại con đường đó, dạo mát và tắm biển. Vui nhất là sáng sớm, dân đi tắm biển đông, áo quần tự do thoải mái, và tắm xong thì cũng tự nhiên mặc ướt đi về. Mặt trời chưa rạng thì chợ trời đã họp và đông chút buổi sáng, bán đủ các sản phẩm tươi: tôm cá mực… từ biển, rau và hoa quả từ vườn, nhiều nhất là xoài và chuối, kể cả bó chè xanh quen  thuộc  của Huế, rồi thì không biết bao nhiêu là quà, là thức ăn sáng, giá bình dân. Người bán và người mua đều nhẹ nhàng, hầu như không mặc cả, người bán thì phần đông nói tiếng địa phương, lẫn trong đó có anh chàng nói tiếng Huế đon đả chào mời: chả ngon lắm, không thua chi chả ngoài Huế mô!; còn người mua thì có rất nhiều người nói giọng Bắc miền Trung. A! Thì ra đất lành chim đậu!

Còn gì của Nha Trang mà mình cần đi thăm  ngày cuối? Thôi thì xin để mấy bà dẫn dắt  vào Chợ Đầm, khu chợ nổi tiếng của Nha Trang và thuộc loại lớn nhất nước. Vào chợ thì tôi chỉ mong  ra, vì tôi không hứng thú với cảnh tấp nập chợ búa, và thế là tôi lang thang trên những con đường nhỏ bên ngoài. Chợt thấy bảng tên đường  Sinh Trung. Đúng rồi, chùa Kỳ Viên ở trên con đường này, trên đỉnh núi. Nguyên nơi đây, vào đầu thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn cho lập miếu thờ các công thần có công lớn dựng vương triều, sau này Đức bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) nhân dịp về Nha Trang, đến nơi này, thấy cảnh đẹp, muốn biến nơi này thành một ngôi chùa, đã vận động các chức sắc địa phương và được hoan hỷ chấp nhận. Từ đó ngôi chùa ra đời, lấy tên là Kỳ Viên Trung Nghĩa.

ky vien trung nghiaĐi khá lâu chúng tôi mới thấy mái chùa cao, và đến nơi cứ tần ngần tìm lối vào, vì cảnh vật đổi thay, nhà dân đã choán hết đất chùa dưới chân núi, chỉ chừa con đường nhỏ. Chùa cao sừng sững, nhìn lối đi hẹp, toàn là bậc cấp bằng đá như dựng đứng. Chân đã mỏi, gối đã chồn, chúng tôi ngần ngại chưa bước lên, may thay, một anh bảo vệ kéo chúng tôi qua một bên, cửa mở, ôi, thang  máy! – một đặc ân mà thông  báo có ghi: dành cho quý tôn túc, hòa thượng, và các vị già yếu. Có lẽ đây là ngôi chùa đầu tiên mà tôi đến thăm, có thang máy ngay từ cổng.

Chúng tôi muốn vào chùa lễ Phật, nhưng cửa đóng, phía trong chánh điện không sáng đèn, cho nên chúng tôi lững thững  đi sâu vào sân sau, khung  cảnh vắng lặng, phòng ốc rộng rãi, một vài thầy trẻ đi qua, chúng tôi chỉ biết vái chào. Vào cuối sân, may thay, có ghế đá, chúng tôi ngồi duỗi chân, hưởng gió mát trên đỉnh núi trong khi chiều xuống nhẹ. Phía dưới đồi, nhà nhà san sát, còn phía sau, bao la màu xanh của biển tiếp nối màu mây pha ráng chiều. Tôi chợt quay qua một bên: một ngôi tháp với những  hộc màu trắng có nắp, bao quanh  tháp với nhiều tầng. Cũng những  hộc như thế đầy trên bức thành sát đó, xây tựa vào thế đá núi. Nào ai có hay, tro cốt được đưa lên cao, cùng với mây trời, gió núi, văng vẳng sóng biển rì rào! Vô thường  thân mật với mình như thế sao?

Giã từ buổi chiều thinh lặng, chúng  tôi xuống núi, hòa nhập với dòng người và trở về La Paloma. (TC. Văn Hóa Phật Giáo)

Chú thích:

  1. Bạn đọc có thể tìm đọc tác phẩmNgười gánh nắng, của Quách Giao, NXB. Hội Nhà Văn, 2010, (sách online tại Thư Viện Hoa Sen) để biết hạnh nguyệncông đức của nhà sư Viên Mãn, biến một đảo đá hoang vu thành một thắng cảnh với ngôi chùa Từ Tôn.
Tạo bài viết
22/02/2017(Xem: 10338)
27/10/2023(Xem: 1635)
21/11/2015(Xem: 8396)
16/03/2019(Xem: 7791)
02/07/2023(Xem: 3478)
23/03/2019(Xem: 10242)
05/03/2017(Xem: 7388)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: