Khi Dì Trang Niệm Phật

30/01/20163:05 CH(Xem: 6503)
Khi Dì Trang Niệm Phật

KHI DÌ TRANG NIỆM PHẬT
Truyện ngắn của Nguyên Giác

Di Trang qua Florida Nov 1 2015
Dì Trang ngồi xe lăn chờ lên phi cơ sang Florida
ngày 1-11-2015. Hàng đứng, từ trái: Vân, Hải, Nhật

Dì Trang là em của má tôi. Nếu không kể bên phía má, tôi có thể gọi dì bằng vai thấp hơn. Đơn giản, ba tôi là chú của chồng dì Trang. Khi ba tôi rời Hà Tĩnh để vào Nam, vào một thời xưa lắm, nghĩa là nói kiểu dân gian là năm một ngàn chín trăm gì đó, có dẫn theo một người cháu. Thế rồi, khi ghé Nha Trang, hai chú cháu kết hôn với hai chị em.

Vậy mà tôi sinh ở Sài Gòn, vì ba tôi làm cho ngành hỏa xa, bây giờ gọi là ngành đường sắt. Trí nhớ về thời xa xưa không nhiều. Nếu nói về địa dư, tôi còn nhớ mang máng hồi nhỏ có đi vài nơi, dĩ nhiên là được người lớn dắt đi.

Nãy giờ quên. Lẽ ra đầu truyện (nếu đây là truyện, vâng, hẳn là cũng có chút hư cấu, vì tôi không thể nhớ chính xác mọi chuyện trên đời này), cần nói rõ rằng dì Trang được nhiều người ở Quận Cam biết tới. Nói tới cao tột cùng trong cộng đồng, dì Trang có quen biết từ nhiều thập niên với cụ Lê Khắc Lý, người từng là Chủ Tịch Cộng Đồng, từ thời trước 1975 ở Sài Gòn; lúc đó, dì làm thư ký ở Sở Tổng Quản Trị, nơi bác Lý giữ chức Giám đốc hay tương tự trong Sở. Nếu nói về cõi người già, Dì Trang cũng từng hoạt động trong Hội Cao Niên Á Mỹ của bác Từ Dung, làm nhiều việc linh tinh…

Nhưng nơi đây, chúng ta chủ yếu là nói chuyện nhà Phật. Bây giờ, Dì Trang đã rời Quận Cam để sang Florida. Tôi không có cơ hội nói chuyện Phật pháp với dì nữa, dù là trước giờ vốn đã nói chuyện đạo là không nhiều, nhưng trong lòng vẫn bâng khuâng.

Dì Trang tin vào Đức Phật một cách tự nhiên. Đúng ra, cả dòng họ tôi là như thế. Chồng của dì khuất núi thời đầu thập niên 1960s. Tôi không có nhiều kỷ niệm với chồng của dì, nhưng đã quen gọi chồng của dì là “anh Thọ,” nghĩa là, gọi theo bên nội.  Gọi “anh,” vì anh là cháu của ba tôi. Ký ức của tôi về anh chỉ mang máng là, khoảng năm tôi 4 hay 5 tuổi, được đưa ra biển Nha Trang tắm, tự nhiên sụp té, ngộp nước, sặc nước bi đát, rồi khóc lớn tiếng, thế rồi anh Thọ ôm tôi vào bờ. Bây giờ, mỗi lần nhớ tới hình ảnh bé thơ lúc đó, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng sóng biển vỗ vào bờ, và cảm nhận làn gió lạnh buốt, thổi phất phơ chỏm tóc nhi đồng… Kỷ niệm khác nữa, là tỉnh Long An, nơi anh Thọ về đơn vị nơi đó và rồi tử trận ở tỉnh này; nơi đó, tôi còn nhớ món ăn dế cơm nhét đậu phụng chiên dòn là tuyệt vời. Ký ức thời thơ ấu của tôi chỉ mang máng như thế.

Nếu nói về cõi nhà  Phật, Dì Trang cũng là người có nhiều công quả với nhà chùa. Có vài năm, tuần nào dì cũng vào bếp Chùa Hoa Nghiêm ở Santa Ana, phụ việc lặt rau, gọt khoai… Đó là thời, tuy đã cao niên, nhưng sức khỏebình thường. Có lần, dì kể rằng Thầy Pháp Tánh hôm đó xuống bếp, rầy mấy bà gắt quá, bắt tất cả lên chính điện niệm Phật, vì cứ ngồi dưới bếp thì biết tới bao giờ hiểu đạo… Tôi không biết dì thích lựa chọn nào hơn -- muốn ngồi dưới bếp chùa, hay muốn lên chính điện tụng kinh, niệm Phật. Nhưng dĩ nhiên, dì lúc nào cũng kính trọng quý thầy.

Tôi còn nhớ dì đặc biệt ưa hỏi thăm về đứa em thứ ba của tôi ở Sài Gòn, tên là Danh, nhưng tên ở nhà là Chút. Cô này bị bệnh chậm trí, tội nghiệp, không hiểu tại bẩm sinh, hay bị té, hay vì bệnh gì gây ra. Có một lần, dì Trang nói với tôi rằng, dì tin rằng kiếp trước của con nhỏ Chút là  dì Dậu. Tôi hỏi sao tin vậy. Lúc đó là mới mấy năm trước, tôi chở dì Trang đi đâu đó, có lẽ đi chợ, hay đưa dì về khu người già. Nghĩa là, dì Trang để chuyện này cả mấy thập niên, rồi bất chợt mới nói.

Có vẻ như bí mật lắm.  Dì kể rằng dì Dậu chết năm 17 tuổi. Nên ghi thêm rằng, má tôi là chị cả, rồi tới dì Dậu, rồi tới dì Trang, rồi tới dì Điểm. Lý do bệnh sao đó, có lẽ thương hàn. Thời đó, y khoa chưa tiến bộ, chết trẻ là thường. Nhà ở Dĩ An, gần khu nhà ga. Dì Trang nói, trông mặt con Chút là dì Trang thấy y  hệt dì Dậu; mà trước khi dì Dậu mất, có nói với má tôi, và dì Trang nghe được: “Em mang ơn chị, kiếp sau sẽ trả.”

Tôi nghe, chỉ ghi nhận thôi, không dám phê phán. Trong lòng nghĩ rằng, gene của dòng họ đôi khi có người trông giống người của thế hệ trước, cũng là thường. Nhưng, ai mà biết hết chuyện cõi này.

Dì Trang mê coi phim bộ. Khoảng chừng hơn chục năm trước, thời đó chưa có truyền hình nhiều như bây giờ, dì phải thuê băng video về nhà xem. Có khi tôi chở dì ra một tiệm ở Bolsa để dì thuê video, mỗi lần khoảng 20 cuốn, hay 30 cuốn băng. Nghĩa là, phải mang theo giỏ xách, và, dĩ nhiên, mang thẻ của tiệm băng đó.  Có khi nhỏ Vân, em tôi chở dì đi đổi băng.

Lòng tôi lo sợ, nghĩ rằng trong khi dì xem phim bộ Đại Hàn, rủi đứng tim chết, là kiếp sau hẳn là thác sanh ở xứ kim chi. Tôi nói, sao dì Trang không để toàn bộ thì giờ để tu học. Dì nói, dì mỗi ngày 2 thời kinh nhật tụng là đủ. Tôi nói, tu như thế không đủ đâu, vì một ngày 24 giờ, chỉ tu có 2 giờ là hỏng. Mà dì Trang nè, dì ngồi tụng kinh cũng đâu có toàn tâm, toàn lực, vì dì cứ nhớ mấy đứa con, mấy đứa cháu ở Sài Gòn, có khi chợt nhớ là phim bộ tới chỗ ly kỳ gay cấn… đúng không.

Dì nói, đúng vậy đó, nhưng phim bộ hay quá mà.

Tôi nói, phim nào cũng y như nhau thôi, cứ có một chàng và một nàng, rồi thảy vô người thứ ba, thế là thành chuyện ly kỳ gay cấn, hay là kiểu chàng công tử mê cô ôsin, rồi vân vân… Có gì khác đâu?

Dì nói, có khác chớ, tài tử đẹp, áo quần đẹp, cảnh tuyết trên sông nước Hàn quốc đẹp,  ngoài đời không thấy…

Tôi nói, nếu dì cứ mê cõi này như thế, làm sao vãng sanh lên cõi Phật chớ…

Hễ nghe nhắc tới Đức Phật, dì không cãi nữa.

Trong mấy đứa con dì Trang, dì lo nhất là thằng Tuấn. Tên ở nhà gọi là Cu, nhưng rồi khi lớn, mọi người quên cái tên ấy đi, vì tên xấu chỉ đặt khi còn nhỏ, để theo thói quen, tên xấu sẽ không xảy ra chuyện quỷ tha, ma bắt gì đó. Nói chuyện tên xấu, cũng cần ghi rằng, thỉnh thoảng, khi dì nói chuyện với tôi, hay dì nói với nhỏ Vân, vẫn gọi tôi là Chít, khi ở ngoài công chúng mới gọi tên là Hải. 

Di lo cho Tuấn vì, anh này sức khỏe kém, người ốm nhom, dễ mệt, tay chân lại vụng về. Có một lúc, Tuấn về Cần Thơ,  theo bạn học nghề mộc. Đó là điện thoại cho biết, tôi chỉ nghe kể lại thôi. Tuần nói sẽ tạc một chiếc mõ bằng gỗ mít, rồi sẽ gửi sang cho dì Trang dùng khi tụng kinh. Sau vì lý do gì đó, tôi lại nghe Tuấn về lại Sài Gòn, nhưng không làm nghề mộc, mà đi làm hãng. Nghĩa là, tay nghề của chàng cũng vụng lắm. Vậy rồi, Tuấn cũng có vợ. Mỗi tháng dì đều gửi tiền về cho Tuấn, nghĩa là bên này, dì sống tiết kiệm lắm, vì tiền già đâu có bao nhiêu.

Rồi Tuấn gửi sang cho dì Trang chiếc mõ. Tôi nhìn thấy cũng bình thường như mọi chiếc mõ khác, nhưng đúng là có nét thô sơ hơn. Tôi không hỏi dì, xem có phải mõ này đúng là Tuấn điêu khắc ra, hay là nhóm bạn thợ của Tuấn. Nhìn thì thấy có nét thô sơ, nhưng nghe vẫn không thấy khác các mõ khác. Vì hỏi nhiều, dì lại đâm ra nghi vấn.

Tôi nói, dì Trang tụng kinh với mõ này là hay lắm, xem như thằng Tuấn cũng có công đức.

Dì nói, tiếng mõ có khác đó, hay hơn các mõ khác, rồi tối dì nằm ngủ là nghe âm vang tiếng mõ trong giấc ngủ, cả trong giấc mơ.

Tôi nói, giấc ngủ không mơ, mới tốt cho sức khỏe. Nhưng di nè, thà là dì tụng kinh niệm Phật cả ngày, còn hơn là coi phim bộ Đại Hàn.

Dì nói, hết thuê video rồi, bây giờ nhiều đài truyền hình, coi phim trên đài thôi.

Tôi nói, mỗi phim, mỗi đài là mỗi cõi chúng sanh tham sân si, đâu có bao nhiêu chương trình nói pháp đâu.

Dì nói, bây giờ cũng có phim bộ về Đức Phật rồi.

Tôi không nói thêm, không bàn luận… vì thâm tâm, vẫn ưa đọc hơn là xem phim, vì Đức Phật mà có hình tướng, dù đẹp cỡ nào đi nữa, cũng kỳ kỳ thế nào ấy. Nhưng, thà để dì xem phim Đức Phật, còn hơn là xem phim lãng mạn.

Con của dì Trang bên Mỹ chỉ có hai đứa con gái: Hà ở Nebraska, Nhật ở Florida. Đứa nào cũng có chồng con, nên bận rộn vô chừng. Thỉnh thoảng, dì vẫn bày tỏ quan tâm về  hai đứa ở Mỹ, và mấy đứa còn ở Sài Gòn. Còn ở Quận Cam, dì chỉ có cháu, đó là tôi và nhỏ Vân; hai đứa cháu này cũng bận kinh khủng. Tôi làm nghề báo, lại ưa bỏ ăn, bỏ ngủ để đọc kinh… thì giờ đâu mà gần dì. Còn nhỏ Vân làm ở tiệm ăn Tàu, ngày nào cũng đi bộ như lực sĩ đường trường. Thế nên, dì ở Quận Cam cũng quạnh quẽ vậy.

Bây giờ dì đã sang Florida  ở với Nhật. Thực ra, khi viết chữ, ghi là Nhật, nhưng cả nhà khi nói chuyện chỉ gọi là  “con Nhựt.”  Gọi thế là thói quen, chớ Nhật cũng già rồi, vào ngũ thập rồi.

Nhân duyên dì rời Quận Cam cũng dài dòng.

Mới năm ngoái, Tuấn chết. Dì đâu có vè VN kịp. Thôi thì về trễ. Tội nghiệp, rồi ai cũng ra đi, chỉ sớm hay muộn thôi. Nhưng hình ảnh tóc trắng tiễn đưa tóc xanh lúc nào cũng xúc động nhiều lần hơn bình thường. Nói nhỏ chỗ này, tôi không ưa cảnh tang lễ trong phim bộ, dù của Đại Hàn hay Đài Loan. Lúc nào cũng cảnh tuyết rơi, hay lá rơi, các phụ nữ đều đẹp tuyệt trần bày tỏ ưu sầu. Tuy khăn tang trong phim là không thật, nhưng họ đều khóc mùi mẫn trong tiếng nhạc đệm của đàn dương cầm…

Đời thực đâu có như thế. Làm gì có nhạc đệm như phim, chủ yếu chỉ có tiếng tụng kinh của ban hộ niệm, hay từ máy thôi. Phần hay nhất trong tang lễ là phần thuyết linh của quý tăng ni, rồi tới màn điếu văn từ biệt từ các bạn thân, và vân vân.

Cần để nói thêm… Dì kể, buổi chiều hôm đó dì tụng kinh, tự nhiên tay cầm dùi mõ nặng kinh khủng. Dì lo là dì trở bệnh. Hễ dì nhấc tay mõ lên, là như có sức nặng ghì xuống.

Dì kể rằng lúc đó, khi dì quay nghiêng sang một bên, vì đổi thế cho đỡ đau chân, vì già rồi, xương cốt đụng đâu cũng đau đó, tự nhiên dùi mõ lăn xuống sản, tới đầu bàn chân của dì. Dì thắc mắc, không nhớ hồi nãy dì để dùi mõ ở đâu mà sao lại lăn như thế. Tụng kinh lại, tay cũng ghì nặng, không gõ mõ được. Nhưng lòng của dì vẫn nhẹ nhàng, không có gì u sầu, theo dì nhớ lại, chỉ tự nhiên muốn ngủ.

Khi dì vào giấc ngủ đêm đó, dì mơ thấy chiếc mõ hiện ra lơ lửng như chiếc hoa sen bay giữa trời. Tự nhiên trong giấc mơ, khi thấy như thế, dì tụng chú Đại Bi, hết một biến, rồi niệm danh hiệu Phật  A Di Đà. Tới sáng, có điện thoại từ Việt Nam gọi sang, nói Tuấn từ trần rồi.

Sau, dì kể lại, tôi nói thôi, có lẽ đó là điềm lành, nhưng không ai biết được.

Dì nói, thời kinh buổi sáng, dì dùng mõ lại thấy nhẹ nhàng, nhưng chủ yếu tụng gấp, vì phải lo chuyện tang gia mà. Nghĩa là, không có gì trở ngại hay nặng nề với tay mõ nữa.

Tôi an ủi, dì ơi, ngày nào dì cũng tụng Bát Nhã Tâm Kinh là biết rồi, thân nào cũng là sắc thọ tường hành thức, rồi cũng vốn thực là không rồi, nhưng thế là điềm lành đó, vì hễ hoa sen bay, là điềm lành mà.

Mới mấy tuần trước, dì Trang đi cấp cứu. Sau đó, Nhật từ Florida bay sang, đón dì sang để ở chung nhà, chăm sóc cho dễ. Lòng tôi bùi ngùi, khi đưa tiễn dì ở phi trường Orange County (hay có lẽ, phi trường Los Angeles, tôi không nhớ chính xác, vì tuổi tôi cũng lục thập nhi nhĩ thuận rồi, khi nhớ, khi quên; tới khi ngó lại hình, mới nhớ chính xác là phi trường Quận Cam).

Lúc đó, dì Trang ngồi xe lăn. May mắn, anh Phát, người do Quận Cam trao nhiệm vụ chăm sóc dì mỗi tuần mấy giờ, có chiếc xe van không lồ, chở được chiếc xe lăn, mà tôi thấy là chiếc xe cà tàng của tôi không thể nào có chỗ.

Hình ảnh một bà cụ tóc trắng, ngồi xe lăn, được tiễn ra phi trường, có gì như không thực.

Tôi nói, cố ý giỡn, cho bớt cảm động, Vân nè, Nhựt nè, anh Phát nè, chụp hình nhen, cười nhen…

Khi Nhật bước tới cổng có gắn máy dò vũ khí, vì xe lăn của dì sẽ có nhân viên phi trường đẩy sau, tôi dặn vói theo Nhật, nhớ đừng làm lạc mất cái mõ của anh Tuấn nghe chưa. Rồi nói với dì, dì Trang ơi, đi nhớ vui nhen, nhớ tụng kinh niệm Phật hàng ngày nhen…

Khi tôi lái xe về nhà, tự nhiên nước mắt ứa ra, trong khi bài chú Đại Bi thời thơ ấu tự nhiên nghe lại âm vang trong đầu…

Nguyên Giác

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/01/2022(Xem: 3212)
03/02/2015(Xem: 8313)
24/04/2019(Xem: 5101)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.