Lối Xưa Thu Thảo

27/03/20174:35 CH(Xem: 7629)
Lối Xưa Thu Thảo
LỐI XƯA THU THẢO
Toại Khanh

loi xuaTrời đất ở đây đang vào thu, cỏ cây đẹp đến chết người, nhưng bây giờ là tiết tháng mười, nên mới 5 giờ chiều thì nắng đã muốn tắt. Tôi ngẫu nhiên có mặt trên con phố này vào thời điểm sáng tối giao ban ấy, để lại có dịp thấm thía một điều hết sức bình thường mà chiều nay thì bỗng nhiên rất lạ: Không cái gì ở đây là mới lạ với tôi hết, dù hôm nay là lần đầu tôi tới nơi này. Mọi thứ ở đây sao mà quen thuộc đến vậy. Rồi thì như một kẻ mộng du, tôi bật cười một mình. Có đi bao xa thì tôi cũng không sao trốn được cái bóng của mình, có đi bao xa thì cũng chỉ là sự trở về, sự quay lại để mà trùng phục, tái hiện (samsara)!

Chuyện đó nghe qua như huề vốn. Ai học kinh Phật lại chẳng biết qua cái điều rất đỗi căn bảnđơn giản đó. Nhưng tôi vừa thưa rồi, không phải tôi vừa nhớ lại bài học giáo lý cũ, mà là thấm thía một điều từ lâu cứ ngỡ là mình đã học xong, chẳng còn gì để bàn đến nữa.

Tôi lại bước đi trên con phố, con đường lát đá không lưu lại tiếng chân, để tôi có thể lắng nghe trọn vẹn toàn bộ cái gọi là âm thanh một buổi chiều với những gió thổi, lá rơi và thảng hoặc một tiếng còi xe từ đâu đó. Lối đi này chỉ dành cho người đi bộ. Thế là tôi yên tâm bước, dù vẫn luôn nhớ giữ lề phải để không làm phiền những người khách ngược chiều. Suốt mấy giờ đồng hồ chiều nay, như một cái máy được điều khiển bằng một software cài sẵn, đôi chân và ánh mắt tôi chỉ dừng lại ở những nơi chốn gần như giống hệt nhau: Một gốc cổ thụ xù xì, một tảng đá xanh rêu, một dòng nước trong vắt, những cửa hiệu nhỏ xíu kiểu boutique với những mặt hàng không thay đổi, như tranh tượng Á châu hay sách cũ.

Tôi giật mình khi nhớ lại bao lần lang thang đâu đó, hình như khẩu vị của tôi chưa từng thay đổi. Dù có thể đó là một nơi chốn chỉ mới đặt chân đến lần đầu, tôi cứ như đang quay về, chỉ vì tim tôi và mắt tôi chỉ hướng về những gì quen thuộc. Có đi đâu, với tôi cũng là tìm về chốn cũ bằng những con đường mới. Như chồn nhớ hang, như hổ nhớ rừng, trẻ con nhớ mẹ, viễn khách nhớ quê. Thế giới này có rộng lớn bao nhiêu cũng mặc, cái quan trọng là cảnh giới của riêng tôi ra làm sao. Tôi có thể nhìn thấy nó qua bao nhiêu điều gợi ý, và bản thân nó có đủ để tôi vươn khỏi đầu cây ngọn cỏ để tới được trời xanh hay không. Không từng bỏ thời gian để nhìn lại cảnh giới nội tâm chính mình, cõi sống của mỗi người có thể chỉ quẩn quanh trong một bể cá kiểng.

Trong một thoáng phiêu linh tôi bỗng thấy mình chẳng còn là một du sĩ ta bà như vẫn tưởng, mà chỉ là một chú cá hồi (salmon) đang giã biệt trùng khơi để một mình làm chuyến ngược nguồn về lại nơi chốn mình đã phôi sinh từ bao đời kiếp. Tôi cũng nghe đâu đó trong sâu thẳm tim mình nỗi niềm hoài quận của một người Do Thái điêu linh đang từng bước trở về miền đất Hứa của riêng tôi, như tôi đã hứa với chính mình, chứ không phải một đấng cao xanh nào hết. Phải mà, Bồ-tát hay không Bồ-tát thì ai lại chẳng có một cõi miền để quay lại. Có điều rằng cõi miền ấy là đâu để một hạt cát hóa thân thành Phật hay tiếp tục vần xoay trong biển đời miên viễn. Thì ra tôi chỉ là những gì chính mình vẫn hoài vọng và chốn đi về của tôi cũng chính là phương trời mình vẫn đau đáu ngoái nhìn. Một con cá hồi, một người Do Thái… Ai cũng chỉ là chừng đó mà thôi!

Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó câu nói này: Hãy cho tôi biết 5 điều anh thích nhất và ghét nhất, tôi sẽ cho anh biết con người của anh ra sao. Con số 5 đó không lớn, nhưng theo tôi, hình như nó cũng tạm đủ để phác họa một con người cùng cảnh giới lai vãng của anh ta.

Nói vậy, nhưng nhiều khi chẳng cần đến con số 5 ấy để mà hiểu một người hay một chuyện. Trong vùng tâm tưởng lan man, tôi chợt như nghe lại bên tai mình một câu chuyện trẻ con ai đó mới kể chiều hôm qua, để rồi phải giật mình khi nhận ra rằng nơi chốn để tôi quay về bây giờ phải là ở đâu.

Thằng bé Marlon 4 tuổi trong một bữa điểm tâm đã càu nhàu với mẹ:

– Con chẳng khoái cái thứ phô-mai Emmentaler này tí nào, gì mà nhiều lỗ như tổ ong đấy mẹ ạ.

Bà mẹ biết rõ cu cậu chỉ thích kiếm chuyện, nhưng vẫn ôn tồn, dỗ dành:

– Mẹ biết, nhưng sáng nay nhà mình chỉ còn một thứ phô-mai này thôi. Con chịu khó một tí đi. Thôi thì thế này, cứ ăn hết phô-mai còn mấy cái lỗ trên đó thì chừa lại.

Thằng bé loay hoay một lát, rồi cũng chén sạch miếng phô-mai vì không biết phải làm sao để chừa lại mấy cái lỗ!

Con đường lát đá trên con phố cổ buổi chiều cứ lặng câm không bật lên một tiếng động nào, nhưng rõ ràng tôi vừa nghe thấy mồn một từng bước trở về của mình trên một vùng đất hẹn:

“Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Người thương có nghĩa…trăm năm cũng về”
(Ca dao)

 

TOẠI KHANH

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/01/2022(Xem: 3208)
03/02/2015(Xem: 8312)
24/04/2019(Xem: 5101)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.