Vì Sao Tây Du Ký Có Sức Sống Mãnh Liệt Như Vậy?

19/04/20175:00 CH(Xem: 8799)
Vì Sao Tây Du Ký Có Sức Sống Mãnh Liệt Như Vậy?

VÌ SAO TÂY DU KÝ CÓ SỨC SỐNG MÃNH LIỆT NHƯ VẬY?
(Viết nhân khi hay tin nữ đạo diễn Dương Khiết qua đời)
Thông Định

 

taydukyphimXin nói trước đây không phải là một bài nghiên cứu, phê bình, hay bình luận chi cả. Mọi thứ được viết ra là hoàn toàn chủ quan, nghĩ gì viết đó, đụng đâu viết đấy, thích sao viết vậy. Và khi nói "Tây Du Ký" thì mình cũng không phân biệt lắm giữa nguyên tác văn học và bộ phim được công chiếu năm 1986. Bên cạnh đó, bài viết lấy thông tin từ rất nhiều bài báo khác mà không dẫn nguồn, mong mọi người thông cảm

Chắc chẳng mấy ai đọc nguyên tác Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân để đối chiếu xem bộ phim năm 1986 có tuân theo nguyên tác hay không. Tuy vậy, đọc đôi bài về nữ đạo diễn Dương Khiết, biết đôi điều về bà: lén cha xem tiểu thuyết khi còn nhỏ, đọc Tây Du Ký năm 8 tuổi; và nghe lời bà nói: "Danh tác cổ điểntinh hoa văn hóa, chúng ta cần thận trọng khi xử lý tác phẩm. Đừng sửa bừa bãi, đừng thêm nội dung một cách thiếu căn cứ." thì có thể thấy bà rất tôn trọng tác phẩm gốc. Cũng có nhiều bản Tây Du Ký được đóng lại về sau nhưng chưa (và có lẽ MÃI MÃI không) có bản nào vượt qua được bản năm 1986 về sức cuốn hút và sức sống qua năm tháng.

Phải nói ngay rằng Tây Du Ký là bộ phim dành cho trẻ con, và vì vậy nó cũng dành cho người lớn _những người lớn nào còn một đứa trẻ trong tim. Chỉ có trẻ con mới tin vào câu chuyện thần kỳ và ly kỳ của Tây Du Ký. Chỉ có trẻ con mới mau quên đến mức mỗi lần coi lại bộ phim là một lần mới. Chỉ có trẻ con mới vô tư háo hức tự biến mình thành Tôn Ngộ Không sau mỗi tập phim. Chỉ có trẻ con mới thấy tập nào cũng hay chứ không chỉ mỗi tập chuyện tình Tây Lương nữ quốc như người lớn!

Một người lớn đọc Hoàng Tử Bé của Saint Exupéry sẽ không ít thì nhiều nhanh chóng nhận thấy đôi ba triết lý thâm trầm về con người. Một người lớn xem Tây Du Ký sẽ quên béng chuyện triết lý, nhưng sau năm tháng bôn ba đời người, một lúc bất chợt, bật cười, người ta chợt "ngộ" ra vài đạo lý trong những thước phim của tuổi thơ kia.  

Người ta sẽ ngộ ra, rằng, hóa ra yêu tinh có dữ tợn, nguy hiểm đến mức nào cũng không cản được chí nguyện thỉnh kinh sắt đá của Đường Tăng, hoặc sẽ bị con mắt trí tuệ của Tôn Ngộ Không nhìn ra, rồi bị bồ cào của Bát Giới và bảo trượng của Sa Tăng đập cho tơi bời. Vậy nhưng cả thầy lẫn trò lại xém đầu hàng, giải tán ai đi đường đó, xém thua trắng tay đến nước mọi thần thông, vũ khí, đảm lược đều vô dụng trước một người phàm mắt thịt: Nữ vương Tây Lương quốc. Con mắt thần của Ngộ Không chẳng thể nhìn ra đâu là yêu quái, vì trước mặt đúng là một con người bình thường, cũng chẳng nhìn đâu ra sự giả dối, vì rõ ràng là một tấm chân tình. Bồ cào Bát Giới và bảo trượng Sa Tăng cũng chẳng nhấc lên được nửa tấc, huống hồ là nện xuống, vì "Đừng bao giờ đánh một người phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa" (ngạn ngữ). Chí nguyện thỉnh kinh cứu độ chúng sanh như núi cao, như biển rộng của vị cao tăng cũng liêu xiêu như đèn trước gió trước lý lẽ "thường tình" của nữ nhi "Có một chúng sanh đang đau khổ đây mà ngài chẳng độ, lại muốn đi độ chúng sanh ở đâu xa xôi?". Trong giờ phút "nguy nan" nhất, khi mà mọi ý chí chống cự chỉ còn là gắng gượng, và thời khắc đầu hàng sắp đến thì Đường Tăng lại được cứu bởi một yêu tinh thật! Mới hay quả khó biết đâu là yêu nữ. Mới hay người ta chết vì nước nhiều hơn chết vì lửa. 

Người ta ngộ ra, rằng, ăn nhân sâm quả kết tinh mười ngàn năm của đất trời thì đừng nên ăn như Bát Giới. Ai đời cầm trên tay quả báu ba ngàn năm mới ra hoa, ba ngàn năm mới kết quả, ba ngàn năm mới chín, mà mỗi lần ra được có 30 quả, vậy mà bỏ tọt vô miệng nuốt chửng, chẳng biết tí gì mùi vị. Đến khi nhìn lại Ngộ Không và Sa Tăng đang nhâm nhi từng miếng thì hối hận không kịp! Thân tâm mỗi người cũng như trái nhân sâm vậy, là tinh hoa của trời đất nhưng có mấy ai biết, có mấy ai "rảnh"  để thưởng thức những hơi thở vào ra, những nhịp đập của con tim, những cảm giác vui buồn bình thường, lặng lẽ. Cứ ào ạt, nháo nhào cả lên. Ăn vội. Ngủ vội. Chơi vội. Sống vội. Khi chết có lẽ hết vội! Chắc vậy không? 

Cả tứ đại kỳ thư của văn học Trung Hoa đều đã được chuyển thành phim nhưng chưa có bộ phim nào trong số đó được chiếu đi chiếu lại nhiều như Tây Du Ký, để rồi trở thành bộ phim được phát nhiều nhất trong lịch sử truyền hình Trung Quốc (có lẽ cả Việt Nam?). Nguyên nhân của điều kỳ diệu đó là gì vậy? Đơn giản là vì có người xem hoài nên nhà đài chiếu mãi. Người chưa xem thì xem cho biết. Người xem rồi thì xem lại hoài mà... không mệt, không chán. "Không mệt, không chán" là sự lý giải đơn giản cho việc có người xem đến cả (vài) chục lần!

Hồng Lâu Mộng dù thật hay, thật cảm động, thật diễm lệ thì rồi khán giả cũng sẽ thấy con tim không còn có thể buồn nữa, nước mắt sẽ cạn, và ta mệt mỏi với bi kịch cuộc đời. Tam Quốc Diễn Nghĩa rất cuốn hút với những câu chuyện lịch sử tráng lệ, những mưu thần chước quỷ, những mỹ nhân nghiêng thành và cao nhân đứng trên thiên hạ nhưng một lúc nào đó ta thấy ngán ngẩm cho cái tham vọng quyền lực của con người, thấy lao tâm tổn trí với những tính toan giết chóc. Thủy Hử mang đến người xem cái hào sảng anh hùng hảo hán Lương Sơn Bạt nhưng chung quy cũng là cuộc tranh đấu của con người với nhau. Làm sao không mệt, không chán nếu coi hoài những cảnh, nghe hoài những lời không mang đến bình an như vậy?

Tây Du Ký đem lại tiếng cười trẻ thơ. Đó là thứ ta mãi hoài không chán, không mệt. Ai coi phim cũng thấy mình như thành trẻ con, vì như đã nói, chỉ có trẻ con mới hết sức tin tưởng một cách thành thật để dán mắt vào màn hình mà coi con khỉ có phép thần thông, con heo vác bồ cào đánh lộn và những con yêu tinh râu ria lông lá đáng sợ

Và nữa, Tây Du Ký thực ra là chuyến hành hương tâm linh mà bất kỳ con người nào cũng đã đặt chân lên từ khi có mặt giữa cuộc đời, dù người đó có nhận ra hay không. Nếu như ba bộ phim kia đưa khán giả mục kích những cuộc giằng xé giữa ân ái tình thù, quyền lực danh vọng trên thế gian thì Tây Du Ký lại là cuộc thỉnh kinh đưa tâm hồn ta vượt lên khỏi thế gian. Trong hành trình này, ta cũng vẫn thấy những trận chiến, nhưng không phải là những trận chiến nặng mùi sân si sắt máu. Ta cũng thấy một cuộc tình nhân gian nhưng không phải cuộc tình éo le, khổ lụy, thương hận làm tim rỉ máu, làm mắt ứa lệ mà vẫn phảng phất đâu đó cái đẹp thanh thoát

Phải nói đạo diễn đã quá tuyệt khi chọn nhạc. Chỉ cần nghe vài giai điệu mới vào phim là khán giả đã náo nức như muốn lên đường cùng mấy thầy trò rồi. Giai điệu vừa thoát tục, vừa rộn rã, tươi vui. Cuối phim là bài "Xin hỏi đường ở nơi đâu" với âm điệu hào sảng, bay bổng, thênh thang như cuộc hành trình cứ trải dài trước mắt người lữ hành với biết bao điều không biết trước, tuy khó khăn nhưng dâng trào nhựa sống, tuy ghập ghềnh mà lại tràn đầy hoan ca. 

"Xin hỏi đường ở nơi đâu?

- Đường ngay dưới chân!"

(Cảm vấn lộ tại hà phương?

- Lộ tại cước hạ!)

Bao nhiêu chất Đạo, bao nhiêu chất Thiền, bao nhiêu chất Thơ đã gom hết trong hai câu tuyệt vời của lời bài hát! Nếu biết đường ngay dưới chân thì người ta sẽ không bao giờ sợ lạc đường, người ta sẽ không bao giờ phân vân đâu là đường đi. Nếu biết đường đã vẫn luôn sẵn ngay dưới chân thì người ta sẽ tự do mà bước đi, mà rong ruổi. Ai đó đã nói "Không có con đường dẫn tới hạnh phúc. Chỉ có hạnh phúc trên con đường.". Xin thêm rằng: "Không có con đường nào dẫn đến đích. Chính con đường đã là đích đến.", hay "Xin đừng bận tâm đường đi ở đâu vì ở đâu cũng là đường đi"

Sẽ là một sự thiếu sót khó khoan thứ nếu không viết đôi dòng về người nữ đạo diễn bộ phim Tây Du Ký 1986 khi bà chỉ mới qua đời 4 ngày trước (15/04/2017). Thật ra bài viết này ra đời cũng chỉ vì biết tin đó. Đọc vài bài báo về bà, tuy rằng mình không tin báo nhiều lắm, nhưng cái cảm nhận cá nhân cũng đồng ý với mấy bài báo đó: bà là một người đặc biệt, và đáng kính.

Để lãnh đạo một đoàn làm phim hàng trăm con người trong sáu năm đi khắp nơi, nhất là trong điều kiện khó khăn của hơn 30 năm về trước, để tạo nên một bộ phim kinh điển bậc nhất cho đến nay thì rõ ràng không phải việc một người bình thường có thể làm nổi, huống chi một người phụ nữ. Để làm được vậy, người ta nhiều khi phải rất cực đoan, phải rất "phát xít"! Đàn ông cực đoan"phát xít" dù gì cũng "dễ chấp nhận", chứ phụ nữvậy thì... (Không biết có phải là mình có óc cổ hủ không, nhưng cứ nghĩ phụ nữ là luôn mềm mỏng, nhẹ nhàng, ôn hòa mới được!) Cho nên chẳng lạ gì bà và chồng, cũng là quay phim chính (mà thật ra cả đoàn làm phim chỉ đủ tiền thuê có mỗi một máy quay và một người quay!) cứ cãi nhau kịch liệt. Chẳng lạ gì nhà sản xuất bỏ cuộc, để cho bà lãnh luôn phần việc đó vì bất đồng giữa chuyện tiết kiệm kinh phí và chất lượng phim. Nhất là, chẳng lạ gì mười năm sau từ khi hoàn thành bộ phim, bà không bao giờ xem tác phẩm của chính mình, vì coi đó như một nỗi đau. Bà nghĩ rằng trong thời gian làm phim, vì quá nhiều công việc nên có thể đã đắc tội với người khác, đã phê bình, đánh giá không chính xác họ. 

Đọc báo thấy có nhà phê bình trách khán giả Trung Quốc đã đồng hóa Tôn Ngộ Không với Lục Tiểu Linh Đồng và như vậy là cản bước tiến của những thế hệ diễn viên đến sau muốn đóng vai này. Có lẽ ông cũng sẽ trách những người như mình đây vì cứ đặt trong lòng bộ phim năm 1986 ở vị trí độc tôn, không có phiên bản về sau nào có thể thay thế được. Thôi kệ, biết làm sao được. Tình yêu nó vốn vậy: Người mình yêu là đẹp nhất, chỉ mình mới thấy cái đẹp đó thôi, và cái đẹp đó chỉ có ý nghĩa với riêng mình. Cố gắng "mở lòng ra để yêu người khác" thật khó khăn biết bao! 

Ai cũng biết câu "Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim". Có lẽ không phải quá chủ quan khi cho rằng câu đó là lời giải thích cho sự đón nhận của khán giả đối với bộ phim của vị nữ đạo diễn. Cũng không phải quá chủ quan khi nói "Cái gì không bị trói buộc bởi thời gian sẽ vượt qua thời gian" để lý giải cho sức sống vượt thời gian của tác phẩm điện ảnh này. Bỏ ra sáu năm ròng rã để quay 25 tập phim, mỗi tập 45 phút thì đủ thấy cả đoàn làm phim đã kiên nhẫn, đã bền chí kiên gan với thời gian đến mức nào. Ai sao không biết, nhưng đối với bản thân mình, thấy sao mà ghen tị với cái thái độ bình thản với thời gian của những con người đó thế! Họ tuyệt vời, hay thời đó ai cũng tuyệt vời như thế? Phải chăng thời đó người ta chưa phải tranh nhau từng giây trên đồng hồ đèn giao thông? Phải chăng thời đó người ta chưa phải tranh thủ nghỉ trưa cộng (+) ăn trưa trong 1 giờ đồng hồ để tiếp tục làm việc? Phải chăng thời đó chưa có những nhà máy "người nghỉ chứ máy không nghỉ"? Nói tóm lại, có phải đạo diễn và cả đoàn phim đã không đối xử với tác phẩm của họ như mì ăn liền nên khán giả cũng đã không đón nhận nó như mì ăn liền?

Cũng chẳng biết kết thúc bài viết kiểu nào. Kể tí chuyện vậy. Tối qua share bài báo đưa tin đạo diễn Dương Khiết qua đời trên Facebook, nhận được hai comment từ hai người bạn cùng tuổi. Người thì nói coi 10 lần rồi! Người thì nói coi 20 lần rồi! Sáng nay nói chuyện với một người cũng cùng tuổi, cũng nói coi nhiều lần rồi! Thấy đồng cảm dễ sợ. Cũng trên dưới hai mươi năm rồi còn đâu, từ lần coi đầu tiên. Trong suốt hai mươi năm đó, cái gì đã khiến cho ít nhất bốn con người này giữ mãi trong lòng những ký ức, tình cảm về một bộ phim? Thật tình không biết nữa. Nhưng mà thôi, không phải lúc nào cũng cứ cần lời giải thích cho mọi thứ. Cái Chân - Cái Thiện - Cái Mỹ thì đâu cần lời giải thích để được là Chân Thiện Mỹ

Thông Định


Bài đọc thêm:
Tác Hại Của Tây Du Ký - Cư Sĩ Tuệ Đăng
Kết Thúc Của "Tây Du Ký" Sự Chống Lại Đạo Đức - Thích Nhật Từ
Hình Ảnh Phật Giáo Trong Truyện Tây Du Kí
Tây Du Ký - Quá Trình Xây Dựng Nhân Vật Tôn Ngộ Không - Tiểu Thuyết Tây Du Ký Dưới Cái Nhìn Dân Thoại Học

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/10/2018(Xem: 6714)
23/09/2020(Xem: 3747)
18/09/2016(Xem: 11685)
14/08/2017(Xem: 6945)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.