Thiếp trả nợ chàng

02/01/20201:00 SA(Xem: 6829)
Thiếp trả nợ chàng

THIẾP TRẢ NỢ CHÀNG
Hạnh Chi

 

 

          ong lai doKhoa học không tin có kiếp sau, không tin có luân hồi, không tin có ân oán vay trả, nhưng cho tới nay, khoa học vẫn hoàn toàn thất bại trong việc chứng minh những điều không tin ấy.

           Khi đã không tin thì những câu chuyện quanh vấn đề đó sẽ trở thành hoang đường, lố bịch, hoặc nhẹ nhàng hơn thì chỉ như câu chuyện mua vui, vô thưởng vô phạt mà thôi.

          Nhưng ngay với những người chỉ coi là chuyện “làm quà”, đôi khi họ cũng vô tình không nhận ra những món quà ấy thấp thoáng theo họ suốt chặng đời, nhiều khi còn ở lại với họ lâu hơn cả những món ân tình mà họ tưởng là bền bỉ keo sơn.

          Tạm thí dụ, không ít người Việt Nam nào không biết câu chuyện Trương Chi Mỵ Nương, mà mọi bộ môn trong lãnh vực nghệ thuật đã tận dụng phổ biến.

công nương con quan, cành vàng lá ngọc, đêm đêm tựa lầu son nghe tiếng hát du dương của anh chèo đò ven sông mà mê mẩn tương tư.

          Khi nàng biếng ăn, bỏ ngủ, mình hạc vóc mai, lương y khắp nơi được triệu về, đành bó tay trước căn bệnh lạ kỳ, thì người thị nữ thân tín của nàng mới rụt rè, thưa với Vương Quan rằng, cô chủ mê đắm tiếng hát ven sông mà sanh bệnh.

          Lập tức anh chèo đò nghèo khổ được triệu đến cửa quan.

          Bên giường bệnh của công nương, chàng được lệnh cất tiếng hát để cứu nàng. Trong cơn mê thiêm thiếp giữa mộng và thực, tiếng hát trầm bổng du dương có ma lực đưa nàng về dần sinh lộ.

          Với niềm hoan lạc ngập tràn, nàng từ từ mở mắt và trực diện người trong mộng mang gương mặt quá dị kỳ xấu xí, xấu đến mức vừa thất vọng, vừa kinh hãi, nàng đã hét rú lên rồi ngất xỉu.

          Lẽ dĩ nhiên, anh lái đò nghèo khổ lập tức bị đuổi khỏi dinh quan. Nhưng oái oăm thay, nợ tình từ phút đó mới thực sự thành oan nghiệt vì vừa nhìn thấy dung nhan Mỵ Nương, lưới tình đã cột chặt lấy chàng trai “trời bắt xấu”.

          Tự biết thân phận mình, nhưng quá đau khổ, chàng ôm mối tình tuyệt vọng mà:

                   “Cắm sào cho chặt, hát thề một câu:

                   Kiếp này đã dở dang nhau

                   Thì xin kiếp khác duyên sau lại thành”

          Khóc nguyện xong, chàng trầm mình xuống sông, tự vẫn. Không ai thấy xác người chèo đò nhưng ít lâu sau, ven sông đó bỗng mọc lên cây lạ.

          Một người thợ tiện đi ngang, biết là gỗ quý bèn cưa mấy nhánh, đẽo thành bộ tách trà rồi đem ra chợ bán.

          Duyên nghiệp nào run rủi, bộ tách được người trong dinh quan mua về.

          Khi thị nữ rót trà dâng công nương thì lung linh đáy chén, nàng nhìn rõ bóng con đò và người lái đò bất hạnh năm xưa!

          Chẳng phải chỉ nhìn thấy bóng hình, mà tiếng hát mê hồn còn cất lên, nghẹn ngào tức tưởi như oán như than!

          Công nương vô vàn ân hận, giọt châu lã chã rơi xuống chén. Nước mắt nàng rơi đến đâu, bóng hình chàng mờ nhạt đến đấy; và khi nàng òa lên, ôm chén ngọc vào lòng nức nở rằng “Duyên xưa đã lỡ phũ phàng. Thiếp trả nợ chàng nước mắt đầy vơi”, là lúc hương trà sóng sánh, đưa hồn chàng tan biến, thoát vòng oan nghiệt trầm luân …..

          Câu chuyện thực hay hư, hình như chẳng ai buồn bỏ công truy tìm vì tình tiết đẹp quá! Diễm lệ quá! Thơ mộng quá! Đẹp đến nỗi có người mong được là Trương Chi để tận hưởng cái thú đau thương tột đỉnh của một tâm hồn nghệ sỹ! Có người lại muốn được là Mỵ Nương để biết tận đáy cảm xúc rung động tuyệt vời của con tim!

          Chúng ta thường nói “thương lắm” hay “ghét lắm” mà thật ra thương, ghét đó vẫn chỉ là hời hợt. Phải đi tới nỗi đau cùng cực, cũng như hân hoan vô bờ, thì con sâu kinh dị mới hóa thành cánh bướm muôn mầu rực rỡ giữa ngàn hoa.

          Hầu hết những câu chuyện dân gian đều nói đến sự thắt, mở, của ân oán, của việc lánh ác, làm lành, của việc gieo nhân nào gặt quả nấy, không đời này thì đời sau. Chẳng phải vô tình chuyện dân gian Á Đông xoay quanh những tình tiết đó, mà có lẽ do thấm nhuần luật trả vay nhân quả, duyên nghiệp luân hồi chưa giác ngộ dứt được thì còn theo ta suốt nhiều kiếp chưa buông.

          Không ai bảo ai, chúng sanh chào đời đều cất tiếng khóc như nhau. Sao thế? Khóc hay cười khi đó đều vô nghĩa, sao không trẻ thơ nào cất tiếng cười vang mà đều là khóc òa, khóc thét? Có phải vì nhận kiếp người đã là nhận một, trong Tứ Khổ rồi không?

          Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Chư Phật thị hiện cõi Ta-bà cũng chỉ vì một nhân duyên là Khai, Thị, Ngộ, Nhập, Phật, tri kiến. Khai là mở ra, Thị là chỉ cho thấy, Ngộ là giải cho hiểu được, Nhập là bước vào, là một, với Phật tánh sẵn có của mình. Chúng sanh nào Nhập được Phật tánh của chính mình mới mong “khi chào đời cất tiếng khóc, lúc lìa đời cười mỉm nụ an nhiên”.       

           Nhưng cuộc đời là một bãi chiến trường triền miên thống hận. Chẳng phải ta chỉ thắng người mà còn phải thắng ta.

          Làm sao để giảm bớt địa bàn ở bãi chiến trường đó? Chỉ cần tỉnh thức đừng tạo nghiệp.

Chẳng phải ghét bỏ nhau mới là tạo nghiệp mà yêu thương vị kỷ cũng là nghiệp đấy! Giải lụa mềm mà đủ sức trói chặt ta trong ảo tưởng, khiến nợ nhau đời này khôn trả, đời sau còn tìm nhau vì tưởng nhớ tiền thân!

          Chiều nay bỗng nhiều gió quá! Chạnh thương những chùm hoa bưởi mới đơm bông khiến tôi viết đôi giòng lẩn thẩn này, và lẩn thẩn liên tưởng nghĩ rằng, nếu tôi là cô thiếu nữ có bó hoa sen trên tay - trong câu chuyện tiền thân của Đức Phật - thì tôi sẽ tặng hết cho anh chàng Megha lành thiện, đã năn nỉ ngỏ lời mua lại 5 bông để có hoa sen cúng dường Đấng Toàn Giác Dipankara.

          Tặng hết, vô điều kiện may ra tránh được vướng mắc tơ duyên kiếp sau!

          Nhưng duyên và nợ tuy vô hình mà chằng chịt tinh vi, khiến chúng sanh cứ quẩn quanh chìm nổi mãi. Người cho tuy không đòi mà người nhận vẫn mắc nợ! Có nợ lại tìm nhau!

          Làm sao, trong đời này chúng ta sớm biết vay, trả nhau cho đủ, đừng muộn màng như Trương Chi-Mỵ Nương mà để lại trường hận ngàn đời cho nhân gian thương cảm:

                   “Duyên năm xưa,

                   Ai đã trả cho ai?

                   Cho chén tan thành lời

                   Đem xuống nơi tuyền đài

                   Để thành ngọc đá bao giờ phai …..” (*)

 

                                                                                     

                                                          Hạnh Chi

(Tịnh Thất, một chiều nhiều gió)

 

(*) Lời ca khúc “Trương Chi” của nhạc sỹ Phạm Duy.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/01/2022(Xem: 3324)
03/02/2015(Xem: 8381)
24/04/2019(Xem: 5166)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.