Món Quà Sinh Nhật Dâng Mẹ

07/09/20203:23 CH(Xem: 4445)
Món Quà Sinh Nhật Dâng Mẹ
MÓN QUÀ SINH NHẬT DÂNG MẸ
Thích Như Tú.
(Diễn đọc: Cư sĩ Trần Thị Nhật Hưng)


IMG_2233Từ ngày vào chùa ở với sư cụ, chú Nhị Bảo ít khi được về thăm gia đình, mặc dù từ chùa về nhà không xa lắm, chỉ băng qua một cánh đồng, một khu rừng đầy thông reo là đến con đường lớn dẫn thẳng về nhà. Nếu đi bộ, chú phải mất hơn mấy tiếng đồng hồ. Công việc của chú hằng ngày tuy đơn giản nhưng thời khóa cũng khít khao. Sau những giờ hầu sư cụ, chú học kinh, viết chữ nho và thỉnh kệ chuông U Minh buổi tối. Mỗi ngày, chú còn phải đến lớp để tiếp tục chương trình phổ thông cơ sở. Chú học giỏi lại có hạnh kiểm tốt, đặc biệt gương mặt trong vắt ngây thơ và thánh thiện của chú khiến mọi người ai cũng mến yêu.

Nhân duyên khiến chú vào chùa xuất gia cũng ngồ ngộ. Hồi còn nhỏ, vào những ngày lễ lạc, chú thường theo mẹ đến chùa dâng hương cúng quả. Lúc ấy, chú chưa có khái niệm gì về lạy Phật, chỉ làm theo mẹ. Với thời gian, chú nhuần nhuyễn. Hai tay chắp lại đưa lên trán, xuống miệng, xuống ngực, rồi mọp người như chú thỏ non. Cử chỉ trông thật dễ thương, nhất là qua đôi bàn tay trắng mịn chắp lại thành búp sen non của một tiểu đồng thành kính. Nhìn chú lạy Phật, sư cụ tấm tắc khen ngoan, xoa đầu và thường cho chú quà bánh; khi thì trái chuối, lúc bát chè, cây kẹo, cả bao lì xì vào những dịp Tết Nguyên Đán. Không rõ vì những quà bánh hay cái nhìn thiện cảm của sư cụ dành cho chú, hay do nhân duyên từ bao kiếp trước mà chú cũng thích quấn lấy sư cụ không rời. Mẹ chú hay nói đùa “con muốn ở lại chùa với sư ông không?”, chú nhanh nhẩu gật đầu. Tất cả chỉ là đùa, không ngờ sau thành sự thật. Sau cơn bịnh thập tử nhất sanh, chú lên kinh phong co giật, mẹ chú cho là chú khó nuôi, muốn giữ tính mạng cho con, mẹ đem “bán” chú nơi cửa Phật mà người “mua” chú không ai khác hơn là sư cụ!

Lúc mới vào chùa, chú vừa đúng mười tuổi, dáng chú hơi gầy nhưng tay chân rất nhanh nhẹn khi làm việc. Mỗi việc được giao, chú đều hoàn thành tốt, gọn gàng. Nhờ tư chất thông minh, lanh lẹ, nên sư cụ chọn chú làm thị giả. Mỗi sáng, chú thức dậy sớm đun nước sôi đổ vào bình thủy, rửa khay tách trà, lấy khăn và bàn chải để vào thau nhỏ đặt trước cái chum chứa nước ngay cửa phòng khách. Khi sư cụ thức dậy chỉ việc sử dụng, còn chú vào phòng cuốn mùng mền, làm gọn lại cái gường, quét phòng, lau bụi bộ bàn ghế gỗ lâu năm. Sau đó, chú chế trà dâng lên cho sư cụ. Bấy nhiêu công việc chú làm thật gọn gàng trong một thời gian ngắn, vì chú còn ôn bài trước khi đến trường...

Thời gian thấm thoát qua mau, mới hôm nào chú vào chùa  mà nay đã hơn ba mùa cây đa già thay lá. Chú lớn như thổi, thân hình chú cao hẳn ra. Nếu nhìn đằng sau, cứ ngỡ là một thanh niên, nhưng phía trước, khuôn mặt chú vẫn phảng phất nét ngây thơ, hồn nhiên lẫn thánh thiện của một đứa trẻ, nhất lại đứa trẻ đó được đào tạo trong môi trường tốt lành, được hấp thụ ánh hào quang của Đức Phật và lời dạy nghiêm từ của sư cụ.

Một hôm, chú vào phòng thị giả với công việc như thường lệ. Sư cụ nhìn chú, bảo rằng, “hôm nay cuối tuần, con cũng vừa thi xong. Con nên tranh thủ về thăm gia đình”. Nghe sư cụ cho phép, chú vui mừng đảnh lễ rồi về phòng chuẩn bị hành trang. Sau khi dùng điểm tâm, chú chào sư cụ cùng huynh đệ trong chùa rồi khoác trên vai cái đẫy vải thô sơ lên đường về thăm ba mẹ.

   Trên đường về nhà, mặt trời mỗi lúc dần lên cao, ánh nắng ửng hồng lan trên nền mạ non xanh mướt. Mồ hôi chú vã ra làm ướt sũng chiếc áo nhựt bình lam. Chú đi một đoạn nữa là đến khu rừng thông. Tiếng thông reo vi vu trong gió tạo nên một âm thanh như tiếng sáo chiều réo rắt du dương, lên xuống trầm bổng, bay đi khắp mọi nơi. Dừng lại nghỉ chân dưới cây bàng ở đầu xóm thượng, chú bỗng nghe trên cành ríu rít đàn chim non nhảy múa, tung cánh giữa hư không. Chú bừng tỉnh niềm hoan hỉ như đang bắt gặp một luồng năng lượng yêu thương. Chú bật dậy tiếp tục đi hết xóm thượng ra đến con đường lớn. Nơi đây nhộn nhịp như phố thị có bán đủ mặt hàng. Những con đường này ngày xưa chú từng đi qua. Vẫn cánh đồng xanh, vẫn hàng thông reo, con đường lớn thỉnh thoảng xe cộ qua lại, cả những tiếng chim ríu rít trên những hàng cây như chào đón chú, nhưng hôm nay, chú cảm thấy hơi khác lạ. Có lẽ cái cảm giác hân hoan dấy lên trong lòng chú khi về thăm gia đình, nhất là gặp lại người mẹ, chú thỉnh thoảng vẫn nhớ mong.

Nghĩ đến mẹ, chú chợt nhớ ra, hôm nay là sinh nhật lần thứ 60 của Mẹ. Chú phân vân không biết chọn món quà nào tặng mẹ. Nếu món quà mắc quá thì chú không đủ tiền mua. Chú chỉ được phép chi tiêu trong khoản tiền để dành về sách vở học hành thỉnh thoảng sư cụ cho chú; hoặc khoản tiền dăm ba đồng vào dịp Tết, lễ vía, thập phương bổn đạo viếng cảnh chùa.

Chú ghé vào tiệm bán chim và cá kiểng. Quan sát một hồi những món hàng hợp với hầu bao, chú thỏa thuận, đồng ý chọn một lồng chim có 4 con chim non. Chú thấm ý và cười khúc khích. Trong tâm chú dường như hiện lên những điều sư cụ dạy. Khái niệm về “sanh, lão, bệnh, tử”, bốn giai đoạn của một đời người mà Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa đã từng ưu tư tìm lối xuất gia để cứu vớt nhân loại; ngay sau khi dạo chơi ngoài thành, Ngài chứng kiến những sự thật đáng sợ như thế! Một cụ già thân hình tiều tụy, chân dùn, gối mỏi; một người bệnh quằn quại đau thương; một thây ma bốc mùi hôi thối và cuối cùng một đạo sĩ ly dục nghiêm trang đang dõng dạc cử bộ bên đường. Rồi nghĩ đến “Tứ Diệu Đế: Khổ - Tập - Diệt - Đạo”, bài pháp đầu tiên được Đức Phật nói cho 5 anh em Kiều Trần Nhưvườn Lộc Uyển, nhận ra cái khổ để phương tiện chuyển hóa cái khổ dần dần đi đến diệt tận khổ. Nghĩ miên man đến con số 4, chú chọn đúng 4 con chim.

   Mọi người trong tiệm thấy chú hí hửng trên tay một chiếc lồng chim non, họ thắc mắc hỏi:

- Chú đi tu rồi mà còn ham chơi chim, cá nữa sao?

Chú không trả lời, chỉ nhép miệng mỉm cười, rồi lẳng lặng bước ra khỏi tiệm.

Chú đi một mạch về nhà quên luôn cái hơi nắng buổi trưa đầu hè.

Khi chú bước vào nhà, mọi người cũng ngạc nhiên không kém. Bà nội đang ngồi nhai trầu. Ba chú đang ngồi xem ti vi. Chị Hai đang ngồi may quần áo. Tất cả đều đứng dậy vui mừng xun xoe vây lấy chú. Mỗi người hỏi một câu cũng làm chú mệt luôn. Chị Hai nhìn thấy lồng chim, chị cười tít mắt:

- Nhị Bảo đem về 4 con chim cho chị rô ti hả? Bà một con, ba mẹ mỗi người một con và chị một con. Còn Nhị Bảo ăn chay!

Chú mỉm cười lắc đầu:

- Em đi tu. Cấm sát sanh đó chị.

Nhận ra bản chất đầy trần tục của mình, chị Hai bẽn lẽn cười rồi nói:

- Ủa, không lẽ em mang về cho chị chơi?

Chú Bảo vẫn lắc đầu. Chú không nói gì, lẳng lặng đem lồng chim ra treo trên cây mận đang sai trái đỏ au trước hiên nhà. Mẹ chú từ dưới bếp nghe tiếng rộn ràng cũng vội vàng chạy lên. Nhìn thấy chú, nét mặt mẹ rạng rỡ, vui tươi. Mẹ tíu tít hỏi thăm:

- Con...con... à,..chú.. ú.. ú, chú vẫn khoẻ chứ? Ch..ú... ú... đi bộ về nhằm lúc trưa nắng chắc mệt, để mẹ pha cho... ch..ú.. ú một ly nước chanh nha.

Nói xong, mẹ tíu tít xuống nhà bếp, một lúc lại chạy lên với ly nước chanh lớn. Mẹ vẫn thế, lúc nào cũng thương chú nhất nhà, hay lo lắng vỗ về chăm sóc chú. Việc chú rời nhà đi xuất gia không hẳn mẹ không buồn, nhất lại chú là con trai duy nhất, mẹ đã ngậm ngùi rơi nước mắt khi tiễn chú vào chùa, nhưng mẹ là người hiểu đạo, hiểu căn cơ của chú nên đành gạt lệ, mỉm cười để chú ra đi.

Còn chú, xa mẹ lâu, tình mẫu tử trong chú vẫn dạt dào yêu thương. Người tu tuy rời xa gia đình, nhưng không phải vì thế mà chấm dứt tình cảm với gia đình. Đi tu không phải là dẹp bỏ cảm xúc, đè nén trái tim không cho nó rung động theo nhịp tự nhiên của nó, mà người tu biết thăng hoa những cảm xúc đó lên một địa hạt cao cả hơn, vĩ đại hơn để vẽ lên cho đời một bức tranh tuyệt đẹp, ở đó, mọi người sống và làm việc với Phật tính tròn đầy, cá nhân an lạc, xã hội hòa bình, thế giới không còn tai nạn chiến tranh.

Với bản chất tâm hồn vẫn còn trẻ thơ, như sống lại trong chú khi gặp mẹ, chú nhõng nhẽo:

- Mẹ ơi, cho con thêm một ly nước chanh nữa. Con khát quá!

Người mẹ chỉ chờ có thế, chỉ mong có dịp chăm sóc con mình, mẹ hớn hở xuống bếp pha thêm một ly thứ hai, rồi bưng lên cho chú. Hai mẹ con ngồi bên nhau, nhìn cậu con tu sĩ đang từng ngụm uống ly nước mẹ pha, như rót từng ngụm yêu thương của mẹ len vào huyết quản, lòng mẹ dâng lên niềm hạnh phúc vô biên. Mẹ thủ thỉ hỏi đủ thứ chuyện về cuộc sống tu học của chú. Chú có vui không nơi cửa thiền môn. Hằng ngày tụng kinh có mệt không và nhất là khi xa mẹ có...nhớ mẹ không? Mẹ hỏi nhiều lắm, không kịp để chú trả lời, chú chỉ biết âu yếm nhìn lại mẹ, miệng chú lúc nào cũng nở nụ cười, như thầm trả lời “con của mẹ rất vui và hạnh phúc nơi cửa thiền, mẹ an tâm, mẹ nhé”.

Như sực nhớ điều gì quan trọng, mẹ vội vàng nói:

- May quá, hôm nay là sinh nhật 60 tuổi của mẹ. Chú ở nhà vui với mẹ nha.

Chú lại mỉm cười gật đầu:

- Sư cụ cho phép con ở chơi cả ngày hôm nay. Mai mới về lại chùa , mẹ ạ.
                                                                 ***

Lễ sinh nhật của mẹ chỉ đơn giản trong không khí gia đình. Mẹ không mời ai, ngoài dì Bốn, em gái của mẹ, nhà cũng gần đấy.

Bữa cơm gia đình đặc biệt có chú, mẹ nấu cho cả nhà toàn món ăn chay. Một dĩa gỏi mít non, một dĩa chả giò, một dĩa đậu hủ chiên xào xả ớt với bột nghệ, hai tô canh khổ qua nhồi nhân. Nhân mẹ làm từ đậu hủ nhồi với nấm rơm pha tí bún tàu, nước canh trong vắt nấu từ củ cải trắng và bắp xú. Những món ăn, mẹ chọn lọc dành cho chú như gói ghém bao yêu thương gởi vào trong đó. Mẹ bận rộn suốt cả ngày để chăm chút bữa cơm gia đình, nhưng chú hiểu, mẹ ưu tiên quan tâm đến chú.

Quây quần bên mâm cơm với gia đình, dì Bốn cứ tấm tắc khen, từ ngày chú đi tu giờ trông trắng trẻo, mập ra, và... đẹp trai nữa, giống ba y hệt. Ba chú ngồi đối diện bên kia bàn được dịp cười khoái chí. Ba sung sướng nhìn chú, như cố khám phá những điều mới lạ nơi chú. Chú vẫn không nói gì, chỉ lẳng lặng và cơm, thỉnh thoảng đưa mắt trìu mến nhìn khắp mọi người và dừng lâu ở mẹ, lòng chú dâng lên ngập tràn tình cảm thân thương. Chú trở thành nhân vật quan trọng trong bữa cơm, mặc dù hôm đó là sinh nhật mẹ. Cả nhà lại được dịp hỏi han chú đủ điều cho đến lúc bữa cơm chấm dứt.

Tấm bánh sinh nhật cắm con số 60, tuổi của mẹ, sau đó được bày ra trên bàn khách có sẵn ấm trà tàu với 6 chiếc tách dành cho 6 người trong gia đình. Bình hoa Cúc Cổ Đồng đứng bên tấm bánh, góp phần tham dự, đang làm dáng khoe hương sắc với mọi người.  Một mùi hương nhẹ phảng phất trong không khí hòa với niềm vui trong lòng khiến chú cảm thấy khoan khoái. Đợi cho cả nhà đem quà tặng mẹ xong, chú mới đủng đỉnh ra sân xách chiếc lồng với 4 con chim non, đứng trước mẹ, chú ngập ngừng nói:

- Mẹ ơi, đây là quà sinh nhật con dâng mẹ. Con chúc mẹ trường thọ.

Mẹ vui vẻ nhận lấy. Cầm lồng chim lủng lẳng trên tay, mẹ ngắm nghía từng con chim một. Những con chim thấy đông người, cất tiếng kêu sợ hãi, vung cánh đập loạn xạ trong lồng. Mẹ tấm tắc:

- Dễ thương quá! Nhưng cũng tội nghiệp quá!

Đợi cho mẹ cảm nhận đủ lòng yêu thương đến súc vật, chú mới nói:

- Mẹ phóng sinh chúng đi mẹ!

Vừa nói, chú vừa nắm tay mẹ, mắt hướng ra ngoài sân. Mẹ hiểu ý, đứng dậy, đi theo chú. Cả nhà cũng tò mò bước ra theo.

Giữa khoảng trời mênh mông rộng, bên hiên nhà, cây mận trái đỏ trĩu cành vẫn đứng yên đợi gió. Mẹ mở lồng chim. Từng con chim non vội vàng ùa ra như sợ mất cơ hội. Vừa ra khỏi lồng, chúng tung cánh bay vút đậu trên cành cây mận, quay mặt lại nhìn cả nhà, bình an cất tiếng kêu chim chíp như nói lời cám ơn lòng từ bi của mọi người, đặc biệt lòng từ bi nơi chú.

Chứng kiến một hoạt cảnh sống động, ngoạn mục, cả nhà mở tròn xoe mắt ngạc nhiên về món quà sinh nhật độc đáo chưa từng thấy bao giờ. Mẹ âu yếm nhìn chú, mỉm cười, nhưng mắt mẹ long lanh. Những giọt lệ chực trào ra như nói lên xúc cảm đang ngập tràn trong lòng mẹ. Mẹ thương chú quá, hãnh diện về chú quá. Mẹ bước lại gần chú, muốn ôm chú vào lòng, xiết thật chặt tỏ lòng yêu thương như ngày nào chú bé bỏng trong vòng tay ôm ấp chở che của mẹ. Nhưng hơn bao giờ hết, những giới luật của nhà Phật đã kịp thời ngăn cản những cử chỉ tỏ lòng yêu thương mẹ định dành cho chú, đã giữ tay mẹ lại, nhắc nhở mẹ, chú đang là tu sĩ, dù chú mới chỉ mười ba!

Mọi người lại trở vào bàn khách. Lễ sinh nhật tiếp tục. Mẹ bắt đầu thổi đèn, cắt bánh. Chị Hai giúp mẹ sắp bánh ra dĩa. Cả nhà lại có dịp quây quần bên nhau. Một lần nữa, mẹ đón nhận bao lời chúc tụng của cả nhà, cuối cùng vẫn là lời của chú:

- Mẹ ạ. Tuy con không gần bên mẹ, nhưng lúc nào con cũng cầu nguyện mẹ an lành khoẻ mạnh và trường thọ.

Mẹ âu yếm nhìn chú:

- Mẹ cám ơn chú. Mẹ sẽ luôn sống đời với chú.

Chú cười:

- Mẹ ơi, sư cụ dạy con. Phóng sinh, ăn chaythể hiện lòng từ bi. Mình tôn trọng sự sống của muôn loài thì mình sẽ được bình an và sống lâu đó mẹ. Sư cụ còn bảo, ăn chay giữ được sức khoẻ. Vì những sinh vật khi bị giết, nó giận dữ, khóc la tiết ra chất độc vào thịt, mình ăn vào sẽ bị sinh bịnh. Mẹ và cả nhà đừng ăn thịt nữa mẹ nhé. Rồi quay sang chị Hai, chú tiếp:

- Bốn con chim vừa rồi em mang về, không phải để chị...rô ti hay để chơi, mà là em muốn chúng thoát cảnh cá chậu chim lồng từ sự phóng sinh của mẹ. Em chọn bốn con để tượng trưng của Sanh - Lão - Bịnh - Tử, 4 điều mà sư cụ dạy em là 4 cái khổ của thế gian không ai thoát được, nếu không tu. Và tượng trưng số 4 cho Tứ Diệu Đế: Khổ -Tập - Diệt - Đạo, khi nhận ra cái khổ rồi chuyển hóa cái khổ để an lạc, đó chị.

Bà nội, ba mẹ và dì Bốn chăm chú nghe chú “thuyết giảng”. Lời con trẻ còn ngây ngô nhưng chân thành, lòng ai nấy hân hoan về tấm lòng hiếu của người con tu sĩ. Người tu quan niệm về chữ hiếu, không phải chỉ phụng dưỡng vật chất hay chăm sóc cha mẹ không thôi, mà còn hướng dẫn “độ” cho cha mẹ, gia đình hiểu đạo, biết thế nào là sinh tử luân hồi để tìm con đường giải thoátđạo Phật là đạo giải thoát.

Riêng chị Hai say sưa lắng tai nghe. Chị nhìn chú rồi tủm tỉm cười, hỏi:

- Chị Hai cũng muốn đi tu như Nhị Bảo, có được không?

Chú chỉ cười:

- Điều đó, chị nên xin phép bà và ba mẹ.

Bà nội cồm rồm, buông một câu hết sức trần tục, thực tế:

- Con Hai chỉ tu..hú thì được! Phải có đứa ở nhà để chăm sóc gia đình chứ.

Cả nhà cười vang. Tiếng cười rộn lên dâng niềm hạnh phúc như vượt cả không gianthời gian. Ai nấy tận hưởng phút giây êm đềm hiện tại quên mất ngoài kia, nắng chiều đang dần dần sắp tắt và không để ý cả tiếng chim vẫn chim chíp trên cành cây mận ngoài sân như vẫn buông lời cám ơn, cám ơn... đến mọi người.

Chợt mẹ lên tiếng:

- Ngày mai chú về chùa, mẹ có món quà này tặng chú. Chú đợi mẹ chút.

Nói xong, mẹ vào nhà trong, một lát mẹ mang ra một khung hình khoảng 30 - 40 cm. Khung hình viền nâu xậm bằng một loại gỗ tốt. Trong đó, hiện lên một khuôn mặt tròn bầu bĩnh thánh thiện, cặp mắt to, tròn xoe ngây thơ, rất dễ thương của một tiểu đồng được vẽ đơn sơ bằng nét bút chì kẽ. Hai bên, có hai câu thơ viết chữ thư pháp “Con dù lớn, vẫn là con của mẹ. Đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con”.

Đợi mọi người ngắm nghía và thấm ý xong, mẹ nói:

- Đây là bức tranh của một anh sinh viên nghèo đứng vẽ bên vệ đường kiếm chút tiền ăn học. Không hẳn vì muốn ủng hộ tinh thần giúp anh, mà mẹ còn thấy bức tranh này, tuy đơn sơ mộc mạc, nhưng khuôn mặt rất giống chú, và mang nhiều ý nghĩa cho mẹ và cho chú, nên mẹ mua ngay để dành tặng chú. Mẹ định Vu Lan này đi chùa, thăm sư cụ, thăm chú và trao cho chú, nhưng gặp chú ở đây, mẹ trao nó cho chú.

Chú Bảo cầm lấy bức tranh, xăm soi ngắm nghía. Chú hết nhìn tranh rồi nhìn mẹ, cảm nhận được tấm lòng bao la như trời biển của mẹ. Lòng chú ngập tràn hạnh phúc. Niềm sung sướng không hẳn vì quà tặng mà vì chú nhìn thấu suốt tâm tư và tấm lòng vô biên của mẹ dành cho chú. Chú mỉm cười rồi lí nhí nói lời cám ơn mẹ.

- Đưa mẹ gói lại cho tử tế để mai chú mang về chùa.

Mẹ nhận lấy tranh từ tay chú Bảo, rồi gói cẩn thận vào tấm giấy nhựt trình, bên ngoài bọc giấy hoa vân, lấy dây màu cột lại thắt thành một chiếc nơ thật đẹp mắt. Mẹ âu yếm dịu dàng đưa cho chú giữa tiếng vỗ tay hoan hô của bà nội, ba, dì Bốn và chị Hai.

Ngoài kia, không gian tĩnh lặng một màn đêm. Đèn mọi nhà như đà bật sáng.

Thích Như Tú

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/04/2015(Xem: 7891)
16/09/2020(Xem: 4342)
04/01/2016(Xem: 6878)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.