Bát cháo cứu đói

21/08/20235:05 SA(Xem: 4233)
Bát cháo cứu đói

blank

Lời Ban Biên Tập: Nhân ngày Vu Lan Báo Hiếu, như để tri ân đấng sinh thành, tác giả bài viết đã kể lại câu chuyện cứu đói tháng 3 năm Ất Dậu của hai cụ thân sinh và cái kết là cụ ông đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc 10 năm sau đó và thoát án tử hình tại chỗ vì bị quy kết là địa chủ trong trận đấu tố ruộng đất diễn ra từ năm 1953-1955.

BÁT CHÁO CỨU ĐÓI

 ___________________________________


bat chao cuu doiTôi sinh ra trước thềm trận đói khủng khiếp và thê thảm nhất chưa từng xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Trận đói bắt đầu vào khoảng tháng 8 năm 1944 khi tôi tròn một tuổi, kéo dài đến cuối năm 1945, mà cao điểm là tháng 3, được gọi là “Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu”. Thầy me tôi kể với chúng tôi như vậy và còn nói thêm rằng trong ký ức của ông bà, trận đói năm Ất Dậu vẫn là một cơn ác mộng và nỗi nhức nhối khó quên cho những người Việt Nam sống vào thời đó, như thi sĩ Bàng Bá Lân đã ghi lại cảnh chết đói kinh hoàng đó: “Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi / Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương! / Những thây ma thất thểu đầy đường, / Rồi ngã gục không đứng lên vì…đói!”

Năm ấy do khí hậu thời tiết thay đổi bất thường, mùa đông gía rét, mùa hè nắng cháy, đồng ruộng khô hạn, đất vỡ từng mảng, cây trái xơ xác, ruộng vườn hoang vắng, lại thêm côn trùng phá hại mùa màng mà thầy me tôi cho là do điềm trời hung gở hay do ông trời quở phạt. Không chỉ cánh đồng hàng trăm mẫu của thầy me tôi, mà khắp nơi, đâu đâu lúa cũng chết vàng, khi chưa trổ đòng đòng.  

Tuy nhiên, theo sử sách ghi lại thì khí hậu thời tiết chỉ là nguyên nhân phụ còn nguyên nhân chính là do hậu quả của cuộc chiến tranh với thực dân Pháp và quân phiệt Nhật.

Hết Pháp rồi đến Nhật cưỡng bách người dân phải nộp thóc và nộp thuế: thuế đinh, thuế điền, thuế tô; Chưa hết, do nhu cầu chiến tranh đòi hỏi, chúng còn bắt người dân bỏ ruộng trồng lúa để trồng cây đay nhằm giải quyết nạn khan hiếm vải vóc và trồng cây thầu dầu hay đậu lạc (đậu phộng) để chế nhiên liệu thay cho các sản phẩm từ nguồn gốc dầu hỏa. Thêm nữa máy bay phe thực dân Pháp bắn phá các cầu cảng đưởng biển và đường ray xe lửa Bắc-Nam khiến gạo từ miền Nam không chở ra để tiếp tế cho miền Bắc. Đó là chưa kể đến việc Pháp và Việt Minh cùng nhau tận dụng trưng thu lúa gạo của đồng bào ở vùng mình kiểm soát. Việt Minh thì giao nộp cho quan Tầu theo tỷ lệ Việt Minh một phần, Tầu hai phần, và với Pháp, chúng bổ sung vào kho dự trữ an ninh thực phẩm, phòng hờ một cuộc chiến tranh lớn có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Cũng theo thầy me tôi kể, dưới triều vua Bảo Đại, cơn đói bắt đầu từ thôn quê rồi lan ra thành thị, dân khắp nơi không có gạo ăn, nhà nông không có thóc nộp tô, kéo đến các nhà giàu để vay, nhưng phần lớn họ không cho, để dành thóc bán cho Pháp rồi cho Nhật. Do vậy, người nông dân chết đói hàng loạt, đến nỗi nhiều khi cả một  làng biến mất trên bản đồ. Khi nạn đói lên đến đỉnh cao vào tháng 3 năm 1945, người chết nằm la liệt, không phân biệt được nam nữ, già trẻ, các tình nguyện viên làm việc từ thiện xã hội nhặt xác tập chung vào từng chỗ để chờ xe mang đi chôn tập thể.

Đã đói lại thêm giá rét bất thường mùa Đông năm đó càng làm cho trận đói trầm trọng thêm, công tác đồng áng cho vụ mùa kế tiếp không thực hiện được, khiến cho sự thống khổ lên đến tột độ.

Kết quả trận đói năm Ất Dậu được lịch sử ghi nhận là một tai họa khủng khiếp, đã để lại dấu ấn không phai mờ trong tâm khảm của những người Việt Nam sống trong thập niên 1940. Người ta ước tính con số người chết đói giữa mùa thu năm 1944 và mùa đông năm 1945 là hơn một triệu người, ông Hồ nói hơn hai triệu người, khiến cho dân số ở miền Bắc xuống còn dưới 7 triệu người. Đồng thời cũng là một trong nhiều nguyên nhân đã dẫn đến cuộc chính biến 19 tháng 8 năm 1945, ngày Việt Minh cướp chính quyền, sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh ngày 15 tháng 8 năm 1945.

Riêng đối với gia đìnhhọ hàng thầy me tôi xem như được an toàn trong suốt thời gian xảy ra trận đói. Thầy me tôi, theo lời chú Nguyễn Văn Ức, em ruột thầy tôi kể cho anh Lâm - người anh kế tôi nghe, trong dịp chú vào miền Nam thăm thầy me tôi, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, (lúc đó tôi đang ở Mỹ) đã mở kho thóc dự trữ trong nhà phát chẩn cho đồng bào trong làng để chống đói. Mới đầu phát cho mỗi gia đình ba cân thóc để họ đem về, sau kho thóc dự trữ bị vơi dần, nên thầy me tôi quyết định không phát thóc mà mỗi đêm giã gạo nấu cơm làm thành từng nắm, mỗi nắm chừng hai đến ba bát cơm. Mỗi sáng dân làng đến sắp hàng trực trước cổng nhà là phát, cứ mỗi người phát cho họ một nắm, trẻ con người lớn đều như nhau. Dần dà những ngày sau, kho thóc tiếp tục vơi dần mà số người đói đến xin càng ngày càng đông, nên thầy me tôi quyết định thôi phát cơm mà chuyển qua nấu cháo hằng đêm, phân phát đồng đều cho bà con húp cầm chừng cho đỡ đói, nhằm mục đích san sẻ cho nhiều người kéo dài sự sống chờ chính quyền tỉnh huyện hay thủ đô Hà Nội đến cứu đói.

Cũng cần mở dấu ngoặc ở đây, khi làm việc có tính cách từ thiện này chắc thầy me tôi không biết mình làm từ thiện và không bao giờ nghĩ đến ngày được đền ơn đáp trả, thế vậy mà 9 năm sau cái nhân gieo trồng đã đơm hoa kết trái. Thầy tôi đã thoát chết trong một cuộc thanh trừng chính trị đẫm máu bởi những người trong cái gọi là “ủy ban kháng chiến hành chánh xã”.

Cũng theo lời chú Ức tôi kể, khi ấy vào lúc tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, các làng xã trong huyện đã bị Việt Minh nổi lên chiếm quyền kiểm soát. Họ chiếm đình làng làm cơ sở hội họp, thành lập các ủy ban kháng chiến hành chính quản lý dân làng và đất đai của làng. Một hôm họ cho người mời thầy tôi, lúc đó làm lý trưởng làng tức xã trưởng bây giờ và ông lý phó làng lên trụ sở làm việc. Vì bận việc, thầy tôi không đi được, nói là để ngày mai sẽ đến trụ sở làm việc sau.

Đến chiều tối, khi trời còn nhá nhem, một người khác cũng nằm trong ủy ban kháng chiến hành chính xã, bí mật đến gõ cửa nhà báo tin cho thầy me tôi biêt là ông phó lý đã đi “mò tôm” (*) rồi  và, khuyên thầy tôi nên trốn đi gấp vì ủy ban cũng đã lên án thầy tôi. Thế là thầy tôi vội vã thu xếp vài bộ quần áo vào tay nải, lìa xa gia đình trốn khỏi làng lên tỉnh ngay trong đêm đó. Thầy tôi đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc và người bí mật cứu mạng sống lại chính là một trong số những người đã được thầy me tôi cứu mạng trong trận đói Ất Dậu chín mười năm về trước. Chú Ức tôi cho biết thêm như vậy.

Bát cháo cứu đói đã cứu sống thầy tôi và cả gia đình tôi. Quả thực nhân quả có những sự tương quan, tương duyên mật thiết với nhau qua những hành động do con người làm ra. Tất cả quả tốt hay xấu mà chúng ta đang được hưởng ngày hôm nay, có nguồn gốc từ các nhân đã gieo trồng trong quá khứ.

Nhân quả là điều có thật.

Nếu như không có việc mở kho thóc phát chẩn cho đồng bào hay phát từng bát cháo cứu đói, không có người bí mật đến gõ cửa nhà báo tin thì có thể thầy tôi cũng cùng chung số phận đi “mò tôm” như ông phó của thầy tôi và không biết mẹ tôi có thể gánh nổi gia đình với sáu đứa con mà đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi. Số phận của anh em chúng tôi ra sao, có được như ngày nay không hay mỗi đứa trôi dạt một phương, đứa đầu đường, đứa xó chợ đi xin ăn.

Ngày nay, mỗi lần Vu Lan về hay mỗi khi được ăn bát cháo hành giải cảm, lòng tôi rưng rưng lệ, nhớ tới từng bát cháo trao tay cho đồng bào nghèo đói của thầy me tôi. Xin thành kính tri ân thầy me, chú thím Nguyễn Văn Ức và cả người bí mật không biết tên báo tin.

Làng Dung Nguyễn Văn Hòa
(Trích từ sách sắp xuất bản: Vượt Thoát: Hành Trình Tìm Tự Do)

(*) tiếng lóng thời thập niên 1930-1940 ám chỉ hành vi thủ tiêu của người Việt Minh bằng cách tra tấn người đến chết xong bỏ vào bao bố thả xuống ao hay sông.

 

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/04/2015(Xem: 7891)
16/09/2020(Xem: 4342)
04/01/2016(Xem: 6879)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.