Đọc Thơ Của Hòa thượng Thích Tâm Châu

28/09/202310:47 SA(Xem: 2156)
Đọc Thơ Của Hòa thượng Thích Tâm Châu
ĐỌC THƠ
CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TÂM CHÂU

Đào Văn Bình

ThichTamChau-VNQT
TT. Thích Tâm Châu tại bên ngoài giảng
đường Việt Nam Quốc Tự năm 1963

Những nhà viết sử của Việt Nam sau này muốn nghiên cứu về niên hiệu 1963 của Miền Nam chắc chắn không thể nào quên được ba tên tuổi nổi bật trong cuộc tranh đấu của Phật Giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo đó là Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Thượng Tọa Thích Trí QuangThượng Tọa Thích Thiện Minh trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo.

Vào thời điểm này tôi chỉ là một cậu sinh viên 21 tuổi, vì còn nhỏ cho nên không có hân hạnh được gặp gỡ, tiếp xúc với ba vị. Tuy nhiên qua báo chí cùng các buổi xuất hiện nơi công cộng lúc bấy giờ, tôi nhận thấy TT. Tâm Châu tính tình cởi mở, luôn luôn tươi cười khi tiếp xúc với người khác. Còn quý TT. Trí Quang và Thiện Minh thì trầm ngâm, nghiêm nghị. Sau khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, TT. Thiện Minh bị tra tấn chết tại Trại Tù Hàm Tân năm 1978. Thượng Tọa Trí Quang sau nỗ lực giúp đỡ Đại Tướng Dương Văn Minh bất thành để hy vọng làm chậm bước tiến của cộng quân hầu tìm một giải pháp nào đó cho Miền Nam trong tình thế đất nước tan rã khi quý Ô. Nguyễn Văn Thiệu - Tổng Thống kiêm Tổng Chỉ Huy Tối Cao QL/VNCH, Ô.Trần Thiện Khiêm - Thủ Tướng kiêm Tổng Trướng Quốc Phòng, Ô. Cao Văn Viên – Đại Tứơng Tổng Tham Mưu Trưởng QL/VNCH và Ô. Nguyễn Văn Tòan- Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đòan III đều đã bỏ chạy.

TT. Trí Quang sống âm thầm trong tình trạng hầu như bị quản thúc (under house arrest) tại Chùa Ấn Quang cho tới ngày nay. Riêng TT. Tâm Châu, đang công tác Phật sự tại hải ngọai trong chức vụ Chủ Tịch Hội Phật Giáo Liên Hiệp Thế Giới (bầu năm 1970 tại Hán Thành, Nam Hàn) cho nên đã thóat được ách nàn. Nếu TT. Tâm Châu còn kẹt lại trong nước, chắc chắn số phận sẽ giống Thượng Tọa. Thiện Minh.

TT. Thích Tâm Châu lựa chọn định cư rất sớm ở Canada và thành lập Tổ Đình Từ Quang tại Thành Phố Montreal còn tôi vượt biển định cư vào Mỹ năm 1985 - từ đó đến nay cũng chưa bao giờ hân hạnh được gặp gỡ Thượng Tọa, giờ này đã lên tới chức Hòa Thượng Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Việt Nam Trên Thế Giới từ năm 1984 và Đệ Nhất Thành Viên Hội Đồng Trưởng Lão Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Thế Giới từ năm 1989. (*)

 Tuy nhiên trong thời gian Hòa Thượng tới Thành Phố Portland, Oregon để làm chứng minh đạo sư cho Chùa Nam Quang, vợ tôi đã có dịp gần gũi hòa thượng trong tình thầy trò và thường nấu canh mồng tơi vì Hòa Thượng rất thích món ăn Miền Bắc này. Do cơ duyên đó mà tôi gửi biếu Hòa Thượng cuốn Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển xuất bản năm 2002 và được Hòa Thượng gửi cho hai cuốn thơ Cánh Hoa Tâm xuất bản năm 2001 và Tỉnh Mộng Đời xuất bản năm 2004 cùng với một bức tâm thư. Vì lúc đó quá bận rộn với công việc của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, nay thì đã nghỉ hưu tương đối rảnh rỗi để nghiền ngẫm các cuốn sách được gửi biếu. Sau khi đọc qua một lượt hai thi phẩm, tôi thấy có thể chia Thơ của Hòa Thượng Tâm Châu thành ba thể lọai. Thơ ái quốc hay thơ thất quốc, thơ ký sự và thơ đạo hay thơ Thiền.

I) Thi tập Cánh Hoa Tâm: Sách dầy 188 trang bao gồm hai phần Tâm ẢnhTâm Hương.

a) Về thơ đạo hay Thơ Thiền trong phần Tâm Ảnh đã có những câu thơ tả cảnh thật tuyệt qua đó chúng ta thấy HT. Tâm Châu quả có tâm hồn nghệ sĩ. Ai dám bảo đi tu là đọan diệt cả Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để không còn rung động với cảnh trí thiên nhiên nữa?

Trời vẫn xanh, mây vẫn trôi
Chờn vờn hoa nắng lượn ven đồi
Rung rinh cánh gió ru hồn nhạc
Róc rách nguồn khe nước chảy xuôi
(Sự Vật Như Nhiên tr. 1)

Thế nhưng đi xa hơn tâm hồn nghệ sĩ của thế nhân, nhà tu hành nhìn thấy “ý đạo” trong cái đẹp, cái tự nhiên của vạn vật. Và đây cũng là phong thái của Thiền Tông:

Pháp tính bản lai vượt Có-Không
Như nhiên vạn vật thể tương đồng
Thăng hoa bừng sáng vô phân biệt
Trăng nước, mây trời một tính chung
(Sự Vật Như Nhiên tr.2)

Và đi xa hơn nữa, tức tiến sâu vào cảnh giới Thiền thì:

Lòng gió chuyển kinh qua thiên vạn tải
Hư không tràn thanh khí ngợp chân không
Mây xa xưa vẫn thanh thản chập chùng
Trăng Viên Giác (*) là trăng muôn thuở
(Xuân Như-Tại tr. 3)

Đúng vậy, khi đã có cái biết tròn sáng (**)  thì Thiền sư sẽ nhập cảnh giới của Viên Giác tức thể nhập vào cái bao la của vũ trụ, chuyển động từng sát- na nhưng vẫn hằng hữu - không Sanh, không Diệt. Đây cũng chính là chỗ chứng đắc của Thiền Sư. Chỗ chứng đắc của Thiền Sư không phải là về Tây Phương để nhìn thấy Phật, thờ phượng Phật mà tạo nên một cảnh giới thân- tâm vắng lặng (***) của Phật ngay trong chính bản thân mình. Và trong thế giới của Thiền thì một cánh hoa nở cũng chính là nơi lòng mình nở hoa, hay sự bùng vỡ  của tỉnh thức:

Bán dạ quỳnh hoa tiếu
Đường trung hương liêu nhiễu
Nhân gian phương tỉnh thức
Giác ngộ chân vi diệu
(Hoa Quỳnh Nở tr. 65)

            Bài thơ này mang phong thái kệ tụng của các Thiền sư đời Lý-Trần và Lê.

b) Thơ ký sự ghi lại những tâm tư, tình cảm khi Hòa Thượng vân du làm Phật sự hầu như khắp thế giới. Mặc dầu thế, thơ ký sự vẫn chứa chan ý đạo, tình ruột thịt, nghĩa đồng bào chẳng hạn như các câu thơ:

 

Năm năm viếng cảnh Quyn-len (Úc Châu)
Nắng lửa vờn mây, hoa lá chen
( Queensland Tức Cảnh tr. 16 làm năm 1995)

 

Đất Phật cỏ thơm tròn nguyện vọng
Đạo, đời lợi lạc thể dung thông
(Cỏ Thơm Đất Phật tr. 30 làm năm 2001)

 

Bài thơ Tình Thương (tr. 40) làm tại Cameron, Mã Lai năm 1971 dưới đây có phong thái của Lão- Trang ảnh hưởng nặng tới các danh sĩ đời Đường nhìn cảnh đời không thấy phồn hoa mà chỉ thấy não nề, chua chát.

Đường tê tái lê chân người khách lạ
Phố nhà ai thiêm thiếp giấc mơ nồng?
Trăng mơ màng u ẩn giữa lòng không
Màn đêm lạnh nỉ non cùng tiếng dế

Rồi trong bài thơ Vịnh Sông Brisbane (Úc Châu) (tr. 53)  làm năm 1999, nếu đọc kỹ chúng ta thấy bài thơ Hàn Sơn Tự của Trương Kế  đời Đường, hai người cùng ngồi trên thuyền nhưng bài thơ của Trương Kế chỉ tả cảnh mà ít nói lên được tình của tác giả lúc bấy giờ. Bài thơ này Hòa Thượng làm bằng chữ Hán rồi tự chuyển ngữ qua thể lục bát:

Đĩnh thượng giang lưu khán thái không
Lung linh tinh đẩu lộng thanh phong
Liên đăng hoa hạ lung thiên thể
Thủy ảnh du thuyền lạc mộng trung

Bài thơ được chuyển ngữ qua thể lục bát như sau:

Nhìn trời trên chiếc thuyền thoi
Gío lùa hơi mát sao ngời ánh sao
Đèn nhà lấp lánh vươn cao
Nước trong lồng bóng thuyền trao an lành

 

Viết tới đây tôi cũng nổi hứng và xin phép hòa thượng cũng chuyển ngữ qua lục bát như để giao cảm giữa nhà thơ với nhà thơ:

Thuyền xuôi, nước chảy, ngắm trời
Lung linh tinh đẩu gió ơi mát lòng
Đèn hoa trăng nước một vùngMộng ai như thể vào trong thuyền đầy.

 

Trong bài thơ Ai Cũng Tưởng từ trang 66 tới 72 tác giả ca ngợi xứ Gia Nã Đại- nơi đất tạm dung bằng những lời thơ thật chân tình:

Ai cũng tưởng,

Canada là một miền băng giá
Hạ và Đông mang gánh cả trời buồn.
Nắng lơ thơ, phơ phất giọt mưa tuôn.
Trắng ngập tuyết, xoay quanh lò sưởi ấm!

Thế nhưng Canada khi hè về, rộn ràng với muôn màu, muôn vẻ với cuộc sống của một xứ văn minh, đầy tình người để rồi tác giả kết luận:

Canada chưa hẳn như một bài thơ tuyệt tác
Còn nằm trong cảnh giới của nhân sinh
Bao năm qua Liên Hiệp Quốc tường trình
“Nhiều điểm tốt” ta vui mừng trân quý

Mong mãi mãi, Canada là viên ngọc quý

Phát triển đều văn hóa của nhiều dân
Cùng một lòng, một dạ, một tinh thần
Cùng xây dựng thanh bình cho nhân lọai.

 

c) Một trong những điểm son của thi tập này là thơ thất quốc hay thơ ái quốc. Trong khi vân du làm Phật sự tại Chùa Phật Đà, Úc Châu nghe tin Thái Bình Xuân Lộc Vùng Lên, tác giả đã cảm khái bằng những lời thơ như sau:

Đạo giáo, quốc gia trải bao năm chịu đựng
Dân Thái Bình, Xuân Lộc đã vùng lên
Khắp trong ngòai đều ủng hộ vang rền
Đồng nhất trítrường kỳ chiến thắng
(Xuân Về Úc Châu tr. 73-74)

Trong bài thơ Việt Nam Hoa Viên Kiến Tạo Từ, tác giả đã bày tỏ lòng xót thương người dân khi nhìn về Tổ Quốc:

Việt Nam cộng sản thật tham tàn
Tỵ nạn nhân dân tẩu tán than
Tử biệt sinh ly thiên vạn thái
Sắc thân uổng ký, hải lâm hàn
( Xây Dựng Hoa Viên Việt Nam tr. 79-86)

Hòa Thượng đã chuyển ngữ như sau:

Vì cộng sản quá tham tàn bạo ngược
Dân Việt Nam lũ lượt phải ra đi
Hằng triệu người trong tử biệt, sinh ly
Vùi thể xác nơi rừng sâu biển cả

Và tôi cũng xin phép được chuyển qua lục bát:

Cộng kia sao quá tham tàn
Muôn dân bỏ chạy oán than ngất trời
Sinh ly, tử biệt muôn nơi
Thân trôi biển cả, xác phơi núi rừng!

            Còn trong phần Tâm Hương, tác giả đã phiên dịch ra Việt Ngữ 42 bài thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ (đời Trần) mà tác giả gọi là “Những bài thơ phát xuất từ Thiền tâm, đầy thi vị, lưu lại hương thơm cho muôn thuở.” Ở đây tôi chỉ xin trích dẫn một số bài rất nổi tiếng:

Thị Chúng

Thế gian nghi vọng, bất nghi chân
Chân vọng chi tâm diệc thị trần
Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn
Hiếu tham đồng tử diện tiền thân

 

Bảo Đồ Chúng

Thế gian yêu vọng ghét chân
Tâm chân, vọng ấy, bụi trần…kể chi?
Vựơt cao sang bến bên kia
Hãy tham con trẻ, bây giờ, tại đây.

 

Với lời chú thích như sauĐại ý bài thơ nói rằng người đời thường ưa cái giả dối, ghét cái chân thật. Nhưng chân thật hay hư dối đều là nhận thức của trần cấu. Nay muốn vượt sang bờ bên kia, tức bờ giác hay bờ tỉnh thức, hãy thăm hỏi ngay đứa trẻ trước mặt người, tức là hãy khơi mở giác tính (Phật tánh} sẵn có nơi mỗi người.

Ngẫu Tác

Mộng khởi hòan tu tử tế khan
Đầu cơ xúc mục mạc man can
Túng thiên ngũ nhãn thông minh tại
Vị miễn hô chung ủng tác khan

 

Chợt Hứng

Tỉnh mơ nên phải xét ngay
Hợp cơ vừa mắt, đừng gì linh tinh
Dù cho ngũ nhãn thông minh
Nhìn chuông lại tưởng chum sành như ai!

 

Theo như chú giải thì đại ý bài thơ nói rằng sau khi đã tỉnh cơn mơ, nên xem xét kỹ lưỡng. Gặp cơ duyên gì phải va chạm với cảnh trần, không nên mê mờ vướng mắc. Dù cho người đã được ngũ nhãn như: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn v.v…có thể vẫn còn bị ngộ nhận.

Phần cuối của Tâm Hương bao gồm phần Hán Văn của những bài thơ nằm trong Tâm Ảnh.

II) Thi Tập Tỉnh Mộng Đời: Dày 129 trang, bao gồm 81 bài thơ trong đó tác giả chuyển ngữ một số bài thơ Đường của Lý Bạch, Vương Xương Linh, Văn Thiên Trường và Lưu Võ Tích. Cũng giống như Cánh Hoa Tâm, Hòa Thượng Tâm Châu đã trang trải tình cảm của mình qua ba thể lọai thơ đạo hay thơ Thiền, thơ ký sự và thơ ái quốc. Lời thơ chứa chan tình cảm, khóang đạt, giàu hình ảnh. Thơ của Hòa Thượng Tâm Châu có hồn, không khô cứng, không tự trói buộc vào kinh điển mà thông qua vạn vật, cỏ cây, sông núi, mây trời mà khai triển ý đạo và cái tâm vị tha, cái tâm chứng đắc của mình theo phong thái Thiền Tông.

a)      Về thơ đạo hay thơ Thiền: Có khá nhiều bài như Kim Cương Ảnh Hiện trang 22, Quán Hư Không trang 34, 35 &35, Vô Đề trang 49&50, Phất Trần Kệ trang 53, Na Uy Pháp Vũ Tự Cảm Niệm trang 77& 78, Vọng Tưởng Âm Ba trang 89, Giấc Mộng Hoa Vàng trang 95&96, Bài Thơ Vô Đề tặng TT. Thích Huyền Tôn trang 108&109, Vào Dòng Tỉnh Thức trang 125. Trong số các bài thơ Thiền, tôi thích nhất bài Quán Hư Không nay xin ghi ra để chúng ta cùng thưởng lãm:

Nghiêm đông nhậm nghiêm đông
Tản bộ tuyết đường trung
Phong trục tăng lãnh khí
Dao quan độc lập tùng

 

Công viên trầm an tĩnh
Tứ cố bạch sơn thông
Thụ lập hoan nhân tẩu
Mộc bàn thán tịnh không.

 

Tuyết thanh an bàn thượng
Ngưỡng ngọa khán thương khung
Pháp giới vô biên tế
Phong vân hạnh ngộ phùng

 

Vũ trụ tuần hòan chuyển
Cao đê phẩm loại đồng
Vạn ban dung biệt tướng
Phật tính tại kỳ trung.

tác giả đã tự chuyển qua Việt Ngữ như sau:

Nghiêm đông mặc nghiêm đông
Đường tuyết bước thung dung
Gío đẩy thêm khí lạnh
Nhìn xa một bóng tùng.

 

Công viên im thin thít
Núi trắng bốn bề thông
Cây đứng mừng người tới
Bàn gố vắng lặng không

 

Bàn gỗ vun sạch tuyết
Nằm trông ngắm trời xanh
Bao la nhìn pháp giới
Vận hội gió mây lành
Vũ trụ tuần hòan chuyển
Thấp cao phẩm lọai đồn
Muôn ngàn hình tướng khác
Phật tính ẩn nơi lòng.
(Montreal 10-1-2001

Bài thơ có phong độ của một danh sĩ ẩn cư, bạn cùng trăng gió, lòng sạch trong như nước tuôn ra từ mạch suối.

b)      Thơ ký sự: Có thể kể những bài thơ Hồng Hiên Tự Cảnh trang 7-10 và Hồng Hiên Tự Sự trang 25-29 tác giả làm năm 2001 khi viếng thăm Chùa Hồng Hiên do các Phật tử Việt Nam phải đi lính cho Pháp, chiến đấu chống lại Đức thành lập năm 1917. Mới đầu chùa này không có tên. Năm 1975 trước khi Miền Nam thất thủ,  Hòa Thượng Thích Thanh Vực được mời sang thăm viếng và đặt tên cho là Chùa Hồng Hiên ý nói con Lạc Cháu Hồng Chí Khí Hiên Ngang giữa trời Âu. Tác giả đã cảm tác những vần thơ như:

Sớm chiều hương ngát chuông vang
Hồn dân tộc dậy lan tràn đó đây
Trăng soi thấu đáy lòng cây
Gió rung vách lá thêm say lòng Thiền.

Rồi các bài thơ Chiều Về Biển Nice (Pháp) trang 23, Khuông Việt Tự Cảm Tác (trang 57) khi tác giả viếng thăm Chùa Khuông Việt ở Oslo, Na Uy năm 2003, Phật Quang Tự Cảm Tác (trang 65) khi tác giả viếng thăm Chùa Phật Quang ở Thụy Điển năm 2003, Liên Hoa Charlotte khi tác giả viếng thăm Charlotte, Carolina, Đạo Tràng Phúc An ( Seattle) khi tác giả chứng minh lễ an vị Phật tại đây, Quan Thế Âm Thiền Tự tác giả làm năm 2003 tại San Jose, California.

Trong số các bài thơ ký sự thì bài Chiều Về Trên Biển Nice tôi cho là tuyệt. Nó tuyệt và lạ bởi vì tác giả là một du khách đang ngắm nhìn một bãi biển ở tận trời Tây với bao nét huy hòang, lộng lẫy, với bao thú vui rộn ràng, hấp dẫn  của thời đại “cách mạng thông tin” mà tâm hồn của tác giả lại là tâm hồn Đông Phương. Phải chăng tâm trí tác giả đã đi vào ĐỊNH “ Đáy lòng vằng vặc gương soi” để chỉ thấy những chuyển động, phồn hoahuyễn hóa đang diễn ra trước mắt vốn chỉ là một phút “tỉnh say vô thường”? Chỉ là chút chuyển động của những hạt bụi (vi trần) của thế giới hữu vi? Chắc người Tây Phương đọc bài thơ này, dù được dịch ra Pháp Ngữ một cách văn chương cũng ngạc nhiên tự hỏi tại sao tâm hồn Đông Phương lại lạ lùng đến như thế? Chúng ta hãy thử đọc bài thơ xem sao:

Chiều Về Biển Nice

Đàn âu trải cánh biển xanh
Gío lùa mây bạc nhuộm hình hoàng hôn.
Xe như nước chảy xuôi nguồn
Thuyền như lá trải cánh buồm phất phơ
Thanh không chim sắt lượn chờ
Xuống lên thả khói vật vờ đó đây
Lâu đài ven núi ngất ngây
Đèn xanh vụt hiện, tỉnh say vô thường
Thảnh thơi du khách lên đường
Hướng về quán trọ tư lường trời mây
Nhìn ra trăng nước vơi đầy
Nhìn đời một giấc mộng dài, ngắn thôi
Đáy lòng vằng vặc gương soi
Thăng hoa nhân quả, đón người thăng hoa.
(Nice Tháng 10,2002)

 

c)      Thơ ái quốc: Có một số bài tiêu biểu như Động Tâm nơi trang 7 khi tác giả nghe tin cộng sản Việt Nam cắt đất dâng biển cho Tàu:

Trời đất quay cuồng dạ quặn đau
Nghe tin cắt đất nhượng cho Tàu
Bao đời xương máu công người trứơc
Bán nước cầu vinh, cộng cúi đầu.

Rồi bài thơ Quyết Tâm nơi trang 11 bày tỏ tấm lòng hy vọng của tác giả vào tương lai đất nước:

Giang sơn nước Việt phục hồi
Quyết tâm đòan kết không nguôi dạ này
Biết bao kế họach hiện bày
Khải hòan ca khúc ấy ngày vui chung.

Lời Kết:

Khi nhận được hai thi tập này tôi trầm ngâm tự hỏi: Là một người thật quả cảm, khôn khéo, mềm dẻo trong cuộc đấu tranh dầu sôi lửa bỏng của Phật Giáo năm 1963 trong tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và sau này trong chức vụ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo trong tình thế hỗn lọan của chính trường Miền Nam…mà Hòa Thượng lại cho ra đời hai thi tập. Mới thọat nhìn tựa đề không thôi - cũng đã thấy nhuốm đượm mùi Thiền chứ không phải là một cuốn hồi ký để tô vẽ cho mình, kể tội người khác, biện minh hoặc có khi chỉ để bóp méo lịch sử và gây thêm thù hận. Dù muốn dù không Hòa Thượng cũng đã trở thành một nhân vật của lịch sử. Từ đó tôi muốn biết xem hai thi tập này nói gì và Hòa Thượnghé mở một chút gì về giai đọan đấu tranh quyết liệt nhất của lịch sử Phật Giáo Việt Nam không?

Trước đây tôi đã có dịp nhận xét về tập Thơ Tù của HT. Thích Quảng Độ nay lại có dịp giới thiệu hai thi tập của Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Tôi cho đó là một hân hạnh lớn. Qua hai thi tập này, chúng ta thấy rõ sau bao nhiêu năm xuất hiện, vào đời, tu hành, đấu tranh và hằng hóa khắp năm châu nay ở tuổi 87, nhìn lại đời thấy như là một giấc mộng. Sự thành-bại, đúng-sai, lời khen-tiếng chê đều chỉ là hư dối.Từ đó mà lòng không vấn vương, không tự hào, không kiêu hãnh, không vướng mắc giống như Kinh Viên Giác nói Bồ Tát vào chốn trần lao cứu đời mà vẫn ở giác địa thanh tịnh và cũng chính vì thế mà lòng nở tâm hoa.

 Tuy nhiên, dù Thiền sưđi vào ĐỊNH, dù lòng đã nở hoa tâm nhưng Thiền Sư vẫn còn trụ thế và từ đó vẫn còn “mẫn chúng sinh” tức vẫn còn ưu tư tới vận mệnh đất nước theo truyền thốngHộ Quốc, An Dân” của Phật Giáo Việt Nam. Đó cũng chính là lòng ái quốc.

 Điều này ngòai những bài thơ thất quốc hiện diện trong hai thi tập, còn có thể chứng minh qua bức thư đề ngày 28-7-2003 mà Hòa Thượng gửi cho tôi sau khi đã nhận và đọc cuốn Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển mà tôi gửi biếu Hòa Thượng. Bức thư như sau:

Kính gửi: Anh chị Đào Văn Bình và Bùi Thị Ngọc Nga,

Cùng chung tâm niệm như anh Đào Văn Bình, đất nước Việt Nam, đồng bào Việt Nam, nhất là hòan cảnh của đồng bào vượt biển lánh nạn cộng sản, chết chóc thê lương không bao giờ phai mờ trong tâm thức tôi.

Mỗi bài thơ của anh Bình - dù nhiều thể tài - đọc tới, nghĩ tới, không ai là người không rớm lệ. Ruớm lệ! Khóc cho đất nước nổi trôi, nhân dân đồ thán, bởi những người phi nhân gây nên! Khóc cho thân mình chưa làm gì được, để cứu nước và giúp người!

Kính thư,

Hòa Thượng Thích Tâm Châu

(chữ ký và triện đỏ)

Ở tuổi ngòai sáu mươi tôi nghĩ tâm hồn ai cũng chùng xuống và hướng nhiều về cuộc sống nội tâm. Và tôi cũng vậy. Bài viết ngày hôm nay không hề có ý định quảng cáo cho hai thi phẩm của Hòa Thượng hoặc tên tuổi của Hòa Thượng - mà chỉ là một chút gì để chia xẻ, cảm thông, một chút rung động, ngưỡng mộ của một người đồng điệu đã từng làm thơ tù, thơ tình, thơ đấu tranh và thơ đạo. Và sau hết cũng là một chút gì để góp phần lưu lại đời sau về một hình ảnh tòan diện, đầy đủ về cuộc đờisự nghiệp của Hòa Thượng Thích Tâm Châu.

            Đào Văn Bình

(California ngày 9-6-2008)

Cước chú: . 

1)      (*) Một trong ý nghĩa của Viên Giác

2)      (**) Trong Kinh Viên Giác

3)      HT. Thích Tâm Châu sinh năm 1921 tại Ninh Bình, nhập đạo năm 11 tuổi. Thành viên sáng lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Huế năm 1951, Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Tăng Già Việt Nam năm 1952. Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964 và còn rất nhiều chức vụ khác. Hòa Thượng viên tịch ngày 20 tháng 8 năm 2015.

4)      Hai thi tập không đề giá bán. Vị nào muốn có hai tập thơ này có thể gửi thư về:

World Vietnamese Buddhist Order

Tổ Đình Từ Quang

1978 Rue Parthernais

Montreal, QC. H2K-3S3 Canada

TL: (514) 525-8122

Xem thêm các sáng tác của HT. Thích Tâm Châu:
https://thuvienhoasen.org/author/post/662/1/thich-tam-chau 




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
12/03/2023(Xem: 1799)
01/09/2014(Xem: 17018)
27/02/2018(Xem: 14158)
26/10/2021(Xem: 3926)
20/01/2013(Xem: 17702)
28/06/2017(Xem: 8189)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.