DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Diệu Nga
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003
Lời Giới Thiệu
Tôi tình cờ gặp lại chị Diệu Nga vào dịp lễ Phật Đản năm 2003 tại chùa An Lạc, San Jose, sau mười lăm năm kể từ ngày chị và gia đình rời thành phố Calgary, Canada để sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ. Sau khi hàn huyên đôi chuyện xa gần, chị mở lời muốn in lại các bài viết ngắn của chị đã được đăng trên một số đặc san, nguyện san Phật giáo ở hải ngoại thành một tuyển tập, và nhờ tôi viết lời giới thiệu. Tuyển tập này lấy tên “Dốc Mơ Đồi Mộng” mà chị dự định ấn hành vào cuối năm 2003. Tôi hoan hỷ nhận lời không chút do dự. Vậy mà từ khi nhận tập tài liệu, tôi lại bận rộn với nhiều Phật sự đây đó, giam quyển sách của chị gần một năm trường, bây giờ cuối năm 2004 mới chuẩn bị đem ra đánh máy để in, thành thật cáo lỗi cùng chị …
Tôi còn nhớ mùa hè năm 1988, trước khi gia đình chị Diệu Nga rời Canada, chị đã mang đến Tu Viện Trúc Lâm một bản thảo của quyển kinh “Bát Nhã Cương Yếu” để nhờ “Việt Publisher” ấn hành. Nhà in “Việt Publisher” mới vừa khai trương được hơn một tháng, do một nhóm anh em trong Gia Đình Phật Tử Thiện Tâm lập nên. Họ là những thành viện của Tu Viện Trúc Lâm, nên tôi cũng được tham gia duyệt lại bản thảo đó. Dù chưa quen thân với chị Diệu Nga, nhưng tôi cũng cảm nhận được lòng nhiệt thành của một vị nữ cư sĩ hiếu đạo. Được biết lúc bấy giờ việc ấn loát một bản văn chữ Việt vẫn còn rất khó khăn và khá tốn kém. Trong khi chị mới vừa đặt chân đến Canada chỉ trước tôi một vài năm, việc làm, lương bổng chắc chắn vẫn còn eo hẹp, vậy mà chị đã góp nhóp số tiền dành dụm của gia đình, và một số ít của bạn bè thân thiết, phát tâm làm công việc ấn tống này. Quả tình tôi rất khâm phục.
Tôi hỏi chị: quyển sách này có phải do chị viết không? – dạ không, đây là loại sách biên khảo rất công phu, nghiên cứu toàn bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển do Sư Bà Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (hiệu Hồng Ẩn) bỏ công nhiều năm soạn thành bộ cương yếu này. Rất tiếc lúc ấy nhà nước cộng sản vừa chiếm miền Nam nên không cho phép in ấn bất cứ một loại kinh sách nào. Con đã xin nhận lãnh sứ mạng của Sư phụ đem bộ kinh này ra hải ngoại để kịp thời phổ biến, kẻo nó bị mai một, chị trả lời câu hỏi. Lúc đó tôi tự nghĩ, kinh “Đại Bát Nhã” là một bộ kinh mà áo nghĩa vô cùng thâm sâu, không dễ gì một vị tu sĩ bình thường mà có thể mò mẫm vào được cánh cửa chơn không diệu hữu của triết lý tánh không, hay “Đại Bát Nhã Trí Tuệ” u huyền này.
Như thế thì việc phổ biến một quyển kinh thật khúc mắc, khó hiểu trong lúc này tại hải ngoại thực sự có lợi ích gì cho độc giả không? Dường như chị cũng có cùng cảm nghĩ nên không để tôi hỏi, chị tự trã lời: - Đó là tài liệu khổ công rất nhiều của Sư phụ con trong lúc tuổi quá già; con chỉ muốn sư phụ được nhìn thấy nó khi Sư phụ còn sống; đồng thời cũng để đóng góp vào kho tàng chánh pháp của nhân gian một tài liệu quý báu, một tác phẩm trọng yếu cho người học Phật, hay cho những bậc thức giả khát khao, muốn khám phá kho tàng “Diệu Trí” của chư Phật, tôi khẻ mỉm cười đồng tình với chị …
Rồi từ đó mất liên lạc. Thỉnh thoảng, tôi có dịp đọc một số bài viết đăng tải trên các đặc san, nguyện san Phật giáo ở hải ngoại với bút hiệu “Diệu Nga” là pháp danh của chị, tôi nghĩ không biết đó có phải là chị hay không. Cho đến một hôm, khi nhận được quyển “Giọt Lệ Như Sương” của Diệu Nga do Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản lần đầu và gửi tặng, trong đó có ít bài tôi đã đọc được trên các báo, mới hay đó chính là bài viết của chị. Những câu chuyện tản mạn này tuy ngắn nhưng lại làm cho nhiều người cảm xúc, tỉnh ngộ, thích thú, đón nhận nó thật nồng nhiệt như một loại giáo lý nhân gian dễ hiểu, không cần động não, có lẽ vì tình chất bình dị và có lý tưởng của nó.
Đọc hết những mẫu chuyện ngắn trong tuyển tập “Dốc Mơ Đồi Mộng” của Diệu Nga, tôi có cảm tưởng chị đã đem cả tâm hồn mình để hòa quyện trong cái lý tưởng thương đời, mến đạo của chị. Đã trải hết tâm tư mình dệt thành một bức tranh với những màu sắc linh động như thật, như hư, như mơ, như mộng, khi thăng khi trầm, chợt ẩn, chợt hiện trong cái chân lý sống thực của thế gian: có, không, vô thường, vô ngã và đau khổ. Mỗi cốt chuyện đều có sức lôi cuốn đặc biệt. Lôi cuốn ở đây không có nghĩa là vì nó éo le tình tiết như những thiên tiểu thuyết tình cảm ướt át, hoặc những chuyện hư cấu đầy kịch tính của tiểu thuyết kiếm hiệp.
Mà mỗi câu chuyện được kể đều là những ước vọng đơn sơ, rất thường tình trong cái hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục, còn phủ trùm bởi phiền não vô minh. Kết thúc mỗi câu chuyện chị thường cho người đọc cái cảm quan trong tỉnh thức để nhận diện nó với chính nhân sinh quan của mình. Hương liệu của những vị mặn, chát, chua, cay, đắng, ngọt của cuộc đời còn được chị xem là cốt lõi của triết lý sống. Đối đãi, phân biệt là trò chơi của nhơn gian, ai chấp nhận nó là phải chấp nhận tất cả những quy luật của thế gian. Tuy nhiên trên quy luật của thế gian còn có một thứ quy luật bình đẳng chưa hề tha thứ cho một ai đó là “Luật Nhân Quả”. Chính điều đó mà con người mới có lý tưởng để đeo đuổi, có hạnh phúc để xây dựng, để nhìn đời chứ, phải không quý vị?
Tuyển tập “Dốc Mơ Đồi Mộng” này tuy không thâm uyên như “Bát Nhã Cương Yếu” mà chị đã bỏ rất nhiều thì giờ, công sức để đáp đền ơn Sư phụ. Nhưng nó có một công năng chuyển hóa rất lớn đối với những mảnh đời trôi dạt biển khơi. Trong đêm đen tăm tối, nhìn được cây “Đèn Bão” lung linh trước gió cũng định được bến bờ. Tôi vẫn thấy giá trị đồng bản thể của nó với “Bát Nhã Cương Yếu” không khác chút nào. Vì vậy, để trân trọng giới thiệu đến các bạn độc giả xa gần, tôi chỉ xin quý vị thử rảo bước vào thế giới “Dốc Mơ Đồi Mộng” của tác giả Diệu Nga thì sẽ cảm nhận được trọn vẹn cái hương vị của nó.
Quý đông, năm Giáp Thân 2004
Thích Thiện Tâm.