Phần 02

14/10/201012:00 SA(Xem: 18159)
Phần 02

ĐƯỜNG VÀO NỘI TÂM
Thích nữ Trí Hải

02

10. CƯ SĨ THỜI PHẬT

Mỗi khi muốn khích lệ các tỳ kheo tu tập, đức Thế tôn thường nhắc đến hai vị tỳ kheo lý tưởngXá Lợi PhấtMục Kiền Liên. Nhưng khi thuyết giảng cho cư sĩ về một mẫu người tại gia lý tưởng, đức Đạo sư lại nêu danh hai cư sĩ uyên bác của Ngài, đó là ưu bà tắc Citta và Hatthaka. Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, kể những bậc thuyết pháp đệ nhất trong đó ba vị được liệt kê đầu tiên là tỳ kheo Tunna, tỳ kheo ni Dhammadinna và ưu bà tắc Citta. Trong kinh tạng Pali, không một cư sĩ nào vượt hơn Citta về phương diện thuyết pháp.

Để tiện việc phát âm, và để phù hợp với độc giả người Việt, ta hãy gọi Citta là cư sĩ Tâm trong câu chuyện về đời ông.

Cư sĩ Tâm là một thương gia giàu có sở hữu cả một khu làng tên Niga Pathaka và một khu rừng rộng lớn. Ông cúng khu rừng này cho Tăng đoàn của Phật xây dựng một tinh xá lớn ở đây.

Một hôm cư sĩ Tâm mời một số các vị Trưởng lão trong tinh xá về nhà dùng cơm. Sau bữa ăn, cư sĩ thỉnh vị Thượng tọa thuyết giảng những lời Phật dạy về sự sanh khởi của các pháp. Vị Thượng tọa không giảng được. Sau ba lần cư sĩ cầu thỉnh, một vị hạ tọa tỳ kheo trẻ tuổi nhất trong đoàn tên Isidatta, đứng lên xin phép vị Thượng tọa để giảng cho cư sĩ. Vị Thượng tọa chấp thuận, và Isidatta tỳ kheo trẻ bắt đầu giải thích rành mạch sự sanh khởi các pháp. Ông giảng rằng mọi pháp khởi lên đều do từ 18 "giới": đó là sáu nội xứ hay căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), 6 ngoại xứ hay trần (sắc thanh hương vị xúc pháp) và sáu thức (sáu cái biết của 6 căn ở trên).

Sau thời pháp, các tỳ kheo ra về. Trên đường về tinh xá, vị Thượng tọa tỳ kheo khen ngợi hạ tọa tỳ kheo về thời pháp vừa rồi:

- Lành thay, hiền giả đã trình bày gọn và rõ. Lần khác, nếu có dịp, hành giả cứ tự do trình bày.

Vị Thượng tọa chẳng những không ôm lòng ganh tị với tỳ kheo trẻ, trái lại Ngài cảm thấy hỷ lạc khởi lên trong tâm trước sự uyên bác của người sư đệ. Vị sư đệ, về phần ngài, cũng không tỏ lộ chút nào hãnh diện hay kiêu căng trước những lời ca tụng. (Tương ưng bộ kinh 41,2)

Vào một dịp khác, cư sĩ Tâm hỏi: "Do nhân gì mà những tà kiến xuất hiện?" Thượng tọa tỳ kheo cũng không đáp được, và Isidatta xin thay ngài để trình bày. Tỳ kheo Isidatta bảo: tà kiến khởi lên là do tin tưởng thật có một cái Tôi (gọi là ngã kiến hay thân kiến). Cư sĩ Tâm hỏi: ngã kiến hay thân kiến do đâu mà có? Tỳ kheo đáp, kẻ phàm phu do không học tập Phật Pháp, thường xem năm uẩn - tức những yếu tố vật lý (sắc) và tâm lý (bốn uẩn còn lại) nơi một con người - là cái "tôi" và "của tôi", do đó tạo nên một cái ngã tưởng tượng, đó gọi là thân kiến hay ngã kiến.

Cư sĩ Tâm rất hoan hỷ với lời giải thích ấy, và hỏi quê vị Tỳ kheo ở đâu. Khi vị Tỳ kheo cho biết ở Avanti, cư sĩ hỏi:

- Vậy tôn giả có biết một người tên Isidatta ở đấy không? Y là bạn thư từ với tôi. Tôi thường viết thư đàm luận Pháp với y, và khuyên y xuất gia. Không biết y nghĩ sao về lời khuyên ấy, lâu nay tôi mất liên lạc.

Đôi bạn chưa hề gặp nhau, nên khi cư sĩ Tâm biết vị tỳ kheo chính là Isidatta đã liên lạc thư từ với mình dạo trước, ông rất vui mừng. Cư sĩ xin được cúng dường các thứ cần dùng cho Tỳ kheo Isidatta, nhưng vị này cảm ơn và đi biết không bao giờ trở lại. Ngài đã chứng A La Hán.

Vào những dịp khác, cư sĩ Tâm là người trả lời những câu hỏi về Pháp do các Tỳ kheo đặt.

Một ngày nọ, một nhóm Tỳ kheo Thượng tọa đang ngồi trước cổng tinh xá thảo luận vấn đề: những kiết sử (sự buộc trói) là một hay khác với các dục trưởng dưỡng (sắc thanh hương vị xúc). Nếu các dục trưởng dưỡng chính là trói buộc, thì chỉ cần xa chúng là hết trói buộc. Nhưng nếu dục trưởng dưỡng khác với trói buộc, thì dù xa lánh chúng, cũng không chắc đã hết trói buộc.

Cư sĩ Tâm tình cờ đi qua, nghe lọt sự bàn cãi của chư tăng về vấn đề, liền xin gia nhập cuộc thảo luận. Khi được phép phát biểu, ông tuyên bố:

- Bạch chư Đại Đức, con tin và biết chắc chắn rằng: kiết sử và các dục trưởng dưỡng là hai chuyện khác nhau, không những trên danh từ mà cả về ý nghĩa. Như cái ách buộc chung cặp bò đen trắng, con bò đen không phải là cái trói buộc con trắng, con bò trắng cũng không phải là cái trói buộc con đen, nhưng cả hai đều bị trói buộc bởi cùng một sợi dây giàm của cái ách. Cũng vậy, căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không trói buộc được trần, trần cũng không trói buộc được căn, nhưng cả hai căn và trần đều bị Dục tham trói buộc vào cái ách khổ.

Chúng tỳ kheo rất hoan hỉ với giải đáp của cư sĩ đa văn ấy, và cho rằng vị ấy đã đắc Pháp nhãn.

Đức Phật cũng dạy, sáu nội ngoại xứ (6 căn 6 trần) là những vật bị trói buộc, nhưng chỉ có Dục tham là xiềng xích trói buộc chúng. Bởi thế, thật vô ích nếu chỉ xua đuổi ngoại cảnh, tránh né sắc thanh hương vị xúc, hay chỉ cố gắng đè nén nội căn (như bưng tai nhắm mắt), bởi vì chính Dục tham mới là yếu tố trói buộc.

Ví dụ của cư sĩ Tâm rất xác đáng: Bò đen dụ cho sáu nội căn vì khó biết khó thấy. Bò trắng dụ cho sáu ngoại trần, vì hiện rõ dễ thấy.

Một dịp khác, cư sĩ Tâm đàm luận với một lãnh tụ giáo phái lõa thể là Nathaputta (Ni kiền tử). Ông này bảo:

- Bạn có tin rằng có một cảnh giới hoàn toàn không có tư tưởng?

- Không, tôi không tin có một chuyện như thế.

Vị lõa thể rất hài lòng trước câu trả lời ấy, vì không hiểu được ý nghĩa thực của nó. Ông tưởng sẽ chinh phục được cư sĩ nổi danh này theo giáo phái mình, phấn khởi tuyên bố:

- Đúng thế, thưa bạn. Tôi cũng nghĩ rằng, dừng lại dòng tư tưởng tuôn chảy thì chẳng khác nào lấy tay ngăn giòng nước sông Hằng lại. Quả thế, không thể nào làm ngưng dòng tâm thức.

Cư sĩ Tâm hỏi:

- Theo ý bạn, lòng tin và sự thực chứng bằng kinh nghiệm, cái nào đáng giá hơn?

- Dĩ nhiên là sự thực chứng bằng kinh nghiệm có giá trị hơn chứ.

- Vậy thì tôi đã biết, đã thực chứng một điều rằng, trong bốn thiền, thì ba thiền sau là không có tư tưởng. Bởi thế đối với tôi, không phải là chuyện tin tưởng nữa, mà là thực chứng bằng kinh nghiệm, lời dạy của Thế tôn.

Khi ấy lõa thể ngoại đạo cực lực thống trách cư sĩ Tâm, vì lúc đầu đã nói "không tin có chuyện ấy". Cư sĩ Tâm hỏi:

- Lúc đầu, bạn khen tôi đúng, bây giờ bạn lại chê tôi ngu. Vậy thực sự, tôi ngu hay đúng?

Lõa thể không trả lời.

Một lần khác, cư sĩ Tâm gặp lõa thể Kassapa và hỏi:

- Bạn thực hành lõa thể như vậy đã bao lâu?

- Ba mươi năm.

- Bạn đã chứng đắc những trạng thái hỉ lạc hay có trí tuệ siêu phàm chưa?

- Chưa. Còn bạn, bạn đã quy y Phật bao lâu?

- Ba mươi năm.

- Thế bạn đã chứng được cái gì?

- Tôi đã chứng bốn thiền, và nếu tôi chết trước khi đức Thế tôn nhập Niết bàn, thì chắc chắn Đấng Đạo sư sẽ nói về tôi như sau: Cư sĩ Tâm không còn bị trói buộc vào cõi nào trong dục giới.

Điều ấy khiến vị lõa thể hiểu rằng cư sĩ đã chứng quả Bất hoàn, thứ ba trong bốn quả thánh. Vị khổ hạnh rất đỗi kinh ngạc khi thấy một cư sĩ tại gia lại có thể đạt một trình độ tu chứng cao như vậy. Ông suy rằng, ở cương vị xuất gia ông sẽ càng dễ chứng hơn nhiều. Do đó ông nhờ cư sĩ giới thiệu đến Phật để xin xuất gia thụ giới. Chẳng bao lâu ông chứng quả A La Hán,

Cư sĩ Tâm còn dẫn dắt ba người bạn nữa xuất gia đắc quả, một người trong đó là Isidatta đã nói. Cả ba đều vượt hơn cư sĩ về quả chứng.

Khi cư sĩ bệnh nặng, chư thiên xuất hiện khuyên ông hãy trú tâm vào ngôi vị Chuyển luân vương trong đời kế tiếp. Ông trả lời:

- Không, tôi không làm vua Chuyển luân. Tôi đang hướng đến cái gì còn cao cả hơn, hạnh phúc hơn ngôi vị ấy. Tôi đang hướng đến Niết bàn.

Quyến thuộc vây quanh ông trong lúc ấy, vì không trông thấy chư thiên nên tưởng ông nói nhảm. Ông trấn an mọi người:

- Ta đang nói chuyện với phi nhân, các ngươi đừng sợ.

Rồi ông dặn dò:

- Sau khi ta chết, các con cháu hãy luôn luôn đặt niềm tin vững chắc vào Pháp, và giữ sự cúng dường hầu hạ Đấng Đạo sư cùng thánh chúng của ngài.

Nói xong, ông nhắm mắt an tường nhập định.

--o0o--

 

11. BỒ TÁT THÂN NAI

Thuở Phật tại thế, có nhà triệu phú sinh được người con gái xinh đẹp đã trồng căn lành từ vô lượng kiếp, có trí tuệ của bậc xuất trần thượng sĩ. Khi lớn lên nàng không màng chuyện chồng con, mà muốn xuất gia trong Pháp và Luật của Phật. Nàng xin cha mẹ:

- Thưa cha mẹ, con không ưa đời sống gia đình, xin cha mẹ cho con xuất gia, sống đời giải thoát như Phật Thế tôn.

Ông bà triệu phú kinh hoảng bác ngay lời nàng:

- Này con yêu dấu, đừng nói bậy. Nhà ta đại phú, con muốn cúng dường bố thí bao nhiêu cha mẹ cũng không cấm. Nhưng con là con gái cưng độc nhất của cha mẹ, không đời nào cha mẹ lại cho phép con xuất gia.

Bị từ chối, cô gái suy nghĩ: "Vậy, khi nào cha mẹ gả chồng, ta sẽ xin chồng xuất gia." Và cha mẹ đã chọn người rể xứng đáng, gả nàng. Cô gái theo về nhà chồng, thâm tâm vẫn nuôi ý định xuất gia. Vào một ngày hội lớn trong nước, mọi người đều trang sức lộng lẫy, nhưng cô gái vẫn không đeo đồ nữ trang, y phục vẫn đơn giản như thường ngày. Chồng nàng hỏi:

- Tại sao em không trang điểm phấn son gì cả? Hôm nay là ngày hội vui cả nước, em không tham dự sao?

- Thân này là đãy da chứa toàn ô uế, phấn son trang điểm cho nó chẳng khác gì trang hoàng một cái thùng phân.

- Em nói nghe như là người đã thoát vòng tục lụy. Vậy sao em không vào chùa tu luôn đi?

- Nếu được phép, em sẽ xuất gia ngay bây giờ.

- Vậy thì được, cho phép em xuất gia.

Nàng hoan hỉ cảm ơn, và chồng nàng đưa nàng tới một ni viện dưới sự lãnh đạo của Đề bà đạt đa (Devadatta). Đề bà đạt đa đã gây chia rẽ trong tăng chúng, bằng cách đưa ra năm điều luật khắc khe hơn giới luật Phật chế, và nhờ vậy thâu được một số đông đệ tử mới của Phật về phái mình, những người có khuynh hướng cực đoan, khoái khổ hạnh.

Thiếu phụ khi xuất gia, hoàn toàn không biết mình đã mang thai. Sau khi thọ giới cụ túc, bụng càng ngày càng lớn. Chúng tỳ kheo ni trông thấy, bèn đi mách với Đề bà. Đề bà ra lệnh trục xuất ngay, vì cho là cô ấy phạm giới. Cô cực lực phản đối, bảo:

- Tôi xuất gia với đức Đạo sư, không phải xuất gia với sự lãnh đạo của Devadatta. Xin cho tôi đến yết kiến đức Phật Thế tôn.

Chúng ni bèn đưa nàng đến trước Phật. Phật biết nàng vô tội, song vì nàng ở trong tăng đoàn Đề Bà, nên ngài muốn làm sáng tỏ vấn đề trước vua Ba tư nặc để quần chúng khỏi dị nghị, cho rằng Ngài tranh giành đệ tử. Một phiên xử công khai được triệu tập để xét xử nội vụ. Nhiều trưởng giả, đại thần, mệnh phụ tham dự, trong đó có bà Visakha là một phụ nữ nổi tiếng. Bà được đề cử để khám xét thiếu phụ tỳ kheo ni. Sau khi khám, bà công bố cô có thai khi còn là gia chủ, và do đó cô vô tội. Phiên xử kết thúc mỹ mãn, tỳ kheo ni được trở về chùa. Đến kỳ khai hoa nở nhụy, cô hạ sanh một bé trai được nuôi trong chùa. Khi vua Ba tư nặc đi dạo chơi ngang chùa, nghe tiếng trẻ khóc bèn hỏi quan hầu cận:

- Quái lạ, sao trong chùa lại có tiếng trẻ khóc nhỉ?

- Tâu đại vương, đó là hài nhi của vị ni cô được triều đình tuyên bố vô tội dạo trước.

Vua nhớ ra, bèn xin Phật cho đưa đứa bé về cung để hoàng hậu và các cung nữ nuôi giùm. Đến kỳ đặt tên, hài nhi có tên là "hoàng tử Ca Diếp", được nuôi dạy chung với các hoàng tử. Khi lên bảy, hoàng tử Ca Diếp xin Phật xuất gia. Sau khi thụ đại giới, trưởng lão Ca Diếp trở thành vị thuyết pháp đệ nhất trong tăng đoàn của Phật. Trưởng lão ni mẹ của ngài và ngài đều chứng quả A La Hán.

Một hôm, tại Diệu pháp đường trong tinh xá Kỳ hoàn, chúng tỳ kheo đang ngồi ca tụng ân đức Thế tôn, đã cứu được hai mẹ con và lại còn đặt lên ngôi vị thánh. Đức Phật đi vào biết chuyện, dạy:

- Này các tỳ kheo, không phải trong đời này Như lai đã cứu hai mẹ con Ca Diếp, mà trong đời kiếp lâu xa khi còn làm súc sanh, ta cũng đã từng cứu hai mẹ con ấy.

Rồi Ngài kể lại chuyện tiền thân ngài làm Nai chúa như sau.

Thuở ấy đức Phật làm một con nai chúa tể cả đàn nai trong rừng. Nai chúa có bộ lông và đôi mắt tuyệt đẹp. Vị vua trị vì lúc bấy giờ rất khoái thịt nai, ngày nào cũng bắt dân chúng vào rừng săn bẫy nai đem về cung cấp cho đầu bếp nhà vua. Vì phải bỏ bê việc nhà vào rừng săn nai hàng ngày, dân chúng bàn nhau huy động toàn lực để bắt hết tất cả nai trong rừng về, vây lại trong vườn thượng uyển để đầu bếp mỗi ngày vào đó mà bắt nai, khỏi phiền nhiễu tới dân chúng. Đàn nai của Bồ tát bị tóm trọn, cùng với một đàn nai khác cũng do một nai chúa cầm đầu, là tiền thân của Devadatta.

Khi cả hai đàn nai đều bị bắt về ngự uyển, vua đến xem, và trông thấy hai con nai chúa xinh đẹp, liền bảo đầu bếp chừa lại đừng giết. Những con khác thì cứ mỗi ngày làm thịt cho vua dùng. Từ đấy hàng ngày tên thợ săn và đầu bếp của vua lại đến, dùng cung nỏ bắn hạ một con trong hai đàn nai để về làm thịt. Mỗi khi thợ săn đến, hai đàn nai chạy tán loạn, thợ săn bắn tên vào chúng, nhiều con bị trúng thương, phải chịu đau đớn nhiều ngày trước khi chết. Thảm kịch tái diễn hàng ngày, khiến cho đàn nai hãi hùng khủng khiếp. Bồ tát nai liền họp tất cả đàn mình và đàn nai Đề bà để thương nghị:

- Để tránh tình trạng kinh hoàng cho hai bầy nai, chúng ta hãy luân phiên bắt thăm, ngày hôm nay đàn nai tôi nạp một mạng, ngày mai đàn nai anh nạp một mạng. Như vậy những nai còn lại được sống yên ổn, cho đến khi tới phiên mình nạp mạng.

Toàn thể đều chấp thuận sự sắp đặt ấy. Một hôm, đến lượt đàn nai Đề bà bốc thăm, trúng phiên một chị nai có bầu sắp sinh. Nai mẹ khẩn khoản với nai chúa:

- Xin hãy tha cho tôi, nếu tôi bị giết thì chết tới hai mạng chứ không phải một, Như vậy không công bằng. Tôi sẽ xin nạp mình sau khi sanh nở xong.

Nai Đề bà nhất quyết không chịu. Nai mẹ bèn đến cầu cứu nai Bồ tát. Bồ tát nói:

- Được, chị yên tâm trở về đi. Ngày mai, chị khỏi phải đến nạp mạng.

Nai mẹ mừng rỡ cảm ơn ra về. Hôm sau, khi tên đầu bếp của vua đi đến chỗ hành quyết nai, thì thấy Bồ tát nai chúa đang nằm kê đầu trên cái thớt chờ lát đao chặt xuống. Đôi mắt Nai trong sáng đượm buồn, nhưng bình an. Nai ngước nhìn tên đầu bếp với vẻ thương xót, không lộ vẻ gì là sợ sệt, thù hận. Đầu bếp ngạc nhiên hỏi:

- Này bồ đi, sao nằm đó? Vua bảo tha chết cho bồ kia mà. Đàn nai của bồ chết tiệt cả rồi sao?

- Không phải đâu, đầu bếp. Đàn nai tôi còn nhiều, nhưng hôm nay tới phiên một chị nai có bầu nạp mạng. Nếu chị ấy chết thì chết cả mẹ lẫn con. Tôi không nỡ bảo ai thay thế chị, vì ai cũng tham sống sợ chết cả. Do vậy tôi nạp mình thay cho chị. Đầu bếp cứ việc hạ đao đi.

Người đầu bếp trở về tâu vua chuyện lạ. Nhà vua đích thân theo ông đến vườn nai, thấy Nai chúa vẫn nằm kê đầu trên thớt, đôi mắt long lanh như hai viên ngọc ngước nhìn vua. Do năng lực từ tâm của Bồ tát, vua phát sinh một lòng thương vô hạn. Vua ngồi xuống bên nai:

- Này nai chúa, hãy đứng dậy. Ta tha chết cho ngươi.

- Tâu đại vương, ngài tha chết cho tôi, nhưng còn những nai khác trong vườn thì sao?

- Ta cũng tha luôn tất cả nai trong vườn.

- Nai trong vườn được tha, còn tất cả loài nai thì sao?

- Ta cũng tha giết tất cả loài nai.

- Loài nai được tha, nhưng các loài thú khác trên mặt đất thì sao?

- Ta cũng tha nốt.

- Loài thú trên đất được tha, nhưng cá dưới nước thì sao?

- Ta cũng tha luôn loài cá.

- Loài dưới nước được tha, còn loài chim bay trên không thì sao?

- Loài chim bay cũng được tha luôn.

- Lành thay, đại vương. Tất cả chúng sinh đều tham sống sợ chết, bởi thế không nên giết hại, đánh đập, gieo rắc sự sợ hãi. Ngài hãy sống với từ tâm, thì đời này được an lạc, giấc ngủ nhẹ nhàng, sống không bệnh tật, chết được an lành, sinh lên các cõi trời trường thọ.

Nhờ bồ tát Nai cảm hóa, từ đấy nhà vua phát tâm ăn chay, không còn ý tưởng giết hại.

Nai mẹ được bồ tát cứu, về sau sanh hạ một chú nai con kháu khỉnh, đó là tiền thân hoàng tử Ca Diếp ngày nay. Nai mẹ chính là tỳ kheo ni được Phật giải oan trong kiếp hiện tại, còn nhà vua là tiền thân của A nan tôn giả.

--o0o--

 

12. BÀI PHÁP TRÊN NÚI

Một thời, cách thành Vương Xá không xa, có ba anh em dòng họ Kasyapa (Ca Diếp) theo đạo thờ lửa sống trong những biệt thự dọc sông Ni Liên. Người anh cả tên Uruvilva (Ưu Lâu Tần Loa) già trên 120 tuổi, anh thứ là Gaya (Già Da) và em út là Nadi (Na đề) cả hai đều đã trên trăm tuổi. Họ đã tu luyện lâu năm và biết phép thần thông biến hóa nên được rất đông đồ đệ, kể cả vua Bimbisara (Bình sa). Tuy vậy, họ không có giáo lý nào để dạy dỗ người bỏ ác làm lành, sống lương thiện, mà chỉ chuyên biểu diễn phép lạ để lòe thiên hạ, và tổ chức những lễ tế thần lửa.

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn đang ở thành Vương Xá. Sau khi độc cư thiền định, Ngài quan sát thấy đã đến thời để cảm hóa anh em Ca Diếp vào chánh đạo. Một khi những người tinh tấn thờ lửa có đông đồ đệ ấy được cảm hóa, họ sẽ đắc đạo nhanh chóng, và những đệ tử của họ cũng sẽ nối gót theo họ mà ra khỏi rừng tà kiến. Sau khi suy nghĩ như vậy, đức Thế tôn mang y bát đi đến trú xứ của Ưu Lâu Tần Loa, người anh cả. Ngài đi bộ một mình, không tùy tùng thị giả. Ngài bước đi bình dị và oai phong như sư tử chúa, đến trước tư thất của vị Bà la môn già thờ lửa vào lúc trời sẫm tối, và ngỏ lời xin nghỉ lại một đêm. Ca Diếp nhìn Ngài từ đỉnh đầu đến gót chân, thầm nghĩ: "Sa môn con nhà ai mà đẹp trai, tuấn tú đến thế! Tiếc thay y không phải là đồ đệ của ta." (Đấng Đạo sư lúc ấy chỉ mới trên ba mươi tuổi, sau khi đạt chánh giác không bao lâu).

Rồi ông từ chối không để Ngài ở lại, lấy cớ đã hết chỗ. Nhưng đức Thế tôn vẫn không nao núng, Ngài đứng im lặng. Bà la môn nghĩ, "có lẽ cần phải hăm dọa thì sa môn này mới chịu đi." Và lên tiếng:

- Nhà đã hết chỗ, chỉ còn cái điện thờ thần lửa, nhưng có một con độc long to bự trong đó, ai vào sẽ bị nó phun độc chết tươi.

Đức Thế tôn nhũn nhặn đáp:

- Cũng được, hãy cho bần tăng trú ngụ một đêm trong đó.

Không biết từ chối cách nào khác, Ca Diếp bất đắc dĩ phải để Ngài ở lại, với hy vọng người khách không mời này sẽ bị trừng phạt đích đáng về tội bất kính đối với thần lửa như vậy. Nhưng Ca Diếpđồ đệ ngạc nhiên xiết bao lúc sáng hôm sau, họ vào điện thờ định đem xác vị sa môn trẻ ra, thì không những vị ấy không bị độc long làm hại mà còn cảm hóa được nó. Con rắn phủ phục một bên Ngài, trong khi Đức Thế tôn lấy tay xoa đầu nó như xoa đầu một đứa trẻ. Bà la môn Ca Diếp lấy làm kinh ngạc, thầm phục sa môn, nhưng chưa biết đấy là Đức Phật, Đấng Chánh đẳng giác. Ông ta nghĩ rằng vị sa môn này chắc có biết ít chú thuật bùa phép. Đối với đạo bà la môn thì tế tự và bùa phép là việc chính, ai kiện toàn được những thứ ấy đuợc xem là bậc thánh. Nhưng Phật giáo thì không thế, đối với đức Phật, thần thông, tế tự không quan trọng, mà cái điều làm cho con người trở thành một bậc thánh chính là trí tuệ thấy được sự vật một cách như thật, không bị che lấp bởi ngu si, ngã mạn, tà kiến. Đó là những điều mà đức Phật muốn dạy cho anh em Ca Diếp, nhưng trước hết Ngài phải dùng phương tiện thần thông biến hóa để nhiếp phục ông ta, vì đó là sở trường của họ. Ưu Lâu Tần Loa bắt đầu cảm thấy khoái vị sa môn trẻ, ông mời Ngài ở lại trong nhà, với dụng ý thâu làm đồ đệ và như thế ông sẽ có thêm một số đông đệ tử theo gót vị sa môn tài hoa khả ái này. Đức Thế tôn nhận lời. Ngài ở lại nhà Ca Diếp bốn hôm, lần lượt thi triển những thần thông vượt ngoài khả năng Ca Diếp, làm cho ông ta phải thú nhận thần thông mình thua xa thần thông của Phật. Khi ấy đức Thế tôn mới bảo ông:

- Này Ca Diếp, ngươi sẽ không bao giờ trở thành một bậc thánh nhờ vào những phép lạ. Chỉ có người nào đạt đến trí tuệ rốt ráo mới đáng gọi là bậc thánh chân thật.

Ca Diếp phủ phục dưới chân Ngài, xin Ngài tha thứ, và xin làm đệ tử Ngài. Đức Thế tôn khuyên ông ta nên hỏi ý kiến 300 đồ đệ ông trước đã. Ca Diếp hội ý với đồ đệ, và tất cả đều công nhận sự vĩ đại của Thế tôn và đều xin qui y. Họ còn mạnh dạn bày tỏ ý chí cải tà quy chánh bằng cách ném hết dụng cụ thờ lửa xuống nước, cho trôi theo dòng sông Ni Liên (Neranjana). Hai người em của Ca Diếp sống ở hạ lưu con sông, với đồ chúng riêng, một hôm trông thấy đồ thờ thần lửa của anh cả đang trôi theo giòng, vội vã tìm tới nhà anh xem đã xẩy ra tai nạn gì. Họ kinh ngạc xiết bao khi thấy anh cả cùng 500 đồ đệ đã cạo tóc đắp y. Ưu Lâu Tần Loa bảo hai em:

- Con đường chúng ta theo bấy lâu nay không phải là chánh đạo, bây giờ anh đã rõ. Muốn chấm dứt khổ sanh tử, chỉ có giáo pháp của đức Thế tôn, bậc Chánh đẳng giác. Vì lý do đó anh đã quy y Phật. Các em cũng nên suy nghĩ lại và can đảm dứt khoát như anh, vì gặp được đức Phật ra đời là chuyện rất khó.

Hai người em cùng số đồ đệ thấy anh cả đã theo Phật nên cũng xin cạo tóc xuất gia. Sau khi cả ngàn đồ chúng anh em Ca Diếp xuất gia, đức Thế tôn đưa họ về thành Vương xá. Trên đường đi, Ngài dừng lại trên đỉnh núi Gaya, từ đó trông xuống xuyên qua một cách đồng, Ngài có thể trông thấy rừng Uruvilva, sông Ni Liên và núi Pragbodhi. Đưa tay chỉ xuống dãy rừng núi trùng điệp, Ngài dạy các tân đệ tử:

- Hỡi các tỳ kheo, tất cả thế gian đang bốc cháy dữ dội, các ngươi nên hiểu. Con mắt chúng bốc lửa, và khi nhìn sự vật bằng con mắt bốc lửa của chúng, thì bất cứ gì chúng thấy đều trông như đang bốc cháy. Lỗ tai chúng bốc lửa, nên khi nghe âm thanh bằng lỗ tai bốc lửa của chúng, bất cứ gì chúng nghe đều như đang bốc lửa. Mũi chúng bốc lửa, nên khi ngửi bằng lỗ mũi bốc lửa của chúng, thì bất cứ mùi gì chúng ngửi đều như bốc lửa. Lưỡi chúng bốc lửa, nên khi nếm bằng cái lưỡi bốc lửa, chúng cảm thấy những vị chúng nếm đều bốc lửa. Thân của chúng bốc lửa, nên bất cứ gì thân ấy chạm xúc đến đều như bốc lửa. Tâm chúng bốc lửa, nên khi suy tưởng với tâm bốc lửa, mọi sự mà chúng nghĩ đến đều như bốc lửa đối với chúng. Và, hỡi các tỳ kheo, lửa gì nơi chúng đang bốc cháy? Ta nói chính là lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, lửa già lửa bệnh, lửa chết, lửa sầu bi khổ ưu não... Khi các ngươi không còn bám víu những ngọn lửa ấy, thì các ngươi có thể giải thoát khỏi những đau khổ mê muội trói buộc các ngươi vào thế gian này.

Bài giảng trên đỉnh núi Gaya không những tóm thu cốt tủy đạo Phật, mà nó còn cho ta thấy đường lối giáo dục của Đấng Thiên nhân sư, bậc thầy siêu việt. Đường lối ấy là "lấy độc trị độc" hay "đối trị tất đàn" và "vị nhân tất đàn" trong bốn biến thí (hai cái còn lại là Thế giới tất đànđệ nhất nghĩa tất đàn). Đối với người khoái thần thông, Ngài sử dụng thần thông để giáo hóa; đối với người thờ lửa, Ngài lấy ví dụ ngọn lửa tham, lửa sân, lửa si đang đốt cháy tâm can con ngườiThế giới. Tất cả không không ngoài mục đích cuối cùng là đưa họ đến đệ nhất nghĩa tất đàn, ra khỏi vô minh khổ ách nhờ trí tuệ thấy Như thật, chân lý khách quan chi phối vạn pháp, không còn bị che mờ vì lớp kính màu của ngã chấpcuồng vọng.

--o0o--

 

13. PHẬT ĐỘ NÀNG GÁNH NƯỚC

(thuật theo Hòa thượng Trí Nghiêm kể)

Một buổi sáng, tôn giả Anan một mình trên đường về tinh xá Kỳ viên, gặp một cô gái đang gánh đôi thùng đầy nước. Đang lúc khát, tôn giả tiến lại xin:

- Này chị, cho bần tăng ít nước uống.

Cô gái đặt thùng nước xuống, đỡ lấy bình bát của tôn giả, múc đầy nước cúng dường. Khi đến gần, cô bỗng chú ý vẻ đẹp siêu phàm của tôn giả, và liền bị một tiếng sét ái tình giáng xuống. Tôn giả đã đi xa, mà cô gái vẫn còn đứng đó, theo dõi bóng người cho đến khi ngài khuất dạng về hướng Kỳ viên. "Anan, Anan..." cô lẩm bẩm để ghi nhớ cái tên mà cô hỏi vội sau khi trao bát nước. Về nhà, cô bảo mẹ:

- Thưa mẹ, khi nào mẹ gả chồng cho con, thì mẹ gả con cho ông Anan mẹ nhé. Con chỉ muốn có ông Anan mà thôi, ngoài ra con không ưng ông nào hết.

- Anan là ông nào? (bà mẹ ngạc nhiên)

- Cái ông khoác áo vàng đó!

- Hừ, con cái lẩn thẩn chưa. Biết bao nhiêu là đàn ông mặc áo vàng, ta biết ông nào với ông nào.

- Con chỉ muốn ông Anan! Con chỉ yêu ông Anan! Mẹ đi tìm ông Anan cho con, không thì con chết! Hu hu hu.

Cô gái bỏ ăn, rầu rĩ suốt mấy ngày liền vì bệnh tương tư. Bà mẹ quá yêu cô con một, bèn qua nhà hàng xóm hỏi dò.

- Này, bà con cô bác có ai biết ông Anan áo vàng là ông nào không?

Có người đã từng cúng dường tôn giả, đáp:

- Biết. Tôn giả Anan là đệ tử và là em của Phật, đẹp trai lắm.

- Vậy à? Thế ông ta ở đâu?

- Ở chùa Kỳ viên ấy.

Bà mẹ lần dò đến chùa Kỳ viên, và hỏi thăm lần ra manh mối. Trở về, bà bảo con gái:

- Mẹ đã tìm ra ông ấy rồi. Con rán dậy mà ăn uống đi, mẹ sẽ tìm cách mời ổng về cúng dường một bữa. Rồi mẹ sẽ tính cho con. Thế nào chắc ổng cũng bằng lòng, vì con gái mẹ xinh đẹp Thế kia. Vả lại, mẹ còn kế này nữa. (bà kề tai nói nhỏ)

vui vẻ trở dậy ăn uống. Bà mẹ đến tinh xá Kỳ viên, mời tôn giả A nan về nhà thọ thực. Đến ngày thọ trai, tôn giả đắp y ôm bát tới nhà hai mẹ con. Sau khi thọ trai, bà mở lời:

- Thưa sa môn, tôi có đứa con gái muốn gả cho một mình sa môn thôi. Nó không ưng ai ngoài ông ra hết. Vậy, xin ông hãy hoàn tục cưới con tôi. Tôi cho không, khỏi tốn đồng xu nào hết.

Tôn giả A nan sững sờ, lúng túng. Kẹt là lỡ ăn tại nhà người ta... Đang tiến thối lưỡng nan, bỗng cô gái đi ra khóa trái cửa lại, xách chìa khóa trở vào. Bà mẹ thì bưng ra một lò lửa đặt ngay giữa nhà, than hồng hừng hực. Tôn giả lấm lét nhìn lò lửa, rồi nói:

- Chúng tôisa môn đệ tử đức Phật. Thầy tôi dạy, người xuất gia phải giữ gìn giới cấm, không được làm việc dâm dục.

Bà mẹ trở giọng đanh thép:

- Tùy ý sa môn. Một đàng là có vợ đẹp, một đàng là lò lửa đó, muốn đàng nào?

Thấy nguy, tôn giả thầm kêu cứu Phật: "Lạy đức Thế tôn, con đang gặp nạn, Ngài nỡ bỏ con sao?"

Từ hương thất, động lòng từ, đức Thế tôn sai hai đệ tử đem thần chú Lăng nghiêm đến giải vây cho tôn giả. Nguyên vì Anan bị bùa lực của bà Ma đăng già, mẹ cô gái, nên không ra khỏi nhà bà được. Khi hai vị đệ tử Phật đi đến với thần chú Lăng nghiêm, bùa lực Ca tì ca la của bà ấy mất công hiệu. Anan thong thả ra về.

Cô gái mất Anan, lăn khóc thảm thiết. Cô chạy theo đến chùa Kỳ viên, tìm Phật để đòi lại Anan cho bằng được. Đức Phật hỏi:

- Ngươi muốn đòi Anan làm gì?

- Tôi muốn ông ấy về làm chồng.

- Cũng được. Nhưng hình thức ngươi khác, ông ấy khác, làm sao được? Ngươi phải giống như Anan, cạo trọc đầu, thì ta mới giao Anan cho ngươi.

- Được, vậy tôi sẽ ra phố cạo tóc.

Thấy cô gái quá si, đức Phật lại dùng kế hoãn binh:

- Khoan đã, ngươi phải về xin mẹ có bằng lòng cho ngươi cạo không đã chứ. Ta không chấp nhận ngươi cạo tóc, nếu không có mẹ đồng ý.

Cô gái trở về xin mẹ. Bà nổi trận lôi đình:

- Con cái gì ngu ngốc! Cái tóc là vóc con người, mày cạo trụi lũi cái đầu đi thì còn nước nôi gì nữa? Hử? Thiếu gì chồng, mà mày lại nhất quyết đòi cho được cái lão sa môn trọc đầu khó tính ấy, hở đồ ngu? Ta nhất quyết không cho mày cạo tóc.

Thế là hai mẹ con thi nhau bỏ ăn, nằm vạ. Cô gái không ngớt khóc lóc. Bà mẹ luôn mồm nguyền rủa.

Bà con lối xóm bu đông, kẻ bàn ra, người nói vào, để khuyên lơn bà mẹ.

- Này chị Ba, chi bằng chị cứ cho cô ấy cạo tóc đi, để được chồng. Nghe nói ông Anan là con vua, thế nào mai mốt cũng lên làm vua. Con chị sẽ được làm hoàng hậu, chẳng sung sướng lắm sao?

Bà mẹ nghe bùi tai, liền bằng lòng. Cô gái cạo trụi đầu tóc, trang điểm làm cô dâu để đến chùa Kỳ viên. Bao nhiêu kiềng xuyến hoa tai được đeo hết vào người cô, phấn son lòe loẹt đúng điệu cô dâu, chỉ khác một điều là cái đầu trọc lóc. Bà con bấm bụng cười thầm, tiễn đưa cô dâu đến tinh xá.

Đức Phật cũng ngạc nhiên không kém. Từ ngày thành đạo tới nay, Ngài chưa từng trông thấy cảnh tượng nào ngộ nghĩnh tức cười hơn. Tưởng là dùng kế hoãn binh, để bà mẹ ngăn cản cô ấy, nào ngờ bây giờ nó dẫn xác trở lại đòi Anan cho bằng được. Thật là một phen bối rối cho đức Thế tôn. Chỉ còn một cách là ... thuyết pháp giáo hóa thử xem sao, chứ để nó bắt Anan đi thì còn gì! Ngài chúm chím mở lời:

- Này, con yêu Anan ở điểm nào?

Cô gái trả lời một mạch:

- Con yêu đôi mắt, cái mũi, cái miệng, tay chân thân hình giọng nói cử chỉ tướng đi của ông Anan.

Đức Phật nghĩ, "Con nhỏ này tuy si mê, mà khá thành thực. Có gì nói nấy. Hay lắm, tâm ngay thẳng là đạo tràng. Nó còn ngây thơ lắm, chưa biết gì đến cấu uế của sinh tử." Ngài dịu dàng bảo:

- Này con, tất cả những gì con yêu nơi Anan đều không sạch. Trong thân thể người ta, tất cả đều bất tịnh hôi thối. Ông Anan cũng như mọi người, như ta và như con. Thân con có sạch không?

Cô gái cúi mặt đứng im. Phật bồi thêm:

- Vả chăng, có chồng thì phải sanh con đẻ cái. Mà sanh con thì trần truồng, xấu xí. Con đường hiểm sanh tử ấy, chỉ có kẻ ngu mới dấn thân vào!

Nghe động tới sự trần truồng, cô gái cảm thấy hổ thẹn cực độ, tâm nhàm chán lên tuyệt đỉnh. Ngay tại chỗ, cô chứng quả Dự lưu, nghĩa là vào dòng thánh nhân.

--o0o--

 

14. KHÔNG RƯỢU MÀ SAY

(Thuật theo chuyện kể của Hòa thượng Trí Nghiêm)

Vào một buồi chiều tịnh mịch ở Kỳ viên tinh xá, sau khi giảng pháp cho chư tăngcư sĩ khắp nơi tụ về, Đức Thế tôn vào Hương thất an nghỉ. Vừa đặt lưng xuống, Ngài bỗng nghe tiếng đập cửa thình thịch và tiếng khè khè của một gã say rượu thừa lúc cổng mở, đã lẻn vào tinh xá. Hắn vừa đập cửa vừa gọi:

- Ông Phật đi, ông Phật! Cho tui làm Phật với! Tui cũng muốn ... làm Phật! Khà khà! Bộ chỉ mình ông làm Phật được mà thôi à? Há?

Đức Thế tôn ngồi dậy ra mở chốt. Thấy gã say dơ dáy, y phục tả tơi, Ngài động lòng trắc ẩn gọi thị giả A Nan:

- Này, A Nan, ông tắm rửa, cạo tóc và cho nó một cái y sạch. Rồi tìm chỗ cho nó nằm nghỉ.

A Nan vâng lệnh. Sau khi tắm rửa sạch sẽ, cạo tóc đắp y, gã say được đưa đến một gốc cây im mát trong tinh xá. Gã đánh một giấc ngon lành cho đến sáng hôm sau. Khi tỉnh dậy, hắn bỡ ngỡ nhìn quanh thấy toàn thầy tu mặc áo vàng đi bách bộ, dòm lại mình cũng đang đắp y, sờ đầu nghe trụi lũi, hắn kinh hoàng không biết mình là ai, vội vàng bỏ chạy một mạch ra phía cổng. Các tỳ kheo đuổi theo bắt lại. Nhưng một số khác biết chuyện, ngăn bạn:

- Này, chư hiền, để cho hắn chạy. Hắn chỉ là một gã say, hôm qua Thế tôn bảo tôn giả A Nan tắm rửa cạo tóc đắp y vào cho hắn đấy.

- Thật Thế sao? Tại sao đức Thế tôn làm chuyện lạ nhỉ? Biết hắn say mà vẫn độ cho hắn xuất gia?

- Hãy để hắn đi cho khuất, rồi chúng ta sẽ đến thỉnh giáo đức Thế tôn về việc này.

Thế là họ kéo nhau đến Hương thất đức Phật, bạch hỏi:

- Bạch đức Thế tôn, chúng con không hiểu vì nguyên nhân gì Ngài lại độ cho một gã say như thế? Xin Đấng Thiện Thế giải rõ cho chúng con.

- Này các tỳ kheo, các ông dường như trách ta vì đã độ cho một gã say. Nhưng ta hỏi các ông, trong lúc hắn say, tại sao không cầu chuyện gì khác, mà lại cầu làm Phật? Như thế là hắn đã gieo một cái nhân tốt đẹp, ta phải giúp duyên cho hắn, vì ta không hẹp gì mà không cho hắn làm Phật. Vả lại, có bao nhiêu người "tỉnh" biết cầu làm Phật như hắn? Vậy thì ai tỉnh, ai say? Huống chi, hắn có nhậu rượu vào mà say, thì bất quá chỉ say vài tiếng đồng hồ rồi tỉnh lại. Cho nên, bệnh say của hắn, ta không cho là trầm trọng. Trái lại, biết bao kẻ trên thế gian này, dù không uống rượu mà vẫn say, không phải say vài tiếng đồng hồ như hắn, mà say muôn kiếp ngàn đời chưa tỉnh. Cái bệnh say đó, say trong vô minh ái dục, Ta mới gọi là một chứng bệnh trầm kha!

--o0o--

 

15. VỌNG MỸ NHÂN

Vào một ngày đẹp trời, vua Pasenadi (Ba tư nặc) xứ Kosala dạo chơi trong vườn ngự. Khi nhìn ngắm những gốc đại thụ ở nơi tịnh mịch, với những tàn lá tỏa rộng che bóng mát thật khả ái, đẹp mắt, vua bỗng nhớ đến đức Thế tôn, và nghĩ: "Những gốc cây khả ái, đẹp mắt, ở nơi vắng vẻ thoáng gió, xa hết mọi tụ hội huyên náo, thích hợp cho trầm tư này, chính là nơi Thế tôn thường ngự tòa. Chúng ta hãy đi đảnh lễ đức Thế tôn." Rồi vua quay sang người hầu tên Kàràyana bảo:

- Này Kàràyana, ta nhớ đức Thế tôn. Ngươi có biết hiện gi? Đấng Chánh đẳng giác đang ở đâu không?

- Tâu Đại vương, lành thay đại vương nghĩ đến đức Phật Thế tôn. Ngài cùng với đại chúng du hành khắp nơi, rày đây mai đó không có trú xứ nhất định. Thật là một cuộc đời mây bay hạc lánh khó tìm dấu vết. Nhưng may thay, lúc này Ngài đang dừng chân tại thị trấn Meladumpa, cách đây không xa lắm, có thể đi và về nội trong một ngày.

- Thế thì ngươi hãy cho thắng cỗ xe, để chúng ta đi yết kiến đức Thế tôn.

- Thưa vâng, tâu đại vương.

Vua cùng các quan hầu cận đi đến thị trấn Phật đang trú. Vua đi bộ vào ngôi tinh xá. Lúc bấy giờ một số đông tỳ kheo đang bách bộ ngoài trời, vua hỏi:

-Thưa chư đại đức, đức Thế tôn hiện ở đâu? Chúng tôi muốn yết kiến Ngài.

Các tỳ kheo chỉ vào một gian nhà mà bảo:

- Thưa đại vương, gian nhà cửa đóng kín kia là nơi Thế tôn đang nghỉ. Hãy im lặng đến gần, bước vào hành lang thật nhẹ, sau khi tằng hắng, hãy gõ cửa. Đức Thế tôn sẽ mở cửa cho đại vương.

Đến trước cửa, vua cỡi vành khăn đội đầu, và trao thanh kiếm hộ thân cho quan hầu cận. Quan hiểu ý, dừng lại chỗ vua trao kiếm. Vua tằng hắng rồi gõ cửa. Đức Thế tôn mở cửa. Sau khi bước vào gian nhà, vua quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Phật, lấy tay sờ chân Phật rồi tự xưng tên mình:

- Bạch Thế tôn, con là vua Pasenadi xứ Kosala.

Thế tôn hỏi:

- Do duyên cớ gì mà đại vương hạ mình tột bực trước thân này như thế?

Vua thưa:

- Bạch Thế tôn, trong khi con thấy những sa môn bà la môn các giáo phái khác hành trì phạm hạnh chỉ một thời gian, rồi trở về thụ hưởng dục lạc, thì các vị tỳ kheo đệ tử Phật thực hành phạm hạnh viên mãn cho đến trọn đời. Do vậy con nghĩ: Thế tôn thực là bậc Chánh đẳng giác, Pháp được Thế tôn khéo giảng, chư Tăng đệ tử khéo hành trì.

Lại nữa, bạch Thế tôn, trong các tập thể ở thế gian, con thường thấy vua chúa cãi lộn với vua chúa, bà la môn cãi lộn với bà la môn, gia chủ cãi lộn với gia chủ. Trong gia đình, cha mẹ anh chị em cũng thường gây gổ nhau. Còn trong Pháp và Luật của Thế tôn, con thấy các tỳ kheo sống với nhau thuận hòa, không tranh cãi, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau bằng con mắt ái kính. Bạch Thế tôn, con không thấy một nơi nào khác có phạm hạnh viên mãn thanh tịnh như thế. Do vậy con kính ngưỡng Thế tôn.

Lại nữa, bạch Thế tôn, khi du hành, con thường gặp các sa môn gầy gò khốn khổ bạc nhược không đẹp mắt chút nào. Con hỏi, và được họ trả lời rằng, tâu đại vương, chúng tôi bị bệnh gia truyền. Trái lại, con thấy các tỳ kheo đệ tử Phật luôn luôn hoan hỉ, các căn thoải mái, tịch tịnh, khinh an. Do vậy, con kính ngưỡng Thế tôn và nghĩ, Pháp được Thế tôn khéo giảng, chư Tăng khéo an trú trong Pháp ấy.

Lại nữa, bạch Thế tôn, con là vua cả nước, có quyền sinh sát trong tay, vậy mà khi con ngồi xử kiện đôi lúc có người dám ngắt lời con, mặc dù con đã ra lệnh không được ngắt lời. Còn trong khi Thế tôn thuyết pháp, thì không một ai gây tiếng động. Một lần, có một vị cư sĩ ho lên trong khi Thế tôn thuyết pháp, và đã bị người ngồi cạnh khẽ đập vào đầu gối. Con nghĩ, thật là vi diệu, hội chúng của Thế tôn được huấn luyện không cần đến gươm giáo gậy gộc.

Lại nữa, bạch Thế tôn, con thấy nhiều học giả thật uyên bác, muốn đến chất vấn Thế tôn, bàn sẵn những lời kích bác, nhưng khi đến trước Thế tôn, thì họ câm lặng, và sau khi được Pháp thoại của Thế tôn làm cho hoan hỉ, phấn khởi, tất cả đều xin quy y Thế tôn, trở thành đệ tử. Do vậy con kính nguỡng Thế tôn.

Lại nữa, bạch Thế tôn, con có hai quan giữ ngựa, ăn cơm của con, đi xe của con, nhờ con mà sống, chính con đem lại danh dự cho chúng. Vậy mà chúng không hạ mình với con như với Thế tôn. Có một lần, trên đường hành quân, con và hai quan giữ ngựa vào nghỉ đêm trong một căn nhà hẹp giữa rừng. Sau khi cùng nhau thảo luận về Pháp của Thế tôn giảng cho đến quá nửa đêm, họ nằm xuống ngủ, để đầu hướng về nơi mà họ được nghe là Thế tôn đang ngự tòa, và trở chân về hướng con nằm. Bạch Thế tôn, khi ấy con nghĩ, thật sự những người này chắc phải ý thức một sự thù thắng trong giáo lý Thế tôn, nên mới có thái độ tôn trọng tột mức đến nỗi coi nhẹ mạng sống như vậy. Do thế, con lại càng kính ngưỡng đức Thế tôn.

Và bạch Thế tôn, Thế tôn cùng thuộc dòng Sát đế l?i, cùng ở nước Kosala, cùng tuổi tám mươi như con. Do vậy con sẵn sàng hạ mình tột bực đối với Thế tônbiểu lộ tình thân ái.

Kể xong những lý do trên, vua Pasenadi đảnh lễ Thế tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi kiếu từ. Sau khi vua ra về, Phật kể lại câu chuyện trên cho các tỳ kheo, và dạy:

- Này các thầy, đấy là các pháp trang nghiêm, các thầy nên học tập. Các pháp ấy là căn bản của phạm hạnh.

 

LỜI BÀN: Đọc xong kinh Pháp trang nghiêm, kẻ hậu bối không khỏi cảm khái vài ý nghĩ.

1. Vua Ba tư nặc trước cảnh đẹp thiên nhiên, phi tần mỹ nữ không nhớ, rượu ngon thịt béo không nghĩ, mà chỉ nhớ tưởng đến Thế tôn, tha thiết như nhớ cha mẹ, và tức tốc tìm đến nơi để đảnh lễ ngài. Thật là một vị vua hiền, xứng đáng được sinh đồng thời Phật. Và đức Phật chúng ta cũng may mắn hơn Khổng phu tử nhiều. Vì trong lúc đó thì bậc thánh ở Trung hoa phải than phiền về ông vua bê bối say mê nàng Nam tử: "Nhà vua trọng sắc hơn trọng đức." Nhưng đối với vua Ba tư nặc ngày xưa, cũng như với Phật tử chúng ta ngày nay, thì đức Phật quả là NGƯỜI ĐẸP CỦA MUÔN ĐỜI VÀ VẠN LOẠI. Do đó có câu: "Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương."

2. Trong bảy lý do vua kể vì sao mà vua kính ngưỡng Phật, thì hết năm lý do liên hệ đến tư cách người đệ tử, là: sống phạm hạnh trọn đời (trên nguyên tắc, không kể ngoại lệ), không cãi lộn, lóng tai chí thành nghe Pháp, nhan sắc vui hòa, và biết tôn kính Thầy (hai quan giữ ngựa kính Phật hơn vua). Đủ thấy tư cách người theo Phật thực quan trọng, gọi là "nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân".

3. Về chuyện hai quan giữ ngựa. Vua thấy hai bề tôi phạm tội khi quân, dám ngủ quay chân về hướng mình, mà không vội nổi sân đòi chém đầu, lại lần dò tìm hiểu lý do tại sao chúng lại kính Phật hơn mình, trong khi mình là người cầm giữ sinh mạng chúng. Thái độ ấy quả là thái độ của một vị vua có trí.

4. Về điểm cuối cùng, vua ngưỡng mộ Phật vì ngài cùng một "ca líp" với mình. Đó là kiểu suy tư của một hạng người mà đối với họ, Phật tánh quả có Nam Bắc. Họ sẽ không chịu quy y với một chàng bán củi như Lục tổ Huế Năng khả kính của chúng ta. Có lẽ vì vậy, mà Phật phải giáng sanh vào dòng vua chúa, để độ cho hạng vương giả. Tất cả đều là phương tiện của Bồ tát để độ sanh: khi cần ngồi xe bò thuyết pháp, cứ ngồi xe bò.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/07/2015(Xem: 13302)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :