ཐཾཊ།བྱ།རྩ།༔
CHƯƠNG 1
Emaho. Tuyệt vời thay!
Ta, Đức Liên Hoa, bây giờ sẽ kể lại câu chuyện về cuộc đời mình –
Cách Ta làm chủ Giáo Pháp linh thiêng, cả ba thừa,
Cách mà hành động của Ta vì chúng sinh trở thành một dòng chảy liên tục,
Và cách Ta chuyển Pháp luân không ngừng nghỉ.
Mỗi một hữu tình chúng sinh trong sáu cõi
Không ngừng trôi lăn khắp luân hồi bởi vô minh, mê lầm.
Đặc biệt trong Thời Xung Đột[1], thời kỳ cặn bã,
Chúng sinh chìm đắm trong năm độc và hành xử theo những cách thức sai lầm,
Để truyền cảm hứng cho họ, dẫu cho họ thật khó thay đổi,
Chư Phật Pháp thân đã hướng sự chú ý;
Chư Phật Báo thân khẳng định mệnh lệnh;
Và chư Phật Hóa thân đều đồng thuận rằng
Ta, Đạo Sư Liên Hoa, cần xuất hiện trên thế giới Nam Thiệm Bộ Châu này.
Một số nhận thấy rằng, Ta đã xuất hiện diệu kỳ ở Uddiyana
Trên một bông hoa sen giữa Hồ Dhanakosha.
Số khác thấy rằng Ta là con trai của vua Xứ Uddiyana.
Một số lại cho rằng Ta đã giáng hạ như một tia sét
Xuống đỉnh Núi Sắt Thiên Thạch.
Dù thế nào, hai mươi bốn ‘năm’ sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt,
Phật Vô Lượng Quang đã mang hình tướng Bồ Tát,
Đấng Đại Bi[2], và từ tim Ngài,
Ngài đã hóa hiện diệu kỳ thành Ta, Đức Liên Hoa, như là chữ hrih.
Hơn thế nữa, Ta đã xuất hiện trong mọi thế giới như cơn mưa
Giáng hạ xuống vô số hàng triệu tỷ nơi.
Thực sự, hành động của chư Thắng giả nằm ngoài tầm suy nghĩ,
Ai có thể đo lường hay hạn chế phạm vi của chúng?
Tuy nhiên, Ta đã hóa hiện diệu kỳ đến Nam Thiệm Bộ Châu,
Là con trai tiền định của vua Uddiyana.
Ta đã cai quản vương quốc đó, chuyển Pháp luân Đại thừa
Để mọi người cùng nhau đạt giác ngộ chân chính.
Sau đấy, Ta du hành khắp các vùng đất của Ấn Độ
Và nghiên cứu đến hoàn hảo năm lĩnh vực của kiến thức[3].
Đây là chương đầu tiên trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta đến thế giới này và rèn luyện trong những lĩnh vực của kiến thức.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 2
Ở Ấn Độ, Ta trình bày những nghi vấn về Kinh điển với Tôn giả A Nan,
Đệ tử thân cận của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trước sự chứng minh của Đức Prabhahasti, Ta trở thành một tu sĩ xả ly,
Và nghiên cứu mọi giáo lý của ba phần Yoga[4].
Sau đấy, Ta đến trước đạo sư Prahevajra[5]
Và thỉnh cầu mọi giáo lý về Tâm Yếu Đại Viên Mãn;
Rồi dưới chân đạo sư Buddhaguhya,
Ta thọ nhận Tinh Túy Bí Mật, Huyễn Võng[6] hàng trăm lần.
Sau đấy, dưới chân Đức Shri Singha[7], Ta đỉnh lễ,
Thọ nhận tất cả Mật điển về Heruka Thù Thắng Nhất[8].
Ta đến trước đạo sư Manjusrimitra [Văn Thù Hữu] và thọ nhận
Không dư sót toàn bộ Mật điển về Văn Thù Yamantaka[9].
Tiếp đó, Ta đến trước Tổ Long Thọ, đạo sư vĩ đại,
Thỉnh cầu những Mật điển và nghi quỹ về Khẩu Liên Hoa[10].
Ta viếng thăm đạo sư Hungkara vĩ đại và thọ nhận
Mọi Mật điển và nghi quỹ về Yangdak, Ý Thanh Tịnh Hoàn Hảo[11].
Trước sự chứng minh của đạo sư Vimalamitra [Vô Cấu Hữu], Ta thọ nhận
Các Mật điển và nghi quỹ Cam Lồ Phẩm Tính[12].
Ta đến trước đạo sư Dhanasamskrita và thỉnh cầu
Các Mật điển và nghi quỹ Hoạt Động Phổ Ba[13].
Một lần nữa, Ta du hành trở về gặp Đức Prabhahasti,
Và thọ nhận từ Ngài trăm nghìn đoạn kệ Kiến Thức Thù Thắng Của Phổ Ba[14].
Dưới chân Đức Shantigarbha, đạo sư vĩ đại, Ta thọ nhận
Các Mật điển và nghi quỹ Cúng Dường – Tán Thán[15] và Chân Ngôn Phẫn Nộ[16].
Hơn thế nữa, từ vô số những đạo sư thành tựu,
Ta thọ nhận vô vàn quán đỉnh, giải thích và chỉ dẫn
Về rất nhiều Mật điển, tuyên bố và nghi quỹ
Từ cả Tam Tạng[17] cũng như Chân ngôn Bí mật ngoại và nội.
Đây là chương thứ hai trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta thỉnh cầu những chỉ dẫn then chốt từ tất cả đạo sư và giải quyết mọi điều không chắc chắn.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 3
Sau đấy, Ta đạt được sự hoàn thiện trong thực hành
Ở tám nghĩa địa chính yếu cùng các địa điểm linh thiêng của Ấn Độ.
Và với những dấu hiệu thành tựu khác nhau, Ta vượt qua bè lũ ma.
Trên tất thảy, khi rắc rối khởi lên tại Kim Cương Tòa[18] của Ấn Độ
Bởi những vị thầy ác tâm thuyết giảng các tín ngưỡng cực đoan,
Ta giải quyết vấn đề bằng lô-gic và dùng sức mạnh để đánh bại.
Năm trăm học giả sau đấy thiết lập Ta trên ngai tòa;
Với tư cách là vị nhiếp chính của Đức Phật, Ta giữ gìn giáo lý trong một trăm năm.
Sau đó, Vimalamitra, học giả vĩ đại, là người kế nhiệm.
Ta, đạo sư xứ Uddiyana, đến vùng đất Zahor,
Nơi quốc vương, bởi vô minh, đã thiêu sống Ta.
Ta hiển bày thần thông biến đám cháy thành hồ nước,
Thiết lập mọi người trong vương quốc trên con đường Giáo Pháp.
Ở đó, Ta giữ gìn giáo lý Phật Đà trong hai trăm năm.
Sau đấy, Ta thành tựu sự bất tử ở Maratika,
Và đấng bảo hộ Vô Lượng Thọ đã xuất hiện trước mắt,
Ban cho Ta một trăm linh tám nghi quỹ về trường thọ.
Kế đó, Ta tiến đến Tịnh độ Mật Nghiêm Akanistha[19],
Và các cõi thanh tịnh khác của năm gia đình Phật.
Ở đó, Ta thỉnh cầu những Mật điển từ tất cả chư Thiện Thệ
Và trò chuyện với tất cả chư Phật Hóa thân, những vị tuyên bố rằng:
“Chẳng có vị Phật nào khác ngoài điều này: tâm con!”.
Trong động thực hành phía trên của Yangleshö[20],
Để đạt thành tựu Đại Ấn[21],
Ta tiến hành thực hành về Yangdak Heruka.
Các chướng cản xuất hiện, gây đau đớn khắp Ấn Độ và Nepal,
Vì thế, Ta thỉnh cầu chư đạo sư gửi cho Ta những phương pháp giáo lý để tiêu trừ.
Các sứ giả đem về Kiến Thức Thù Thắng Của Phổ Ba.
Chỉ nhờ việc giáo lý này đến Nepal, mọi chướng cản đều bị dập tắt.
Như thế, Ta đạt được thành tựu thù thắng – Đại Ấn.
Khi Ta đang thực hành trên Yari Gong, Núi Đá Phiến Thượng,
Những triết gia cực đoan một lần nữa lại thách thức Kim Cương Tòa.
Chư Không Hành Nữ xuất hiện trước nhóm năm trăm học giả Phật giáo ở đó,
Và bảo họ gửi lời nhắn đến Surya Singha, vua Ấn Độ,
Và các thầy tu của ông ấy rằng hãy cầu khẩn Ta quay về Kim Cương Tòa.
Ở đó, một lần nữa, Ta đánh bại tất cả những vị thầy cực đoan.
Cùng với tám đạo sư vĩ đại[22], Ta du hành đến nghĩa địa Hàn Lâm[23],
Và trong bảy ngày, chúng ta đã duy trì trong thiền định.
Đêm cuối, khi thiền định tại Đại Bảo Tháp Đồi Say Mê[24],
Trong lúc thiền định ở đó, tất cả chúng ta đều thấy rằng
Bảo tháp tỏa hào quang với những tia sáng lung linh.
Một Không Hành Nữ[25] xuất hiện và trao cho mỗi vị một giỏ giáo lý Kho Tàng.
Cá nhân Ta thọ nhận những chỉ dẫn cho Tập Hội Chư Thiện Thệ[26],
Và mỗi vị đạo sư cũng thọ nhận sự ủy thác của riêng mình.
Trong khoảng thời gian dài, chúng ta đã giữ gìn Giáo Pháp tại Kim Cương Tòa.
Đây là chương thứ ba trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta giữ gìn những giáo lý ở vùng đất Ấn Độ và thiết lập mỗi đất nước trong Giáo Pháp.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 4
Sau đấy, nhờ sức mạnh của những lời nguyện trong quá khứ,
Trisong Detsen, một vị vua giữ gìn Giáo Pháp,
Phát khởi những mong ước sâu sắc rằng một ngôi chùa cần được xây dựng,
Và đã thỉnh mời Đức Shantarakshita [Tịch Hộ], học giả vĩ đại, đến xoa dịu địa điểm.
Nhưng trong khi vùng đất đã được điều phục mà chẳng có vấn đề gì,
Tôn giả Tịch Hộ giả bộ rằng nó vẫn chưa và tiên đoán về việc Ta sẽ đến;
Ba sứ thần[27] được phái đi cùng với vàng để thỉnh mời.
Họ yêu cầu sự cho phép từ vua Ấn Độ cùng các thầy tu,
Những vị đã thảo luận liệu Ta có được phép đi.
Mặc dù các vùng đất Ấn Độ chịu đe dọa từ những vị thầy cực đoạn,
Thời điểm hoằng dương Giáo Pháp ở Tây Tạng như được tiên đoán đã đến,
Vì thế, họ quyết định rằng Ta thực sự cần lên đường
Và họ đã ký bức thư; các sứ giả được phái đi trước.
Đó là khi Ta du hành từ Ấn Độ.
Khi Ta đến vùng trung tâm của Nepal, chư thiên và ma Tây Tạng
Trở nên lo lắng – chẳng mấy chốc, tất cả đều nhăn nhó sợ hãi.
Một lần nữa, năm sứ giả nữa được phái đi,
Và chúng ta gặp nhau ở Mangyul. Họ là những người Tây Tạng đầu tiên
Phát khởi niềm tin với các năng lực diệu kỳ của Ta.
Ở Tây Tạng, bên bờ Nyima Khu (Hồ Vầng Mặt Trời),
Ta trói buộc những Dạ Xoa và La Sát bằng lời thề.
Ta trói buộc Mười Hai Chị Em Tenma[28] trên Đèo Khala,
Ta trói buộc Gangkar Shame[29], Tingmen từ Jang,
Tinglomen[30] và tất cả những vị bảo vệ bản địa từ Jang[31];
Ở Tsang tại Oyuk, trên đèo Shang đáng sợ,
Ta điều phục Dorje Lekpa[32] rồi ở Yeru và Yonru
Các thần núi ác độc Osham và Tanglha[33].
Trên Núi Kailash linh thiêng, Ta điều phục các vị trời tinh tú Gyukar[34],
Và trên Rặng Tuyết Targo, Ta trói buộc các ma hành tinh Zadu[35].
Tại Namtso Chukmo, Ta trói buộc Đức Bà Thuốc Mentsun[36] bởi lời thề,
Và tại Ma Tsongon, Ta điều phục nữ thần Naga Lumen[37].
Tại Vách Dentig, Ta trói buộc thần núi Magyel[38],
Và tương tự tại Rotam Nakpo, Mẹ Dịch Bệnh Mayam[39].
Tại Hẻm Atarong, Ta trói buộc ma Gongpo[40],
Và tại Vách Melung, Ta điều phục Genyen[41].
Tại Wang Shumar, Ta trói buộc các thần chiến binh Lhatsen[42],
Và trên Rặng Núi Tuyết của Kam, các Naga chiến binh Lutsen[43].
Tại Đỉnh Zhakra Linh Thiêng, Ta trói buộc những vị bảo vệ thân thể Kulha[44],
Và tại Vách Sọ Đen (Thokar Nakpo), Ta điều phục các thần chiến binh Lhatsen.
Tại Trigo Nakpo, Ta trói buộc thiên Gya[45] bởi lời thề,
Và tại Rừng Liễu Đen (Changra Mukpo), tất cả tinh linh vua Gyalpo[46] bởi lời thề.
Tại Hẻm Núi Tsawarong, Ta trói buộc các thổ địa Sadak[47] bởi lời thề
Và tại La Kangchik (Hươu Xạ Một Chân), tất cả những Kẻ Cầm Búa Theurang[48].
Tại Hẻm Núi Bo, Ta trói buộc những Naga chiến binh Lutsen,
Và tại Sáu Rặng Nedruk Rang, tất cả những Naga Ma Ludu[49].
Tại Pháo Đài Anchung Dzong, các tinh linh Genyen đến cung nghênh Ta,
Và tại Pháo Đài Sư Tử (Genge Dzong), Ta trói buộc những tinh linh của đồng cỏ và vách đứng Yapang[50].
Tại Pháo Đài Bầu Trời (Namkha Dzong), Ta trói buộc tinh linh Lhanyen[51] bởi lời thề,
Và tại Núi Đá Ma (Dukyi Drak), tất cả [tinh linh] Thứ-trưởng Barlon[52].
Tại Sông Băng Mayo, Ta trói buộc những tinh linh Nyenchen[53],
Và tại Núi Đá Đỉnh (Poyi Drak), Ta trói buộc một ma nữ Dumen[54].
Tại Ụ Đá Kim Sí Điểu Đen (Khyungto Nakpo), Ta trói buộc một ma chiến binh Dutsen[55],
Và tại Núi Ma Đen (Duri Nakpo), Ma Vương Dugyal[56].
Tại địa điểm linh thiêng Buchu[57], Ta trói buộc những Naga nhỏ – Lutren,
Và tại Lharu Tse, Ta điều phục những vị thiên đầy tớ – Lhatren.
Tại địa điểm linh thiêng Dakpo, Ta trói buộc những vị thần đi săn Gurlha[58],
Và tương tự tại địa điểm Maldro, tất cả Naga.
Tại vùng đất Mon phía Nam[59], Ta trói buộc Ma Mudu[60],
Và tại Sikkim, Xứ Sở Mùa Màng, những ma thung lũng Rongdu[61].
Trên rặng núi tuyết Lapchi, Ta trói buộc bốn chị em Semo[62],
Và trong Chùa Mây Nhẹ (Jamtrin) ở Kyirong, tất cả những nữ thần Mamo[63].
Trong thung lũng Tsang, chư thiên và con người đến cung nghênh Ta,
Và mọi người ở Tolung cũng đều chào đón;
Suốt dọc đường xuất hiện những dòng suối cam lồ thành tựu.
Tại Rừng Thánh Liễu Đá Đỏ, đức vua đến nghênh đón Ta.
Dù là hoàng đế và một hóa hiện của Văn Thù Sư Lợi,
Che chướng của thân người cực kỳ mãnh liệt,
Vì thế, Ngài không thấy được trọn vẹn những phẩm tính của Ta.
Cao ngạo và quyền uy, đầy kiêu mạn, thái độ của vua thật chướng tai gai mắt.
Vì thế, Ta cất lên bài ca về sự vĩ đại, sau đó hiển bày thần thông.
Quá đỗi tin tưởng, hoàng đế kính lạy,
Dâng lên ngai vàng cùng vô số món quà.
Tất cả chư thiên và con người của Tây Tạng đã đến kính lễ.
Đây là chương thứ tư trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách mà quốc vương Tây Tạng đã thỉnh mời Ta đến vùng đất và cách chư thiên – ma bị điều phục.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 5
Sau đấy, Ta câu triệu tất cả thiên và ma trong vương quốc Tây Tạng,
Trao cho họ các mệnh lệnh, trói buộc bởi lời thề và thánh hóa toàn bộ vùng đất.
Bằng vũ điệu kim cương và bài ca hum, Ta đưa họ vào sự kiểm soát.
Ban ngày, nền móng của Samye được con người xây dựng.
Còn suốt đêm, chư thiên và ma xây dựng.
Tứ Đại Thiên Vương[64] hỗ trợ, giám sát công việc;
Và khi những bức tường mọc lên cùng bài ca hoan hỷ, dội vang
Chư thiên và ma xây dựng còn nhiều hơn vào ban đêm so với con người lúc ban ngày.
Trong lúc ấy, một giao kèo giữa đức vua và chư Naga được thiết lập,
Và chư Naga được giao phó việc bao phủ vùng đất bằng bụi vàng.
Samye được xây dựng với những thiết kế khác nhau:
Chùa trung tâm ba tầng được xây dựng như Núi Tu Di,
Hai chùa Dạ Xoa giống như mặt trời và trăng,
Và toàn bộ được trang hoàng bằng bốn lục địa và tám tiểu lục địa.
Một trăm linh tám bảo tháp được đặt trên tường Núi Sắt[65].
Bốn con chó cái bằng đồng được đặt trên bốn cột đá.
Ba tầng được xây dựng theo phong cách của Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng.
Phổ Hiền là vị trung tâm ở tầng thượng,
Với đàn tràng Sự Giác Ngộ Chân Chính Của Tỳ Lô Giá Na[66].
Trong tầng giữa, vị trung tâm là Tỳ Lô Giá Na
Vây quanh bởi chư Tôn Đàn Tràng Kim Cương Giới[67].
Ở giữa tầng dưới là Đấng Đại Giác[68] cùng với
Tất cả chư Phật mười phương cùng những vị kế thừa thân thiết nhất.
Ta đã thánh hóa tất cả chùa chiền, rải những cánh hoa,
Và chư Trí Tuệ Tôn giáng hạ vào mỗi những bức tượng để tất cả đều thấy.
Hào quang chiếu tỏa và âm nhạc nổi lên.
Tất cả chư thiên trút mưa hoa,
Và chư Naga đến dâng những món quà từ châu báu quý giá,
Như thế, thế gian tràn ngập mọi sự cát tường.
Chư vị bảo vệ nam và nữ đến củng cố các phía của ngôi chùa.
Các cột đá phóng lửa và những con chó gầm gừ sủa.
Ba lần, những trái Arura[69] trút xuống như mưa.
Trên khắp Tây Tạng và Kham[70], các dấu hiệu cát tường và tốt lành tràn khắp.
Cả chư thiên và con người đều ngập tràn hoan hỷ – lặp đi lặp lại nhiều lần.
Và như thế, cờ danh tiếng giương cao khắp vùng đất.
Đây là chương thứ năm trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta xây dựng Tu viện Samye và tiến hành lễ thánh hóa.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 6
Sau đấy, Phương Trượng và Thượng Sư[71], cùng nhau, chúng ta hội ý:
“Vương quốc Tây Tạng này là vùng đất của những kẻ man rợ;
Họ chẳng phân biệt đúng – sai, vì thế, làm sao chân lý Giáo Pháp có thể được giảng dạy?
Bởi các thượng thư Tây Tạng đầy đố kỵ, sau khi hoàn thành mong ước của quốc vương,
Hãy cùng nhau trở về vùng đất của mình”.
Khi điều này truyền đến tai hoàng đế,
Ngài cực kỳ buồn bã và òa khóc.
Sau đấy, Ngài lại dâng lên chúng ta một Mandala vàng vô giá.
“Chư đạo sư, với lòng từ ái sâu sắc nhất, xin hãy lắng nghe!
Con, Trisong Deutsen, đã phát khởi những đại nguyện bao la.
Bởi vùng đất Tây Tạng này tăm tối và man rợ,
Không một từ nào của Giáo Pháp dội vang ở nơi đây.
Chư đạo sư, có lẽ quý Ngài không hài lòng, nhưng xin hãy xót thương
Con cầu khẩn quý Ngài, xin hãy chăm sóc chúng con bằng lòng bi mẫn giác ngộ.
Là những hóa hiện giác ngộ, chư vị đã đến vùng đất đáng thương này.
Là Bồ Tát, công việc của chư vị là chăm sóc chúng sinh khác.
Chẳng có nhiệm vụ nào khác ngoài việc hoàn thành nhu cầu của chúng sinh.
Con, Trisong Deutsen, thỉnh cầu quý Ngài – xin hãy viên thành những lời cầu nguyện của con!
Dẫu cho con đã xây dựng những sự hỗ trợ của thân, khẩu và ý giác ngộ,
Và đưa Giáo Pháp của Kinh và Mật đến Tây Tạng,
Pháp vẫn phải được hoằng dương nhờ nghiên cứu, thực hành và thiền định.
Vì thế, chư đạo sư, xin hãy đảm bảo rằng điều này sẽ xảy ra!
Phương Trượng, Thượng Sư, con thỉnh cầu hai vị: Đừng rời đi, mà hãy ở lại Tây Tạng!”.
Chúng ta, Thượng Sư và Phương Trượng, đã thảo luận và quyết định sẽ ở lại.
Ta có thể thấy trước mọi đứa bé Tây Tạng với thiên hướng cao quý,
Cần được tập hợp; chúng ta đã dạy chúng chuyển dịch.
Từ trong số này, một trăm Lotsawa[72] đã xuất hiện,
Bao gồm ba vị – Ka, Chok và Zhang[73] – và xuất chúng nhất, Vairocana.
Ta dẫn dắt việc chuyển dịch tất cả Mật điển ngoại và nội.
Trong khi Phương Trượng chịu trách nhiệm mọi khía cạnh về Kinh và Luật.
Bởi nền tảng cho Giáo Pháp là Tăng đoàn quý báu,
Một nghìn một trăm thanh niên Tây Tạng sau đấy đã thọ giới tu sĩ.
Sau đó, chúng ta cho họ biết danh hiệu của từng vị một trong tất cả đạo sư Ấn Độ,
Và phái trăm vị Lotsawa du hành đến vùng đất Ấn Độ.
Một trăm học giả vĩ đại được cung thỉnh đến Tây Tạng –
Vimalamitra, Buddhaguhya và những vị khác cùng cấp độ.
Trong chùa, chư học giả và dịch giả, Phương Trượng và Thượng Sư, chúng ta cùng an tọa
Trên những tòa đẹp đẽ và cao quý, tất cả được bọc gấm quý.
Chúng ta được phục vụ cao lương mỹ vị và được cúng dường Mandala vàng.
Những giáo lý của Kinh điển và Mật điển được chúng ta chuyển dịch toàn bộ.
Ba Bộ của Luật, Kinh và Luận,
Ba La Mật[74] trong những phiên bản dài, trung bình và ngắn –
Như thế, chúng ta đã chuyển dịch tất cả giáo lý Kinh điển không ngoại lệ.
Những giáo lý liễu nghĩa, chẳng hạn Kinh Đại Niết Bàn[75] và v.v.
Chúng ta đã chuyển dịch tất cả, không ngoại lệ.
Các Mật điển Kriya và Yoga, chẳng hạn Kim Cương Đỉnh[76],
Tất cả những ngoại Mật điển, không ngoại lệ, chúng ta đều đã chuyển dịch.
Tám Mật điển của Huyễn Võng, bao gồm cả Tinh Túy Bí Mật,
Các trao truyền Kinh Văn Tập Hội, những pho của Phần Tâm,
Tám Giáo Lý Nghi Quỹ và năm Mật điển gốc
Và mười Mật điển riêng biệt – cả thảy mười lăm,
Vô số nội Mật điển của Chân ngôn Bí mật đã được chúng ta chuyển dịch.
Hơn thế nữa, vô số giáo lý của Kinh điển và Mật điển
Đã được chuyển dịch, nghiên cứu và giải thích ngày đêm.
Khắp vương quốc Tây Tạng, chúng ta đã thiết lập các trường phái Giáo Pháp,
Kết tập vô số tập Kinh điển và Mật điển.
Với lọng và phướn, cờ và biểu ngữ,
Với những món cúng dường, vô số kể,
Tất cả vô cùng đẹp đẽ và được bày biện trang nghiêm,
Các bản văn được mang trên vai những tu sĩ,
Trong khi lúc giữa, chư vị mang mọi kiểu cúng phẩm.
Chư học giả và dịch giả ngồi trên cỗ xe ngựa kéo,
Với dù lọng phía trên và cờ hai bên.
Vô số nhạc cụ dội vang khắp nơi.
Hương thơm đi trước, chư vị đi nhiễu quanh chùa chiền.
Đó là ngày mà Namkhe Nyingpo hiển bày các thần thông,
Và mọi kinh văn được thiết lập trang nghiêm trên tầng giữa[77].
Sau đấy, các ngai tòa được dựng lên trên đồng cỏ Yobok,
Và mỗi người chúng ta được trao một Mandala vàng và một thỏi vàng,
Một bộ y phục, một súc lụa và len,
Một con ngựa, một con la, hai con dzo đực và cái[78],
Một áo choàng len cừu non và một áo vét len, một hộp da thuộc, một khối trà,
Trăm đồng vàng và nghìn miếng bạc.
Sau khi cúng dường như vậy, đức vua đứng dậy từ chỗ ngồi.
Ngài phát biểu về dòng dõi hoàng gia, các phong tục Tây Tạng và tầm nhìn của Ngài.
Ngài tán thán những thiện hạnh và lòng từ của chư học giả và dịch giả.
Sau đấy, Vimalamitra cùng những học giả vĩ đại khác
Nói về cội nguồn và những nguyên nhân khiến Giáo Pháp vĩ đại.
Kế đó, Vairocana và những dịch giả khác
Nói về các thiện hạnh của chư học giả vĩ đại và sự chuyển dịch Giáo Pháp.
Go và các thượng thư khác cũng phân phát quà tặng
Và nói về cách mà những mong ước của họ đã được hoàn thành.
Tất cả dân chúng lần lượt thiết lập công đức, tùy theo tiềm lực của họ.
Tiếp theo, những học giả vĩ đại, mỗi vị được dịch giả của họ hộ tống,
Bắt đầu hành trình trở về vùng đất của chư vị.
Giáo Pháp giờ đây chiếu tỏa khắp Tây Tạng, như mặt trời mọc.
Đây là chương thứ sáu trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa Sinh, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách chư học giả và dịch giả được cung thỉnh đến Tây Tạng để chuyển dịch những giáo lý Kinh điển và Mật điển.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 7
Sau đó, tại ẩn thất hẻo lánh Samye Chimphu[79],
Ta, Đạo Sư Liên Hoa, thực hành nghi quỹ.
Vua Trisong Detsen, quốc vương của Tây Tạng,
Cùng với Namkhe Nyingpo, Sangye Yeshe,
Gyalwa Choyang và Đức Bà Yeshe Tsogyal,
Palgyi Wangchuk và Dorje Dudjom,
Vairocana và những thành viên hoàng gia khác,
Trao cho Ta những Mandala vàng và thỉnh cầu
Lặp đi lặp lại rằng Ta khai mở đàn tràng Tập Hội Chư Thiện Thệ.
Sau đó, khi đã khai mở đàn tràng cho đức vua và dân chúng,
Ta ban đại quán đỉnh Tập Hội cho họ.
Đấy là khi bông hoa của quốc vương rơi vào Mahottara[80],
Bông hoa của Namkhe Nyingpo rơi vào Yangdak Heruka,
Trong khi bông hoa của Sangye Yeshe rơi vào Yamantaka.
Bông hoa của Gyalwa Choyang rơi vào Mã Đầu,
Và bông hoa của Yeshe Tsogyal rơi vào Phổ Ba.
Bông hoa của Palgyi Wangchuk rơi vào Mamo,
Bông hoa của Dorje Dudjom rơi vào Jikten Chötö,
Còn bông hoa của Vairocana rơi vào Mopa Drakngak.
Như thế, mỗi vị thực hành trong đàn tràng tiền định[81].
Đức vua và các đệ tử đều hiển bày những dấu hiệu thành tựu:
Trisong Detsen có thể kiểm soát kinh nghiệm của người khác bằng sự oai nghiêm;
Namkhe Nyingpo cưỡi trên tia sáng mặt trời như thể cưỡi ngựa;
Sangye Yeshe cắm dao vào đá cứng;
Gyalwa Choyang cất tiếng hí của ngựa từ đỉnh đầu;
Yeshe Tsogyal có thể hồi sinh xác người;
Palgyi Wangchuk làm tê liệt bằng cách hướng dao;
Dorje Dudjom tự tại di chuyển nhanh như gió;
Và Vairocana dùng các tinh linh làm đầy tớ.
Thực sự, đức vua và các đệ tử cũng hiển bày nhiều dấu hiệu thành tựu khác.
Bên cạnh đó, Ta ban các quán đỉnh chín muồi và chỉ dẫn giải thoát
Cho đàn tràng Hiện Thân Chứng Ngộ Chư Đạo Sư,
Hiện Thân Chứng Ngộ Chư Bổn Tôn, Hiện Thân Chứng Ngộ Chư Không Hành Nữ,
Và Hiện Thân Chứng Ngộ Chư Hộ Pháp.
Như thế, Ta truyền bá giáo lý cho các trung tâm nhập thất ở Tây Tạng.
Đây là chương thứ bảy trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta ban những quán đỉnh chín muồi và cách đức vua cùng các đệ tử hiển bày những dấu hiệu thành tựu.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 8
Chính khi ấy, Ta, Đạo Sư Liên Hoa Sinh, nhận ra rằng:
“Ở đây, tại Tây Tạng, những giáo lý của cả Kinh điển và Mật điển,
Của Kim Cương thừa ngoại, nội và bí mật nhất,
Đều đã được nghiên cứu, thiền định và thực hành; các dấu hiệu thành tựu đều đã đạt được.
Thế nhưng, tinh túy của tất cả, một giáo lý chẳng thể nghĩ bàn,
Đại Dương Giáo Pháp Tổng Nhiếp Tất Cả Giáo Huấn Được Trao Truyền[82],
Với sự quan tâm, Ta cần ban cho đức vua và các đệ tử”.
Chính lúc này, đức vua, cùng với ba hoàng tử,
Đã thỉnh cầu Ta ban nó theo cách thức mở rộng, bên trong Động Chimphu.
Sau đấy, khi chôn giấu nhiều kho tàng của tâm giác ngộ,
Quốc vương Tây Tạng, vua Trisong Detsen,
Với Mune Tsenpo, hoàng tử lớn,
Và Murub Tsenpo, hoàng tử thứ hai,
Và Mutik Tsenpo, hoàng tử út,
Cũng như Gyalwa Choyang và Langdro Lotsawa,
Jnanakumara vĩ đại từ Nyak và những vị khác,
Vairocana, Palgyi Senge từ Shubu,
Tingdzin Zangpo và Dorje Dudjom,
Palgyi Wangchuk và Wangchuk từ Odren,
Acarya Sale và Dorje Tsomo từ Shelkar,
Drokben Lotsawa và Tsogyal cùng ba người hầu cận,
Ba hoàng phi của ba vị hoàng tử và v.v. –
Tất cả, mỗi vị cùng với tùy tùng quyến thuộc, đã đến Namkha Dzong ở Kham.
Sau khi khai mở Đại Dương Giáo Pháp Tổng Nhiếp Tất Cả Giáo Huấn Được Trao Truyền,
Ta trao cho đức vua và các đệ tử những quán đỉnh chín muồi,
Và tỉ mỉ giải thích các chỉ dẫn giải thoát trọng yếu.
Cùng với đoàn tùy tùng, trong bảy năm, họ nhất tâm thực hành.
Sau đấy, đức vua có thể tự tại di chuyển qua đá và núi.
Mune Tsenpo thấy Bổn tôn thực sự.
Murub Tsenpo đạt được trí tuệ đại lạc.
Mutik Tsenpo thấy được tinh túy của tâm.
Vairocana bay liệng như chim trên trời.
Gyalwa Choyang chuyển hóa thân thành đám lửa.
Thân của Konchok từ Langdro trở thành khối ánh sáng.
Sangye Yeshe đạt đến Phổ Quang địa.
Jnana vĩ đại từ Nyak chứng ngộ sự cạn kiệt của các hiện tượng.
Kharchen Tsogyal rút ra cam lồ bất tử từ đá cứng.
Acarya Sale đập nát đá cuội bằng tay không.
Cái nhìn của Drokmi Palgyi Yeshe thiêu cháy rừng rậm.
Cái nhìn của Dorje Dudjom khiến cả hồ nước bốc hơi.
Tingdzin Zangpo xuyên thẳng vào một bức tường núi.
Bà Shelkar[83] dùng tinh linh Mamo làm đầy tớ.
Các đệ tử đã hiển bày nhiều dấu hiệu thành tựu.
Mọi bản văn sau đó được viết lại bằng chữ viết diệu kỳ
Và chôn giấu như là các kho tàng tại bảy địa điểm thù thắng.
Hơn thế nữa, Ta tiên đoán người sẽ phát lộ chúng,
Niêm phong bằng mệnh lệnh, phát những lời nguyện và ban quán đỉnh.
Trong Thời Xung Đột, khi tuổi thọ chỉ còn ba mươi,
Ta tiên đoán rằng những kho tàng này sẽ xuất hiện; đó là thệ nguyện của Ta.
Đây là chương thứ tám trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta khai mở Đại Dương Giáo Pháp Tổng Nhiếp Tất Cả Giáo Huấn Được Trao Truyền và chôn giấu nó như một Terma.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 9
Tiếp đấy, Ta viết lại tất cả Giáo Pháp sâu xa
Bằng năm kiểu chữ viết trên năm loại giấy viết,
Rồi yểm vào những hộp tuyệt diệu và đặc biệt.
Ở Lhasa và ở Samye, Yoru và Tramdruk,
Trong những ngôi chùa Điều Phục Biên Giới Và Điều Phục Thêm[84],
Tại Động Shelkar ở Yarlung và Vách Lhodrak ở Kharchu,
Tại Yangdzong ở Drak và trong Dawaphuk [Động Mặt Trăng] ở Yerpa,
Trong Thung Lũng Yamalung và Thung Lũng Zabu ở Tsang,
Trên Núi Trapzang và tại Riwoche ở Tsang,
Trên rặng núi tuyết Lapchi và đỉnh núi tuyết Yolmo,
Tại Namkechen và tám địa điểm của Bhutan,
Tại Tsari Gyala và thánh địa Sengdam Buwo,
Tại Vách Drakar phi phàm ở Tidro,
Và tại hai mươi lăm địa điểm linh thiêng ở Thượng và Hạ Kham,
Năm cho Thân giác ngộ, năm cho Khẩu và năm cho Ý,
Năm cho Phẩm Tính và năm cho Hoạt Động –
Ta đã thực hành ở đó để thánh hóa những nơi này,
Và chôn giấu cả kho tàng chính và phụ, nhiều vô số kể.
Dù cho hiện nay giáo lý chiếu tỏa như ánh mặt trời,
Trong ba thế hệ những hậu duệ của vị vua hiện tại,
Sẽ xuất hiện một vị vua với đầu hình bò và những kế hoạch ác độc[85].
Khi ấy, bởi một thượng thư gây rắc rối với đầu quạ,
Những giáo lý của Đức Phật sẽ bị phá hoàn toàn.
Sau đấy, những hoàng tộc và đệ tử hiện tại,
Trong tương lai, bởi những nguyện cao quý,
Sẽ xuất hiện làm hai vị phát lộ kho tàng thù thắng[86], hai mươi vị Lingpa[87],
Trăm vị Terton khác, những đấng bảo hộ giáo lý,
Và đồng hành cùng là một nghìn lẻ hai vị Terton phụ.
Hơn thế nữa, những Terma được tái chôn giấu sẽ nhiều vô số.
Những vị hoằng dương các giáo lý này, chư đạo sư trì giữ giáo lý,
Sẽ xuất hiện gấp trăm lần, đồng hành cùng mỗi vị Terton chính.
Mỗi vùng sẽ có vị phát lộ kho tàng riêng,
Và mỗi nơi mà Ta thực hành nghi quỹ sẽ có một địa điểm Terma.
Trong mỗi quận sẽ xuất hiện một thành tựu giả lẫy lừng,
Và mỗi thị trấn sẽ có một vị thầy tôn kính.
Với mỗi chủ hộ, sẽ có một tu sĩ, xứng đáng nhận đồ cúng dường
Và một vị Yogin để điều phục các chướng cản và đe dọa cho họ.
Trong tương lai, những giáo lý sẽ được truyền bá đến khắp nơi,
Tất cả những chuyện này sẽ là công việc của các hóa hiện của chính Ta.
Vì thế, hãy phát khởi nhận thức thanh tịnh, dân chúng Tây Tạng và Kham trong tương lai!
Đây là chương thứ chín trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa Sinh, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta chôn giấu những Terma và tiên đoán người phát lộ.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
CHƯƠNG 10
Sau đấy, Ta tuyên bố rằng “Bậc Thầy của chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni,
Trong Kinh Thọ Ký Ma Kiệt Đà đã nói những lời sau:
‘La Sát sẽ tràn đến từ những vùng đất phía Tây Nam;
Chúng sẽ xâm chiếm và tiêu diệt cõi Nam Thiệm này’.
Công việc của Ta vì người Tây Tạng hiện nay đã hoàn mãn trong hình tướng trực tiếp của Ta;
Vì thế, Ta sẽ đi về phía Tây Nam, để điều phục loài La Sát”.
Khi hoàng tử[88] nghe những lời này,
Vô cùng buồn bã, cậu ấy òa khóc trước Ta
Và cố ngăn cản Ta ra đi.
Vì lòng từ và để làm lợi lạc dân chúng Tây Tạng,
Ta tiên đoán những đại diện về thân của Ta, chôn giấu các kho tàng đại diện khẩu của Ta,
Và giao phó chứng ngộ tâm yếu cho những vị kế thừa tiền định.
Khi Ta giải thích điểm này, nỗi buồn của hoàng tử tan biến,
Và Ta quyết định du hành đến vùng đất của La Sát.
Mọi người hộ tống Ta đến đèo Mangyul,
Nơi Ta trao di chúc cho hoàng tử và dân chúng Tây Tạng,
Cùng với mười ba chỉ dẫn cốt tủy xua tan chướng ngại
Và bảo vệ hậu duệ dưới dạng lời cầu nguyện[89],
Và nghi quỹ bên trong cùng với nhiều sự áp dụng[90].
Chúng được chôn giấu ở Khala Rongo thuộc Mangyul.
Tất cả những vị không gặp được Ta, những chúng sinh trong tương lai,
Cần nghiên cứu và trì tụng câu chuyện về cuộc đời giải thoát của Ta.
Hãy học thuộc nó một cách chuẩn xác và hiểu trọn vẹn.
Khi con đọc tiểu sử này trong sáu thời khóa,
Hãy nhớ đến Ta và cầu khẩn Ta như sau[91]:
Emaho! Pháp thân Phổ Hiền và Kim Cương Trì, vị thứ sáu;
Bậc thầy Kim Cương Tát Đỏa, Thế Tôn Thích Ca Vương;
Đấng Bảo Hộ Vô Lượng Thọ cùng với Quán Thế Âm –
Bất khả phân chư vị, Đức Liên Hoa, con cầu nguyện!
Về tinh túy, thân Ngài là Văn Thù Diệt Yama,
Về tinh túy, khẩu Ngài là Đấng Mã Đầu Oai Hùng,
Về tinh túy, ý Ngài là Yangdak Heruka –
Đạo Sư Như Ý Bảo Châu, con cầu nguyện đến Ngài!
Phẩm tính áp đảo chính là Chemchok Heruka,
Về tinh túy, hoạt động là Đức Kim Cương Đồng Tử,
Thống lĩnh Mamo và Không Hành – Ngondzok Gyalpo –
Totreng Tsal đại vinh quang, con cầu nguyện đến Ngài!
Cõi Thân Ngài bao trùm huyễn võng chư Tôn An – Nộ.
Khẩu Ngài du dương mười hai phẩm tính đặc biệt,
Ý giác ngộ vô ngại của Ngài bao trùm mọi nơi –
Đấng thống lĩnh của tất cả Không Hành, con cầu nguyện!
Tiên đoán đại diện thân, chôn kho tàng đại diện khẩu,
Giao phó chứng ngộ tâm cho vị kế thừa tiền định,
Để lại di chúc yêu thương cho tất cả dân Tạng –
Hóa thân vô cùng từ ái, con cầu nguyện đến Ngài!
Chúng con nhớ về lòng từ của Đạo Sư Tôn Quý,
Hãy nhớ lời hứa luôn chăm sóc chúng con của Ngài,
Thời xấu ác, chúng con chẳng còn hy vọng nào khác!
Hãy bi mẫn quán sát, hỡi Hóa thân xứ Orgyen!
Bằng sức, lực, khả năng, trừ nhiễu nhương thời đen tối;
Xin hãy ban gia trì và đại quán đỉnh trí tuệ;
Tăng cường sức mạnh của kinh nghiệm cũng như chứng ngộ.
Ban năng lực mạnh mẽ để làm lợi lạc giáo – chúng
Và khiến chúng con đạt giác ngộ trong chính đời này!
Sau khi hướng dẫn họ cầu khẩn Ta theo cách này,
Ta cưỡi một con ngựa tốt do bốn Không Hành Nữ nâng đỡ.
“Ta sẽ trở về vì lợi ích của người Tây Tạng một lần mỗi tháng.
Đặc biệt vào mùng Mười tháng Thân,
Ta sẽ đến xua tan rắc rối cho tất cả dân chúng Tây Tạng.
Hãy cầu khẩn Ta, đừng quên!”.
Sau đó, Ta nhìn thẳng về phía Tây Nam và rời đi.
Hoàng tử và các đệ tử Tây Tạng khác trở về nhà,
Nơi mỗi người tiếp tục sự hành trì của bản thân.
Đây là chương thứ mười trong Cây Như Ý Của Đức Liên Hoa, câu chuyện về cuộc đời Ta, về cách Ta ban di chúc và ra đi điều phục loài La Sát phía Tây Nam.
ཐ་ཅ།ཐརྒྱ༔
Tôi, Tsogyal, sau đấy đã viết lại tiểu sử này và chôn giấu như một kho tàng. Nguyện nó gặp được vị xứng đáng với nghiệp đúng đắn. Đã gặp được vị ấy, nguyện lợi lạc vì chúng sinh là vô biên. Samaya, ấn, ấn, ấn.
Tôi, Orgyen Chokgyur Lingpa, một trong những vị phát lộ kho tàng tái sinh vĩ đại, đã phát lộ điều này từ Vách Đá Damchen Drak ở Akanistha Karma.
Nguồn Anh ngữ: The Wish-Fulfilling Tree: The Life-Story of the Master of Uḍḍiyāna as found in Padmasambhava’s Sevenfold Cycle of Profundity (https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/chokgyur-dechen-lingpa/wishfulfilling-tree).
Erik Pema Kunsang & Samye Translations chuyển dịch Tạng-Anh năm 2020 (Oriane Lavalé, Peter Woods, Stefan Mang & Libby Hogg hiệu đính và biên tập). Lời Cầu Nguyện Di Chúc trong Chương 10 được cải thiện khi tham khảo bản dịch của Rigpa Translations năm 2015.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Cũng được biết đến là Kaliyuga.
[2] Tức Quán Thế Âm.
[3] Năm lĩnh vực của kiến thức gồm thủ công, lô-gic, ngữ pháp, y học và ‘ngành khoa học bên trong’ – tức Giáo Pháp.
[4] Điều này ám chỉ ba ngoại Mật điển – Kriya, Charya và Yoga Tantra.
[5] Prahevajra là danh hiệu trong Phạn ngữ của Ngài Garab Dorje.
[6] Mật Điển Huyễn Võng Tinh Túy Bí Mật hay Mayajala Guhyagarbha Tantra (Gyutrul Drawa Gyu Sangwe Nyingpo) là một trong mười tám bản văn Mahayoga chính yếu của [trường phái] Nyingma.
[7] Bản tiểu sử này liệt kê Shri Singha thay vì Rambuguhyacandra như là một trong tám Trì Minh.
[8] Heruka Thù Thắng Nhất (Chemchok Heruka) là Mahottara Heruka, vị chính yếu của Tám Giáo Lý Nghi Quỹ.
[9] Văn Thù, Đấng Tiêu Diệt Yama (Jampal Shinje She) là Manjushri Yamantaka, vị chính yếu của Pho Văn Thù về Thân Giác Ngộ (Jampal Kuyi Kor) từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ.
[10] Khẩu Liên Hoa liên quan đến các Mật điển Liên Hoa về Khẩu Giác Ngộ (Padme Sungki Gyu) từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ, mà vị chính yếu là Mã Đầu Hayagriva (Tamdrin).
[11] Ý Thanh Tịnh Hoàn Hảo liên quan đến các Mật điển về Ý Giác Ngộ Hoàn Toàn Thanh Tịnh (Yangdak Thuk-ki Gyu) từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ, mà vị chính yếu là Visuddha Heruka (Yangdak Heruka).
[12] Cam Lồ Phẩm Tính liên quan đến các Mật điển Cam Lồ Phẩm Tính Giác Ngộ (Dutsi Yontenki Gyu) từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ, mà vị chính yếu là Amritakundali.
[13] Hoạt Động Phổ Ba liên quan đến Pho Phổ Ba về Hoạt Động Giác Ngộ (Trinle Phurbe Kor) từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ, mà vị chính yếu là Phổ Ba Kim Cương Vajrakilaya (Dorje Phurba).
[14] Kiến Thức Thù Thắng Của Phổ Ba (Phurba Vitotama) là một trong những Mật điển Phổ Ba Kim Cương chính yếu.
[15] Cúng Dường – Tán Thán Thế Tục (Jikten Choto) hay Lokastotrapuja liên quan đến Cúng Dường – Tán Thán Để Bảo Vệ Giáo Lý (Tensung Choto), một trong ba thực hành thế tục từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ.
[16] Chân Ngôn Phẫn Nộ (Mopa Drak-ngak hay Mantrabhiru) liên quan đến pho về các Chân Ngôn Phẫn Nộ (Drakngak Kor), một trong ba thực hành thế tục từ Tám Giáo Lý Nghi Quỹ.
[17] Tripitaka là từ tiếng Phạn để chỉ Tam Tạng (Deno Sum), bao gồm những giáo lý phổ biến của Phật Thích Ca Mâu Ni: Kinh, Luận và Luật.
[18] Kim Cương Tòa hay Vajrasana (Dorje Den) là tên gọi Phật giáo mang tính truyền thống để chỉ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), trụ xứ giác ngộ của Đức Phật.
[19] Cũng được biết đến Gaṇḍavyūha.
[20] Tức Động Asura.
[21] Đại Ấn là một sự chuyển dịch trực tiếp của Mahamudra.
[22] “Tám đạo sư vĩ đại” được nhắc đến ở đây là tám Trì Minh của Ấn Độ.
[23] Sitavana hay Silwe Tsal, nằm ở vùng phụ cận của Kim Cương Tòa ở Bồ Đề Đạo Tràng.
[24] Sankarakuta Stupa hay Choten Deche Tsekpa.
[25] Dakini Karmendrani hay Khandroma Lekyi Wangmo là vị mà Kim Cương Trì giao phó giáo lý Kagye, điều được niêm phong trong các giỏ và đặt trong bảo tháp Sankarakuta trong nghĩa địa Hàn Lâm ở Ấn Độ.
[26] Tức Kagye Deshek Dupa, sau này được Nyangral Nyima Ozer phát lộ như một Terma.
[27] Tức Nanam Dorje Dudjom, Palgyi Senge và Sakyaprabha.
[28] Mười Hai Chị Em Bảo Vệ (Tenma Chunyi) là một nhóm mười hai nữ thần kết nối với mười hai ngọn núi và hồ khác nhau ở Tây Tạng.
[29] Sông Băng Trắng Đức Bà Không Thịt là một ‘nữ thần của núi Lhabu Gangkar ở Shang”. Guru Rinpoche đã điều phục và trao cho bà ấy danh hiệu bí mật Ngọc Lam Đăng, Đức Bà Kim Cương Không Thịt (Shame Dorje Yu Dronma).
[30] Tinglomen là ‘nữ thần của Hồ Mendong ở phía Tây của Ruthog, miền Bắc Tây Tạng’.
[31] Những vị bảo vệ bản địa hay Chủ Đất (Zhidak) là các tinh linh bản địa, bảo vệ các vùng khác nhau của Tây Tạng.
[32] Dorje Lekpa hay Vajrasadhu là một vị bảo vệ quan trọng.
[33] Osham và Tanglha dường như liên quan đến Yarlha Shampo và Nyenchen Tanglha, hai vị thần núi.
[34] Các vị trời tinh tú (Gyukar) là những ‘vị cai quản hai mươi tám tinh tú’.
[35] Ma quỷ hành tinh (Zadu) là những tinh linh cai quản các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta.
[36] Đức Bà Thuốc (Mentsun) là một kiểu nữ thần nguyên thủy của Tây Tạng.
[37] Nữ thần Naga (Lumen) là một kiểu nữ tinh linh Naga, lai tạp giữa các thần nữ Menmo và Naga.
[38] Điều này liên quan đến Thần Núi Magyel.
[39] Mẹ Bệnh Dịch (Mayam) là một kiểu nữ thần Mamo đặc biệt.
[40] Gongpo là một kiểu tinh linh ác độc thù địch với những vị cai quản Tây Tạng.
[41] Genyen cũng là từ để chỉ những vị giữ gìn giới luật cư sĩ. Các tinh linh với tên gọi này dường như thuộc các kiểu khác nhau và thường nằm trong đoàn tùy tùng của các vị thần khác.
[42] Thần chiến binh (Lhatsen) dường như là một kiểu Tinh Linh Chiến Binh (Tsen), những ma quỷ du hành trên trời, giống như chiến tranh.
[43] Naga chiến binh (Lutsen) là một kiểu lai tạp giữa Naga và những Tinh Linh Chiến Binh.
[44] Những vị bảo vệ thân thể (Kulha) là một kiểu tinh linh, đặc biệt bảo vệ thân thể con người.
[45] Thiên Gya có thể liên quan đến một vị thiên của cõi trời Gya.
[46] Tinh Linh Vua (Gyalpo) là những tinh linh cấp cao hơn, vị đã cai quản vùng đất trước khi Phật giáo đến.
[47] Thổ địa (Sadak) là những tinh linh bản địa cư ngụ trong đất.
[48] Kẻ Cầm Búa (Theurang) là một kiểu tinh linh du hành trên không, vị chiếm những đứa bé và gây ra bất hòa và cãi cọ. Là những vị bảo trợ cho thợ rèn, họ thường cầm búa và cưỡi dê.
[49] Naga Ma là sự lai tạp giữa ma và Naga.
[50] Những tinh linh của đồng cỏ và vách đứng là sự chuyển dịch nghĩa đen cho từ Yapang trong Tạng ngữ.
[51] Thần Nyen là một kiểu thần có bản chất xấu xa, được cho là khiến con người bị què quặt. Họ thường sống giữa bầu trời và mặt đất.
[52] Thứ-trưởng (Barlon) là những tinh linh phục vụ những tinh linh cấp cao hơn. Thực sự, nhiều vị bảo vệ có “quần thần” riêng, bao gồm các vị ‘thượng thư’ phục vụ họ.
[53] Đại Nyen là một kiểu Nyen. Cũng có Tiểu Nyen (Nyentren).
[54] Ma nữ (Dumen) có thể liên quan đến một kiểu lai giữa Naga và nữ thần Menmo.
[55] Ma chiến binh (Dutsen) là một kiểu lai giữa ma và Tinh Linh Chiến Binh (Tsen).
[56] Ma Vương (Dugyal) là một kiểu ma quỷ.
[57] Có lẽ liên quan đến Buchu Lhakhang ở Kongpo, một trong mười hai chùa phong thủy được xây dựng dưới thời Vua Songtsen Gampo để điều phục nữ quỷ nằm ngửa (Sinmo) trải khắp Tây Tạng, và như thế bảo vệ đất nước.
[58] Thần Đi Săn (Gurlha) là một bộ mười ba vị, những tinh linh tổ tiên của các vị vua.
[59] Mon liên quan đến vùng biên giới phía Nam của Tây Tạng, nơi bao gồm Bhutan và Sikkim ngày nay.
[60] Ma Mu (Mudu) là một kiểu ma, có thể liên quan đến tộc Mu, một trong sáu tộc căn bản của Tây Tạng.
[61] Ma Thung Lũng (Rongdu) là một kiểu ma quỷ.
[62] Bốn chị em Semo, một phần của mười hai thiên nữ Tenma.
[63] Thần nữ Mamo là những thần nữ cổ xưa, ác độc của Tây Tạng.
[64] Tứ Đại Thiên Vương cũng được biết đến là Bốn Vị Vua Bảo Vệ của các phương, lần lượt là Dhrtarashtra (Trì Quốc Thiên), Virudhaka (Quảng Mục Thiên), Virupaksa (Tăng Trưởng Thiên) và Vaisravana (Đa Văn Thiên).
[65] Miêu tả này về Samye tương ứng với trật tự vũ trụ Ấn Độ, như được trình bày trong các Mandala. Thực sự, Núi Tu Di được cho là trung tâm của vũ trụ, hai bên là mặt trời và mặt trăng. Xung quanh, trong bốn phương và tám hướng, là bốn lục địa lớn và tám tiểu lục địa, tương ứng. Toàn bộ nằm trong một đại dương được bao quanh bởi những ngọn núi sắt.
[66] Sự Giác Ngộ Của Tỳ Lô Giá Na (Namnang Ngonjang) là một bản văn Charya Tantra chính yếu.
[67] Đàn tràng Kim Cương giới hay Vajradhatu bao gồm 37 vị Tôn. Vị chính yếu là Tỳ Lô Giá Na, được bao quanh bởi bốn vị Phật – A Súc Bệ, Bảo Sinh, Vô Lượng Quang và Bất Không Thành Tựu. Đàn tràng này xuất hiện trong nhiều Mật điển của cả trường phái Nyingma và Sarma.
[68] Đấng Đại Giác hay Mahabodhi (Jangchub Chenpo) là một danh hiệu của Phật Thích Ca Mâu Ni.
[69] Tên Latin là Terminalia chebula. Trong y học Tây Tạng, Arura được xem là phương thuốc trị bách bệnh. Bởi sức mạnh chữa lành lớn lao đó, Phật Dược Sư được vẽ là đang cầm cành Arura trong tay phải.
[70] Trong cách diễn tả thường được thấy – “Tây Tạng và Kham”, Tây Tạng liên quan đến miền Trung Tây Tạng trong khi Kham liên quan đến miền Đông Tây Tạng.
[71] Phương Trượng và Thượng Sư lần lượt là Ngài Tịch Hộ và Đức Liên Hoa Sinh.
[72] Lotsawa là từ Ấn Độ để chỉ ‘dịch giả’, điều cũng được sử dụng trong Tạng ngữ.
[73] Ba vị này – Ka, Chok và Zhang – lần lượt là Kawa Paltsek, Chokro Lui Gyaltsen và Zhang Yeshe De.
[74] Paramita (Ba La Mật) là từ ngắn gọn để chỉ Prajnaparamita (Bát Nhã Ba La Mật), các Kinh điển về Trí Tuệ Hoàn Hảo (Sherab Ki Pharoltu Chinpa).
[75] Một bản văn Đại thừa quan trọng về Tathagatagarbha, tức Phật tính, thuộc về lần chuyển Pháp luân thứ ba.
[76] Mật điển Kim Cương Đỉnh hay Vajrasekhara-mahaguhya-yogatantra (Dorje Tsemo Gyu) là một trong bốn phần chính yếu của Yoga Tantra.
[77] Tức tầng giữa nổi tiếng của Samye.
[78] Dzo là một kiểu gia súc, lai giữa một con Yak và một con bò.
[79] Động Samye Chimphu đại diện cho khẩu giác ngộ của Guru Rinpoche. Ngài đã sống trong các hang động Chimphu trong lúc Tu viện Samye được xây dựng và dành thời gian dài ở đó để nhập thất. Các động tọa lạc ở đầu thung lũng chạy song song và về phía Đông Bắc của Thung lũng Samye, cách Samye khoảng 13 ki-lô-mét.
[80] Danh hiệu ngắn gọn để chỉ Mahottara Heruka.
[81] Tám vị này lần lượt tương ứng với những Bổn tôn chính yếu của từng phần trong Tám Giáo Lý Nghi Quỹ.
[82] Tức Kadu Chokyi Gyatso, một pho giáo lý về chư Tôn Kagye. Giáo lý này sau đó được phát lộ như kho tàng bởi Orgyen Lingpa và sau đó khám phá lại như là Yangter bởi Đức Jamyang Khyentse Wangpo.
[83] Có thể là Dorje Tsomo từ Shelkar, một trong những đệ tử thân cận của Khandro Yeshe Tsogyal.
[84] Những ngôi chùa Điều Phục Biên Giới và Điều Phục Thêm là hai bộ bốn ngôi chùa được xây dựng bởi vua Songtsen Gampo, tổ tiên của Trisong Deutsen và là vị vua Giáo Pháp đầu tiên của Tây Tạng, tại các địa điểm phong thủy, để điều phục những thế lực tiêu cực của vùng đất.
[85] Tức Langdarma, vị vua cuối cùng của đế quốc Tây Tạng, vị trị vì từ năm 838 đến 842. Ông ấy bị Lhalung Palgyi Dorje ám sát.
[86] Hai vị Terton thù thắng là Guru Chokyi Wangchuk và Nyang Nyima Ozer.
[87] Lingpa là tên gọi Terton mang tính đặc trưng.
[88] Tức Hoàng tử Mutri Tsenpo, vị đã thọ nhận lời cầu nguyện Sampa Lhundrubma và pho thực hành liên quan từ Guru Rinpoche.
[89] Tức Sampa Lhundrubma – “Lời Cầu Nguyện Tự Nhiên Viên Thành Mong Ước”
[90] Điều này liên quan đến pho thực hành Sampa Lhundrub.
[91] Tức Lời Cầu Nguyện Di Chúc Đến Orgyen Rinpoche, điều có thể được đọc như một bản văn riêng.